T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(45)-NHẠC PHÁP – Dẫn Nhập

clip_image002

Bắt đầu từ kỳ này, chúng tôi xin gửi tới độc giả loạt bài về những ca khúc phổ thông của Pháp được ưa chuộng, và được đặt lời Việt từ thập niên 1960 trở về sau.

Sở dĩ chúng tôi dành một loạt bài riêng cho “nhạc Pháp” là vì hai nguyên nhân sau đây:

(1) Đa số ca khúc Pháp được được ưa chuộng tại miền Nam VN trong khoảng thời gian này chưa hẳn đã được người yêu nhạc trên thế giới nói chung xem là những ca khúc bất hủ, hoặc bán ra hàng chục triệu đĩa, cho nên nếu giới thiệu chung với những bản nhạc pop của Anh Mỹ từng làm mưa gió trên các bảng xếp hạng khắp năm châu, sẽ thiếu cân xứng.

(2) Quan trọng hơn, với thế hệ trẻ ngày ấy – tức các “baby boomers” – tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia nói tiếng Pháp, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp khác trên thế giới, nhạc Pháp, cùng với thơ văn, phim ảnh của Pháp, được ưa chuộng một cách đặc biệt.

Trong lĩnh vực ca nhạc nói riêng, mặc dù tới giữa thập niên 1960, tỷ lệ học sinh trung học ở miền Nam VN chọn Anh văn làm môn sinh ngữ chính đã vượt xa tỷ lệ chọn Pháp văn, đồng thời các ca khúc lời Anh của Paul Anka, Neil Sedaka, Evis Presley, Connie Francis… cũng đã bắt đầu được phổ biến rộng rãi, giới trẻ nghe nhạc ngoại quốc vẫn chuộng nhạc Pháp hơn. Thậm chí nhiều người không hiểu tiếng Pháp, không biết cách phát âm đúng tiếng Pháp, vẫn thích nghêu ngao mấy câu đầu trong các bản La Nuit của Adamo, Aline, Oh Mon Amour, La Vie C’est Comme Une Histoire d’Amour của Christophe, Adieu Jolie Candy của Jean-François Michael… Về phần các cô nữ sinh, họ không chỉ nghe nhạc của Françoise Hardy, Sylvie Vartan, Sheila, France Gall… mà còn bắt chước cả thời trang, kiểu tóc của các thần tượng.

Cho nên có thể viết, ngày ấy nghe “nhạc Pháp” không chỉ là một phong trào mà còn được xem là một biểu hiện trong “culture” của giới trẻ Sài Gòn từ giữa thập niên 1960 tới đầu thập niên 1970.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những ca khúc Pháp được yêu chuộng ngày ấy đã không bị lãng quên theo thời gian, mà ngược lại, dù tuổi đời chồng chất, tóc đã bạc phai, chỉ cần nghe lại một câu hát, một giai điệu quen thuộc, cũng đủ khiến chúng ta bâng khuâng nhớ về một thời đã qua – một thời yêu “nhạc Pháp”.

Phụ lục (1): La Vie C’est Comme Une Histoire d’Amour, Christophe

Ngược dòng thời gian, người Việt bắt đầu nghe nhạc tây phương nói chung, nhạc Pháp nói riêng vào những năm cuối thập niên 1920, khi phim có tiếng nói và những đĩa hát 78 vòng trở nên phổ biến.

Một trong những ca khúc Pháp đầu tiên được ưa chuộng tại Việt Nam là bản Parlez-moi d’amour của tác giả Jean Lenoir (1891-1976), được xem là “ca khúc cầu chứng” của nữ danh ca Pháp Lucienne Boyer (1901-1983), thu đĩa năm 1930.

clip_image004

Có thể nói, Parlez-moi d’amour là ca khúc nổi tiếng nhất của Pháp trong thời gian giữa hai cuộc Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến. Sau này, các nữ danh ca khác của Pháp như Édith Piaf, Juliette Gréco, Dalida, Mireille Mathieu, và Nana Mouskouri của Hy-lạp (hát lời Pháp) đều đạt thành công rực rỡ khi thu đĩa lại. Phiên bản lời Anh với tựa Speak to Me of Love của Bruce Sievier (1894-1953) cũng được hàng trăm ca sĩ thu đĩa, trong số đó có Barbra Streisand, nữ danh ca Mỹ hát bản Woman in Love mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước.

Parlez-moi d’amour

Parlez moi d’amour
Redites-moi des choses tendres
Votre beau discours
Mon coeur n’est pas las de l’entendre
Pourvu que toujours
Vous répétiez ces mots suprêmes:

Je vous aime

Vous savez bien
Que dans le fond je n’en crois rien
Mais cependant je veux encore
Ecouter ces mots que j’adore
Votre voix aux sons caressants
Qui les murmure en frémissant
Me berce de sa belle histoire
Et malgré moi je veux y croire

 

Il est si doux
Mon cher trésor d’être un peu fou
La vie est parfois trop amère
Si l’on ne croit pas aux chimères
Le chagrin est vite apaisé
Et se console d’un baiser
Du Coeur on guerit la blessure
Par un serment qui le rassure

Phụ lục (2): Parlez-moi d’amour , Lucienne Boyer

Video:

Parlez-Moi D’Amour – Nana Mouskouri 

Tới những năm cuối thập niên 1930, Tino Rossi (1907–1983) bắt đầu được khán thính giả Việt Nam biết tới, và trở thành thần tượng số một trong suốt hai thập niên kế tiếp.

Cuộc đời và sự nghiệp (ca hát, đóng phim) của Tino Rossi đã được chúng tôi trình bày chi tiết trong bài viết về ca khúc bất hủ Les feuilles mortes (Autumn Leaves – Những chiếc lá úa). Với người Pháp, Tino Rossi được xem là công dân Pháp xuất thân từ đảo Corse (Corsia) nổi tiếng thứ nhì trong lịch sử, chỉ đứng sau Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Nhất (Napoléon Bonaparte); với người Việt, Tino Rossi là tên tuổi nghệ sĩ lớn nhất của Pháp trên màn bạc cũng như qua làn sóng điện trong hai thập niên 1940, 1950; đến độ giới trẻ ở Hà Nội, Hải Phòng đã thành lập các câu lạc bộ ái mộ Tino Rossi, bắt chước cách hát và nhái theo giọng hát của Tino Rossi.

Ca khúc đầu tiên của Tino Rossi được giới thiệu tới khán thính giả Việt Nam là bản Marinella, hát trong cuốn phim có cùng tựa do ông thủ vai chính năm 1936.

Tiếp theo là bản Petit Papa Noël, một ca khúc Giáng sinh bất hủ được Tino Rossi trình bày trong cuốn phim Destins(1946), cũng do ông thủ vai chính. Đĩa hát Petit Papa Noel được phát hành cùng năm, và cho tới nay vẫn giữ kỷ lục tại Pháp với 6 triệu đĩa, và 30 triệu tính trên toàn thế giới.

clip_image006Tino Rossi

Video:

Tino Rossi, “Marinella” – 1936 film/footage. –YouTube

Phụ lục (3): Petit Papa Noël, Tino Rossi

Tino Rossi còn đạt thành công rực rỡ qua việc thu đĩa lại các ca khúc nổi tiếng của các ca sĩ khác, như các bản Les feuilles mortes (Autumn Leaves, Những chiếc lá úa) do Yves Montand hát lần đầu trong phim Les portes de la nuit (1945), Cerisier rose et pommier blanc (Cherry Pink and Apple Blosom White, Cánh bướm vườn xuân) do André Claveau thu đĩa năm 1950.

André Claveau (1911-2003) nổi tiếng sau Tino Rossi một thập niên, với những ca khúc như Domino (1950), Dors, mon amour (Ngủ đi em), ca khúc đã đoạt giải Eurovision (Ca khúc Âu châu) năm 1958.

[Chúng tôi sẽ viết về bản Domino trong một kỳ sau]

Sau Tino Rossi và André Claveau, tới Édith Piaf (1915-1963), người nữ danh ca được xem là “diva” đầu tiên của làng ca nhạc Pháp.

[Diva, nguyên là tiếng Ý, có nghĩa là một nữ danh ca được rất nhiều người ái mộ, tương đương với “Prima Donna” bên điện ảnh, kịch nghệ]

Các ca khúc do Édith Piaf thu đĩa như La vie en rose (1946, Cuộc đời màu hồng), Hymme à l’amour (1949), Padam… Padam (1951), Sous le ciel de Paris (1951), L’Accordéoniste (1955), La Foule (1957), Milord (1959), Non, je ne regrette rien (1960)… đều rất được ưa chuộng tại Việt Nam.

clip_image007

Phụ lục (4): Non, je ne regrette rien, Édith Piaf

Rồi tới thế hệ ca sĩ thứ hai của Pháp, những người làm công việc chuyển tiếp giữa thể loại ca khúc bán cổ điển, hoặc “pop truyền thống”, và “pop hiện đại”. Tên tuổi nổi bật nhất trong thời kỳ này là Gilbert Bécaud.

Gilbert Bécaud (1927-2001) được xem là nghệ sĩ đa tài nhất của Pháp: ca sĩ, nhạc sĩ dương cầm, nhà viết ca khúc, nhà soạn nhạc kịch opéra, diễn viên điện ảnh…, có biệt hiệu “Monsieur 100.000 Volts” vì phong cách trình diễn nhiệt tình, lôi cuốn của ông.

Ra chào đời tại Toulon, Gilbert Bécaud chơi dương cầm từ nhỏ, được thu nhận vào Nhạc viện Nice (Conservatoire de Nice). Nhưng tới năm 1942, cậu bé 15 tuổi đã bỏ học để theo Kháng chiến Pháp (của Tướng De Gaulle, chống Đức Quốc Xã). Sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, Gilbert Bécaud bắt đầu sáng tác ca khúc và chơi dương cầm trong các ban nhạc.

Năm 1953, trong thời gian đệm dương cầm cho ca sĩ đàn anh Jacques Pills trong một chuyến lưu diễn, Gilbert Bécaud được gặp Édith Piaf, đời vợ thứ hai của Jacques Pills (đời vợ thứ nhất của ông chính là nữ danh ca Lucienne Boyer đã nhắc tới ở trên). Được Édith Piaf khuyến khích, Gilbert Bécaud bắt đầu ca hát và chẳng bao lâu sau trở thành ca sĩ trình diễn nổi tiếng. Năm 1954, Gilbert Bécaud được trình diễn lần đầu tiên tại đại hí viện Paris Olympia; và qua năm 1955, đã tạo kỷ lục với 6.000 khán giả – gấp ba lần sức chứa bình thường của hí viện này. Năm 1956, Gilbert Bécaud bắt đầu sự nghiệp điện ảnh…

Tuy nhiên, trên trường quốc tế Gilbert Bécaud được biết tới nhiều nhất vẫn là qua các ca khúc do ông sáng tác. Năm 1960, phiên bản tiếng Anh ca khúc Je t’appartiens của ông với tựa đề Let It Be Me được ban The Everley Brothers của Mỹ thu đĩa và lên Top, sau này được nhiều danh ca Mỹ khác như Bob Dylan, Nina Simone, Elvis Presley, Willie Nelson, Sam & Dave, James Brown… thu đĩa lại.

Năm 1967, một ca khúc khác của Gilbert Bécaud, bản Seul sur son étoile trở thành phiên bản lời Anh It Must Be Him, được Vickki Carr thu đĩa, đứng No.1 trong 3 tuần lễ liên tiếp trên bảng xếp hạng Easy Listening, và No.3 trong danh sách Billboard Hot 100.

Gilbert Bécaud cũng viết chung với ca nhạc sĩ Mỹ Neil Diamond nhiều ca khúc nổi tiếng, trong số này có bản Love on the Rocks, được Neil Diamond trình bày trong cuốn phim The Jazz Singer (1980) do chàng thủ vai chính.

Tuy nhiên, kể cả ở Pháp lẫn các nơi khác trên thế giới, ca khúc “cầu chứng” của Gilbert Bécaud phải là bản Et maintenant, cho tới nay vẫn được ghi nhận là một trong những đĩa single bán chạy nhất trong lịch sử ca nhạc Pháp quốc.

Gilbert Bécaud viết và thu đĩa ca khúc này năm 1961, và ngay sau đó đã được nhà viết ca khúc Carl Sigman của Mỹ đặt lời Anh với tựa What Now My Love, từ đó tới nay đã được hàng trăm ca sĩ Anh Mỹ thu đĩa, trong số này có Judy Garland, Frank Sinatra, Andy Williams, Elvis Presley, Shirley Bassey, Sony & Cher…

clip_image008

Phụ lục (5): Et maintenant, Gilbert Bécaud

Video:

Gilbert Bécaud : Et maintenant (« Champs-Elysée » 1987)

Elvis Presley – What now my love (Live 1973 Best version!)

Tới đây, chúng tôi viết về một nam ca sĩ khác cũng được đàn chị Édith Piaf khám phá, nâng đỡ, đó là Charles Aznavour, người ra chào đời trước Gilbert Bécaud 3 năm nhưng lại nổi tiếng sau, và nổi tiếng hơn rất nhiều.

Charles Aznavour không chỉ là một ca sĩ, nhà viết ca khúc, mà còn một diễn viên đã đóng trên 60 cuốn phim, được trao tặng giải điện ảnh César của Pháp (tương đương giải Oscar của Hoa Kỳ), là nhà hoạt động nhân đạo, nhà ngoại giao, đại sứ thiện chí của UNESCO…, tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ viết về Charles Aznavour ca sĩ và nhà viết ca khúc.

Charles Aznavour sở hữu một giọng tenor độc đáo, sáng tác trên 1,200 ca khúc, hát bằng 8 ngôn ngữ khác nhau, bán được trên 180 triệu đĩa hát.

Charles Aznavour cũng là ca sĩ nổi tiếng quốc tế có sự nghiệp kéo dài nhất; những buổi trình diễn gần đây nhất là vào năm 2014. Ông thường được so sánh với Frank Sinatra của Hoa Kỳ. Năm 1998, hệ thống truyền hình CNN của Mỹ và những người sử dụng trang mạng Time Online trên toàn thế giới đã bình chọn Charles Aznavour là nghệ sĩ trình diễn lớn nhất của thế kỷ 20 với 18% số phiếu, qua mặt cả Elvis Presley lẫn Bob Dylan.

Charles Aznavour tên thật là Shahnour Varinag Aznavourian,sinh năm 1924 tại khu phố văn nghệ sĩ Saint-Germain-des-Prés của Paris. Cha ông là một ca sĩ gốc di dân Armenia, mẹ ông cũng là di dân gốc Armenia, tới Pháp sau cuộc diệt chủng của Đế quốc Thổ (Ottoman Empire) trong Đệ nhất Thế chiến (sử sách gọi cuộc diệt chủng này là Armenian Genocide,hay Armenian Holocaust,hoặc Armenian Massacres, qua đó quân Thổ đã tàn sát gần một nửa dân số của đất nước bé nhỏ này – đất nước mà về sau Sylvie Vartan, một di dân gốc Armenia khác, sẽ nhắc tới trong ca khúc nổi tiếng La Maritza – Dòng sông tuổi nhỏ).

Thời gian đầu, ông bố của Shahnour đi hát trong các nhà hàng của người Pháp, nhưng khi Shahnour lên 5 tuổi, ông đã tậu được một quán ăn riêng, đặt tên là La Caucase. Chính tại đây, Shahnour đã bắt đầu “sự nghiệp” với tư cách một nhạc sĩ. Năm lên 9 tuổi, Shahnour bỏ học để dành hết thời giờ cho ca, vũ, nhạc, kịch, lấy nghệ danh là Charles Aznavour.

Ngay trong năm đó, Charles Aznavour đã được xuất hiện trong vở kịch Un Petit Diable à Paris và thủ một vai trong cuốn phim La Guerre des Gosses.

Trong những năm tiếp theo đó, Charles Aznavour vừa ca vừa vũ trong các hộp đêm, cho tới khi được lọt vào mắt xanh của đàn chị Édith Piaf vào năm 1946.

Sau khi tình cờ được nghe Charles Aznavour hát, Édith Piaf đã cho chàng trẻ tuổi hát mở đầu buổi trình diễn của mình ở nhà hát Moulin Rouge, Paris, và tiếp theo, trong suốt chuyến lưu diễn ở Pháp và Hoa Kỳ của bà.

Nhưng quan trọng hơn cả là việc Édith Piaf đã khuyến khích Charles Aznavour đặt trọng tâm vào sự nghiệp ca hát, và giúp chàng phát triển giọng tenor độc đáo của mình – một giọng khi cao lên thì trong, vang, lúc xuống lại trầm ấm như baritone, không thể lẫn lộn với bất cứ giọng hát của một ca sĩ nào khác.

Phụ lục (6): Et pourtant, Charles Aznavour

Với thế hệ trẻ, tức các “baby boomers” ở các quốc gia nói tiếng Pháp nói chung, ở miền Nam VN nói riêng, Et pourtant (lời Việt: Anh vẫn biết) là ca khúc nổi tiếng nhất, được ưa chuộng nhất của Charles Aznavour. Ông hát bản này trong cuốn phim ca nhạc hài kịch Cherchez l’Idole (1963) – cuốn phim mà trong đó Sylvie Vartan đã làm mê mẩn cả một thế hệ với ca khúc La plus belle pour aller danser (Em đẹp nhất đêm nay).

Trong năm 1964, Et pourtant đã đứng No.1 trong 5 tuần lễ liên tiếp ở Pháp.

clip_image010

Tuy nhiên, với mọi thành phần thính giả nói chung, trong đó có những người yêu nhạc tình cảm êm dịu, những nhà phê bình đặt nặng yếu tố nghệ thuật trong dòng nhạc, lời hát, ca khúc được xem là “cầu chứng” của Charles Aznavour phải là La Bohème (1965), với sự hợp tác của nhà đặt lời hát nổi tiếng Jacques Plante.

La Bohème không chỉ là ca khúc để đời của Charles Aznavour mà còn được giới thưởng ngoạn xem là một “chanson” Pháp điển hình.

[CHÚ THÍCH: “La Bohème” ở đây mang ý nghĩa thu hẹp và trừu tượng là “lối sống không cần biết đến ngày mai” (thường không một xu dính túi) của giới nghệ sĩ ở Âu châu, đặc biệt là tại Pháp. “Chanson” trong tiếng Pháp có nghĩa chung chung là “bài hát”, “ca khúc”, tuy nhiên trong lĩnh vực chuyên môn (nghiên cứu, phê bình), từ giữa thế kỷ thứ 19, khi được nhấn mạnh, “chanson” có nghĩa là một ca khúc mang âm hưởng cổ điển của Pháp có giá trị nghệ thuật cao, cả nhạc lẫn lời]

Nội dung La Bohème là hoài niệm của một họa sĩ về khu Montmartre của những ngày xưa cũ, nơi mà mình đã sống qua tuổi thanh xuân nghèo khổ nhưng thơ đẹp…

Montmartre là một khu vực thuộc Quận 18, Paris, nằm ở hữu ngạn sông Seine; trung tâm là đồi Montmartre cao 130 mét, trên có Vương cung thánh đường Thánh Tâm (Basilique du Sacré-Coeur) với mái vòm bằng đá trắng, dưới chân đồi là các hộp đêm, quán rượu, gần đó là khu “đèn đỏ” Pigalle, nơi tọa lạc của hí viện nổi tiếng Moulin Rouge.

Từ trước Đệ nhất Thế chiến, rất nhiều nghệ sĩ thời danh, đặc biệt là giới họa sĩ và ca nhạc sĩ, Pháp cũng như quốc tế, đã tới sống ở khu Montmartre, thoạt đầu chỉ vì giá mướn nhà, mướn phòng, mướn studio ở đây rẻ hơn những nơi khác, nhưng sau này còn vì “không khí nghệ sĩ” ở đây. Trong số này có các họa sĩ Salvador Dali, Amedeo Modigliani, Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Piet Montrian, Pablo Picasso, Camille Pissaro, Vincent van Gogh…, nữ nghệ sĩ Pháp gốc Mỹ Josephine Baker, nhà soạn nhạc gốc Bỉ Django Reinhardt, văn sĩ gốc Thụy-sĩ Le Corbusier…

Tuy nhiên, tới những năm sau Đệ nhị Thế chiến, vì cuộc sống ở khu Montmartre trở nên quá sức xô bồ, hỗn loạn, mất an ninh, giới nghệ sĩ đã dần dần bỏ sang khu Montparnasse bên kia bờ (tả ngạn) sông Seine, thuộc Quận 14, vốn được xem là khu vực của văn nghệ sĩ “nhà lành” và giới trí thức ở Paris.

Từ đó, bộ mặt của Montmartre cũng thay đổi, với những kiến trúc tân kỳ, nhà cửa hàng quán khang trang, đường phố sạch sẽ, an ninh, đồng thời cũng mất đi những sinh hoạt đặc thù, không khí nghệ sĩ của ngày tháng cũ; riêng khu “đèn đỏ” Pigalle nổi tiếng nay trở thành khu bán các loại nhạc cụ.

Vì thế, theo lời Charles Aznavour, ca khúc La Bohème chính là lời vĩnh biệt khu Montmartre của những ngày xưa cũ. La Bohème có lời hát khá dài và thật buồn; phiên khúc cuối (lời chàng họa sĩ khi về thăm chốn xưa) như sau:

Je ne reconnais plus/Ni les murs, ni les rues/Qui ont vu ma jeunesse/En haut d’un escalier/Je cherche l’atelier/Don’t plus rien ne subsiste/Dans son nouveau décor/Montmartre semble triste/Et les lilas sont morts…

Tạm dịch:

Tôi không còn nhận ra những bức tường, những con phố chứng nhân của tuổi trẻ. Trên tận cùng cầu thang, tôi tìm lại căn phòng trọ có xưởng vẽ của mình. Không có bất cứ thứ gì tồn tại. Trong cái vỏ tân kỳ, Montmartre trông thật ảm đạm. Và hàng tử đinh hương đã chết khô…

Ngoài nguyên tác lời Pháp, La Bohème còn được Charles Aznavour thu đĩa phiên bản lời Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Anh và Đức. Từ đó, hầu như trong tất cả mọi buổi trình diễn của mình, Charles Aznavour đều trình bày ca khúc này.

Video:

 La Bohème

Hai ca sĩ cuối cùng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thể loại ca khúc bán cổ điển, hoặc “pop truyền thống”, và “pop hiện đại” của nền ca nhạc Pháp chúng tôi đề cập tới là Dalida (1933-1987) và Petula Clark.

Nếu chỉ tính trên số người ái mộ khắp năm châu, Dalida được ghi nhận là ca sĩ lớn nhất của Pháp từ xưa tới nay (hạng 6 trên thế giới). Sự nghiệp lẫy lừng, cuộc đời sóng gió và cái chết bi thảm của Dalida chúng tôi sẽ đề cập tới trong bài viết về ca khúc Histoire d’un amour (Chuyện tình yêu).

Về phần Petula Clark, có thể xem là trường hợp độc nhất vô nhị: ca sĩ gốc Anh, hát nhạc Pháp, lên Top ở Pháp và nhiều quốc gia nói tiếng Pháp.

Sinh năm 1932, tới khi Đệ nhị Thế chiến xảy ra, Petula Clark đã trở thành một thần đồng của BBC Radio. Bước sang thập niên 1950, Petula Clark bắt đầu thu đĩa bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, và tới đầu thập niên 1960 bắt đầu nổi tiếng quốc tế.

Trước đây, trong bài giới thiệu ca khúc You Don’t Have to Say You Love Me (Không Cần Nói Anh Yêu), khi chúng tôi viết “Trong cuộc xâm lăng của Anh quốc” (British Invasion) vào nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ, tên tuổi lớn nhất sau ban The Beatles phải là Dusty Springfield…” là có ý nói về mức độ nổi tiếng, còn nếu chỉ xét thành tích, Petula Clark mới là “First Lady of the British Invasion” như giới truyền thông đã xưng tụng.

Chỉ trong mấy năm giữa thập niên 1960, Petula Clark đã có gần một chục ca khúc nằm trong Top 10 ở Hoa Kỳ, trong đó có ba bản rất quen thuộc với người yêu nhạc ngoại quốc tại miền Nam VN:

– Downtown (1964) đứng No. 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Hoa Kỳ và No. 2 tại Anh quốc.

This Is My Song (1966, tác giả: Charlie Chaplin) đứng No.1 tại Anh, Ái-nhĩ-lan, Úc, Hòa-lan, Bỉ, Nam Phi; No.3 ở Hoa Kỳ và No.4 tại Gia-nã-đại.

Don’t Sleep in the Subway (1967), đứng No.1 tại Úc, No.1 trên bảng Easy Listening và No.5 trên bảng Billboard Hot 100 tại Hoa Kỳ.

Sở dĩ trong phần viết về cuộc xâm lăng của Anh quốc vào nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ chúng tôi không viết về Petula Clark là vì trong số các ca khúc nổi tiếng của “First Lady of the British Invasion”, theo sự hiểu biết của chúng tôi, đã không có bản nào được đặt lời Việt.

Đa số ca khúc nói trên cùng một lúc, hoặc ngay sau đó, đã được Petula Clark thu đĩa bằng phiên bản lời Pháp, như Dans le temps (Downtown), C’est ma chanson (This Is My Song), v.v…

Nhưng có một điều thú vị rất ít người biết là có một ca khúc của Pháp được Petula Clark thu đĩa đã đứng No.1 tại Pháp, đó là bản Chariot.

clip_image012

Chariot nguyên là một khúc nhạc không lời, sáng tác chung của hai nhà soạn nhạc kiêm trưởng dàn nhạc nổi tiếng nhất của Pháp: Frank Pourcel Paul Mauriat. Năm 1961, Frank Pourcel lại nhờ Raymond Lefèbre, một đồng nghiệp nổi tiếng khác soạn hòa âm, rồi cho dàn nhạc của mình thu đĩa trong album nhạc nhẹ có tựa đề “Amour, Danse, Et Violons. No.17.”

Qua năm 1962, khúc nhạc này được Jacques Plante đặt lời hát với tựa Chariot, nội dung là lời một người con gái muốn được cùng người yêu đi tới tận chân trời góc biển trên chiếc xe ngựa mui trần (chariot). Jacques Plante cũng là người góp phần đặt lời hát cho bản La Bohème của Charles Aznavour.

Chariot

Chariot, Chariot, si tu veux de moi
Pour t’accompagner au bout des jours
Laisse moi venir près de toi
Sur le grand chariot de bois et de toile
Nous nous en irons
Du côté où l’on verra le jour
Dans les premiers reflets du ciel
Avant la chaleur du soleil
Sous la dernière étoile

La plaine, la plaine, la plaine
N’aura plus de frontière
La terre, la terre, sera notre domaine
Que j’aime, que j’aime
Ce vieux chariot qui tangue
Qui tangue, qui tangue
Si tu veux de moi
Pour dormir à ton côté toujours
L’été sous la lune d’argent
L’hiver dans la neige et le vent
Alors dis-le moi, je pars avec toi
La plaine, la plaine, la plaine
N’aura plus de frontière
La terre, la terre, verra notre domaine
Que j’aime, que j’aime
Ce vieux chariot qui tremble
Qui tremble, qui tremble
Si tu veux de moi
De ma vie et de mon fol amour
Le long des torrents et des bois
Au coeur des dangers et des joies
Alors dis-le moi, je pars avec toi

Phụ lục (7): Chariot, Petula Clark

Chariot do Petula Clark thu đĩa năm 1962 đã đứng No.1 tại Pháp và No.8 tại Bỉ, đem lại một đĩa vàng. Cùng thời gian, Petula Clark còn thu đĩa các phiên bản tiếng Ý, tiếng Đức, và tiếng Anh. Kết quả, trong khi các phiên bản tiếng Ý, tiếng Đức lên tới No.4 và No.6 tại hai quốc gia này thì phiên bản tiếng Anh, do Norman Gimbel đặt lời với tựa I Will Follow Him, lại không được thính giả Anh, Mỹ chú ý tới.

clip_image014

Nhưng sau khi được cô bé Peggy March 15 tuổi của Mỹ thu đĩa lại, hãng RCA Victor phát hành, I Will Follow Him đã lên No.1 trên cả bảng xếp hạng nhạc soul lẫn Billboard Hot 100.

Phụ lục (8): I Will Follow Him, Peggy March

Cho tới nay, Peggy March – biệt hiệu “Little Peggy March” vì cô chỉ cao 1m45 – vẫn được ghi nhận là ca sĩ trẻ nhất có đĩa hát đứng No.1 trên Billboard Hot 100.

Chính vì I Will Follow Him quá phổ biến, được các đài phát thanh của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam VN phát đi phát lại, cho nên đa số bạn trẻ yêu nhạc ngoại quốc ngày ấy đã lầm tưởng Chariot do Petula Clark thu đĩa cũng là một ca khúc Anh, Mỹ được đặc lời Pháp, tương tự các bản Donna Donna, Bang Bang, Est-ce que tu le sais? (What’d I Say), Chèrvefeuille que tu es loin (Scarborough Fair), J’entends siffler le train (500 Miles), v.v…

* * *

Sau Dalida, Petula Clark, tới thế hệ ca sĩ đàn em – những ca sĩ nhạc pop thời đại, như Salvatore Adamo (sinh năm 1943), Michel Polnareff (1944), Pascal Danel (1944), FrançoiseHardy (1944), Sylvie Vartan (1944), Christophe (1945), Sheila (1945), Hervé Villard (1946), Jean François Michael(1946), France Gall (1947), Art Sullivan (1950)… sẽ được chúng tôi lần lượt giới thiệu trong loạt bài “Nhạc Pháp”, qua những ca khúc một thời đã yêu, một đời mãi nhớ.

Phụ lục (9): Le temps de l’amour, Françoise Hardy

Hoài Nam

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search