T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Sài Gòn ngày trở lại

clip_image002

Tháng 6, tôi về

Trên chiếc xe đò giục gĩa

Thành phố cũ rêu phong

(Ngày tôi về – Thơ: Ngọc Phi. Nhạc: Trần Lê Việt)

1.

Cuối năm 1983, sau gần 9 năm xa Sài Gòn, – thành phố của cả một thời tuổi trẻ đấy ắp những mơ ước cho đời, cho mình – tôi đặt lại bước chân mệt mỏi trên mảnh đất cũ với tâm trạng của một kẻ phụ tình, kẻ bất lực, kẻ đáng kiếp lưu đầy. Sau lưng tôi, những ngày tháng tù ngục thoang thỏang như một giấc ngủ trưa dậy muộn, bỗng bừng mắt, thấy mình như cái ông Hạ Trí Chương (1) nào đó bên Tàu. Ông này giã nhà ra đi tìm công danh sự nghiệp từ khi còn rất trẻ. Sau gần 50 năm trải qua bao thăng trầm trong bước công danh hoạn lộ, ông trở về thăm lại quê xưa, tìm kiếm bạn bè cũ, nhưng chẳng còn mấy người sống sót, duy chỉ có mặt hồ trong như gương trước ngõ vẫn còn nguyên vẹn những dợn sóng ngày xưa. Đếm bước chân buồn tênh trên hè phố cũ, tôi bùi ngùi nhớ lại giây phút cuối cùng chia tay với những người bạn vẫn còn mòn mỏi chờ đợi tấm giấy ra trại (giấy tha tù cải tạo), và hình ảnh mình ôm cây đàn thô sơ tự chế, hát những lời nhạc tiên tri:

Khi ta về, nhìn Sài Gòn thật quen

Ngày đêm nào ta chẳng thấy trong mơ

Sài Gòn ơi, sao nhìn ta xa lạ

Bao năm rồi, đâu phải mới hôm qua

(Sài Gòn ngày trở lại – Nhạc và lời:Trần Lê Việt)

Và cứ thế , trong cái ngậm ngùi khi nhìn lại thành phố tuổi trẻ và tấm thân xác “gìa háp” mới 33 tuổi, bài hát của anh bạn nhạc sĩ đã từng chia sẻ ngọt bùi với tôi hầu như gần 9 năm cuộc đọan trường thất thanh cứ đuổi theo từng nẻo đường tôi bước qua trong ngày đầu tiên tái ngộ Sài Gòn. Sự ra đi của ông Hạ Trí Chương là một cuộc ra đi lập thân. 50 năm xa quê của ông là 50 năm ông lao vào cuộc giành giựt những hư ảo đời người. Ông chỉ trở về lại quê hương sau khi đã chán chê mọi thăng trầm cuộc đời vốn nhẹ tênh như lá mùa thu. Còn sự ra đi của chúng tôi là một cuộc lưu đày, dẫu mới chỉ 9 năm, nhưng có khác gì hai chàng Lưu Nguyễn xưa, quên mất cả lối về:

Có mấy ngã đường, dẫn vào thành phố

Khi bước chân về, bối rối bơ vơ

Biết lối đường nào về vùng kỷ niệm

Tìm lại dùm ta dáng nhỏ quen xưa

(Sài Gòn ngày trở lại – Nhạc và lời: Trần Lê Việt)

Sài Gòn những năm đó, là một thành phố chết. Người Sài Gòn thực sự, lớp bỏ nước ra đi từ tháng 4/75, lớp vượt biên, lớp tù cải tạo, lớp đi kinh tế mới. Người Sài Gòn còn lại (lúc ấy) chỉ sống dật dờ như những cái bóng. Và câu thơ Nguyên Sa bỗng như lời mai mỉa. Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Thế nên, người nhạc sĩ, dù bị che khuất bởi những hàng rào kiên cố của trại giam ở một nơi xa tít tắp tận miền trung du Bắc Việt, vẫn nhìn thấy được:

Sài Gòn nay, không còn áo lụa

Sao ta nghe xót bỏng trong lòng

(Sài Gòn ngày trở lại – Nhạc và lời: Trần Lê Việt)

clip_image004

Cũng khỏang thời gian này, có một đòan phim người nước ngòai đến Sài Gòn quay ngọai cảnh cho cuốn phim Người Tình (L’Amant), phỏng theo một cuốn tiểu thuyết tự truyện có cùng tên của nhà văn nữ người Pháp Marguerite Duras. Một hôm, họ đến trường Trung học Petrus Ký (bây giờ là Lê Hồng Phong) ở đường Cộng Hòa để quay cảnh cô gái Marguerite (nhân vật chính của truyện và phim) sinh họat tại trường học. Thực ra, trường mà Marguerite theo học là trường nào thì trong quyển L’Amant không thấy nói tới, nhưng trong phim, họ vẽ chồng hàng chữ Lycee’ Chasse Aux Loups lên trên cái tên Lê Hồng Phong. Dạo ấy, tôi – thân phận ngụy cải tạo không dễ gì kiếm công ăn việc làm -, nên vẫn cứ ngày ngày lê đến mòn vẹt đôi dép làm bằng nhựa tái sinh trên các nẻo đường quen thuộc cũ, như muốn tìm lại những “dáng nhỏ quen xưa“. Và đúng hôm họ cô lập khúc trường Petrus Ký để quay phim Người Tình là hôm tôi tìm về ngôi trường cũ của 7 năm trung học. Tất nhiên, tôi chỉ có thể đứng ngòai quan sát mấy chiếc xe kéo thời 1930 và những người ngọai quốc mặc đồ trắng tinh, và hình như tôi có nhìn thấy thóang qua bóng nữ tài tử Jane March (lúc ấy mới 18 tuổi), người đóng vai Marguerite, người tình của vị công tử người Tàu con nhà giàu sinh sống tại Sài Gòn thời đó.

Bẵng đi, thời gian có đôi cánh của lòai chim bay nhanh nhất. Tôi mải mê sống cho hết cuộc đời ngắn ngủi còn lại của mình. Lập gia đình, tái định cư tại Mỹ theo diện HO, rồi sinh con đẻ cái. Người bạn nhạc sĩ, tác gỉa bài hát nói về Sài Gòn, vốn chia sẻ cùng số phận với tôi từ gần 9 năm trong tù, khi ra tù (sau tôi khỏang nửa năm), cũng bị cuốn theo dòng đời, cũng lập gia đình muộn màng, cũng đến Mỹ theo diện HO, cũng ở cùng với tôi một thành phố nhỏ bé hiền hòa vùng trung Tây nước Mỹ.

Một đêm, như thường lệ, tôi mở truyền hình xem vài đọan phim trước khi đi ngủ. Tình cờ, cuốn phim đang được chiếu là phim Người Tình (The Lover). Sài Gòn của những năm sau khi ra tù lang thang vất vưởng lại hiện về trong tôi. Và tất nhiên, cả bài nhạc kỷ niệm “Sài Gòn ngày trở lại” của Trần Lê Việt. Đọan cuối cuốn phim, cô gái ngồi bệt xuống sàn tàu, ôm mặt khóc nức nở sau khi đã lần theo tiếng nhạc Chopin, âm hưởng của một thời gắn bó với người tình Trung Hoa phát ra từ căn phòng tiếp tân trên boong tàu. Có người nào đó vừa ngồi xuống dương cầm lướt nhẹ một tấu khúc, cái tấu khúc nói về ngày hôm qua huy hòang đẹp đẽ đã hòan tòan biến mất. Từng nốt nhạc rót vào lòng cô, khiến cô bỗng, lần đầu tiên, nhận ra mình đã yêu người thanh niên châu Á ấy quá đỗi. Bầu trời đêm rực rỡ những vì sao, tiếng dương cầm réo rắt và khuôn mặt nhòe nhọet nước mắt của cô gái trẻ đẹp. Cùng lúc với tiếng dương cầm nhỏ dần đi và khuôn mặt nữ tài tử Jane March mất hẳn trong bóng tối, âm thanh của bài hát Sài Gòn của Trần lê Việt và những ngày tháng cũ sống lại mãnh liệt. Qua cặp kính lão bỗng mờ đi, tôi lại thấy trên màn ảnh truyền hình, bóng đòan xe lửa chuyển tù cải tạo từ miền Bắc trở vào miền Nam tháng 5 năm 1981. Đòan xe lửa đi qua các tỉnh miền Bắc, các tỉnh miền Trung, rồi tới những địa danh rất quen thuộc của miền Nam. Đến mỗi trạm dừng, dân chúng đứng tụ tập sẵn hai bên đường xe lửa đã ném vào khoang tàu những gói thuốc, những chiếc bánh ân tình. Ở một góc cuối toa, giữa đám tù nhân tuy thân xác tiều tụy nhưng mặt mày sáng rỡ, hai người bạn trẻ tuổi chia chung với nhau một chiếc còng số 8, vẫn một người đàn, một người hát. Tiếng đàn của cây đàn tự chế thô sơ, âm thanh nghe bung bủng như khuôn mặt thiếu ăn của người đàn. Tiếng hát đứt hơi, giọng ngân nghẹn vì không có sức, vẫn cứ vang lên ngạo nghễ, như thách thức chiếc còng số 8 xiết chặt 2 cổ tay gầy guộc, như thách thức khuôn mặt hầm hầm của những người cai tù, và trên hết, như muốn ngỏ lời chào tái ngộ mảnh đất quê hương sau bao năm cách biệt. Sài Gòn ơi, sao nhìn ta xa lạ. Bao năm rồi, đâu phải mới hôm qua.

2.

clip_image006

Sau một thời gian định cư nơi xứ người, cuộc sống gia đình tương đối ổn định, anh bạn nhạc sĩ lại thôi thúc nỗi đam mê một thời tuổi trẻ. Đó là âm nhạc với những cung bậc trầm bổng của lòng người, thứ ngôn ngữ không biết đến một biên giới nào, kể cả biên giới của chủ nghĩa, của tín điều. Thực ra, từ nhiều năm, anh vẫn cho ra đời những đứa con tinh thần của mình, nhưng chỉ để cất chúng vào ngăn kéo của quên lãng và bụi bậm. Khỏang vài năm trước, anh đã thu gom những bài nhạc ưng ý nhất trong hơn 20 năm sáng tác, tự tay kẻ nhạc, trình bày, bất chấp các tiện nghi của computer, xuất bản một tập nhạc lấy tên Chiến Mã Ca. Lẽ tự nhiên, tôi được anh nhờ viết đôi lời cho tập nhạc.

. . . Và tôi có trong tay, tập CHIẾN MÃ CA của Trần Lê Việt, gồm 15 bài hát mà Tác giả muốn được gọi là những tình khúc, theo cái nghĩa không thông thường và nguyên thủy của tên gọi – nỗi lòng của con người được diễn đạt bằng sự hòa hợp của âm thanh và ngôn ngữ. 15 Tình khúc này được thai nghén, sinh đẻ và nuôi dưỡng trong suốt chiều dài hơn một phần tư thế kỷ của cơn lốc lịch sử – bị cuốn trong cơn lốc ấy là tác giả và bạn bè – với khoảng không gian cũng rộng không kém – từ miền đất lưu đày quê nhà đến lưu vong quê hương của người . Là người trong cuộc – trong thời buổi điêu linh ấy ai mà không phải là người trong cuộc – Trần Lê Việt đã nói lên, cho chính mình và cho bạn bè, những nỗi lòng bi thiết nhất về quê hương, về thân phận, về tình yêu và về bè bạn. Từng ấy hệ lụy, trên bối cảnh có một không hai trong lịch sử hiện đại , tưởng phải tốn thật nhiều giấy mực mới có thể ghi lại trọn vẹn được. Nhưng chúng tôi – những người lính năm xưa mang cùng số phận nghiệt ngã như tác giả – hình như đã thấy lại được chính mình trong những bài hát ấy. Có những bài, khi hát lên, quá khứ đau thương của chúng tôi từ nhiều năm về trước như sống lại. Vì chúng đã từng được cất lên trong những nhà tù khổng lồ từ Bắc vào Nam, trên những chuyến xe chuyển tù xếp cá hộp với từng cổ tay gầy giơ xương bị còng chung một cái còng số 8. Có những bài hát về thân phận tuổi trẻ chúng tôi cùng những ước mơ tình yêu ngày mới lớn bị thui chột vì chiến tranh, vì tù đày. Có những bài hát về nỗi cô đơn của chúng tôi những ngày lưu vong quê người, thèm được ngồi bên bạn bè để “nhắc chuyện người chuyện đời thương đau”, để cùng “nhìn về đại dương, ta thấy bóng quê nhà ở đó”. Chúng tôi gậm nhấm những vết thương chưa thành sẹo ấy trong cân não mình qua âm vang những bài hát của quá khứ, của hiện tại, để tự nhủ lòng rằng trái tim già nua này đây chưa hẳn đã nguội lạnh, vì nó vẫn còn biết đau đớn, biết khao khát, biết nói lời yêu thương với cuộc đời . . .

Trong ý nghĩa đó, CHIẾN MÃ CA là chứng từ sống về một thời đại nhiễu nhương, là kinh cầu hồn cho một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam tội nghiệp . . .

Tập nhạc này, anh in ra chỉ để gửi biếu bạn bè, như cố giữ lại một chút gì ấm áp của những ngày anh em chúng tôi chia cay sẻ ngọt, chút âm vang của một thời quá khứ tuy buồn đau nhưng không kém phần lãng mạn, và chắc chắn, rất là đáng yêu. Nhưng, nhạc in, trong thời buổi kỹ thuật tinh xảo hiện nay, cũng không có tác dụng đáng kể hơn những lọai hình văn chương khác, vì nó đã không có khả năng truyền đạt trực tiếp và trung thực của âm thanh, thứ ngôn ngữ không biên giới. Công bằng mà nói, hầu hết những bài hát trong tập nhạc Chiến Mã Ca đã được hoặc chính tác gỉa, hoặc bạn bè , giới thiệu với khán thính giả đây đó trong những buổi họp mặt bỏ túi, hay những cuộc giúp vui văn nghệ trong các chương trình công ích xã hội. Nhạc Trần lê Việt hơi kén người nghe. Nó không thỏa mãn tức thời cảm gíac người thưởng ngọan, nhưng như một ly ruợu vang ngon hợp khẩu vị, nó để lại người nghe một dư âm man mác buồn, man mác suy tư, man mác cảm khái, để rồi sau đó, tuy biết rằng uống thêm một ly rượu nữa có thể hơi “quá hớp”, tôi (người nghe) vẫn chìa cái ly không ra xin anh rót thêm cho một chút nữa. Một chút cái chất cay, đắng, thứ cay đắng làm khóai khẩu đầu lưỡi. Dạo sau này, Trần Lê Việt cũng có nhờ người viết hòa âm, nhờ người hát và thu âm những bài nhạc của mình, nhưng cũng với sự khiêm tốn và khép kín như thường lệ, anh chỉ giới thiệu chúng với những bạn bè thân quen, như một hình thức giao duyên văn nghệ. Thực tâm, tôi cũng không muốn thúc đẩy anh bước chân vào cõi hồng trần đầy bụi bậm của những tên tuổi thành danh từ bao năm nay. Mặc dù, tôi tin rằng anh là người sinh bất phùng thời. Chỉ cần chen được một chỗ đứng ngòai kia, người ta sẽ phải chú ý đến dòng nhạc khá đặc biệt của Trần Lê Việt. Nhưng đã quá muộn cho anh chen chân tìm một chỗ đứng. Qúa muộn cho một người luống tuổi như anh mang danh xưng “tài năng mới”. Qúa muộn cho một trái tim nghệ sĩ mong manh tập cho mình sức chịu đựng những thương tổn. Vì thế, người bạn nhạc sĩ của tôi bằng lòng với chính mình, vì với anh, âm nhạc là cho anh, trước khi đến với người khác, dù người khác ấy là bạn bè.

Một điều thú vị là gần phân nửa những bài nhạc của Trần Lê Việt là nhạc phổ từ thơ. Anh có con mắt thẩm thơ thật tinh tế, bài thơ nào anh chọn cũng rất hay. Bài thơ Trần Lê Việt chọn phổ nhạc, tự nó, nếu đứng một mình, là một khí hậu riêng, một thế giới riêng. Khi bài thơ ấy vào trong nhạc Trần Lê Việt, cũng vẫn câu thơ ấy, cách ngắt câu ấy, nhưng Trần Lê Việt đã thổi một khí hậu mang tên của mình vào bài thơ, đem lại cho bài thơ một thế giới mới, với những cung bậc âm thanh mới. Thơ là sự kết hợp hàng ngang(phải, trái) của chữ (và nghĩa). Nhạc là sự kết hợp hàng dọc (cao, thấp) của âm thanh. Thơ Nhạc hòa quyện để tạo nên một vòng tròn trọn vẹn của trời, đất và người. Để tạo nên sự hòa hợp ấy thật không dễ dàng gì. Ngọc Phi là một nhà thơ được Trần Lê Việt chọn khá nhiều bài để phổ nhạc. Trong đó, nổi bật nhất là bài Bài Tống Biệt (2). Trọn vẹn bài thơ được đưa vào bài nhạc, không thừa không thiếu một chữ. Ngọc Phi mở và đóng bài thơ bằng cảm quan chữ nghĩa của người làm thơ. Trần Lê Việt mở và đóng bài nhạc (với câu chữ của thơ) bằng cảm quan âm thanh của người viết nhạc. Hai thế giới, tuy khác biệt mà hòa quyện, tuy hòa quyện mà vẫn giữ được bản sắc riêng của chức năng (thơ và nhạc), tuy vẫn giữ được bản sắc riêng của chức năng mà không gây cảm giác “trớt quớt” (thơ đi đằng thơ, nhạc đi đằng nhạc). Một bài thơ khác của Ngọc phi, “Hoa Vu lan”, được TLV phổ nhạc, cho thấy một cách “tiêu hóa” khác của người nhạc sĩ trong lúc đem cảm quan âm thanh của mình “viết lại” bài thơ của thi sĩ. Bài thơ là những câu chữ ngắn dài, nhằm biểu lộ phóng khóang nhất tâm tình của đứa con “tuổi năm mươi” đang nghĩ về người mẹ của mình. Cũng với sự phóng khóang ấy, TLV nhặt từng câu thơ trong bài, chỗ này một câu, chỗ kia một câu , kết hợp chúng lại theo một cấu trúc âm nhạc, để những câu chữ ấy sống đời sống âm nhạc như chúng đã sống đời sống thơ khi còn nằm trong bài thơ. Sáng tạo, đó là phương châm của người sáng tác, anh ta không thể đi theo lối mòn của chính mình, huống gì người khác. Và TLV ý thức rất rõ điều đó.

Nhạc của TLV còn cho thấy một mối tương quan, tưởng chừng như ngẫu nhiên, mà không ngẫu nhiên chút nào, giữa người viết Lời và người viết Nhạc. Điển hình là bài Chiến Mã Ca, với nhạc của TLV và lời của Lê Xuân Nho. Đó không phải là một bài nhạc phổ từ thơ, mà là hai người cùng góp sức để tạo ra “đứa con chung”. Nội dung bài nhạc, ngay từ tên gọi, là cái bi hùng của người tráng sĩ lúc sa cơ. Trong một tiết tấu chậm, lắng đọng, âm thanh khi trầm buồn u uất, khi cao vút như muốn thét cho vỡ toang đất trời, hòa với lời nhạc tuy câu chữ đơn giản nhưng cô đọng:

Mài gươm trong cô đơn. Người nuốt những hờn căm. Ngựa nuôi móng non thay bờm, trên quê hương sầu thương. Đường xa dẫu xa muôn trùng trong đêm nay ngựa phi, lên đường. Bóng dõi bóng quê hương.

Chiến mã tiến đến sát dòng sông, đêm quê hương mênh mông, sao chưa hừng đông . . .

(Chiến mã ca – Nhạc: Trần Lê Việt, Lời: Lê Xuân Nho)

Mấy dạo trước, cứ đến ngày 30 tháng 4 hàng năm, các trang mạng điện tử hải ngọai lại cho lên lưới bài hát “Tháng Tư đen”. Bài hát này là cũng một kết hợp đáng chú ý giữa người viết nhạc là Trần Lê Việt và người viết lời Lê Xuân Nho. Bài nhạc có nhịp điệu nhanh, dồn dập những câu hỏi nối đuôi nhau “em, em có biết tại sao, tháng tư 29 ngày. Em, em có biết tại sao, tháng tư ba mươi mốt đêm . . . Em, em có biết tại sao . . . “, cứ thế nhạc và lời xô đẩy nhau, như thúc hối người nghe hãy đi tìm ngay câu trả lời cho biến cố lớn nhất thời đại.

Gần đây nhất, Trần Lê Việt còn viết nhạc phổ từ . . . văn. Bài ” \Căn nhà gỗ”, có những đọan . . . văn quyện nhạc:

Trên chuyến xe chiều lên Đà Lạt, tôi ngồi buồn đếm những căn nhà gỗ chơ vơ. Và nhớ đến căn nhà xưa nằm cheo leo bên bờ kinh Nhiêu Lộc, một thời gia đình tôi, một thời thơ ấu.

Tôi nhớ tiếng rao đêm của mẹ, gánh hàng đầy đổi lấy bao hạnh phúc cho con. Và nhớ dáng cha ngày xưa, còng lưng trên những vòng xe cơ cực. Vòng nào cho niềm tin, vòng nào cho ước mơ . . .

(Căn nhà gỗ – Nhạc Trần Lê Việt – Ý văn: Nguyễn văn Phương)

Tác giả đỏan văn “Căn nhà gỗ”, Nguyễn văn Phương, hồi đáp cho người “phổ nhạc” như sau: “Thơ đi với nhạc, thường là vậy. Thơ phổ nhạc ca từ đượm chất thơ và hồn thơ được tải bởi nhạc dễ quyện hơn. Vậy mà người nhạc sĩ, tôi nghĩ anh còn nghệ sĩ hơn …nhạc sĩ, vì đã làm cái chuyện … chưa ai làm: từ một entry – một đỏan văn nhớ, một cảm xúc vu vơ – tách cho cảm xúc thành nhạc (hay nhạc sĩ muốn cho nó thành … thơ luôn?). Có lẽ chỉ có thể hiểu, một cách hiểu duy nhất, phải chăng anh do bởi một tấm lòng – người nghệ sĩ – mới làm một điều LẠ vậy! N.V. Phương).

3.

Âm nhạc là hồi ức, thứ hồi ức người ta sẽ mang theo suốt đời, cho đến lúc chết. Một bài nhạc quen thuộc, đôi khi còn đóng vai trò một que diêm, bật lên để soi rọi cả một khỏang quá khứ bụi bậm.

Như giao khúc Chopin mà cô gái Marguerite Duras của “Người Tình” hằng mang theo trong lòng, cùng với hình bóng khó phai mờ của người tình Trung Hoa, dù sau này, cô đã trở thành một nhà văn lừng lẫy với trên 50 tác phẩm để đời. Cái hồi ức đó đã dẫn cô vào con đường nghệ thuật và hẳn sẽ ở cùng với cô (bà) vào giây phút cuối cùng của cuộc đời. Như bài hát về Sài Gòn, đã theo với bước chân tôi từ những ngày còn lê tấm thân tàn giữa rừng gìa Bắc Việt, bụng thì đói cồn cào nhưng tâm tư vẫn cứ ngưỡng vọng Sài Gòn, mảnh quê hương chứa đựng cả thời tuổi trẻ. Một nhạc sĩ nổi tiếng từ miền Bắc, khi ghé vào Sài Gòn đã có quyết định ngay tức khắc sẽ ở lại Sài Gòn phần còn lại của cuộc đời. Theo ông, Sài Gòn là thành phố “buộc người ta chẳng thể lướt qua mà không nhớ – (Phú Quang)”. Với một người “khách lạ” của Sài Gòn còn như vậy, huống gì tôi.

Huống gì người nhạc sĩ gần suốt một đời gắn bó với Sài Gòn. Vì thế, nhạc của anh là thứ hồi ức ngọt ngào ấy, cái vị ngọt pha chát của ly rượu vang, có lúc làm tôi ngần ngại không dám uống, sợ bị say trong lúc cần tỉnh táo nhất. Vận nước đã đẩy chúng tôi ra khỏi cái nôi của những tiện nghi tâm hồn là thành phố thân yêu ấy, để hôm nay, đứng từ một mảnh đất xa tít tắp, cứ ngóng về chút dư âm ngày cũ, với đôi cánh êm ái của âm nhạc. Mùa hè vừa rồi, anh bạn nhạc sĩ về Sài Gòn để mong tìm lại quê hương trong “âm nhạc” của mình. Nhưng hình như anh không tìm thấy được nhiều lắm. Cũng chỉ là “xin một lần, nhìn được người để nhớ – Sài Gòn ngày trở lại – TLV). Cũng qua TLV, tôi ngắm những cơn mưa Sài Gòn năm nay với hình ảnh những người dân quê biểu tình co ro đứng trú mưa dưới hàng hiên những cơ quan công quyền đồ sộ. Chợt vang vang trong tiềm thức bài hát thuở nào chúng tôi cùng cất tiếng giữa đồi trà mênh mông của Vĩnh Phú, Bắc Việt:

Ta sẽ về, ôm trọn thành phố trong tay

Nhìn hàng me xưa già cỗi trong mong chờ

Được bước giữa phố thênh thang

Thảnh thót tiếng hát giáo đường

Dù phải, thở hơi cuối cùng

(Thành phố lá me xanh – Trần Lê Việt)

T.Vấn

Wichita – Tháng 8/2007

________________________________________________

(1) Ông Hạ Trí Chương là tác gỉa bài thơ Hồi Hương Ngẫu Thứ ( Ngẫu Nhiên Khi Về Quê ):

Quê nhà xa cách tháng năm,

Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời

Mặt hồ gương trước ngõ soi

Gió xuân chắc chẳng đổi đời sóng xưa

(Hải Đà dịch)

(2) Nguyên văn bài thơ Bài Tống Biệt:

Nhớ mùa xuân nào em đi

Hoa cúc hoa đào ngơ ngác

Chiều nghiêng tà áo vu qui

Mắt đời xôn xao luyến tiếc

Có chàng mặc áo tình si

Hát hòai câu ca tống biệt

Ôi em, mùa xuân sang sông

Lệ chảy hai hàng xanh biếc

Thương chàng một kiếp long đong

Bàn tay lạnh đấy sương tuyết

Nhớ câu thơ buồn mênh mông

Câu thơ đong đầy bóng nguyệt

Ôi em, mùa xuân sang sông

Như chim bay xa biền biệt

Áo chàng nay đã sương phong

Cung đàn rưng rưng mộ huyệt

Hư vô hai bàn tay không

Thiên thu một bài tống biệt

(Ngọc Phi- San Jose 03/05)

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search