T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Những ghi chép vụn

clip_image002

 

1.

Thế giới chung quanh quả thật mênh mông. Ai là người dám tự hào mình đã đi cùng trời cuối đất, chưa chỗ nào chưa đặt chân qua. Đi hết biển này sẽ thấy một biển khác. Sở dĩ phải về làng là vì biết mình không còn sức vượt thêm một đại dương. Thế giới thật còn thế, huống hồ gì thế giới ảo. Có con vạc ăn đêm nào dám quả quyết mình đã từng “dẫn chuột” đến mọi ngõ ngách thế giới vô hạn này, chưa có bất cứ nơi nào chưa “click” vào, dù thế giới ấy chỉ mới là thế giới người Việt ở cả hai bên một bờ đại dương. Chỉ mới có thế thôi, mà đã tưởng chừng như mình đang lạc giữa một khỏang không gian ngút ngàn, không có bờ, không có bến, không hề biết đến giới hạn.

Trong thế giới mênh mông ấy, tôi và các bạn hữu đang chứng tỏ sự hiện hữu khiêm tốn của mình. Một sự hiện hữu chẳng để so tài với ai, chẳng để ầm ĩ làm phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi, chẳng để lập trường tuyên ngôn cho thỏa cơn ẩn ức cuối đời. Chỉ để sống thêm một đời sống (ảo) mà mình được tự do lựa chọn, bên cạnh một đời sống (thực) vốn không có nhiều cơ hội cho mình được thể hiện trọn vẹn là mình.

Trong thế giới nhỏ bé của chúng tôi, không có những “tên tuổi thành danh”, không có những tước vị (được phong hay tự phong) đứng trước những cái tên xòai, mít, ổi, mận, thế nên cũng không có chỗ cho những ảo tưởng tội nghiệp thường xuất hiện lúc cuối đời (một con người).

Thế giới ảo dễ làm cho người ta mơ màng theo ảo giác. Cái ảo giác tưởng rằng mọi rắc rối trên đời này đều có thể được giải quyết bằng những cái “click chuột”. Thực tế chứng minh ngược lại, chúng chỉ gây thêm những rắc rối cho cuộc đời thật vốn đã có không ít những hệ lụy.

2.

Đã gần một tháng, từ ngày trang T.Vấn & Bạn Hữu chính thức trình làng. Sự đón nhận ban đầu thật khích lệ, từ cả người viết lẫn người đọc. Số lượng bài vở phong phú ở nhiều thể lọai, bảo đảm một sự tồn tại lâu dài, không đến nỗi ở trong tình trạng khá quen thuộc của nhiều trang mạng “tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa”.

Những cây bút sung sức như Ngộ Không, Lưu Na, Thảo Nguyên, Ngân Bình, Đỗ Xuân Tê, Phila Tô, Ngọc Phi v. . .vẫn tiếp tục nhả tơ như bấy lâu nay luôn cần mẫn chăm chỉ. Có lẽ họ chỉ ngừng viết khi không còn hơi để thở, không còn sức để “gõ”.

Nữ họa sĩ Hà Hùynh Mỹ ở Việt Nam, sau những chuyến xuất ngọai tìm cảm hứng hứa hẹn sẽ ra đời thêm những tác phẩm mới.

Phạm Chinh Đông, người bạn hiền lành chỉ biết một đam mê duy nhất là nhạc, đang chuẩn bị một Album nữa trước cuối năm nay.

Đặc biệt, anh Hòai Nam ở Australia đang tìm thì giờ hòan chỉnh một chương trình giới thiệu nhạc ngọai quốc lời Việt gồm 50 episodes sẽ được gởi đến người yêu nhạc trong nay mai.

Trong công việc, chúng tôi đã trở thành những người bạn tâm giao, dù chưa một lần hội ngộ trong thế giới thật.

clip_image003

Chỉ một lần vừa rồi trong chuyến đưa con gái đi học ở Houston, tôi đã được dịp “chén trà sáng, cốc rượu chiều” (chữ của nhà văn Nguyễn Xuân Hòang) với Ngộ Không Phí Ngọc Hùng và Trần Ngọc Tự. Dĩ nhiên, câu chuyện chính vẫn là xoay quanh những công việc phải làm cho trang T.Vấn & Bạn Hữu. Sự tận tụy của hai người bạn này khiến tôi xúc động. Từ nay, vui buồn của trang Web nhỏ bé này, cũng sẽ là vui buồn của nhiều người. Nhờ con chữ, chúng tôi kết bạn. Vì con chữ, chúng tôi chia sẻ với nhau sự đam mê. Qua con chữ, chúng tôi thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, với nhau, với độc gỉa, với những thế hệ Việt Nam mai sau.

Trong câu chuyện, chuyên mục “Tác Giả Tác Phẩm” do anh Ngộ Không phụ trách đã được bàn thảo chi tiết. Đây là một công trình rất quy mô, nhưng cũng khá tế nhị trong việc tuyển chọn. Như đã được minh định rõ trong Lời Dẫn Nhập của chuyên mục, người phụ trách “ . . . chỉ làm công việc góp nhặt sỏi đá, nên không hề có ý định làm công việc của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, cũng không có ý định xếp lọai, đánh giá các tác giả, tác phẩm . . . “. Dù vậy, chúng tôi bảo nhau rất nên cẩn thận khi giới thiệu những tác gỉa. Mặt khác, với ý thức mãnh liệt về sự tự do trong công việc của mình, chúng tôi chỉ cho phép mình bị chi phối bởi sự chủ quan (vốn rất khó tránh khỏi) và sự hạn hẹp trong kiến thức của chính mình mà thôi. Về thứ tự giới thiệu những tác giả, tác phẩm, tuy dựa trên thứ tự mẫu tự ABC của tên tác giả, chúng tôi cũng tự dành cho mình “sự du di” dựa vào những phán đóan chủ quan. Thí dụ như vừa rồi chúng tôi đã giới nhiệu nhà văn Khuất Đẩu với vài tác phẩm tiêu biểu của ông, nhất là tập truyện vừa “Những tháng năm cuồng nộ” và cái nhìn tinh tế của anh Đỗ Xuân Tê đối với tác phẩm vừa xuất hiện đã đưa cái tên Khuất Đẩu đến với rất nhiều người đọc trong cũng như ngòai nước.

Điều rất may mắn là anh Ngộ Không hiện nay đã về hưu, không còn phải vật lộn hàng ngày với cơm áo gạo tiền nữa. Nhờ vậy, niềm đam mê chữ nghĩa của anh được dịp tung hòanh 24 tiếng một ngày. Mới buổi chiều, tôi gởi đến anh lời đề nghị. Nửa đêm, mở hộp thư đã thấy lời đề nghị thành hiện thực. Sự tận tụy của anh Ngộ Không đã không cho phép tôi được phút nào chểnh mảng với công việc mới đầu tưởng chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh” này. Sự tận tụy và khả năng dành tòan tâm tòan ý cho chữ nghĩa của anh Ngộ Không cũng đã cho chúng ta những sự thích thú với chuyên mục “Chữ Nghĩa làng văn”, một công trình đòi hỏi thì giờ, sự kiên nhẫn và khả năng đãi cát tìm vàng của tác giả.

3.

Với riêng tôi, quả đúng là tôi có hai đời sống. Một là những vui buồn sướng khổ của cuộc sống hàng ngày, những trách nhiệm phải chu tòan, những bổn phận phải thi hành không được phép kêu ca. Một là thế giới ảo hàng đêm với những bận bịu, những suy tính, những băn khoăn và đôi khi những chán nản, bực bội. Nhưng, cũng như đời sống trong thế giới thật, đời sống trong thế giới ảo cũng có những cái mà tôi có thể nói “ . . . dù đớn đau thống khổ, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này . . .”. Cả hai đời sống ấy, có tách biệt nhau ra không hay quyện lấy nhau làm một? Thú thực, trên nguyên tắc, chúng là hai thế giới song song, không bao giờ có điểm gặp. Nhưng, trong thực tế, tôi đã nhiều lần làm cho đời sống thật khó chịu đựng hơn vì những vấn đề của đời sống ảo. Những lúc ấy, tôi thấy mình thật không công bằng với gia đình.

4.

clip_image005

Có độc giả, thắc mắc tại sao trong khi hầu hết những tác giả khác đều có một bức hình chân dung làm vốn bên cạnh vài hàng giới thiệu thân thế, tên tuổi, còn riêng tôi thì lại là bức hình vẽ anh chàng cong lưng vác cái bị “đọan trường thất thanh” trên vai.

Bức hình ấy do anh bạn Trần Thanh Châu vẽ vào những ngày đầu tiên chúng tôi khăn gói “tình nguyện” đi tù tháng 5 năm 1975. Cái mũ ấy, cái áo ấy, bản mặt ấy chính là tôi dạo đó. Cái túi ba lô mang tên “đọan trường thất thanh” có nguyên ủy từ một ý tưởng ngông cuồng tôi ôm ấp khi quá tuyệt vọng với cuộc sống tù đày ra đi không biết, không có ngày trở về, với thân phận một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam sinh ra trong một thời đại nhiễu nhương. Tôi tâm sự với Thanh Châu, Nguyễn Du có Đoạn trường Tân thanh, Phạm Thiên Thư có Đoạn trường Vô thanh thì tôi sẽ viết Đọan trường thất thanh (đọan trường một tiếng kêu trời thất thanh). Công trình được bắt đầu với vài trăm câu lục bát. Người bạn Thanh Châu cũng góp phần bằng bức tranh “đọan trường thất thanh” minh họa “nỗi đau tắt tiếng” của tác giả ngay trang đầu. Rồi thì những cuộc chuyển trại, những cuộc khám xét của công an cai tù đã làm tôi nhụt chí, cộng thêm với sự đói khát của cơ thể, sự rã rời của tâm hồn. Kết cuộc, cả đến mấy trăm câu lục bát đó cùng với bức tranh tôi cũng không giữ được. Tôi đã thủ tiêu chúng cho rảnh nợ.

Nhiều năm sau, ổn định cuộc sống trên xứ người, Châu đã vẽ lại được bức tranh “đọan trường thất thanh” dựa vào trí nhớ. Còn tôi, mấy trăm câu thơ đã bị chôn chặt nơi núi rừng Yên Bái, chịu chung một số phận với tuổi trẻ của chúng tôi. Để tưởng niệm một đọan đời không thể nào quên ấy, tôi chọn bức tranh cũ làm khuôn mặt của mình.

5.

Dù sao thì tôi cũng rất mãn nguyện. Anh em bằng hữu chúng tôi đã góp tay tạo được một sân chơi lúc gần đi hết đường đời. Rồi đây, sẽ đến lúc mọi người lần lượt bỏ cuộc chơi về cõi hư vô. Từ thế giới ảo bước vào cõi hư vô hẳn không phải là một cách biệt lớn. Nhưng những chiếc ghế trống chắc chắn vẫn sẽ còn được dành riêng cho từng người. Để bạn bè, kẻ còn, lúc nhớ đến người mất, biết được một nơi đến đó mà tìm hình bóng (ảo) của bạn.

T.Vấn

Tháng 8 năm 2011

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search