T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc vàng . . .

clip_image002

1.

Trong lúc đi tìm những tài liệu cần thiết cho chuyên đề “Dòng nhạc kỷ niệm “, tôi bắt gặp một entry của Google có hai chữ khá hiếm hoi “nhạc đỏ”. Gọi là “hiếm hoi” vì, thường thì chỉ với một từ khóa “nhạc Việt” chúng ta có thể nhận được hàng triệu đường dẫn đến các trang mạng lưu trữ âm nhạc Việt, viết về âm nhạc Việt, về các ca sĩ nhạc sĩ Việt. Riêng về phần lưu trữ âm nhạc, hầu hết là những lưu trữ về nhạc miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 1975, nhạc Việt tại hải ngoại và nhạc Việt trong nước khoảng thời điểm từ thập niên 1990s đổ về sau. Nói cách khác, đa phần loại nhạc người sưu tầm tìm thấy trong thế giới ảo hiện nay có thể gọi nôm na là nhạc vàng, nhạc xanh. Còn loại nhạc gọi là nhạc đỏ thì khá hiếm hoi, có tìm “đỏ” con mắt cũng không thấy được những bài hát đã một thời tra tấn người nghe từ những chiếc loa phường. Lý do thì không cần thiết phải đi sâu hay nhắc lại. Ai cũng biết, cũng hiểu tại sao, kể cả em bé bán vé số dạo chuyên hát nhạc vàng để gợi lòng thương xót của khách hàng. Vả chăng, ngày nay những cách gọi xách mé nhạc vàng nhạc xanh đã biến mất tự bao giờ. Vì chúng là sản phẩm của một thời không ai muốn nhớ mà vẫn không thể quên. Nhắc lại cũng chỉ vì chúng cứ nằm trong tiềm thức cùng với những thứ hồi ức buồn bã của một thời không thể quên này.

Đường dẫn có hai chữ nhạc đỏ nguyên văn: “Đức Tuấn về với nhạc đỏ sau 15 năm ca hát”. Chính cái tên Đức Tuấn lại làm tôi tò mò hơn. Anh là một trong vài ca sĩ trẻ trong nước hát nhạc Phạm Duy – theo tôi – tương đối chững chạc. Cả về cách hát lẫn cách nhả chữ. Nhạc Phạm Duy không dễ hát. Cả miền Nam trước đây cũng chỉ có một mình nữ ca sĩ Thái Thanh được cho là hát nhạc Phạm Duy đạt nhất. Còn lại một số ca sĩ khác cũng chỉ có thể trình bày thành công vài bài hát phù hợp với chất giọng của mình mà thôi.

Đức Tuấn đã có một vài Album chuyên về nhạc Phạm Duy, trong đó, anh chứng tỏ khả năng trình diễn cả hai loại Xanh (quê hương), Vàng (tình yêu) – trong kho tàng âm nhạc Phạm Duy – một cách khá thông minh.

Bài viết với cái tên “Đức Tuấn về với nhạc đỏ sau 15 năm ca hát có đoạn như sau:

“Sau 15 năm, với con đường âm nhạc đủ đầy và được định danh ở nhiều dòng nhạc như nhạc tiền chiến, nhạc kịch và những ca khúc Phạm Duy; Đức Tuấn lại đột ngột trở về thuở ban đầu với album nhạc đỏ khi thực hiện album Những bài ca không quên và liveshow Bài ca không quên.”

Và Album Nhạc Đỏ “Những bài ca không quêngồm các các ca khúc: Bà mẹ Gio Linh, Nhớ người ra đi, Tình ca, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Lá đỏ, Cô gái mở đường, Nơi đảo xa, Lá xanh, Nối vòng tay lớn, Bài ca không quên, Tự nguyện(*)

Thú thực, chuyện Đức Tuấn hát nhạc đỏ cũng chẳng có gì phải bàn luận tới nhưng chính những bài hát trong Album nhạc đỏ mà Đức Tuấn hát mới làm tôi chưng hửng. Từ bao giờ mà những ca khúc đã mấy chục năm nay nữ ca sĩ Thái thanh gieo bao thổn thức vào hồn người miền Nam như: Bà mẹ Gio Linh, Nhớ người ra đi, được gọi là nhạc đỏ (hả trời?). Lại còn bài “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn, bài mà trong bất cứ các cuộc họp mặt lớn nhỏ, của thanh niên sinh viên học sinh dân sự (kể cả của lớp sĩ quan trẻ trong quân lực VNCH) ở miền Nam đều vang lên cùng với bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của Nguyễn Đức Quang. Bài này mà gọi là nhạc đỏ sao? cứ đà này, sẽ không còn là ngạc nhiên nữa nếu nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang không phải là một sĩ quan của QLVNCH, không sinh sống ở hải ngọai, thì có thể trong danh mục Album nhạc đỏ lại ghi thêm bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của ông.

Có lẽ, do cách hiểu nhạc đỏ của tôi – một kẻ đã chịu đựng quá nhiều khổ sở vì hát nhạc vàng – không giống như cách hiểu nhạc đỏ của những người thực hiện băng nhạc đỏ nói trên chăng?

2.

Trong Album nhạc đỏ, có bài Lá Đỏ (**), thơ của Nguyễn Đình Thi, Hòang Hiệp phổ nhạc. Bài này hẳn nhiên là đỏ rồi, vì tác giả của nó là hai ông trùm văn nghệ của thi ca đỏ và âm nhạc đỏ. Nhưng tôi lại thấy bài này chỉ hồng hồng thôi, chưa đỏ lắm. Tuy hồng hồng, nhưng nó đã là bình phong để nhóm văn nghệ trại tù Vĩnh Quang dùng  trong suốt ba ngày tết của năm 1981 (?) đi hát dạo trong  các lán trại của 14 đội tù cải tạo các cựu chiến binh VNCH. Năm ấy là năm văn nghệ “vùng lên”, chỉ hát nhạc vàng, nhạc xanh và chỉ duy nhất một bài nhạc đỏ là bài “Lá Đỏ” đang nói đến ở đây với nội dung như sau:

Lá đỏ

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng (lạ)Trường Sơn ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà (trong) trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp (nhau) nhé giữa Sài Gòn.

Bài thơ còn có câu cuối: Em vẫy cười đôi mắt trong (nhưng không có trong bài hát). Bài hát dùng chữ Rừng Trường Sơn thay cho Rừng lạ của bài thơ.

Tại sao trong 3 ngày trời đội văn nghệ trại Vĩnh Quang hát hàng mấy trăm bài nhạc vàng, nhạc xanh lại vướng vào một bản nhạc đỏ, và bài này lại dùng để kết thúc chương trình văn nghệ tết tại mỗi lán trại?

Vì, trong bài có câu cuối: Hẹn gặp  nhé giữa Sài Gòn.

Sau hơn 5 năm đi tù, xa gia đình, không biết ngày nào sẽ được ra, lại đúng vào những ngày tết tâm trạng nhớ gia đình càng trĩu nặng, nên trong lòng ai cũng mơ ước: Hẹn gặp  nhé giữa Sài Gòn.

Mặt khác, anh em trong đội văn nghệ cũng lo xa đến sau tết, mọi qui củ trại lại đâu vào đó, sẽ không lọai trừ việc bị quản lý trại gọi làm việc về tội truyền bá nhạc vàng. Khi ấy, bài Lá Đỏ sẽ được viện dẫn để “chạy tội”.

Công bằng mà nói, Lá Đỏ là một bài “hiếm hoi” của hơn 20 năm âm nhạc miền Bắc VNDCCH còn có thể đem ra nghe lại mà không bị rùng mình, sởn tóc gáy. Chính vì vậy, theo cách hiểu của tôi, một thành viên chủ xướng hát nhạc vàng năm xưa ở trại cải tạo Vĩnh Quang, đã cho là nó chỉ hồng hồng, chứ không đỏ một màu máu tanh tưởi .

Năm đó, tay thiếu uý công an đặc trách văn hóa (cũng tên Vấn), khi nghe tôi viện dẫn bài Lá Đỏ là nội dung chính của các buổi ca hát mừng Xuân, đã có vẻ “thông cảm”, thậm chí anh ta còn nghêu ngao vài câu của bài, mặc dù sau đó đã không quên lên giọng đe nẹt “anh sẽ còn phải cải tạo lâu dài, anh Vấn ạ!”.

3.

Trở lại câu chuyện Album nhạc đỏ của ca sĩ Đức Tuấn. Đọc danh sách các ca khúc, tôi có cảm tưởng 2 bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy và một bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được dùng để lôi cuốn sự chú ý của khán thính giả vì những người thực hiện e rằng chỉ với danh mục những bài hát thực sự đỏ sẽ không có ai muốn nghe, muốn xem trình diễn. Cứ kiểm lại những gì lưu hành trên Internet sẽ biết được “gu thẩm mỹ” của đại đa số. Và tôi lại có ý nghĩ hình như những người thực hiện Album nhạc đỏ này cũng sử dụng cái “mánh” của mình năm xưa dùng nhạc đỏ để “cứu” nhạc vàng, còn bây giờ thì người ta dùng nhạc vàng “cứu” nhạc đỏ.

Tập Album nhạc đỏ của Đức Tuấn và chương trình liveshow nhạc đỏ cũng của anh đã được thực hiện vào thời điểm tháng 4 năm 2015, thời điểm nhà nước Cộng sản Việt Nam đang phát động những sự kiện văn hóa chính trị kỷ niệm 40 năm ngày miền Bắc cộng sản chiến thắng miền Nam, do đó, không thể loại trừ yếu tố tuyên truyền cố hữu mà các chính ủy, các tuyên giáo lúc nào cũng lên gân nói lấy được dù biết chẳng ai còn tin mình nữa. Nhưng, dù thế nào đi nữa, thì những ca khúc được chọn cho vào Album nhạc đỏ có thể gọi là gượng ép. Ngoài 2 bài nhạc của Phạm Duy và 1 bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến ở trên, hãy lướt qua số bài còn lại. Lời Người Ra Đi của Trần Hoàn. Tự Nguyện của Trương Quốc Khánh. Cả miền Nam từ dân tới lính đều hát hai bài này lúc này lúc khác. Còn các bài khác như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Lá đỏ, Cô gái mở đường, Nơi đảo xa, Lá xanh, Bài ca không quên, Tình ca  . . .  khó có thể cho là những bài nhạc đỏ tiêu biểu, dù trong bài Tình Ca (của Hoàng Việt, một ông trùm văn nghệ đỏ) có những câu rất đỏ, sặc mùi thù hận trong một bài có cái tên rất vàng “tình ca”:

Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa
Đã biến tình đôi ta thành những ánh sao toả sáng

40 năm sau cuộc chiến ý thức hệ với vấn nạn thời thượng một thời của các tay lý luận Mác Lê-Nin “Ai thắng Ai?” ngày nay đã có câu trả lời đanh thép và chính xác trong mọi lãnh vực đời sống. Riêng trong lãnh vực văn hóa văn nghệ, câu trả lời đã có từ rất sớm và rất khẳng định qua thế giới ảo tràn ngập văn nghệ phẩm miền Nam, kể cả những tác phẩm từ thời những năm 30s của Tự Lực Văn Đoàn, tất cả đều  do tự nguyện và sự gìn giữ của lòng dân. Ngày nay, hoảng hốt trước sự “thống trị” của văn hóa văn nghệ “vàng”, các chính ủy, các tuyên giáo vội vã vận dụng mọi tài lực vật lực (bằng tiền thuế của dân) “bơm” vô tội vạ loại văn hóa văn nghệ “đỏ” vào thế giới ảo để nhằm cứu vãn chút nào “thể diện đỏ” đang có nguy cơ bị “diệt chủng”.

Có lẽ Album nhạc đỏ ra đời là do ở mục đích này chăng? Nếu không thì có cần thiết phải tuyên truyền là “nhạc đỏ” cho một chương trình liveshow với những ca khúc khó có thể gọi là “đỏ” (dù là trong thời điểm mừng 40 năm “chiến thắng”) có tấm bích chương đỏ sậm màu máu đỏ (xem hình ở đầu bài) không?

Chỉ tội nghiệp cho anh bạn Đức Tuấn, một ca sĩ trẻ đang có một tương lai khá hứa hẹn!

T.Vấn

*Ngay trong cái cách bài báo liệt kê tên các ca khúc trong Album Nhạc Đỏ cũng đã có điều khuất tất. Trước hết, tôi không thấy có tên nhạc sĩ tác giả các ca khúc. Kế đến, tên các ca khúc được ghi: Bà mẹ Gio Linh, Nhớ người ra đi, Tình ca . . .Ca khúc Bà mẹ Gio Linh (Mẹ già cuốc đất trồng khoai . . .), Nhớ người ra đi ( Ai có nghe , tiếng hát hành quân xa . . .) hiển nhiên là của nhạc sĩ Phạm Duy. Ai cũng có thể khẳng định mà không cần kiểm lại. Thế còn Tình Ca? Tôi xuýt chút nữa lầm lẫn, nếu không cẩn thận kiểm lại. Thoạt đầu, tôi (và có lẽ 99% độc giả) cho rằng bài này chính là một tuyệt tác của nhạc sĩ Phạm Duy (Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời . . .). Mặt khác, chính bài này đã đưa tên tuổi Đức Tuấn đến với rất nhiều người nghe, và cũng qua bài này, anh đã thuyết phục người nghe rằng anh là ca sĩ duy nhất ở trong nước, có đủ khả năng để chuyển tải dòng nhạc Phạm Duy một cách trung thực nhất, đầy tình tự dân tộc nhất. Thế thì Album của Đức Tuấn có bài Tình Ca thì phải là Tình Ca của Phạm Duy chứ! Nhưng khi kiểm lại, tôi thêm một lần chưng hửng. Ca khúc Tình Ca trong Album nhạc đỏ là bài của Hoàng Việt (Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta . . .).

Theo tôi, tiếng hát Đức Tuấn trong Tình Ca của Phạm Duy khác hẳn với tiếng hát Đức Tuấn  trong Tình Ca của Nhạc Đỏ. Ở bài của Phạm Duy là tiếng hát của một tình cảm tự nhiên, tha thiết phát xuất từ trái tim đích thực của người nghệ sĩ yêu quê hương, yêu đất nước, yêu con người. Ở bài của Hoàng Việt, tiếng hát ấy mang vẻ giả tạo, cường điệu. Cũng có cái âm hưởng tha thiết, mà lại là cái tha thiết giả tạo. Con tim (chân chính) không bao giờ biết nói dối. Nên khi nó nói dối, người ta biết ngay là nó nói dối. Trong tình yêu làm sao có chỗ cho hận thù được, nhất là đó lại là tình yêu con người, tình yêu đất nước dân tộc. Vậy mà Đức Tuấn phải cao giọng làm ra tha thiết:Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa . . . ”

Chính vì vậy tôi kết thúc bài viết bằng một câu cảm thán. Chỉ tội nghiệp cho anh bạn Đức Tuấn, một ca sĩ trẻ đang có một tương lai khá hứa hẹn!

**Trong bài báo giới thiệu Album nhạc đỏ, gồm 15 ca khúc, trong đó có bài Lá Đỏ. Nhưng khi lục lạo nghe xem Đức Tuần hát Lá Đỏ như thế nào để tìm cảm xúc năm xưa anh em tù cải tạo chúng tôi rống cổ “hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” thì tôi chỉ gặp được Album Bài Ca Không Quên gồm 14 ca khúc, trong đó không có bài Lá Đỏ. (T.Vấn)

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search