T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu *

clip_image001

1.

Mẩu tin trên mạng một buổi sáng lang thang đã đem đến cho tôi nỗi ngậm ngùi. Người mà tôi mơ ước được một lần gặp gỡ để “thanh tóan cho xong cái quá khứ đã chấp trong tôi ” bằng cách bắt chước chính ông “Phùng Phật sát Phật. Phùng Miller sát Miller”, để rồi biến thành “Phùng Phạm sát Phạm“, không còn nữa. Phạm Công Thiện đã qua đời trước khi tôi có cơ hội “sát thủ“.

Phạm công Thiện chết rồi, mặt trời sẽ hy vọng có thực. Ngày ông qua đời, thứ Ba 8 tháng 3 năm 2011, mặt trời mùa đông vạch mây ngó xuống. Đó là một ngày nắng hiếm hoi.

Trong bài tựa cho lần tái bản quyển sách nổi tiếng “Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học” do nhà xuất bản An Tiêm ấn hành năm 1970, ông viết:

“Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời.
Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi.
Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa.
Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất.
Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.
Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn.
Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.
Từ 80 tuổi cho đến 90 thì Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa.
Từ 90 tuổi cho đến 100 thì mặt trời trở thành mặt trăng và mặt trăng trở thành địa cầu mới.”

Chẳng may, ông đã mất năm 71 tuổi (ông sinh năm 1941). Ông không kịp chờ cho “núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.”. Nhưng nếu ông còn sống, liệu ngày ấy có đến không?

Đã đi mất hẳn đi rồi .

Đó là câu thơ của chính ông trong tập thơ cuối cùng (Trên Tất Cả Các Đỉnh Cao Là Lặng Im) mà nhà thơ Viên Linh đã mượn làm đề tựa bài viết ngắn về cái chết của vị triết gia thi sĩ thần đồng. Có thật là Phạm Công Thiện “đã đi mất hẳn đi rồi“?

Với ai thì chắc hẳn là không cần phải hỏi lại. Nhưng với Phạm Công Thiện thì khác. Vẫn phải bắt chước ông (lại một lần nữa tôi bắt chước ông!) hỏi chính mình: Đã đi rồi đã đi chưa?

Tại sao?

Vì Phạm Công Thiện là một hiện tượng chưa một lần được lý giải thỏa đáng cho người đương thời, cho các thế hệ nối tiếp mỗi khi họ ngồi trước đèn lần giở những trang cảo thơm của quá khứ. Kể từ khi xuất hiện năm 1957, lúc mới 16 tuổi, bằng cách tự xuất bản quyển Anh Ngữ Tinh Âm, rồi tiếp theo ông cho ra đời những tác phẩm gây chấn động cả một tầng lớp trí thức, sinh viên thành thị dưới nhiều hình thức: nghiên cứu triết học, tôn giáo, thi ca, văn học v..v. Ở tuổi chưa tới 30, ông đã lần lượt đảm trách nhiều chức vụ nghiên cứu, giảng dạy khác nhau ở đại học và các tu viện Phật giáo (dù ông xuất thân từ một gia đình theo Thiên Chúa Giáo). Đó là chưa kể những sự kiện khác thường trong cuộc đời của ông. Năm 1964, giữa lúc tiếng tăm nổi lên như cồn, ông từ bỏ Thiên Chúa giáo của mình để trở thành một nhà sư với pháp danh Thích Nguyên Tánh. Năm 1970, rời bỏ đất nước sang Israel, Đức, rồi Pháp sinh sống. Tại đây, ông cởi áo cà sa, lấy vợ – một người theo đạo Thiên chúa.

Từ bấy đến nay đã hơn 50 năm trôi qua, nhiều người già tóc bạc da mồi đương thời với ông vẫn còn phải tự hỏi mình:

Phạm Công Thiện, ông là ai?

Cho đến buổi chiều ngày thứ Ba 8 tháng 3 năm 2011 lúc mà Phạm Công Thiện “mệt dần, bắt đầu nhập định và ra đi nhẹ nhàngtại thành phố Houston, tiểu bang Texas, câu hỏi lại càng nổi cộm hơn bao giờ hết, vì đã đến lúc “cái quan định luận”, khi thể xác ông đã thực sự là một thi hài như thi hài của bao con người khác khi chết. Thiên tài hay thường nhân, bạo chúa hay minh vương, nằm xuống rồi cũng thì có khác gì nhau. Thế nên, với Phạm Công Thiện, câu hỏi từ 50 năm vẫn lơ lửng.

Phạm Công Thiện là một triết gia hay kẻ mắc bệnh điên tư tưởng? Là một học gỉa hay chỉ là con mọt sách? là một thi sĩ, một nhà văn hay kẻ lộng ngôn xem chữ nghĩa như một trò chơi? Là bậc tu hành tinh thông lẽ đạo bằng trí thông minh tuyệt vời hay kẻ mượn áo cà sa trốn lánh việc đời rồi hốt nhiên trở nên “ngộ” một cách bất đắc dĩ? Là con người lập dị nhờ vào khả năng ngôn ngữ hơn người hay kẻ phá phách cậy mình thông kinh đạt quyển nên tung hòanh chốn trường văn trận bút như chỗ không người? Là vị thần đồng thực sự hay kẻ kiêu ngạo coi trời bằng vung?

Nhiều người đương thời đã tìm cách lý giaỉ hiện tượng Phạm Công Thiện với nhiều cách nhìn khác nhau, đôi khi đối nghịch.

2.

clip_image002

Hãy đọc tiểu sử của Phạm Công Thiện:

Sinh ngày 01 tháng 6 năm Tân Tỵ, 1941, tại Mỹ Tho, Việt Nam.
– Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne, Pháp,
– Nguyên Giáo Sư Triết Học tại Đại Học Toulouse, Pháp,
– Nguyên Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn tại Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn; Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả các Phân Khoa của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1966 tới năm 1970,
– Nguyên Chủ Biên Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn,
– Nguyên Giáo Sư Phật Học tại các Học Viện, Cao Đẳng Phật Học tại Hoa Kỳ,
– Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo .

Hãy đọc danh sách những tác phẩm của ông:

• Tiểu Luận Về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền Tông (1964)
• Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Triết Học (1965)
• Ngày sanh Của Rắn (1967)
• Trời Tháng Tư (1966)
• Im Lặng Hố Thẵm (1967)
• Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967)
• Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967)
• Bay Ði Những cơn Mưa Phùn (1970)
• Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988)
• Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong
Tư Tưởng Phật Giáo (1994)
• Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995)
• Làm Thế Nào Ðể Trở Thành Một Bậc Bồ Tát
• Sáng Rực Khắp Bốn Phương Trời (1998)
• Tinh Tuý Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998)
• Trên Tất Cả Ðỉnh Cao Là Im Lặng
• Một Ðêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử
• Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu: Triết Học Là Gì?
• Ðối Mặt Với 1000 Năm Cô Ðơn của Nietzche

Tác phẩm dịch đã xuất bản
Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968)
Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968)
Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969)
Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969)
Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991)

Một tiểu sử và những thành tựu đáng nể. Cho tới nay, trong thế giới người Việt ở cả trong lẫn ngòai nước, chưa thấy ai có những thành tựu đa dạng và ở một số tuổi ít ỏi như thế.

Ông là một thiên tài. Điều này ít ai có thể chứng minh ngược lại. Không phải là thiên tài thì làm sao có được sự nghiệp đồ sộ khó ai bì như vậy. Nhưng không phải là không có người bảo ông điên. Mặt khác, cũng chính ông đã từng viết “bệnh điên trở thành một thời trang làm dáng cho bọn tự nhận là thiên tài”. Ở Phạm Công Thiện dường như điều đơn giản nhất cũng trở nên rối rắm, khó hiểu. Thí dụ như định nghĩa về thiên tài. Và  hình như cũng chính ông làm cho ranh giới vốn đã mong manh giữa thiên tài và cuồng sĩ lại càng trở nên mong manh hơn.

Ông là một triết gia. Chính bản thân mình, ông chưa bao giờ tự nhận là triết gia. Có lẽ là do ông dạy Triết, viết sách Triết, nghiên cứu Triết với ngôn ngữ của kẻ lập ngôn nên nhiều người tưởng lầm, hoặc do quá hâm mộ nên tôn xưng ông là triết gia. Hệ lụy đời ông có lẽ cũng bắt đầu từ ngộ nhận mang tầm vóc bi kịch này. Và cũng từ đây, có kẻ đương thời khẳng quyết triết gia là kẻ mắc bệnh ung thư tư tưởng.

clip_image003

Cư sĩ Phạm Công Thiện, pháp danh Nguyên Tánh

Ông là một học gỉa. Tinh thông nhiều ngọai ngữ, là chìa khóa mở ra những cánh cửa văn hóa thế giới. Có đọc Phạm Công Thiện (tuy không hiểu được hết những điều ông viết), mới thấy hết sự mênh mông của sở học mà ông chiếm hữu. Đã thế, những trang sách Phạm Công Thiện mang một đặc tính khác thường so với những trang sách kinh điển: hòai nghi, phản kháng, phủ nhận, với sự mãnh liệt và thái độ cao ngạo của tuổi trẻ. Vì vậy mà có người cho rằng ông là kẻ phá phách, coi trời bằng vung chăng? Dẫu cho có là một thiên tài, thì tuổi trẻ vẫn cứ là tuổi trẻ với những thuộc tính làm nên một lực đẩy khiến nhiều người già khó chịu. Thiên tài cộng với tuổi trẻ thì khó tránh được những điều ong tiếng ve. Hãy đọc một đọan trích trong bài tựa cho lần tái bản thứ tư của quyển sách Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (YTMTVNVTH) thì sẽ thấy quả chẳng oan cho ông tí nào:

” . . .Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!
Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài . . . “.

Ông là người tinh thông đạo Phật. Chắc cũng khó chối cãi. Mới 23 tuổi, ông đã viết sách về Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ sư của Thiền tông. Rồi một lọat những trọng trách ông đảm nhận liên quan đến việc giáo dục các tăng sĩ, những chức vụ trong các tổ chức Phật giáo, những họat động nhằm xiển dương Phật giáo, những tác phẩm nghiên cứu về Phật pháp sau này. Nhưng cũng có người cho rằng ông mặc áo nhà tu, rồi cởi áo nhà tu, rồi lại tuồng như mặc lại chiếc áo ấy chỉ là phản ánh sự bất định trong tâm hồn một người tưởng mình là cái rốn của vũ trụ. Ngày ông lên chùa Hải Đức ở Nha Trang cạo đầu, mặc áo cà sa, mang pháp danh Thích Nguyên Tánh, người thời ấy bảo ông trốn việc quan đi ở chùa. Có người bảo ông tìm nơi an tịnh để chữa bệnh “khủng hỏang tâm linh”. Giải thích gián tiếp về việc này, ông viết “sự chọn lựa đi tu cũng là một thái độ sống trước hư vô. Đi tu đâu phải là chuyện dễ; có lẽ có thể nói rằng phải có can đảm lắm và nhiều sức mạnh lắm mới đi vào con đường cô đơn ấy . . . ” . Nhưng cũng có người mãi đến hôm nay vẫn xưng tụng ông là Bồ tát (chính xác hơn là “khi Thiền sư Thi sĩ Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh hiệu Ðức Phật.”).

Ông là nhà văn. Quả thật, chỉ với “Bay đi những cơn mưa phùn“, viết từ năm chưa tới 30 tuổi, kẻ ganh tị nhất với ông cũng phải thốt lên lời tán thưởng. Đó là những trang văn xuôi của thơ, là hình ảnh trau chuốt của cái đẹp, là sự thăng hoa của tâm hồn con người, là chữ nghĩa cuối cùng đã thóat ra khỏi được những giam hãm của đời sống. Có người bảo bao tinh anh của ông đã phát tiết hết cả từ những ngày còn trẻ, phát rộ sớm thì lụi tàn sớm, thế nên nhiều năm nay ở hải ngọai ông có còn viết được gì nữa đâu ngòai một tập tùy bút “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”.

Ông là nhà thơ. Đến đây thì chắc nhiều cái đầu gật gù. Theo nhiều người thân cận với ông thì ông chỉ muốn là, được gọi là, thi sĩ. Ông đã từng khẳng định chắc nịchTôi không là một tên tiên tri nào cả, ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu.“. Chắc ông đã mãn nguyện. Tập thơ mỏng manh “Ngày sanh của rắn” xuất bản năm 1966 ở Sài Gòn đã khẳng định vị trí thi sĩ của ông. Sau này, với bài Trường Giang Mỹ Tho viết năm 1980 đã được nhiều người coi là tuyệt tác, hoặc tập thơ cuối cùng “Trên tất cả đỉnh cao là lặng im“, với lời mở đầu rất “Phạm Công Thiện” nhưng tôi chưa thấy ai phàn nàn:

“… Một đêm, tôi nằm chiêm bao thấy Goethe hiện về, bảo tôi hãy nhớ lại câu thơ ngắn của ông và gợi ý gián tiếp cho nhan đề tập thơ này:
Ueber allen Gipfeln
Ist Ruh
(Trên Tất Cả Những Đỉnh Cao
Là Bình Yên)

Có lẽ là vì trần gian này đã có quá nhiều thi sĩ ngông nên có thêm một vị nữa cũng chẳng chết “thằng tây” nào chăng? Nhưng mà ngày xưa, ông đã bị mỉa mai là “thi sĩ khều mặt trời” với những câu thơ “đình đám” trong tập “Ngày sanh của rắn“:

tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
Mặt trời có thai!
Sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt

( Ngày sanh của rắn )

Vì đình đám quá nên những câu thơ “thời thượng” mà ai cũng biết ấy đã che khuất đi những câu thơ tuyệt vời khác, chẳng hạn :

Mưa chiều thứ bẩy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông “

Quả là khẩu khí một thi sĩ . . . triết gia.

3.

clip_image005

Nhưng với tôi, kẻ mang một quá khứ không thể tách rời cái tên Phạm Công Thiện thì cách lý giải của Nguyễn Ngọc Tuấn trên Tiền Vệ khiến tôi dễ dàng chấp nhận hơn :

“. . . theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.

Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ. . . “

Những người không sống ở Sài Gòn vào thập niên 1960s, khỏang thời gian cái tên Phạm Công Thiện biểu trưng cho một hiện tượng thật đình đám dù là không khí chiến tranh đã ngự trị khắp nơi kể cả những thành phố lớn, có thể không cảm và hiểu hết được những tác động đối nghịch nhau mà Phạm Công Thiện đã tạo cho người đương thời. Nay, gần 50 năm đã trôi qua, cái gì còn đọng lại đã chứng tỏ gía trị của chúng, hoặc ít nhất cũng chứng tỏ khả năng sống sót sau cơn lũ thời gian. Với trường hợp Phạm Công Thiện, dù ông vẫn không ngừng sáng tác sau khi rời nước để phiêu bạt giang hồ từ năm 1970, nhưng những đề tài được bàn luận về ông, cho tới hôm nay, phần lớn vẫn là về những gì ông viết trong thập niên đáng nhớ ấy. Liệu chi tiết này có nói thêm được gì không về giá trị những suy tưởng của một thanh niên chưa tới 30 tuổi ngày nào?

4.

Trong tập thơ Nhân Gian, xuất bản năm 2006, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã vẽ Phạm Công Thiện bằng 4 câu thơ:

Con người hóa kiếp nhà thơ
Khi bay thành nhạc khi chờ là hương
Lang thang trong cuộc đoạn trường
Lấy trăng thái cổ soi đường bến mê

Con người dù có hóa kiếp nhà thơ cũng sẽ đến lúc phải “xả bỏ thân tứ đại “. Thọ 71 tuổi như ông, tuy chưa đủ để gọi là chết già, nhưng “lang thang trong cuộc đọan trường” bấy nhiêu năm ai mà không mệt mỏi, dù có là thiên tài. Cho nên, nằm xuống là yên nghỉ . . . đời đời. Khi sinh thời, nhà thi sĩ triết gia nổi tiếng cao ngạo vốn đã bỏ ngòai tai mọi lời chê tiếng khen thì lúc này đây, còn có gì để ông phải bận tâm dùng dằng. Có bận tâm chăng là bận tâm cho kẻ hậu sinh ôm di sản của ông mà chợt rùng mình nghĩ đến gánh nặng oằn vai trên đọan đường dài trước mặt. Từ đây, trọng tâm của mọi cuộc bàn luận sẽ chỉ còn là về những gì ông để lại cho đời. Khi mặt đất này không còn bóng dáng con người mang cái đầu quá lớn trên thân xác nhỏ nhoi của mình nữa, thì mọi hệ lụy trần gian cũng sẽ biến thành hạt bụi theo gió bay đi như những cơn mưa phùn.

Nhà thơ Nguyên Sa sinh thời có viết bài thơ nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện, trong đó có hai câu cuối:

Này người bỏ sóng sang thuyền tĩnh

Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu

( Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện – Nguyên Sa)

Tôi chợt có ý nghĩ rằng, có lẽ giây phút này đây, chính thi sĩ triết gia Phạm CôngThiện đang thét vang trong gió hai câu thơ ấy của người bạn cũ.

Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu. Thắp nén hương lòng, tôi cầu chúc cho ông đạt được ý nguyện./.

T.Vấn

03-12-2011

*Thơ Nguyên Sa

*Bài này có nhiều chỗ trích dẫn, trích giải. Tuy nhiên, nó không có tầm cỡ một bài khảo luận nên tôi nghĩ không nên làm cho bài viết trở nên nặng nề một cách không cần thiết bằng những dấu chỉ gốc của những đọan trích dẫn, trích giải. Thay vào đó, tôi dùng thủ thuật nối kết (Hyperlink) dẫn đến nguồn của đọan trích dẫn, trích giải được hiển thị qua những chữ đổi màu trong bài. T.Vấn

Phụ Lục:

Bài viết này xuất hiện lần đầu tiên trên trang mạng damau, trong thời điểm tin về cái chết của Phạm Công Thiện vẫn còn làm thế giới văn chương xúc động. Vì thế, qua chức năng “diễn đàn mở” của damau, nhiều thức giả đã góp ý, bình luận và cung cấp thêm nhiều chi tiết về con người, cuộc đời của nhân vật kỳ bí nhất trong lịch sử văn học miền Nam (tôi dùng chữ miền Nam để chỉ “miền Nam” trước năm 1975 và, ở một chừng mực giới hạn nào đó, hàm cả “hải ngọai” sau 1975) trong vòng 50 năm trở lại đây.

Như một ngọai lệ, tôi kèm theo những bình luận này ở cuối bài viết để mọi người quan tâm có thêm cơ hội tìm hiểu thêm về ông.

T.Vấn

26 tháng 3 năm 2011

Hoàng Ngọc-Tuấn viết:

Thưa nhà văn T. Vấn,

Trong bài này, anh/chị có nói đến “cách lý giải của Hoàng Ngọc-Tuấn trên Tiền Vệ” về Phạm Công Thiện. Nhưng theo cái link của anh/chị thì thấy đó không phải là Hoàng Ngọc-Tuấn mà lại là Nguyễn Ngọc Tuấn (tên thật của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc).
http://www.tienve.org/home/viet/viewVietJournals.do?action=viewArtwork&artworkId=80

Vậy xin anh/chị sửa chữa giùm chỗ nhầm lẫn này, kẻo các trang web khác đăng đi đăng lại bài viết này thì sự nhầm lẫn lại lan rộng ra.

Xin cảm ơn anh/chị.

Nhân dây, tôi cũng xin góp thêm một ý nhỏ.

T. Vấn viết: “… Chính bản thân mình, ông chưa bao giờ tự nhận là triết gia. Có lẽ là do ông dạy Triết, viết sách Triết, nghiên cứu Triết với ngôn ngữ của kẻ lập ngôn nên nhiều người tưởng lầm, hoặc do quá hâm mộ nên tôn sưng [xưng] ông là triết gia. Hệ lụy đời ông có lẽ cũng bắt đầu từ ngộ nhận mang tầm vóc bi kịch này. Và cũng từ đây, có kẻ đương thời khẳng quyết triết gia là kẻ mắc bệnh ung thư tư tưởng.”

Theo tôi nghĩ, chữ “triết gia” (philosopher) không có gì lớn. Nó cũng là một chữ bình thường như những chữ “thi sĩ”, “kỹ sư”, “kiến trúc sư”, “nhạc sĩ”, “họa sĩ”, v.v.

Theo American Heritage Dictionary, chữ “philosopher” được định nghĩa là:

1. A student of or specialist in philosophy.
2. A person who lives and thinks according to a particular philosophy.
3. A person who is calm and rational under any circumstances.

http://www.answers.com/main/ntquery?s=philosopher&gwp=13

Trong những cuộc hội thảo về triết ở Úc, những diễn giả còn đang là sinh viên triết, khi lên đọc tham luận, thì cũng được ban tổ chức giới thiệu là “philosophers” đàng hoàng. Cũng như các sinh viên âm nhạc khi lên sân khấu trình diễn, hay các sinh viên mỹ thuật khi triển lãm tác phẩm trước công chúng, cũng đều được giới thiệu là “musicians”, “singers”, “painters”, “sculptors” đàng hoàng.

Tôi có một anh bạn Úc, tốt nghiệp cử nhân triết học, hiện đang làm việc tại Bộ Nghệ Thuật NSW, trong business card của anh (do chính phủ in cho anh) có ghi rất đàng hoàng chính thức là “Philosopher / Arts Policy Consultant”, mặc dù anh chưa hề xuất bản một cuốn sách triết học nào cả, chỉ mới đăng lác đác vài bài essays hay reviews trên các tạp chí. So với anh bạn triết gia Úc này thì ông Phạm Công Thiện cao hơn 100 cái đầu.

Tôi không hiểu vì sao mà người Việt Nam ta vẫn bị ám ảnh rằng “triết gia” là một chức nghiệp hay danh phận gì rất là to tát! Có lẽ vì đất nước mình chưa phát triển về triết học, nên thấy “triết” là một cái gì rất cao xa, sang cả quá chăng?

—————-
[Ghi chú của BBT Da Màu: Lỗi lầm về tên người là của BBT trong khi nhuận sắc bài viết! Tác giả T. Vấn không viết sai. Chúng tôi đã sửa ở trên. Xin chân thành cáo lỗi cùng tác giả và các bạn đọc.]

– 15.03.2011 vào lúc 3:37 am

Bảo Bình viết:

Ở đầu phần 2 trong bài, tác giả T.Vân viết: “Hãy đọc tiểu sử của Phạm Công Thiện: Sinh ngày 01 tháng 6 năm Tân Tỵ, 1941, tại Mỹ Tho, Việt Nam. Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne, Pháp”. Tuy nhiên, theo Wikipedia (http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_C%C3%B4ng_Thi%E1%BB%87n) thì ông Phạm Công Thiện chưa hề lấy một bằng cấp nào ở trong hay ngoài nước cả?

– 15.03.2011 vào lúc 8:49 am

đôc giả vô danh viết:

Trích đài RFA tiếng Việt ngày 12-3-2011:

Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho. Học vấn của ông là cả một bí ẩn. Tuy chưa bao giờ có một mảnh bằng tú tài trong tay nhưng ông đã được nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới mời giảng dạy trong đó có trường đại học Yale của Mỹ và Sorbonne của Pháp.

Link: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/poet-phamcongthien-mlam-03122011142556.html

– 15.03.2011 vào lúc 11:07 am

Một bạn đọc miệt vườn viết:

Kính chào ông/bà Bảo Bình,

Có lẽ tác giả T.Vấn cập nhật tiểu sử Phạm Công Thiện từ “Cáo Bạch” trên trang Người Việt Boston ngày 09 tháng 03 năm 2011 mà tôi copy lại dưới đây:

By DuyAn • Mar 9th, 2011 • Category: Tin Buồn
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
VIETNAMESE AMERICAN UNITED BUDDHIST CONGREGATION
HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH
COUNCIL OF MANAGEMENT
CENTRAL OFFICE
803 S. Sullivan St., Santa Ana, CA 92704 – U.S.A.
Tel.: (714) 571-0473 * Fax: (714) 568-1009

CÁO BẠCH

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch chư Tôn Thiền Đức,
Kính thưa quý đồng hương Phật tử,

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ xin kính cáo bạch cùng chư tôn Thiền Đức và đồng hương Phật tử mười phương:
Giáo Sư Phạm Công Thiện, Pháp danh Nguyên Tánh,
Sinh ngày 01 tháng 6 năm Tân Tỵ, 1941, tại Mỹ Tho, Việt Nam,
– Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne, Pháp,
– Nguyên Giáo Sư Triết Học tại Đại Học Toulouse, Pháp,
– Nguyên Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn tại Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn; Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả các Phân Khoa của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1966 tới năm 1970,
– Nguyên Chủ Biên Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn,
– Nguyên Giáo Sư Phật Học tại các Học Viện, Cao Đẳng Phật Học tại Hoa Kỳ,
– Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo,

Đã thuận thế vô thường, xả bỏ thân tứ đại vào ngày 8 tháng 3 năm 2011 (nhằm mùng 04 tháng Hai, Tân Mão), tại Thành Phố Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.

Để tưởng niệm công đức lớn lao mà Cố Giáo Sư Phạm Công Thiện đã đóng góp cho nền văn hóa, giáo dục và hoằng pháp của Phật Giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước suốt nửa thế kỷ qua, GHPGVNTNHK sẽ long trọng cử hành lễ tưởng niệm và cầu siêu vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 13 tháng 3 năm 2011 tại Chùa Viên Thông, 15933 Clark Avenue, Bellflower, CA 90706. Tel. (562) 867-8929.

Kính cung thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni từ bi quang lâm chứng minh hộ niệm và kính mời quý đồng hương Phật tử hoan hỷ đến tham dự để trợ niệm cho Giác Linh Cố Giáo Sư Phạm Công Thiện, Pháp danh Nguyên Tánh được nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc quốc. Đồng thời, Giáo Hội thành tâm khuyến thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni tại các Chùa, Tự Viện, Tu Viện tùy hoàn cảnh sở tại thiết lễ tưởng niệm công đức và cầu nguyện cho Giác Linh Cố Giáo Sư Phạm Công Thiện siêu sanh Tịnh Độ.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật tác đại chứng minh.

Santa Ana, ngày 09 tháng 3 năm 2011,
Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK
Chủ tịch,
Sa Môn Thích Trí Chơn

Trân trọng,
Một bạn đọc

– 15.03.2011 vào lúc 11:49 am

Hoàng Ngọc-Tuấn viết:

Thưa bạn Bảo Bình,
Những thông tin về tiểu sử của Phạm Công Thiện trên Wikipedia rất không khả tín. Có lẽ vì người viết wiki ấy thiếu điều kiện nghiên cứu.

Trong số rất nhiều chi tiết lệch lạc về tiểu sử của Phạm Công Thiện trên Wikipedia, có chi tiết này là SAI HOÀN TOÀN 100%. Wikipedia viết:

“Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Đức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông trút áo cà sa để lấy một cô vợ Pháp theo đạo Cơ Đốc…”

Sự thật là năm 1971, Phạm Công Thiện lập gia đình tại Pháp với chị Lê Khắc Thanh-Hoài, một người Việt hoàn toàn, chứ không phải là người Pháp. Chị Lê Khắc Thanh-Hoài trước kia có đạo Công Giáo, chứ không phải đạo Cơ Đốc. Sau khi lập gia đình, chị theo đạo Phật.

Chị Lê Khắc Thanh-Hoài sinh năm 1950 tại Huế, học trường Jeanne D’Arc cho đến năm 1967, rồi vào Sài Gòn học tại các trường Trưng Vương, Đại Học Vạn Hạnh, rồi năm 1970 du học ở Bruxelles (Bỉ). Chị lập gia đình với Phạm Công Thiện năm 1971, sinh được 5 người con. Trong số đó có người con trai tên là Phạm Không-Lộ (sinh ngày 8 tháng 2 năm 1973) hiện nay là đạo diễn phim.

Chị Lê Khắc Thanh-Hoài cũng là một nhạc sĩ, đã xuất bản nhiều tập nhạc và 2 cái CD: “Đời em là giòng sông” và “Vui sống đạo”. Trang web chính thức của chị ở link này:
http://www.lekhacthanhhoai.com/

– 15.03.2011 vào lúc 3:01 pm

Phan Đức viết:

Hình như từ khi Nguyễn Hưng Quốc phê bình 2 câu thơ sau là
hay nhất của Phạm Công Thiện thì hầu hết mọi người đều tán
thành mà điển hình là tác giả bài viết này :
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông.
Thú thật là tôi rất khó hiểu dù cũng đồng ý với nhiều người
là hay,tuy thế cũng xin mạo muội nói những gì mình khó hiểu.
Mưa thì khó nhìn rõ sự vật mà xảy ra buổi chiều “tôi về muộn”
như vậy,tôi e càng khó nhìn rõ hơn nữa nhưng trái lại tác giả
nhìn rõ “cây khế đồi cao” trổ hết bông,chứ không phải 1,2 cái
lại càng lạ lùng hơn nữa !
Vậy thì chỉ có thi sĩ thực thụ may ra mới có tầm nhìn cỡ PCT.!

– 15.03.2011 vào lúc 5:03 pm

thuy viết:

Chị Lê Khắc Thanh Hoài, thứ nữ của BS Lê Khắc Quyến thuộc gia đình Phật Giáo thuận thành, em trai út của chị Hoài là thầy CE Hằng Trường . Chị Hoài hồi còn nhỏ học trường so’ tại Huế nhưng không theo đạo Thiên chúa. Quí vị có thể đọc thêm tại website http://www.lekhacthanhhoai.com

– 15.03.2011 vào lúc 8:51 pm

Hoàng Ngọc-Tuấn viết:

Cảm ơn lời góp ý của độc giả thuy.

Tuy nhiên trên website của chị Lê Khắc Thanh-Hoài, trong phần tiểu sử, không thấy ghi chị ấy thuộc gia đình Phật giáo thuận [thuần] thành.

Chỉ thấy ghi “học đàn với các Ma Soeur tại trường Jeanne D’Arc lúc bảy tuổi”, “theo học trường Jeanne D’Arc cho đến Tú tài bán phần” cho đến năm 1967. Rồi năm 1968, chị Thanh-Hoài mới vào Sài Gòn học trường Trưng Vương và đậu Tú tài toàn phần.
http://www.lekhacthanhhoai.com/vietnamese/tieusu.html

Như thế, nghĩa là từ nhỏ cho đến năm 17 tuổi, chị Thanh-Hoài hoàn toàn học trong trường Công giáo.

Theo giáo sư Ngô Văn Lại, một giáo sư của trường Jeanne D’Arc, thì “Trường thuộc tài sản của Giáo hội và do giáo hội Vatican trực tiếp quản lý”, và “Đương nhiên học sinh của trường toàn là tín đồ Công giáo.”

Xem bài viết về trường Jeanne D’Arc của giáo sư Ngô Văn Lại ở trang:
http://www.khaiminh.org/ngo_van_lai/tb4_jeanne_d_arc.htm

Chính vì giáo sư Ngô Văn Lại nói “Đương nhiên học sinh của trường toàn là tín đồ Công giáo”, cho nên tôi mới nghĩ rằng chị Lê Khắc Thanh-Hoài là người có đạo Công giáo.

Nếu gia đình chị ấy là gia đình Phật giáo thuần thành ở Huế thời “xung đột tôn giáo” ấy mà gửi con gái vào học trong trường Công giáo thuần thành suốt từ tiểu học đến hết Tú tài bán phần (1967), rồi sau biến cố Mậu Thân mới đem vào Sài Gòn (1968), thì kể cũng khá lạ.

– 16.03.2011 vào lúc 12:16 am

Phan Đức viết:

Phạm Công Thiện là một huyền thoại,không biết ông cố ý tạo ra
hay chính cuộc đời huyền thoại hóa ông khi chỉ mới 15,16 tuổi
đã viết sách xuất bản ?

Một trong những huyền thoại là trong “Ngày sinh của rắn”,ông đã
tự giới thiệu theo học đại học Pháp nhưng không cần trình luận án
vì “khinh bỉ” các giáo sư triết học và trường lớp.Còn một bài nữa
viết về ông thì cho rằng ông được đại học Vạn Hạnh gửi đi du học
vào khoảng năm 1970.Phải chăng ông du học lẫn tu nghiệp 2 lần ?
Nếu tôi nhớ không lầm thì khoảng từ 1960-1970 ông hầu như sống ở
VN.và viết nhiều nhất cho tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ,
ngoài việc dạy và giữ chức khoa trưởng Văn khoa của đại học V.H.
(Tôi đọc Diễn Đàn (Paris) thì không hề nói gì về cái chết của ông,
dù chỉ 1 giòng báo tin.Cũng lạ ! Có lẽ tôi lầm chăng ? )

– 16.03.2011 vào lúc 2:51 am

thuy viết:

Tôi chưa được nói chuyện với chị Thanh Hoài nhưng từng đến nhà ba mẹ của chị ấy đường Bùi thị Xuân, Sài Gòn. Còn nhớ rõ mẹ chị là bác Thanh rất giỏi về đàn tranh. Ba chị ấy là bác sĩ Lê Khắc Quyến , là người Phật tử thuộc phe Ấn Quang, nếu tôi không nhớ lầm. BS Lê Khắc Quyến từng là khoa trưởng đại học Y Khoa Huế. Cả ba lẫn mẹ chị mất có các thầy sư đến làm lễ . Em út chị ấy là thầy Hằng Trường, 1 tu sĩ Phật Giáo VN rất nổi tiếng ở hải ngoại, từng được đăng trên LA Times , tên tục của thầy là Lê Khắc Nhàn.
Trên website của chị Hoài, người đọc có thể biết ba của chị từng in sách cho thầy PCT, Trụ Vũ…và chị từng theo học ở đại học Vạn Hạnh trước khi qua Bruxelles du học.
Còn trên website của con trai PCT là LoPham, bạn đọc có thể biết PCT có 5 người con với chị Hoài là
-Phạm Khuông Việt (con trai trưởng) nhà vật lý học, giảng dạy tại đại học University of Paris XI.
-Phạm Không Lộ : writer and film maker
-Thông Phạm: graphic designer
-Quốc Phạm: có vẻ có gene di truyền giống cha nhất, bỏ Pháp đi chu du trên thế giới lúc 13 tuổi, hiện sống ẩn dật tại Pháp.
-Phạm Lưu Ly: Bác sĩ trưởng khoa cấp cứu Nhi khoa tại 1 bệnh viện nổi tiếng tại Paris, cô tốt nghiệp thủ khoa y khoa tại Pháp.
Ngoài ra theo Lô Phạm, anh còn có 3 người em gái cùng cha khác mẹ.

– 16.03.2011 vào lúc 8:45 am

T.Vấn viết:

Thân gởi anh Hòang Ngọc Tuấn,

Về tên tác giả đọan trích dẫn mà anh nhắc đến, BBT damau đã nhanh chóng giải quyết. Nhưng nhờ vậy và qua sự tiết lộ của anh, tôi mới biết Nguyễn Ngọc Tuấn cũng chính là Nguyễn Hưng Quốc, cây bút phê bình tài hoa. Tôi tự nói với mình: Thảo nào!

Chữ “tôn sưng” anh mở ngoặc đơn: (xưng). Đúng phải là “xưng”. Tôi không hiểu sao mình để sót “hạt sạn” này trong bài, dù đã đọc lại nhiều lần. Xin cám ơn anh!

Về danh xưng Triết gia. Theo sự hiểu biết của tôi, trong trường hợp Phạm Công Thiện, phải đặt danh xưng ấy vào bối cảnh của thập niên 1960s ở Việt Nam mới nhìn thấy nó không đơn giản như một danh xưng thông thường mà anh nói đến. Thuở ấy, khả năng tinh thông ngọai ngữ để có thể tiếp cận với văn hóa phương Tây chỉ có ở một số ít người. Đã thế, triết học còn mang tầm vóc một đề tài ở trên mức hiểu biết của một người bình thường nên danh xưng “Triết gia” thời ấy, với đa số quần chúng, kể cả người có học, là một chức vị “ghê gớm” hơn nhiều so với giáo sư, nhạc sĩ hay điêu khắc gia như anh so sánh (nói nhỏ với anh HNT: anh gọi tôi là “nhà văn” làm tôi đổ mồi hôi hột. Danh xưng này với tôi cũng “ghê gớm” lắm, tôi không dám, chẳng phải vì khiêm tốn mà là “sợ” thật anh HNT ạ!)

Vì “ghê gớm” như thế, mà vị triết gia thiên tài của chúng ta dạo ấy lại chỉ mới ở lứa tuổi chưa tới “tam thập nhi lập”, cho nên, ngưỡng mộ ông cũng lắm, mà dè bỉu ông cũng không phải là không có. Do vậy, tôi mới có ý nghĩ “Hệ lụy đời ông có lẽ cũng bắt đầu từ ngộ nhận mang tầm vóc bi kịch này “.

Ngày nay, có thể đúng như anh Hòang Ngọc Tuấn đã viết, nhiều người (Việt) không còn thấy chức danh “triết gia” là “ghê gớm” như xưa, vì với khỏang thời gian nửa thế kỷ, chả lẽ chúng ta không ít nhiều chinh phục được cái “cao siêu ghê gớm” ấy chút nào sao?

Thưa độc giả Bảo Bình,

Cũng trong nội dung bối cảnh “hiện tượng Phạm Công Thiện” của 50 năm trước, có nhiều huyền thọai được lan truyền về nhân vật chính của chúng ta vừa qua đời. Một trong những huyền thọai đó là về việc ông không có chút bằng cấp nào, kể cả bằng Tú Tài (như một “độc giả vô danh” đã dẫn chương trình phát thanh của đài RFA). Từ ngày ra hải ngọai, ông lại khá kín tiếng, cũng không bận tâm “giải mã” những huyền thọai về mình (hay có mà tôi không được biết). Thú thật với Bảo Bình, tôi rất phân vân, đắn đo về học vị “tiến sĩ Triết học” đứng trước tên ông trong bản Cáo Bạch của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Hoa Kỳ ngày 9 tháng 3 năm 2011 với chữ ký của vị chủ tịch Hội đồng Điều hành là Sa Môn Thích Trí Chơn (đúng như “Một bạn đọc miệt vườn” đã đóan) . Trong khi đó, theo Wikipedia, thì ông không có một bằng cấp nào. Vậy tôi nên tin ai? Một bên là Giáo hội Phật Giáo với chữ ký “làm tin” của một vị hòa thượng và một bên là diễn đàn Mở (có nghĩa là mọi thông tin đều có thể được hiệu đính bởi bất cứ ai và cũng theo anh Hòang Ngọc Tuấn “không khả tín”) lại không có tên của một ai để khi cần, tôi “túm áo” kêu cứu. Đó là lý do cho sự chọn lựa sử dụng nội dung tiểu sử Phạm Công Thiện dựa theo bản Cáo Bạch nói trên.

Thưa anh Phan Đức,

Anh viết “Hình như từ khi Nguyễn Hưng Quốc phê bình 2 câu thơ sau là hay nhất của Phạm Công Thiện thì hầu hết mọi người đều tán thành mà điển hình là tác giả bài viết này :
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông. ”

Như trong phần trên nhân sự tiết lộ của anh Hòang Ngọc Tuấn (Nguyễn Ngọc Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc là một), tôi mới “vỡ lẽ”. Như vậy, với riêng tôi, việc “khen ngợi” hai câu thơ này không bị ảnh hưởng bởi nhận xét của nhà phê bình tài hoa NHQ. Nếu có chăng, thì cũng là “hùa theo” Nguyễn Ngọc Tuấn, một cái tên cũng “nhẹ bâng” như cái tên T.Vấn mà thôi.

Theo tôi nghĩ, nếu một vật hay một người đẹp mà có nhiều người cùng cho là như thế thì, có lẽ, vật ấy, người ấy phải đẹp thật. Mặt khác, cái đẹp – dù là vật thể, tinh thần, nghệ thuật . . . – luôn có giá trị tương đối, vì nó “tùy người đối diện”. Hai câu thơ nói trên, mặc dù có nhiều người khen hay, nhưng một ai đó lại không cho là hay, hay tuy đồng ý là hay nhưng không hiểu (như anh Phan Đức) thì cũng là điều bình thường. Chúng ta đang sống trong một xã hội (cụ thể hơn: phát biểu trên trang mạng damau) mà mọi người đều có quyền nói lên ý nghĩ riêng của mình về một vấn đề nào đó và ý kiến riêng của chúng ta – trên nguyên tắc – phải được những người khác tôn trọng.

T.Vấn

– 16.03.2011 vào lúc 9:28 am

Phan Đức viết:

Nhân ý kiến của anh Hoàng Ngọc Tuấn,tôi xin được góp ý thêm.
Chẳng biết có phải vì trí nhớ giảm không mà ông Ngô Văn Lại
lại viết sai như thế ? Theo chổ tôi biết thì hầu hết mọi gia
đình giàu có hay trung lưu ở miền Trung đều gửi con vào học
nội trú các trường công giáo do bà xơ quản lý như Jeanne d’Arc
hay do sư huynh như Pellerin.Không phân biệt tôn giáo.Có thể
vì ông Ngô Văn Lại chỉ lo việc dạy chứ không lo về việc hành
chánh,do đó ông không biết thì cũng đúng thôi.
Cũng cần nói thêm là bà Lê Khắc Thanh Hoài con của cố bác sĩ
Lê Khắc Quyến có thời làm khoa trưởng Y khoa Huế và từng làm
chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cứu quốc (trên danh nghĩa) lúc xảy
ra Biến động miền Trung năm 1966 tại Huế.

– 16.03.2011 vào lúc 3:02 pm

thuy viết:

Có lẽ đối với Phạm Công Thiện ông không cần đến danh hiệu, chức tước mà người đời gọi, đặt cho ông như nhiều nhà Phật học, thí dụ Phan Tấn Hải trên Việt Báo đã gọi ông là Bồ Tát (mà đã là Bồ Tát thì tất cả đều vô thường, có phải?) , cho nên ông chẳng bao giờ lên tiếng xác định hay phủ định những gì nói về ông và càng làm cho ông trở thành một huyền thoại trong nền văn học của VN. Tôi có đọc sơ qua những bài viết của Lê Khắc Thanh Hoài trên website của bà, bà có kể chuyện bà giúp ông apply học bổng, phần học bổng của ông cho ba miệng ăn và một đứa bé sắp ra đời , và có lần bà viết là ông đang học để lấy bằng cao nhất chưa từng có , nhưng không thấy hay chưa thấy(vì bà còn để phần viết tiếp Chuyện Người Đàn Bà Có Năm Con) bà Hoài nói ông đã tốt nghiệp học vị Tiến Sĩ.
Cũng trên website này tôi được biết nhạc sĩ Thanh Hoài đã phổ nhạc thơ của PCT, có bài nhạc là Sông Hoài, Sông Hoài lời thơ của thi sĩ tặng bà. Bà Hoài cũng viết 1 bài thơ tặng cho T.(Thiện?) , hình như là Cám Ơn Anh thì phải.

– 16.03.2011 vào lúc 8:21 pm

Trần Tâm viết:

Đây là câu thơ của Hoàng Trúc Ly , nhà thơ mà Phạm Công Thiện rất thích và thường nhắc đến . Phạm Công Thiện “lấy” câu thơ đầu của Hoàng Trúc Ly cho 2 câu thơ (rất hay) của mình

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn,
Em ngủ một mình đêm gió mưa.

(Hoàng Trúc Ly)

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
(Phạm Công Thiện)

– 17.03.2011 vào lúc 6:43 am

hồ đình nghiêm viết:

Thưa ông Trần Tâm, hai câu thơ của Hoàng Trúc Ly mà ông trích dẫn, tôi e là sai biệt với nguyên bản, như vầy:
“Đời lê thê quá tôi về muộn,
Em ngủ một mình đêm gió mưa”.
Tiện đây tôi xin tâm sự, tôi rất yêu chuộng những góp ý của anh Hoàng Ngọc-Tuấn, bởi sức thuyết phục cao: Nói có sách, mách có chứng. Tạm thời, “đời lê thê quá” tôi chưa tìm ra được bài thơ của Hoàng Trúc Ly để dẫn chứng. Sẽ bổ túc khiếm khuyết ấy ở bận sau.
Kính.

– 18.03.2011 vào lúc 4:07 am

phamthientho viết:

VĨNH BIỆT PHẠM CÔNG THIỆN
HÀNH TRÌNH CỦA BỒ ĐỀ ĐẠT MA ĐI VÀO CÕI THIÊN THU
* * *

“Thời gian thì chỉ vẫn là một giây phút, dù hai chục năm hay năm chục năm hay cả mấy tỷ năm trôi đi trên tinh cầu…” (Trích trong lá thư ngày 27.7.1983 gởi cho người bạn trẻ tha huơng của Phạm Công Thiện).

71 năm Phạm Công Thiện đã bước lang thang trên mặt đất, nhưng đó cũng chỉ là một giây phút thôi, Thiện đã nhìn cuộc đời như một sát-na theo tư tưởng Phật giáo.

Đối với Thiện có lẽ tất cả đều vô nghĩa nếu như cõi đời còn chìm đắm trong cơn mộng vì thế Thiện đã lang thang đi tìm Tình yêu trong Nỗi chết, nói như Krishnamurti “Tình yêu là ngọn lửa không khói”. 71 năm lang thang Thiện đã cay mắt, ngột ngạt, khó thở vì khói bụi trần gian nên Thiện luôn khao khác đi theo hành tung của Bồ Đề Đạt Ma, muốn thiên thu ngồi diện bích, đi giữa lằn ranh tử sinh, núi cao và hố thẳm để có những giây phút “đón nhận mây trời linh hiện (Dharmamegha; pháp vân), mảnh đất (Bhumi) cuối cùng của con người vừa sực tỉnh mộng (Bodhisattva).”

Hôm nay Thiện vĩnh viễn đi trong “Lặng Im”, giờ phút phục sinh của ngọn lửa không khói, trả lại cho thời gian những khoảnh khắc linh hiện đầu tiên và cuối cùng, đi về trong vô thủy vô chung.

– 18.03.2011 vào lúc 11:27 am

black raccoon viết:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
(Phạm Công Thiện)

Thử mạo muội “chôm” nghề quý ông BVP và NHQ , tìm hiểu chút chút coi sao :

@ Cứ theo cách nói của VN :12,1,2 giờ trưa. 3,4,5,6 giờ chiều. 7,8,9 giờ tối. Vậy, về nhà buổi chiều muộn , chắc là trong vòng 6 giờ chiều là muộn nhứt.

@ Đồi cao. Đồi đất cao vài chục mét đến trăm mét.
Khế trổ hết bông. Bông khế màu vàng rực hoặc màu hồng điều. Trổ hết bông, là trổ đầy bông. Thật nhiều.

Hình ảnh một cây khế ra hoa đầy. Vàng rực hoặc đỏ thắm. Hình ảnh đó trong chiều tà , từ dưới đồi nhìn lên , có thể nhận được. Rất đẹp và thơ.
Vui thôi. Chứ đem riêng 2 câu thơ từ một bài thơ (chưa được đọc) , đã là một sự hụt hẫng kém sút.

Màu bông khế
http://good-times.webshots.com/photo/1042278154032164967VRkmAD
http://www.flickr.com/photos/pro_toby/3884575398/

– 18.03.2011 vào lúc 11:43 am

Mimosa viết:

Kính thưa Quý Vị Độc Giả,
Để góp tiếng nói về đời thầy Phạm Công Thiện tôi xin có vài giòng đơn sơ như sau.
Đầu thập niên 60, thầy Phạm Công Thiện dạy trường Việt Anh Dalat. Tôi không học thầy nhiều, chỉ vài giờ Việt văn. Thầy dạy Anh Văn cho các lớp Đệ Nhị,Tam, Tứ …Trong thời gian này thầy Lê Phỉ làm Hiệu Trưởng với các thầy Nguyễn Đình Chung Song, Lê Phổ và cô Lê Thị Tuý Đại …Thầy rất dịu dàng và thương mến học trò, thầy có vẻ già trước tuổi.Thường thì thầy trầm ngâm, suy tư nhưng đôi lúc thầy cũng vui tươi bất chợt. Có lần tôi thấy thầy hái những loài hoa dại nào đó, cắm vào bình rồi cười nói huyên thuyên làm cho thầy Giám Thị tức cười và chọc ghẹo thầy.
Thuở ấy tôi còn quá nhỏ, nên dù biết thầy là người có tài tôi cũng chẳng chú ý lắm. Khi lớn thêm một chút được đọc sách của thầy, tôi lấy làm hâm mộ thì thầy chẳng còn ở Dalat nữa. Hình như thầy có tìm thấy hạnh phúc trong thời gian ở Dalat, trong những tác phẩm của Thầy có nói về Dalat với những tình cảm thân thương. Và Quế Hương, một nhân vật nữ thấp thoáng trong Thơ cuả thầy có phải chăng là Quế Hương nữ sinh trường Áo Tím Việt Anh thuở nọ. Trong bài thơ của thầy có câu:
Anh khinh bỉ mùa Thu trên tóc em…
Có phải chăng mùa Thu rất đẹp nhưng còn thua mái tóc của em. Quế Hương nhan sắc trung bình nhưng trong thơ của thầy đó là một giai nhân tuyệt sắc. Có thể văn thơ của thầy rất khó hiểu, nhưng trong mỗi chúng ta đôi lúc lại thấy chính mình trong những tình cảm, ý tưởng mà thầy trang trải trên những trang sách. Đại khái như: trong một đêm cô đơn mất ngủ nào đó tôi cảm thấy sợ hải đến toát mồ hôi khi tự hỏi mình là ai, là ai mà đang sống giữa thế giới này …nỗi sợ hải đó ai trong mỗi chúng ta mà không cảm thấy …
Đành rằng ai cũng phải ra đi, nhưng nghe tin Thầy qua đời tôi cũng băn khoăn, bàng hoàng làm sao. Nhưng thầy ra đi nhẹ nhàng là một điều quá tốt.
Thưa thầy, những đóa hoa Capucine vẫn xinh xắn trên những vệ cỏ bên đường như những bước chân của thầy ngày xưa. Thầy đã thật sự ra đi…

Mimosa.

– 18.03.2011 vào lúc 5:20 pm

black raccoon viết:

Tui đọc PCT ngay trên diễn đàn này . Ngày xưa, thuở còn đi học, có nghe đến tên ông . Nghe nói đến Hố thẳm , Ý thức mới , … còn đọc thì chưa . Chưa đọc quyển nào cả . Chưa đọc chứ không phải đọc không … nổi .

Bây giờ đọc lại ông lai rai , ít ỏi . Tuy nhiên, cũng như hầu hết người cầm bút miền Nam trước 75 mà tui có dịp đọc qua , PCT viết văn chuyên nghiệp . Ăn nằm với chữ nghĩa , nói theo nhà văn Bùi Vĩnh Phúc . Ông viết văn chuyên nghiệp , mà còn có cá tính . Cá tính mạnh . Và có bản lĩnh . Theo tui , đó là một điều đáng quý .

Tui nhớ , những nhà văn nhà thơ lúc bấy giờ . Người nào ra người đó . Đọc Bình Nguyên Lộc là biết ngay . Đọc Nguyễn Hiến Lê là biết ngay . Đọc Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Chu Tử , Tuý Hồng , Thuỵ Vũ , Nhã Ca, Sơn Nam, Lê Xuyên, Bùi Giáng, Tô Thuỳ Yên, Phạm Thiên Thư …. là người đọc nhận chân ra họ ngay . Không lầm . Không lộn . Mỗi người một ngọn bút . Mỗi người một căn nhà .

Cái đó, khó mà dễ . Khó lúc đầu , có thể sẽ loá mắt. Nhưng rồi sẽ dễ . Thích “nhà” nào , người đọc cứ gõ cữa . Rôì nhà sẽ mở cữa mời vào viếng thăm kỳ hoa dị thảo, trân châu bích ngọc … Còn không thích ? Qua nhà khác . Dễ ẹc .

– 19.03.2011 vào lúc 11:25 am

mirordor viết:

Tôi lên mạng tìm tài liệu về PCT để tìm câu trả lời cho thắc mắc của một người bạn về PCT. Người bạn viết:

“Những cơn động đất” của tâm thức có thể giải thích cho những ngông cuồng ngạo mạn tuổi trẻ, lại là một tuổi trẻ có những thao thức sớm hơn người, hững rượu, những sex, những nổ lực tìm kiếm chính mình của một nhân cách trí tuệ?” Hai tài liệu chính tôi dùng là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (ấn bản 1970 với nhật ký viết năm đó) và Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng. Tôi muốn đọc Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma nhưng tìm không ra trên mạng; vì thế những ý kiến của tôi về PCT chắc sẽ còn thiếu sót, ít nhất về phương diện sở học về Thiền của ông. Sau đây là những góp ý của một chuyên gia tâm bệnh học/phân tâm học.

Mời các bạn đọc lại những lời trích văn này (từ cuối chương 5 của Ý thức mới…):

“Có một buổi chiều nổi cơn điên, tôi chạy hối hả tại thư viện của trường đại học Columbia ở Nữu Ước để mượn toàn thể tác phẩm của Saroyan để đọc lại, từ trường đại học Columbia, hai tay ôm hai chồng sách, tôi thả bộ lừ đừ trở về phòng tôi ở khu phố Riverside Drive gần con sông Hudson, gió thổi lạnh vì trời sắp đổ tuyết, tôi bước đi lểnh khểnh như chàng say rượu, mặc dù buổi chiều ấy, tôi không uống một giọt rượu nào cả. Cả thành phố New York đã ám sát tôi, một “thiên tài hạng nặng” từ Việt Nam gửi đến, tôi, một đứa con trai của một nước nghèo nhất thế giới, một nước ngang tàng nhất thế giới. Tôi cao có một thước sáu mươi phân, thế mà tôi có cảm tưởng hai chân của tôi đang đạp lên đầu của cái cao ốc cao nhất nước Mỹ, Empire State Building!

Tôi, một người con trai của một đất nước quê mùa thất học nhiều nhất ở thế giới, đã nắm trọn cả văn hoá Mỹ quốc trong mười ngón chân. Tôi thừa biết rõ rằng một ngày nào gần đây trong tương lai gần đây, nếu tôi còn sống, nhất định tôi sẽ chinh phục cai trị Mỹ quốc với năm ngón tay phải của tôi; tôi sẽ viết những quyển sách ký đi bằng chữ Anh và xô đẩy toàn thể Mỹ quốc vào trong hố thẳm!

Lòng tôi đầy căm thù, thù hận mặc dù tôi thừa biết rằng chỉ có  trái tim nguyên vẹn của tôi mới có sức chuyển hoá thế giới tan nát này thành một toà sen vĩ đại!

Tôi căm thù Mỹ quốc nhưng tôi sẵn sàng khoan dung tha thứ tội lỗi của Mỹ quốc: vì Mỹ quốc cũng tạo ra được những đứa con hoang đàng vĩ đại như Thoreau, Emerson, Whitman, Henry Miller, Faulkner, Wolfe, Robinson Jeffers, E.E. Cummings, Kenneth Patchen, Saroyan, Salinger, Tennessee Wiliams, Carson Mc Culler. Leswis Mumford, và ad infinitum!

Mấy ngày trước đó, tôi đã nhận thư mời của viện Giáo Dục Quốc tế ở New York, tức là Institute of International Education (I.I.E): viện này cử tôi làm đại diện sinh viên ngoại quốc để dự buổi tiếp tân do đại sứ Arthur Golberg khoản đãi; trong một thoáng căm hờn bốc đồng, tôi đã viết thư cho Viện Giáo Dục Quốc tế ấy rằng “tôi là thiên tài vĩ đại của nước Việt Nam gửi đến, tôi không tham dự buổi tiếp tân nào hết, tôi đã chán ngấy Mỹ quốc, vì thấy Mỹ quốc chỉ là trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng.(utterly empty, awfully, dreadfully empty).

Có lẽ nhờ thiên thần hộ vệ, bức thư ấy được gửi đi rồi, thế mà tính mạng tôi vẫn an toàn.

Không ai ám sát tôi, vì chắc họ cho tôi là một thằng điên, điên, điên, điên.

Chỉ có những thằng điên mới cứu vớt thế giới này khỏi điên loạn.

Saroyan, buổi chiều hoang trống ở Nữu Ước dạo ấy, tôi đã đóng kín cửa phòng, đóng kín cửa sổ, bật đèn lên, cởi truồng ra, nằm soải người ra để đọc Saroyan và tôi khóc như đứa con nít.

Sức nóng của tình người đã thổi vào phòng tôi buổi chiều hoang vắng ấy. Tôi thương hết tất cả, tất cả. Tôi thương con gà, con bò, con cá, con chó, con kiến; tôi thương trái đất, trái cây, trái vú; tôi thương dân Mỹ, dân Nga, dân Tàu, dân Pháp, dân da đen, da đỏ, dân Tây, dân Thổ, dân nghèo, dân giàu…”

Người bình thường đọc không hiểu và điên đầu là phải. Nhưng chuyên gia tâm bệnh học có cảm giác là đang ngồi đối diện với một người bệnh trong cơn full-blown manic . Tác giả T. Vấn hỏi “Phạm Công Thiện là một triết gia hay kẻ mắc bệnh điên tư tưởng?” Câu hỏi về triết gia đã được trả lời phần nào nhưng “bệnh điên tư tưởng” nghĩa là gì? Một điều tạo nên khó khăn cho câu trả lời là chữ điên. Chữ điên – hay crazy – không có nghĩa gì trong chuyên khoa tâm bệnh; và đại khái ta gọi ai ăn nói tầm phào, không đầu không đuôi, không hợp thực tế, v.v., là điên. Điên thường được dịch sang Anh ngữ là psychotic, hay schizophrenic. Nếu đó là cái nghĩa mà mọi người nghĩ đến khi dùng chữ điên thì PCT và Bùi Giáng không điên. Thôi thì ta cứ tạm gọi là họ “khùng”, cho dù rằng chữ khùng cũng không có nghĩa chính xác nào trong y học.

PCT đau bệnh Bipolar Disorder (tên cũ là manic-depressive disorder có thể quen thuộc hơn cho một số người đọc.) . Triệu chứng đặc thù nhất của bệnh này là những cơn manic, những gian đoạn mà PCT đã tả như “những cơn động đất thường xuyên của đời mình” hay những “cơn chuyển động toàn diện của tâm thức”. Trong giai đoạn manic, tư tưởng đến dồn dập trong đầu người bệnh (100-miles-per-hour thought process), và họ nói uyên thuyên, ba hoa chích choè, trên trời dưới đất, đầu Ngô mình Sở, không ai theo kịp. Trong giai đoạn đó họ coi trời bằng vung, tự kiêu tự đại (grandiose thinking). Họ nghĩ là họ có thể làm bất cứ gì họ muốn, họ tiêu tiền như rác, và họ yêu cuồng sống vội. Khác với người mang bệnh schizophrenia, người manic có thể được hiểu, nhưng chỉ được đại khái, và vì họ nói nhiều quá, cuối cùng ta chả nhớ họ nói gì, và chả hiểu họ nói gì.

PCT biết ta có tâm bệnh nhưng chấp nhận chuyện đó rất miễn cưởng. “Từ đây tôi có bệnh loạn thần kinh, tôi có khắc khoải, có xao xuyến trước cuộc đời; đó là tại tôi, tại tôi không mở mắt ra mà nhìn vào lòng mình. Chính mình tự tạo ra bóng ma hãi hùng: chính tôi đã giết đời tôi; đến lúc hấp hối tôi chạy loanh quanh lẩn quẩn để tìm kẻ cứu tôi, nhưng thật sự không có ai có thể cứu tôi được, ngay đến Phật, đến Chúa, đến Mahomet .” và tôi nghĩ là bệnh đã manh nha từ tuổi 15, khi ông bỏ nhà ra đi vì cha mẹ bất hoà, chỉ cái nhau tối ngày (về tiển của?) thay vì thấy rằng thằng con trai của mình là thần đồng nhưng mang tâm bệnh và cần thương yêu, vổ về, chữa chạy.

Trí tuệ của PCT không giúp PCT kìm hãm được những chu kỳ manic-depressive nhưng đã giúp PCT phần nào trong nổ lực tránh một thân phận như Bùi Giáng “Tôi không là một tên tiên tri nào cả, ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu.

Ngôn ngữ của người điên không khác ngôn ngữ của thi sĩ lắm, chỉ có khác một điều: xã hội loài người có dựng lên bao nhiêu nhà thương điên mà không chịu dựng lên nhà thương thi sĩ.

Khi muốn phản đối người nào thì người ta nhốt hắn vào nhà thương điên; từ ngày bệnh điên trở thành một cái thời trang làm dáng cho bọn tự nhận là thiên tài thì phân tâm học ra đời tự nhận là phi thiên tài. Cái hạng người gọi là “bình thường” đầy dẫy ở mặt đất: trước khi nói một lời thì họ uốn lưỡi bảy lần, và vì uốn lưỡi nhiều quá cho nên lưỡi họ trở thành cong cong như lưỡi câu cá. Tội nghiệp cho những con cá mắc câu!” (trích từ Gửi một người đọc không quen trong phần mở đầu của Ý thức mới …, 1970.)

Một kết quả của nổ lưc này là khuynh hướng phủ nhận mình là một triết gia và tự xem mình là một thi sĩ. Tội nghiệp cho PCT là dù muốn tránh chuyện nằm nhà thương tâm trí, hy vọng được chữa trị vẫn phản ảnh trong chữ “chịu” trong “câu xã hội loài người có dựng lên bao nhiêu nhà thương điên mà không chịu dựng lên nhà thương thi sĩ.” Người Việt độc nhất mà PCT ca ngợi hay nể phục là Bùi giáng, một nạn nhân của BPD. BG cũng đau cùng một bệnh (tôi biết vì một cô bạn thân “nằm” cùng trại với BG ở nhà thương Biên Hoà kể lại,) những có vẻ nhẹ hơn, có thể vì có “bị” chữa chạy. Tôi đoán là Williams Saroyan, nhà văn đươc PCT bàn luận trong chương hai cuả “Ý thức mới…” cũng là nạn nhân của BPD. BPD thường được thấy trong giới văn nghệ sĩ vì tư tưởng của họ “có vẻ” phong phú hơn nhiều trong cơn manic. Đời rất nhàm chán cho người nghệ sĩ giữa “những cơn chuyển động toàn diện của tâm thức” và nhiều người không chịu chữa chạy hay uống thuốc vì thế. Ca sĩ Connnie Francis mà PCT ưa thích trong thập niên 60 thường nghĩ uống thuốc vài ngày trước mổi lần trình diễn, và bạn đọc có thể đoán dể dàng là cô bị bệnh gì.

Tiếc thay cho số phận hẩm hiu của một thiên tài. Nếu PCT có cơ hội tiếp tục học và thâu thập những căn bản thường thức ở trường thì đời ông sẽ ra sao? PCT có kiến thức rất sâu những khía cạnh ngôn ngữ (và ta phải nhận rằng ông là thần dồng trên lãnh vực này, nhưng tôi thắc mắc tại sao ông lại phải học chữ Hán 6 tháng hồi 1964 ở chùa Hải Đức nếu ông đã rành tiếng Hoa từ năm 15 tuổi?) , triết và Thiền học, nhưng kiến thức của ông có vẻ phiếm diện, không có bề rộng. Ông có vẻ không biết gì nhiều về khoa học, ngoại cảnh, môi trường đang sống (dù ông yêu vẻ đẹp thiên nhiên, và về bản thân ông. Thái độ của ông về tâm bệnh học/phân tâm học có thể đã khác nếu ông có kiến thức thưc tiễn thay vì thành kiến.

Có vài người thắc mắc về chuyện PCT có hề ở Úc chăng (Ông xuất ngoại từ năm 1970, từ Âu châu qua Mỹ năm 1983, và chưa hề rời Mỹ sau đó.) Và dĩ nhiên ta cũng có thế có những câu hỏi tương tự về cái bằng tiến sĩ ở Sorbone, hay chuyện PCT viết trong hồi ký năm 1970 rằng ông đã gặp Henry Miller năm 1965 tại Pacific Palisades, hay gặp Krishnamurti ở Paris trước năm 1970, những năm ông chưa hề xuất ngoại, theo các tài liệu về tiểu sử của ông tìm thấy trên mạng. Ta có thể kết luận rằng những “dữ kiện” trên là kết quả của những huyễn tưởng mà ông có trong những cơn manic. Tôi chưa hề gặp PCT nên không có ý kiến về sự thắc mắc làm sao một người với bệnh BPD và với những chu trình manic thường xuyên như ông có thể giữ nhiều chức vụ liên quan đến đại học Vạn Hạnh như thế.

PCT không phải là một triết gia theo nghĩa người nghiên cứu sâu rộng về triết để đi đến một hệ thống tư tưởng. (Và cái lý luận về năm chữ “chay, cháy, chày, chảy, chạy” không đáng gọi là triết). Nhưng ông đọc rất nhiều về triết hiện sinh như ta có thể thấy từ những tên tuổi của trường phái hiện sinh (Sartre, de Baeuvois, Heiddeger, Kirkegard, v.v.) mà ông nhắc nhở hay phân tích. Nghiên cứu triết lý hiện sinh là chuyện tự nhiên cho một người thông minh giữa những thập niên 1950, 60 muốn tìm câu trả lời cho thân phận mình “chỉ có tôi là mới có thể cứu tôi được, chỉ có tôi mới là kẻ thù của tôi, muốn tìm giải thoát, muốn tìm thanh bình cho cõi lòng; chính tôi, phải tự tìm cho tôi; tôi có thể tìm được nếu tôi có đủ đức tin nơi tôi, nếu tôi tự tin.” Nghiên cứu rồi thất vọng nên sau này PCT viết là ông chán họ vì họ chỉ lập đi lập lại. Và ông chỉ trích Sartre thậm tệ – vì Sartre làm ông mất thì giờ đọc về hiện sinh, và có thể về lý thuyết cọng sản, thay vì đi ngay vào Thiền?. Tại sao PCT thù không đội trời chung với Khổng Tử thì có lẽ không ai biết nhưng tôi có thể võ đoán từ kinh nghiệm bản thân (thân phụ tôi là một học giả về Khổng học.)

Triết học không giúp PCT, ông không tìm được niềm tin nơi chính ông nên ông quay qua tôn giáo, và chuyện tự nhiên với người như PCT là nghiên cứu Thiền. Và thí phát quy y. Nhưng đức tin mới đó cũng không kéo dài bao lâu, có lẽ rằng điều mà PCT mong muốn nơi Thiền là lối chữa bệnh hay giải thoát khỏi BPD, nhưng “những cơn động đất thường xuyên của đời mình” hay những “cơn chuyển động toàn diện của tâm thức” vẫn cứ dồn dập xẩy ra. PCT không tìm được đức tin nơi chính ông, và cũng không tìm được đức tin nơi tôn giáo “Không ai nghe tôi cả. Chúa không nghe. Mahomet không nghe. Phật không nghe. Không ai cả. Vox clamantis…” Đọc câu này tôi nhớ đến bài “Này em có nhớ” của Trịnh Công Sơn :

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứ phụ người. Ông đã vài lần tính tự tử nhưng tôi có cảm giác là các cơn manic đã cứu ông, như ông đã viết trong chương hai của “Ý thức mới…”

PCT biết rất sâu về Thiền, nhưng biết không có nghĩa là hiểu. Ông chê Suzuki là sai lầm khi đặt câu hỏi “What is Zen?”, nhưng chính ông đã phạm lỗi lầm khi loạn ngôn về thiền, Ông phạm lỗi này vì thiên tài của ông dựa trên ngôn ngữ và vì người manic chỉ biết nói, không biết lặng thinh, cho dù rằng ta đã học là ta không thể hiểu Thiền và “ngộ” qua chữ nghĩa. Vì thế càng tranh luận về Thiền như PCT đã làm trong những thập niên 60, ông càng chứng tỏ là ông biết nhiều nhưng chỉ thu thập được những cái hiểu chủ quan, chưa diệt được ngã.

PCT có kiến thức rất sâu về Thiền nhưng kiến thức đó không giúp ông tĩnh tâm hay định thân. Vì không thể tĩnh tâm, ông tranh luận về Thiền với đời trong khi kiến thức đó đã cho ông biết là người tu thiền không màng tranh cải, cũng như không nên tranh cải. Vì không thể định tâm, ông đi lang thang khắp chốn (Sài gòn, Nha Trang, Israel , Â châu, California, Texas), hoàn tục và lấy mấy đời vợ.

“Quyển sách này được viết chậm rãi thong dong từ trên 10 năm nay, từ năm 1983 tại Los Angeles và tại những vùng phụ cận Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Từ năm 1970 cho đến 1983, tôi đã sống ở Do Thái, rồi ở Ðức quốc và ở lâu dài tại Pháp quốc; đến năm 1983, qua một cơn chuyển động toàn diện của tâm thức viễn ly, tôi đã trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles sau một thời gian xa vắng gần 20 năm; từ năm 1983 cho đến năm 1994, trên 11 năm nay, lại qua nhiều cơn chuyển động toàn diện liên tục của tâm thức viễn ly, tôi vẫn tiếp tục sống ở thành phố Los Angeles; sau vài chuyến lui về vùng đồi núi im lặng ở Úc châu, tôi vẫn trở lại thành phố Los Angeles như trở về tập sống hồn nhiên tự tại với những cơn động đất thường xuyên của đời mình…” (Trích từ “Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng”) Nếu có thể sống hồn nhiên tự tại thì tại sao lại tiếp tục uống rược hủ chìm hủ nổi? Làm thiền gia tức là có khả năng chấp thuận hiện tượng phù du của cuộc đời, sao lại còn hệ luỵ với những cơn động đất thường xuyên của đời mình? Làm sao vừa bị hệ luỵ với những cơn động dất thường xuyên của đời mình vừa có thể tranh luận về Thiền với quần chúng? Đoạn văn này nhắc ta những câu:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về… trong bài “Một cõi đi về” của TCS

Tôi đang tìm cách đọc một bản của “Tiểu Luận về Bồ Đề Đạt Ma”. Tôi nghe nói nó làm ông nổi tiếng, nhưng không tìm ra chi tiết. Tác phẩm về Thiền mà được ngợi khen và xem như là một mấu chốt quan trọng trong phong trào nghiên cứu Thiền ở Viêt Nam phải được viết một cách nghiêm túc, có lập luận vững chắc và có thể làm đa số người đọc hiểu và đồng ý, điều mà tôi không thấy trong những tác phẩm khác của PCT.

Tôi thương PCT ở chổ là ông biết thân phận và không hể tuyên bố là ta đã “ngộ”, ngay cả trong những lúc loạn ngôn nhất. Tôi không nghĩ là PCT có cơ hội đạt được giác ngộ vì những chu kỳ dồn dập của manic episodes mà ông gọi là “những cơn động đất thường xuyên của đời mình” hay những “cơn chuyển động toàn diện của tâm thức” không cho ông cơ hội tĩnh tâm nào đủ lâu dài để ông diệt được Phật, Chúa, và khai thị. Không những đã không có cơ hội khai thị và giác ngộ, PCT cũng đã không dùng được kiến thức của mình về Thiền để sống bình an. Về cuối đời, ông còn phải nương vào Phật Quán Thế Âm để có người nhắc đến mình.

Tôi ráng đọc hết bài “Bước chân thứ nhất đảo ngược trở về sự im lặng” trong cuốn “Những bước chân nhẹ nhàng…” và cảm thấy buồn cười. Cho một bài viết về việc trở về với sự im lặng, PCT đã nói quá nhiều, quá ồn ào. Ông cười Freud đã viết tào lao trên đề tài sợ hãi, nhưng ông cũng viết tào lao không kém. Bao nhiêu chữ nghĩa về Thiền của ông trôi theo giòng đời từ lâu rồi. Có lẽ người ta đúng khi nghĩ là PCT viết về Phật Học để kiếm sống.

Buồn thay cho một phận người.

HKG

Nguyễn Hoàng viết:

Thưa ông HKG Mirodor

Nghi đoán của ông về bipolar hay manic depression ở hai nhà thơ Bùi Giáng và Phạm Công Thiện cũng chỉ là nghi thuyết chơi cho vui thôi.

Có một câu hỏi mà ông quên đặt ra là tại sao có hàng nghìn trường hợp manic depression xưa nay trên đất Việt mà rốt cùng chỉ có hai người đã làm rực rỡ phong nhiêu thơ ca của Việt Nam khá là bất thường, phi thường như hai bác BG va PCT.

Phương tiện thiện xảo. Hai con người ưu tú này của gia sản tâm linh Việt Nam rõ ràng đã biết biến cái đau buồn và hân hoan cực độ mà họ gánh chịu để làm nên những ruộng vườn cây trái tốt lành nhất mà họ có thể làm được. Nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh tàn tệ anh em bà con giết chóc nhau của lịch sử dân tộc cận đại và hiện đại, BG va PCT – chỉ xét hai vị mà ông chiếu cố – đã không chỉ để lại cho chúng ta những tác phẩm ngôn ngữ trác tuyệt lại còn lại rất bình tỉnh đã gióng lên những tiếng kêu nhân bản, từ bi, hơn bất luận những ai ai cho sự tan hoang trầm thống này.

Đối nghịch với họ, tôi thiết nghĩ, không ai xa cả: chính là những lãnh tụ anh minh và vĩ đại đã rất ‘tỉnh táo’ đẩy người vào làm mồi cho bom đạn, cho chủ nghĩa, cho thiên đàng không tưởng ‘nhất tướng công thành vạn xác khô’- ôi một cuộc chiến mà hệ lụy đau thương của nó kinh khiếp gấp bội lần tất cả mọi thứ đại họa thiên tai, không biết bao giờ dân tộc Việt mới lành mạnh lại?

Trước cái sự kinh khủng lớn và bàng hoàng chưa thấu đạt kia thì Những nghi thuyết nho nhỏ bên lề khác của ông về BG va PCT quả thực là chuyện nghe chơi.

Cái câu cuối “buồn thay cho một phận người” thì quả là cả một sự bất kính.

Nguyễn Hoàng

– 22.03.2011 vào lúc 3:39 am

mirordor viết:

Chào Ông Nguyễn Hoàng.

Câu kết “Buồn thay cho một phận người.” phản ảnh cái nhìn của tôi về sự kiện rằng Phạm Công Thiện đã sinh không nhằm thời, chứ không phải được viết ra để đả kích hay chê bai cá nhân ông. Tôi chấp nhận PCT là một thần đồng/thiên tài. Tôi biết ông đã viết nhiều về nỗi đớn đau của một người Việt sinh ra trong thời loạn, đất nước phân ly. Nhưng nếu tôi không lầm, PCT không bao giờ viết về chính trị, hay đả kích một chế độ/chính quyền nào. Ông nghiên cứu về tư tưởng của Karl Marx và Sartre nhưng ông không nhắc đến chử nghĩa cọng sản. Tại sao ta phải nhắc đến chính trị khi bàn về một nhà trí thức không hề để chính trị ảnh hưởng đến những nghiên cứu và cảm nghĩ của ông? Nếu thật sự muốn tỏ lòng kính trọng PCT, tại sao ta không nên nghĩ rằng môt phần lý do làm những nghiên cứu và suy luận của ông đóng góp và làm phong phú nhiều cho nhân bản học là vì ông đứng trên chính trị và những thị phi của đời?

Nếu tôi không lầm, ông bạn có thành kiến về tâm bệnh và chỉ “thấy ngón tay” trong khi tôi đang “chỉ mặt trăng” Tâm bệnh không có gì xấu hổ, và manic-depressive disorder/BPD không làm giảm giá trị của PCT hay Bùi Giáng (BG là tác giả tôi mê nhất khi tôi đang học về văn chương thời trung học qua cuốn sách ông viết về Cao Bá Quát.) Nếu hoàn cảnh của PCT khác đi, có thể rằng với óc thông minh của ông, ông đã học hiểu nhiều về thân xác của ông, gạt bỏ các thành kiến và mặc cảm về tâm bệnh, và có cơ hội làm một người “bình thường” (bệnh BPD tương đối dể chữa và có vài thuốc rất hiệu ngiệm.) Nhưng ông bạn có thể tưởng tượng một PCT “bình thường” như mọi người khác, và những mất mát sẽ đến cho nền thi văn Viêt Nam nếu tôi gặp PCT ngày xưa và giúp ông “bình thường”? Chưa chắc gì PCT đã muốn vậy, và tôi sẽ không ép, vì tôi kính trọng thiên tài và sở nguyện của ông. Nhưng tôi sẽ tiếp tục nghĩ “buồn thay cho một phận người!”

Một người bạn đề nghị tôi viết bài này cho độc giả trên Da Màu để góp phần “giãi quản” sự thắc mắc mà nhiều người đã có khi đọc PCT, hay BG. “Họ có ‘điên’ không?” Câu trả lời “dứt khoát” của tôi, một chuyên gia tâm bệnh là họ không điên. Đó không phải là một nghi thuyết mà là ý kiến chuyên môn. Tôi nghĩ là một số độc giả có lẽ sẽ vui lòng khi biết rằng PCT không điên và chính tâm bệnh của ông đã đóng góp phần lớn trong tiến trình học hỏi và sáng tác của ông, cũng như trong sự độc đáo, khó hiểu “có một không hai” của ông (đã rành về Thiền, có đầu óc “sáng suốt” thì phải biết ăn nói mạch lạc, thông suốt chứ nhĩ!)

Người để ý đến sở học và sáng tác của PCT là người cũng như ông đã khoắc khoải trong tuồi vị thành niên và trước khi trưởng thành với những câu hỏi hiện sinh về thân phận mình và thân phận người:” Ta là gì? tại sao ta hiện hữu? ta phải sống như thế nào?” Người thích tìm hiểu PCT là người có ít nhiều khuynh hướng muốn học về Thiền. Bài góp ý này của tôi được viết ra để giúp những người đó hiểu tại sao PCT khó hiễu, biết có cái gì khác biệt về sự khó hiểu của PCT và sự khó hiểu của thiển sư. Hai cái “khó hiểu” đó hoàn toàn khác nhau, và nếu ta không biết phân biệt khi nào thì PCT-“khùng” đang nói và khi nào PCT-học giả về thiển đang nói, thiên tài, sở học và kiến thức của PCT không giúp được gì cho đời cả.

– 22.03.2011 vào lúc 9:58 am

Nguyễn Hoàng viết:

Thưa ông HKG Mirodor

Ông đã giải đáp cái câu cuối comment. Tôi chưa từng nghe được biết cuốn sách của thi sĩ Bùi Giáng viết về Cao bá Quát mà ông nói đã yêu thích thời nào. Trong giai kỳ thơ ca thế kỷ thứ 19 tôi được biết BG ngưỡng mộ Nguyễn Du. PCT cũng yêu thích Nguyễn Du, trong một chừng mực ít hơn, chàng có dịch một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Sự yêu chuộng Nguyễn Du, Quách Tấn, Ba Tiêu của PCT là một điều tôi cho là sự quân bình Đông Tây hoàn vũ của PCT với những ưa thích riêng biệt ông đã dành cho những tác giả Tây phương thuộc bộ tộc “lạc loài” như Henry Miller, Thomas Wolfe, Max Jacob, William Saroyan… PCT tự động không thích những nhà văn đã nổi đình nổi đám mà nay ta gọi là celebrities. Chàng yêu những nhà văn thất bại, bên lề, thua cuộc. Tôi đoán chừng vậy. Không có gì chuẩn xác cả. Và tôi đoán(lại đoán nữa) PCT không ưa phân tâm học. Có lẽ chàng yêu thích khoa học vật lý hơn, những gặp gỡ của vật lý hiện đại và quan niệm của Phật giáo về thế giới.

Cảm ơn sự hồi âm của ông

Nguyễn Hoàng

– 23.03.2011 vào lúc 3:28 am

Phan Đức viết:

Xin góp ý với Nguyễn Hoàng,
Thật ra,sách viết về một số nhà thơ như Nguyễn Khuyến,
Cao Bá Quát,Nguyễn Công Trứ v.v.của BG.là bộ sách giáo
khoa dành cho học sinh trung học mà tôi cũng từng học.
Nhà thơ BG.có rất nhiều giai thoại (đa phần là có thật)
nhưng hình như không ai biết ông có thời làm chủ bút tờ
nguyệt san Định Hướng của Nguyễn Thiện Dzai.Trong thời
Đệ I Cộng Hòa,ông NTD.thuộc Sở Nghiên Cứu Chính Trị.

– 23.03.2011 vào lúc 2:25 pm

Hoàng Ngọc-Tuấn viết:

Ý kiến của Mirordor có rất nhiều chỗ hiểu lầm về ý nghĩa của những câu văn của PCT.

Thử lấy một ví dụ: “Sự chuyển động toàn diện của tâm thức” không phải là một triệu chứng manic, nhưng là một trạng thái của thiền định, Krishnamurti gọi đó là “the whole movement of conciousness”, và Sri Aurobindo gọi đó là “the total movement of consciousness”.

Và chỉ một đoạn văn sau đây thì đã đưa ra rất nhiều điều sai:

Có vài người thắc mắc về chuyện PCT có hề ở Úc chăng (Ông xuất ngoại từ năm 1970, từ Âu châu qua Mỹ năm 1983, và chưa hề rời Mỹ sau đó.) Và dĩ nhiên ta cũng có thế có những câu hỏi tương tự về cái bằng tiến sĩ ở Sorbone, hay chuyện PCT viết trong hồi ký năm 1970 rằng ông đã gặp Henry Miller năm 1965 tại Pacific Palisades, hay gặp Krishnamurti ở Paris trước năm 1970, những năm ông chưa hề xuất ngoại, theo các tài liệu về tiểu sử của ông tìm thấy trên mạng. Ta có thể kết luận rằng những “dữ kiện” trên là kết quả của những huyễn tưởng mà ông có trong những cơn manic.

1/ Sự thật là song thân của PCT ở Queensland, Úc, nên trong những năm 80, PCT thường xuyên về Úc. Sau đó, PCT đã lập gia đình với LPS ở Úc. Chị LPS là bạn thân của gia đình chúng tôi. PCT và LPS (người vợ cuối cùng của PCT) đã ở tại nhà số 28/85 Homer St, Earlwood, New South Wales 2206, Australia, trước khi dời sang Mỹ.

Chúng tôi vẫn thường xuyên đến chơi với PCT trong những năm đó. Thượng Tọa Thích Viên Lý và một số nhà sư ở Mỹ cũng đã có lần sang Úc và ở trọ tại ngôi nhà của PCT ở Earlwood:

Xem các bài:

“Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ” của Hoàng Ngọc-Tuấn:
http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=12313

“5 bài thơ 5 chữ” của Phạm Công Thiện:
http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=5960

“Giáo sư Phạm Công Thiện, một con người rất Người” của Thích Viên Lý:
http://www.lytuongnguoiviet.com/index.php?option=com_content&task=view&id=4643&Itemid=

2/ PCT đã xuất ngoại từ cuối năm 1964, sang Mỹ du học, rồi sang Pháp năm 1966, gặp Thi Vũ, Nh. Tay Ngàn, Trần Hiếu… tại Paris.

Xem bài: “Về một bài thơ của Phạm Công Thiện” của Thi Vũ:
http://www.gio-o.com/ThiVuPhamCongThienVeMotBaiTho.htm

3/ Không hề có bất cứ một lời nói hay một câu viết nào của PCT tự xưng là có bằng tiến sĩ ở Sorbonne. Vì thế, không thể dùng những lời đồn đãi của những kẻ khác để kết án ông.

4/ Năm 1965 PCT thật sự có gặp Henry Miller tại California, và một tình bạn vong niên đẹp đẽ đã diễn ra. PCT đã cho tôi xem khá nhiều thư từ, hình ảnh, tâm sự trao đổi giữa PCT và Henry Miller. Một số thư Henry Miller gửi PCT những năm 1965, 1966, đã có in trong cuốn TRIBU (xuất bản ở đại học Toulouse năm 1984). Cách đây 14 năm, tiến sĩ David Stephen Calonne (University of Texas at Austin) đã xuất bản cuốn sách: THE COLOSSUS OF ARMENIA: G.I. GURDIEFF AND HENRY , WITH FIVE PREVIOUSLY UNPUBLISHED MILLER LETTERS TO PHAM CONG THIEN (Ann Abor, MI: Roger Jackson, 1997). Trong đó có in 5 bức thư của Henry Miller gửi PCT:

Letter from Miller to Pham Công Thiên of September 28, 1972, trang 37-53.
Letter from Miller to Pham Công Thiên of October 18, 1972, trang 54.
Letter from Miller to Pham Công Thiên of November 7, 1972, trang 55-56.
Letter from Miller to Pham Công Thiên of November 23, 1972, trang 57-58.
Letter from Miller to Pham Công Thiên of December 12, 1972, trang 59-64.

Cuốn sách có quảng cáo trên Amazon:

http://www.amazon.com/colossus-Armenia-Gurdjieff-previously-unpublished/dp/B0006RLP0G

Và trên Google Books:

http://books.google.com.au/books?id=X2adGwAACAAJ&dq=%22THE+COLOSSUS+OF+ARMENIA%22&hl=en&ei=EquJTZGUOtTzcf-UgacM&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=1&ved=0CC4Q6AEwAA

5/ PCT thật sự có gặp Krishnamurti 2 lần vào năm 1966 tại Paris, khi đến tham dự 2 buổi nói chuyện của Krishnamurti tại Société Théosophique de France, 4 Square Rapp, 75007 Paris. Lần thứ nhì khi PCT đến Square Rapp thì có dắt theo thi sĩ Nh. Tay Ngàn. PCT có cho tôi xem vài cuốn sách do chính Krishnamurti ký tặng PCT tại Square Rapp, có thủ bút của Krishnamurti, ghi “Paris, Avril 1966″.

Vân vân…

Nói tóm lại, bài viết cần phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu chính xác và cẩn thận hơn.
NÊN TRÁNH NGHE LỜI ĐỒN ĐÃI.
TRÁNH SỰ CỐ Ý XUYÊN TẠC.
VÀ ĐỪNG VIẾT VÌ ÁC Ý.

– 23.03.2011 vào lúc 6:52 pm

mirordor viết:

Dĩ nhiên là PCT không ưa phân tâm học. Người nghiên cứu triết thuyết Hiện sinh sẽ có dịp đọc Sigmund Freud và (dù rằng tôi không thấy ai nói đến khi viết tiểu sử của PCT,) ông rành tiếng Đức. Mời bạn đọc đoạn trích văn sau đây, từ ‘Gữi một người đọc không quen’ ở phần đầu của Ý thức mới…

“Ngôn ngữ của người điên không khác ngôn ngữ của thi sĩ lắm, chỉ có khác một điều: xã hội loài người có dựng lên bao nhiêu nhà thương điên mà không chịu dựng lên nhà thương thi sĩ.

Khi muốn phản đối người nào thì người ta nhốt hắn vào nhà thương điên; từ ngày bệnh điên trở thành một cái thời trang làm dáng cho bọn tự nhận là thiên tài thì phân tâm học ra đời tự nhận là phi thiên tài. Cái hạng người gọi là “bình thường” đầy dẫy ở mặt đất: trước khi nói một lời thì họ uốn lưỡi bảy lần, và vì uốn lưỡi nhiều quá cho nên lưỡi họ trở thành cong cong như lưỡi câu cá. Tội nghiệp cho những con cá mắc câu!”

Không ai nhốt thi sĩ vào nhà thương điên, nhưng triết gia/thiền gia thì có thể bị ngộ nhận là điên, nhất là người ăn nói ngang tàng như PCT! Không những PCT không thích phân tâm học (vì ông thừa thông minh để hiểu rằng Freud nói tào lao hơi nhiều, cũng như để hiếu là phâm tâm gia giỏi có thể “đi guốc vào bụng ông”), ông sợ phải nằm nhà thương điên như Bùi Giáng. Định bệnh đúng và chữa trị đúng thì bệnh nhân nhờ, nhưng định bệnh sai, hay cho thuốc sai thì khổ cho bệnh nhân lắm vì thuốc chữa tâm bệnh tạo nhiều hậu quả tai hại mà PCT có thể đã nghe BG kể. Phân tâm học chữa bệnh bằng phân tâm – nghe và nói, không bằng thuốc; tôi không biết có bao nhiêu người đáng gọi là phân tâm gia trong thời PCT ở Việt Nam, nhưng thuốc Thorazine thì chắc chắn có rồi.

Tôi cũng không nghĩ là PCT yêu thích khoa học vật lý. (Tôi viết kiến thức của ông có vẻ khiếm diện vì vậy). Người thông minh và thích khoa học vật lý sẽ dùng kiến thức về khoa học để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi hiện sinh của mình. Tôi không bao giờ “thấy” PCT viết dài dòng về khoa học, và dù thỉnh thoảng ông nói đến cái đẹp của ngoại cành, ông nói như một nhà thơ, không như một người tìm hiểu sinh môi. Ngay chính cái tên hoa độc nhất bằng tiếng Việt mà ông nhắc đến, ông không dùng đúng (Hoa phong lữ mà ông có lần nói đến có lẽ là hoa mỏ hạc.) Những kiến thức căn bản vể khoa học từ những lớp trung học có thể thay đổi hẳn cái nhìn, hướng đi, tương lai và định mệnh của mỗi người. Vì thế tôi phân vân đời PCT sẽ ra sao nếu ông học hết tung học.

– 23.03.2011 vào lúc 9:07 pm

IAGN viết:

Phản hồi này sẽ không xuất hiện nếu không có những lời lăng nhăng của Dr. mirordor. duyên khởi là vậy vậy! Vì sao lăng nhăng? Lăng nhăng là gì?

1. Những trích dẫn vu vơ, rẻ tiền vài lời nhạc của Trinh Công Sơn để bàn về Phạm Cong Thiện.
2. Tối thiểu nhất: Viết bậy tên những người không thể viết bậy nếu muốn bàn luận nghiêm túc: Heidegger, Kierkegaard
3. Lăng nhăng nhất là đoạn này:
“Tôi thương PCT ở chổ là ông biết thân phận và không hể tuyên bố là ta đã “ngộ”, ngay cả trong những lúc loạn ngôn nhất. Tôi không nghĩ là PCT có cơ hội đạt được giác ngộ vì những chu kỳ dồn dập của manic episodes mà ông gọi là “những cơn động đất thường xuyên của đời mình” hay những “cơn chuyển động toàn diện của tâm thức” không cho ông cơ hội tĩnh tâm nào đủ lâu dài để ông diệt được Phật, Chúa, và khai thị. Không những đã không có cơ hội khai thị và giác ngộ, PCT cũng đã không dùng được kiến thức của mình về Thiền để sống bình an. Về cuối đời, ông còn phải nương vào Phật Quán Thế Âm để có người nhắc đến mình.”

Nếu có chút ít “cảm thức” thiền, ngộ, etc, không thể viết theo điệu giun dế như vậy.
Thiền là gì? Ngộ là chi chi?

” Lời Thang hỏi Cức” Phía Bắc miền hiếm cây, có bể thẳm, tức có ao trời. Có loài cá, nó rộng vài nghìn dặm, tên nó là CÔN. Có loài chim tên nó là BẰNG. Lưng bằng núi Thái, cánh như đám mây rủ ngang trời[…]. Dứt hơi mây, đội trời xanh tung đường sang Nam…”
Con sẻ bên chầm cười rằng:” Nó sắp đi đâu vậy? Ta nhảy nhót bay lên, chẳng qua vài thước rồi xuống. Lượn lờ giữa đám cỏ tranh, bay đến thế cũng RẤT MỰC rồi! Nó tung cánh đi đâu vậy?”
Đó là chỗ phân biệt LỚN, NHỎ,…[…]. Đem cả đời mà khen, không nức lòng thêm, đem cả đời mà chê, không bận lòng thêm[…]” (Trang Tử)

Đây cũng là một thứ lăng nhăng khởi bệnh từ “đơn thuốc” của Dr. mirordor.

Buồn thay cho ngôn từ!

“Trên tất cả đỉnh cao là im lặng”. PCT.

– 24.03.2011 vào lúc 8:08 am

thuy viết:

Hình như đọc câu ” có lý khi cho PCT viết về Phật học để kiếm sống” có vẻ khinh thường triết gia PCT theo tôi. PCT không chỉ viết về Phật học, ông từng là giáo sư(giáo sư thì cần gì viết ngoài viết trên bảng?) , làm văn và làm thơ. Tôi chỉ nhớ mang máng các anh chị tôi đua nhau tìm sánh PCT để đọc trước 75 , mà trước 75 các tác giả sống sung túc nếu sách được độc giả ưa chuộng. Qua bên Pháp ông cũng từng đi dạy như vậy nghề giáo đã là nghề của ông, văn chương là nghiệp thì phải.
Như tôi đã viết nhưng có lẽ bị kiểm duyệt, nếu chỉ dựa trên sách vở, không thăm khám bệnh nhân mà cho rẳng PCT bị schizophrenia hay psychosis tôi thấy có vẻ võ đoán. Sư chẩn bệnh phải dựa trên tiếp xúc, tối thiểu là nói chuyện với người bệnh để định bệnh. Nếu vậy thì có lẽ hầu hết các nhà văn đều mang tâm bệnh vì toàn là ta ôm trăng, ta ôm mặt trời , gửi tình yêu theo gió với mây…

– 24.03.2011 vào lúc 11:13 am

mirordor viết:

“Thiền là gì? Ngộ là chi chi?”

Ông bạn (hay cô bạn?) có thể tự tìm câu trả lời bằng cách đọc PCT, Tuệ Sĩ, D.T. Suziki, Shunyu Susuki v.v…(hy vọng tôi không có đánh vần sai tên nào); hay đọc Bích Nham Lục, và Vô Môn Quan, nếu ông bạn không muốn dựa theo ý của người trung gian và thật tình muốn học hỏi về Thiền.

Còn nếu ông bạn chỉ muốn dùng ngôn từ và biện luận để đả kích người thì ông bạn xem thường người đọc/viết trên Da Màu quá.

– 24.03.2011 vào lúc 11:41 am

mirordor viết:

“Hình như đọc ‘câu có lý khi cho PCT viết về Phật học để kiếm sống’ có vẻ khinh thường triết gia PCT theo tôi.” Câu này đúng ra phải nên viết rỏ là cho thời điểm sau 1990. Trước ’75, PCT viết cho mình nhiều hơn là cho người đọc; vì thế ông đã có lần viết là ông đốt hết 20 cuốn sách viết trong thuở thiếu thời. PCT đi dạy một phần dĩ nhiên là để mưu sinh vì ông không nương tựa vào gia đình từ lâu, và một phần vì Vạn Hạnh nhận ra tài ông. Tuy nhiên, một người biết rất rỏ về PCT (quý vị có thể đọc trên Đàn Chim việt) nêu ý kiến là ông “bị” sư thân cọng cài vào chùa Hải Đức và Vạn Hạnh vì họ muốn dùng cái biết của ông về Thiên chúa giáo; tôi không tin thuyết này, và nếu thuyết có đúng thì PCT không mắc bẩy, vì ông đứng trên thị phi và tôn giáo. Ban đầu ông học vế thiền, không phải vế Phật giáo. Chuyện ông tìn vào thần chú “Án Ma Ni Bát Di Hồng!” là chuyện xảy ra ở cuối đời ông.

“Sự chẩn bệnh phải dựa trên tiếp xúc, tối thiểu là nói chuyện với người bệnh để định bệnh.” Câu này chỉ đúng cho trường hợp bệnh thể xác. Bạn cứ hình dung một người bệnh tự nhiên á khẩu, không chịu nói chuyện, hay đang nổi cơn và bị trói hay giam, làm sao mà “nói chuyện”? Vì thế, định bệnh tâm thần dựa trên nhận xét và báo cáo của người thân hay của nhân viên trong trại, và trên bệnh sử. Trong trường hợp PCT, tìm bệnh sử là điều không khó vì chính ông là “nhân chứng” quan trọng nhất và đã lưu lại hàng trăm trang giấy dưới dạng tuỳ bút, khảo luận, nhật ký về đời mình, nghiên cứu, và suy luận của mình. Thay vì phái gợi chuyện, phân tâm gia chỉ cần “đọc” trước tác của ông. Trong thời buổi internet này, tìm nhân chứng về PCT cũng không khó gì. Điều khó là mấy người chịu khó đọc qua hàng trăm trang trên mạng, đối chiếu những tài liệu đôi khi tương phản nhau và hiểu thế đứng của người viết về PCT. Có nhiều “loại” người trong trường hợp này. Người thích hay chê Thiền, người mộ đạo hay không, người thích hay không thích thơ văn (và thích kiểu nào?), người lớn lên cùng thời với PCT, hay người làm học trò của ông. Và người thích hay ghét Trịnh Công Sơn!

Tôi không “võ đoán” đâu, tôi “nói có sách, mách có chứng” trong trường hợp PCT!

Cuối cùng, cho phép tôi sửa sai câu “…mà cho rẳng PCT bị schizophrenia hay psychosis”. Viết như thế là không hiểu gì ý tôi cả. Tôi không bao giờ nghĩ hay gọi PCT là schizophrenic hay psychotic. Hai chữ đó có nghĩa là “điên – crazy ” trong lối nói bình dân, và bài viết của tôi muốn chứng mình rằng người đời không biết ta đang nói gì. Vì không hiểu PCT đang nói gì, và không biết ta đang nói gì, cứ gọi ông điên là xong. PCT không “điên” và PBD không đồng nghĩa với schizophgrenia hay psychosis. Hành văn và ngôn từ của PCT rất độc đáo và khó mà ví với sáng tác của đa số văn nghệ sĩ, nhưng đó không là bằng chứng rằng ông điên. Chì có Bùi Giáng, Saroyan và vài người khác giống ông, nhưng cũng chỉ trong vài trường hợp. Một người bạn của tôi gợi ý là PCT đã từng phạm tội “đạo ý”, và nếu bạn chịu khó đọc lại Ý thức mới về văn nghệ và triết học thì bạn có thể để ý rằng ông viết ra nhiều câu như thể đó lả ý tưởng đang đến trong đầu rồi đăng câu nguyên bản bằng tiếng Anh hay Pháp ngay dưới đó. Người khó tính còn có thể nghĩ đến đạo văn!

– 24.03.2011 vào lúc 12:45 pm

mirordor viết:

“Ý kiến của Mirordor có rất nhiều chỗ hiểu lầm về ý nghĩa của những câu văn của PCT.”

Cám ơn anh Hoàng Ngọc Tuấn rất nhiều. Một người bạn ở Úc có báo tôi biết là anh sẽ phản hồi và sửa sai ý kiến của tôi.

Rất tiếc là những người biết nhiều về PCT như anh không lên tiếng sớm hơn để “giải mã” những thắc mắc mà người đọc cảm nhận sau khi đọc những tài liệu có trên mạng về tiểu sử của ông, nhất là khi những tài liệu đó được đăng tải bởi các cơ sở Phật Giáo thường xuyên liên lạc với ông hồi sinh thời. Con trai của ông nhắc đến Miller, the Surrealists, Campbell, Hegel, và Nietzsche trong danh sách những người ảnh hưởng đến mình nhưng không nhắc đến cha, mặc dù PC Lộ đang tìm người dịch qua Anh ngữ những best-sellers của cha, vì “It’s worth it.”

“Không hề có bất cứ một lời nói hay một câu viết nào của PCT tự xưng là có bằng tiến sĩ ở Sorbonne. Vì thế, không thể dùng những lời đồn đãi của những kẻ khác để kết án ông.” Tôi đọc lại những câu tôi viết và không thấy nơi nào tôi viết rằng ông “tự xưng” là có bằng tiến sĩ Sorbonne. Tôi cũng không nghĩ là PCT ham có cái mảnh bằng, cho dù nó đến từ Sorbonne, hay Yale. Hơn nữa, “kết án” PCT để làm gì? Ông chỉ hơn tôi vài tuổi, cũng mang những thắc mắc, hoài bảo như tôi trong tuổi thiếu thời, cũng đi những đoạn đường tôi đi qua để học làm người, tại sao tôi phải kết án ông?

Dù sao chăng nữa, những dữ kiện anh cung cấp giải toả một phân vân của tôi về tình trạng tâm thần của PCT. Phân vân đó là về huyễn tưởng hay loạn tưởng (delusion) rất hiếm thấy trong chứng bệnh BPD và nếu có, thường không kéo dài lâu, tháng này qua năm nọ. Không có delusion có nghĩa là bệnh của PCT chưa bao giờ nặng đến mức trở thành psychotic.

“Sự chuyển động toàn diện của tâm thức”, (và câu “những cơn động đất thương xuyên của đời mình”) có thể là lấy ý từ Krishnamurti hay Sri Aurobindo, nhưng cũng rất có thể là một lối nói văn hoa, và khá chính xác, để tả những manic episodes! PCT có khuynh hướng dùng ý, văn của các tác giả mà ông đang bàn đến và viết trong tiếng Việt như thể rằng chúng là của mình rồi đăng tiếp nguyên tác ngay ở dưới (hằng hà sa số trong tác phẩm “Ý thức mới…”). Nếu không có những hàng nguyên tác đó, chắc chắn có người đã buộc ông tội đạo văn! Lấy ý người làm ý mình thì cũng không sao; tôi nhớ một triết gia nào đó của Pháp (?) viết là khi một đứa bé hiểu được lời Khổng Tử, nó có thể nhận là nó nói!

Người tu Thiền có thể có một “the whole movement of conciousness” hay “the total movement of consciousness”, nhưng không có “chuyển động toàn diện của tâm thức phân ly” vì những ngôn từ Krishnamurti và Sri Auribindo dùng là để tả trạng thái “ngộ”. Người tu Thiền chỉ ngộ một lần và sau đó tiếp tục tu để đạt được đến “giác”, họ không ngộ trở lại, hay ngộ tiếp về một công án khác. Và “những động đất thường xuyên của đởi mình” chắc chắn không thể dùng để tả hiện tượng ngộ. Người tu Thiền “mong” được ngộ, và vui vì ngộ, không ai khỗ sau khi đột nhiên sáng mắt và thấy đời lên hương! Mời anh đọc bài thơ sau đây Thiền sư Vô Môn viết ngay sau khi ngộ.

Thanh thiên bạch nhật nhất thanh lôi
Đại địa quần sinh nhãn hoát khai
Vạn tượng sum la tề khể thủ
Tu-di bột khiêu vũ tam đài.

Đó là một “whole movement of conciousness”. Mặc dù người đời có khuynh hướng gọi PCT là Thiền sư (PC Lộ xem cha là Zen Master), ông chưa hề ngộ.

– 24.03.2011 vào lúc 5:01 pm

T.Vấn tổng hợp ( Mar. 25, 2011)

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search