T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: TRUYỆN TRƯƠNG VĂN DÂN

clip_image004clip_image002

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHÍA SAU NHỮNG MẢNH VỠ CUỘC SỐNG

TRONG TRUYỆN TRƯƠNG VĂN DÂN

Cuộc sống, tình yêu, niềm hạnh phúc, đau khổ, hận thù, chia ly…tưởng chừng như đã là chuyện cổ tích, mòn cũ; nhưng thật ra nó vẫn mới tinh khôi như nụ hồng vừa chớm nở sáng nay, luôn là đề tài bất tận đối với văn chương, âm nhạc, hội họa…Bởi dưới mỗi cách nhìn (chủ quan) của người sáng tạo đều được diễn tả dưới những khía cạnh khác nhau, từ những khám phá khác nhau khiến người đọc vẫn cảm thấy luôn có sự “trinh tiết”, mới mẻ trong đề tài.

Trương Văn Dân cũng thế, ông là người xa xứ đến hơn 40 năm. Nhưng 40 năm ở nơi đất khách quê người đã không làm ông hòa tan vào dòng chảy của nền văn hóa phương Tây, trái lại nó vẫn thấm đẫm mùi rơm rạ bùn non qua từng trang viết, khi ông quay về cố hương và trình làng hai tác phẩm Hành trang ngày trở lạiBàn tay nhỏ dưới mưa.

Khi khép lại trang sách, người đọc (cùng thế hệ ông) dễ có cảm giác như vừa đọc xong, cùng một thể loại, các tác phẩm của Lê Văn Trương hay Nhất Linh, Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn cách đây hai phần ba thế kỷ; bởi các truyện ngắn và tiểu thuyết của ông đều mang tính luận đề để dẫn giải sự xung đột giữa tình yêu, hạnh phúc và đoàn tụ, chia ly. Vấn đề ông đặt ra như một dấu hỏi muôn thuở để, sau đó độc giả tự “giải mã” về cuộc sống của các nhân vật với biết bao băn khoăn, thôi thúc, dồn nén, giữa mất mát và hiện hữu, về cái gọi là “phẩm hạnh” của con người trước cuộc sống không bằng phẳng.

Ngay cách đặt tựa cho truyện, ông cũng hé mở và lồng toàn bộ nội dung câu chuyện vào đó. Một áng mây bay kể về người bạn David lao vào đời với một tốc độ chóng mặt, chỉ mong sao sẽ tích lũy được nhiều tiền. Hái ra tiền như một cứu cánh trong cuộc đời David, như là niềm hạnh phúc tối thượng, bỏ lại đằng sau gia đình, vợ con dẫn đến hệ lụy là tình yêu tan vỡ, hai người phải chia xa. Chỉ đến khi sự sống và cái chết còn cách nhau bằng sợi chỉ mong manh thì David mới chợt tỉnh, quay trở về với chính con người thật của mình, khi đứng trước ô cửa sổ nhìn ra bên ngoài và khám phá ra, lần đầu tiên, về cái đẹp của thiên nhiên. Nó không hề xa lạ mà hiện hữu ngay sát bên cạnh mình: “Hoàng hôn! Một cảnh sắc tuyệt vời. Thú thực đây là lần đầu tiên tao thấy nó. Trong đời tao, chưa bao giờ tao có thì giờ. Tao-chỉ-nhìn-chứ-chưa-bao-giờ-thấy”. Hẳn nhiên độc giả sẽ nhíu mày để quay lại buổi đầu nhân vật David xuất hiện mà ngẫm nghĩ sự khác biệt về ý nghĩa giữa nhìnthấy trong đời sống, từ chính nhân vật “ngộ” ra!

Ở một truyện khác, Gã lang thang tóc trắng, ông làm công việc của người dẫn chuyện, nói theo kiểu cách văn chương thì, ông đang ký họa cảnh đời của những kẻ lang thang trong một thành phố nước Ý, không nhà cửa giữa mùa đông tuyết giá. Và trong bức ký họa này, nổi lên một nhân vật trung tâm của câu chuyện. Đó là Renato, nguyên là một luật sư tiếng tăm. Lòng tham lam bệnh hoạn đã biến con người gã thành một kẻ dối trá với chính vợ chồng em gái mình để chiếm đoạt một khối tài sản khổng lồ nhưng cuối cùng thì gã mất tất cả, không chốn nương thân, sống vất vưởng trên đường phố. Cảnh gia đình hạnh phúc, êm ấm cũng chỉ là những bọt sóng trên sông! Từ một luật sư tài ba, gã biến thành kẻ vô gia cư ngay trong thành phố một thời gã sống: “Lão sẽ còn phải tiếp tục trả giá cho hành động tán tận lương tâm của mình thêm nhiều năm nữa”.

Và, dưới cái nhìn ở một góc độ khác, cũng là tiền bạc, nhưng ông đã lật ngược vấn đề với nhân vật là một đứa bé đang bươn chải như một người lớn, để có tiền trả viện phí cho người mẹ đang nằm bệnh viện do tai nạn giao thông. Đứa bé còn quá nhỏ khi phải đeo trên lưng trách nhiệm quá to tát, bị ném vào đời một cách đột ngột, bỏ học giữa chừng để bán trăm thứ bà lằng cho khách qua đường với mong mỏi là có đủ tiền chữa trị cho mẹ. Nhưng không vì thế mà em đánh mất cái tính “bổn thiện”, trái lại, em cao cả, trong sạch tựa giọt sương ban mai, tựa khí trời trong suốt trên đỉnh núi cao.

Cách chọn lựa và xây dựng những đề tài và nội dung trong các truyện ngắn của ông như vừa nêu ở trên, khiến có nhiều độc giả cho rằng nó không mới, vẫn là những gì chúng ta đã đọc đâu đó trong các truyện của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc; bảng lảng những Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam… Những nhận xét đầy phần cảm tính này, về mặt nào đó có vẻ như không sai lệch mấy. Nhưng theo tôi, quan trọng và tài hoa hơn cả là cách ông sử dụng ngôn ngữ, chuyển hóa nó để làm mới cái cũ, mà không phải nhà văn nào cũng làm được. Điều này có thể chứng minh qua hai truyện Câu chuyện của người chưa quenNhững sợi tóc đều có nội dung rất bình thường là tình yêu giữa nam và nữ. Họ gặp nhau và dần nhận ra một nửa của người kia chính là một nửa của mình để cuối cùng tình yêu trong họ cuộn vào nhau, tan chảy vào nhau, vừa sôi nổi dịu dàng, vừa tinh khiết nồng cháy: “Và trong bối cảnh định mệnh và hoàn toàn ngẫu nhiên, Ngọc xuất hiện, nung lại trong lòng anh một thứ tình cảm mà anh tưởng đã xa vời và từ lâu chìm khuất dưới lớp bụi mờ mịt của thời gian (…) Những khi gần Ngọc, trò chơi của mọi giác quan đều được thả lỏng, tuôn thoát khỏi mọi kiềm chế và cả hai đều đắm mình trong một buông thả tột cùng. Trong khi anh cuồng nhiệt ái ân thì nàng cũng dịu dàng đáp lại bằng một khát khao ngọt lịm của tuổi xuân trong mùa dâng hiến”.

Vẫn là yêu nhau, ăn ngủ với nhau, nhưng ông tự đặt mình vào các nhân vật để ghi lại những cảm xúc chân thật của chính mình. Ông đã hóa thân vào các nhân vật từ chính ông tạo ra, một cách hoàn hảo. Và một khi đã hóa thân vào nhân vật, ông đã dùng thủ thuật “con dao nhọn” để lóc ra từng mô tế tào vi ti cảm xúc và đặt lên bàn, trước độc giả. Nói cách khác, ông đã sử dụng phương pháp “chẻ sợi tóc làm tư”, mà Võ Phiến thường hay sử dụng trong hầu hết các tác phẩm văn chương của ông (VP), để đào bới mọi ngóc ngách tình cảm, tâm sinh lý, thậm chí mọi hành vi, ngôn ngữ của nhân vật, đôi khi khiến chúng ta nghĩ rằng ông mượn các nhân vật để viết về chính mình? Chính điều này đã tạo cho ông sự khác biệt khi đưa những mảng “đề tài cũ” vào văn học.

Đến Bàn tay nhỏ dưới mưa, một thiên tiểu thuyết dài hơn 400 trang giấy, cũng lại viết về cuộc sống, về tình yêu, niềm hạnh phúc, nỗi cô đơn và chia ly… giữa hai nhân vật Gấm và Tôi thì sự chẻ sợi tóc làm tư càng lộ rõ hơn hẳn các truyện ngắn ông viết trước đó.

Câu chuyện không có gì ly kỳ, gay cấn; mở và thắt gút như phim ảnh hay kịch nói. Nó chỉ diễn ra bình thường dưới câu chuyện kể về nỗi bất hạnh của người con gái tên Gấm: Cha cải tạo, mẹ quen nếp sống nhung lụa, có tình nhân, bỏ mặc chị em cô bơ vơ giữa chợ đời tàn nhẫn. Cái tàn nhẫn ấy cũng đến từ phía những người thân ruột thịt, đã xô đẩy chị em cô mỗi người mỗi ngả, tự thân kiếm sống. Cuộc mưu sinh vật chất lẫn tinh thần của Gấm không hề đơn giản và lấy chồng như một giải pháp an toàn cho đời sống vốn dĩ đầy bất hạnh của cô. Cuộc tìm kiếm hạnh phúc riêng tư, một lần nữa mang đến cho cô những đau đớn ê chề khi gặp phải người chồng nhu nhược, em chồng cay nghiệt, mẹ chồng quá quắt trong cách hành xử với con dâu… Một nửa cuộc đời Gấm là những đau khổ nối liền nhau của kiếp người đáng ra cô không phải gánh chịu. Và cô đã bứt ra khỏi “địa ngục gia đình” ấy để cuối cùng gặp anh nhà báo, thông minh, tinh tế và lý tưởng, theo cảm quan của cô. Hai người có những ngày tháng hạnh phúc tuyệt vời, không gì có thể tách đôi họ ra. Nhưng căn bệnh quái ác đã tách họ, vĩnh viễn mất nhau.

Nội dung chỉ chừng đó đã kéo dài trên 400 trang giấy, là một cuộc tồn sinh của một kiếp người dưới ẩn dụ một bàn tay nhỏ không che nổi cơn mưa. Những nghịch lý trong tình yêu và cuộc sống được lồng vào thiên nhiên ô nhiễm, xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Con người không chỉ có khổ đau, chịu nạn ở thân xác mà còn đụng tới chỗ mù căn nguyệt tận của thế gian đầy dẫy những ô tạp gẫy vụn, khó lòng cứu vãn.

Mối tình đẹp và tinh khiết giữa hai nhân vật có thể khiến người đọc có cảm giác như đang ngửa mặt lên trời cao, nhìn những cú vỗ cánh nhẹ nhàng của đôi cánh thiên nga giang rộng trong không trung bao la, thuần khiết, bay về chốn bình yên.

Với một cá nhân đã trải qua bể trầm luân từ khi còn là cô gái trẻ cho đến lúc chọn lựa hôn nhân như một nơi chốn an thân, những mong tìm thấy chút ngọt ngào trong tình yêu, mái ấm gia đình thì cô lại chính là người khách trú. Gấm trở thành kẻ xa lạ với tất cả trong môi trường mới, so ra không khác xa so với những gì cô đã từng nếm trải trước đó và xem ra còn có phần tệ hại gấp nhiều lần. Sự tổn thương cùng nỗi đau về tinh thần và thể xác trong chuỗi chuyển tiếp trước và sau khi cô lấy chồng lần thứ hai là những vết cứa sâu vào tim gan cô.

Mọi liên lạc tinh thần trong cái gia đình mới, tưởng đâu sẽ mang lại nụ cười và niềm hạnh phúc tuyệt vời, bù lấp những mất mát trước đó, nhưng rồi hoàn toàn trái ngược, khi chiếc giường trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn kinh hoàng: “Không có tình yêu, thứ tình yêu thật sự như tâm hồn nhạy cảm của tôi cảm nhận thì tôi chỉ có thể làm tròn “bổn phận”, có thể trao thân trong bẽ bàng câm lặng chứ không thể hiến dâng tất cả linh hồn

Cái “bẽ bàng của cô Gấm được ông đẩy lên cao hơn dưới góc nhìn soi rọi về thân xác, không còn có chuyện hiến dâng cho nhau, đồng cảm với nhau và tan chảy vào nhau trong những cuộc ái ân, mà chỉ là sự cưỡng bức để thỏa mãn nhục cảm từ một phía, tuyệt đối không có chút tình cảm, rung động nào.

Ông mổ xẻ tâm hồn cô gái bị chai sạn, bị báng bổ và “bổn phận” của người vợ đối với chồng chỉ diễn ra từ một phía, là một sự cưỡng đoạt để thỏa mãn dục tính của người đàn ông gọi là chồng, một người chồng hoàn toàn xa lạ với tâm hồn và thân xác cô. Vì thế, về mặt nào đó dưới mắt và trong suy nghĩ của cả hai, cuộc làm tình chỉ còn mang ý nghĩa tiêu cực, đó là sự mua dâm an toàn mà thôi, hay nói như cách nói của GS Nguyễn Văn Trung trong Ca ngợi thân xác, thì Gấm cũng chỉ là “con đĩ” đối với người chồng xa lạ kia: “Trong khi tôi tấm tức khóc vì nhục nhã, hắn lột nhanh quần áo đè ngửa tôi xuống nệm. Trận làm tình, không, phải nói là trận cưỡng bức, diễn ra nhanh chóng và kết thúc cũng nhanh chóng trong tiếng thở hổn hển, có pha nước mắt uất nghẹn. Thế nhưng tôi không chống cự. Hắn được thỏa mãn bản năng nhưng bực tức trước cái cơ thể bất động của tôi nằm bên dưới”.

Những tâm trạng, cảm giác cùng những suy nghĩ của nhân vật Gấm ở phần đầu quyển tiểu thuyết đã bị nhà văn đẩy tới tận cùng nỗi đau mà bất kỳ xã hội nào, thời điểm nào cũng đã và đang tiếp tục xảy ra..

Cú lao vào hạnh phúc gia đình như một kiếm tìm bù đắp cho những mất mát của tuổi thơ trở thành cú va chạm mạnh, không chỉ làm tổn thương đến thể xác trong những lần chồng tìm cách gần gũi, mà hơn hết là những lát cắt vụn tâm hồn cô gái thành trăm ngàn mảnh nhỏ, nát nhàu nhã. Ở điểm này, ông cũng dụng tới một chút của Freud để phẩu thuật nội soi tâm hồn cô gái, đâu là tình yêu, đâu là tấm lòng nhân ái, đâu là những yêu thương chân thành chồng vợ, là vị trí của người con dâu trong gia đình? Những cung cách hành xử của mẹ, em chồng và người hằng ngày “đầu gối tay ấp” là những cái tát thô bạo mà cô phải gánh chịu. Sự gánh chịu đó, dưới ngòi bút Trương Văn Dân không tìm đâu ra cái mà người ta gọi là nhục nhã trong mọi hành vi ứng xử của cô đối với bọn họ trong gia đình, mà ngược lại là nỗi đau ngẩng cao của kẻ chiến thắng: Anh có thể lợi dụng tiền bạc, sức lực, thân xác… nhưng rõ ràng anh chưa hề chiếm hữu được tâm hồn tôi, anh chưa hề mâm mê được vào cảm xúc, chưa kéo vực những rung động lên ngang bằng với đời sống anh đang chiếm hữu: “Nỗi tủi nhục và bẽ bàng cứ bám riết tôi. Qua hai đời chồng mà tôi chưa hề tham gia tích cực trong quan hệ đượm vị ái ân. Tôi chưa bao giờ trở thành kẻ đồng lõa trong trò chơi mê cuồng hoan lạc…”.

Gấm đang sống trong thế giới ảo.

Cái thế giới đó rồi cũng sẽ tan chảy khi chính cô tự giải thoát cuộc đời mình. Đó là một người tình đích thực, một tình yêu đích thực. Cả hai không chỉ có sự cảm thông, chia sẻ, những rung động ngọt ngào, mà còn hiểu nhau từng chân tơ kẽ tóc qua ý nghĩ của nhau. Họ yêu thương rất mực, nhưng không ràng buộc nhau. Mọi cái đẹp trên thế gian này dành cho hai kẻ yêu nhau, hình như ông đều dồn tất cả vào hai nhân vật này, Gấm và anh chàng nhà báo, chiếm đến hai phần ba quyển sách để độc giả nhận ra họ là thỏi nam châm và thanh sắt của nhau; họ đã tìm thấy một nửa đã mất của mình nằm trong hình hài của người kia. Họ là ngọn núi lửa ngủ yên từ lâu, nay bắt đầu phun trào dung nham lộng lẫy, tráng lệ của một thứ tình yêu cũng lộng lẫy không kém phần: “Quan hệ giữa tôi và anh ngày càng thêm khắng khít. Dần dà, khi biết những bí ẩn thân thể của nhau, con đường dẫn đến đỉnh cao xúc cảm ngắn dần nên những lần đắm mình trong say mê tuyệt đỉnh càng dày. Lần ái ân sau luôn đậm đà hơn lần trước. Ngọt ngào và cảm động biết bao…”.

Nỗi cô đơn, nhớ nhung quay quắt trong Gấm khi người yêu đi vắng là những cung bậc tình cảm thường thấy ở những kẻ đang yêu, được yêu. Nhưng không chỉ phác họa bằng mấy dòng ngắn ngủi, nhà văn đã dùng tất cả các thể loại văn học, từ kể chuyện, nhật ký, mô tả hiện thực để cắt từng lát mỏng tí ti và dùng ngôn ngữ để soi rọi nỗi cô đơn, sự nhớ nhung hay những lúc hai người tan vào nhau. Lúc này họ không còn dùng ngôn ngữ thông thường để bày tỏ tình yêu thương nhau mà bằng những cử chỉ, bằng thân xác mà tuyệt nhiên không hề gợi dục như nhiều sách truyện mang chất khiêu dâm tràn lan trên thị trường sách hiện nay. Đây là điều đáng trân trọng, bởi dù sao văn hóa phương Tây không hề ám ảnh ông, cuốn ông lạc vào những hình ảnh nhan nhản trên đường phố, sách báo…

Dưới ngòi bút của Trương Văn Dân, các tình huống xảy ra, các nhân vật dù tốt xấu, thiện ác thế nào thì khi đọc đến cuối truyện, ta không hề thấy ý đồ phân tuyến rạch ròi để lên án hay ca ngợi như cách xây dựng truyện của loại “văn chương cung đình”. Cho dù có xấu xa hay cao đẹp, từ ngòi bút của ông đều lan tảo một tấm lòng, lòng thương yêu của người viết đối với các nhân vật, tỉ như những đứa con ông sinh ra, nó nhuốm màu thiền, thấm đẫm tư tưởng Phật giáo trong những trang viết: “Gấm đã bước vào cõi vĩnh hằng, vĩnh cửu mãi mãi là chính mình trong vô tận của thời gian. Tình yêu, căm giận, oán ghét, thương đau, đắm say, mê muội… trong phút ấy bỗng chốc biến thành ngọn lửa, đốt cháy những vì sao và tỏa sáng bầu trời”.

Nếu nói rằng nghệ thuật là một chiến thắng, thì chính ông đã mang chiến thắng ấy từ nghệ thuật xây dựng nhân vật, dẫn dắt câu chuyện về một kiếp người đến gần hơn với sự cảm thụ.

Cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng, ngay chính khi Gấm và anh chàng nhà báo nồng nàn bên nhau, hay khi Gấm nhận biết căn bệnh quái ác sẽ cướp đi tình yêu hai người dành cho nhau, chí đến nỗi cô đơn của anh chàng nhà báo lúc Gấm vĩnh viễn rời xa anh, đến với một thế giới nào khác… thì đó cũng chính là những thất bại cay đắng của phận người. Ở điểm này, ông không đưa cuộc sống hiện sinh vào để lý giải mà chỉ lách ra bên ngoài, len vào một chút thiền học như một kiến giải về tâm cảm và tâm cảnh cuộc hiện sinh: “Chung quanh mọi vật đều ngừng lặng/ Như phút giao hòa của tái sinh và hủy diệt”.

Bàn tay nhỏ dưới mưa là một bàn trường ca bi tráng về tình yêu, chan chứa những cay đắng, tủi cực chen lẫn niềm hân hoan, hạnh phúc không  oán hận cuộc đời, vì, nhờ vậy mà bình an và tìm thấy niềm vui sống trước khi vụt tắt…

Có một thứ tình yêu nào khác đẹp hơn thế không?

Có một tấm lòng nào lộng lẫy hơn thế không?

Cảm ơn ông, Trương Văn Dân đã mở ra, bằng chữ nghĩa những ngả đường vi nhiệm của thế gian đang lung lay, nghiêng ngửa này.

Nguyễn Lệ Uyên

(tháng 10/2014)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search