T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

NGUYỄN LỆ UYÊN: Truyện Ngắn (Tuyển tập)

Share on facebook
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Xin Bấm Vào Đây Để Mở Hoặc Tải Về Máy

NGUYỄN LỆ UYÊN: Truyện Ngắn (Tuyển Tập)

 

Nhà Văn Nguyễn Lệ Uyên qua người vợ, bà Nguyễn Thị Hoa

Vuông Chiếu (VC): Trong cơ duyên nào bà đã đến với người bạn đời của mình ? Và trong chiều dài thăng trầm của cuộc sống, bà có thể giới thiệu một kỷ niệm buồn, vui ?

 Nguyễn Thị Hoa: Chúng tôi dạy chung trường trước 75, ảnh dạy Việt văn, tôi Sử địa. Thời đi học, tôi đọc Nguyễn Thị Hoàng, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Bằng, Dương Nghiễm Mậu… Đọc nhưng không “mê đắm” văn chương cho lắm. Lần đầu tiên gặp ảnh, là lúc ảnh biệt phái về trường. Tướng mạo cứ như “anh lính râu ria” của Quang Dũng. Nhìn mà phát sợ. Đến bữa nọ, ông cai trường nhận thư của các giáo sư để trên bàn phòng giáo sư, tình cờ liếc nhìn thấy bì thư của báo Văn, có cái entiquette đỏ chót trên góc trái, gửi ảnh… Từ đó tôi mới biết ảnh có viết văn. Tôi bắt đầu tìm đọc. Thú thật, đọc cho có đọc, chớ tôi không mấy thích văn phong của ảnh (hồi đó), lại thêm bút danh như đàn bà con gái. Sau này hỏi ra, ảnh mới nói rõ: đó là tên làng ngoài quê ảnh. Một làng quê đẹp, nằm dốc ngược trên quả đồi sát biển: Lệ Uyên.

Chúng tôi đến với nhau, có lẽ từ cái duyên văn nghệ này. Mỗi người tìm thấy ở người kia có một chút của mình. Một chút đó gắn liền suốt bao năm tháng có vui có buồn, nhất là giai đoạn sau 75. Tôi vẫn đi dạy, còn ảnh nấu rượu lậu lấy bã hèm nuôi heo để có chút tiền cho các con ăn học. Nhọc nhằn, nhưng hạnh phúc vì nhờ đó mà các con lớn khôn…

 VC: Nhiều người thường quan niệm rằng: các ông bà tác giả, dù sinh hoạt ở bộ môn nghệ thuật nào, cũng thường có tính lơ là đối với những công việc gia đình. Theo bà, nhận xét này đúng được bao nhiêu phần trăm ? Và riêng ông nhà thì sao ?

 NTH: Ảnh thường nói rằng: “tôi cảm ơn quân trường đã dạy nhiều điều có thể áp dụng trong cuộc sống đầy dẫy những khốn khó này, đặc biệt là bài mưu sinh”. Những năm thất nghiệp, mất dạy… ảnh có thể chặt củi, nấu cơm, ra đồng, gieo mạ… những việc mà từ trước hình như ảnh chẳng hề biết đến cán cuốc, cây rựa là gì. Với lại, trong khoảng thời gian này, các ông bà nhà văn còn ở lại trong nước, hầu hết đều lo đến cái sống hàng ngày cho cả gia đình, nên chẳng mấy ai cầm nổi bút. Còn giờ này thì việc nhà vẫn chu tất, vẫn ưu tiên, thời gian còn lại thì viết, đọc. Có lúc hứng chí, bỏ việc đi chơi với bạn văn cả tuần. Đó cũng là lẽ thường tình của các ông văn nghệ mà? Đúng chỗ này thì sai chỗ kia mà, làm sao đưa ra nổi nhận xét với phần trăm?

VC: Ngoài những môn sở trường, xin cho biết ông nhà còn thích hoạt động giải trí thêm với những bộ môn nào khác ?

 NTH: Ảnh mê bóng đá, từ ngoại hạng Anh đến, La Liga, Serie A, Pháp… mà lại không bao giờ đụng mắt đến bóng đá VN? Hỏi ra, ảnh kêu, đá như mấy thằng trẻ nít trong ấp đá banh thì coi làm gì cho tốn thì giờ?! Hằng ngày chăm sóc mấy gốc bonsai. Buồn thì kêu mấy ông bạn nông dân già trong xóm tới uống vài ly rượu, nói đông nói tây, chuyện nóng chuyện lạnh. Trong này làm gì có quỹ thời gian và vật chất để thực hiện những mơ ước? Cứ ủ mai trong lòng, riết rồi mục rã hết trơn!

 VC: Xin cho biết một ít thói quen của ông nhà trong lúc sáng tác?

NTH: Tôi thấy ảnh chẳng có thói quen nào khi ngồi vào bàn viết cả. Rảnh đâu thì viết đó, hứng chí thì viết, bỏ cả việc. Có lúc cả tháng không thấy đụng tới cái máy. Lại có khi viết tràng giang đại hải rồi xoá sạch. Không hiểu nổi?

 VC: Bà đã từng có những đóng góp vào công việc sáng tác của ông nhà ?

NTH: Đóng góp lớn nhất của tôi là sanh con cho ảnh, rồi cùng nhau nuôi con. May mà không có đứa nào theo nghiệp cha! Đôi lúc tôi cũng cằn nhằn, ảnh nhăn răng cười: “em không biết đâu, thằng cha bác sĩ chỉ cứu được người, chớ còn tụi anh thì cứu được đời kia đấy”. Ghê gớm thật. Đại ngôn, tôi nghĩ. Cứu sao mà xã hội cứ ngày càng đi xuống về mọi mặt: nhân bản biến mất, văn hoá biến mất, tính người biến mất… Cứu được gì. Đúng, mấy ông nhà văn hay đại ngôn vậy đó. Nói cho lấp đi những điều không thể làm nổi, khoả lấp sự bất lực của ngòi bút?

VC: Bà có những nhận xét tổng quát nào về toàn bộ tác phẩm của ông nhà đã được giới thiệu rộng rãi trong quần chúng ?

 NTH: Viết một tác phẩm thì thuộc về nhà văn. Đọc và đánh giá tác phầm thì thuộc về số đông độc giả. Nhưng khốn thay, tôi lại là độc giả rất thiểu số mà lại gần gũi nhất, là một nửa của anh ấy thì làm sao nhận xét được? Xét một hồi có khi nhận nước tác phẩm của ảnh đấy chớ, vì, tính chủ quan của mình, với lại “văn mình, vợ người mà?”. Thành ra tôi chỉ nhận xét “ăn theo”. Ấy là khi những khi tập truyện ngắn, biên khảo của ảnh được trao giải, có nghĩa là có “một chút số độc giả” công nhận. Không hẳn là lớn lao, chân thật… nhưng dẫu sao cũng có người để mắt tới, nghĩa là có đọc tác phẩm của chồng mình thì thấy vui. Chưa biết khen chê thế nào, nhưng cứ mỗi truyện có chừng trăm độc giả chịu đọc tác phẩm mình trong thời buổi nhiễu nhương này là đã thấy mừng. Rồi mỗi tác giả chỉ chừng vài truyện ngắn, bài thơ được số đông công nhận thì coi như đã thành công. Dưới mắt tôi, thời buổi này, ảnh còn can đảm ngồi viết văn thì cũng giống như chuyện đi làm công quả ở các ngôi chùa vậy thôi.

 VC: Xuyên qua việc phát hành, phổ biến các tác phẩm nghệ thuật của ông nhà, bà có những nhận định gì về tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay tại hải ngoại ?

 NTH: Vắn tắt, thì dễ thở, đa dạng hơn trong này.

 VC: Cá nhân bà đã và đang sinh hoạt trong lãnh vực nào ? Những sinh hoạt đó có gây trở ngại hoặc hổ tương trong việc sáng tác của ông nhà ?

 NTH: Tôi là nhà giáo đã hưu rồi. Ở tuổi này, tôi chỉ còn mỗi một niềm vui là đọc kinh Phật, đến chùa. Nhân đây, xin cảm ơn anh Đỗ Hồng Ngọc, bạn của chồng tôi, người đã gửi tặng quyển Nghĩ về trái tim, Như thị… để tôi đến gần hơn với các tạng kinh Phật, hiểu thêm một chút về Tâm kinh Bát nhã ba la mật đa.

Đọc kinh và đến chùa thì ắt không gây trở ngại phiền phức gì đến chữ nghĩa anh ấy, nhưng hỗ tương thì chẳng thấy gì. Vì truyện ảnh viết nó cứ sần sùi như da cóc, như lá ô rô cóc kèn. Tôi có nói đùa, coi chừng người ta phun chất diệt cỏ dại thì mấy cái gai kia cũng nhũn ra.

Đem truyện ảnh vào chùa hay ngược lại hoá ra như sư Hổ Mang sao?

VC: Nếu có thể được, xin bà vắn tắt cho đôi dòng tiểu sử của ông , những tác phẩm của ông ấy, và đôi dòng về cá nhân bà, đại khái quê quán, hoài bảo…

 NTH: Ảnh sinh năm 1948 tại Tuy Hoà, học Đại Học Sư Phạm Cần Thơ, khoá 6/70 Thủ Đức, dạy học tại Gò Công.

 

Tác phẩm đã in:

Các tập truyện: Sông chảy về núi. Mưa trên sông ĐắkBla, Mùa hè sang trọng, Chân dung tự vẽ.

Biên khảo: Trò chơi dân gian, Truyền thuyết và huyền thoại Phú Yên và một tập viết về các nhà văn nhà thơ miền Nam trước 75 là Trang sách và Những giấc mơ bay, tập I. Tập II hình hư ảnh viết cũng gần xong nhưng không biết ai chịu in cho. Nhờ vả vợ chồng anh THT nhiều rồi, ảnh ngại.

Còn tôi sinh trưởng ở Gò Công, dạy học. Nay thì theo về quê chồng. Các con đã thành đạt. Mơ ước duy nhất là bớt đi sự ngột ngạt, hay tan mất càng tốt để các ông bà nhà văn nhà thơ viết nhiều hơn, hay hơn và, hơn hết, để tất cả mọi người đều nở cụ cười thật tươi, thật rạng rỡ.

 Nguyễn Thị Hoa

 

 Nguyễn Lệ Uyên

 Tên thật Đoàn Hùng, sinh năm 1948 tại Tuy Hòa. Tốt nghiệp đại học sư phạm Cần Thơ (khoá 3 ban Việt Hán). Cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa (khoá 6/70 SQ trừ bị Thủ Đức).

Hiện sinh sống ở Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

Sông Chảy Về Núi (truyện)

Mưa Trên Sông ĐăkBla (truyện)

Mùa Hè Sang Trọng (truyện)

Chân Dung Tự Vẽ (truyện)

Trò Chơi Dân Gian (nghiên cứu  dân gian)

Bài Chòi (nghiên cứu dân gian)

Truyền Thuyết & Huyền Thoại Phú Yên (nghiên cứu dân gian)

Trang Sách & Những Giấc Mơ Bay,

tập 1, 2, 3 (viết về các tác giả miền Nam)

 

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

30 tac pham-11-2017

 

 

 

 

©T.Vấn 2020