T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chuyện một gia đình di dân gốc Việt

clip_image002

Hai chị em người Mỹ gốc Việt, có cùng ngày sinh nhật là 4 tháng 7

1.

Hôm 4 tháng 7, ngày Lễ Độc lập của Hoa Kỳ, một tờ báo địa phương đưa lên trang nhất hình ảnh hai chị em người Mỹ gốc Việt, tay cầm hai lá cờ sao ba màu xanh đỏ trắng, khuôn mặt tươi cười rạng rỡ. Kèm theo đó là một bài viết về gia đình hai cô gái nhỏ. Người cha, từ Việt Nam, sau biến cố 30 tháng tư năm 1975, ông phải tạm bỏ gia đình lại phía sau, vượt thoát đến Mỹ tháng 5 -1975. 5 năm sau, gia đình ông táo bạo tìm mọi cách vượt biên để đòan tụ với ông tại Mỹ. Ở mảnh đất rộng của rộng lòng này, họ đã cùng nhau gầy dựng một mái gia đình theo như truyền thống của văn hóa Việt Nam. Họ có với nhau 9 người con, tuổi từ 31 xuống tới người trẻ nhất là 10 tuổi. Trong số 9 người con ấy, có 3 người sinh vào cùng một ngày, chỉ khác năm: mùng 4 tháng 7. Vì thế, trong lúc những anh chị em khác mừng ngày sinh nhật của mình chỉ với đèn cầy, bánh cake, thì 3 người con này, ngòai đèn cầy, bánh cake quen thuộc, họ còn có thêm pháo bông (fireworks) mừng ngày họ chào đời hàng năm.

Một trong 3 người có may mắn sinh ra vào ngày 4 tháng 7 là một cô gái 18 tuổi. Từng tuổi này, sống trong một gia đình còn cố gắng duy trì những nếp văn hóa mang theo từ quê hương, cô đã cảm nhận được sự sâu xé trong tâm hồn mình. Một bên là gốc rễ Việt nam, dù nơi đó, theo lời cha cô kể lại, không có những thứ cô và các anh chị em mặc nhiên thụ hưởng nơi đây, mà thiêng liêng hơn hết là Tự Do. Cũng vì lý do đó mà cha mẹ cô đã phải bỏ lại tất cả sản nghiệp, bà con thân thuộc, mồ mả cha ông đi lập nghiệp ở một nơi không người thân kẻ thuộc. Mặt khác, sinh ra, rồi được cắp sách đến trường, có những quan hệ xã hội trong môi trường hòan tòan khác hẳn với nếp sinh họat, nếp nghĩ của một mái gia đình chen chúc bên nhau với 9 anh chị em ruột thịt, chung đụng nhau đủ mọi thứ, kể cả những riêng tư thầm kín, khiến cô có lúc tự hỏi chính mình: mình là người Việt hay người Mỹ?

Cô thú nhận rằng, các người anh chị lớn của cô còn ít nhiều biết nói và đọc, viết tiếng Việt, cũng như có những hiểu biết về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Từ cô gái 18 tuổi này trở xuống, tiếng Việt của họ chỉ vừa đủ cho những sinh họat thường ngày trong nhà, không ai biết nhiều về đất nước nơi cha mẹ mình sinh ra bằng những kiến thức của họ về nước Mỹ, mà hàng năm vào ngày 4 tháng 7, họ cùng với gần 300 triệu người Mỹ ăn mừng Lễ Độc Lập, đồng thời cùng với gia đình ăn mừng sinh nhật của 3 người con trong nhà.

Cô gái 18 tuổi còn thố lộ rằng, đã nhiều lần cô có ý định cùng với cha mẹ về thăm Việt nam để được tận mắt nhìn thấy mảnh đất có tên gọi Việt Nam rất quen thuộc với cô, nhưng cô e dè, sợ sệt vì cô không biết nhiều về những tập tục văn hóa, khiến cô có thể nói hoặc làm điều gì đó gây sự xúc phạm nơi những người cô tiếp xúc.

2.

Cô gái trẻ 18 tuổi, cùng với những người anh chị em của mình trong một gia đình Việt Nam ở thành phố nơi tôi sinh sống đã được giới truyền thông địa phương nêu bật lên như một điển hình của sự hội nhập với dòng sống nơi họ ngụ cư. Họ chụp bức hình rất đẹp hai chị em cùng có ngày sinh nhật 4 tháng 7 cầm hai lá cờ Mỹ trên tay. Với họ, sự trùng hợp ngẫu nhiên cùng với lý do sự có mặt của gia đình di dân điển hình ấy trên mảnh đất này là bằng chứng hùng hồn nhất cho những giá trị rất cao quý mà ngày kỷ niệm lễ độc lập hàng năm hướng về. Vì những giá trị ấy, những giá trị có tên Tự Do, Dân Chủ, Công Bằng, Bình Đẳng mà ngày 4 tháng 7 trở thành ngày lễ long trọng, mà gia đình di dân Việt nam nói trên có mặt từ hơn 30 năm nay. Với người Mỹ bản xứ, đó là một kết hợp đầy ý nghĩa và đáng trân trọng. Và, nếu họ không bận tâm lắm về việc gia đình ấy có còn giữ được bản sắc riêng của dân tộc mình khi đã hòan tất quá trình hội nhập thì cũng là một điều dễ hiểu. Chính họ, nhiều trăm năm trước, cũng là một thành phần di dân đến từ một góc nào đó của thế giới.

3.

Nhưng, tôi vẫn cảm thấy điều gì đó khiến cứ băn khoăn mãi khi đọc câu chuyện về một gia đình Việt Nam sinh sống trong cùng thành phố.

Cô gái trẻ, đáng yêu biết bao khi cô nở nụ cười thật tươi trên trang nhất tờ báo. Cô cảm thấy thật sung sướng được sinh ra, lớn lên và có cùng ngày sinh với đất nước đang dung chứa gia đình gồm cha mẹ và 9 người anh chị em của cô.

Đáng yêu hơn nữa, cô còn có những trăn trở của một người Việt Nam sinh sống trên mảnh đất xa quê. Cái trăn trở đến từ tâm thức khắc khỏai về nguồn cội của mình, về trách nhiệm của mình với mảnh đất mình ao ước được nhìn thấy, được đặt chân đến nhưng còn e dè, sợ sệt vì thấy nó sao xa lạ quá.

Cũng trên trang viết nhỏ này, tôi đã có lần nói đến nhiệm vụ kép của những người trẻ Việt nam sinh ra và lớn lên ở hải ngọai: vừa cố gắng vươn lên nơi xứ người, vừa phải cố gắng bảo tòan bản sắc dân tộc. Nhiệm vụ ấy có thể là một gánh nặng quá sức cho họ, cũng có thể là một cơ hội thách thức rất quý báu để cho những người trẻ ấy trui rèn chính mình. Nhưng, có công bằng không, khi chúng ta – những người cha, người mẹ, người anh, người chị – cứ để mặc cho con em mình dọ dẫm, mò mẫm lấy những điều lẽ ra chúng ta có thể cầm lấy tay họ, chỉ cho họ con đường gần nhất để thực hiện trọn vẹn trọng trách mà thời đại đã giao phó cho họ?

Như cô gái trẻ ở trên, chỉ cần những người thân thuộc trong gia đình cô, cầm tay dẫn dắt, thì những e dè, sợ sệt chắc chắn chẳng thể là một chướng ngại trong quá trình về nguồn mà cô đang dọ dẫm.

4.

Thế hệ chúng tôi, ở trong một hòan cảnh và hệ lụy lịch sử tuy khắc nghiệt, nhưng sự lựa chọn cho mình con đường trong lòng quê hương dân tộc không phức tạp như những người trẻ hôm nay ở hải ngọai. Vì ít nhất, chúng tôi sống trong lòng dân tộc. Chúng tôi chia nhau những khốn khó, những vui buồn với nhân dân mình. Ngày nay, cũng do hòan cảnh lịch sử, chúng tôi sống trên mảnh đất tha hương với tâm thức lưu vong, có nghĩa là tuy ra đi, chúng tôi vẫn mang theo bên mình hình ảnh của quê hương. Nhờ vậy, ở những gia đình còn nặng lòng với đất nước, con em của họ cũng chia xẻ được phần nào cái hồn đất nước đi theo cùng với cha mẹ anh em qua truyền thống gia đình, qua ngôn ngữ sử dụng hàng ngày, qua nếp sống vương vất ít nhiều tập tục, lề thói Việt Nam, qua sự cư xử chan hòa tình nghĩa với nhau trong mọi quan hệ xã hội. Ở những gia đình đó, sự trăn trở của con em họ có phần bớt gay gắt, không phải vì sự đối kháng giữa hai nền văn hóa ít khốc liệt hơn, mà nhờ sự hỗ trợ của hồn nước tích lũy dần dần trong tâm thức của họ. Nói cách khác, mái gia đình truyền thống Việt nam trên mảnh đất xứ người là một sự chuẩn bị chu đáo nhất cho những người trẻ hòan thành nhiệm vụ kép trong tương lai. Một nhiệm vụ mà, sự thành bại của nó, là kết quả sự đầu tư đúng đắn của thế hệ cha anh.

5.

Kế thừa di sản (của người đi trước), đồng thời giữ gìn và phát huy di sản ấy luôn luôn là nhiệm vụ của kẻ đi sau. Nhưng, trước hết, thế hệ đi trước phải biết hòan thiện những thành đạt của thế hệ mình, biết đào luyện những thế hệ kế thừa, bằng tinh thần vì hạnh phúc của những thế hệ mai sau chứ không phải nhằm thỏa mãn những cảm tính nhất thời ngắn hạn của thời đại mình.

Tôi biết rằng, không dễ dàng gì cho những người trẻ hôm nay (như cô gái trong câu chuyện 4 tháng 7 của tôi) có sự chọn lựa riêng cho mình về những gì mình sẽ kế thừa.

Về Nguồn. Một sứ mạng , thực ra, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khác với những thế hệ cha anh, mà sự ra đi của họ đồng nghĩa với một sự lựa chọn, thế hệ trẻ Việt Nam sinh trưởng ở nước ngòai không có sự lựa chọn ấy. Vì thế, khi lựa chọn Trở Về (đúng hơn là một cuộc đi tìm kiếm chính mình), những người trẻ đã phải đương đầu với cái rào cản vô hình là qúa khứ của cha anh, một thứ quá khứ ít nhiều đã bị nhiễm độc bởi không chỉ cuộc chiến 30 năm mà còn bởi những gì xảy ra trong 30 năm sau khi tiếng súng chấm dứt. (T.Vấn – Xin Chào Việt Nam)

Có lẽ vì những rào cản đó, mà cô gái trẻ ở cùng thành phố với tôi và nhiều những người trẻ khác vẫn còn mang tâm thức e dè, sợ sệt khi nhìn về nguồn gốc của mình.

T.Vấn

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search