T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (21)- SHINA NO YORU (China Night – Chiều Tô Châu) – Takeoka & Saijo

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc dân gian, hoặc mang âm hưởng đặc thù dân tộc nổi tiếng quốc tế, kỳ này chúng tôi viết về bản Shina No Yoru (China Night) – một bài hát của Nhật viết về cảnh đẹp & người đẹp của Trung Hoa về đêm, nhưng lại bị Hán tộc tẩy chay, trong khi người Mỹ, nhất là các chiến binh Mỹ tham chiến tại Triều Tiên và Việt Nam, rất ưa chuộng. Trước năm 1975, Shina No Yoru đã được một tác giả đặt lời Việt với tựa Chiều Tô Châu.

Chúng tôi chọn bản Shina No Yoru để giới thiệu tới độc giả TV&BH vì đây từng là ca khúc phổ biến nhất của Nhật trong hai thập niên 1940, 1950, trong nước cũng như trên trường quốc tế. Còn nguyên nhân tại sao nó lại bị Hán tộc tẩy chay, xin được đề cập tới ở một phần sau.

Shina No Yoru tiếng Nhật có nghĩa “Đêm Trung Hoa”, do Nobuyuki Takeoka viết nhạc và Yaso Saijo đặt lời, được nữ danh ca kiêm diễn viên Hamako Wanatabe (1910-1999) thu đĩa lần đầu tiên vào năm 1938, do hãng đĩa Columbia Japan phát hành.

Video:

HAMAKO WATANABE – SHINA NO YORU YOUTUBE

Lời hát bằng tiếng Nhật được ca nhạc sĩ du ca Mỹ Sonny James dịch sang tiếng Anh như sau:

CHINA NIGHT

What a night in China,
What a night in China
Harbor lights,
Deep purple night,
Ah, ship,
The dreamship
I can’t forget
The sound of the Kokyu.
Ah, China night,
A dream night.
What a night in China,
What a night in China,
Over the willow window,
A ramp was shaking,
Chinese lady
Was there like a bird,
Singing love songs,
Sad sounding love songs
Ah, China night,
A dream night.

What a night in China,
What a night in China,
I was waiting in the parapet
There was this girl in a rain
The rouge on her cheeks
Like flowers were in bloom,
Forever, I will remember
Even after we separated,
Ah, China night,
A dream night.

Thành phố cảng được nhắc tới trong ca khúc này là Thượng Hải.

Qua lời hát được dịch sang tiếng Anh, chúng ta thấy Shina No Yoru là một tình khúc đẹp, dịu dàng, hoàn toàn không có màu sắc chính trị hoặc dụng ý tuyên truyền.

Về phần nhạc, cùng với tiết tấu mà chỉ cần nghe một đoạn, người ta có thể nhận ra đây là một ca khúc của Nhật Bản, người thưởng ngoạn không thể không chú ý tới tiếng đàn “kokyu” (I can’t forget the sound of the Kokyu…).

clip_image003

Đàn kokyu

Tương tự “đàn nhị” (còn gọi là “đàn cò”) của Việt Nam, đàn “kokyu” của người Nhật là một biến thể của của đàn “nhị hồ” của người Trung Hoa; khác biệt chính là trong khi nhị hồ và đàn nhị chỉ có 2 dây, thì kokyu có tới 3, hoặc 4 dây.

Đặc điểm chung của cả ba cây đàn này là tiếng đàn rất não nùng, ai oán.

Trong số truyện ngắn của văn sĩ Nhật nổi tiếng quốc tế Satou Haruo, có truyện Minoru-san no Kokyu (Cây đàn kokyu của Minoru) kể về anh công nhân trẻ Minoru ra ngoại quốc làm việc trong một xưởng đóng hộp thực phẩm để lấy tiền gửi về giúp đỡ gia đình. Nhớ nhà, anh lấy cái hộp thiếc chế thành cây đàn kokyu để giải khuây. Không may, Minoru bị lây bệnh ho lao và bị trả về nước (ngày ấy, ho lao – tức TB – còn bị xem là một chứng nan y).

Về quê nhà, anh bị mọi người, kể cả người thân ruột thịt, xa lánh, phải sống cách biệt. Người bạn duy nhất còn lại bên mình là cây đàn kokyu. Trong nỗi cô đơn, niềm chua xót, tiếng đàn của Minoru ngày càng có hồn, ngày càng thu hút. Mọi người đều say mê tiếng đàn của anh. Dĩ nhiên, nghe từ xa xa…

Video:

Hana (Kokyu) YouTube

Hamako Wanatabe là người đầu tiên thu đĩa bản Shina No Yoru, nhưng về sau ca khúc này lại gắn liền với tên tuổi của Li Xianglan, được cô hát trong cuốn phim có cùng tựa do cô thủ vai nữ chính – một cuốn phim được quốc tế ca tụng nhưng lại bị Trung Hoa tẩy chay, lên án!

clip_image005

Một cảnh trong phim Shina No Yoru (1940)

Cuốn phim Shina No Yoru (China Nights, có chữ “s”, còn được gọi là Shanghai Nights – Đêm Thượng Hải), do hãng phim Manchuria Films Productions thực hiện năm 1940, Osamu Fushimizu đạo diễn (thời gian này Manchuria, tức Mãn Châu, đã tách rời khỏi Trung Hoa để trở thành một quốc gia do Nhật bảo hộ). Cuốn phim Shina No Yoru, với chủ đề “tình yêu không biên giới chủng tộc”, nằm trong loạt phim tuyên truyền cho tình “hữu nghị Nhật – Trung”, cốt truyện kể về một cô gái mồ côi sống ngoài đường phố Thượng Hải được một sĩ quan hàng hải Nhật có lòng nhân đạo cứu vớt, dẫn đưa tới một chuyện tình thật đẹp.

Nhưng dưới mắt người dân Trung Hoa thời bấy giờ, không thể có việc một người Nhật có lòng nhân đạo. Nỗi kinh hoàng của Cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937 vẫn còn in hằn trong đầu óc họ.

[Cuộc thảm sát Nam Kinh – The Nanking Massacre, còn được gọi là the Rape of Nanking, xảy ra vào ngày 13 tháng 12 năm 1937, ngày thủ đô Nam Kinh của Cộng Hòa Trung Hoa bị rơi vào tay quân Nhật. Theo bách khoa tự điển Wikipedia và tài liệu hiện được lưu giữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (The Library of Congress), ngày ấy, trong khoảng thời gian gần một tháng, đã có từ 200.000 tới 340.000 người Trung Hoa bị quân Nhật tàn sát, và trên 20.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp. Sau này, các nhân chứng sống kể lại trước Tòa án Quân sự Quốc tế Viễn Đông rằng việc hành quyết tập thể, hôi của và lùng bắt phụ nữ được tiến hành một cách quy mô theo kế hoạch, để không một khu vực nào bị bỏ sót, không một người nào kịp thoát thân. Các phụ nữ xấu số – từ bé gái cho tới bà cụ già – sau khi bị cưỡng hiếp tập thể đa số đã bị giết một cách cực kỳ man rợ.

Sau này, phía Nhật Bản nhìn nhận có 142.000 binh lính và thường dân Trung Hoa chết, nhưng không bao giờ nhắc nhở tới các vụ cưỡng hiếp, tương tự việc họ không bao giờ nhìn nhận đã cưỡng ép hàng trăm nghìn phụ nữ Hàn Quốc phục vụ nhu cầu tình dục của Quân đội Thiên hoàng, mà họ gọi là “comfort women”.

Độc giả nào “cứng bóng vía” muốn tìm hiểu về Cuộc thảm sát Nam Kinh kèm theo những hình ảnh kinh hoàng, có thể mở trang Google với từ khóa “The Nanking Massacre”, hay “The Rape of Nanking”]

Khổ nỗi, cuốn phim Shina No Yoru, với tình tiết ly kỳ hấp dẫn và ngoại cảnh tuyệt đẹp của Thượng Hải, lại được các nhà bình phim ca tụng và khán giả ưa thích. Trong phim này, Li Xianglan thủ vai cô gái mồ côi và hát bản Shina No Yoru. Li Xianglan có một giọng hát cao vút đầy nghệ thuật diễn tả, mà từ chuyên môn gọi là “coloratura soprano”.

Video:

China Night Shina no yoru – Li Xianglan YouTube

Với đại đa số khán thính giả, độc giả người Việt, cái tên “Li Xianglan” có thể xa lạ, nhưng nếu viết tên phiên âm Hán Việt Lý Hương Lan, chắn hẳn nhiều bậc cao niên cũng còn nhớ. Cũng thế, giới mộ điệu ở Âu Mỹ có thể không biết Li Xianglan là ai, nhưng nếu nhắc tới nghệ danh bằng tiếng Anh + tiếng Nhật Shirley Yamaguchi thì hầu như ai cũng biết. Còn tại Nhật, vị nữ lưu này lại được biết tới, và kính trọng, qua phương danh Yoshiko Otaka, một trong những bóng hồng đầu tiên trong Thượng viện Nhật bản.

clip_image006

Shirley Yamaguchi (Li Xianglan)

Tính cho tới nay, cuộc đời ly kỳ của Shirley Yamaguchi, một phụ nữ có tới gần 10 cái tên khác nhau, đã được đưa lên màn bạc, màn ảnh truyền hình, sân khấu ca kịch nhiều lần, và gần đây trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu cho cuốn tiểu thuyết Người tình Trung Hoa (The China Lover, 2008) của nhà văn Ian Buruma.

Shirley Yamaguchi tên thật là Yoshiko Yamaguchi, sinh năm 1920 tại Mãn Châu, nơi cha cô, ông Fumio Yamaguchi, làm việc trong Công ty Hỏa xa Nam Mãn Châu. Khuôn mặt của Yoshiko phảng phất những nét tây phương là thừa hưởng từ ông nội, vốn mang trong người 1/4 máu Âu châu.

Lớn lên trong một môi trường mà mọi người đều nói tiếng Quan thoại, Yoshiko trở thành một cô gái “Hoa” nhiều hơn là “Nhật”, một phần vì cũng cha cô kết nghĩa huynh đệ với hai người Trung Hoa có tiếng tăm, một người họ Lý (Li), một người họ Phan (Pan). Theo phong tục, Yoshiko trở thành nghĩa nữ của hai nhà nói tên, và được đặt tên bằng tiếng Hoa là Li Xianglan (Lý Hương Lan) và Pan Shuhua (Phan Thục Hoa).

Yoshiko học hát nhạc cổ điển với Madame Podresov, một ca sĩ giọng soprano người Ý kết hôn với một nhà quý tộc Nga. Sau đó, Yoshiko tới Bắc Kinh sống dưới sự bao bọc của gia đình họ Pan, sử dụng tên Pan Shuhua, trau dồi thêm tiếng Quan thoại và theo đuổi nghệ thuật ca kịch cổ điển.

Tới khi đóng cuốn phim đầu tiên vào tuổi 18 (năm 1938), Yoshiko bắt đầu lấy Li Xianglan làm nghệ danh.

Từ đó cho tới khi cuộc chiến tranh Trung – Nhật chấm dứt, Li Xianglan, với khả năng song ngữ Hoa – Nhật, đã được người Nhật tận dụng tài nghệ trong việc tuyên truyền cho “tình hữu nghị” Nhật – Trung; về phần người dân Trung Hoa, hầu như không ai biết Li Xianglan là người Nhật, và cô đã được xếp hạng 5 trong danh sách 7 minh tinh ca nhạc (seven great singing stars) của Trung Hoa trong thập niên 1940.

Chính vì thế, sau khi Li Xianglan đóng vai chính trong cuốn phim Shina No Yoru (và hát ca khúc này trong phim), nàng đã bị lên án là kẻ phản quốc. Tất cả mọi bài hát nổi tiếng của Li Xianglan, trong đó có hai bản Shina No Yoru (China Night – Đêm Trung Hoa) và Suzhou Serenade (Tô Châu Dạ Khúc) đều bị cấm ở cả vùng Dân quốc (phe Tưởng Giới Thạch) lẫn vùng Cộng sản (phe Mao Trạch Đông).

Sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, Li Xianglan bị nhà cầm quyền Trung Hoa (phe Dân quốc) bắt giữ và đưa ra tòa xét xử, với cái án tử hình cầm chắc trong tay. Chỉ tới khi người Nhật xác nhận Li Xianglan là một con cháu Thái Dương Thần Nữ với tên thật là Yoshiko Yamaguchi, nàng mới được thả, và trục xuất khỏi Trung Hoa. Lúc này, trước mắt người dân Trung Hoa, người nữ nghệ sĩ tài hoa trước kia bị họ lên án là “kẻ phản quốc” đã lộ nguyên hình là một “nữ điệp viên Nhật” đội lốt nghệ sĩ Trung Hoa để thi hành công tác địch vận – một cáo buộc mà Yoshiko Yamaguchi luôn luôn bác bỏ. Sau này, vào đầu thập niên 1950, Yoshiko đã chính thức lên tiếng xin lỗi người dân Trung Hoa về việc đã vô tình để phát-xít Nhật lợi dụng trong việc tuyên truyền trong thời gian Đệ nhị Thế chiến; nhưng tự bản thân Yochiko cũng biết: khi nào người dân Trung Hoa chưa quên được tội ác của quân Nhật, họ còn thù ghét mình!

Trở về Nhật năm 1946, Yoshiko Yamaguchi đã mau chóng tạo được tên tuổi trong làng điện ảnh xứ Phù Tang, trong đó có những cuốn phim đóng dưới quyền đạo diễn thiên tài Akira Kurosawa (có lẽ khán giả ở Sài Gòn ngày ấy chưa quên những tác phẩm để đời của ông, như Bảy chàng võ sĩ đạo, Lã-sanh-môn…).

Bước qua thập niên 1950, Yoshiko Yamaguchi sang Hoa Kỳ lập nghiệp dưới nghệ danh mới Shirley Yamaguchi, và tạo được tên tuổi ở cả kinh đô điện ảnh Hồ-ly-vọng lẫn thủ đô kịch nghệ Broadway. Năm 1951, tại Hoa Kỳ, Yoshiko kết hôn với điêu khắc gia Mỹ gốc Nhật Isamu Noguchi, nhưng chỉ chung sống được 5 năm.

Từ giữa thập niên 1950, Yoshiko đã hồi sinh nghệ danh tiếng Hoa “Li Xianglan” qua nhiều cuốn phim của điện ảnh Hương Cảng.

Năm 1958, Yoshiko Yamaguchi từ giã màn bạc vào tuổi mới 38, và bước thêm bước nữa với ông Hiroshi Otaka, một nhà ngoại giao Nhật làm việc ở Miến Điện; từ đó bà lấy tên theo họ chồng Yoshiko Otaka (hai người chung sống cho tới khi ông qua đời vào năm 2001).

Cũng trong năm 1958, Yoshiko Otaka trở về Nhật, thường xuyên xuất hiện trong các talk-show, và tới năm 1969, chủ xướng chương trình thời sự quốc tế Sanji no anata (The Three O’Clock You), chú trọng tới hai cuộc chiến ở Trung Đông và Việt Nam.

Năm 1974, Yoshiko Otaka được bầu vào Thượng viện của Quốc hội Nhật, và phục vụ liên tục 18 năm (3 nhiệm kỳ).

Năm 1993, bà được Nhật Hoàng trao tặng huân chương Order of the Sacred Treasure, là huân chương cao quý thứ nhì của Hoàng gia Nhật, chỉ đứng sau huân chương Order of the Rising Sun.

Hiện nay, mặc dù đã 93 tuổi, Yoshiko Otaka vẫn còn đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Quỹ Phụ Nữ Á Châu (Asian Women’s Fund)

* * *

Trở lại với thập niên 1940 và bản Shina No Yoru, sau khi được Yoshiko Otaka – tức Li Xianglan ngày ấy – hát trong cuốn phim có cùng tựa do cô thủ vai nữ chính, đã trở thành một hiện tượng, không chỉ là ca khúc phổ biến nhất ở Nhật, ở Trung Hoa (mặc dù nhà cầm quyền đã ra lệnh cấm) mà còn ở Đại Hàn, nơi mà nghệ danh Li Xianglan được “Hàn hóa” thành Ri Koran.

Cũng chính tại bán đảo Triều Tiên, nơi quân đội Liên Hiệp Quốc tới chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của quân cộng sản Bắc Hàn và Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng) vào đầu thập niên 1950, Shina No Yoru do “Ri Koran” hát đã trở thành ca khúc được các binh sĩ Mỹ (chủ lực của đạo quân LHQ) ưa chuộng tới mức hầu như ai cũng thuộc lòng, cho dù không hiểu lời hát bằng tiếng Nhật nói gì!

Theo hồi ký của một số cựu quân nhân Mỹ tham chiến tại bán đảo Triều Tiên, ngày ấy mấy chữ “Shina No Yoru” đã được họ hát thành“She Has No Yoyo”.

[Mẫu tự “r” trong chữ “yoru” khi phát âm một cách nhẹ nhàng, chẳng hạn khi hát, nghe gần giống như mẫu tự “y”]

Hiện nay, mở trang Shina No Yoru – YouTube, chúng ta sẽ đọc được nhiều câu chuyện cảm động, kỷ niệm êm đềm liên quan tới ca khúc này và nhân vật “Li Xianglan – Shirley Yamaguchi”. Chẳng hạn:

My dad, God bless him, was among those who heard her sing and so loved this song that he sang it as a lullaby to his “kids” for over forty years. Here it is fully restored and in digital stereo for you and yours to enjoy, and make sure Grand-dad gets to hear it!

Hoặc:

This song (the Shirley Yamaguchi version) is being played at my grandfather’s funeral tomorrow. He served in the USAF and was in Japan during the Korean War. He was singing this song up until a week before he died. Unfortunately, he had no idea what this song was called, and believed the lyrics were, “she aint got no yo yo.” I was ecstatic when I found the song he had sung all those years since the service. I’m just really sorry I couldn’t have found it for him earlier. RIP Papaw.

Như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu, Hamako Wanatabe là người đầu tiên thu đĩa bản Shina No Yoru, và tới năm 1940, ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của Li Xianglan (tức Shirley Yamaguchi, Yoshiko Otaka, Ri Koran…) nhưng tính cho tới nay, người hát đạt nhất, và được ưa chuộng nhất phải là Misora Hibari (1937-1989), nữ diễn viên, nữ danh ca nhạc dân tộc cổ điển (“enka” trong tiếng Nhật) nổi tiếng nhất của xứ hoa anh đào.

clip_image008

Khi còn sống, Misora Hibari đã thu đĩa trên 1.200 ca khúc và bán được 68 triệu đĩa. Sau khi bà bất ngờ qua đời vì viêm phổi vào tuổi 52, tới năm 2001, con số ấy đã lên tới trên 80 triệu.

Phụ lục (1): Shina No Yoru, Misora Hibari

01-ShinaNoYoru-MisoraHibari

Riêng với thế hệ trẻ, Shina No Yoru do nam thần tượng điện ảnh & ca nhạc Kyu Sakamoto (1941 – 1985) thu đĩa có lẽ là bản được ưa chuộng nhất.

Kyu Sakamoto, tên thật là Hisashi Oshima, là ca sĩ ngoại quốc đầu tiên có ca khúc được đứng No.1 trong danh sách nhạc trẻ của bảng xếp hạng toàn quốc Hoa Kỳ (Billboard Hot Hit 100, năm 1963).

Kyu Sakamoto tử nạn vào tuổi 43 trên chuyến bay Japan Airlines Flight 123 năm 1985 – cho tới nay vẫn được ghi nhận là tai nạn phi cơ khủng khiếp nhất (một phi cơ) trong lịch sử hàng không quốc tế, với số người chết chỉ đứng sau tai nạn do hai chiếc Boeing 747 đụng vào nhau ở phi cảng Tenerife trên đảo Canary Islands vào năm 1977.

clip_image009

Phụ lục (2): Shina No Yoru, Kyu Sakamoto

02-ChinaNoYoru-KyuSakamoto

Trở lại với bản Shina No Yoru do Sonny James dịch sang tiếng Anh với tựa China Night. Sonny James tên thật là James Hugh Loden, sinh năm 1929, hiện đã về hưu, là một ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc dân ca (country music) hàng đầu của Mỹ, được tặng biệt hiệu “The Southern Gentleman”.

Cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được phần audio (MP3) của bản Shina No Yoru – China Night lời tiếng Anh do Sonny James hát, nên xin gửi tới độc giả video clip “Japanese Farewell – 3 Songs” gồm (1) Shina No Yoru – China Night do Sonny James trình bày, (2) Japanese Farewell (Sayonara) do ban nhạc Martin Denny hòa tấu, và (3) Japanese Farewell (Sayonara) do Mark Dinning trình bày.

Cũng xin được nhắc lại, Sayonara là một cuốn phim thời hậu chiến nổi tiếngbậc nhất của Mỹ với sự hợp tác của Nhật, thực hiện năm 1957, nói về mối tình đẹp, và đầy trắc trở vì thành kiến, giữa một chàng phi công Mỹ (Marlon Brando thủ vai) trú đóng tại Kobe và một nữ nghệ sĩ người Nhật (Miiko Taka thủ vai).

Bản Shina No Yoru – China Night trong video clip nói trên được Sonny James trình bày vào năm 1964 sau khi sang Nhật để học cách hát dân ca nghệ thuật (enka) của quần đảo Phù Tang.

Video:

Japanese Farewell – 3 Songs – YouTube

Hơn 10 năm sau khi trở thành ca khúc được các chiến binh Mỹ tham chiến tại Triều Tiên ưa chuộng nhất, Shina No Yoru đã theo gót đoàn chinh nhân tới miền Nam Việt Nam. Nhờ hai yếu tố: một số không nhỏ quân nhân Mỹ tham chiến tại tại Việt Nam trước kia đã từng phục vụ tại Triều Tiên, và tài nghệ của “ba chị em họ Kim” (Kim Sisters) – ban tam ca nổi tiếng quốc tế của Nam Hàn trong suốt ba thập niên 1950, 60, và 70.

clip_image010

Kim Sisters trình diễn tại Qui Nhơn (1967)

Tên gọi là “Kim Sisters” nhưng thực ra chỉ có hai chị em ruột Sue và Aija họ Kim, còn người em họ bạn dì Mia thì họ Lý (Lee). Ông bố của Sue và Aija là nhạc trưởng dàn nhạc cổ điển, bà mẹ là nữ ca sĩ nổi tiếng nhất xứ trước khi cuộc chiến bùng nổ. Cha của Mia cũng là một nhạc sĩ. Cho nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi ngoài tài ca hát, cả ba còn sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

“Sự nghiệp” của Kim Sisters bắt đầu rất sớm, khi cả ba mới trên dưới 10 tuổi. Nguyên vào năm 1953, sau một cuộc giao tranh giữa hai phe quốc – cộng, ngôi nhà của họ Kim bị bình địa. Được sự khuyến khích của mẹ và dì, Sue, Aija và Mia bắt đầu trình diễn giúp vui cho các binh sĩ Mỹ. “Thù lao” cho các cô là những phong chocolate và bia; các cô đem về cho mẹ mang ra chợ đổi lấy thực phẩm.

Vốn liếng ban đầu của các cô chỉ có hai ca khúc nhạc đồng quê & cao-bồi của Mỹ (country-western) là bản Ole Buttermilk Sky và bản Candy and Coke. Về sau, nhờ học thuộc lòng các bản rock-and-roll từ các đĩa hát do binh sĩ Mỹ cho mượn, “show” của ba cô bé ngày phong phú.

Khi mãn hạn phục vụ trở về quê nhà, các binh sĩ Mỹ đã loan truyền về tài nghệ của ba thần đồng Hàn quốc, và tới tai ông bầu ca nhạc Tom Ball. Tom Ball bay sang Hán thành (Seoul) tìm gặp, và sau khi được chứng kiến tài nghệ của ba cô, đã thuyết phục được gia đình để ông ta đem sang Hoa Kỳ.

Năm 1959, Kim Sisters – tên do Tom Ball đặt – lúc đó đã trở thành ba thiếu nữ xinh đẹp, trình diễn ra mắt tại khách sạn Thunderbird Hotel ở La Vegas, tiểu bang Nevada. Các buổi diễn ngày đông khán giả, khiến Tom Ball phải dời địa điểm sang casino Stardust. Tại đây, Kim Sisters đã lọt vào mắt xanh Ed Sullivan, chủ xướng show truyền hình “Ed Sullivan Show” nổi tiếng nhất của Mỹ trong hai thập niên 1950 1960 (năm 1964, khi “Tứ Quái” The Beatles của Anh sang Hoa Kỳ trình diễn lần đầu, cũng phải lên “Ed Sullivan Show” để được giới thiệu với dân Mỹ).

Tổng cộng trước sau, Kim Sisters đã trình diễn trên “Ed Sullivan Show” 22 lần.

Sau khi Hoa Kỳ đổ quân lên miền nam Việt Nam, từ năm 1967, Kim Sisters nhiều lần sang trình diễn giúp vui cho đoàn quân viễn chinh, trong đó có những cấp chỉ huy trước đây từng tham chiến tại Triều tiên. Dĩ nhiên, bản tủ của các cô chính là Shina No Yoru. Khi trình diễn, các cô luôn luôn mặc “xường xám” xẻ đùi thật cao, khiến các chàng G.I. phải mê mẩn.

Phụ lục (3): Shina No Yoru, Kim Sisters

03-China_Nights-Kim sisters

Ký ức và sự hiểu biết của chúng tôi về thời gian và hoàn cảnh phổ biến bản Shina No Yoru trong làng tân nhạc Việt Nam hầu như là một con số không. Thậm chí cả đến tên tác giả lời Việt của bản Shina No Yoru có tựa là “Chiều Tô Châu”, chúng tôi cũng không nhớ. Một số người cho là Phạm Duy, nhưng qua nhận xét phần nhạc ngữ, chúng tôi không tin như thế; hơn nữa, trong hồi ký, tiểu sử của họ Phạm được phổ biến trên Internet, phần nói về ca khúc, nhạc khúc ngoại quốc được ông đặt lời Việt, không hề nhắc tới Chiều Tô Châu.

clip_image012

Ra hải ngoại, năm 1991, Chiều Tô Châu được Khánh Ly hát trong CD Làng Văn 97 có tựa đề “Tưởng Rằng Đã Quên” gồm 10 ca khúc chọn lọc. Rất tiếc, ở bìa sau của CD, người thực hiện cũng chỉ ghi “Chiều Tô Châu – Shina No Yoru – Nhạc Nhật”, chứ không ghi tên tác giả lời Việt.

Chiều Tô Châu

Ánh chiều chập chờn khuất xa
Khói lam ngất ngây khắp muôn nơi
Lướt qua ngàn cây.
Ngoài thôn xa tiếng tiêu dịu dàng
Dăm bé yêu đánh trâu về làng
Gánh nặng là đà ngoài đê
Vài thôn nữ đang cười vui.
Đường thấm tình quê .
Hoa ngát hương đua nhau
Tô đời tươi thắm cho
Khắp muôn loài nguồn sống
Ánh nắng rơi rơi khắp thôn.
Khắp miền rộn ràng niềm vui.

Những người cho rằng Phạm Duy là tác giả lời Việt của bản Chiều Tô Châu rất có thể đã suy diễn từ câu hát “…sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên dòng (bờ) sông Danube…” trong bản Bên Cầu Biên Giới của ông.

Tô Châu được Phạm Duy nhắc tới trong bản Bên Cầu Biên Giới là thành phố Tô Châu (Suzhou) ở tỉnh Giang Tô, Trung Hoa. Tô Châu được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, hiện nay cùng với Bắc kinh, Hàng Châu, và Quế Lâm được xem là bốn thành phố cổ kính và đẹp nhất ở Trung Hoa. Ngoài “lụa Tô Châu”, thành phố này còn nổi tiếng với những ngôi chùa cổ, những khu vườn kiểng, và vì một phần thành phố được xây dựng trên sông nước với hơn 1600 cây cầu đá còn sử dụng được, tương tự như cố đô Saint Petersburg của Nga, cho nên Tô Châu đã được người tây phương xưng tụng là “thành Venice của Trung Hoa”.

[Nhân tiện cũng xin phép lạm bàn về câu hát “...sống trong lòng người đẹp Tô Châu …”. Không hiểu Phạm Duy đã tới Tô Châu và “sống trong lòng” một người đẹp của thành phố thơ mộng này, hay ông chỉ tưởng tượng để ví von. Chỉ có điều là nếu nói về con gái đẹp ở Trung Hoa, trước tiên phải nhắc tới Hàng Châu (Hangzhou), nơi xuất thân của đại đa số cung tần mỹ nữ xưa kia được tuyển vào cung để hầu hạ các đấng thiên tử]

Trở lại với tựa lời Việt “Chiều Tô Châu”, trong khi chờ một sự giải thích chính thức (nếu có), chúng tôi tạm thời đưa ra hai cách giải thích như sau: (1) Tô Châu ở đây là Tô Châu bên Tàu, đã được nhắc tới trong bản Tô Châu Dạ Khúc (Suzhou Serenade), một ca khúc nổi tiếng khác của Li Xianglan; (2) Tô Châu, một địa danh ở vùng Hà Tiên của miền nam Việt Nam.

Trong hai cách giải thích trên, chúng tôi cho rằng với những câu như “Dăm bé yêu đánh trâu về làng, Gánh nặng là đà ngoài đê, Vài thôn nữ đang cười vui…” trong lời hát, Tô Châu ở đây là Tô Châu của Việt Nam có lẽ đúng hơn.

Phụ lục (4): Chiều Tô Châu, Khánh Ly

04-chieu to chau – kly

Phụ lục (5): Shina No Yoru, hòa tấu

05-ChinaNight-hoatau-1

HOÀI NAM

PHỤ LỤC:

 

– Phụ lục (1): Shina No Yoru, Misora Hibari

– Phụ lục (1): Shina No Yoru, Misora Hibari

– Phụ lục (2): Shina No Yoru, Kyu Sakamoto

– Phụ lục (2): Shina No Yoru, Kyu Sakamoto

Phụ lục (3): Shina No Yoru, Kim Sisters

Phụ lục (3): Shina No Yoru, Kim Sisters

Phụ lục (4): Chiều Tô Châu, Khánh Ly

Phụ lục (4): Chiều Tô Châu, Khánh Ly

Phụ lục (5): Shina No Yoru, hòa tấu

Phụ lục (5): Shina No Yoru, hòa tấu

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

 

Bài Mới Nhất
Search