T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: CƯỜI LÊN, HỠI NHỮNG THẰNG GIÀ

Gió

Tranh (Mai Tâm)

Ngôi nhà lá mái chữ đinh. Khu vườn um tùm cây trái. Hàng rào là những phiến đá chồng lên nhau. Tất cả đều có màu tối, nhuốm vẻ già nua, như ông bây giờ, đã 70! Tuổi xếp dãy như những phiến đá ngoài bờ rào. Sự sống sinh học, vẫn tồn tại hàng ngày, dễ thấy: Bờ rào có những lớp tảo xanh bám lên, còn ông thì màu muối tiêu lốm đốm trên tóc. Có điều quanh quẩn ra vào, chỉ mình ông. Sự cô đơn của tuổi già cứ lục bục, trầm trầm trong cổ họng, khiến tách trà nóng buổi sáng cũng lạnh ngắt. Bữa trưa kéo qua bữa chiều. Chai rượu và chiếc ly như người bạn thiết của ông lúc này. Đôi lúc dòm vào đáy không, lại thảng thốt kêu nho nhỏ “buồn như ly rượu cạn”. Rồi bỗng dưng cười khan.

Không phải là ông không có bạn. Nhưng những người bạn đó hầu hết đã thay tâm đổi tính, đã lột xác để trở thành những con vật nửa cừu nửa dê hay con chó thích gặm xương, được xã hội mới thuần dưỡng. Hễ gặp nhau, đầu tiên là nói đến chuyện tiền bạc, giàu có; đến con cái thành đạt, chỗ đứng trong xã hội. Rồi thì khen nức nở đời sống người dân sung sướng hơn bốn mươi năm trước… Nghe một hồi, ông cười thật to và cảm thấy như mình lạc vào khu chợ uế tạp, đầy tiếng mặc cả, ó ré lồng trong tiếng ruồi nhặng bay vo ve.

Cực chẳng đã, ông cũng phải châm nước trà mời họ mà nhấp ngụm nhỏ nhưng sao nó lạt thếch. Những trận thăm viếng ấy, ông ngồi chịu trận, ừ hử cho qua buổi và cầu mong sao họ đứng dậy cáo từ sớm hơn. Nhìn những con tắc kè đó, ông nhếch mép cười ruồi!

Tuy mỏi mệt với những ông bạn láng giềng ngô khoai tự mãn với cuộc sống hiện tại, nhưng họ cũng là những con người tốt bụng, hay giúp nhau những việc lặt vặt: dựng giàn bầu, cột phên cửa, sắp lại những viên đá xô lệch, chỉ cách trồng cây cà dây bí sao cho nhiều trái…

Khi bọn họ đi rồi thì ông chùi người vào phòng, thừ người trước đống sách và nghĩ bọn họ chẳng qua cũng chỉ là những con người ngây thơ, những nạn nhân khốn khổ từ những tư tưởng rất “thổ tả” của người trước kẻ sau cách nhau cả ngàn năm, là di họa kéo dài cho cả một khu vực dân cư rộng lớn, chẳng khác nào bầy tù khổ sai về tinh thần và thể xác. Tận thâm tâm, ông khinh bỉ lũ đầu xỏ cai trị man rợ này, khéo uốn nắn những cây tre cây trúc thành những ngọn cỏ lau rợp trên mặt đất! May mà nỗi buồn tủi ấy được bàn tay cô chủ nhỏ xoa dịu, dẫn ông trở lại trạng thái bình thường bởi những săn sóc nho nhỏ nửa em nửa tình nửa vợ nửa người dưng, chẳng ra cái giống gì, nhưng cũng làm ông khuây khỏa, vui lên, nở nụ cười, lúc tươi lúc như mếu.

Một ông bạn xa xứ, quanh quẩn trong nhà ra sân, muốn tán gẫu với bất kỳ ai cũng không có người để tán bởi tất cả mọi người thi nhau chạy từ mờ đất cho đến tối mịt, khiến ông có lúc bị trầm cảm và rồi thốt lên được câu thơ “lẫy lừng”, làm ấm lòng híp mắt những thằng già như ông“Thèm rượu mà ta không uống được/Bạn thì xa tri kỷ cũng đi rồi/Tay với trời cao không thấu nổi/Tuổi già mất bạn cũng mồ côi”.  Đọc được mấy câu này ông sướng rơn, sướng đến lịm người tê tái, như chìm trong tri âm tri kỷ và cõng bốn câu trên lưng chạy đi khoe với cô chủ nhỏ. Cô ngước mắt nhìn ông, ấp tay ông lên ngực, chia sẻ với tất cả nỗi niềm.

Sáng nay, vừa cầm cuốc vun luống đất trồng rau, có tiếng chuông leng reng. Ông vội trật lưng quần, lôi ra chiếc điện thoại cùi bắp, áp vào tai. Tiếng lào khào: Anh làm gì đó, chạy qua em uống ly rượu.

Hả, lại rượu,mới bảnh mắt mà bia rượu nỗi gì?

9 giờ rồi, thì súc miệng đánh răng chút anh. Của thằng bạn “khúc ruột ngàn dặm” gửi em uống tết. Tết sớm đi anh. Tới nghen.

Ừ.

Đó là ông bạn nhỏ hơn ông 4 tuổi, chủ quán ăn, trước cũng thầy giáo nhưng biết cách sống với cái đầu rất thực dụng và có tài điều hành, nấu nướng nên phất lên sau 10 năm khói lửa trong bếp. Phất nhưng buồn, buồn đến “thúi ruột”, nhiều lần thốt lên nghẹn ngào, khi nhìn lũ con cứ lần lượt vuột khỏi vòng lễ giáo. Cả hai đều có tâm trạng chung là sự vuột mất đạo đức của đám con cháu bây giờ như thể nhìn lên bàn thờ tổ tiên phủ đầy mạng nhện, bụi bặm, những chân nhang lỏng chỏng, những bài vị nghiêng ngã…

Cây cuốc móc chéo qua cành mận sà ngang. Đưa cần vọt kéo nước lên chà chân, vục nước rửa sơ sịa khuôn mặt cả tuần chưa cạo râu, nham nhám. Ông thả cần vọt đánh rầm, chút xíu nữa là chiếc gàu sắt tán vào mặt. Ông ngó xoáy vào chiếc gàu đung đưa, bỗng nhớ bạn, nhớ Triều Nghi, nhớ Sơn Đẩu rất nhiều lần kéo nước từ cái giếng sâu xối lên người, kêu “mát quá, mát quá, đã đời…”. Mới đó thôi, Triều Nghi đã bay qua bờ bên kia, Sơn Đẩu phải cột dây vào xương cổ, đi đứng khó khăn, thỉnh thoảng ném lên không vài bài ngắn nhưng bén hơn gai mắt ó! Nhớ bạn, ông tủm tỉm cười với thềm giếng rong rêu, với chiếc gàu sét, chiếc cần vọt chuẩn bị mục, rồi vào nhà xỏ chiếc quần bạc màu, lôi chiếc xe máy mà ông gán cho cái tên bọn trẻ không hiểu ra: “con ngựa già của chúa Trịnh” ra cổng.

Già thì cái gì cũng trục trặc, từ đồ vật chí đến con người. Đạp đến chục bận mà nó vẫn không chịu nổ, chỉ khàng khạc rên như người bị cảm cúm. Mồ hôi tứa ra. Ông nhìn chiếc xe rồi nhìn xuống đôi dép nhựa ngã màu, mòn vẹt. Mày rệu đến nước này sao? Đâu có được.Á à… là do tao không chăm sóc, vô dầu mỡ. Cứ lôi xài thí mạng sắt thép nào không mục? Tiếng cười phát ra từ cổ họng dính bợn đờm không trong. Mà có phải đây cũng là liệu pháp thể dục không nhỉ? Ông chống chế cho qua chuyện với bàn chân phải lăn tăn, mỏi nhừ.

Cuối cùng máy cũng nổ, nhưng không phải từ sức đạp của ông mà là thằng cháu hàng xóm nhìn thấy ông vật lộn với chiếc xe. Nó chạy lại, cong người nhấn bàn chân lên cần đạp thật mạnh như thể người ta đạp vào mặt kẻ thù. Tiếng nổ ọc ạch, khói xịt sau đít mù mịt, khét lẹt.

Nó nhăn răng cười: Ông để lâu quá. Cái gì mà để lâu không đụng tới dễ liệt lắm ông ơi! – Nói và nhăn nhở cười, nửa giễu nửa thật.

Mà nó nói cũng đúng, lâu lâu mới sử dụng nên bị liệt là phải. Cả con người và máy móc đều một giuộc mà!

Thôi, ổn rồi, ông chạy đi.

Ờ cảm ơn cháu nghen. Lo học hành tử tế còn ra làm quan, sướng! – Nói và ông bỏ chân qua yên. Con ngựa gục gặt chở ông một cách miễn cưỡng. Nó cũng đã trên 43 rồi còn gì?

Khi xe chạy gần tới rìa làng, ông lại nghĩ đến sự nhỏ lại ở tuổi già; văn hoa một chút thì là sự biến đổi của cơ thể từ các tế bào bắt đầu già cỗi. Lần đầu tiên ông khám phá ra sự thay đổi này khi ở trong phòng tắm. Trắng xóa từng nhúm. Cứ tưởng xà phòng chưa sạch, càng vặn nước xối ào ào, màu trắng càng rõ ràng hơn. Ông bật cười, nhủ thầm “thì có sao”. Cái sự thun nhỏ của các bộ phận trong cơ thể nó từ từ hiện ra, y như những cây nấm dại mọc trên thân cây mục! Có người đã hỏi: Chú có sợ tuổi già không, tôi thì thèm được trẻ lại. Ông cười, sợ gì chú. Mọi thứ như chiếc đồng hồ vậy thôi, nó chạy hết ngày rồi tới đêm, rồi có lúc hết pin. Hết thì sạc. Sạc không vô thì ném. Tuổi tác cũng vậy. Tôi chẳng sợ mà trái lại thấy yêu nó, yêu mấy sợi tóc bạc, yêu cái mục kỉnh trễ xuống sống mũi phải nhấc lên để đọc được sách, yêu cả tiếng trẻ thơ gọi tôi nội ơi, ngoại ơi, ông ơi. Sướng lắm!

Có bữa, từ xa, ông bạn bác sĩ “tuổi hườm hườm, chín rục” gọi tới hỏi thăm sức khỏe vì nghe loáng thoáng ai đó mách ông lâm trọng bệnh. Ông cười ha hả: Bệnh hoạn gì anh? Chuyện nhỏ, trục tặc tí xíu đó mà, tuổi này ai không bị này nọ? Nhưng nghe bạn bè nói…Không có gì nghiêm trọng, anh. Tôi“rua” và bắt tay cầu hòa rồi. Hai bên sống trong hòa bình hữu nghị. Mà này, anh viết còn thiếu nghen, lẽ ra tuổi 70 trở đi, không thể gọi là hườm hườm hay sắp tới chín rục mà là “dậy thì tuổi 70”. Tiếng cười ở đầu bên kia vang lên nghe sướng lịm tai…Thật tình, thốt lên câu này với bạn, lúc ông đang ngồi trước giàn mướp say sưa nhìn chéo qua hông tường rêu ám ngoằn ngoèo, chìm đắm với hình dạng cô gái khỏa thân rong rêu, nằm chéo chân, tóc phơi dài trên nền đen, bộ ngực nhô lên, khuôn mặt ngó mông phía trước, xa xăm và liên tưởng đến vợ mình mấy mươi năm trước, đến cô chủ nhỏ hiện giờ, đến tất cả một nửa của loài người. Rong rêu cũng tạo nên cái đẹp thuần khiết đến bất ngờ, huống chi con người, đôi khi xô cái đẹp trần gian đi quá xa?…

*

Đến quán đã thấy hai ông bạn trẻ ngồi đối ẩm, trong khi mấy đứa nhỏ phụ việc còn chổng cẳng ngủ trên gác. Chủ quán í ới gọi tên từng đứa. Chúng bước xuống thang với bộ dạng ngái ngủ, nặng nhọc. Chúng nó ngủ nướng là phải, trung bình mỗi đứa chạy đến 30 cây số từ xế trưa đến gần nửa đêm để hầu các quan ngài “lưu linh” ăn nhậu từ tiền thuế của dân, chớ dân dã ai dám bán lúa non để bia bọt? Ông bạn trẻ giáo sư nhìn chúng rồi nhìn chủ quán cười ngất. Không hiểu giáo sư cười gì.

Ông kéo ghế chưa kịp đặt mông lên mặt nhựa, giáo sư nghiến răng:

Giáo sư với tiến sĩ ở xứ này đông như trấu nên bây giờ lần lượt từng ông bị tâm thần rồi. Mẹ cứt!

Ai? Tâm thần giống gì – Chủ quán hỏi.

Thì cái thằng cha gs ts đòi cải cách chữ viết đó.

Tầm phào, để bụng làm gì ba thứ lăng nhăng đó. Chẳng qua cha này muốn nổi tiếng, bèn tung ra cái đề án quái gở để cộng đồng ném đá chơi. U đầu mẻ trán thây kệ, miễn được nhiều người nhắc đến tên là khoái tít cung mây rồi. Được chửi để nổi tiếng. Chả bắt chước lũ mad bên Mỹ ấy mà – Quán nói và khum người ho khọt khẹt.

Xứ này, không chuyện gì là không thể xảy ra – Ông thêm – Cứ tưởng tượng như người phụ nữ góa chồng giữa đám lý trưởng, chánh tổng, ông thủ, ông biện lại, thậm chí cả thằng mõ. Cô ta trẻ trung, tươi mát, hoang dã bởi vì là gái quê; nên mỗi người, nhân có cơ hội thì véo một chút, sờ một chút. Chánh tổng giữ từ vòng ba trở xuống, lý trưởng vòng một… còn mõ với biện lại thì mút ngón tay chân, đến khi no chán chê thì cô ta không còn cọng tóc, cọng lông. Tất cả đều lép xẹp, tan nát. Nói đụng chạm chú, chớ cả mấy ông đầy bồ chữ thánh hiền cũng lén lén, lút lút. Cuối cùng ai cũng phỡn ra, bụng căng phồng, mặt mũi nhẫy bóng.

Thì anh cứ nói mẹ nó ra đất nước này nát hơn tương bần vì lũ khốn nạn đó – Chủ quán nhăn nhó.

Thôi, sáng súc miệng, chớ nói thêm những điều khó nghe.

Mà sao lâu nay không thấy anh viết gì – chú giáo sư hỏi.

Viết gì nữa chú! Thứ nhất bệnh, bác sĩ cấm thức đêm, suy nghĩ. Thứ nữa, thời buổi này đụng vào không khéo bị mời lên hỏi xuống, có khi ăn cơm chảo bóc lịch nữa ấy chứ. Thằng cha bạn “Đĩ Thúi” của tôi bị hành xách đến độ tóc rụng sạch, còn vài cọng thì bạc trắng!

Viết rồi nhét vào đáy thùng carton cho mối nó đọc – Chủ quán đùa.

Có xứ sở nào mà khi viết phải lén lén lút lút, lại phân vân lằn ranh lề phải với lề trái! – Ông than – Thà về nhà ôm mông vợ để có bữa cơm, đỡ nhục hơn.

Nay còn đẻ ra đám 47!

Ông ngửa cổ uống hớp rượu. Nó không làm ông tỉnh ra mà gần như mụ mị hẳn đi. Nghe con số 47, đầu ông ong ong như tiếng chuông gõ chan chát. 47, bạn ông đã phục vụ ở Trung đoàn này sau khi thi rớt Tú Tài, bị vỡ xương chậu trong trận đánh ở ngôi làng ven thị xã, thành phế nhân. Càng buồn hơn khi nghe tin cô vợ một thời là hoa khôi của tỉnh ngày ngày thấy ông chồng Trung úy què chột như hiện thân của cái xấu vật chất, tương phản với nhan sắc trời cho, cuốn gói dông mất. Sự thay đổi mặn đắng đó khiến ông buồn cả tháng trời.

Ông quay qua ông giáo sư hỏi: Năm nay chú 40 tuổi đảng rồi. Như vậy chú đứng trong hàng ngũ từ hồi 14 tuổi, chú cảm thấy mỏi mệt chưa?

Ông giáo sư nhăn nhó: Anh truy xét cứ như đám hình sự, khiếp. Đó, cái ông M. Djilas, một tay lý luận gạo cội của Nam Tư, cuối đời không thốt lên đại loại 20 tuổi không theo CS là người không có trái tim, 40 tuổi vẫn còn ở trong đảng CS là con người không có cái đầu.

Chủ quán: Đúng chú có cái đầu lệch, chàng hảng hai chân.

Ông thêm: Xét cho cùng, nói chú đừng giận, trí thức thời nào cũng hèn. Bọn lưu manh chính trị nắm được cái thóp đó, ban phát chút bổng lộc thì trở thành trí nô, sử nô, văn nô… các loại. Chán.

Ông giáo sư chống chế: Thời buổi này biết làm sao đây?

Chủ quán: Làm sao cũng chẳng làm sao. Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi. Làm chi thì chẳng làm chi. Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao. Đọc mấy câu cũ rích của cụ Phan Khôi, quán cười khà khà, nâng ly một vòng – Nào, uống và cười lên đi hỡi quê hương tan nát!

Ông nhỏ giọng: Hỏi chú câu này, không phải chú bỏ qua, chớ để bụng; rằng, hồi chiến tranh, chính nghĩa của các chú cao hơn Thái Sơn, nhưng sao tôi thấy, hễ súng đạn hai bên nổ ầm ầm thì y như rằng tất cả mọi người dân già trẻ lớn bé, trai gái cũng đều gánh gồng, bồng bế chạy theo “thằng Mỹ-Thiệu” mà không chạy ngược trở lên, ở đó có tự do độc lập hạnh phúc? Rồi tới giữa 75, có người còn liều mạng đu càng máy bay để mong thoát cái tự do độc lập đó?

Ông giáo sư: Thì cái sự mọi người chạy xuôi đã nói lên mọi điều rồi còn gì? Cái ông nhà văn trên rừng (*) đã thổ lộ đại khái, “phải chi đừng có đại hội Tours diễn ra vào năm 1920…”

Chủ quán: Cứt, cứ nói toẹt ra là chạy ngược chẳng khác nào đi đến thiên đường chết… đem thân vào lò hỏa thiêu! Va…a…à…

Ông kêu lên: Hai chú thôi đi, đừng đi quá đà – Nói và ông tự mỉa rằng mình mới là người đi quá đà trước tiên.

Buổi sáng mới thật gớm. Tiếng cười trộn lẫn trong nỗi buồn uất. Tất cả đều tê điếng, nhoi nhói như cảm giác khi đạp phải dề gai xương rồng bàn chải trên bãi cát khô cháy. Con người ở xứ này cũng vậy, giống như đám xương rồng bàn chải, cố mà chịu những đụn cát rang nóng để sống.

Ông dòm vào chai Martell Cordon Bleu lưng đáy, cảm thấy gờn gợn sống lưng. Ở xứ sở, ở thế hệ bị ném vào lửa, bị bỏ rơi này hình như rượu là người yêu sau vợ con. Rượu để giấu nỗi buồn, để khơi gợi tiếng cười, để nhấn lút mọi cảm giác cay đắng lẫn những hạnh phúc hân hoan lóe lên như đốm lửa trong đêm tối. Rượu vui, rượu buồn, rượu đám đông và rượu một mình. Nó là liều thuốc an thần vừa kích thích, làm tiêu tan và tăng cường độ cảm xúc. Xem ra con người mới chính là những kẻ yếu đuối nhất trần gian chứ không phải cỏ lau như ông triết gia phương Tây từng nói.

Chủ quán bỗng hỏi: Cô chủ nhỏ của ông anh sao rồi?

Sao là sao?

Là gắn chặt hơn hay lỏng lẻo?

Lỏng – Ông trả lời gọn lỏn.

Uổng – Quán thêm – Cô em xinh đẹp, bao nhiêu người nhỏ dãi còn ông anh thì dứt tình đoạn nghĩa ngang xương!

Chú cứ tưởng tượng khi trái tim chứa quá đầy máu sẽ bị vỡ, là nói về bệnh lý. Tôi chẳng sợ vỡ, nhưng suy cho cùng chẳng tới đâu. Tình tang sương khói thì có vẻ trẻ con, còn nghiêm túc thì không thể. Sự ấm áp trong vòng tay nhau rồi sẽ lạnh ngắt khi mỗi người mỗi nơi, bởi biết là không thể đi xa hơn.

Ông anh nói cứ như trong thánh thi  – Giáo sư chêm.

Chú nhầm. Tôi cũng phàm phu trong vụ này.

Ha ha… Ông anh phỡn bụng rồi… – Chú quán cười rung cả bàn.

Rồi cả ba cùng cười to như thể vừa khám phá ra điều gì ghê gớm, đổi thay cả thế giới.

Già đó. Lung tung đủ chuyện chẳng đâu vào đâu. Rồi buồn chút xíu. Cười lên chút xíu. Ở ngoài nhìn vào thấy rất trẻ con, đâu có già, đâu có bệnh tật gì.

Nguyễn Lệ Uyên

(viết đầu năm 2018 trên giường…)

____________

(*) Nguyên Ngọc

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search