T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nắng Sài Gòn, Nắng Hán Thành

clip_image002

Đường Tự Do và nhà hàng Givral của Sài Gòn hôm nay

Nắng Sài Gòn,

Anh đi mà chợt mát

Bởi vì em,

Mặc áo lụa Hà Đông . . .

(Áo lụa Hà Đông -Nguyên Sa)

. . . Sài gòn nay, không còn áo lụa

Sao ta nghe, cháy bỏng trong lòng . . .

(Sài Gòn ngày trở lại – Trần Lê Việt)

So sánh đất nước Việt Nam hiện nay với một số quốc gia khác ở cùng khu vực như Thái Lan, Tân Gia Ba (Singapore), Nam Dương (Indonesia), Đài Loan v..v.. là một việc làm thừa thãi và đau lòng. Dầu vậy, khi hít lấy hít để cái không khí trong lành của bầu trời Hán Thành (Seoul, thủ đô của Nam Hàn) một buổi sáng nắng nhẹ cuối tháng 7 năm 2009, tôi không thể không liên tưởng đến thành phố Sài Gòn mình vừa mới chia tay sau hơn 3 tuần lễ về thăm gia đình. Không liên tưởng sao được khi lồng ngực tôi đang đầy ắp những bụi bậm, khói xe, khói thuốc vốn thường xuyên bao phủ thành phố gần 10 triệu dân, nay được dịp thải chúng ra và thay vào bằng thứ không khí cũng của châu Á, vừa tinh khiết vừa êm ả, vừa không “mịt mù cát bụi” (chữ của báo Thanh Niên phát hành ở Việt Nam mô tả những con đường lồi lõm, trùi sụt, nhan nhãn những lô cốt – công trình đào đường lắp ống thóat nước – của thành phố Sài Gòn), vừa không “sương mù vì khói thuốc lá, vì khói xe gắn máy, xe tắc xi, xe con chở quan lớn, xe búyt to đùng có bề ngang lớn hơn nửa mặt đường”, vừa không nhức óc đinh tai vì tiếng kèn xe (người nào chạy xe gắn máy mà không biết bóp kèn xe chắc chắn không phải là dân Sài Gòn), tiếng máy nổ gầm rú, tiếng rao hàng (có người còn dùng cả hệ thống khuyếch âm với băng thu sẵn để giới thiệu và mời gọi khách mua hàng).

clip_image004

Một đường phố khu trung tâm Hán Thành

Hán thành là một thành phố đảo, vây phủ chung quanh là núi (dãy Nam Sơn – Namsan hay South Mountains) và là trung tâm của bán đảo Korea. Vào tháng 7, khí hậu nóng nhưng cũng chỉ cao nhất vào khỏang 30 độ C (86 độ F). Cũng với dân số đông đúc gần 10 triệu dân, như Sài Gòn *, nhưng Hán Thành lại là thành phố kiểu mẫu ở châu Á, và được thế giới mệnh danh là “linh hồn của châu Á” (Soul of Asia). Vào lúc thành phố Sài Gòn được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” thì Hán Thành vẫn khiêm tốn, chưa được thế giới biết tới. Trên một hè phố chính gần trung tâm thủ đô, tôi nhìn thấy những người cao niên chậm rãi đi lại trên lề đường thật rộng, phần lớn đều mang dù để che cái nắng nhẹ dù trời gần xế trưa, nét mặt họ thanh thản dường như không một chút lo nghĩ. Có lẽ họ đi ăn trưa ở những quán ăn rải rác đây đó, hay đi chùa ở ngôi chùa lừng danh Bongeun-sa có lịch sử hàng chục thế kỷ tọa lạc ngay khu phố Gangnam-gu nhộn nhịp ở kế bên, ngôi chùa mà ngay ngày thường trong tuần như hôm tôi đến thăm, vẫn có đông đảo thiện nam tín nữ ra vào đảnh lễ, đọc kinh và cầu nguyện. Không chỉ người già đi chùa, ngay trước cổng chùa, một đám đông khỏang vài chục người, phần lớn đều khá trẻ, đứng cúi đầu nghiêm trang nghe một vị sư nói chuyện. Ngòai đường phố, không một chiếc xe gắn máy nào qua lại. Người hướng dẫn viên du lịch cho tôi biết, ở Đại hàn, hầu hết các gia đình đều đã có khả năng mua sắm xe hơi, nên xe hơi là phương tiện vận chuyển chính (như nước Mỹ). Trên những con đường rộng 4 lanes, 6 lanes hai chiều, là những dãy xe hơi với 95 phần trăm mang nhãn hiệu Đại Hàn Hyundai, Kia đủ kiểu, đủ màu sắc. Thỉnh thỏang tôi mới bắt gặp một chiếc xe hiệu Honda hay Toyota của Nhật, chiếc Buick của Mỹ. Ở Sài Gòn nơi tôi vừa rời khỏi, phần rất lớn xe hơi là xe Toyota của Nhật, số còn lại là Mercedes của Đức, Ford của Mỹ . Bên cạnh đó là đội ngũ xe gắn máy đông đảo luôn luôn thống lĩnh đường phố. Con số thống kê của Cục Đăng Kiểm (xe gắn máy) Việt Nam trong năm 2008 là 3 triệu 8 trăm ngàn chiếc ở Sài Gòn và 1 triệu 7 trăm ngàn chiếc ở Hà Nội. Làm chủ một chiếc xe hơi ở Việt Nam phải là những “bậc” đại gia¸mà số này thì rất hiếm.

clip_image006

Một đường phố khu trung tâm Sài Gòn

Nhớ lại đường phố Sài Gòn, tôi vẫn còn cảm giác lo sợ, hãi hùng mỗi khi phải di chuyển đây đó. Cuộc sống trên đường phố phản ánh thật rõ nét cuộc sống tòan diện của người dân. Ở Sài Gòn, người ta giành giật nhau để sống. Trên đuờng phố, người đi bộ giành đường theo lối người đi bộ, người đi xe gắn máy giành đường theo lối người đi xe gắn máy, người lái xe hơi giành đường theo lối người đi xe hơi. Phải giành đường, mới có thể di chuyển được. Tôn trọng luật lệ giao thông với những đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng đôi khi có thể tự chuốc lấy những cú húc từ đằng sau gây thương tích cho mình, hoặc thiệt hại cho xe, hay nhẹ nhất, những tiếng chửi tục tĩu. Bí quyết lái xe trên đường phố Sài Gòn, dù xe hơi hay xe gắn máy, là phải xem như trên đường phố không có chiếc xe nào trước mặt, không có chiếc xe nào bên trái, bên phải. Muốn rẽ trái, rẽ phải, cứ việc “vô tư”chuyển đầu xe, đâm thẳng vào dòng xe cộ phía trước. Rồi thì những chiếc xe sẽ tự tránh nhau để anh cứ đi đường anh, tôi cứ đi đường tôi. Cuối ngày, chúng ta vẫn không hề hấn gì, vẫn bình an ngồi thỏai mái bên những quán cóc lề đường, những quán nhậu sang trọng nhan nhản khắp nơi (nếu có tiền) hay những quán cà phê thời trang mọc lên như nấm sau mưa. Từ họat cảnh trên đường phố, người ta có thể hình dung ra cuộc mưu sinh khổ nhọc mà dân Sài Gòn đang phải đối phó hàng ngày. Cuộc mưu sinh nào cũng khổ nhọc, cũng gay go vất vả, nhưng cuộc mưu sinh trên đất nước chúng ta hôm nay khiến một kẻ xuất thân khố rách áo ôm như tôi với một thời ấu thơ bữa đói nhiều hơn bữa no cũng phải lắc đầu, le lưỡi.

Bây giờ, đường phố Hán Thành đang cho tôi một cảm giác thật yên bình, từ tốn. Ngay ở con đường chính và lớn, cũng có những dãy xe nối đuôi nhau dài dằng dặc vì là giờ ăn trưa cao điểm, nhưng không ồn ào, không chộn rộn, không giành giựt. Khách bộ hành trên đường ngòai du khách đủ màu da, ngôn ngữ, còn có những nhóm người Đại Hàn túa ra từ những nơi làm việc gần đó để ăn trưa hoặc mua sắm nhưng trong cử chỉ, tôi không thấy có gì là vội vã. Tôi không thấy những cái khẩu trang che mặt của cả đàn ông lẫn đàn bà như Sài Gòn. Vì vậy, tôi nhìn thấy được nét sung túc trên những khuôn mặt hiền lành của người dân Hán Thành. Dừng chân bên một cửa hàng bán đồ lưu niệm, người bán hàng chỉ đưa mắt nhìn tôi mỉm cười thân thiện, không ồn ào mời chào , không xuồng xã níu kéo. Đột nhiên, tôi nhớ đến những cửa hàng ở Sài Gòn và đội quân bán vé số hùng hậu gồm cả người già, đàn bà, trẻ con lúc nào cũng sẵn sàng bao lấy mình. Muốn mua chút đỉnh để giúp đỡ nhưng phải liệu xem có thể mua cho hết thảy những người đang bu quanh, những người sẽ bu quanh vì hệ thống truyền tin của họ không thua gì lối thông tin của bầy kiến đang tha mồi. Cuối cùng, chỉ còn biết bối rối cúi mặt bỏ đi chỗ khác, cố tình làm lơ trước những lời cầu khẩn vô cùng tội nghiệp.

40 năm trước, Sài Gòn thanh lịch tin rằng mình là đàn chị của một Hán Thành chậm chạp, ngờ nghệch. Những người lính Đại Hàn đến Việt Nam lúc ấy để trợ giúp trong cuộc chiến chống Cộng Sản còn mang dáng dấp kẻ ở nhà quê lên tỉnh. Họ cũng vừa trải qua một cuộc chiến tranh chia đôi đất nước: bên quốc gia, bên cộng sản. Nhưng may mắn cho họ, những người Cộng Sản Bắc Hàn không hiếu chiến như Cộng Sản Bắc Việt và cộng thêm những yếu tố địa lý khác nên họ tránh được cuộc chiến tranh kéo dài. 40 năm sau, Nam Hàn đã thuộc vào danh sách những quốc gia phát triển (Developed countries). Còn Việt Nam thì vẫn ì ạch ở cuối danh sách những quốc gia kém phát triển. Năm 1988, khi Thế Vận Hội Olympic Mùa Hè diễn ra ở Hán Thành, dân Sài Gòn – trong đó có tôi – đã phải ngồi thừ ra ngơ ngác khi chứng kiến lễ khai mạc trên màn ảnh truyền hình. Một quốc gia Nam Hàn phát triển vượt qua cả trí tưởng tượng của những cư dân lâu đời của Sài Gòn, một thứ đàn chị đương nhiên so với Hán Thành. 20 năm sau, được đứng ngay trên mảnh đất huyền thọai ấy, tôi càng thấy tội nghiệp cho trí tưởng tượng thảm hại của mình. Thói ganh tị quen thuộc đang hành hạ tôi một cách không thương tiếc thì, may quá, phía cuối khu phố chính, tôi thóang thấy một người ngồi bên đường chìa ra cái rổ ra như xin tiền khách bộ hành. Tôi vội rảo bước đến gần để xem cho rõ. Đó là một người đàn ông đeo kính đen đậm (có lẽ bị mù) áo sơ-mi sạch sẽ bỏ trong chiếc quần dài màu xanh, bên ngòai khóac chiếc áo gió vàng nhạt. Ông ngồi trên chiếc ghế bằng nhựa có lưng dựa , sau lưng để chiếc cặp da kiểu cặp da đựng máy tính xách tay (laptop). Ông đúng là người ăn xin. Vậy là Hán Thành cũng có người phải đi ăn xin. Nhưng mà sao người ăn xin ở Hán Thành cũng khác biệt một trời một vực với người ăn xin ở xứ sở của tôi như thế? Tin rằng người ăn xin ở Hán Thành bị mù, vả lại tôi không nói được tiếng Đại Hàn, nên tôi chụp ảnh ông mà không xin phép, và cũng cố tình quên không bỏ vào chiếc rổ chìa ra của ông vài trăm Won (đơn vị tiền tệ của Nam Hàn – 1 US Dollar tương đương khỏang 1, 200 Won) còn sót lại khi mua ly cà phê Starbucks ở phi trường hiện đại và lớn nhất châu Á Incheon ** cách Hán Thành khỏang 25 dặm. Trong khi đó, ở Sài Gòn mấy hôm trước, tôi xin phép ngừơi ăn xin ngồi trên vỉa hè đường Lê Lợi được chụp một bức ảnh sau khi đã bỏ trên tay anh một món tiền nhỏ. Tôi tự biện minh cho mình rằng người ăn xin ở Sài Gòn cần được giúp đỡ hơn người bạn đồng cảnh ngộ bên Hán Thành.

clip_image008

Kẻ Hành Khất của Hán Thành

clip_image010

Kẻ Hành Khất của Sài Gòn

Cuối cùng, tôi không thể không nhắc đến những “cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn quốc” tôi tận mắt nhìn thấy trong lúc làm thủ tục hải quan nhập cảnh Đại Hàn. 10 cô gái khỏang 20 tuổi, ăn mặc tuy màu sắc nhưng vẫn không che dấu được gốc gác nông thôn của mình, riu ríu bước theo một người đàn bà có dáng dấp nhân vật Tú Bà của cụ Nguyễn Du. Xong thủ tục, họ tiến về phía những người đàn ông Đại Hàn đang đứng chờ sẵn. Mỗi người Đại Hàn bước ra đón một cô. Tôi đóan chừng họ đã gặp nhau và làm giấy tờ hôn thú (?) ở Việt Nam. Hỡi những con chim Đa Đa đang lìa bỏ những người tình gần để đi lấy chồng xa với ước vọng muốn đổi đời cho mình và gia đình , tôi xin chúc các em vạn sự may mắn bên người chồng dị chủng. Đất nước chúng ta không còn là mảnh đất lành để cho các em đậu, trong đó, chúng tôi có một phần trách nhiệm.

Nắng Sài Gòn, Nắng Hán Thành! Tôi đang đứng giữa Hán Thành mà lòng cứ hướng về Sài Gòn nơi tôi vừa nói lời chia tay!

T.Vấn

Hán Thành – Wichita

Tháng 7 năm 2009

*Con số thống kê chính thức cho biết, dân số Sài Gòn của năm 2006 là khỏang 6.4 triệu dân, mật độ là 3.067 người trên 1 Km2. Trong thực tế, phải kể đến đòan người lũ lượt từ nông thôn nghèo miền Bắc, miền Trung, những con em cán bộ miền Bắc kéo nhau vào Sài Gòn lập nghiệp . Con số này chưa hề được nhà nước chính thức đề cập tới. Vì thế ,con số ước lượng 10 triệu dân của Sài Gòn cho năm 2009 là tương đối cụ thể.

* *Mỗi ngày phi trường quốc tế Incheon (IIAC) có khoảng 80,000 hành khách, 600 chuyến bay đi và đến, 7000 tấn kiện hàng, và hơn 30,000 nhân viên làm việc luân phiên trong 24 tiếng đồng hồ so sánh với phi trường Tân Sơn Nhất của Sài Gòn , tuy là phi trường lớn nhất của Việt Nam nhưng mỗi ngày chỉ có khỏang 30,000 hành khách, trong đó, phần lớn là người Việt xa xứ về thăm quê nhà. Tại phi trường Incheon, khu vực lầu 3 và 4 dành riêng cho hành khách cần tắm rửa nghỉ ngơi trong lúc chờ chuyến bay kế tiếp. Có khu vực ghế nằm miễn phí, có khu vực nhà nguyện để hành khách thực hành các lễ nghi tôn giáo riêng của mình. Có cả khách sạn đầy đủ tiện nghi với gía khỏang 45,000 Won (gía hối đóai tháng 7, 2009 là US$1= 1,200 Won) cho 6 tiếng nghỉ (thông thường, nếu chờ trên 6 tiếng, hãng hàng không sẽ chịu trách nhiệm lo chỗ nghỉ cho hành khách). Phòng tắm hơi ở tầng hầm, gía khỏang 10,000 Won cho ban ngày và 15,000 cho ban đêm (gồm luôn chỗ ngủ). Phòng tắm bông sen (shower room) ở lầu 4 giá 8,000 Won cho 30 phút tắm, muốn được xoa bóp (massage), bạn trả 60,000 Won cho 50 phút xoa bóp tòan thân và chân, 70 phút xoa bóp hương thơm (aroma massage) với giá là 120,000 Won.

Điểm nổi bật cho sự khác biệt trong cung cách phục vụ tại phi trường Incheon và Tân Sơn Nhất là ở Incheon, hành khách luôn nhìn thấy những nụ cười tươi như hoa và những cái đầu cúi xuống dịu dàng của nhân viên phục vụ. Trong khi đó, ở Tân Sơn Nhất, nụ cười là một thứ hàng xa xỉ ít hành khách nào có thể thấy được. Có lẽ là do cuộc sống qúa khó khăn chăng? Lại thêm một nỗi buồn cho người xa xứ lâu ngày trở về thăm quê.

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search