T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Những cây cầu…

the-bridges-of-madison-county-clint-eastwood-actor-and-director-5656267-535-301

(Một cảnh trong phim”Những cây cầu ở quận Madison” – Nguồn:https://www.pinterest.com)

 

Nếu bạn là người lớn lên từ những miền sông rạch, thì có đến tám phần mười ký ức, kỷ niệm của bạn gắn bó với ít nhất một cây cầu. Đó là cây cầu khỉ khi bạn về thăm ông bà ngoại, hay ông bà nội còn ở trong đồng. Rồi tới cây cầu ván lần đầu đưa bạn tới trường có tiếng trống da trâu để bạn học Vỡ lòng, học Công dân giáo dục… Cây cầu thênh thang ấy già đi nên nhỏ lại khi bạn đã lớn lên; biết ngồi chèo nghẻo trên chiếc xe đạp mà chờ ai đó theo tiếng gọi của con tim, mà khi người ấy đến thì bạn như con gà nuốt dây thun. Cây cầu ván bình thường như hơi thở nhưng làm bạn của bạn đỏ mặt khi thấy con gà nuốt dây thun chờ đợi mình, bấy giờ bạn ấy mới có ý thức mình là con gái.

Những cây cầu, những chiếc cầu ở nơi thôn dã thường gắn liền với ký ức dân quê, những chuyện hẹn hò chân quê nào chả cần lãng mạn một chút, thoáng đãng một chút… thì cây cầu là nơi thích hợp về không gian, trữ tình với phong thủy. Hay thậm chí những khi buồn bực trong lòng, người ta cũng thả bộ, đạp xe ra chiếc cầu quen thuộc để có không gian thoáng đãng hơn, làm cho tâm tư vơi đi những muộn phiền. Những lúc buồn tênh tự đáy lòng, người thả hoài niệm về những cây cầu tuổi nhỏ, cảm giác lần đầu nắm tay cô bạn học sẽ xua tan hết đời phiền…

Như hôm nay thức dậy với nắng chói chan. Một ngày nghỉ hiếm hoi trong đời bất tận những lo toan. Tôi ngồi nhâm nhi giấc mơ đêm qua còn lưu luyến trong lòng về người bạn nhỏ có bàn tay lạnh ngắt. Ôi một mùa hè cổ tích sống lại với người bạn trắng xanh như tàu lá chuối thiếu nắng, người như chiếc lá thu bay, chỉ đôi mắt là linh hồn mở cửa, đôi mắt ấp lẫm dung thứ, và tình yêu thầm lặng đến muôn đời.

Lòng riêng, niềm nhớ những cây cầu ở quê xa, những người bạn nhỏ nên tôi xem lại phim “Những cây cầu ở Madison”. Cốt truyện từ cuốn tiểu thuyết The Bridges of Madison County (Những cây cầu ở quận Madison) của tác giả Robert James Waller ra đời năm 1992, và trở thành quyển sách ăn khách ở Mỹ. Ba năm sau, tiểu thuyết này được dựng phim.

Phim nói về những năm 1960 ở miền quê Iowa. Vai nữ Francesca đang sống bình yên trong gia đình nhỏ, cô chỉ biết bếp núc và nhìn ngắm những đứa con lớn lên. Trong khi Robert Kincaid là một nhiếp ảnh gia tự do, ông đang thực hiện bộ sưu tập các bức ảnh chụp những chiếc cầu.

Họ gặp nhau vào một ngày mùa hè tháng tám. Robert dừng xe trước cổng nhà Francesca để hỏi đường đến cây cầu có mái che nổi tiếng thuộc quận Madison. Từ đó, hai người bước vào định mệnh. Từ 198 trang tiểu thuyết chuyển thể thành 135 phút phim, tiếng nhạc dở òm thời đó trên radio, tiếng côn trùng mùa hè, tiếng chó sủa ban trưa yên tĩnh, những ruộng bắp xác xơ dưới nắng tháng tám cho đến những con đường bụi tung mịt mù… gợi nhớ biết bao nhiêu quê nhà cũng oi ả nắng. Không biết đôi mắt là linh hồn mở cửa có còn ấp lẫm dung thứ cho một gã đi hoang từ độ…

Vai nữ chánh là một phụ nữ nhỏ bé với căn bếp quen thuộc, cuộc đời bà là những bữa ăn cho chồng con, công việc nhà liên tu bất tận từ ngày này sang ngày khác. Cuộc sống tẻ nhạt trong riêng tư thầm kín đã được nữ tài tử Meryl Streep hoá thân thành người đàn bà cô đơn Francesca ngay trong gia đình mình đã làm người xem xúc động. Với mái tóc củ hành búi gọn phía sau, những bộ váy nhạt màu cũ kỹ, nhưng ánh mắt bao dung, đôn hậu. Người đàn bà cô đơn ngay trong gia đình của bà là hiện thực xã hội Mỹ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Những khát khao thầm kín trong tim người phụ nữ luôn bị những ràng buộc xã hội ngăn trở.

Đạo diễn kiêm vai chánh Clint Eastwood vào vai nhiếp ảnh gia Robert đã nghe được tiếng lòng của người đàn bà tội nghiệp Francesca. Hai người ngồi bên nhau trong xe, những cảm xúc phát tiết tự nhiên làm cho những nếp nhăn trên gương mặt Francesca và Robert giãn ra, đưa họ về tuổi trẻ đã xa… Meryl Streep mong manh và ngọt ngào ở tuổi gương mặt đã hằn vết chân chim, Clint Eastwood vốn phong trần, nhưng được giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn đã đưa Francesca về với nhữg ước mơ thầm kín trong người phụ nữ đã chọn lựa hy sinh cả đời cho chồng con…

The Bridges of Madison County cho thấy hai tư cách đàn ông đối lập, một người chồng luôn làm Francesca giật mình bởi những tiếng giập cửa, một người tình luôn biết cách xoay tay nắm nhẹ nhàng và khép cửa từ tốn…

Không gian của căn bếp nhỏ, những cánh đồng bao la ngập nắng… như nội tâm thương cảm của Francesca – người phụ nữ luôn cảm thấy cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Dù cô vẫn say sưa kể về vùng đất xinh đẹp nơi quê hương Ý Đại Lợi của cô; cô vẫn khao khát những chuyến đi, vẫn muốn yêu và được yêu như thời con gái. Nhưng mặt khác, căn bếp nhỏ và những đứa con vẫn níu chân cô lại nơi đây. Bốn ngày ngắn ngủi, chồng con đi chơi xa trong mùa hè, cũng là bốn ngày người nhiếp ảnh gia định mệnh xuất hiện đã khiến người mẹ khả kính của hai con, người vợ hiền ray rứt với hạnh phúc và trách nhiệm. Bà phải chọn cuộc sống với giấc mơ thời thiếu nữ là tận hưởng tình yêu hay hy sinh bản thân để làm tròn trách nhiệm người mẹ, người vợ với gia đình? Đã có lúc tình yêu đối với Robert đủ mãnh liệt khiến Francesca nghĩ rằng cô sẽ theo anh. Nhưng sau cùng, bản năng đàn bà với thiên chức làm mẹ và ý thức về danh dự cá nhân giữa một xã hội định kiến trong cô đã chiến thắng. Dẫn đến cuộc chia tay của mối tình vụng trộm, ngắn ngủi chỉ còn ánh mắt vài giây nhìn nhau khi hai chiếc xe chờ đèn đỏ dưới cơn mưa. Không một lời từ biệt hay hứa hẹn nào được nói ra. Nên mối tình muộn màng ấy không có kết thúc! -Ngôn ngữ điện ảnh tùy người cảm nhận nên riêng tôi nghĩ thế.

Phim đã kể lại câu chuyện tình éo le của Robert và Francesca. Nàng là người vợ, người mẹ kiên tâm nhẫn nhịn trong một gia đình. Chỉ tình yêu thầm kín và khao khát tự do trong trái tim nhỏ bé của người đàn bà quê mùa đã vĩnh viễn thuộc về người tình thoáng qua trong đời…

Đâu đó trên văn đàn có người phóng tác sau khi xem phim “Những chiếc cầu ở Madison”. Diễn tả hai người con có mẹ già vừa qua đời. Trước khi an táng người quá cố, họ đã nhờ một luật sư đọc lại chúc thư của bà.
Trong chúc thư, người mẹ già xin được hoả táng và tro của bà được rắc trên một chiếc cầu gần nhà. Ðể giải thích cho ước muốn của mình, người quá cố yêu cầu hai người con đọc lại cuốn nhật ký và xem những hình ảnh mà bà đã ấp ủ bao nhiêu năm qua.

Hai người con lật từng trang nhật ký của mẹ để thấm thía ân tình, họ biết một sự thật khiến họ không khỏi đau lòng. Ðó là người mẹ yêu qúy và khả kính của họ đã có lần ngoại tình với một nhiếp ảnh gia trong lần người cha và hai đứa con đi chơi xa vào mùa hè. Tình cờ có một nhiếp ảnh gia dừng xe lại trước cửa nhà và hỏi thăm về một chiếc cầu nổi tiếng trong vùng.
Người đàn bà suốt đời chỉ biết căn bếp nhỏ và phục vụ chồng con. Bà không hề nhận được một sự cảm thông và biết ơn nào hết. Người chồng tuy có yêu thương vợ con nhưng lại ít nói, vụng về, còn hai đứa con cũng chẳng suy nghĩ gì về người mẹ đầu tắt mặt tối. Và người nhiếp ảnh gia đã đến thật đúng lúc để khơi dậy ước muốn được tự do, phiêu lưu…, thoát ra khỏi cuộc sống đơn điệu buồn tẻ này.
Người đàn bà đã gặp nơi người nhiếp ảnh mẫu người đàn ông mà bà hằng mong ước, đó là một người đàn ông đa tình, cảm thông, biết nói chuyện, biết chiều chuộng. Bốn ngày đi vắng của chồng con là bốn ngày tuyệt vời, nhưng cũng là những ngày đay nghiến nội tâm người đàn bà tội nghiệp. Ðã có lúc người đàn bà muốn cuốn gói ra đi với người tình nhưng nghĩ đến chồng con bà đã gạt nước mắt để ở lại nhà. Cùng với những tấm ảnh mà người nhiếp ảnh gia đã chụp cho bà trên chiếc cầu, người đàn bà cất giữ tất cả những kỷ niệm ấy cho đến hơi thở cuối cùng.
Với tôi, sự kính phục một người phụ nữ dám cho con mình hay rằng mình đã từng ngoại tình làm ly cà phê cạn. Cạn để phục bà không giấu diếm lỗi lầm của bản thân với hai người con, người mẹ chỉ muốn nói lên sự hy sinh của bà cho gia đình; là hình ảnh chung cho những người phụ nữ cùng thời luôn phải sống với ước mơ thầm kín vì đời thường không thuộc về họ trong xã hội nam nữ chưa bình quyền.

Một sáng rảnh đến có thời gian ngồi xem phim cũ. Nhưng những vấn đề xã hội thì dường như vẫn vậy đến hôm nay! Xã hội Mỹ không văn minh thì ở đâu trên địa cầu là văn minh? Dường như văn minh chỉ phụ thuộc một phần vào tổng sản lượng quốc gia; cái cốt lõi của văn minh thuộc về ai dám từ bỏ lòng ích kỷ và sự phân biệt.
Lỗi lầm trong cuộc sống thì ai chả từng kinh qua và còn lại biết bao kinh nghiệm. Nhưng phim “Những chiếc cầu ở Madison” lại như cố gắng cho thấy sự lỗi lầm trong hiện tại lại là khởi đầu của một tương lai mới nhiều lạc quan. Lỗi lầm của người đàn bà không có ai nói nhưng người xem thấy rõ sự trắng án qua những sự hy sinh âm thầm của bà, lỗi lầm chỉ khơi dậy lòng cảm thông của người xem phim.

Thông điệp gì gởi gắm cho người thưởng ngoạn? Phải chăng, nhìn lại quá khứ lỗi lầm của bản thân hay của người khác với sự cảm thông, lòng tha thứ , và tinh thần lạc quan, mới là cái nhìn hữu ích cho mỗi người còn đủ sức đối phó cuộc sống hằng ngày. Sao chúng ta cứ mở mắt định kiến ngày càng to để mù lòa nhân bản?

 

Phan

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

Bài Mới Nhất
Search