T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: BẦY CHIM TRƯỚC HIÊN NHÀ

clip_image002

Hình Minh Họa (Internet)

Sau trận đau thập tử nhất sinh hồi năm ngoái, anh Hậu buông tất cả công việc làm ăn, giao hẳn cho lũ con cái, không còn ngó ngàng đến tiền bạc, kinh doanh như trước nữa. Anh lui về ở trong căn nhà nhỏ, sâu hút cuối hẻm. Hành động kỳ quặc này đã gây không ít bàn tán, xôn xao trong giới thương nhân một lúc, rồi thôi, ai lo phận nấy, coi như anh không còn tồn tại, không còn cạnh tranh với nhau khốc liệt như trước. Đám thương nhân mừng thầm vì đã loại được một đối thủ đã từng gây cho họ nhiều khó khăn mà không phải tốn đồng xu cắc bạc, lại còn được đến tận nhà để chia xẻ cái đau của anh, cảm thương anh theo đạo lý phường hội.

Theo anh về căn nhà xưa, nơi anh cất tiếng chào đời cách đây hơn năm mươi năm là chị Hậu, vợ anh. Cả hai sống lặng lẽ, ít giao tiếp. Hằng ngày ngoài công việc cơm nước, thuốc thang cho chồng, thì giờ rảnh chị lên chùa đọc kinh, làm công quả. Còn anh Hậu thì nằm nhà đọc Thiền, thơ Đường cùng bất kỳ thứ sách báo nào mà anh có được. Chán, anh ra khu vườn nhỏ chỉ rộng hơn nong tằm để tưới nước , nhổ cỏ đám rau mà anh vẫn thường gọi là “đám thuốc cải tử hoàn sinh”. Đó là mấy dây bình bát dựa lưng vào cột nhà, leo lên tận mái ngói; là bụi mồng tơi nằm vắt ngang qua nhà tắm. Gần ảng nước là đám ngổ, cần tây, diếp cá, lá lốt xô đẩy, chen lấn nhau. Còn phía chỗ mô đất cao hơn một chút, gần cổng ra vào là mấy bụi tía tô lá đỏ hóet, xum xuê. Tuyệt nhiên không thấy anh trồng cây bông hay chậu cảnh nào cả.

Ngày thường, nhà vắng hoe chỉ có tiếng vợ tiếng chồng nhỏ nhẹ với nhau, nhưng đến thứ bảy, chủ nhật lũ cháu nội ngoại kéo ào về làm cho căn nhà chật cứng người. Hết nhảy lên bàn, chui tọt xuống gầm giường cút kiếm, chơi trò đấu kiếm, chúng lại quay ra vườn bứt lá, bẻ cây chơi trò đám giỗ, đám cưới. Đến khi cha mẹ chúng tới đón về thì khu vườn nhỏ như vừa trải qua trận bão khủng khiếp. Có lần lũ con anh đề nghị:

– Nhà cũ kỹ, chật chội thiếu ánh sáng và không khí. Để tụi con phá ra xây lại, rộng rãi, mát mẻ hơn, để cha mẹ hưởng tuổi già.

Anh Hậu gạt phăng:

– Không cần thiết. Tiền để bổ sung vào vốn. Khi cần vay mượn cực thân. Với lại nó là kỷ niệm của ông bà nội tụi bay để lại, không thể phá đi được.

Sau nhiều lần thuyết phục không xong, đám cháu ít về hơn. Mà có về cũng không phá phách như trước làm anh buồn buồn không sao nói ra lời được.

Sáng nay tôi tới thăm anh. Chưa kịp chào, anh đã vội khoe:

– Tôi mới tìm thấy được cây quế ngọc. Quí lắm. Nó mọc tràn lan đầy rào đầy giậu mà nào có biết. Tình cờ nằm đọc tài liệu cổ mới phát hiện. Té ra là nó. Bứng được năm gốc còn sống hai.

– Anh nói quá. Cây cỏ gì mà quí đến vậy?

Anh cười cười:

– Như ăn sống thì trị được bệnh hôi nách, hôi miệng, vã mồ hôi trộm. Nấu chín thì trị được bệnh đái đường, đái tháo, ỉa chảy phân đen tức bộ phận tiêu hóa có vấn đề trục trặc. Còn như nấu chung với nha đam thì trị chứng lãnh cảm, làm mịn da ở phụ nữ. Thêm chút quế chi cùng bông gòn đốt thành tro sẽ trị được bệnh huyết trắng…

Tôi đùa:

– Bây giờ chứng hôi nách, hôi miệng khá là phổ biến, mà toàn đám nhà giàu có bị dính. Hay là anh kiếm mảnh đất rồng rộng trồng kinh doanh?

Anh không trả lời mà đập mạnh vào vai tôi:

– Chú xê ra, mấy con chim…

– Chim gì?

Anh chỉ tay lên mái hiên nhà:

– Ờ, ngồi xích ra chỗ này. Sợ nó ỉa trúng đầu chú.

Anh phá ra cười. Tôi cũng cười ngất.

Hóa ra ngoài các cây rau, cỏ được phong thánh anh còn nuôi chim lồng to lồng nhỏ, treo móc lủng lẳng trên rui, kèo nhà. Cũng là một lũ chim táp nham, không thể gọi là chim cảnh được. Con cu cườm lừ lừ gật gù giống như lão lý trưởng mặc áo the, đội khăn đóng, nách cặp dù ngất nghểu trên đường tới nhà bà góa. Con chìa vôi lấc cấc như thằng trẻ ranh. Còn con chào mào giống hệt bà gái góa đội nải chuối xanh lên chùa. Cuối dãy là hai chú sáo đà và mấy con khác nữa không biết tên. Tất cả từ rừng xanh, bờ bụi quần tụ lại nhưng ngăn cách bằng những chiếc nan tre bóng loáng, chắc chắn. Có điều lạ là từ khi tôi bước chân vào nhà tới giờ, chưa nghe thấy chúng hót hay kêu gì cả mà chỉ đứng gật gù nhìn trời đất như những nhà hiền triết hoặc chăm chú mổ thức ăn, rỉa lông.

– Sao không nghe chúng hót hay gáy gì hết trơn vậy anh? – Tôi hỏi anh.

Anh Hậu đang mò nhổ những sợi râu ngứa trên cằm một cách chăm chú như lũ chim đang ăn, không nghe. Tôi lặp lại. Anh giật mạnh sợi râu ngắn đưa ra soi trước mắt. Không có sợi râu nào. Chỉ có hai ngón tay bóp lại. Anh cười:

– Không thấy hót?

– Ờ

– Đám chim bổi mua dưới chợ. Tiếng là bổi nhưng ngoài rừng chắc là chúng phải hót hay. Nhưng khi người ta rập chúng hàng trăm đem bán thì hay cũng hóa dở. Chỉ có lũ con nít chúng ưa. Ban đầu định mua cho mấy đứa cháu chơi. Nhưng chúng chán, bảo chim của ông câm hết rồi. Tôi cứ treo đó. Sáng chiều đổ thức ăn và thay nước. Chúng sống chết thế nào mặc. Có hót hay không cũng kệ. Tôi đã thả chúng ra nhưng bay quanh quẩn đâu đó rồi chiều tối tụ tập về, cắn mổ, la hét với nhau om sòm riết cũng thấy ngồ ngộ. Trong số này có con tôi mang về, có con tự dưng kết bầy chui vào chung sống, hòa đồng với đám chim mà các cháu tôi gọi là câm. Và rồi cả đám cũng hóa câm luôn.

– Nhưng nuôi làm gì ba cái thứ này cho nó nhọc công?

– Nhọc nhằn gì chú ơi! Cũng tự nhiên như trời đất cỏ cây vậy mà.

– Trời đất! Người ta nuôi các loại chim quí, những hồng yến, hoàng yến, sơn ca, họa mi… còn anh thì đi tầm ba thứ chim se sẻ tầm xàm bá láp này về nuôi?

– Chú mới thiệt lạ đó. Không có se sẻ sao có chim ưng? Không có gà vịt sao có công có phượng…?

Tôi cãi:

– Nhưng mà phàm nuôi chim hoặc là để nghe tiếng hót hoặc là để ngắm nhìn màu lông sặc sỡ tỉ như thưởng thức âm nhạc và hội họa vậy. Dưới nhãn quan “điên khùng” của loài người thì chim có hai cái đẹp: âm thanh và sắc màu. Đằng này anh lại đi chăm sóc một lũ chim câm. Còn lông lá thì, xin lỗi anh cứ như áo tới chằm lá đã qua ba bốn mùa mưa.

Chị Hậu từ dưới bếp bưng lên khay trà đặt lên chiếc bàn con làm bằng hai mảnh ván ghép tròn, rộng bằng chiếc mâm thau, thứ sản phẩm còn sót lại hồi chiến tranh. Nhìn chiếc bàn có thể đoán bạn bè anh đến chơi nhà không nhiều như hồi anh còn đang kinh doanh . Chị rót trà ra hai chén gốm nung, giả cổ:

– Chú uống chén trà cho ấm bụng. Trà Tàu loại đặc biệt người ta biếu ổng, đâu tận bên Trung Hoa – Chị nói rồi bỏ xuống nhà dưới, không tham gia câu chuyện với chúng tôi, bỡi chị là một phụ nữ vốn ít lời, nhưng được cái rất quí trọng bạn bè chồng.

Anh Hậu bưng chén trà lên, cung cách cứ như các nhân vật của Nguyễn Tuân. Xong tuần trà, anh lại lên tiếng:

– Phàm hễ phú quí rồi thì sinh ra lễ nghĩa. Mới hôm qua còn đi chân đất, phèn bám dày ngón chân, mặc quần chó táp bảy ngày không tới. Được đồng ra đồng vào theo kiểu hoạnh tài thì bày đặt quần soóc trắng, áo thun trắng chạy xe máy lên xuống khoe cặp giò đen thui bùn đất.

Tôi cắt ngang:

– Anh mới lạ. Đang nói chuyện chim cu anh lại xọ sang chuyện khác?

– Thì thủng thẳng rồi tới chuyện chim cu. Lại có người bữa trước đi đong từng lon gạo, nay ăn uống thì chê thịt, chê cá, bắt phải luộc đọt rau lang non, bông giờ, mắm ngò, muối ớt xiêm. Tổ cha chúng chứ cái giếng nhà chúng toàn phèn và bùn, uống từ nhỏ tới lớn, nay bày đặt uống nước khoáng. Đi đâu cũng kè kè chai nước khoáng, sợ uống thứ khác sẽ bị thổ tả, vi trùng? – Anh uống ngụm trà như để lấy hơi, tiếp – Trở lại chuyện chim cu của chú thì này này. Chú có biết không? Một con họa mi cũng vài triệu bạc, hồng yến cũng tới bảy tám trăm đem về nhốt trong lồng để nghe, không bắt nó hót mà nghe thì hỏi chú có phải bọn đó là bậc trí giả thanh tao không? Lại nữa, chim hót hay hay nghe được giọng chim hót hay đâu phải ngồi trên ghế nệm, nền lót gạch bông có máy điều hòa nhiệt độ. Trật lất. Phải vào rừng kìa. Vào tận rừng sâu, leo lên tận núi cao nằm gối đầu lên rễ cây mà lắng nghe tiếng chim hót. Giữa mênh mông đại ngàn của rừng, mênh mông lá xào xạc của gió núi, mênh mông âm thanh róc rách của suối sâu rừng thẳm thì tiếng chim hót mới phiêu phiêu ngọt ngào. Những âm thanh ấy cứ ngang dọc lan tỏa khắp đất trời, thấm sâu vào tận những vi ti huyết quản, lan lan xuống thấu đầu ngón tay, ngón chân, làm rung rinh những chân tóc, thấm đẫm khắp châu thân. Tiếng cao tiếng thấp, tiếng đục tiếng trong cùng hòa nhịp. Giữa những âm thanh đang lơ lửng trên tầng không, thỉnh thoảng lại có tiếng tác của con mang, tiếng gầm của beo cọp, cả tiếng sâu bọ rả rích như thể tiếng phách giữ nhịp cho bản hòa âm bất tận …

– Có vẻ như anh đang sử dụng ngôn ngữ thơ ca để ví von với tiếng chim hót?

Anh Hậu chìm lún trong cơn mơ màng mộng tưởng hoang đường, không để ý gì đến điều tôi vừa nói, tiếp tục chìm đắm trong cơn mộng mị:

– Còn như chú nghe tiếng chim hót phát ra từ bên trong những chiếc nan tre, những chiếc lồng son giả tạo, xin lỗi, như nghe tiếng con ong bầu bị đè lên nắp thùng thiếc, đang gắng sức vùng vẫy kêu la, mong được sớm thoát ra ngoài. Nó cứ u uẩn, nghẹn tắc. Nó cứ te tái, sực sạo tỉ như vết trầy xước trên mặt đĩa nhạc. Trong khi con chim cố gắng hết sức để làm hài lòng chủ nhân thì đầu này kèn bóp toe toe, đầu kia búa đập chan chát. Tiếng động cơ nổ ầm ầm. Khói bụi mù đường. Tiếng chim hót trở nên lạc lõng, bơ vơ tựa hồ tiếng rên xiết, kêu cứu. Mọi chuyện vì vậy đều lạc điệu trật khớp hết. Mà nè, có hồi nào chú ngồi một mình trên chiếc sõng nan tre thả trôi trên sông đêm chưa? Chưa phải không? Chưa được may mắn ngồi sõng đêm trôi xuôi mà nghe tiếng sáo réo rắt văng vẳng gần xa sau rặng tre già? Đó mới thực là tiếng sáo và nghe sáo. Đẹp tựa dãi lụa phất phơ trên triền sông cát dưới bóng nắng quái chiều hôm. Cái khoản này xưa nay chỉ có một mình Mỵ Nương bên bờ sông Tiêu Tương mà thôi, dẫu cho đây chỉ là một nhân vật mộng tưởng hoang đường của một Trương Chi hoang đường.

– Tôi e rằng anh cố tình đẩy cái đẹp tới chỗ cực đoan?

Anh lừ lừ ngó thẳng vào mắt tôi, rực lửa:

– Mọi cái đẹp đều tồn tại trước mắt ta một cách hết sức tự nhiên. Không ai có quyền và được quyền chiếm hữu làm của riêng. Cái đẹp là của chung của nhân loại. Và dẫu nó không thể cứu được thế gian bừa bộn này như mong ước của cụ Dostoievki thì ít nhất cũng đôi khi làm ngập ngừng cái ác lại đôi chút.

– Vậy thì tại sao anh không thả lũ chim ra? Lũ chim đang bị anh nhốt trong lồng kìa?

Anh Hậu ngửa mặt cười ngất. Cười đến rung cả mắt và mũi.

– Chú quan sát mọi sự vật một cách hời hợt, quan sát từ suy diễn chủ quan mà ra. Đó là cố tật của bệnh luận lý, mà ông tổ sự sai này là từ cụ Platon, Aristotes. Nhìn xem, tôi có nhốt chúng lại đâu nào? – Anh lại cười ngất.

Quả thật, khi nhìn lên dãy lồng to lồng nhỏ khác nhau, tất cả các cửa lồng đều mở toang. Có cái còn ngã ra làm cầu cho chúng chuyền. Lũ chim đang thản nhiên mổ thức ăn, đứng ngoài nan lồng rỉa lông. Có con còn nằm xoài cánh trên kèo nhà như thể nơi này là rừng sâu, là cây cao của chúng trước đây.

– Lạ thiệt anh Hậu. Tại sao lại có hiện tượng lạ lùng này?

– Chẳng có gì lạ lùng cả. Bây giờ chúng với tôi như người thân. Chúng không phải bay đi đâu cả. Thức ăn có sẵn, loại thức ăn cao cấp mà trong rừng sâu, ngoài thiên nhiên không dễ gì chúng kiếm được. Ăn chán chúng bay ra thau nước ngoài kia tắm giũ, rồi bay lên mái nhà hay giậu mồng tơi rỉa lông phơi nắng. Rồi lại trở vào lồng. Ăn. Rỉa lông. Ngủ. Cọp dữ, con người còn thực hiện được ý đồ của mình, huống chi chim chóc? Nghĩ ra con người quả là ác độc.

– Tuyệt nhiên chúng không hót?

– Không, nếu như tôi không làm một hiệu lệnh nào đó.

– Tại sao như vậy?

– Theo thói quen dạy dỗ. Đầu tiên là chúng được ăn no, ăn ngon. Con nào cũng mập mỡ, lại không bay nên thanh quản chúng chỉ có một lớp mỡ dày bao quanh. Muốn rung lên không tài nào rung được thì hót thế nào bằng lúc xưa khi còn ngoàirừng núi? Đây chú xem – nói và anh Hậu giơ ngón tay lên búng trong tróc, tức thì con chìa vôi bay vụt vào đậu trên cầu lồng rướn cổ lên cố phát ra những âm thanh gọi bầy. Nhưng hỡi ơi, nó không còn là tiếng chim nữa, giống như đứa trẻ cầm dùi gõ lên mặt trống da ếch. Anh lại chun môi huýt sáo, con chốc mào đậu lên vai anh cất giọng khàn khàn. Đến cái bập bập môi, con chào mào thôi điệu bộ đến lượt chú cu cườm gật gù không ra tiếng. Quái lạ hơn nữa khi anh vỗ tay bồm bộp, tất cả các chú chim của anh bắt đầu khào khào trong cổ họng nghe đến thảm thương. Tôi không còn bụng dạ nào ngồi nhìn anh thao tác, điều khiển lũ chim nữa, nói như hét:

– Anh thật dã man

Anh Hậu cười hề hề trông hết sức hiền lành:

– Đó chẳng qua là thiết lập lại trật tự tự nhiên, một trong những mệnh đề biện chứng của triết học thời Trung cổ.

– Anh quá lắm anh Hậu.

Từ buổi sáng hôm đó, có đến hơn hai năm tôi không có dịp lui tới thăm anh, cũng vì bận chuyện cơm áo gạo tiền, lo con lo cái nên không còn đầu óc đâu để ý đến cái đẹp, đến thẩm mỹ như đã từng tranh luận với anh. Định bụng, tết này tôi sẽ về. Và việc đầu tiên là tôi sẽ đến nhà thăm anh để nhìn bầy chim anh treo dưới hiên nhà nay đã hót lại chưa?

Nguyễn Lệ Uyên

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search