T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: một chiều cuối tuần…

emptied 7 crown

7 Crown – Tranh: Trần Thanh Châu

“Có lẽ công việc quan trọng nhất của những người theo đạo Kitô Giáo vào ngày cuối tuần là đi lễ nhà thờ, nên họ gọi là ngày Chúa nhật.”

Tôi giải thích như thế với một cháu bé, thì một người bạn có đạo giải thích lại cho tôi hiểu đúng theo tinh thần Kitô Giáo hơn, anh ấy nói: “Kinh sách có nói: Sáu ngày Chúa dựng đất trời/ Cá chim muông thú mọi loài cỏ cây. Nên ngày thứ 7 là ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi sau 6 ngày tạo dựng. Lịch của chúng ta cũng theo lịch của Do Thái, nên đáng ra phải gọi là Chúa nhật, nghĩa là ngày của Chúa, ngày Chúa ban cho loài người nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mệt nhọc.

Tuy nhiên nước ta xưa có thời Phật giáo là quốc giáo, đạo Thiên Chúa chỉ có từ khi người Pháp sang Việt nam nên những người không theo đạo Công giáo gọi là Chủ nhật, chứ không chịu gọi là Chúa nhật vì họ không theo đạo nên không tin kinh sách của Kitô Giáo…”

Người bạn khác của chúng tôi lại hiệu đính thêm vì anh cũng có đạo. Anh nói: “Theo tôi biết, lịch hiện giờ lấy theo lịch Do Thái ngày xưa: 1 tuần có 7 ngày. Ngày thứ nhất trong tuần là ngày Thiên Chúa phục sinh, được gọi là ngày Chúa nhật. Người theo đạo thì ngày Chúa nhật kiêng việc xác. Còn việc đến nhà thờ đọc kinh thì mỗi ngày. Riêng ngày Chúa nhật là bắt buộc. Ngay từ thời nhà thờ là chính quyền xa xưa, đã cấm bán rượu trong ngày Chúa nhật để mọi người đều đi nhà thờ, chứ say xỉn sớm như bọn mình thì làm sao đi lễ được.

Tôi không biết có phải luật ấy đã theo những người châu Âu xưa di dân qua đây. Nhưng hiện tại ở Texas đã ba trăm năm nay, ngày Chủ nhật tất cả tiệm rượu đều phải đóng cửa. Chỉ từ khi cho chợ với cây xăng bán bia và rượu vang mấy năm gần đây thì chúng ta cũng phải đợi qua 12 giờ trưa họ mới bán, chứ không bán sớm.”

Nhưng đến góp ý của cô bạn trẻ mới hứng khởi tiệc vui cuối tuần. Cô nói: “Con bé nhà em hay hỏi. Nên câu: (Tại sao gọi là Chủ nhật mà không phải là thứ một hay thứ tám?) của bé làm em cũng khó nghĩ vì không chuẩn bị trước. Nên em hỏi lại bé để phủ đầu, để mẹ dốt có thời giờ suy nghĩ mà đối phó. Em hỏi tới tấp con bé: Con đi học từ thứ mấy đến thứ mấy? Sau khi bé trả lời, em hỏi tiếp, thế con vào lớp, cô bảo con học chữ, học hát, đi ăn, tập thể dục… con có làm theo không? Bé trả lời: Dạ có. Em hỏi tiếp nữa: Vậy con có dám cãi lời cô để chạy ra ngoài lớp chơi không? Bé trả lời: Dạ không.

Vậy con còn ngày Chủ Nhật, không phải đi học, con ở nhà thích làm gì nè? Bé suy nghĩ rồi trả lời: con thích chơi búp bê, con thích đi ăn kem… Vậy con có được làm những thứ con thích không? Dạ có.
Con có thấy ngày Chủ nhật con được làm những gì con thích, ba mẹ cũng vậy vì không phải đi làm, vì vậy ngày đó mọi người được làm chủ chính mình cả ngày, làm mọi việc theo ý thích riêng của mình. Nên gọi là ngày Chủ nhật.”

Dĩ nhiên lý giải của cô bạn trẻ không được những người có đạo hoan nghênh, nhưng là lý giải vui, phù hợp với không khí họp mặt cuối năm. Riêng tôi không biết mình đạo gì? Dù có tên gọi trong dân gian ở quê nhà là, “Đạo thờ ông bà”. Ký ức trôi về mái nhà xưa, những ngày rằm, thường thấy cha mẹ tôi dâng hương, hoa quả lên bàn thờ gia tiên. Những rằm lớn và Tết thì mới thấy cha mẹ tôi đi lễ chùa, con cái đứa nào muốn theo thì theo chứ không ép buộc. Ngày giỗ mà người bắc gọi là kỵ cơm thì hoa trái đầy mâm, nhiều loại bánh, lại thêm xôi thịt thật nhiều. Tôi vui lắm vì đó là những ngày tôi có thể lẻn ra lẻn vào nhà bếp mà nhón nắm xôi, vài cái chả giò, hay khoanh chả lụa… ra chia cho bạn bè trong xóm, vì tôi cũng từng ăn ngon tình bạn nhỏ như thế nhiều lần để lớn khôn còn có xóm làng để nhớ; còn có Tết trong lòng nghi ngút khói hương trên bàn thờ gia tiên những ngày giỗ, tết, dù chỉ là hoài niệm nơi viễn xứ.

Thôi thì Chủ nhật hay Chúa nhật tùy lòng tin mỗi người. Đạo làm người mới quý, sống có niền tin để tha nhân, trợ khổ với đồng loại há chẳng Chúa hay Phật cũng dạy thế mà rằng…

Tôi ngồi bấm điện thoại mấy chữ “một chiều cuối tuần mưa bay lất phất…” như bên ngoài cửa sổ bởi bỗng nhớ đến bài hát ấy thì lại ra bản nhạc, “Huyền thoại một chiều mưa” của Nguyễn Vũ.

Một chiều cuối tuần mưa bay lất phất và mây trắng giăng giăng
Em đến thăm Anh, vì trời mưa mãi nên không kịp về
Bên em Anh lặng nhìn bầu trời và ánh mặt mộng mơ
Sợ người yêu khóc, khe khẽ bên tai Anh kể chuyện ngày xưa …

Chuyện xưa kể rằng trên thiên giới ấy ngày vui kết hoa đăng
Thiên Quốc đang vui một nàng tiên nữ làm rơi ly ngọc ngà
Ðang say nên trời bèn đọa đày nàng tiên xuống trần gian
Làm người dương thế không biết bao lâu mới được quay về trời

Em ơi! nàng tiên ấy xuống dương trần một chiều mây bay thật nhiều
Và vì thương đời lính thương kiếp sống phong sương nên dù rằng một hôm
Thiên sứ trời sai đem mây hồng làm xe đưa tiên về
Tiên nói dối rằng tiên còn giận trời và tiên chưa về đâu

Nàng tiên giáng trần tung đôi cánh trắng và đang ngắm mây bay
Em đứng bên Anh nguyện thầm mưa mãi cho tiên đừng về
Tiên ơi, nếu mà trời gọi về thì tiên có về không?
Mỉm cười tiên nói: tiên thích dương gian với một chiều mưa thật nhiều….

    Cả bàn im lặng lắng nghe cố ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh hát thật ngọt, thật mùi một bài hát dễ thương trên Youtube vào một chiều cuối tuần mưa bay lất phất và mây trắng giăng giăng… Tôi thích “đạo mê tiên” của ông Nguyễn Vũ. Đạo dễ thương với những điểm quá đáng yêu như: “Thiên Quốc đang vui một nàng tiên nữ làm rơi ly ngọc ngà …” Như vầy là Thiên Quốc cũng mở tiệc vui chơi chứ đâu phải quanh năm suốt tháng, ai nấy đều ngồi yên như củi mục. Tiên nữ hẳn đẹp rồi, mà vui tới làm rơi ly ngọc ngà thì phải biết là tiệc vui hết biết! Chứ sao không vì trời cũng chếnh choáng,“Đang say nên trời bèn đoạ đầy nàng tiên xuống trần gian…” Như vậy là trên trển có bán rượu bia thì trời mới say sưa túy lúy. Từ nay phàm trần không phải sợ lên thiên đàng không có “nước thánh”. Chỉ cần khi lên thiên đàng nhớ mang theo ID để chứng minh đủ tuổi mua nước thánh là được. Điều đáng yêu thứ ba trong lời bài hát là:“Và vì thương đời lính thương kiếp sống phong sương…” Người lính thì khổ nhất rồi, không những khổ thân, khổ xác mà sinh mạng cũng đu dây tử thần không biết đứt lúc nào, nên tiên giáng trần là yêu ngay anh lính chiến. Ôi một chuyện tình quá đẹp phải không ạ? Và điểm đáng yêu hơn nữa là tiên biết nói dối, “Tiên nói dối rằng tiên còn giận trời và tiên chưa về đâu…” để “mỉm cười tiên nói với anh lích chiến: tiên thích dương gian với một chiều mưa thật nhiều…”

Tạm biệt năm 2016 với nụ cười mỉm chi của tiên, nói: Tiên thích dương gian với một chiều mưa thật nhiều.Thì cớ sao dương thế cứ nặng lòng, phiền muộn về dương gian này…

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search