T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Hiền & Lê Trọng Nguyễn: Lá Rơi Bên Thềm

” . . . Lê Trọng Nguyễn thuộc thế hệ nhạc sĩ Quảng Nam hậu chiến, đồng thời với các nhạc sĩ Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Lan Đài… Thế nhưng, nét độc đáo nhất của ông là vận dụng một thang âm ngũ cung Quảng Nam kết hợp với các điệu thức mới của âm nhạc phương Tây như rumba, boléro, slow, calypso. Ông đẩy các điệu thức mới ấy chậm lại một chút, bớt chất rộn ràng sôi nổi để ca khúc đậm đà hơn, gợi nhớ hơn. Và ông viết ca từ một cách thận trọng, sang trọng, giàu tính nghệ thuật. . .”

Nguyễn Hiền & Lê Trọng Nguyễn: Lá Rơi Bên Thềm

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

La roi ben them -1 La roi ben them -2

La roi ben them -3 La roi ben them -4

Lá Rơi Bên Thềm – Sáng Tác: Nguyễn Hiền & Lê Trọng Nguyễn

Trình Bày: Trần Thái Hòa

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Đọc Thêm: Lê Trọng Nguyễn: Chiều Bên Giáo Đường

Đọc Thêm: Nguyễn Hiền: Ngàn Năm Mây bay

Đọc Thêm:

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: Người ra đi, Nắng chiều ở lại

(Nguồn: Việt báo VN)

Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, âm nhạc Việt Nam tỏa sáng một tên tuổi: nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Lúc bấy giờ, chưa hề có kỹ thuật truyền hình, cũng chẳng có kỹ thuật video. Sự truyền bá và sức lan tỏa của một ca khúc rất hạn chế, rất khó khăn; người ta chỉ nghe nhạc qua đài phát thanh hoặc loại đĩa bằng nhựa cứng có đường kính cỡ 40 cm. Ấy vậy mà từ lớp thiếu niên đến người lớn tuổi, ai cũng có thể thuộc và hát được những lời ca: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa…”. Đó là Nắng chiều, một ca khúc viết theo điệu rumba mới mẻ của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Lê Trọng Nguyễn sinh ra tại Quảng Nam trong một gia đình khá giả. Nhà ông ngày ấy là Trường tư thục Hoàng Hồ ở Hội An. Ông xuất thân là một nhà giáo, dạy nhạc ở Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu (huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Bản chất ông là người lãng mạn, tài hoa; khi ra đường luôn luôn có mấy tờ giấy kẻ sẵn dòng nhạc và cây bút máy Kalo trong túi áo. Khi nhạc nổi hứng lên, ông đứng lại ở một nơi nào đó hoặc ngồi bệt xuống bên vệ đường và… viết nhạc. Nắng chiều ra đời trên cầu Vĩnh Điện khi chiều xuống trên bến sông Thu; Chiều bên giáo đường ra đời trong sân nhà thờ Hội An; Bến giang đầu ra đời ở vùng cồn dâu Gò Nổi (Điện Bàn); Lá rơi bên thềm ra đời trong khuôn viên chùa Bà Mụ (Hội An)… Cổng sau của nhà nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có một cái giếng nước lớn. Đó là nơi tôi ở trọ, học những năm đầu tiên ở bậc trung học. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có một người cháu học cùng lớp với tôi, gọi ông là cậu ruột. Theo cách gọi của bạn, tôi cũng gọi ông là cậu. Và tôi may mắn đã được ông hướng dẫn, chỉ dạy một đôi chút trong bước đầu đi vào con đường âm nhạc. Thật hạnh phúc cho tôi khi được xem ông là một trong các bậc thầy đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình bên cạnh các bậc thầy khả kính như Lê Chấn Quang, La Gia Đinh, Huỳnh Nhâm. Lê Trọng Nguyễn thuộc thế hệ nhạc sĩ Quảng Nam hậu chiến, đồng thời với các nhạc sĩ Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Lan Đài… Thế nhưng, nét độc đáo nhất của ông là vận dụng một thang âm ngũ cung Quảng Nam kết hợp với các điệu thức mới của âm nhạc phương Tây như rumba, boléro, slow, calypso. Ông đẩy các điệu thức mới ấy chậm lại một chút, bớt chất rộn ràng sôi nổi để ca khúc đậm đà hơn, gợi nhớ hơn. Và ông viết ca từ một cách thận trọng, sang trọng, giàu tính nghệ thuật. Nay anh về nương dâu úa. Giọng hát câu hò thôi hết đưa Hình bóng yêu kiều kề hoa tím Biết đâu mà tìm. (Nắng chiều) Chiều nhạt nắng nhắc anh lời em Nói khi mùa trăng giữa khung trời êm Nếu mà ngày sau giàn hoa tím xưa héo gầy Thì tình ta vỡ tan làm đôi Mắt ta càng xa cách nhau ngàn đời (Bến giang đầu) Lá rơi cho lòng hoài cố nhân Tìm trong lá thu màu xanh ái ân thời dĩ vãng. (Lá rơi bên thềm) Đó chính là phong cách âm nhạc trữ tình bán cổ điển, một phong cách rất riêng, rất Quảng Nam của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, không thể lầm lẫn với ai được. Nói theo ngôn ngữ của người xưa, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã tạo ra một dạng âm nhạc “Hòa nhi bất đồng”. Với chín ca khúc đã được công bố, ông đứng riêng một cõi, trong đó Nắng chiều là ca khúc đưa ông vào đội ngũ những nhạc sĩ có tác phẩm để đời. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn qua đời ngày 9.1.2004 tại California (Mỹ), sau một cơn bệnh. Ông ra đi nhưng huyền thoại vẫn ở lại. Chuyện kể rằng thời đôi mươi, ông rất yêu mến một người con gái xinh xắn ở Quảng Nam. Tình yêu của họ không thành, người ấy ra đi và ông trở thành một… nhạc sĩ. Xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của ông chỉ có hình bóng duy nhất của người ấy. Thật hạnh phúc cho người phụ nữ Quảng Nam nào được nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn yêu mến. Có phải vì anh bềnh bồng mãi trong gió sương Nên khiến đời em dưới hiên tranh khói lạc hướng ? Rã rời chờ nhau tình rạn nứt duyên nát nhàu. Bến xuân giang đầu mây che kín một niềm đau.

Vũ Đức Sao Biển

Việt Báo (Theo_Thanh Niên)
————

Bài Mới Nhất
Search