T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Bằng chứng thuyết phục…

clip_image002

Ảnh (Courtesy of vhmckenzie )

Có thể người Mỹ da đen đầu tiên đi vào suy nghĩ tôi là ông sếp ở hãng đầu tiên tôi đi làm ở Mỹ. Ông là một người Mỹ đen cao ráo, tướng đẹp như cầu thủ bóng rổ. Nghĩa là cơ bắp không quá lớn, càng hấp dẫn với chiều cao; gương mặt ông cũng điển trai lắm.

Tôi qua Mỹ thì đi làm hãng ngay sau khi có thẻ xanh và thẻ xã hội. Ông sếp Mỹ trắng của tôi thì hiền lành, nhưng cứ bị ông sếp đen ăn hiếp, bắt nạt… ông đen coi main line – sản xuất ra sản phẩm thô; ông trắng coi finish line – hoàn tất sản phẩm trước khi cho xuất xưởng.

Tôi thương ông sếp trắng của mình hiền lành bao nhiêu thì tức ông sếp đen ăn hiếp sếp mình bấy nhiêu. Nhưng tiếng Anh mới qua; nín đi là tốt nhất, nhịn đi cho có thời gian ổn định cuộc sống của gia đình mình đã…

Ông sếp đen được việc nên được lòng chủ hãng, ông tới trời thật nhanh là chửi luôn hai ông phó giám đốc kinh doanh và phó giám đốc kỹ thuật; chửi kỹ sư trưởng ngu như bò, cả phòng lap là một lũ vô tích sự… cả chục kỹ sư da trắng cuối mặt lãnh lương; ông chửi luôn cả mấy chục người da trắng trên khối văn phòng…

Hãng đã rộng tới vô làm sớm ai cũng sợ ma. Vậy mà ông mướn luôn building bên cạnh hãng là một nhà kho trước đó. Ông cho phá vách thông thương, mở phân xưởng mới… tới tôi được cấp một chiếc xe đạp ba bánh chỉ để chạy xuống kho lấy món gì đó mà khách hàng order, rồi chạy ngược về chỗ làm để ship UPS đi cho khách hàng.

Mỗi ngày tôi đạp xe trong building tới mỏi giò là chuyện không hề nghĩ tới khi còn ở Việt nam. Và mỗi lần đạp ngang qua văn phòng của ông sếp đen (đã lên production manager). Tôi có cảm tưởng ông xây dựng một đế chế riêng cho mình ở building mới, chứ không thèm mở một văn phòng đủ để làm việc trong khu văn phòng của người da trắng ở building cũ. Tôi cũng đạp xe qua cái office cũ của ông ngay trong xưởng làm thì nay đã là văn phòng của con nhỏ Việt nam giỏi giang không bằng thuận thảo theo ông nên được cất nhắc. Con nhỏ này đã ngang vai với sếp trắng của tôi rồi đó, và dưới bóng thầy đen, nó cũng nạt sếp tôi tơi bời…

Tôi trở về văn phòng của ông sếp cũ mỗi buổi trưa để hâm nhờ thố cơm trong microwave riêng của ông ta, uống ké ly cà phê do vợ ông đem vô hãng cho ông dùng riêng. Ông không thích lên phòng ăn đông người, nên vợ ông đưa vô office riêng của ông cả cái tủ lạnh bé tí…

Tôi nhờ phước ít nói, không thích chỗ đông người nên hai thầy trò tôi gần gũi nhau hơn. Tôi chỉ có một sai lầm với sếp do bất bình nên hỏi ông ta trong một bữa trưa, “sao ông là người da trắng mà để người da đen ăn hiếp ông dữ vậy?”

Ông ấy trả lời, “Hãy quên đi, bỏ ngay những suy nghĩ đó trong đầu thì mày mới sống được ở Mỹ. Biết chưa?”

Biết thì biết sếp nói đừng phân biệt, đừng kỳ thị từ trong tư tưởng mới hoà nhập được. Nhưng mỗi lần có việc phải vô văn phòng của ông sếp đen lại thấy khó chịu với một ông manager cũng đâu đã là trời trong một hãng xưởng mà văn phòng lớn tới gấp bốn lần văn phòng của ông chủ hãng. Bàn ghế thường dùng trong văn phòng hoàn toàn vắng bóng vì được thay thế bằng bàn ghế như đồ cổ, gỗ tốt, bọc da… Cái bàn làm việc của ông manager có thể ngồi họp mười người; cái ghế của ông như ngai vàng của vua chúa ngày xưa. Màn cửa đắt tiền nhưng trong mắt tôi thì hơi diêm dúa; Cây cảnh, hoa, là thật; chứ không phải cây giả, hoa giả như trong phòng giám đốc…

Ôi thôi! Lại còn một chiếc xe của những người chơi golf được trang hoàng như xe hoa để ông di chuyển trong hãng; một chiếc xe điện nhỏ hơn (của người tàn tật) để ông lái xe tới tận chỗ làm của công nhân, thường bừa bộn đến xe golf không chạy được… hai cái xe đậu ngoài cửa office với ông anh vợ của ông manager chỉ có việc lau chùi hai cái xe đó; và chận đường, cản trở bất cứ ai đến gặp ông manager… vì ngài đang bận!

Cái đế chế ấy sụp đổ chỉ với một tay FBI đã tìm ra tung tích một kẻ gây án bên Cali rồi trốn qua Dallas là ông sếp đen của tôi. Những chuyện hèn mọn của kẻ tiểu nhân sau khi ông đi tù dài tới mấy tháng. Nhưng với riêng tôi, ông ấy vào hãng với vai trò công nhân như mọi người. Nhưng chỉ ba năm sau đã xây dựng được một đế chế riêng cho mình thì kể là ông ấy giỏi; nhất là một người da đen vươn lên trong tập thể da trắng khá kỳ thị – một con thư ký trên văn phòng có việc phải xuống xưởng thì đã coi công nhân như đám cùng đinh, dơ bẩn, đến nó bước chân phải có người dọn rác trước để thôi lấm áo, dơ giày…

Nhưng hình ảnh người Mỹ đen đó còn hoài trong tôi cái cách tiến thân, xử thế của ông. Do những chuyện bàng dân thiên hạ sau khi ông đi tù cũng có những chi tiết hợp lý cốt lõi thì người ta mới thêu dệt thêm được chứ.

Thời của Mỹ đen ở cái hãng đó, tôi còn nhớ một người bạn đen, làm trong production. Anh ta thường tự hào nói với chúng tôi là anh ta trắng nhất trong apartment anh ta ở, nên gái mê anh ta nhất. Đám Việt nam cười thầm đến hôm tin anh ta hoàn toàn nói thật với xấp ảnh mà anh ta chụp ở hồ bơi trong apartment anh ta ở thì đúng là anh ta đỡ đen hơn những cô gái dưới hồ bơi như một bầy hà mã. Và anh bạn này rất ấn tượng với tôi về người da đen. Chuyện ăn mặc màu mè, đeo vàng vòng bự sự, chưa là gì cả! Anh ta chơi một chiếc BMW màu đen – mà sau cốp xe luôn có cả chục gallon nước lạnh; vì cái xe chỉ chạy được vài dặm là overheat, phải xuống xe châm nước nên anh thủ nước như thằng bán nước.

Rồi một anh bạn Việt nam nói mỉa khi mỗi giờ nghỉ anh ta lại ra lau xe. Nhưng hắn không hiểu, “Hey Mike. Mày có chiếc BMW nổi nhất trong bãi đậu xe của công nhân. Nhưng chiếc BM của mày màu đen, sao mày không dán kính đen luôn cho ngầu?”

Hắn trả lời một câu đặc tính, “Tao biết! Nhưng tao dán kính màu đen thì khi tao lái đâu ai biết là ai đang lái chiếc BMW!”

Thôi, bái bai trường huấn nhục cho người mới tới Mỹ là hãng cũ. Tôi đi làm hãng khác. Người da đen ấn tượng mới của tôi đã già. Ông làm công việc quyét dọn toàn hãng vì hãng nhỏ xíu, chỉ chừng ba mươi công nhân. Ông là người đàn ông thầm lặng nhất trên đời vì cả ngày không nghe ông nói. Những người thợ gọi ông đến lau chùi, dọn dẹp chỗ họ làm như nhấn nút cái máy hút bụi. Cái máy nhận lệnh thì làm việc chứ không trả lời gì hết. Xong việc ông đi, không cần lời cảm ơn. Nhưng nếu chưa ưng ý, thì ông làm lại thêm lần nữa một cách vui vẻ – là nụ cười hiền trên môi ông – dành cho mọi người.

Bữa trưa thường thấy những người làm trên văn phòng đi mua phần ăn trưa cho họ, nhưng lại mua cho ông một phần. Họ đem đến cho ông như món quà cảm ơn ông đã dọn dẹp văn phòng cho họ. Bà kế toán trưởng là người uy quyền chỉ sau ông chủ lại còn tổ chức sinh nhật cho ông ngay sau giờ làm với bữa tiệc lớn chứ không nhỏ. Mọi phụ nữ đều có quà cho ông; còn cánh đàn ông thì bí tỉ với ông là ông vui.

Tôi thích làm hãng này vì ông chủ Mỹ trắng đi ngang bàn ăn, nghe mùi gà kho gừng của một người thợ Việt nam. Ông nói với những người thợ Mỹ, “đây là một món ngon của người Việt nam. Món này ăn với cơm trắng – lúc trời lạnh là số một!” Ông nói xong, cho tay nhón luôn một miếng gà kho gừng, bỏ vào miệng mình nhai ngon lành…

Có hôm tôi thấy một người thợ hỏi ông chủ, “Hey David, mày ăn trưa chưa? Nếu chưa thì ăn dùm tao. Tao ngán quá!” Người thợ đẩy hộp thức ăn đang ăn giở ra giữa bàn, dù chỉ mới ăn chút đỉnh; Ông chủ ngồi xuống bàn, ăn ngon lành. Nhưng miệng ra lệnh, “Mày đi bác sĩ ngay đi…” Ông chủ nói như vậy là người thợ được ăn lương trong thời gian đi bác sĩ, thậm chí bác sĩ cho nghỉ mấy ngày cũng được ăn lương. Tiền thuốc, tiền bác sĩ, cứ đem về đưa cho bà kế toán trưởng là được hãng thanh toán cho.

Ông chủ lạ đời nhất mà tôi từng gặp! Công nhân đang làm, máy móc chạy ầm ầm… lúc hàng gấp thì ông làm thợ phụ cho công nhân, ông bị sai tối mặt; khi máy hư thì ông làm thợ sửa máy; có khi ông sửa máy suốt đêm để sáng thợ vô là có máy để chạy. Nhưng khi an ổn thì ông xách chai rượu quý với một cây ly giấy nhỏ xíu, đến rót cho từng người một chung rượu thượng hạng mà ông vừa mua được. Có lẽ từ phong cách đối xử của ông mà toàn hãng như một gia đình; Người lớn tuổi chửi đám trẻ như chửi con của họ, nhưng chửi là dạy khôn, dạy nghề, nên đám trẻ kính nể ra mặt. Ba thằng Việt nam chúng tôi bỏ hãng cũ nhảy qua hãng mới này được ưu tiên, ưu đãi hơn người bản xứ là nghỉ tết tây ăn lương như người Mỹ; nhưng được nghỉ thêm một ngày ăn lương trong năm là tết Việt nam. Ba thằng Việt nam đầu tiên trong cái hãng Mỹ đã mấy chục năm làm nên nhiều chuyện khó quên cho người Mỹ mà kể không hết…

Tôi thích làm hãng này vì đi làm như đi chơi. Một mình tôi với cái xe van, cái điện thoại, và cái thẻ đổ xăng. Tôi rong ruổi ngoài đường theo lệnh manager, cứ đi giao hàng, nhận hàng, cứ xong một việc thì gọi về báo cáo và nhận lệnh mới… Cuối tuần, tự tôi ghi vô thẻ giờ của mình là ngày nào, tôi đi từ mấy giờ, về mấy giờ. Bởi tôi đâu có mặt ở hãng mà bấm thẻ. Nhưng lương lãnh bao giờ cũng được hơn vì ông manager (là em ông chủ) cho thêm giờ vì biết tôi thành thật khai báo nên ông ấy cho thêm năm, mười tiếng overtime để tôi có tiền ăn trưa, uống nước ngoài đường.

Một hôm đi giao hàng gấp và rất quan trọng ở xa, ông chủ nói tôi đừng đi xe hãng, không bảo đảm vì tao lo lắng. Mày lấy xe tao mà đi. Mà có nặng nề gì, tôi đi giao gói hàng chỉ bằng gói thuốc lá cho hãng làm điện thoại Nokia ở cách Dallas hơn trăm dặm.

Tôi đâu muốn lái chiếc Mercedes ông ấy mới mua tám mươi lăm ngàn đô la. Nhưng hồi nhận tấm check của Nokia tới gần hai trăm ngàn, tôi mới hiểu tầm quan trọng. Tôi về trong âu lo cái xe đã nhường chỗ cho âu lo tấm check trong mình vì đường dưới Keller tối thui; không hơi hướm cảnh sát chứ đừng nói tới bóng dáng.

Về được tới hãng thật mừng. Tưởng ông chủ đợi mình. Ai dè chỉ có ông già quét dọn ngồi nhậu một mình. Hỏi thăm, ông ấy nói, “Thằng David lấy xe tao về rồi. Mày cứ lái xe nó về nhà ngủ đi. Xe mày đậu ở đây đỡ nguy hiểm hơn xe nó. Nhớ cất tờ check cho cẩn thận. Sáng mai vô đưa nó…”

“Vậy sao ông không gọi cho tôi mà phải đợi tôi về hãng?”

“Tao đâu có đợi mày! Ai nói mày về đây?”

“Thì thôi. Không có gì. Thì tôi về.”

Tôi nói rồi chào ông. Tôi ra về. Nhưng ông đổi ý, “mày muốn uống một ly với tao không?”

Vậy là tôi ngồi lại với ông. Nhớ lần đó mà tôi biết về một người Mỹ đen – khác với ông sếp đen ở hãng cũ.

Ông Samuel kể tôi nghe, “Ngày xưa, ba thằng David là một thợ tiện giỏi lắm. Nhưng cũng chỉ đi làm công thôi. May mắn là sau khi ông ấy lấy vợ thì mẹ thằng David lại là con nhà giàu có. Nên mẹ nó mua lại khu đất này, cất lên cái xưởng tiện nhỏ cho ba nó làm ăn.

Vợ chồng họ thành công vì ba thằng David giỏi lắm, con người luôn chế tạo ra cái gì mới mới chịu. Năm tao mới mười lăm tuổi. Nghỉ hè, tao đến xin việc với ba thằng David. Ông ấy nói, mày còn nhỏ quá, và không biết gì về máy móc thì đừng đụng vô để xảy ra tai nạn cho mày. Nếu mày muốn kiếm tiền xài trong mấy tháng hè thì đi quét dọn trong xưởng là được rồi!

Tao nhận việc quét dọn mà ông ấy trả lương thợ phụ cho tao. Mày nghĩ coi. Trong đời, có người chủ nào tốt hơn không? Tao làm hết hè thì đòi nghỉ học để làm luôn. Ông ấy lại bắt tao đi học tiếp đi, chiều về quét dọn. Lúc đó thằng David còn nhỏ lắm, nó cũng thường đến xưởng chơi với ba nó. Tao với nó như anh em vì ba nó lo làm, ông ấy đã bớt làm nghề tiện mà chuyển qua nghề chế tạo die cho máy giập các loại. Một cái die cả trăm ngàn đô la trở lên… Ông ấy cứ bắt tao coi em. Tao với nó chơi với nhau đủ trò của tuổi nhỏ.

Tao làm công việc quét dọn ở cái xưởng này tới nay đã hơn bốn mươi năm. Ba thằng David dạy tao nghề nhưng tao không có khiếu nên phải làm quét dọn thôi!”

“Rồi lương ông…?”

“Mày có tính lương khi mày làm việc mà mày nghĩ là mày làm việc cho gia đình mày?”

“Tôi hiểu rồi! Hèn gì ở hãng chỉ một mình ông, tôi thấy ông không gọi ông David là ông chủ, mà chỉ gọi tên. Đôi khi ông đối xử với ông ấy như một người anh, tôi thấy ông đi mua thuốc cảm, về bắt ông David phải ngưng tay-uống thuốc. Trong khi ông ấy mà đã vọc tay vào máy thì như con bạc đã cầm lên tay bộ bài. Nhưng ông ấy nghe lời ông, chứ không chửi thề, văng tục. Vợ ông ấy cũng rất kính trọng ông; con ông ấy thì quá thân mật với ông… Ông đúng là người nhà của ông chủ tôi. ”

Ông Samuel thở dài, mắt xa xăm vào màn đêm thênh thang ngoài bãi đậu xe. Mấy bóng đèn parking mùa lạnh như vài con đom đóm trong sương mù. Tâm sự người Mỹ đen già theo rượu chảy ra cho tôi nghe, “Thì mày nghĩ coi! Ba thằng David cho tao việc làm; giúp tao tiền bạc để cưới vợ; mua cho vợ chồng tao căn nhà khi tao có con.

Vợ tao không may, chết bệnh khi còn trẻ. Con trai tao chết trận vì nó đi lính. Tao còn đứa con gái duy nhất, nó lớn lên lúc ba thằng David đã già lắm rồi! Ông ấy cho nó một số tiền trong di chúc với lời dặn dò là cháu phải học thành bác sĩ như nguyện ước cuối đời của mẹ cháu. Con gái tao là bác sĩ đã lâu. Riêng ông ấy dặn tao trước khi chết, lúc nào mày cũng phải coi chừng thằng David như em mày…”

“…”

“Chuyện của ông với ông chủ nghe cảm động quá! Tôi hiểu ra quan hệ thì hết thắc mắc về ông với ông ấy! Cảm ơn ông đã kể cho tôi nghe.”

“Ừ, sao mày là người mới trong hãng mà tao lại kể ra lần đầu về quan hệ của tao với nó. Chắc tại chiều nay nó nói tao về hưu đi. Về nghỉ ngơi đi… Tao buồn quá nên ở lại hãng, uống rượu một mình. Vì tính nó cũng giống y như ba nó – ngày mai nó thấy tao vô hãng là nó đuổi tao về đó! Tao biết nó sẽ lo lắng cho tao mọi thứ tới khi tao chết. Nhưng sao nó không hiểu là con gái tao ăn bợp tai khi dám nói với tao là ba nghỉ hưu đi, con lo cho ba. Một đứa học tới bác sĩ mà không biết nói lời ân nghĩa cho tử tế…”

Tôi còn nhớ đêm đó, tôi ra xe lấy vô thêm chai cognac, vì thời đó muốn mua cognac phải xuống downtown mới có bán, nên một lần đi là mua tới hết tiền trong túi, rồi giấu trong xe để dành. Tôi với ông Samuel ngủ lại hãng tới sáng bét. Mấy người đi làm sớm còn phải dọn dùm chúng tôi cái bàn nhậu để trả lại cho anh em cái bàn ăn sáng trước khi vô làm.

Và hình ảnh ông Samuel thất thểu đi ra khỏi hãng trước khi ông David vô để thằng em tao khỏi đuổi tao… còn mãi trong tôi.

Tới ông sếp của vợ tôi. Một lần vợ chồng đang shopping mùa lễ, tôi thấy vợ tôi chọn mua một hộp dao, nĩa loại thường. Tôi không đồng ý ngay, “Mua đồ tốt đi em. Và mua hai bộ mới đủ bàn ăn mười hai người chứ!”

Càng bực mình khi vợ vẫn mua; bực mình hơn khi nghe, “em mua làm quà Giáng sinh cho ông sếp em.” Tôi nhớ ngay ra chuyện con nhỏ Việt nam ở hãng cũ xa xưa. Nó bắt mọi người Việt phải hùn hai đồng để mua quà sinh nhật cho ông manager. Mấy bà Việt nam không dám cãi nó vì sợ trả thù vặt, nhưng chửi sau lưng. Tôi thì thẳng thắn không đóng hai đồng vì sếp trắng của tôi cho quà mọi nhân viên dưới quyền ông vào dịp lễ cuối năm, “cảm ơn các bạn đã giúp tôi giữ được việc làm của tôi trong năm qua…” Sinh nhật đứa nào (nói ra) thì sếp đi mua cho nó một lon coke, rồi nói happy birthday với đương sự, là xong.

Sao vợ tôi… nhưng thôi không nói. Hoà khí cuối năm đáng hơn mấy chục bạc mua hộp dao, nĩa. Để đến năm sau cũng vậy, năm sau nữa cũng vậy. Phải đến năm ông sếp của vợ tôi về hưu mới nghe được chuyện, “…ông ấy là người Mỹ đen mà em thấy là tốt nhất. Trong hãng, ông ấy luôn gây thù chuốc oán với lãnh đạo da trắng để bảo vệ quyền lợi cho người da màu. Ông ấy quản lý hầu hết 401 K của đám Việt nam, vì ông ấy theo dõi cập nhật. Vài hôm, ông ấy lại báo đổi đi, bán thằng này, mua thằng nào… Nhiều người không tin Mỹ đen, nhưng thấy ai tin ông ấy đều có lợi nên cuối cùng ông ấy quản lý cả tài chánh của đám Việt nam. Những ai không rành tiếng Anh thì giao luôn cho ông ấy lo dùm.

Nhưng tội nghiệp ông ấy lắm, có bà vợ ung thư da, nằm một chỗ đã hơn mười năm. Không còn bảo hiểm nào bán cho bà ta nữa. Nên ông ấy đi làm trối chết để lo cho vợ. Nhưng chả bao giờ thấy ông ấy cộc cằn với ai…”

Vợ tôi vẫn mua quà cho ông sếp đã về hưu tới bây giờ…

Còn tôi chỉ gặp dân lựu đạn, ông bạn Mỹ đen của tôi gần đây là ông Ruby. Người mà tôi đã viết nên truyện ngắn, “Ông đi tù mạnh giỏi” gần đây. Một tay hiền lành nhưng bước đường cùng phải lập mưu tính kế vô tù cho chính phủ nuôi.

Tới thằng bé đen, mới làm với tôi vài hôm đã không may! Nó mới mười chín tuổi, nhỏ con như người Việt; mặt mũi tối tăm. Thấy nó, không ai tin nó siêng năng, thông minh. Nhưng nó ngược lại.

Nó vào làm đã hơn tháng, chỉ bị sai vặt, chẳng ra việc gì hết! Tới hôm thằng phụ tôi xin nghỉ việc một tháng để về thăm nhà bên Kenya. Nó được tới thế chỗ – tôi mới biết nó siêng và thông minh.

Sau một ngày làm việc. Nó hỏi tôi,

“Tôi có làm được không?”

“Mày làm việc tốt lắm. Siêng năng và lanh trí.”

“Tôi thích công việc này. Tôi thích làm với ông. Mong ông giúp tôi…”

“Tao cũng làm công nhân như mày thôi! Tao giúp được gì mày? Cùng lắm, tao giúp được mày biết sử dụng hết máy móc ở đây. Khi có hỏng hóc chút đỉnh, biết tự sửa, khỏi kêu và đợi thợ máy tới sửa…”

“Tôi muốn ông giúp tôi là ông làm lâu rồi, tôi cũng thấy sếp không nói gì tới ông. Tôi nhờ ông nói với sếp là cho tôi làm ở đây với ông luôn. Đừng bắt tôi đi làm việc vặt. Vì khi hết việc thì mấy người làm lặt vặt sẽ bị đuổi trước…”

Tôi về. Cứ nghĩ tới thằng bé biết lo xa mà thương. Biết là đời nó khổ từ khi biết lo xa, nhưng sẽ khổ hơn cho một kẻ không nơi nương tựa, lại không bằng cấp gì trong xã hội này như nó mà không biết lo xa thì ai lo cho…

Sáng hôm sau, buổi họp đầu ngày, nó né né vô máy móc cho sếp đừng chú ý tới nó… rồi kêu đi đổ rác. Buổi họp vừa mãn là nó theo tôi bén gót để sếp đừng bắt nó đi làm vớ vẩn.

Thằng này có cái ma le của trẻ hè phố đây chứ không phải chơi đâu. Nhưng tôi vẫn nói với nó. “Mỗi ngày, tao sẽ chỉ mày fix lại một cái máy ở đây khi alarm kêu. Mày nhắm nhớ không nổi thì đi lo giấy viết để ghi lại đi…”

Nhưng thằng thông minh, có khiếu máy móc và computer. Trong ngày, tôi chỉ nó được tới ba máy, chẳng cần giấy viết gì hết, mà nó nhớ hết! Tôi mừng cho nó, khi một người tự điều khiển, điều chỉnh, set-up được máy móc mình dùng theo yêu cầu của kỹ sư mỗi lần đổi model sản phẩm là đủ tư cách đứng máy – có đệ tử giúp việc vặt. Không phải đi làm tạp dịch, vớ vẩn nữa…

Cơ hội lại đến với nó trong ngày. Gần giờ về rồi, sếp xuống coi sản lượng. Tôi nói với nó, “mấy cái máy mày học sáng giờ sẽ đứng trong vài phút nữa! Mày nhớ cách fix lại hết chứ?”

Nó tự tin, nói “Yeah. I’m sure…”

Vậy là tôi tiện thể nhờ ông sếp đứng máy dùm tôi vài phút, tôi cần đi restroom.

Chưa kịp tháo găng tay, alarm máy một đã hú inh ỏi. Sếp nói tôi fix lại rồi hãy đi rest. Nhưng tôi chỉ nó, rồi bỏ đi.

Thật ra tôi đâu có đi rest, chỉ lạng khỏi tầm mắt ông sếp để cho đệ tử trổ tài. Máy hai, máy ba… inh ỏi. Nó nhanh chân hơn sếp đi reset lại cái một.

Tôi hài lòng và mừng cho thằng nhỏ thông minh. Tôi trở lại, sếp nói trước, “Thằng này OK. Nó mới làm với mày hai ngày mà biết fix hết problem của máy móc ở đây…”

Tôi chỉ đợi có thế, “Nó thích công việc này. Và nhờ tôi nói với ông, xin cho nó làm ở đây luôn. Tôi cũng thích nó siêng năng. Mong ông cho tôi giữ nó ở đây… Chứ cứ vài ngày lại đổi người, người nào cũng vài ngày rồi bỏ việc. Tôi ngán training người mới lắm rồi!”

Tôi về, chỉ còn nghĩ việc từ từ khuyên bảo nó đừng tin vào những chai thuốc chống buồn ngủ, nước tăng lực bán ngoài cây xăng. Thấy nó mua phí tiền với niềm tin ngu ngốc mà tội cho đồng lương ít ỏi của nó.

Sáng vào hãng, thấy thằng bé này biết cười chứ thôi ủ dột như trước nên thấy nó cũng đẹp trai ra được chút nhờ gương mặt sáng lên… Nó công khai dự họp đầu ngày, không né né vô máy móc cho sếp khỏi để ý nữa.

Chắc là ngày vui nhất trong đời đi làm của nó, vì tôi cho nó đứng máy chánh, tôi làm thợ phụ. Ai qua cũng cười, “mày ngon ha?” Nó cười toe, tự hào, sung sướng…

Nhưng chỉ được một ngày, vì sáng hôm sau, nó đang hỏi tôi là hôm nay nó đứng máy chánh hay phụ… thì sếp dắt tới thằng nhóc Mễ to lớn, đẹp trai. Giới thiệu với tôi là sinh viên năm thứ nhất ở đại học Texas A&M. Giúp nó kiếm tiền mùa hè để đi học năm thứ hai…

Mắt tôi còn dõi theo thằng đệ tử bị sếp bắt đi đổ rác. Hình như nó khóc sau gáy vì mớ tóc quăn của nó rung lên.

Sau cơm trưa, nó trở lại chỗ làm, lục thùng đồ nghề của tôi để mượn món gì đó… máy chạy rất ồn nên không nghe rõ nó nói, tôi chỉ nói lớn “nhớ trả lại cho tao sau khi mày xài xong…”

Nó để lại cho tôi ánh mắt khác thường của nó! Tôi chỉ nghĩ là nó giận tôi hết thương nó rồi hay sao mà nhìn tôi kỳ cục. Đúng là con nít, không biết tôi đang tìm cách đẩy thằng nhóc Mễ luôn mồm, lắm chuyện ta đây đi chỗ khác để lôi nó về…

Hôm sau nó không vô hãng nữa, mới biết nó về từ trưa hôm qua, sau khi mượn tool trong thùng đồ nghề của tôi. Cũng chẳng biết nó mượn gì. Phải tới hôm sau nữa mới biết là ngay hôm nó bỏ làm về nhà giữa trưa thì tối đó đã đi theo bọn cướp giật đi gây án.

Ngày vui đứng máy thợ chánh của nó sao ngắn ngủi mà ngày tù thì dài đăng đẳng về sau. Thằng bé đen trôi dạt từ đâu tới Dallas để ở tù. Xứ này là thiên đường hay địa ngục; hay lòng người mới là địa ngục của thiên đường nước Mỹ. Chẳng qua sếp gốc Mễ thì che cho thằng nhóc Mễ bằng chút quyền lưu manh vặt là sắp nó làm với người khó tính thì người đó làm hết vì nó làm không ưng ý – nên nó sẽ nhàn mà lương lãnh đủ…

Ôi thằng nhóc siêng năng, thông minh, biết lo xa… ba thứ làm nên sự nghiệp với màu da sáng hơn, sao mày lại đen để tương lai mịt mù…

Tôi triền miên trong suy tư, giả sử mình là người Mỹ đen thì sao? Không thể nào được! Vì Mỹ đen mà máu Việt nam thì đại loạn ngay! Vì thế mới có mấy người da đen hiền lành, tử tế cho tôi kể chuyện… Thuyết số phận không đủ sức thuyết phục, nhưng màu da lại là bằng chứng thuyết phục.

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search