T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Tự: Ở nơi chỗ không có gì vui

 fent__1348582256_hospital_drawings1

                                    Ảnh (The Hospital Drawing – British Art Research School)

   tạp văn

(bản tường trình của một gã bệnh nhân)

Cứ như thông thường, có những nơi chỗ mà chỉ cần nghe nói đến tên là ai cũng biết ngay rằng ở đó không thể có điều gì vui được. MD Anderson Cancer Center trong khu Texas Medical Center gần downtown Houston là một nơi chỗ như thế. Nơi đây được biết đến như là một Trung tâm chuyên khoa ung thư nổi tiếng.Vì vậy, cho dù ngay tại mấy chữ ám ảnh quen thuộc ấy, đã có một nét gạch bỏ đậm nét mầu đỏ chạy ngang qua chữ Cancer, và bên trên lại có thêm dòng chữ The University of Texas, chắc cũng chẳng làm giảm nhẹ được bao nhiêu những nỗi ưu tư và suy nghĩ cho mỗi một người nào đó khi đặt chân đến nơi này. Tôi cũng không phải là ngoại lệ, mặc dầu đã biết trước khá rõ đôi chút về trường hợp căn bệnh chưa đến nỗi nào của mình.

Chẳng hiểu là do một linh tính ngẫu nhiên hay thứ dự cảm vu vơ nào đó mà những năm tháng trước đây, lúc còn làm việc tại một phòng khám bệnh dưới vùng Southwest, tôi đã nhiều lần đi về qua nơi này, mỗi khi đến một đơn vị y tế của thành phố nằm gần đó để nhận vaccines_ và đôi lần, bất chợt tôi đã thoáng thầm nghĩ, biết đâu không chừng cũng có ngày mình sẽ phải bước vào cái khu tòa nhà sừng sững hàng chục tầng lầu, có bờ vách tường mầu nâu nhạt chạy dài, bao quanh những ô cửa kính xám ngoét, u trầm với thời gian kia. Và thế rồi điều đó đã xẩy đến với tôi thật.

Mà không phải tôi đến đây chỉ một lần thoáng qua vào năm ngoái, nhưng là nhiều lần liên tiếp và liên tục nữa, sau khoảng cách cũng tròn năm, kể từ cái lần thứ nhất ấy, để có lần nhớ đời nơi lần này đây.

Lần này đây là vào đầu tháng 9 mới rồi, sau nhiều lần lui tới từ một hai tháng trước  để làm Lab thử máu, chụp CT Scan, X ray Chest, làm điện tâm đồ, gặp các bác sĩ tư vấn…, theo như lịch hẹn_ không nhớ đã là lần thứ mấy, tôi có thêm lần nữa trở lại MD Anderson Cancer Center để được tiến hành các chuẩn bị cuối cùng cho ca phẫu thuật cắt bỏ cái chân khối u, mà theo chẩn đoán ban đầu, nằm nơi vùng Gan trái, gần với Dạ dầy, bệnh danh là Gastrointestinal Stromal Tumor (GIST)_ đã được phát giác ra từ tháng Năm năm ngoái khi tôi đi cấp cứu tại bệnh viện Memorial Southwest. Bệnh trạng này cũng được coi là một thứ cancer trong danh mục liệt kê hàng trăm thứ cancer, nhưng là trường hợp nhẹ nhàng thôi, không thuộc những loại nguy hiểm quen thuộc thường thấy.

Cho đến nay, khối u có dấu hiệu bắt đầu chựng lại rồi, không còn giảm nhỏ đi thêm nữa, sau hơn một năm uống thuốc điều trị và chụp CT Scan theo dõi mỗi ba tháng. Và đã đến lúc phải cắt bỏ tận gốc phần còn lại theo chỉ định của bác sĩ.

Mọi việc những tưởng sẽ suôn sẻ đơn giản như cái diễn tiến mà tôi đã được hướng dẫn tường tận khi bắt đầu việc chữa trị. Có nghĩa là với loại thuốc đặc trị Gleevec Imatinib 400 mg uống mỗi ngày, mà bác sĩ đã chọn cho tôi và đem lại kết quả hiệu nghiệm, khối u sẽ nhỏ dần đi rồi đến một lúc nào đó nó sẽ chững lại như lúc này đây, chỉ còn việc mổ để cắt bỏ nốt cái gốc chân là coi như xong mọi sự. Mà tuần tự cứ như thế thật cho đến khi…

Lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế các trường hợp bệnh lý cũng như các phương tiện nghiên cứu khảo sát, cách riêng về ung thư, dù có nhiều tiến bộ, vẫn còn đó những giới hạn. Làm sao biết được thật chi li chính xác tất cả chi tiết của bệnh tật, cho dù đã theo dõi từ đầu và ngăn chống thực sự hiệu quả phần nào như ý muốn_ trong trường hợp của nhiều thứ khối u, như của tôi đây, nó xuất hiện rồi biến hóa thế này thế nọ ở nơi này chỗ kia.

Có lẽ sự xuất hiện của một khối u ở nơi chỗ nào đó trong các bộ phận của cơ thể con người, cũng giống như việc mấy cái nhà anh du kích Cộng sản, chỉ chuyên lén lút rình mò để đắp đủ thứ loại mô trên khắp các trục lộ giao thông, gây khó khăn và làm khốn khổ biết bao con người thời chiến tranh bên quê nhà trước đây vậy mà.

Giai đoạn khởi phát, cái khối u của tôi được định dạng size 15 trong báo cáo bệnh án và kích thước có các con số 17.3 (TV) x 13.9 cm (AP) ghi trong kết quả chụp CT Scan lần đầu tiên tháng 6/2015.Tôi cũng không hiểu rõ về cách thức đo đạc tính toán chuyên môn, nhưng biết được sự suy giảm dần dần của nó qua kết quả mỗi lần CT Scan. Lần chụp kế tiếp sau sáu tháng xuống còn 8.7 x 8.1cm, rồi 7.1 x 6.3cm và tiếp tục chụp thì vẫn dừng lại nơi con số này, nên trường hợp của tôi được bác sĩ trực tiếp điều trị chuyển đến MD Anderson Cancer Center để tính toán việc phẫu thuật.

Ai cũng biết rằng để được nơi này tiếp nhận, cũng giống như tại các đơn vị y khoa, y tế khác, không phải là điều đơn giản, vì còn tùy thuộc vào loại bảo hiểm mà người bệnh có được. Có lẽ tôi là trường hợp ăn may nhờ thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Bước chân đến Hoa Kỳ muộn màng vào cuối năm 2006, trên một trong những chuyến tầu vét của chương trình quen gọi là H.O, được mở lại thêm một lần nữa nơi thời gian ấy. Trai trẻ bao năm mà đầu sắp bạc, tự biết mình tài cán chẳng có gì, dở thầy dở thợ, nên vẫn luôn an nhiên bằng lòng với công việc làm nho nhoi đơn sơ sinh kế qua buổi, lương tháng thì chỉ ba cọc ba đồng, vừa vặn hàng ngày dùng đủ_ và cũng chẳng có một thứ bảo hiểm sức khỏe nào để phòng thân. Cũng được một thời gian khá dài lâu, nhưng chưa kịp (và chẳng khi nào còn có thể kịp) thành công thì đã thành già, cho nên chương trình Medicare và Medicaid của chính phủ đã giúp chi trả cho mọi thứ ở mọi nơi, mỗi khi ốm đau bệnh tật, thuốc men, đi đến bác sĩ, ra vào nhà thương…, chứ không thì phen này có mà…Tôi đã nhẩm tính, chỉ riêng tiền thuốc hơn một năm qua, chưa kể đến các loại chi phí khác như những lần làm Lab, khám bác sĩ định kỳ, chụp CT Scan…, cũng đã tròm trèm gần hai trăm ngàn. Loại thuốc đặc trị này có giá $12,268.39 cho một vỉ 30 viên và liều dùng của tôi là một viên mỗi ngày, đã gần hết vỉ thứ mười sáu rồi.

Tôi vẫn còn nhớ khi vào bệnh viện Memorial Southwest năm ngoái, thoạt đầu tiên các bác sĩ chẩn đoán có thể tôi đã bị nhiễm trùng bởi một thứ virus nào đó. Cả tháng sau, qua những xét nghiệm máu rồi làm biopsy, mới kết luận bệnh trạng là Gastrointestinal Stromal Tumor và chuyển tôi sang cho bác sĩ Ceasar K. Tin-U (người Miến Điện) khoa Oncology thuộc Trung tâm Texas Oncology dưới Sugar Land để chính thức bắt đầu tiến trình điều trị. Ông này là một trong những bác sĩ đã cùng hội chẩn bệnh trạng của tôi trong bệnh viện.

Cô con gái út lo lắng cho tình trạng của bố nên đã liên lạc tiếp xúc với MD Anderson Cancer Center để xin được có thêm ý kiến của bác sĩ nơi này. MD Anderson chấp nhận Medicare và Medicaid của tôi.Và thế rồi cùng lúc với việc bắt đầu dùng thuốc đặc trị Gleevec theo chỉ định của bác sĩ Tin-U, tôi được bác sĩ Shreyaskuma R. Patel (có lẽ người Ấn Độ thì phải) của Sarcoma Medical Oncology Center thuộc MD Anderson Cancer Center cho một cuộc hẹn gặp. Nghiên cứu hồ sơ bệnh án, ông cho biết hướng điều trị dùng thuốc mà ông bác sĩ áp dụng với tôi là phù hợp, không có vấn đề gì. Ông nói tôi có thể chọn việc điều trị luôn tại đây hay trở về bác sĩ cũ là tùy ý. Tôi không phải là người thấy trăng phụ đèn, có bát sứ tình phụ bát đàn nên xin được về lại bác sĩ cũ. Ông vui vẻ chia tay chào hẹn gặp lại và nói sau này, trường hợp của tôi rồi ra cũng sẽ được chuyển về đây để giải quyết giai đoạn cuối là phẫu thuật cắt bỏ cái phần gốc khối u còn lại.

Thế là khoảng một năm sau, chính vào thời gian này đây, tôi đã quay trở lại Sarcoma Center của MD Anderson Cancer Center như thế đấy. Nơi này chuyên về hệ thống tiêu hóa và là một trong những  khoa bệnh thuộc Trung tâm Y khoa chuyên ngành Ung thư mệnh danh nổi tiếng nhất Hoa Kỳ. Dù đã từng đến đây rồi nhưng tôi vẫn thấy choáng ngợp trước sự đồ sộ và quy mô của MD Anderson. Dọc theo các hành lang dài thẳng tắp sâu hun hút, thỉnh thoảng lại gặp một ngã ba quanh co dẫn đến các khoa phòng hay khu vực khác nhau, lúc nào cũng tấp nập người qua lại như đang trên một con phố. Phải thật chú ý nhìn các mũi tên hướng dẫn vị trí các nơi chỗ trên bờ tường mỗi khúc quanh, theo các chi tiết được ghi trong giấy hẹn, tầng lầu mang số mấy và nằm gần khu vực cầu thang máy nào, mới dễ dàng tìm ra nơi chỗ mình muốn đến. Bố con tôi đã có hơn một lần đi lạc rồi. Chỉ riêng tòa nhà chính này, liên quan đến các loại bệnh ung thư, cùng các hoạt động phụ trợ, hình như có đến mười tầng lầu và sáu bẩy vị trí cầu thang máy thì phải. Đấy là chưa kể đến cái hành lang trên cao dẫn sang khu tòa nhà kế cận, và rất nhiều tòa nhà nằm biệt lập chung quanh nữa, cũng thuộc MD Anderson Cancer Center mà tôi không biết được về các hoạt động bên ấy.

Sau ngày trở lại lần đầu chỉ để làm Lab rồi chụp CT Scan.Trong mấy tuần lễ kế tiếp, tôi gặp lại bác sĩ Shreyaskuma R. Patel. Ông nói cho biết tổng quát về bệnh trạng và diễn tiến công việc tiếp theo, cùng các chỉ định cần thiết của tôi tại đây, rồi không quên nhắc tôi nhớ tăng cường thêm việc tập thể dục hàng ngày để đủ sức khỏe chuẩn bị cho ca mổ sắp tới.

Tôi cũng đã lỗ mỗ mầy mò tìm hiểu tí tỉnh trên mạng, và cứ ngây thơ cụ mà ngỡ đoán rồi tưởng rằng mình sẽ được mổ theo phương pháp “keyhole” (laparoscopic), đại khái là bác sĩ sẽ chọc mổ một đường ống xuyên qua da thịt vào khu vực có khối u, rồi dùng những dụng cụ mổ xẻ chuyên biệt để cắt bỏ và lấy nó ra. Rõ thật bé cái lầm, trứng lại đòi khôn hơn gà, có đâu mà đơn giản và dễ dàng đến thế. Phương pháp mổ đó chỉ áp dụng cho những loại u nhỏ, nằm ở một vị trí nào đó, mà khái niệm và xác định sự to nhỏ hay vị trí khu trú của khối u, không phải là việc của một ông bệnh nhân già ấm ớ như tôi.

Tất cả suy nghĩ cũng như tưởng tượng của tôi đều bị đảo ngược và bắt đầu hơi quay cuồng ngay ngày hôm sau khi đến gặp bác sĩ Christina L. Roland để được tiếp tục tư vấn. Bác sĩ này cũng là người sẽ phụ trách phẫu thuật chính trong ca mổ cho tôi. Khi người bác sĩ phụ tá vào phòng khám trước để rà soát hồ sơ, rồi nói qua về bệnh trạng của tôi và giới thiệu vị bác sĩ mà tôi sắp gặp này, như là một chuyên gia giải phẫu giỏi và mát tay của Trung tâm, tôi vẫn chưa có được một ý niệm nào cả trong chuyện mổ xẻ của mình. Tất cả chỉ bắt đầu liền sau đó không lâu…

Có tiếng gõ cửa phòng, rồi bác sĩ Roland với dáng vẻ thanh lịch bước vào bằng một tác phong nhanh nhẹn tươi vui. Sau khi mỉm cười bắt tay chào hỏi và ngồi xuống ghế, bà nói ngay là muốn biết về cảm tưởng cũng như cảm nghĩ của tôi lúc bước chân đến đây, trước khi bắt đầu câu chuyện liên quan đến việc mổ xẻ. Tôi nhìn thẳng vào người nữ bác sĩ trung niên ngồi đối diện, có đôi mắt trong xanh trên khuôn mặt thanh tú và mái tóc ngắn hoe vàng chải điệu đàng _và nói rất thật lòng rằng, tôi biết bệnh tật đến cùng với tuổi già là điều đương nhiên không thể nào tránh khỏi trong cuộc sống con người. Và khi gặp bệnh tật thì tìm đến thầy thuốc và đặt hoàn toàn mọi tin tưởng nơi thầy thuốc, cũng như sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi điều gì sẽ xẩy đến. Tôi cũng ngỏ ý rằng nếu có thể được, xin dời việc mổ này đến sang năm vì hoàn cảnh gia đình chỉ có ba người, vợ và con gái còn đang đi làm, có thể khó khăn trong việc lấy phép nghỉ_sau khi tôi mổ xong, không có người để lo việc chăm sóc ở nhà thời gian đầu.

Bác sĩ Roland tỏ ý thật vui với tâm trạng an nhiên bình thản của tôi và nói đó là điều rất cần thiết. Bà cho biết đây là thời điểm thuận lợi và thích hợp nhất rồi, không nên trì hoãn. Nếu cần, sau khi mổ xong và xuất viện, bà sẽ gửi tôi đến một Trung tâm Health Care, để khi nào sức khỏe bình thường thì về lại nhà, không là vấn đề phải lo lắng. Bà cũng nói ca mổ của tôi sẽ là một ca mổ lớn, nhưng cứ yên lòng vì tình trạng sức khỏe tinh thần và thể xác của tôi rất tốt. Như ngay lúc này đây, nhìn tôi không ai có thể nghĩ là một người đang có bệnh trong người. Bác sĩ nội khoa mà tôi cũng đã gặp một lần trước vừa mới rồi, cho biết các chỉ số cơ thể đều an toàn. Cũng sẽ phải mời thêm sự cộng tác của các bác sĩ khác nữa cho ca mổ vì có thể có đôi chút phức tạp nơi vị trí của khối u. Tất cả các bác sĩ sẽ vận dụng hết mọi khả năng và cố gắng trong trường hợp của tôi. Mọi việc cần thiết tiếp theo sẽ được hướng dẫn cụ thể lần lượt từng phần một.

Thế là tôi bỗng hơi phát hoảng rồi đâm ra hoang mang, không biết điều gì đang đến với mình nữa đây. Tôi cũng không hỏi thế nào là một ca mổ lớn và nghĩ rằng vấn đề này thuộc về chuyện chuyên môn. Nhưng rồi thây kệ, muốn tới đâu thì tới và có thể làm gì hơn trong trường hợp này. Một nỗi ám ảnh chập chờn nào đó chưa rõ nét bắt đầu lởn vởn trong đầu từng ngày đêm ngay từ hôm ấy.

Tôi cố gắng ngụy trang bằng vẻ mặt bình thản, nhưng trong lòng thì luôn là những cơn sóng dữ ùa về không ngừng nghỉ.

Gần một tháng sau, trước ngày mổ vài ngày và một ngày trước hôm gặp các bác sĩ phẫu thuật lần cuối, tôi lại được gửi đi làm Lab và chụp CT Scan để các bác sĩ có được những thông tin cần thiết mới nhất.

Rồi buổi sáng hôm ấy, tôi ngồi trong một phòng khám thuộc một khoa khác nơi tầng lầu 7 để chờ được gặp thêm bác sĩ Vauthey ghi trong giấy hẹn. Cũng một cách thức như các lần đến gặp bác sĩ ở đây, người bác sĩ phụ tá vào trước, mở computer, đồng thời nói qua về diễn tiến bệnh trạng của tôi, rồi dừng màn hình đang nhấp nháy chuyển động, thể hiện hình ảnh vị trí và khu vực khối u để bắt đầu giải thích cho tôi cặn kẽ mọi điều liên quan đến ca mổ. Thì ra là như thế và tôi hiểu được mọi chuyện. Một vấn đề mà từ trước đến nay chưa bao giờ có lúc đặt ra nhưng bây giờ trở thành điều rất quan trọng.

Đó là qua phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng các ảnh chụp, các bác sĩ không xác quyết rõ ràng được về vị trí và cách bám, độ bám của cái chân khối u. Chỉ thấy đại thể rằng nó tiếp giáp sát với bên gan trái và dạ dầy, lại còn phần tụy tạng nằm bên dưới sau dạ dầy nữa, có bị dính bám gì chăng, không thể nhận dạng trọn vẹn vì khuất quá. Nói theo ngôn ngữ địa lý lãnh thổ thì nó nằm ngay vùng ba biên giới. Phải đợi đến lúc mổ ra và căn cứ vào tình trạng thực tế mới biết rõ để tính toán cụ thể. Khi ấy, các bác sĩ có mặt sẽ giải quyết trực tiếp vấn đề ngay lập tức. Sự tham dự của bác sĩ Vauthey chuyên khoa gan & tụy tạng này trong ca mổ cho tôi bên cạnh bác sĩ Roland, và ca mổ gọi là ca mổ lớn là như thế đấy. Nếu chân khối u ăn vào phần nào của gan hay dạ dầy thì sẽ cắt tách bỏ phần đó, không có gì quan trọng vì nhiều người phải cắt bỏ một phần gan hay dạ dầy là chuyện thường tình. Điều lo ngại nhất là nếu nó dính dáng đến tụy tạng thì diễn biến có thể sẽ phức tạp hơn, chưa nói trước được gì cả.

Tôi nhớ ngay ra rằng đã có những người quen biết vất vả thế nào vì gặp vấn đề liên quan đến tụy tạng. Người thì đau đớn rồi ra đi thật nhanh chóng chỉ sau vài tháng khi phát hiện ra bị ung thư tụy tạng. Người thì bị hành hạ vật vã quay cuồng với những đợt chemo kéo dài mà kết quả thì chẳng thấy tiến triển là bao.

Không lẽ rồi ra sẽ có một điều tệ hại nào đó xẩy đến và tôi trở thành gánh nặng cho gia đình hay sao. Một ý nghĩ tự nhiên như thế chợt xuất hiện rất nhanh trong đầu_ nhưng thôi, biết làm sao hơn được, cái gì phải đến thì sẽ đến vậy mà.

Như một thủ tục thông thường cần thiết, tôi đã ký vào bản cam kết chấp nhận về mọi vấn đề có thể xẩy đến từ ca mổ, có lẽ hơn mười điều chuyện thì phải. Từ việc sẽ mất máu, nhiễm trùng cho đến việc sẽ gây thương tổn đến các bộ phận cơ thể cận kề, ảnh hưởng đến túi mật, gan, hệ thống tiêu hóa, đường máu, nghẽn mạch…, hoặc có thể tử vong.

Người bác sĩ phụ tá đi ra khỏi phòng, cánh cửa khép lại thật nhẹ nhàng nhưng cũng làm tôi giật mình thảng thốt.

Tôi ngồi lặng người và trong lúc chờ đợi, cầm đọc business card của ông bác sĩ sẽ gặp lát nữa đây mà người bác sĩ phụ tá đã đưa trước đó.

Jean-Nicolas Vauthey, MD, FACS

Bessie McGoldrick Professor in Clinical Cancer Research

Chief, Hepato-Pancreato-Biliary Section

Department of Surgical Oncology

Không lâu sau, một ông bác sĩ cũng đã có tuổi nhưng rất quắc thước, dáng người cao to mạnh mẽ, nhanh nhẹn mở cửa bước vào. Ông vui vẻ giới thiệu và ôn tồn chuyện trò hồi lâu, rồi muốn biết tôi có còn thắc mắc và cần hỏi thêm điều gì về các nội dung mà người phụ tá của ông đã trình bầy. Ông trấn an tôi rằng cứ yên tâm vì bác sĩ phẫu thuật chính Roland rất giỏi và nhiều kinh nghiệm.Trước khi chào tạm biệt, ông nhắc cô y tá chích vaccines ngừa nhiễm trùng phổi cho tôi vì thời gian mấy năm qua tôi chưa được chích loại này.

Tôi tiếp tục đi lên lầu trên để gặp bác sĩ Roland lần nữa. Bà tươi cười chào hỏi và nói tôi đã sẵn sàng tất cả chưa. Tôi đáp không còn vấn đề gì với tôi. Bà thông báo về ngày giờ của ca mổ vào tuần tới và hẹn gặp lại. Bà cũng không quên nói là sau khi mổ để cắt bỏ xong, sẽ gửi cái chân khối u đi xét nghiệm xem sao và tôi cũng được thông báo về kết quả.

Như vậy tôi còn được hơn ba ngày nữa là sẽ lên bàn mổ để đối diện với chuyện dao thớt, đánh đụng thân thể mình rồi đây.

Xong xuôi, còn một việc sau chót là gặp bác sĩ khoa gây mê ở tầng lầu bên dưới. Tại đây, tôi được hỏi han kỹ lưỡng về tình trạng sức khỏe trong quá khứ mỗi lần đi bệnh viện có liên quan đến mổ xẻ, gây mê _ cùng các thói quen, sinh hoạt ăn uống bài tiết thường ngày_ được hướng dẫn và dặn dò cẩn thận về những điều chuẩn bị cuối cùng như việc ăn uống, súc rửa đường tiêu hóa, vệ sinh thân thể…giờ uống mấy viên thuốc trụ sinh đã được ghi toa, trong buổi tối và đêm trước ngày mổ.

Tôi ra về với xấp giấy tờ tài liệu ghi cặn kẽ và đầy đủ nội dung các hướng dẫn, lời dặn đã nghe trình bầy trong thời gian gặp bác sĩ gây mê này, cùng mọi chi tiết liên quan đến ngày giờ, vị trí khu vực phòng mổ .

Tất cả mọi điều chuyện thật chu đáo và hoàn hảo. Ở đây đã không hề có sự để ý đến thành phần của người bệnh mà chỉ thận trọng chú tâm duy nhất về bệnh trạng của bệnh nhân mà thôi.

*

Dù quãng đường từ nơi tôi ở đến MD Anderson chỉ khoảng hơn 10 miles, nhưng sau khi bàn tính, cả nhà đã chọn cách lấy một phòng trọ gần sát bên Texas Medical Center để thuận tiện hơn, vì giờ hẹn phải có mặt tại phòng mổ rất sớm. Cũng là có nơi chỗ để mọi người luân phiên thay nhau về nghỉ ngơi trong thời gian tôi còn nằm lại sau khi mổ xong. Như thể thiết lập căn cứ cho bộ chỉ huy tiền phương của một chiến dịch hành quân vậy mà. Cả nhà chúng tôi sẽ dọn đến đó vào tối hôm trước để sáng sớm hôm sau khởi hành đi sang MD Anderson cho đỡ cập rập.

Cứ như chuẩn bị cho một chuyến du lịch xa, vợ chồng con cái lụi hụi lo sắp xếp hành trang cá nhân, món này thứ nọ, bao này túi kia…và nỗi lo nghĩ riêng tư thì chẳng biết để vào đâu nên thỉnh thoảng nhìn nhau cười mà ánh mắt luôn ẩn dấu một điều gì đó thật xa xăm vời vợi.

Nhớ ra, tôi gửi vài dòng email cho ông bạn thân thiết mà tôi vẫn thường hay lui tới và nói sắp sửa đi vê kê sân nên vắng mặt ít ngày là như vậy đấy.

Ngay sau Thánh lễ Chủ nhật cuối tuần hôm trước, tôi đã xin được Xức dầu. Một sự chuẩn bị tâm linh cần thiết trong đời sống con nhà đạo. Nhỡ ra Chúa thương gọi về thì khi ra trước tòa phán xét, còn có cơ may được hưởng sự giảm khinh về các tội lỗi đã phạm làm mất lòng Chúa nơi tháng ngày trần gian.

Tôi nhận được những lời cầu chúc an lành từ vị linh mục Chánh xứ và linh mục đồng tế mà tôi cũng có quen biết, cùng nhiều người thân quen trong cộng đoàn họ đạo. Thật cảm động về những thương mến chân tình này.

Tin tức về bối cảnh bệnh trạng và lần phải đi mổ này của tôi tại một nơi chỗ như MD Anderson Cancer Center, dễ gợi ra trong tâm cảm mọi người thân yêu và bạn hữu thân tình đây đó một điều gì đấy, có chất chứa bàng bạc nỗi bất an lo sợ dịu dàng dùm cho tôi, nhưng điều đó không thể nào nhận diện hay gọi tên rõ ràng.

Vào buổi tối cuối tôi còn ở nhà, qua màn hình điện thoại, từ xóm nhỏ Bầu Cát vùng ngã tư Bẩy Hiền bên quê nhà, hai cô cháu ngoại tuổi đang lớn cứ liến thoắng chuyện trò và liên hồi đưa cao tay động viên ông ngoại cố lên, như thể ông cháu đang trong một Game Show nào đó không bằng. Còn cô cháu nội gái ở ven bờ kinh Nhiêu Lộc Phú Nhuận thì tuổi nhỏ hơn, vốn đã ít nói, chỉ lí nhí ngập ngừng câu được câu mất vì xúc động. Tôi đọc được trong đôi mắt trẻ thơ của cháu tôi như có một nỗi buồn lo nào đó. Lòng già bỗng dưng chùng xuống, quặn thắt và bâng khuâng quá đỗi. Cả tâm tình của bố mẹ các chúng nữa, tôi đã cảm nhận được thật trọn vẹn chứ. Tôi biết mình vẫn còn nợ con cháu một lần về thăm, cách xa đằng đẵng thoắt vèo cũng mười năm trời rồi. Sao không có một chuyện gì vui từ nơi tôi cho con cháu, cho gia đình mà lại là cái điều đem đến sự lo âu như thế này vậy nhỉ. Tôi đã tự hỏi rồi bâng quơ trách thầm mình như vậy trong tiếng thở dài buông xuôi thật khẽ.

Mấy người bạn ở gần tạt qua đùa vui chuyện gẫu để trấn an và mong tôi giữ vững tinh thần. Anh chị em và những người bạn từ các nơi xa cũng điện thoại thăm hỏi, chia sẻ nỗi thấp thỏm âu lo rồi ân cần nói lời Good luck chân tình.

Xin cám ơn tất cả những yêu thương trìu mến tràn đầy đã ứ nghẹn trong tôi nơi mấy ngày thật đáng nhớ ấy.

*

Rồi ngày hẹn đã đến, khi thành phố còn trong giấc ngủ, cả nhà tôi đã có mặt tại MD Anderson Cancer Center rất sớm. Bà chị cả tôi, tuổi gần tám mươi, cũng tất tả từ nhà kịp chạy đến phòng trọ trước lúc chúng tôi khởi hành, để nhất định phải được cùng đi, vì mong muốn có thể chia sẻ, lo toan đỡ đần mọi điều chuyện cần thiết cho gia đình cậu em trai như đang bấn bíu, bởi vỏn vẹn chỉ có ba con người với nhau.

Tôi chợt mỉm cười nhớ lại đoạn văn tả về ngày đầu tiên đi học của Thanh Tịnh. Liên tưởng ví von một chút bởi cũng có đôi nét gì đó gần như tương tự đến thế với tôi lúc ấy. Từ khu vực cổng vào, rồi đến garage số10 gửi xe, lối đi tới thang máy lên hành lang dẫn vào khu tòa nhà chính, tôi đã từng qua lại nhiều lần quen thuộc trước đây, nhưng sao hôm nay hình như lại mang vẻ khác lạ xao xuyến quá, có lẽ bởi vì hôm nay là ngày tôi đi mổ.

Cái hành lang vốn đã dài sâu hun hút, tưởng chừng như dài thêm, xa thăm thẳm hơn với thứ ánh sáng yếu ớt mờ nhạt, hắt ra từ những chụp bóng đèn vàng nằm dọc theo bờ tường. Khác hẳn sự tấp nập đông đảo người qua lại mọi ngày trong giờ làm việc, chung quanh hoàn toàn là một khoảng không gian im vắng cô tịch đến lạnh lùng.

Chúng tôi lặng lẽ bước đi bên nhau không trao đổi chuyện trò gì. Vào thang máy lên thêm mấy tầng lầu nữa, rồi lại tiếp tục xuyên qua những hành lang cũng xa hút quanh co, mờ tối hiu hắt, mới đến khu vực phòng mổ để làm thủ tục check-in. Nhận xấp tài liệu hướng dẫn cho thân nhân trong ngày mổ và cả nhà ra ngồi nơi khu vực chờ đợi. Lác đác cũng có thêm vài gia đình cùng đi với người thân trong lịch mổ sớm hôm nay, ngồi rải rác gần quanh.

Bỗng dưng tôi thấy mình thật thanh thản nhẹ nhõm và quên mất luôn cả chuyện đang chờ đợi để bước vào ca mổ mà đã được báo trước là có thể có một điều gì đó.

Đã đến lúc người y tá gọi tên tôi và hướng dẫn đến khu vực chuẩn bị cho ca mổ. Vào trong phòng, tôi thay bộ quần áo mặc đi từ nhà bằng một cái váy choàng ngược của bệnh viện rồi khẽ nắm tay vợ con, nhìn chào tạm biệt và leo lên nằm trên giường để được đẩy đến phòng mổ.

Tôi không ngửi thấy mùi ê te hay alcool, hoặc mùi bông băng quen thuộc như ngày trước tại các bệnh viện bên nhà. Chung quanh thật tĩnh lặng trong sự nghiêm trang. Phòng mổ rất lớn, thoáng đãng và sáng choang ánh điện, có nhiều người đang im lặng cắm cúi chuẩn bị công việc ở góc này chỗ kia.Tôi được chuyển sang bàn mổ nơi giữa phòng và ngồi lên để người y tá chích thuốc tê vào xương sống sau lưng. Khi đặt mình nằm xuống, hình như sau đấy tôi chỉ vừa kịp xong lời cầu nguyện ngắn là thiếp mê đi rồi, không còn nhận biết gì ở quanh nữa.

*

Lúc tôi choàng tỉnh và mở mắt nhìn lên, thấy kim đồng hồ trên tường đang chỉ con số12:30, chắc là buổi trưa thôi. Có lẽ đây là phòng hậu phẫu hay hồi sức gì đó, im lặng tĩnh mịch trong thứ ánh sáng dịu nhạt hơi lành lạnh. Thân thể tôi thật rã rời quá, nằm thưỡn dài nặng nề như bất động trên mặt nệm. Nơi vách tường phía đầu giường có đặt mấy thứ máy móc y cụ hắt ra vài đốm sáng xanh nhẹ. Hai ống chân tôi được bó nẹp bằng đôi ghệt y khoa, nối với máy massage treo ở cuối thành giường, tạo ra từng cơn sóng rung, tuần tự luồn vỗ nhẹ êm và liên tục chạy đảo vờn, ngược lên ngược xuống không ngừng nghỉ. Hai bên cánh tay và cổ tay là hai đường ống nhựa nhỏ dài trong suốt có đấu nối với các đầu kim chích ghim sẵn vào da thịt, chạy dẫn lên mấy thứ túi dịch truyền to nhỏ các loại, treo lủng lẳng nơi các đầu móc bên trên cái giá inox cao nghễu nghện dựng ngay bên cạnh giường. Có lẽ mấy thứ này quen gọi là nước biển đây mà. Nhưng sao nhiều thế nhỉ, chắc một bên là nước biển Thái Bình Dương và bên kia Đại Tây Dương thì phải. Lại còn một đường ống nào nữa đó nằm ở sau lưng và vai, chạy ngược lên dụng cụ gì đấy treo cao phía bên trên đầu nên không nhìn thấy được. Nơi mũi, ngoài hai đầu ống trợ thở oxy, một bên mũi còn được gắn luồn cái ống dẫn nhỏ, chạy vào mãi sâu qua vùng hốc mũi và đến đâu ở dưới cổ họng không biết nữa, chắc dùng để hút chất thải bên trong ra. Bên dưới, lại còn một hệ thống khác giúp đưa nước thải tiêu thoát ra ngoài, chạy xuống bình chứa nhỏ, được treo móc cặp vào nơi mép thành giường, có lẽ cái đầu ống đã cắm xuyên vào tận hố ga chính của cơ thể không chừng.

Cảnh tượng tôi bấy giờ khác nào trong mấy bộ phim Hàn Quốc diễn tả đoạn nhân vật chính đang phải cấp cứu trong bệnh viện.Tôi thầm điểm đếm và cố đưa mắt nhìn từng thứ món đang quấn quýt vây quanh, nối bám vào các nơi chỗ trên người. Tôi cũng đã mấy lần lùa tay vào tận bên dưới lớp áo bệnh viện và cái mền mỏng để khẽ sờ nắn, rồi vuốt nhẹ dọc theo vết mổ nơi vùng bụng để ước tính độ dài. Có lẽ cũng phải hơn một gang tay, bắt đầu từ chỗ ức bên trên chạy xuống mãi phía dưới, vòng qua khu vực quảng trường dầu cù là một đoạn nữa mới hết. Vậy là vừa khai đao xong, bác sĩ đã đi luôn một đường dao freeway như vậy đấy. Hẳn chắc để có thế nhìn rõ chỗ chân khối u như đã dự tính.Tôi loáng thoáng nghĩ tới cảnh mổ lợn ở buổi hội làng trong tiểu thuyết đồng quê. Tôi cũng không biết được điều gì đã xẩy ra bên trong khoang ổ bụng mình. Sao chẳng thấy bông băng, thuốc đỏ, băng keo dán gì cả, chỉ là cái vệt vẩy dài sần sùi, lợn cợn thô nhám hơi cứng như một đường silicon đã khô. Tôi có nghe biết phẫu thuật bây giờ xử dụng những đường chỉ khâu tự hoại cho vết mổ theo cách kẹp ép gì đó, rồi phủ một loại keo dán đặc biệt để giữ chặt lại. Chắc là như thế này đây chăng.

Một cô y tá bước vào thăm chừng và mỉm cười chào hỏi rồi chúc mừng tôi đã hồi tỉnh. Chốc lát sau là bà xã và cô con gái út được phép vào thăm, đứng bên cạnh giường, nét mặt tươi vui. Tôi được nói cho biết ngay rằng đã không có một điều hệ trọng nào trong ca mổ. Cái chân khối u ẩn dấu đe dọa như ban đầu vì không nhận diện rõ ràng được, cuối cùng chỉ bám duy nhất vào phần mặt cong phía ngoài của dạ dầy và bác sĩ đã cắt bỏ dễ dàng. Nhân tiện sẵn dao thớt, có một nốt u sần vớ vẩn nho nhỏ nào đó léng phéng nằm gần cạnh, cũng được bác sĩ bonus xẻo ngoét đi luôn cho xong việc sổ sách. Trong kết quả một lần CT Scan sau cùng tôi có thấy ghi nhận về cái nốt u sần chưa định dạng này rồi.

Tôi cũng được nghe kể lại thời gian căng thẳng của gia đình ở phòng chờ đợi bên ngoài. Cô con gái út diễn tả về tâm trạng hoang mang hồi hộp khi trông thấy ông bác sĩ Vauthey, cũng đã biết là người trong ca mổ cho bố, cứ thỉnh thoảng lại thong thả ra vào, mà sao vẫn chỉ mặc áo blouse trắng như bình thường. Đang khi đó màn hình trên vách tường hiển thị ca mổ của bố vẫn còn tiếp tục tiến hành. Bà chị cả thì cũng thấp thỏm lo âu, đứng ngồi không yên. Rồi bà xã tôi xúc động kể thêm về lúc bác sĩ Roland bước ra gặp gia đình sau khi ca mổ kết thúc. Bà đã ôm chầm lấy hai mẹ con trong vòng tay dang rộng, lớn tiếng reo mừng thật vui như thể nỗi hạnh phúc òa vỡ này cũng là của chính bà vậy. Bà nói về các chi tiết như bà xã tôi đã thuật lại, và ca mổ đã kết thúc thật dễ dàng ngoài sự mong đợi của bà cũng như các bác sĩ trong ê kíp phẫu thuật.

Xin được cám ơn bác sỉ Roland về sự ân cần và tận tụy. Rồi đây hình ảnh và khuôn dáng của bà sẽ hiện diện mãi hoài trong tâm trí tôi theo với những tháng năm đời còn lại, như tôi vẫn hằng ghi nhớ và lưu giữ hình ảnh cùng khuôn dáng của người bác sĩ trẻ tuổi tên Hà, đã mổ cho tôi hồi 1960 ở bệnh viện Nhi Đồng Sàigòn, cách đây hơn năm mươi sáu năm, trong lần tôi bị sốt thương hàn rồi biến chứng thành thủng ruột.

Cũng xin cám ơn bác sĩ Vauthey, vì mặc dù ông đã có mặt nhưng đã không phải đụng tay chút gì trong ca mổ cho tôi.

Tôi cũng không thể nào quên rất nhiều con người khác nữa mà tôi đã được gặp trong suốt hơn một năm qua khi ra vào bệnh viện Memorial Southwest,Texas Oncology Sugar Land, rồi MD Anderson Cancer Center này, cùng những lần lui tới các phòng khám bệnh, phòng Lab, phòng chụp CT Scan…

Nói theo cách thường tình của thế gian thì cả nhà tôi đã vừa có một phen hú hồn hú vía nhớ đời. Tôi thầm cám ơn Chúa cho tôi qua cơn thử thách này mà không hề chao đảo lòng tin. Trước đó, tôi đã không xin ơn chữa lành mà chỉ xin được can đảm vâng nhận lấy mọi điều sẽ đến mà thôi.

Tôi nằm lại khu hồi sức PACU (Post-Anesthesia Care Unit) hơn hai ngày đêm. Một mình trong căn phòng tĩnh lặng, mà thời gian trôi qua thật chậm chạp quá nên cũng loanh quanh suy tư, ngẫm nghĩ_ ôn nhớ đủ thứ chuyện này điều kia. Có lẽ đây là lúc cảm nhận rõ ràng nhất về cách nói thời gian đứng im lắng đọng hay như đã ngừng trôi. Nhiều khi trong đêm hay cả ban ngày, tôi đã mê mệt ngủ thiếp đi thật lâu, tỉnh dậy kim đồng hồ chỉ nhích được khoảng nửa giờ, có lắm lần chỉ khoảng mười lăm hai mươi phút. Cứ chập chờn liên tiếp thế mãi. Cũng may, thỉnh thoảng rất đều đặn, có nhân viên y tá vào phòng đo huyết áp, lấy nhiệt độ, cho uống thuốc viên hay kiểm soát các dây truyền dịch, đổ bớt nước thải…để cho cái khoảng cách thời gian thăm thẳm ấy có một chút mốc dừng nhắc nhở và thu ngắn lại đôi chút. Mỗi lần như thế, các cô y tá vẫn thường dịu dàng thăm hỏi vài ba câu về sức khỏe và các thao tác thật nhẹ nhàng.

Ngày đêm, các bác sĩ cũng luôn luân phiên ghé qua để theo dõi bệnh trạng, nhất là hỏi han lo lắng cho tôi về sự đau đớn từ vết mổ dài. Bác sĩ Roland và phụ tá cũng thay nhau cách ngày, tạt vào tươi cười chào thăm.

Trong khung cảnh bệnh viện truyền thống qua tiểu thuyết, người ta thường hay nói đến các thiên thần áo trắng, ở đây đã có thêm các thiên thần áo đen. Tôi không biết tại sao mà đồng phục y tá của MD Anderson Cancer Center này lại là một mầu đen tuyền từ trên xuống dưới. Có nhiều cô đã cách điệu đôi chút với những đường tà nẹp viền xanh hoặc đỏ trông cũng dịu mắt.

Ngay ngày hôm sau khi chuyển đến khu này, theo sự hướng dẫn của y tá trực, tôi bắt đầu có những lần phải bước ra khỏi phòng, bám vào một vành thân cái khung giá treo bằng inox có bánh xe di động ở dưới, vẫn lủng lẳng các bịch dịch truyền bên trên, để chập choạng di chuyển từng bước đi chậm chạp hơi khó nhọc chung quanh hành lang khu vực văn phòng. Sự vận động này giúp cơ thể mau thích ứng trở lại, tôi gọi vui đây là những lúc đi dạo công viên.

Có một lần trong đêm khuya, cổ họng tôi khô khốc vì cơn khát nước cháy bỏng không còn chịu đựng nổi, bờ môi cũng khô quắt như vều ra, đang đóng vẩy. Tôi bấm chuông gọi y tá vào và diễn tả về cái điều tệ hại đang xấy đến với tôi. Cô y tá trực đã quay lại ngay với một tube thuốc bôi môi, bình thuốc xịt họng và một ly nước đả nhỏ có cắm một cái que, mà ở đầu có miếng bọt biển hình thù mầu mè xanh đỏ như viên kẹo mút của trẻ con. Tôi được cho chấm mút thấm giọng vài lần cái thứ kẹo giả ướt đẫm nước đá lạnh ấy. Thật sảng khoái và dễ chịu quá, cổ họng như dịu hẳn lại, cùng với lớp kem đã làm mềm dần bờ môi đi rồi.

Thốt nhiên tôi liên tưởng đến những cơn khát giữa trùng khơi đại dương mịt mùng của những người vượt biển tìm tự do, được tả lại qua từng trang viết mà thấy mình đang có được may mắn và hạnh phúc quá.

Thỉnh thoảng từng cơn đau râm ran chạy lan dọc theo vết mổ mỗi khi tôi muốn trở mình định đổi thế nằm. Tôi lại liên tưởng đến những vết thương khủng khiếp vì súng đạn và từng cơn đau đớn vật vã của bạn hữu tôi tại Tổng Y viện Cộng Hòa thời chiến tranh, mà nhiều lần tôi được chứng kiến khi ghé vào đây thăm bạn mình.

Và còn nữa, làm sao kể cho hết về những thương tật bi thảm đủ loại của đồng bào tôi khổ hạnh, trải dài từ những ngày binh đao lửa đạn cho đến tháng năm hòa bình vẫn khó nghèo mãi hoài chưa dứt, vẫn cứ liên tiếp và đầy rẫy tại các trại bệnh thiếu thốn trăm bề ở bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân, Nguyễn Văn Học, bệnh viện Ung Thư Gia Định…mà tôi từng biết hồi còn ở quê nhà.

Cơn đau nơi vết mổ của tôi nhỏ bé lắm, lại đang được nằm điều trị tại nơi chỗ như thế này, so thấm gì với những nỗi đau đớn của biết bao nhiêu con người khác ở khắp nơi. Chẳng cần đâu xa, như tại bệnh viện Ben Taub rất gần cạnh đây, mới hai tháng trước, tôi có dịp đến thăm một người anh em bà con nằm điều trị ở đấy. Tôi đã nhìn thấy thật nhiều những khuôn mặt nhăn nhó, những thân người co quắp lại để chịu đựng và đè nén từng cơn đau đang hành hạ thân xác. Hoặc ngay tại các phòng bệnh lân cận quanh đây, hay những khu bệnh khác ở trung tâm này, hẳn rằng cũng đang có những người mà sự đau đớn còn nặng nề hơn tôi gấp bội.Tôi đoan chắc như vậy.

Biết nói sao về thân phận mỏng dòn của kiếp người, bất cứ nơi chỗ nào ở đâu đó hay trong hoàn cảnh nào cũng thế.. Có những điều chuyện qua đi chưa kịp nguôi ngoai thì đã lo sợ một điều gì đó chập chờn có thể lại đến nơi phía trước. Như lần thập tử nhất sinh của tôi năm rồi và chuyện mới vừa xong đây thôi, tiếp theo sẽ còn gì nữa nhỉ, một thoáng thầm hỏi vu vơ rất tự nhiên. Tôi thấy thật bình an trong lòng khi nhớ đến câu Kinh Thánh vẫn luôn cảm nghiệm : “…ngày mai cứ để ngày mai lo. Sự khổ nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.” Mát-Thêu 6 : 34.

Ba ngày sau, mọi thứ tạm ổn định, tôi được chuyển lên khu vực phòng thường lầu trên. Mọi sự theo dõi chăm sóc vẫn như thế với nhịp độ thưa dần đi một chút. Một vài thứ ống được tháo bớt ra. Tôi có thể bắt đầu dùng vài món đồ ăn lỏng tùy chọn trong thực đơn do nhà bếp cung cấp, theo chỉ định của bác sĩ.

Một bác sĩ khoa vật lý trị liệu đã hướng dẫn cho tôi những động tác nhẹ, để luyện tập cơ thể và luyện tập hơi thở, bằng hai thứ dụng cụ đơn giản. Cầm dải cao su mầu vàng tươi để căng kéo thành độ co dãn dài ngắn giữa hai cánh tay theo từng thế trong bài tập, tôi nhớ đến trò chơi nhẩy dây của các cô bạn gái thời trẻ thơ. Còn bộ ống để tập hơi thở bằng nhựa cứng, có một cái cần xoắn mềm dài như dọc tẩu với đầu ngậm, đấu nối với piston di chuyển lên xuống trong lòng ống mỗi khi ngậm miệng hít vào giữ hơi rồi thở ra, tôi đã gọi vui là bộ bàn đèn của mình.

Tôi cảm nhận được sự dần dà hồi sinh nhẹ nhàng thật gần gũi chung quanh. Mỗi khi gượng ngồi dậy để ra khỏi giường thấy dễ dàng hơn nhiều. Những bước đi dạo công viên của tôi đã thanh thoát vững thẳng hơn lên. Ngồi tựa lưng nơi ghế xô pha,tôi đã có thể nhận và trả lời các cuộc điện thoại gọi đến thăm hỏi, chúc mừng của con cháu, anh chị em và bạn hữu cùng thật nhiều những người thân quen vốn vẫn dành cho tôi nhiều quý mến trước đây. Có người bạn còn xa gần hỏi han về chuyện chi phí để như muốn liệu tính việc chia sẻ, đỡ đần phần nào cho tôi nữa.Thật cảm động quá.

Một nữ bác sĩ trực còn khá trẻ khi vào thăm bệnh, sau khi quan sát và hỏi han đôi điều về vết mổ đã đóng vẩy cứng mầu nâu đen, mỉm cười có ý muốn biết tôi có cảm giác ra sao khi nhìn vết mổ này. Tôi nói như thể một con giun khô đang nằm ngủ quên vậy thôi. Bà cười vui và nói sự so sánh khá thú vị. Thật ra tôi muốn nói nó giống hệt một đoạn bờ ruộng ngoài khu Đồng Khế trại tù cải tạo Vĩnh Quang (Vĩnh Phú) những năm 1979-1980. Cái đoạn năm tháng khổ nhọc lưu đầy nơi chỗ ấy của anh em chúng tôi, trong suốt đằng đẵng chiều dài hành trình thương khó, đi qua địa ngục trần gian sau 30 tháng Tư năm 1975, vẫn luôn luôn là một phần ám ảnh nhớ quên mãi hoài không thôi.

Sáng sớm Chủ Nhật, tôi được thông báo sẽ làm thủ tục xuất viện về nhà. Một chút reo vui nhẹ thầm trong lòng. Chưa đến một tuần lễ mà sao lâu quá, mà cũng như thoắt vèo. Cái ý nghĩ trái ngược lộn xộn ấy cứ lẩn quẩn trong tôi mãi, cùng với sự nhấp nhổm ngong ngóng đợi chờ, từ sau lúc mấy đường ống nhựa dịch truyền được cô y tá tháo ra.

Mãi gần trưa mọi việc mới xong xuôi, cô con gái lên nhà thuốc lấy về một túi to đựng bốn năm thứ thuốc các loại. Y tá trực gỡ nốt đầu kim còn sót lại trên tay rồi cẩn thận dặn dò và đưa tập hồ sơ xuất viện, có hướng dẫn những điều cần lưu ý trong việc sử dụng thuốc, vấn đề ăn uống cùng sinh hoạt thường ngày khi về nhà, kèm theo cái hẹn tái khám năm ngày sau đó.

Tôi ngồi lên cái xe đẩy to đùng như cái ghế bành do một nhân viên bệnh viện phụ trách, mấy túi đồ đạc lỉnh kỉnh của cả nhà chất gọn dưới gầm. Tôi được đưa tiễn ra đến tận cửa thang máy khu vực garage. Cũng cái hành lang quen thuộc ấy, hôm nay thanh thản tĩnh lặng êm đềm quá, giữa cái nắng nhẹ buổi trưa bên ngoài vòm khung kính mi ca trong suốt.

Xín cám ơn và giã từ nhé MD Anderson. Nhớ lắm, quên sao được mấy ngày đêm ấy ở nơi này. Có chút gì đó lâng lâng thật nhẹ nhàng trong thoáng bùi ngùi rất khẽ thầm chung quanh.

*

Cách xa ngắn ngủi chưa đầy một tuần lễ, vậy mà căn nhà như có vẻ khác lạ trong nỗi bồi hồi xao xuyến khi tôi trở về. Cũng bờ cỏ khoảng sân trước, cũng vẫn mầu tường vôi và khung cửa quen thuộc, nhưng sao như thể đã lâu lắm rồi hôm nay mới được gặp lại. Có lẽ khi trải qua một biến cố nào đấy trong đời, thường dễ đưa người ta vào thứ cảm giác bất định về thời gian và không gian, chơi vơi giữa một khoảng mông lung nào đó mãi rồi mới chạm lại được thực tế quanh mình.

Tôi đã có cái tâm trạng ấy suốt hai ba hôm liền ở ngay trong nhà mình.

Mấy ngày sau tôi quay trở lại để tái khám. MD Anderson thật hiền hòa bình dị như một lần tôi đến khám bệnh ở bác sĩ gia đình vậy thôi. Bác sĩ Roland quá ư vồn vã, vừa bước vào phòng bà đã luôn miệng… very…very… very good… very good…Bà xem qua vết mổ và nói hoàn toàn có thể yên tâm. Tôi cũng được nhận bản photocopie báo cáo về ca mổ, có chi tiết cho biết cái chân khối u còn lại ấy đã chết hơn chin mươi lăm phần trăm. Bác sĩ Roland chúc tôi mọi điều tốt lành và hẹn lấn tái khám tới, còn hơn ba tháng nữa vào đầu năm tới. Nói lạc quan theo chữ nghĩa bây giờ, tôi có thể vô tư rồi, không còn phải ưu tư hay tâm tư gì nữa cả. Thì cũng mong là như thế.

Tôi còn được bác sĩ dinh dưỡng trao đổi và hướng dẫn về việc ăn uống theo yêu cầu nghiêm ngặt trong một thời gian dài từ sáu cho đến tám tuần lễ.

Vào ban ngày, vợ con đi làm hết, căn nhà thật vắng vẻ, tôi tha thẩn đi loanh quanh khắp chỗ. Có lúc ngẩn ngơ ngồi thừ ra ngoài salon phòng khách. Trước ngày đi mổ, khi dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, tôi đã thoáng nghĩ biết đâu rằng có thể mình sẽ không trở về nữa đấy.

Với lời lưu ý nhắc dặn không được lái xe trong vòng bốn tuần lễ, tôi trở thành người ẩn cư bất đắc dĩ. Thêm vào đấy việc chỉ được dùng thức ăn nhẹ dạng lỏng, cùng khi tác dụng của dịch truyền trong bệnh viện đã hết hiệu lực, tôi hơi mất sức và xuống gần mười pounds trong vòng có mấy ngày. Vết mổ bắt đầu lên da non căng nhức râm ran. Nhiều lúc uể oải quá, cứ nằm ườn trên giường đến độ lười biếng cả việc ngồi dậy uống chút nước hay hâm nóng món ăn, mà vợ con đã chuẩn bị sẵn cho từ buối sáng trước lúc ra khỏi nhà, dù đã quá bữa lâu lắm và bụng thì thật đói.

Trong hoàn cảnh tâm trạng ấy, tôi chợt thấy mình như yếu đuối thật tệ hại vì một điều gì đó cứ lẩn quẩn lộn xộn. Nhưng rồi trấn tĩnh lại, tôi tìm được sự bình an. Tất cả đã qua rồi mà. Và vẫn đang có nhiều quá những thương yêu trợ lực luôn quanh mình, như những vỗ về ân cần, nhắc nhở đến sự hiện diện cần thiết của tôi giữa những thâm tình gần gũi rất đỗi quen thuộc nơi tháng năm trước mặt.

Tôi nhớ chứ cái nhiệm vụ làm tài xế duy nhất và trung thành từ trước đến nay, và mãi mãi, cho bà chủ tịch cộng đồng ba người yêu thương của tôi. Tôi nhớ chứ, cô con gái út sẽ tổ chức đám cưới vào cuối năm tới, và cháu cần phải được thảnh thơi, không còn phải lo toan bất cứ chuyện gì cho bố nữa, để có thể toàn tâm chuẩn bị, tính toán mọi việc của riêng mình.

Tôi nhìn mấy thùng sữa Ensure để trên mặt bàn mà bạn hữu và những người thân quen đã mang đến cho khi ghé thăm và biết ra mình cũng còn có rất nhiều ân nợ khác nữa. Tôi cười vui vì nhớ đến một ông bạn thân thiết cùng đơn vị ngày xưa, đã nói thêm rằng, ngay sau khi tôi hết hạn quản chế thực phẩm và bắt đầu ăn trả bữa, sẽ đãi tôi một tô tái nạm gầu hành trần nước béo tú hụ, thêm một bát tái bằm_ ở phở Điện Bellaire để ăn đến ngập răng, cho bõ những ngày kiêng khem chay tịnh, kham khổ.

Tôi cũng cầm lên và mở ra đọc lại tấm thiệp mà cô cháu gái đã đưa tận tay hôm trước. Từ trên San Antonio, bố con ông anh lớn ghé xuống thăm, và cháu tôi xúc động bước đến cạnh giường để trao cho ông chú tấm thiệp có những dòng chữ này đây, nơi trang đầu.

Cancer is tough,

                                               but you’re tougher.

và ở một trang tiếp theo…

This is not the first time

                                      life’s thrown you a curve.

                                     You’ve already shown,

                                                  time and again,

                                           what a strong,

                                      determined person you are.

Trường hợp của chú thì mọi việc cũng đơn giản, bình thường thôi_ đâu có gì để đầy ngập chữ nghĩa quá thể đến thế. Xin cám ơn cô cháu mình nhé.

Nơi câu chuyện thân tình trao đổi với một người bạn đến thăm, về bệnh tật và điều kiện chữa trị, tôi nói thật lòng rằng cứ như ở Việt Nam thì chắc hẳn rằng tôi đã có một ngày giỗ. Bạn hỏi tôi cảm nghĩ thế nào về sự chết cũng như cái chết. Đây cũng là điều mà tôi vẫn thường tự đặt ra cho chính mình trước đây và nơi những ngày vừa qua.

Tôi luôn mong ước rằng sẽ là người chết sau để có thể lo chu đáo tang sự cho người vợ yêu thương, đã bỏ quên tuổi xuân tươi trẻ, một đời khổ hạnh thua thiệt, chẳng khi nào quên nhớ những đầy vơi hy sinh, lo lắng cho tôi trong suốt tháng năm đời vợ chồng, mà nơi những tháng năm ấy có quá nhiều nghiệt ngã.

Đối với tôi, mong ước ngày cuối cùng của đời mình sẽ thanh thản nhẹ nhàng và vẫn luôn nguyện xin cho được ơn an lành nơi giờ lâm tử. Tôi đã có mặt và đi qua cuộc sống này bình lặng như những con người bình lặng khác vậy thôi. Đến khi kết thúc hành trình nơi dương thế, chắc hẳn cũng là một bình lặng thật dung dị âm thầm và nhẹ nhõm cho những người thân yêu còn ở lại.

Kinh Thánh dậy rằng:”ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất”_ (Sách Sáng Thế 3:19). Và lời cảm nhận tha thiết chơi vơi:”hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…ôi cát bụi mệt nhoài…cát bụi phận này…bao nhiêu năm làm kiếp con người…từng ngày qua mỏi ngóng tin vui…”(Cát bụi_Trịnh Công Sơn) quen thuộc ấy có phải là sự ám ảnh cần thiết. Người ta suy nghĩ và chuẩn bị cho cuộc hành trình trở về nơi này như thế nào đây.

Ông Steve Jobs của Apple đã tự sự trong di chúc cuối đời rằng, đằng sau những tột đỉnh thành công của công việc và danh vọng của ông, chẳng có được bao nhiêu niềm vui. Mọi xưng tụng, khen tặng đều trở nên vô nghĩa khi đối diện cái chết. Ông còn tâm tình là đừng bao giờ làm nô lệ cho vật chất và sự giầu sang, vì nó sẽ khiến người ta trở nên yếu ớt nơi giây phút cuối cuộc đời.

Tôi không có những điều như ông ấy nói và may mắn thay, tôi lại có những điều vui dù rất nhỏ nhoi, được nhận lấy và bắt gặp nhiều lần trong đời.

Tôi cũng có biết qua báo chí về cái chết thật lãng mạn của cô Betsy Davis, một nghệ sĩ chuyên ngành thời trang, ở độ tuổi bốn mươi mốt, bên California hồi tháng Bẩy mới đây. Sau nhiều năm tháng vật lộn với một căn bệnh nan y, khiến sinh hoạt đời sống hàng ngày gặp nhiều trở ngại vô cùng khắc nghiệt, cô xin được trợ tử. Đến ngày đã chọn, cô mời thân thuộc bằng hữu tham dự bữa tiệc tái sinh. Một bữa tiệc bầy ra như cũng như bình thường với đồ ăn thức uống, chuyện trò vui chơi, khiêu vũ, hát hò…nhưng tất cả khách mời đều đã phải hết sức cố gắng lắm mới có thể nén lại trong lòng mọi cảm xúc để khỏi bật khóc. Khi tiệc tàn vào cuối chiều, cô mặc bộ quần áo đẹp ưa thích nhất, rồi được đưa lên nằm trên giường đặt trên sườn ngọn đồi theo như yêu cầu, để nhìn hoàng hôn tắt nắng lần cuối_sau đó uống mấy loại thuốc trợ tử và rồi từ từ lịm dần thật êm ái cho đến khi lìa đời.

Con cái Chúa như tôi thì không bao giờ được phép nghĩ đến cách chết như vậy, dù theo cái nhìn trần thế, đã cho đấy là một sự giải thoát nhân đạo.

Trong tác phẩm Smoke gets in your eyes của tác giả Caitlin Doughty ấn hành năm 2014, mà nội dung bàn về sự chết, cái chết và việc tang lễ… có nói đến cái chết xanh, được hiểu như là cách an táng không dùng đến áo quan, thân xác người chết chỉ được bó lại và vùi xuống đất, rồi sẽ phân hủy dần đi, trở thành như một thứ phân bón cho môi trường. Ý tưởng đầy tính cách đột phá này sợ rằng khó có thể được chấp nhận vào thời điểm thực tế hiện nay và còn rất lâu hơn nữa.

Hẳn rằng tác giả này đâu thể biết được rằng đã từng có biết bao nhiêu con người Việt Nam khốn khổ _nằm chết chơ vơ nơi vệ đường, bờ ruộng_ bị đành đoạn bó vội vã vào manh chiếu rách, hay bộ quần áo tả tơi, thậm chí trần truồng, để được vùi lấp cái thân xác gầy yếu trơ xương co rúm ấy, cách rất vội vã sơ sài dưới lớp đất nông choèn, trong nạn đói bi thương khủng khiếp rồi dịch bệnh năm Ất Dậu 1945. Gọi đấy là những cái chết đen không biết có diễn tả được đầy đủ.

Tôi đã lẩn thẩn quá chăng khi thêm một lần nữa mải mê suy nghĩ về thời điểm tận cùng phải đến của mình, không thể tránh né, dù đâu biết là sẽ vào lúc nào.

Tôi cũng có nghĩ đến việc hiến xác khi đã trút hơi thở cuối cùng. Các bộ phận già cỗi trong cơ thể tôi đều là những thứ loại để vứt bỏ đi, chẳng còn có thể lấy ra thay ghép cho ai. May ra cái hình hài hom hem lúc ấy được đón nhận, và biết đâu chừng sẽ chuyển đến cho The University of Houston_ MD Anderson Cancer Center để dùng làm vật mẫu cho các sinh viên thực tập những đường dao mổ. Nói ra vẻ một chút, nhưng cũng thật với lòng, như là cách để tạ ơn đời và cám ơn đất nước đã cưu mang mình. Con cái sẽ không phải bận tâm việc tang sự đau buồn, tốn kém _và cũng tránh cho bạn hữu khỏi nỗi tiếc thương, bận lòng lui tới nhà quàn để thăm viếng. Chỉ một Thánh lễ ở nhà thờ để nhớ đến trong lời cầu nguyện cho linh hồn kẻ vừa an nghỉ trong Chúa là đã đủ.

Và như vậy, cũng lại thêm một lần tôi đến rồi ở lại MD Anderson. Cái lần này nếu có, chắc hẳn sẽ dài lâu hơn một chút chứ không chỉ vài ngày ngắn ngủi như vừa mới đây.

Tuy chỉ vài ngày thôi như thế ở MD Anderson, một nơi chỗ chắc không có gì vui với mọi người_ nhưng riêng tôi, từ nơi này, đã cảm nhận thêm được biết bao điều cho mình, có cả những điều vui thật nhỏ nhoi nhưng ẩn chứa ngập tràn hạnh phúc. Để rồi từ đó, tôi thêm vững lòng tin yêu, tiếp tục an nhiên bước đi về phía trước nơi cuộc sống, không âu lo gì_ dẫu biết rằng sẽ vẫn còn có đầy những bất trắc nào đó đợi chờ.

Xin cám ơn cuộc đời, cám ơn những thương yêu và cũng xin cám ơn nơi chỗ ấy, MD Anderson Cancer Center.

 ngọctự.

                                            (Houston, đầu tháng 10/2016)

 

                                 

©T.Vấn 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search