T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: NGÀY TRỞ VỀ CỦA KHÁNH LY

clip_image002

“Ngày trở về” là tên bài hát của Phạm Duy mà cô bé Khánh Ly đã hát và đoạt giải nhì trong một lần trốn gia đình đi thi tại một cuộc thi hát ở Saigon . Có lẽ bà không ngờ cuối đời, bà lại trốn dư luận để trở về đứng trên sân khấu đất nước mà bà đã bỏ ra đi , ở tuổi 69.

Với thông tin Khánh Ly sẽ nhận khoảng một trăm ngàn đô la trong tất cả buổi biểu diễn tại VN, nhiều người trách Khánh Ly vì tiền phản bội lại những tuyên bố trước đây của mình.

Tiền là đương nhiên cho một ca sĩ chuyên nghiệp và hầu như đang thất nghiệp như Khánh Ly.

Riêng tôi, tôi cho rằng Khánh Ly về VN hát vì bà là một nghệ sĩ thật sự. Một nghệ sĩ thật sự luôn khao khát được hát ở nơi có người muốn nghe mình hát. Không có gì đau đớn cho bằng một nhà văn mà tác phẩm không được phép xuất bản , một họa sĩ không có điều kiện triển lãm tranh, một nhạc sĩ mà ca khúc của mình bị cấm phổ biến, một ca sĩ không đến được với quần chúng đang chờ đợi mình.

Ai là người đang muốn nghe Khánh Ly hát?

Sẽ biểu diễn tại Hà Nội ngày 9 tháng 5 2014, bà giải thích rằng vì đó là nơi bà ra đời. Tôi cho rằng đó là câu trả lời khôn khéo. Theo tôi bà hát ở Hà Nội vì đơn vị tổ chức, người tài trợ , muốn bà hát ở đó. Là nhà kinh doanh , họ biết họ sẽ không lỗ khi trả cát xê cao cho Khánh ly.

Họ đánh hơi được một thị hiếu ở một nơi đang có người dư tiền.

Hơn ai hết, họ hiểu người Hà Nội chỉ từng nghe bà hát trong băng đĩa , vì tò mò , sẵn lòng mua vé với với giá cao ngất ngưởng để được nhìn tận mặt , nghe tận tai giọng hát của người ca sĩ đại diện cho dòng nhạc mà họ phải nhịn nghe trong mấy chục năm trời.

Người Hà nội không dại dột hay tiêu hoang. Họ quá biết với những ca sĩ mấp mé tuổi 70 thì giọng hát đã “phều phào” (*) Chế Linh, Tuấn Ngọc, Khánh Ly , trình độ thanh nhạc cùng độ khỏe của giọng hát làm sao bằng Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh…Nhưng có vẻ như người Hà Nội đang muốn bày tỏ họ muốn gì.Đã đến lúc họ đòi hỏi mọi thứ thuộc về nghệ thuật phải xuất phát từ cái thật.

Chế Linh, Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lệ Thu , họ chính là họ. Họ không mặc đồng phục , không bị lẫn lộn.

Cho nên vấn đề không phải là Khánh Ly được cấp giấy phép, vấn đề là có ai chịu đi nghe bà hát hay không?

Và dù rằng lần này :

“về đây với xác hiu hắt lạnh lùng

Ôi lãng du quay về điêu tàn”(*)

Tôi tin bà sẽ thành công.

Tôi không phải là fan của Khánh Ly.

Ngoại trừ Khánh Ly với những ca khúc Da Vàng , tôi thích lệ Thu, Thái Thanh hơn.

Dẫu sao tôi cũng cảm phục Khánh Ly trong cách biểu diễn trên sân khấu.

Tiểu sử của bà cho biết bà là một người đàn bà phóng túng.

Bà từng uống rượu, hút thuốc , đánh xì phé và… có nhiều đời chồng.

Nhưng khi đứng hát trên sân khấu , bà rất tư cách.

Bà thường mặc áo dài chứ không chọn trang phục hở hang. Bà không nhoẻn miệng cười ngỏn nghẻn khi hát. Bà không đùa cợt chớt nhã, vô duyên với MC trên sân khấu.

Điều này chúng ta cũng tìm thấy nơi Lệ thu, Thái Thanh, Hà Thanh…và hầu hết các ca sĩ thời trước.

Tôi thích và hãnh diện về điều này và mong lần biểu diễn ở Hà Nội ,dù “phều phào” bà sẽ chinh phục đươc khán giả bằng phong cách của một ca sĩ nghiêm chỉnh với âm nhạc. Hy vọng bà sẽ gây thiện cảm cho khán giả Việt Nam đang bội thực với những trò lố lăng của một số ca sĩ vô ý thức và những ca sĩ có giọng ca thiên phú nhưng thiếu hồn.

Vậy thì Khánh Ly trở về hát ở Việt Nam.

Tại sao không ?

Huyền Chiêu

(*) chữ dùng của nhạc sĩ Tuấn Khanh

(**)Lời nhạc của Phạm Duy trong “ Trở Về Mái Nhà Xưa”

©T.Vấn 2014

 

Phụ Lục :

Giữa bãi hoang, ngó về đền đài

Giữa bãi hoang, ngó về đền đài

Ngay khi có tin xác định ca sĩ Khánh Ly về nước trình diễn, có thể là buổi duy nhất, ngày 9.5 ở Hà Nội, đã có không ít lời khen tiếng chê lao xao. Và trong đó, không ít lời bình phẩm rằng “thật vô lý khi bỏ ra một số tiền rất lớn để vào nghe một tiếng hát nay đã… phều phào”.

Không thể không nhìn thấy đó là một quan điểm hết sức thực tế. Rõ ràng việc dùng số tiền bằng cả tháng lương của một người bình thường để vào nghe một tiếng hát nay đã 70 tuổi, thì thật lạ.

Ban tổ chức chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly cho biết, giá vé thấp nhất là 900 ngàn, còn cao nhất là 3,5 triệu đồng. Đó là chưa nói đến những loại vé ủng hộ và tài trợ riêng.

 

Cái giá của cuộc thương thuyết để ca sĩ Khánh Ly trở về Việt Nam trình diễn, ở mọi mặt là không đơn giản. Có thể nói là phức tạp nhất trong mọi trường hợp ca sĩ người Việt hải ngoại về nước biểu diễn từ trước đến nay.

Thậm chí để có được ngày diễn chính thức trong năm 2014, nhà tổ chức và ca sĩ Khánh Ly đã thảo luận với nhau hơn một năm trong vòng bí mật. Thế nhưng ngay khi có tin giấy phép biểu diễn đã cấp xong đã có ngay những bình luận rằng “không nên trông chờ gì vào tiếng hát này”.

Ấy vậy mà đó lại là chương trình biểu diễn của một ca sĩ từng được rất nhiều nhà tổ chức liên tục ngỏ ý và đàm phán, kể từ năm 1996, tính từ khi ca sĩ Elvis Phương trở thành ca sĩ hải ngoại đầu tiên làm liveshow giữa Sài Gòn, do Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, một công ty của người Việt trong nước tổ chức.

Lại có tin như trêu ngươi rằng nữ ca sĩ này có thể sẽ là người lập kỷ lục trong lịch sử âm nhạc Việt Nam về giá cát-sê. Sân khấu có 3.500 ghế, nếu không có gì làm thay đổi, dự kiến sẽ không còn chỗ.

Câu hỏi vang lên, tại sao?Không phải chỉ là Khánh Ly, mà có một chuỗi dài những cái tên ca sĩ hải ngoại, vốn không còn trẻ trung gì, một thời gian cũng đã thay nhau làm náo động sân khấu ca nhạc Việt, không chỉ là người Sài Gòn, mà cả người Hà Nội cũng háo hức chờ đón.

Những đêm diễn của Chế Linh, Thanh Tuyền cũng chật cứng không còn chỗ ngồi. Thậm chí đã có những bình luận về mặt học thuật rằng đó chỉ là những tiếng hát “bình dân”, không có giá trị kỹ thuật nào.

Nhưng mặc kệ những trau chuốt thông thái, khán giả tuân theo cảm giác của trái tim, họ vẫn đến và vẫn vỗ tay không ngớt như thưởng thức một đêm nhạc vĩ đại của đời mình. Mọi thứ đó chỉ nhàm chán và nhạt dần do cách nạo vét của nền thương mại giải trí thời nay. Nhưng khi đối diện với những cái tên mới, sự hâm mộ vẫn lại bừng lên.

Khánh Ly là một trong vài cái tên hiếm hoi của âm nhạc Việt Nam trước năm 1975, còn chưa có dịp hát ở quê nhà. Những ký ức vàng son hoài niệm của một thế hệ, vẫn có giá trị như tiếng chuông vang lên trong buổi chiều tà làm người ta nhớ và thương rất nhiều thứ trong đời mình, thông qua một tiếng hát.

Giữa một nền văn nghệ hiện tại không ít hỗn loạn, với những giá trị đảo lộn, thương tích, người  ta vẫn tìm cách tự chữa lành mình, bằng cách ngó về những đền đài đã mất.

Có lần ghé qua một thành phố cao nguyên, tôi nhìn thấy một người già ngồi sang và bán những chiếc băng casette, trong đó là những bài hát đã được ghi âm từ vài mươi năm trước.

Giữa một thế giới tràn đầy cái mới, đến và đi vô hồn, bất ngờ tôi chợt hiểu rằng, ở một nơi nào đó trong cửa sổ của thinh lặng của trái tim, vẫn có rất nhiều người muốn được nhìn thấy lại ban mai đời mình, muốn nghe lại, chạm được với những điều mà nay đã run rẩy già nua, nhưng tràn ngập ý nghĩa.

Tôi thấy mình cũng đã từng chết lặng ngồi ở vỉa hè, khi vô tình nghe tiếng hát Thái Thanh với một bản ghi âm sứt sẹo, hát về những đứa con lớn khôn nay không còn biết thương xóm làng, hay chùng xuống khi nghe câu chuyện chiếc thuyền viễn xứ mịt mờ trong tiếng hát Lệ Thu cũ kỹ. Âm vang đó, tạo nên hành trình vô lượng kiếp để dắt ta thoát khỏi rẻo chật chội của nơi bàn chân đứng.

Có thể vì vậy mà khi tìm về với một Khánh Ly, mặc nhiên người ta không quan tâm đến một tiếng hát có thể đã… phều phào, mà tin rằng có thể bằng nội lực truyền cảm chân thành của người ca sĩ này vẫn có thể tạo ra sự háo hức muốn đọc lại quyển sách ký ức, trong đó có Trịnh Công Sơn, có hình ảnh của ca khúc Da Vàng trên quê hương, và có cả chính mình nhỏ nhoi trong đó.

Với những cách tính thực tế, phí tiền cho một giọng hát già nua là vô lý, nhưng với sự phi thường của vô thức, cầm được chiếc vé đi về ngày hôm qua, thật xứng đáng để rung động. Chắc chắn cũng có những kiểu khán giả khác. Những kẻ học đòi, những trưởng giả làm sang, những kẻ tò mò…

Nhưng với những người yêu âm nhạc, và yêu những giá trị lớn hơn phía sau âm nhạc, đôi khi đi đến nghe một điều cũ kỹ còn là một sự kháng cự tinh thần thầm lặng. Giữa một nền văn nghệ hiện tại không ít hỗn loạn, với những giá trị đảo lộn, thương tích, người  ta vẫn tìm cách tự chữa lành mình, bằng cách ngó về những đền đài đã mất.

Tuấn Khanh

Ảnh: Tư liệu

Bài Mới Nhất
Search