T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: NHÌN THEO CHÙA CỔ QUÊ NHÀ/THẤP THOÁNG NHỮNG MẢNH… (ĐỜI). . .

Vô Ưu – Tranh: Thanh Châu

 

NHÌN THEO CHÙA CỔ QUÊ NHÀ

 

đi xuống phố nửa đêm tìm lại những

cái tôi nào của ngày trước với ngày

sau lối mịt mù trí nhớ mắt cay

sè đêm hạnh ngộ gương xưa mùa cổ

 

độ người một thuở ùa về chân dung

lạ còn ai đi giữa trần gian soi

lại gọi nửa đời lạ lẫm gió hư

vô đêm cũng lầmlạc mãi chưa về

 

tới thắp đuốc chờ người mãi những mùa

xuân chút tình cờ mà gặp gỡ một

đời để hương lưu giữ xanh vầng tóc

trắng. Và đêm và em và trí nhớ

 

và nhớ nắng mưa một thời thật xa

xưa mà thật gần như hơi thở.

HÀ NỘI (AP) – Đó chỉ còn là những bóng

hình, theo lời người phát ngôn của nhà

 

nước hôm Thứ Ba khi được các phóng

viên quốc tế phỏng vấn về ngôi chùa

cổ từng là nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ

ngồi nhìn trăng và làm thơ mà bây

 

giờ ông Pete Peterson vẫn thường

xách xe gắn máy chở cô vợ Việt

vào chơi. Trong tôi vẫn cổ một vầng

trăng già từ sách học một thời ấu

 

thơ mát lạnh một lần sững nhìn để

ngàn năm tê ngấtlịm như mây tìm

đến quê nhà. SÀI GÒN (Reuters) – Bây

giờ là nơi du lịch, theo lời người

 

phát ngôn của Thành Hội Phật Giáo hôm

Thứ Hai, khi được hỏi về Xá Lợi

Tự nơi một thuở tôi ngồi học vùi

đầu vào trang sách cổ nghe gió nghìn

 

năm xao xác nhìn hoài không thấy chân

dung. Đêm cổ tự quê nhà có lạnh

buốt như tôi tận Miền Bắc Hoa Kỳ

còn trong lòng sột soạt giấy vở xưa

 

thư kiếm đã nhạt nhòa trang ký ức

thật xưa cổ. LITTLE SAIGON (UPI) –

Có những người trung niên vẫn ngồi bên

ghế đá nhìn cao lên các đám mây

 

và ưa nói lung tung về chùa cổ

quê nhà, theo lời người phát ngôn của

thị xã Westminster hôm Thứ Bảy,

và chúng tôi lo ngại cho sức khỏe

 

của các cư dân này. Nếu họ ngồi

đánh cờ tướng để ăn tiền thì chúng

tôi chắc chắn là an tâm hơn, người

phát ngôn nói thêm. Khi đêm xuống sương

 

dày mịt lối tôi ngồi nghe chuông mõ

đếm canh thâu mà rất lạ cũng rất

quen buổi tối cho mắt mở nhìn thấu

suốt nghìn năm.

 

 

THẤP THOÁNG

NHỮNG MẢNH… (ĐỜI)

 

 

Về đây để ngồi những ngày thứ hai

thứ ba thứ tư thứ năm thứ sáu

thứ bảy chủ nhật, đổ mồ hôi cho

tròn một tuần, giữa chợ trời chợ đất

chợ đời quanh mình có quen cũng vờ

như xa lạ, bốc từng nắm chữ trải

đầy lên giấy, đổ cả lon mực ra

bày hàng, quay lại nạt con, bảo ngồi

yên, để bố bày trò phù thủy kiếm

tiền rồi sẽ dẫn con đi xem xi

nê Jackie Chan, trước mắt nhìn

thấy có ông đi qua có bà đi

lại, có tôi gãi đầu mày mò từng

chữ Ăng Lê, dốc hết túi moi cạn

kho ra hòng làm xiếc chữ i chữ

tờ, chỉ mong rồi kiếm đủ sống qua

ngày, vẫn hồi hộp không hiểu sáng mai

 

ra sao, khi chủ phố tới gõ cửa

đòi tiền, mà chưa kiếm đủ để nộp

cho con theo học trọn lớp hè để

buổi sáng chở con đi học, thấy trước

nhà vẽ đầy huy hiệu băng đảng, cũng

ráng mỉm cười với mấy cậu Mễ đầu

trọc bên đường, chỉ mong đêm đêm về

không bị quậy phá, mà lòng lo sợ

con lớn lên rồi chơi với các cô

cậu giang hồ, quen với những đêm thứ

sáu thứ bảy nghe nhạc trong xóm ầm

ầm, tiếng đàn tiếng hát tiếng giậm chân

nhảy vang vang, tiếng ồn tiếng cười tuổi

trẻ Mễ Tây Cơ, xoa đầu con bảo

ráng học cho mau, để nữa lớn phải

bỏ xóm này cho sớm, lạy trời lạy

phật, ngoan để đừng như bố lang thang

một đời vẫn ngu ngơ bất định, mong

 

sau này dạy cho con môn võ nhà

chùa trâu đất qua sông, trâu bùn vượt

biển, mà chờ khi đất tan  bùn rã

chứ dám mong gì trần gian hơn để

êm về đùa giỡn với con, dạy đọc

bên này chữ ti bên kia chữ tờ,

nghe bên này chữ bi bên kia chữ

bờ, nài nỉ con ráng học cho đủ

chữ  để đọc những tờ thư nhăn nhúm

từ các cô các chú nơi quê nhà

gửi tới, xin con đừng thắc mắc sao

thư bên trời xa mặt trước mặt sau

không thấy gì vui, giấy cũng không thành

màu giấy, mực vẫân cứ là màu tím,

góc thư vẫn cứ phi cơ, tiền tem

lên tới số nhiều ngàn, sao tái bút

luôn luôn là lời nhắn xin tiền, và

chuyện kể không bao giờ thơ mộng, thôi

 

để bố dạy con nheo mắt làm trò,

tập nhìn xem bên này chữ vui bên

kia chữ buồn, xem phía sau ai người

kẻ chữ, mà sao tim bố vẫn nhói

đau như thời mới ra đi, để tôi

những chiều thứ bảy ra biển ngồi nhìn

vào nơi thật xa thấy mình vẫn thấy

vẫn nghe vẫn cảm tiếng cười tiếng khóc

các em bên kia trời đông sao vẫn

như thời thơ trẻ để tôi bên này

bây giờ như đã già thêm trăm tuổi

để nhìn các em quê nhà câm lặng

nặng nhọc mỗi ngày đạp xe ra chợ

áo rách sờn vai không đầy chén cơm

mỗi chiều vẫn tin vào trời vào phật

chuyện xưa một thuở trần gian đi lạc

phải đành cho trọn kiếp người. những trận

 

mưa khuya sài gòn ai hay vẫn ướt

khung kính quận cam ai hay vẫn lạnh

buốt tôi bên trời.

 

TÔI ĐI TÌM EM ĐỜI NÀY, ĐỜI NÀY

 

Lời này là lời mỗi ngày tôi đọc,

mỗi ngày tôi ca, tôi hát, tôi nhẩm,

tôi ăn, tôi nuốt, tôi cười: Rằng cái

này có nên cái kia có, rằng cái

 

này không nên cái kia không… lời này

là lời mỗi giờ tôi thở, mỗi giờ

tôi hít, tôi nhìn, tôi rờ, tôi nắm,

tôi vò, tôi nếm: Rằng cái này sinh

 

nên cái kia sinh, rằng cái này diệt

nên cái kia diệt… mỗi phút, mỗi giây,

lời này, lời này…. ngấm vào người tôi,

là máu thịt tôi… là tôi, là cái

 

không tôi, là của tôi, là cái không

của tôi… lời này, lời này, chỉ còn

một lời này thôi. Lời này là lời

mà tôi đã nói, với em, trong lớp

 

học, ngoài thư viện, cuối giảng đường, bên

giường bệnh: rằng cái này có nên cái

kia có, rằng cái này không nên cái

kia không, rằng cái này sinh nên cái

 

kia sinh, rằng cái này diệt nên cái

kia diệt… rồi em có nhớ, rồi chỉ

vì em, một hôm hai hôm nhẫn tới

ba hôm, tôi đã vào đời, vào đời

 

và để tìm em, để nói với em,

với em, lời này, lời này… Một đời

một đời trĩu nặng khôn lường, rằng em

có biết không chỉ một đời, rằng tôi

 

ngồi đếm, một đời, hai đời, ba đời,

bốn đời… tới vô lượng đời… rằng em

có nhớ, là tôi đã ngồi, đếm số

cho em bao đời, bao đời, bao đời…

 

rằng tôi tìm em từ vô lượng đời,

để kể em nghe, rằng cái này có

nên cái kia có, rằng cái này không

nên cái kia không, rằng cái này sinh

 

nên cái kia sinh, rằng cái này diệt

nên cái kia diệt… tôi ngồi tôi đếm…

không ai, không ai, chỉ còn một nắm

thịt da đang đếm, em có nghe không,

 

chỉ còn tiếng đếm, chỉ còn một nắm

thịt da đang ngồi, đang ngó, đang nói

với em… Đời này, đời này… rằng em

không nhớ là vô lượng đời, là anh

 

đã ngồi, gõ quan tài em, ngồi ca,

ngồi ca, rằng em hãy nghe, rằng cái

này có nên cái kia có, rằng cái

này không nên cái kia không, rằng cái

 

này sinh nên cái kia sinh, rằng cái

này diệt nên cái kia diệt… rằng tôi

bao đời, nhìn nhan sắc em, bao đời,

bao đời, nhìn nụ cười em, bao đời,

 

bao đời, rồi nài nỉ em, rằng hãy

nghe tôi, hãy nghe lời này, rằng cái

này có nên cái kia có, rằng cái

này không nên cái kia không, rằng cái

 

này sinh nên cái kia sinh, rằng cái

này diệt nên cái kia diệt… Đời này,

đời này… rằng em hãy thấy… đời này,

đời này… rằng em hãy thấy… có cái

 

không sinh, có cái không diệt… có lời

đang đếm, vẫn là bất động, bất động,

bất động, bất sinh, bất sinh… có lời

đang đếm trải vô lượng đời, vẫn chưa

 

thành lời, vẫn chưa thành lời…

 

Ừ THÔI VỀ THÔI

 

Chạy tới chạy lui, chạy xin gõ cửa,

năn nỉ anh sứ, níu áo chị sứ,

cho tôi về với, tôi về tung hô,

tôi nói thiệt mà, cho về cho về,

 

ừ thôi tôi về, bạn bè đợi chờ

bao năm bao năm, giấy tờ khó thế,

tôi cũng Việt Kiều, tôi cũng thương nước,

ừ thôi về thôi, có thầy tôi mong,

 

có bạn tôi ngồi, có em tôi chờ,

có cháu tôi đợi, chờ đợi bao năm,

bao năm bao năm. Ừ thôi về thôi,

cho tôi về với, theo đúng chính sách,

 

tôi ôm tiền về, rải khắp quê nhà,

cho dân bớt đói, cho người bớt đau,

cho mưa bớt lạnh, cho lòng biết thương,

cho lời năn nỉ, dễ bớt đi mà,

 

dân khổ nhiều rồi, Việt Kiều hòa giải,

xin quan bớt tham, nói theo chính sách,

đổi mới đổi mới, tôi đổi mới thiệt,

năn nỉ xin về, tôi ôm tiền về,

 

tiền về tiền về. Ừ thôi về thôi,

tôi về giữa chợ, Bến Thành Bà Chiểu,

Đồng Xuân Thanh Trì, tôi ngồi giữa phố,

Tự Do Công Lý, Phố Cổ Hà Nội,

 

Phố Cổ Hội An, tôi ôm tiền về,

tôi về tôi thuê, phướng lọng đám cưới,

tôi trả tiền thuê, dàn kèn đám ma,

tôi làm đám rước, đi khắp cả nước,

 

mời gọi toàn dân, đổi mới đổi mới,

đổi mới thiệt mà, thuê khắp dân nghèo,

tiền tôi rải ra, giúp em đánh giày,

cứu em bán dâm, loa kèn kêu gọi,

 

từ bi từ bi, tôi rải hoa trời,

tặng khắp mười phương, trong tù ngoài ngục,

lòng từ vô lượng, vô lượng vô lượng.

Tôi mời đồng bào, cả nước ra ngồi,

 

giữa phố đầu phố, không cần tụng kinh,

không cần gõ mõ, không cần tung hô,

không cần kèn trống, không cần phướng lọng,

thôi ngồi xuống thôi, lắng nghe lắng nghe,

 

đừng nói đừng nói, này thân tôi ngồi,

này mắt tôi nhìn, này tai tôi nghe,

này lòng tôi mở, này là không thật,

này là biến hiện, này không thật tôi,

 

này không thật chị, này không thật em,

này là thân ngồi, nhưng không là tôi,

nhưng không của tôi. Tiền tôi ôm về,

tôi rải làm mưa, này tôi im lặng,

 

không nói một lời, tôi không dám phiền,

không dám làm phiền, này tôi áo rách,

này tôi dép sứt, này tôi ấp úng, n

ày tôi theo Phật, lặng lẽ lặng lẽ,

 

tới không ai biết, đi không ai hay,

học hạnh hải đảo, vào ngồi xưởng gốm,

xin trọ qua đêm, thuyết tới gần sáng,

xin đừng trổi nhạc, xin đừng tung hô,

 

để cùng lắng nghe, dòng đêm đang chảy,

dòng đời đang trôi, vô thường vô thường,

chỉ một dòng sông, không hề có tôi,

không có của tôi, tôi học lặng lẽ,

 

im vắng im vắng, chỉ có cái thấy,

chỉ có cái nghe, không có tôi thấy,

không có tôi nghe, chỉ có lắng nghe,

không có tôi nghe, chỉ có lắng nghe,

 

không có ai nghe… Không nói không tôi,

không tôi không nói, không tôi hề nói,

không nói tôi hề, tôi hề không nói,

không lời không lời, đất trời vắng lặng,

 

vắng lặng đất trời, tôi cùng đồng bào,

ngồi đứng ngổn ngang, giữa phố đầu phố,

không lọng đám cưới, không kèn đám ma,

mời gọi lắng nghe, cả nước ra phố,

 

ngồi nghe đứng nghe, nghe tim mẹ thở,

nghe vọng em khóc, nghe khổ cúm gà,

nghe cửa tù mở, nghe tóc trắng dậy,

nghe nước mắt lăn, nghe đất trời lặng,

 

niềm thương vô lượng, vô lượng vô lượng…

Phan Tấn Hải

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search