T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Độc thoại về những người đã trở về

clip_image002

Ảnh( Courtsey of proof.nationalgeographic.com)

Làng Bely Bereg, khu vực Narovlyansk, Gomel.

 Những người kể chuyện: Anna Pavlovna Artyushenko, Eva Adamovna Artyushenko, Vasily Nikolaevich Artyushenko, Sofya Nikolaevna Moroz, Nadezha Borisovna Nikolaenko, Aleksandr Fedorosvich Nikolaenko, Mikhail Martynovich Lis.

“Cứ thế chúng tôi vượt qua mọi thứ và sống sót.”

“Tôi thậm chí không muốn nhớ đến quãng thời gian ấy chút nào hết. Kinh hãi lắm! Họ lùa chúng tôi đi, mấy người lính ấy mà. Họ đem cả những chiếc xe xúc khổng lồ đến. Lọai xe có thể họat động ở những địa thế hiểm trở khó khăn.  Có ông già nằm ở ngoài kia kìa. Ông ta đang hấp hối. Mà ông ta định đi đâu vậy? “Để tôi đi ra nghĩa trang. Tôi tự đi được mà.” Ông già vừa khóc vừa nói. Họ sẽ đền bù nhà của mình bằng cái gì? Cái gì? Xem, chỗ này xinh đẹp biết bao! Ai sẽ đền bù cho chúng tôi về sự mất mát này? Khu nghỉ hè cho khách du lịch mà.”

“ Máy bay, cả trực thăng- Chung quanh đây thật ồn ào. Những xe tải kéo theo rờ mọoc. Lính tráng. Tôi tưởng chiến tranh đã nổ ra. Với người Trung quốc hay người Mỹ gì đó.”

“Chồng tôi về nhà sau một cuộc họp ở nông trang. Anh bảo: “Ngày mai mình phải di tản ra khỏi đây.”. Tôi hỏi anh: “Còn lứa khoai ngòai vườn thì sao? Mình chưa kịp nhổ chúng lên. Chưa có thì giờ để làm.” Người hàng xóm gõ cửa. Chúng tôi ngồi xuống uống với nhau chút rượu. Anh ta bắt đầu chửi rủa viên chủ tịch nông trang. “Minh sẽ không đi đâu cả. Chấm hết. Chúng mình đã sống sót qua chiến tranh, giờ thì chất phóng xạ. Nếu có phải chôn thây ở đây mình cũng quyết sẽ không di tản.”

“Mới đầu chúng tôi lo lắm. Tưởng là sẽ chết cả nút chỉ trong khoảng thời gian hai hay ba tháng gì đó. Họ bảo chúng tôi vậy. Họ nhồi sọ chúng tôi. Họ làm cho chúng tôi sợ hãi. Ơn Chúa – Chúng tôi vẫn còn sống đây.”

“Tạ ơn Chúa ! Tạ ơn Chúa !”.

“Chẳng ai biết thế giới bên kia như thế nào. Dẫu sao ở đây vẫn tốt hơn.Quen thuộc hơn.”.

“Chúng tôi ra đi. Tôi nhặt một nắm đất ở mộ mẹ tôi, bỏ vào trong cái túi nhỏ, rồi quỳ xuống : “Xin tha thứ cho chúng con đã bỏ mẹ ở đây mà đi.”. Lúc ấy là đêm nhưng tôi không sợ. Người ta viết tên tuổi của họ trên vách nhà. Trên gỗ. Trên rào dậu quanh nhà. Trên cả nền xi măng.”.

“Mấy người lính giết sạch chó. Họ bắn từng con một. Bặc ! Bặc ! Sau đó tôi không còn nghe tiếng của bất cứ sinh vật nào còn sống.”.

“Tôi là một đội trưởng của nông trang tập thể. 45 tuổi đời. Tôi cảm thấy tội nghiệp mọi người. Nông trang gửi chúng tôi đến Moscow với một bầy nai để tham dự triển lãm. Khi trở về chúng tôi được thưởng một huy hiệu và bằng khen màu đỏ. Mọi người ai cũng xưng hô với tôi hết sức trân trọng. “Thưa ông Vasily Nikolaevich. Ông Nikolaevich. Giờ thì tôi có còn là ông Nikolaevich nữa đâu. Chỉ là một lão già sống trong căn nhà nhỏ bé. Tôi sẽ nằm chết ở đây. Mấy người đàn bà vẫn mang nước đến cho tôi, họ sưởi ấm căn nhà. Tôi thấy thương hết thẩy mọi người. Ngoài đồng vẫn có phụ nữ vừa đi vừa hát. Họ không tìm thấy được gì ngoài ấy nhưng họ vẫn hát. Có lẽ là vài thanh củi khô nằm vương vất trong một ngày gọi là thu hoạch. Dầu vậy, họ vẫn cứ hát . . .”

“Dù đã bị nhiễm độc bởi chất phóng xạ, nhưng đây vẫn là nhà của chúng tôi. Không có nơi nào khác chúng tôi có thể ở. Ngay đến con chim cũng còn có tổ của nó . . .”.

“Để tôi kể thêm nhé : Tôi sống với con trai ở tầng thứ bẩy. Tôi đứng ở cửa sổ nhìn xuống, làm dấu thánh giá. Tôi tưởng mình nghe có tiếng ngựa. Tiếng gà trống gáy. Ôi khủng khiếp quá! Có lúc tôi mơ thấy mình đang ở trong vườn nhà, cột con bò cái vào cột rồi ngồi xuống vắt sữa nó, vắt mãi. Rồi tôi tỉnh dậy. Tôi không muốn thức dậy nữa. Tôi vẫn còn ở nhà mình. Lúc thì ở đây, lúc thì ở đó.”.

“Ban ngày thì chúng tôi sống tại nơi ở mới, còn ban đêm thì vẫn sống ở nhà cũ của mình – trong những giấc mơ.”.

“Mùa đông ở đây đêm rất dài. Chúng tôi chỉ biết ngồi buồn bã, và đếm: Lại thêm có ai vừa chết đấy?”.

“Chồng tôi nằm bệt trên giường bệnh hai tháng. Ông ấy không nói một lời, cũng không buồn trả lời tôi. Ông ấy phát điên rồi. Từ vườn nhà, tôi quay vào, hỏi : “Ông ơi, hôm nay ông thấy thế nào?”. Nghe tiếng tôi, ông ấy nhìn lên. Thế là khá rồi đấy! Miễn là ông ấy vẫn còn có mặt trong nhà. Khi một người thân đang hấp hối, bà không thể khóc được. Làm như thế là cản trở sự hấp hối của họ, phải để họ ra đi. Tôi lấy cây đèn cầy trong tủ, để vào tay ông ấy. Ông ấy cầm lấy và cố thở. Mắt ông ấy đã dại dần. Tôi không khóc. Chỉ xin một điều: “Gởi lời chào của tôi đến con gái và người mẹ thân yêu.”. Tôi đã cầu nguyện xin cho mình được chết cùng lúc với gia đình nhưng chẳng có thần linh nào chứng giám cho tôi. Ngài vẫn chưa cho tôi chết. Thế nên tôi còn sống ở đây . . .”.

“Mấy cô gái kia, đừng có khóc nữa! Lúc nào mà chúng ta không ở tuyến đầu. Chúng ta là những công nhân tiên tiến mà. Chúng ta đã sống qua thời Stalin, sống qua chiến tranh! Nếu tôi không biết cười và biết tự an ủi mình thì tôi đã treo cổ tự vận từ lâu rồi!”.

“Có lần mẹ tôi dậy – con lấy bức tượng, trở đầu ngược lại rồi dùng dây treo lên. Cứ để thế trong ba ngày. Rồi thì sau đó bất kể con ở đâu con cũng biết lối quay về nhà. Tôi có hai con bò cái, hai con bò đực, năm con heo, ngỗng, gà. Một con chó. Tôi ôm đầu bước đi quanh vườn. Tất cả đã biến mất rồi, tất cả. Chẳng còn gì sót lại!”.

“Tôi quét dọn nhà cửa, lau chùi bếp núc. Rồi để ít bánh mì trên bàn ăn, với ít muối, một cái đĩa nhỏ và ba cái muỗng. Nhà bao nhiêu người thì để bấy nhiêu cái muỗng. Có thế thì chúng tôi mới mong quay về nhà được.”.

“Con gà nào trong vườn mào cũng đổi màu đen xỉn, chứ không đỏ như trước nữa, vì bị nhiễm phóng xạ. Cả tháng trời chúng tôi không có phó mát để ăn. Vì sữa không chua được, nó vón lại thành từng cục bột trắng. Chỉ bởi chất phóng xạ.”.

“Cả vườn rau nhà tôi bị nhiễm phóng xạ. Tất cả hoa quả rau trái đều mang một màu trắng, trắng đến độ không thể nào trắng hơn được nữa, như thể có một vật gì trắng phủ lên. Tôi tưởng có ai đó đem từ trong rừng về.”.

“Chúng tôi không ai muốn bỏ đi. Bọn đàn ông say khướt, họ lao mình dưới gầm xe hơi. Mấy ông lãnh đạo đảng uỷ đến từng nhà một năn nỉ mọi người hãy đi. Nhưng có lệnh: “Không được mang theo đồ đạc cá nhân”.

“Bày gia súc không có nước uống đã ba ngày. Cũng không có gì để ăn nữa. Có anh phóng viên một tờ báo luẩn quẩn thế nào mà suýt bị mấy cô gái vắt sữa say rượu giết chết.”.

“Tay chỉ huy đến nhà tôi cùng với đám lính của hắn. Hắn dọa: “Đi ra khỏi nhà ngay, nếu không bọn tôi sẽ phóng hoả! Các cậu đâu? Đưa cho tôi bình xăng nào!”. Tôi chạy loanh quanh, tay vớ cái mền, tay chụp cái gối”.

“Thời chiến tranh mình nghe súng nổ chát chúa cả đêm. Chúng tôi đào một cái hầm ở trong rừng. Họ đánh bom khắp nơi. Thiêu huỷ mọi thứ – không chỉ nhà cửa, vườn tược, cây cối. Không có gì sót lại. Nhưng giờ đâu còn chiến tranh nữa. Chính vì thế mà tôi sợ hãi.”.

“Người ta hỏi phóng viên của đài phát thanh Armenian: “Táo có thể mọc lên được ở Chernobyl không? Được chứ, nhưng mà phải chôn cái hột táo thật sâu dưới đất.”.

“Họ cấp cho chúng tôi một căn nhà mới. Xây bằng gạch hẳn hoi. Nhưng, như bà biết đấy, trong 7 năm trời chúng tôi không đóng một cái đinh nào cả. Bởi vì nhà đó không phải của chúng tôi. Nó thật xa lạ. Chồng tôi khóc và khóc. Suốt tuần anh ấy lái xe xúc cho nông trang, chờ đợi ngày chủ nhật. Chủ nhật đến, anh ấy nằm nhìn tường rên rỉ. . .”.

“Không, không ai có thể lừa chúng tôi được nữa, chúng tôi sẽ không bỏ đi đâu hết. Ở đây không có cửa hàng, không có bệnh viện, không có điện. Buổi tối đến chúng tôi đốt đèn dầu, ngồi dưới ánh trăng. Chúng tôi thích thế! Bởi vì chúng tôi đang sống trong nhà của mình.”.

“Ở thành phố, con dâu tôi và tôi chăm sóc kỹ lưỡng căn nhà chung cư, lúc nào cũng lau chùi cửa nẻo ghế bàn. Tất cả đều được mua sắm bằng tiền của tôi, đồ đạc trong nhà và cả chiếc xe hơi Zhiguli nữa. Tiền đó là của chính phủ bồi thường cho căn nhà và bầy bò của tôi bỏ lại. Ngay khi tiền hết thì tôi hiểu mình không còn cần có mặt ở trong nhà của nó nữa.”.

“Các con chúng tôi lấy một phần tiền. Số còn lại mất là bởi lạm phát. Với số tiền họ bồi thường căn nhà của chúng tôi chỉ đủ mua một kí lô kẹo ngon. Có thể bây giờ thì không đủ nữa.”.

“Tôi cuốc bộ ròng rã hai tuần lễ. Cùng với con bò cái. Người ta không cho tôi vào trong nhà. Tôi phải ngủ ngoài rừng.”.

“Ai cũng sợ chúng tôi. Họ bảo chúng tôi bị nhiễm xạ. Tại sao Chúa trừng phạt chúng tôi? Ngài nổi giận chăng? Chúng tôi không sống như mọi người, không sống đúng theo giáo luật của Ngài. Chính vì thế mà người ta đang giết chóc lẫn nhau.”.

“Mùa hè mấy đứa cháu tôi chúng đến chơi. Hồi đầu, chúng sợ, không dám đến. Giờ thì mùa hè nào chúng cũng về. Mang theo cả thức ăn nữa, bất cứ thứ gì chúng kiếm được. Chúng bảo tôi: “Bà ngoại à, bà có đọc quyển tiểu thuyết Robinson Crusoe chưa? Anh chàng Robinson Crusoe cũng sống một mình như mình vậy. Chung quanh chẳng có ai cả. Tôi mua được nửa bao diêm. Một cái cuốc và một cái xẻng. Hiện giờ tôi có mỡ, có trứng, và sữa. Chỉ thiếu đường. Không trồng mía được. Nhưng mình có cả khoảng đất mênh mông này. Cứ cày bừa trồng tỉa hàng trăm héc-ta đất nếu mình có sức. Không chính quyền, không ông chủ. Không có ai đứng án ngữ giữa đường .”.

“Mấy con mèo đã trở lại nhà với chúng tôi. Cả mấy con chó nữa. Chúng tôi cùng đoàn tụ xum vầy. Nhưng mà những người lính giữ an ninh khu vực không cho chúng tôi qua trạm. Thế là chúng tôi phải len lỏi đi đường rừng – như mấy ông du kích quân.”.

“Chúng tôi không cần bất cứ thứ gì từ chính quyền. Hãy để cho chúng tôi yên. Đó là thứ duy nhất chúng tôi muốn từ họ. Chúng tôi không cần cửa hàng, không cần xe bus. Chúng tôi đi bộ lấy bánh mì. 20 ki lô mét. Hãy cứ để cho chúng tôi yên. Chúng tôi muốn tự xoay sở mọi chuyện .”.

“Ba gia đình chúng tôi cùng quay trở về. Nhà cửa chúng tôi bị vét sạch mọi thứ. Bếp vỡ nát hết. Cửa sổ, cửa chính bị tháo gỡ. Đèn đuốc, nút điện, ổ cắm điện – mất hết. Chả còn gì cả. Tôi phải thu vén các thứ bằng chỉ đôi tay này. Làm sao khác được!”.

“Khi mà lũ ngỗng hoang kêu inh ỏi ngoài kia, có nghĩa là mùa xuân đã trở về. Thời điểm gieo hạt ngoài cánh đồng. Vậy mà chúng tôi phải ngồi suông trong căn nhà trống hoang trống hoác. Nhưng ít nhất còn có cái mái che vững chắc trên đầu.”.

“Bọn cảnh sát đang la hét om sòm. Những chiếc xe đầy cảnh sát phóng tới, chúng tôi chạy vào rừng. Như trước đây chúng tôi chạy trốn bọn Đức. Có lần cảnh sát còn đem theo một ông công tố viện. Ông này vừa thở không ra hơi vừa đe doạ sẽ nhốt chúng tôi vào tù vì vi phạm điều 10. Tôi bảo: “Cứ để họ  đem tôi vào tù trong một năm. Đủ một năm tôi sẽ về lại đây sống tiếp.”. Việc của cảnh sát là la hét, đe nẹt. Việc của chúng ta là cứ câm miệng hến. Tôi có cái huy chương này – huy chương thưởng cho người gặt giỏi nhất nông trang. Vậy mà ông ta đem điều luật 10 ra doạ tôi.”.

“Ngày nào tôi cũng mơ thấy căn nhà của mình. Tôi trở về, đào bới ngoài vườn, sửa sang lại giường chiếu. Lần nào tôi cũng tìm thấy được cái gì đó: khi thì chiếc giầy, khi thì chú gà con. Chúng làm tôi vui sướng. Tôi sẽ sớm về nhà .  . .”.

“Ban đêm chúng tôi cầu xin Chúa, ban ngày thì cầu xin cảnh sát. Nếu bà hỏi tôi: “Sao chị khóc? Tôi không biết trả lời sao. Tôi sung sướng được sống trong căn nhà của mình.”.

“Chúng tôi sống qua mọi thứ, sống sót sau bao nhiêu chuyện xảy ra .  . .”.

“Tôi đi khám bác sĩ. Tôi nói “Cháu ơi, đôi chân của bà không chịu cử động nữa. Mấy cái khớp này hành đau quá. “Ngọai ơi, bà phải bỏ quách cái con bò cái ấy đi thôi. Sữa của nó bị nhiễm phóng xạ rồi.”. Tôi trả lời: “Không, không! Chân của bà đau, đầu gối của bà đau, nhưng bà nhất định không bỏ con bò cái. Nó nuôi bà đấy!”.

“Tôi có 7 đứa con tất cả. Bọn chúng ở cả thành phố. Riêng tôi ở đây một mình. Chung quanh là những tấm hình của chúng nó. Tôi tự chuyện trò một mình, với mình, chỉ một mình. Tự tay tôi sơn lấy căn nhà, tốn mất 6 hộp sơn. Tôi sống như thế đấy. Tôi nuôi dưỡng 4 đứa con trai, 3 đứa con gái. Chồng tôi chết sớm. Giờ thì chỉ còn lại mình tôi.”.

“Có lần tôi gặp chó sói. Nó đứng đó, tôi đứng đó. Chúng tôi nhìn nhau. Nó chạy băng qua đường, tôi cũng chạy bán sống bán chết, mũ nón văng đâu mất. Thật đáng sợ quá!”.

“Loài thú nào cũng sợ con người. Nếu bà không làm gì nó thì nó cũng chỉ đi vòng vòng quanh bà. Trước đây, đi trong rừng nghe có tiếng người, bà sẽ chạy tìm họ. Còn bây giờ thì người ta lẩn trốn nhau. Chúa đã cứu tôi bằng cách không để tôi gặp người nào đó trong rừng.”.

“Những gì viết trong Kinh Thánh đều có thật hết. Trong đó cũng có viết về nông trang tập thể của chúng tôi. Và về ông Gorbachev. Viết rằng sẽ ra đời một quan chức rất lớn có cái bớt bẩm sinh trên người và rằng một đế chế hùng mạnh sẽ sụp đổ. Rồi kế tiếp đó là ngày Tận Thế, ngày Phán Xử Cuối Cùng. Những ai sống ở thành phố sẽ chết hết và chỉ có một người sống ở làng quê được sống. Người sống sót này sẽ rất vui sướng tìm ra dấu chân người. Không phải một con người khác mà là dấu chân của chính anh ta.”.

“Chúng tôi có cái đèn . Cái đèn đốt bằng dầu cặn. Mấy người phụ nữ đã nói rồi đấy. Nếu chúng tôi bắt được con lợn rừng, chúng tôi đem xuống tầng hầm xẻ thịt và chôn dưới đất. Ở đó có thể giữ thịt được 3 ngày. Còn rượu thì chúng tôi tự nấu lấy.”.

“Tôi có hai bao muối. Không có sự giúp đỡ của chính quyền chúng tôi cũng chẳng sao. Củi giả thì nhiều lắm. Ngoài kia có cả một khu rừng mà. Căn nhà ấm áp. Có đèn chiếu sáng. Thật dễ chịu! Tôi nuôi 1 con dê, 1 đứa trẻ, 3 con heo, 14 con gà. Đất thì tha hồ mà chiếm. Cỏ cũng tha hồ mà cắt. Có cả giếng nước. Và tự do. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Không còn phải ở trong nông trang tập thể nữa. Giờ thì chúng tôi là một cộng đồng, một xóm giềng. Chúng tôi cần mua thêm một con ngựa nữa. Chỉ một con ngựa nhỏ nữa thôi là chúng tôi có thể tự lực cánh sinh một mình chẳng cần đến ai.”.

“Có anh chàng phóng viên ví von rằng chúng tôi không chỉ về nhà, mà còn đi ngược thời gian hàng trăm năm. Chúng tôi dùng búa để gặt , dùng liềm để cắt cỏ và đập lúa ngay trên mặt đường.”.

“Thời chiến tranh nhà cửa chúng tôi bị đốt cháy, chúng tôi phải trốn chui trốn nhũi trong những cái hầm trú ẩn. Chúng giết anh tôi và hai đứa con trai của anh ấy. Gia đình tôi bị giết tất cả là 17 người. Mẹ tôi khóc hết nước mắt. Có một bà cụ già đi lang thang khắp làng mót thức ăn, thấy vậy bảo mẹ tôi: “Bà thương khóc người chết à? Đừng! Người nào đã hy sinh chính mạng sống mình cho kẻ khác, người ấy là thánh.”. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho tổ quốc. Chỉ có giết người là tôi không thể làm được. Tôi làm nghề dạy học, tôi dạy học trò tôi hãy thương yêu lẫn nhau. Phải, tôi dạy chúng như thế!”. Điều tốt luôn luôn chiến thắng. “Những đứa trẻ con, tâm hồn chúng bao giờ cũng thuần khiết.”.

“Chernobyl giống như một cuộc chiến tranh bao trùm mọi cuộc chiến tranh. Chẳng còn chỗ nào để ẩn náu cả. Kể cả lòng đất, kể cả dưới nước, kể cả trên trời.”.

“Chúng tôi tắt máy phát thanh ngay lập tức. Chúng tôi chẳng biết điều gì xẩy ra ngoài kia, nhưng cuộc sống thật yên bình. Chúng tôi không biết đến lo âu. Người ta ghé qua, kể cho chúng tôi nghe nhiều thứ, – rằng chỗ nào cũng có chiến tranh. Và thế là chủ nghĩa xã hội biến mất và chúng tôi sống dưới chủ nghĩa tư bản. Sa Hoàng sẽ trở lại. Có thật thế không?”.

“Thỉnh thoảng có con lợn rừng chạy vào vườn, có khi con chồn. Nhưng người thì không. Chỉ có cảnh sát.”.

“Bà nên đến thăm nhà tôi nữa chứ!”.

“ Nhà tôi nữa. Đã lâu lắm rồi tôi không được tiếp khách.”.

“Tôi làm dấu thánh giá rồi cầu nguyện : Lạy chúa! Đã hai lần cảnh sát vào nhà con đập bể cái lò bếp. Chúng bắt con ra khỏi nhà trên chiếc xe xúc. Nhưng rồi con cũng lại quay về được. Họ nên để cho người ta về nhà chứ – mọi người quỳ xuống năn nỉ kìa. Nỗi đau khổ của chúng con được nói đến khắp toàn cầu. Bây giờ chỉ có người chết mới được về. Chết rồi mới được phép về. Còn người sống phải lén về vào ban đêm, băng rừng mà về.”.

“Ai cũng muốn được trở về nhà cho kịp mùa gặt. Đúng thế đấy! Mọi người đều muốn được lấy lại phần của mình. Cảnh sát lập danh sách những người họ cho phép quay về nhưng trẻ con dưới 18 tuổi thì không được phép. Mọi người sung sướng được đứng giữa sân nhà cạnh cây táo chính tay họ trồng. Trước hết, họ sẽ chạy ra nghĩa trang để khóc, rồi trở về lại sân nhà mình, cũng chỉ để khóc. Và, tất nhiên, cầu nguyện. Họ đốt nến, treo chúng trên hàng rào. Như họ đã làm như thế trên những hàng rào nhỏ ở nghĩa trang. Có khi họ treo một vòng hoa tang trước cửa nhà. Có khi là tấm khăn màu trắng ở cổng. Mấy bà cụ già quỳ xuống cầu nguyện : “Hỡi các anh chị em! Xin hãy bền chí kiên trì!”.

“Người ta mang trứng, bánh mì và nhiều thứ khác ra nghĩa trang. Họ ngồi xuống chỗ phần mộ gia đình. Rồi gọi : “Chị ơi, em đến thăm chị đây. Ăn cơm với em nhé!” Hoặc: “Mẹ ơi! Mẹ thân yêu ơi! Bố, Bố ơi!”. Họ gọi các linh hồn từ trời xuống. Thân nhân những người vừa mới chết thì khóc lóc. Còn những người khác thì mắt ráo hoảnh. Họ chuyện trò, gợi lại chuyện đã qua. Ai cũng cầu nguyện. Kể cả những người không biết cầu nguyện như thế nào, cũng cầu nguyện.”.

“Chỉ có khi đêm xuống thì tôi mới ngưng khóc. Bà không thể khóc tiếc thương người chết vào ban đêm. Tôi không bao giờ khóc lúc không còn ánh mặt trời. Lạy Chúa! Xin hãy nhớ đến những linh hồn. Và đưa họ về nước Chúa.”.

“Nếu bà không biết tiếu lâm là bà thiệt đấy. Ở chợ có một phụ nữ người Ukraine rao bán những trái táo đỏ thật lớn. “Mua táo đây! táo đây! Táo Chernobyl đây!”. Có người bảo chị ấy đừng có rao hàng như vậy, sẽ chẳng có ma nào thèm mua.” Chị trả lời: “Không sao đâu! Thế nào cũng có người mua mà. Có người cần mua để biếu mẹ chồng, có người lại mua biếu sếp.”.

“Có anh chàng nọ mới ở tù ra. Được ân xá ấy mà! Anh ta ở ngay làng bên cạnh. Trở về, mẹ chết, nhà bị vùi dưới đất. Anh ta chạy qua nhà chúng tôi, đề nghị: “Cho tôi ít bánh mì, ít mỡ. Tôi sẽ chẻ củi cho.” Anh ta được toại nguyện ngay”.

“Cả nước là một mớ hỗn loạn – mọi người đều trở về đây. Họ trốn tránh nhau. Trốn tránh luật pháp. Sống cô độc. Có cả những kẻ lạ mặt nữa. Trông họ lạnh lùng, không một chút thân thiện trong ánh mắt. Khi say sưa họ có khả năng đốt sạch mọi thứ. Đêm ngủ chúng tôi để rìu và chỉa ba dưới gậm giường. Ngoài nhà bếp, ngay cửa ra vào là cây búa.”.

“Mùa xuân rồi có một con chồn bị bệnh dại. Khi chồn bị bệnh dại, nó lại hiền lành một cách khác thường. Nó không dám nhìn vào mặt nước. Hãy cứ để một chậu nước trong vườn nhà, nó sẽ chạy đi chỗ khác ngay.”.

“Không có truyền hình. Cũng chẳng phim ảnh. Chỉ có thể làm mỗi một điều là nhìn ra ngoài cửa sổ. À, cầu nguyện nữa chứ, tất nhiên rồi. Trước đây có cộng sản thay vì Chúa, nhưng giờ chỉ còn có Chúa thôi. Thế nên chúng tôi cầu nguyện.”.

“Chúng tôi là những người đã từng đóng góp cho đất nước. Tôi đã ở trong đội du kích quân một năm. Chúng tôi tham gia chiến đấu đánh đuổi bọn Đức. Tôi đã viết tên mình trên miếng băng tay chữ Vạn : Artyushenko. Tôi đã xăn tay áo lên xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ nó đâu rồi?”.

“Ở đây chúng tôi có chủ nghĩa cộng sản – chúng tôi sống như anh chị em ruột thịt với nhau . . . “.

“Cái năm mà chiến tranh bùng nổ, vườn nhà chúng tôi tuyệt không thấy có nấm hay dâu tây gì cả. Liệu bà có tin nổi không? Ngay đến mặt đất cũng đã ngửi trước được mùi thảm hoạ. Năm 1941. Tôi nhớ chứ! làm sao mà tôi có thể quên được chiến tranh. Có tin đồn lan truyền rằng những tù binh chiến tranh bị giải qua làng, nếu  ai nhận diện được người thân thì có thể đem họ về. Cánh phụ nữ chạy ùa đến ngay. Đêm hôm đó, có chị dẫn chồng mình về nhà, có chị dẫn người không phải chồng mình. Chẳng may có một thằng vô lại. Nó cũng bình thường như bao người khác, có vợ, hai đứa con. Thế mà nó đi báo với tên chỉ huy là chúng tôi dẫn cả người Ukraine về nhà. Vasko, Sashko. Hôm sau, bọn Đức đến bằng những chiếc xe máy. Chúng tôi quỳ xuống năn nỉ xin tha. Mặc. Chúng vẫn cứ dẫn mấy người Ukraine đi vào rừng rồi xả súng bắn chết hết. Cả 9 người. Đều còn rất trẻ và hiền lành!Vasko, Sashko. . . “.

“Bọn lãnh đạo đến, họ la hét ỏm tỏi, nhưng chúng tôi điếc và câm hết. Cứ thế, chúng tôi sống qua mọi thứ, sống sót sau bao nhiêu chuyện xảy ra .  . .”.

“Nhưng tôi đang nói chuyện khác, cái chuyện mà tôi đã suy nghĩ về nó rất nhiều. Ở nghĩa trang ấy! Người thì cầu nguyện rõ to, kẻ khác lại rất lặng lẽ. Có người cầu: “Hỡi cát vàng, hãy mở ra nào. Hỡi đêm đen, hãy mở ra nào.” Rừng thì có thể mở lòng ra với người, nhưng cát thì không bao giờ. Tôi sẽ sàng hỏi : “Ivan, Ivan, em sống thế nào đây?”. Nhưng anh ấy không buồn trả lời tôi dù bất cứ bằng cách nào.”. “Tôi không có mất mát nào của riêng mình để khóc than, thế nên tôi khóc than cho mọi người. Cho những kẻ lạ mặt. Tôi vào nghĩa trang. Chuyện trò với người chết.”.

“Tôi không sợ ai hết – người chết cũng không sợ, thú vật cũng không sợ, không sợ ai hết. Con trai tôi từ thành phố ghé qua, nó cáu gắt với tôi: “Sao mẹ còn ở đây? Bọn cướp nó giết mẹ thì sao?”. Nhưng mà nó muốn lấy cái gì của tôi? Thì có mấy cái gối đó. Trong căn nhà đơn sơ như thế này, thì gối là đồ đạc chính. Thằng ăn cắp nào muốn vào đây, ngay lúc nó thò đầu vào cửa sổ tôi đã chặt béng bằng chiếc rìu này rồi. Chúng tôi sống sót ở đây như thế đó. Có thể chẳng có Chúa nào ở đây, có thể vẫn có ai đó, nhưng lại ở tuốt trên cao kia . Thế là tôi vẫn cứ sống còn.”.

“Tại sao Chernobyl suy sụp thảm hại như thế? Có người bảo đó là do lỗi của các nhà khoa học. Họ dám nắm râu Chúa và Chúa đang cười to. Nhưng chúng tôi mới là người phải trả giá cho lỗi lầm ấy.”.

“Chúng tôi chưa bao giờ được sống yên ổn, tử tế. Lúc nào chúng tôi cũng sợ hãi. Hồi chiến tranh họ bắt người làng đi phục vụ. Lái những chiếc xe hơi đen đến, họ bắt ba trong số những đàn ông trai tráng đang làm việc ngoài đồng. Cho đến nay vẫn chưa có ai trở về. Thế nên chúng tôi luôn sống trong sự sợ hãi.”.

“Giờ thì chúng tôi tự do rồi. Mùa màng trù phú. Chúng tôi sống như những ông hoàng.”.

“Tôi chỉ sở hữu duy nhất một con bò cái. Tôi sẽ giao nộp nó ngay nếu họ không gây thêm một cuộc chiến tranh nào nữa. Sao tôi thù ghét chiến tranh thế!”.

“Ở đây chúng tôi có một cuộc chiến tranh trên hết các cuộc chiến tranh – đó là Chernobyl.”.

“Và những con chim cu đang cúc cu, những con ác là đang chích choè, những con hoẵng đang thi nhau chạy. Liệu chúng có còn sinh sản được nữa không? Ai biết được? buổi sáng tôi nhìn ra vườn, thấy mấy con lợn rừng đang chũi đất. Chúng là lợn hoang mà. Con người còn có thể tạo dựng lại cuộc sống ở một nơi khác được, nhưng con hươu, con lợn thì không thể được. Cũng như nước nó đâu có tôn trọng ranh giới biên thuỳ, nó chảy theo mặt đất, chảy dưới mặt đất.”.

“Đau lòng lắm, các bà ơi. Ôi, đau lòng lắm! Hãy im lặng nào. Họ âm thầm mang quan tài của mình đến. Cẩn thận. Kẻo lại va vào cửa, vào thành giường, vào bất cứ thứ gì hoặc làm đổ tung toé. Nếu không thì mình sẽ phải chờ người chết kế tiếp đấy! lạy Chúa! Xin cứu rỗi những linh hồn, đem họ về nước Chúa. Xin hãy đọc kinh cầu nguyện cho họ trong giờ lâm tử. Ở đây chúng tôi có nhiều những ngôi mộ. Chỗ nào cũng có mộ. Máy ủi đất, xe xúc làm việc cật lực. Nhà cửa bị hạ xuống rầm rập. Các người thợ đào mồ không lúc nào ngưng tay. Người ta vùi lấp trường học, toà nhà sở chỉ huy, nhà vệ sinh. Cũng chỉ là một thế giới đó thôi, nhưng con người ở đó thì khác hẳn. Có một điều tôi không biết, con người ta có linh hồn không? Xếp loại chúng như thế nào? và làm sao tất cả các linh hồn có thể thích nghi được  trong thế giới kế tiếp? Ông tôi hấp hối 2 ngày trước khi chết. Tôi núp sau nhà bếp để chờ xem linh hồn nó bay ra khỏi xác của ông tôi bằng cách nào. Tôi ra vắt sữa bò- quay lại, thấy ông tôi chết rồi mà hai mắt vẫn mở rộng. Linh hồn ông tôi cũng đi mất từ bao giờ. Hoặc là chẳng có linh hồn nào bay đi cả. Vậy thì bằng cách nào để ông tôi và tôi có thể gặp lại nhau ?”.

“Có bà cụ già đoan quyết là chúng ta sẽ bất tử. Chúng tôi đọc kinh cầu nguyện. Lạy Chúa, xin cho chúng con sức mạnh để chúng con vượt qua được sự mỏi mệt của cuộc sống này”.

 

 

 

“Tiếng Vọng từ Chernobyl”-Mục Lục

“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich.

Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search