T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Một lời chia tay

Xin chia tay và nếu là mãi mãi

Xin một lần được mãi mãi chia tay

         (Lord Byron)

1.

Buông điện thọai xuống sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi với anh bạn thân điều hành tạp chí Ca Dao, tôi mang một tâm trạng hụt hẫng. Anh ta hỏi tôi có ý kiến gì không nếu anh  (và vợ, người lo phần bài vở của tờ báo hay có thể gọi chính danh là Chủ Bút) quyết định đóng cửa tờ báo vĩnh viễn.

Tôi hỏi tại sao. Anh cho biết vì sức khỏe của người vợ. Tất nhiên, việc gì xẩy ra cũng đều có  lý do của nó. Tôi còn có thể có ý kiến khác được không sau khi nghe câu trả lời. Với tôi, anh bạn là một trong những con người tháo vát nhất mà tôi được biết. Vậy mà, trong dư âm câu trả lời, tôi nghe có tiếng thở dài. Tiếng thở dài không chỉ của một người (chồng), mà có lẽ, của cả người vợ. Là bạn của nhau nhiều năm, từ thuở chúng tôi mắt còn sáng, môi còn tươi, vầng trán còn phẳng, còn chất chứa trong lòng bao hoài bão, bao ước vọng,  có lẽ tôi là người biết về họ nhiều hơn những người khác.

10 năm có mặt giữa dòng đời nhiều xáo trộn, tạp chí Cadao của cặp vợ chồng Sinh Nguyệt đã có một chỗ đứng riêng, không lẫn với bất cứ một tờ báo nào khác. Cadao không ồn ào sôi nổi, cũng không đao to búa lớn khoác áo hiệp sĩ vung gươm thế thiên hành đạo. Nó thầm lặng, hiền hòa, nhưng mang một sức sống có vẻ như sẽ không bao giờ tắt. Từ ngày đầu đến ngày cuối, số trang Cadao vẫn chỉ nhỉnh hơn 100. Nếu nó còn tiếp tục sống thêm 100 năm nữa, tôi tin rằng Cadao cũng vẫn sẽ như thế. Vì, tôi biết, Cadao phản ánh thật trung thực tâm tính hai con người khai sinh, nuôi dưỡng, và hôm nay khép lại cuộc đời ngắn ngủi của nó.

10 năm cuộc sinh và tử của Cadao mang dáng dấp đời sống một con người. Đó là hình ảnh anh chàng lãng tử, ôm đàn đến giữa đời, cơm chỉ cầu no, áo chỉ cầu ấm, vì đời còn cần đến những gì cao hơn những cơm và áo. 248 số báo Cadao, mà phần lớn đều có một bề ngoài trang trọng của nghệ thuật. Đó là những tấm bìa báo làm nên cái hồn Cadao, qua sự chăm chút tinh tế của người thực hiện, đã khiến tờ báo có một chỗ riêng, dù đặt nó ở bất cứ nơi đâu. Đây cũng là nét đặc trưng không thể không nói đến của Cadao. Chủ của nó đã sẵn sàng gạt qua một bên những lợi nhuận  (vật chất) có được từ một bìa báo quảng cáo để đổi lấy cái sảng khóai (tinh thần) của một người chỉ muốn nâng niu tác phẩm của mình. Những bức tranh, những bức hình chụp nghệ thuật, vừa nghiệp dư vừa chuyên nghiệp, những câu thơ trích dẫn đúng nơi, đúng chỗ và dưới bàn tay sắp xếp tài hoa, chúng đã trở thành đời sống, thứ đời sống muôn màu muôn vẻ cứ hai tuần lại tái sinh một lần trong suốt gần 10 năm trời. Kể từ nay, chúng đã là quá khứ. Chúng đã đi vào trăm năm. Rồi đây, bụi thời gian sẽ che khuất mọi thứ, kể cả những tấm bìa Cadao một thời được chăm chút công phu.

Vợ chồng Sinh Nguyệt thuở mắt sáng môi tươi giữa núi rừng Đà lạt

10 năm cuộc sinh và tử của Cadao còn chất chứa nhiều mảnh rời của đời sống, những mảnh rời phản ánh trung thực cuộc sống đầy bụi bậm ngoài kia, với những hỉ nộ ái ố, những yêu ghét buồn vui, những băn khoăn trăn trở. 10 năm lần giở những trang viết của Cadao như lần giở những trang đời của một con người, của nhiều con người. Giữa thời đại Internet bội thực vì thông tin, bội thực vì ngồn ngộn những bài viết đủ loại từ thượng vàng xuống tới hạ cám, bội thực vì những vinh danh và hạ bệ bất kể nguyên nhân và hậu quả, Cadao vẫn giữ thẳng một con đường (đi), với những cộng tác viên bằng xương bằng thịt cần mẫn có mặt trong mỗi số báo. Có người là khuôn mặt xông xáo của cộng đồng địa phương. Có người là cây bút đã thành danh. Có người là kẻ góp sức thầm lặng trong góc nhỏ khiêm tốn của mình nhưng không bao giờ vắng mặt. Và đặc biệt phải kể đến sức viết bền bĩ của người chủ bút với những trang mục độc đáo, chỉ thấy có ở Cadao (**). Hơn 100 trang viết mỗi số báo, bỏ qua một bên những phần quảng cáo kinh doanh tạo nền tảng cho sự sống còn của tờ báo, mỗi trang biểu hiện sự chăm lo rất chu đáo của người thực hiện. Không một lỗi chính tả, dù là những lỗi hỏi ngã thông thường, phải là kết quả của một thái độ tôn trọng người đọc, tôn trọng người cộng tác, và trên hết, tôn trọng chính mình, chính tờ báo mà mình có trách nhiệm chăm lo. Giữa không khí bát nháo của thị trường sách báo hải ngọai, một thái độ có trách nhiệm như vậy, dường như vẫn còn hiếm hoi. Và cũng vì một thái độ làm việc nghiêm túc như vậy, nó đã để lại những dấu ấn không vui trên sức khỏe người chủ bút, vốn đã không mấy khả quan từ nhiều năm nay.

Việc gì phải đến đã đến. Số báo này là số Cadao cuối cùng. Việc đình bản Cadao mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều việc đóng cửa một cơ sở kinh doanh. Những người làm công việc quyết định khó khăn ấy, đã trăn trở, đã suy tính, đã cân nhắc nhiều ngày đêm. Vì sự ra đi vĩnh viễn của Cadao, cũng là sự ra đi vĩnh viễn của những giờ phút sướng khoái cầm trên tay tờ báo còn thơm mùi mực, còn thơm mùi giấy, thành quả thật cụ thể của bao công khó, bao nỗ lực sáng tạo và của cả niềm đam mê ôm ấp từ những ngày còn trai (gái) trẻ .

Đó là sức nặng chất chứa trong tiếng thở dài. Nặng đến độ tiếng thở dài không thể phát ra thành tiếng. Nặng đến độ nó đã làm cho tiếng thở dài chìm hẳn xuống dưới đáy sâu trái tim già nua của hai người bạn của tôi. Nhưng, với tư cách một người bạn (thân), tôi đâu có cần đến lỗ tai để nghe được tiếng thở dài ấy.

2.

T.Vấn qua nét vẽ của họa sĩ Trần Thanh Châu

Tôi đến với Cadao không phải từ lúc nó mới sinh. Lý do là vì khi Cadao ra đời, T.Vấn chưa hiện hữu. Lợi dụng tình bạn, tôi đã  “xin”  được góp mặt trên tờ tạp chí. Không vì bạn mà vị nể, người điều hành tạp chí Cadao chỉ ưu ái cho tôi được một thời gian thử thách. Tôi phải chứng tỏ khả năng của mình trước khi có được một chỗ đứng thường xuyên. Đó cũng là ưu điểm của Cadao khiến bài vở  có tính cách chọn lọc. Bài xuất hiện trên tạp chí Cadao phải phù hợp với tôn chỉ tờ báo, đứng đắn và xây dựng. Không có sự vị nể trong việc chọn bài, dù là bài của bạn, của người có vị thế ở địa phương hoặc vì những áp lực bên ngoài. Và tôi không hề là một ngoại lệ.

Đoạn đường tôi đi chung với Cadao cũng khá dài (có lẽ khỏang 7 hay 8 năm gì đó). Cứ mỗi hai tuần, tôi đều đặn bước từng bước thời gian với Cadao. Nhờ kỷ luật với chính mình, và nhất là nhờ cái trách nhiệm mà Cadao đã giao cho tôi ở một vị trí rất trang trọng, tôi đã tương đối hoàn thành nhiệm vụ  (tôi nghĩ như vậy vì cho đến số báo cuối cùng, tôi vẫn chưa nhận được lời đề nghị “về hưu”). Mỗi bài viết là một trăn trở, là đắm chìm trong những suy nghĩ nhiều ngày, vậy mà tôi vẫn không thấy đó là một cực hình. Trái lại, những giây phút đó là hạnh phúc được sống thực con người mình. Vì thế, cho đến giây phút Cadao thở hơi cuối cùng, tôi chưa một lần lỗi hẹn với nó, bất kể bận rộn đến cỡ nào, kể cả khi tinh thần tôi bị suy sụp trầm trọng vì một sự cố nào đó vừa xẩy ra trong cuộc sống thường ngày. Điều quan trọng nhất khiến tôi thực sự gắn bó với trang viết Bước Thời Gian trên tạp chí Cadao là tôi được hoàn toàn tự do lựa chọn đề tài, hoàn toàn tự do diễn đạt những gì tôi suy nghĩ. Bài tôi gởi đến, được tôn trọng đến từng dấu phẩy, dấu chấm. Mỗi khi có gì khúc mắc, tôi đều được hỏi ý kiến, được giải thích và sửa chữa (nếu cần) theo ý tôi. Thế giới Bước Thời Gian là thế giới tự do nhất của tôi, mà chắc chắn, sau khi Cadao nhắm mắt, tôi sẽ không bao giờ tìm lại được ở bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này. Thế giới ấy với tôi là một ân sủng. Tôi trân trọng ân sủng ấy, và xin được nói đến ở đây một lần duy nhất. Bởi vì tôi không còn có dịp nào khác.

Từ Cadao đã ra đời một cây viết có tên T.Vấn. Anh ta ít nhiều cũng đã có một chút gì chứng tỏ sự hiện hữu của anh ta. Tôi cũng luôn luôn ý thức điều đó mỗi khi nghĩ đến và viết về mảnh đất đã nuôi dưỡng cho tôi trở thành một T.Vấn ngày nay. Tôi hãnh diện vì điều đó dù cho Cadao không phải là một tờ báo lớn ở Dallas, dù cho Cadao không phải là một tờ báo có thể sánh vai với những tờ báo khác ở khắp nước Mỹ mà tôi đã được mời cộng tác. Bởi vì tất cả đều từ Cadao mà ra. Từ người mẹ nhỏ bé quê mùa, đứa con đã nên người. Nó không bao giờ được phép lãng quên điều đó. Vì đó là đạo lý làm người. Cũng vì thế, tôi đã từ chối vài lời đề nghị cộng tác, chỉ vì những nơi ấy muốn bài của tôi phải xuất hiện trên báo của họ trước.

Từ Cadao, tôi đã có đủ vốn liếng và … tên (tuổi) để xây dựng riêng cho mình một trang Web, góp mặt với thế giới ảo khắp thế giới (internet). Đây cũng là thế giới tự do nhất   -song hành với thế giới Bước Thời Gian trên Cadao-   mà tôi sở hữu. Cũng may, nhờ có trang Web T.Vấn, tin Cadao đóng cửa không làm tôi tuyệt vọng đến muốn bẻ bút. Từ hai năm trở lại đây, tâm tư tôi bị ảnh hưởng bởi sự lạm dụng chữ nghĩa của nhiều người. Họ sử dụng chữ nghĩa như một thứ vũ khí, thay vì đâm kẻ thù thì lại quay ra đâm anh em bè bạn, nên tôi tự nguyện đóng kín cửa thế giới của mình, chỉ còn viết bài cho tạp chí Cadao, cho trang mạng Tapchicadao.com và cho trang Web của mình. Sau Cadao, chắc là tôi sẽ chỉ còn trang trải nỗi lòng trên trang Web mà cha con tôi vẫn chăm lo mỗi ngày. Các con tôi nghĩ rằng đây là gia tài duy nhất mà chúng muốn thừa hưởng của bố. Tôi định bụng trước khi nhắm mắt, sẽ nhắc lại với chúng rằng: cái cây Cadao đã đẻ ra trái T.Vấn đấy các con!

3.

Người đi một nửa hồn tôi mất.

Một nửa hồn kia …

Cadao ra đi, hồn tôi không mất một nửa nhưng hình như không còn nguyên vẹn nữa. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tôi đã gắn bó với tờ báo đủ lâu để, tuy không mang tiếng thở dài trĩu nặng như vợ chồng người bạn, nhưng cũng đủ để tôi hụt hẫng nhiều ngày. Có lẽ nhiều tháng chăng?

Đã đến lúc phải nói lời chia tay … mãi mãi, nhưng khác với cả hàng mấy trăm lần trước, mỗi khi đến đoạn cuối của bài viết là tôi vô cùng khoan khoái đặt dấu chấm hết với một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Trong cảm giác khoan khoái đó, tôi viết tên mình và đề ngày tháng. Lần này thì khác. Có một điều gì cứ khiến tôi phải lần khân, chưa muốn dừng, chưa muốn đặt dấu chấm hết cho bài viết thường kỳ.

Tôi sực nhớ ra là mình chưa có lời cám ơn đầu tiên và cũng là cuối cùng với những độc giả đã cùng mình vui buồn giận ghét nhiều năm nay trên trang viết Bước Thời Gian. Cho tôi được nói lời cám ơn những chia sẻ thầm lặng của bao con người không biết tên, không biết mặt nhưng đã cho tôi cảm hứng và lòng tin để tôi đi tiếp con đường mình lựa chọn cho đến cuối đời. Xin cám ơn những người bạn ở tạp chí Cadao đã cho tôi cơ hội để tôi được là tôi dù chỉ trên những trang viết.

Xin chia tay và nếu là mãi mãi

Xin một lần được mãi mãi chia tay  (*)

T.Vấn

Tháng 9 năm 2010

————————

(*) Đây là hai câu thơ tôi thuộc nằm lòng từ một bài báo kết thúc thiên phóng sự đầy nước mắt của cố ký giả Nguyễn Tú (1924-2010) về cuộc triệt thoái hỗn lọan trên đường số 7  tháng 3 năm 1975, đăng trên nhật báo Chính Luận  phát hành tại Sài Gòn. Ông dịch hai câu thơ này (nếu tôi không lầm) từ hai câu thơ của Lord Byron:

          Fare thee well! and if for ever,

          Still for ever, fare thee well.

Những ngày ấy, với tôi, hai câu thơ mang ý nghĩa một cuộc chia ly đau xót cho nhiều người, nhiều gia đình. Nó nặng nề và ám ảnh. Ngày hôm nay, viết về một cuộc chia ly của riêng bản thân tôi với những trang viết quen thuộc, tôi không thể cưỡng lại được một ý muốn thầm kín trong lòng trích lại ở đây hai câu thơ mang tính lịch sử ấy.

(**) Tôi vừa được biết, những bài viết trong trang mục rất độc đáo của tạp chí Cadao Gởi chút niềm riêng của Ngân Bình sẽ được chọn lọc để in thành sách. Ngân Bình chính là bút hiệu của người chủ bút Cadao. Những trang viết của Gởi chút niềm riêng thổi một hơi thở rất lạ cho một thể loại văn không có gì mới mẻ. Ngân Bình đã nâng thể loại tâm sự riêng tư lên một cấp độ gần với văn học. Giọng văn trong sáng, câu chuyện được sắp xếp hợp tình hợp lý, tâm lý nhân vật được đào sâu đúng mức, không quá đà khiến trở thành nhân vật tiểu thuyết. Theo tôi biết, đó là những câu chuyện có thật của một người hay của nhiều người được tác gỉa chắt lọc, tổng hợp rồi kể lại. Độc giả, ở mỗi lứa tuổi, phái tính, thành phần xã hội, đọc Gởi chút niềm riêng và tìm thấy trong đó một mảnh của riêng mình và cũng đồng thời có thể tự rút ra một giải pháp cho những vấn đề riêng mà mình đã, đang phải đối phó. Ngân Bình đã khéo léo tránh được khuyết điểm lớn nhất của thể loại chị chọn: giọng văn “thầy đời” mà không ít người mắc phải. Chính cái cảm xúc của người kể chuyện, thứ cảm xúc không bị thiên kiến chi phối, không oán hận, không quá yêu thương đến mù quáng và lòng nhân hậu đã làm cho người đọc (hay chính người trong cuộc) tự lựa chọn một giải pháp tốt đẹp nhất  (hoặc ít tệ hại nhất) cho vấn đề của nhân vật (và của mình).

Đời sống không bao giờ là vườn hồng, nhưng cũng không phải là cánh đồng hoang đầy mìn bẫy hầm chông. Con người không phải ai cũng là chó sói, nhưng cũng không phải ai cũng là con cừu non. Đường đời thì muôn vạn lối, có lối dắt đến vườn hồng, có lối dắt đến cánh đồng đầy hầm bẫy mìn chông, có lối đưa ta gặp cừu non, có lối đẩy ta vào hang chó sói. Nhưng vườn hồng hay cánh đồng mìn bẫy cũng đều có nước mắt và nụ cười. Chó sói hay cừu non vẫn ẩn chứa dưới sâu thẳm cái hình bóng con người. Tôi có thể ví von ẩn dụ như thế về thế giới những trang viết Gởi chút niềm riêng của Ngân Bình []

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search