T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu & T.Vấn: Câu đối Phở

Qua tùy bút “Phở Thiên Biên Ký Sự” của anh Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, anh Khuất Đẩu từ Việt Nam đã hào hứng đưa ra câu đối “Phở”: Đã hết gân rồi còn tái giá.

Theo anh Khuất Đẩu, câu đối này phát xuất từ một câu chuyện “một anh bạn chọc bà hàng phở. Anh ấy hỏỉ: Còn “gân” không?, bà ấy bảo: Hết rồi chỉ còn tái thôi!”.

Thế là câu đối vui ra đời!

Cũng từ bài Phở của anh Ngộ Không, bài ghi chép ngắn “Gánh phở rong thời thơ ấu” của tôi trình làng. Đến nay, ai cũng biết tôi là “anh hàng phở”.

Kể lại chuyện cũ, sau ngày đi tù về, mỗi ngày tôi đều ra phụ với bà mẹ kế và các em tôi “bán phở”. Nhiệm vụ của tôi là đứng bên cạnh đầu bếp chính (tất nhiên phải là bà mẹ kế ), luộc bánh phở, bỏ vào tô rồi chuyển qua cho “bà hàng phở”. Trước mắt bà hàng phở là một cái ghế dài ngồi được nhiều người. Các bà, các cô, nhân tiện đi chợ ghé qua ăn sáng thường thích ngồi ở cái ghế dài trước mặt bà hàng phở này. Ngồi đây, các bà có thể thấy trực tiếp dĩa thịt tái, nạm, gân, gầu, ngầu pín (dương vật của bò, có cái dài cả nửa thước, đường kính từ 1.5 cho đến 2 centimeter) . . . và yêu cầu bà hàng phở chuẩn bị tô phở theo ý thích của mình. Món ưa thích nhất của các bà (qua quan sát và kinh nghiệm của tôi) là món gân và ngầu pín.Vì thế, thường thì hai món này hết sớm nhất. Các bà dậy muộn, đi ăn trễ, thì không còn món ưa thích. Khi ấy, các bà thường ăn phở Tái chứ ít bà thích ăn phở Chín, hay Nạm hoặc Gầu vì Nạm và Gầu thường có dính theo mỡ (như thịt heo ba chỉ). Người Sài Gòn, phần lớn là gốc miền Nam, ăn phở bò hay ăn hủ tíu heo đều thích ăn với giá (sống hoặc chín). Vậy là, bà hàng phở bèn hô to: tái giá cho chị . . . trước mặt đi ! Mục đích để tôi biết là khi luộc bánh phở phải bỏ giá vào luôn để vừa đỡ tốn được một ít bánh phở vừa không phải mất công luộc giá riêng cho khách.

Giải thích dài dòng như trên, tôi chỉ muốn chứng minh nghĩa đen (và thực tế) của câu “Đã hết gân rồi còn tái giá” của anh Khuất Đẩu.

Về nghĩa bóng, theo sự gỉai thích của anh, thì “Cái ẩn ý của vế xuất ở chữ gân vừa là món gân bò vừa là hãy còn “sung”, còn “ham” cái chuyện “ấy”. Tái giá vừa là thịt tái vừa giá, nhưng cũng là tiếng chỉ người đàn bà đi bước nữa.. . “ Cũng theo anh Khuất Đẩu, thì “hai chữ tái giá hơi gượng vì tái nạm, tái gân, tái sách chứ không ai kêu tô tái giá. Nhưng miền nam, giá là thứ ăn kèm với nhiều món trong đó có phở.”

Như tôi đã trình bày ở trên về tô phở tái (có) giá (hoặc tái không giá), với tư cách một “cựu hàng phở”, tôi xác nhận hai chữ “tái giá” không gượng chút nào hết.

Nói cách khác, câu đối “Đã hết gân rồi còn tái giá” mang hai ý nghĩa đen và bóng khá hòan chỉnh.

Khi T.Vấn & Bạn Hữu giới thiệu câu đối của anh Khuất Đẩu kèm theo với bài Phở Thiên Biên Ký Sự của anh Ngộ Không, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng của độc giả gởi về.

Trong số những câu “đáp đối”, chúng tôi chọn 3 câu tiêu biểu nhất của 3 độc giả Hiên Viên, Vũ Hòang Thư và Lão Chim gởi đến anh Khuất Đẩu, tác giả câu đối để xin ý kiến.

Dưới đây là ý kiến của nhà văn Khuất Đẩu:

“ . . . Sau khi đọc thiên tùy bút về phở của anh Ngộ Không, tôi chợt nhớ đến một câu đùa của một anh bạn chọc bà hàng phở. Anh ấy hỏỉ: Còn “gân” không?, bàấy bảo: Hết rồi chỉ còn tái thôi! Nhẩm trong đầu, tôi thấy thành một vế xuất của câu đối:

Đã hết gân rồi còn tái giá!

Hai chữ tái giá hơi gượng vì tái nạm, tái gân, tái sách chứ không ai kêu tô tái giá. Nhưng miền nam, giá là thứ ăn kèm với nhiều món trong đó có phở.

Cái ẩn ý của vế xuất ở chữ gân vừa là món gân bò vừa là hãy còn “sung”, còn “ham” cái chuyện “ấy”. Tái giá vừa là thịt tái vừa giá sống, nhưng cũng là tiếng chỉ người đàn bà đi bước nữa.

Bạn Hiên Viên đối:

Đặc biệt tái xơi lại hành trần*

thì đối được nghĩa đen chứ chưa được nghĩa bóng.

Bạn Vũ Hoàng Thư:

Chưa xong đùi lại vướng hành trần*

cũng chưa đối được cái ý trêu chọc ỡm ờ. Kiểu như hết xíu quách rồi mà còn lấy chồng nữa thì làm ăn được gì!

Vế đối của Lão Chim có vẻ đạt nhất về từ và tiết điệu:

Đâu ham pín nữa cạn hành trần*

Nhưng hai chữ hành trần vẫn không nói được cái nghĩa tái giá.

Bạn tôi cũng có một vế như thế này:

Thì đem xíu quách trộn rau thơm

Rau thơm thì làm sao mà “ghẹo” được bà hàng phở.

Bảo rằng chỉ gói trọn trong một gánh phở, thì quả thực cũng phải bí thôi, như câu xuất của bà thi sĩ họ Đoàn vọng ra từ buồng tắm:

Da trắng vỗ bì bạch, bì bạch.

Mấy trăm năm rồi mà vẫn chưa có ai tìm được hai chữ đối lại “bì bạch” vừa là da trắng vừa là âm thanh phát ra từ tiếng vỗ của bàn tay lên hai đùi (đang tắm)..

Ngẫm lại, tiếng Việt của mình thật ngộ nghĩnh, nếu không muốn nói là rất độc đáo.

Khi bài Tổng kết câu đối này được đưa lên mạng, chúng tôi còn nhận được hai câu “đáp” của anh Đỗ Xuân Tê, một thân hữu và độc gỉa Trần Công Anh Dũng.

Câu “đáp” của anh Đỗ Xuân Tê như sau:

chưa có gầu sao muốn nước thêm

(cảm khái từ hồng diện đa dâm thủy)

gầu=loại thịt nấu phở/ dụng cụ tát, múc nước

nước là nước phở, khách hay đòi thêm nước.

Anh Khuất Đẩu góp ý kiến thêm như sau:

Anh ĐXT có vế đối khá hay. Nhưng giá như sửa đôi chút thì chắc rất hóm:

Đã hết gân rồi còn tái giá

Chỉ có gầu lại thiếu nước nôi!

“Nước nôi” ngụ ý “dâm thủy” đó.”

Và đây là phần “đáp” của độc giả Trần Công Anh Dũng:

“ Cụ Mạc Đĩnh Chi đã nêu “định luật”:   “Xuất đối dị, đối đối nan”

Câu xuất đối của nhà văn Khuất Đẩu không “dị” chút nào bằng cớ là phở đã có hơn trăm năm nay, trước anh Khuất Đẩu bao nhiêu triệu người đã ăn hàng tỷ bát/tô phở, có ai rao giúp ông hàng phở cho thực khách biết rằng đã hết món phở gân rồi, chỉ còn phở tái chần ăn với giá trụng thôi bằng một câu rất tự nhiên như nói chuyện vậy mà … hóc búa biết bao!

Không ai xuất được vế đối ngạt ngào hương vị món ăn quốc hồn quốc tuý này thì vế xuất đối này có phải dễ mà nghĩ ra được đâu.

                        Đã   hết   gân   rồi   còn   tái   giá

Đó là cái nhìn giúp đời (giúp các ông/bà hàng phở) của nhà văn; còn cái nhìn nữa là cái nhìn bình luận về sự đời.

Sự đời thì đã từ hàng ngàn năm xưa đến nay đều “như cái lá đa”; trong chuỗi dài lịch sử đó thiếu gì quý bà đã “over the hill”, đã hết gân rồi mà vẫn quay hình ông chồng trên bàn thờ vào trong vách để bước lên xe huê lần nữa, tức là tái giá.

Trước nhà văn Khuất Đẩu có bao nhiêu nhà văn khác đã thấy cơ man nào những tình cảnh tương tự, mà có ai thốt lên:

Đã   hết   gân   rồi   còn   tái   giá!

Thế mà đâu có ai nghĩ ra câu xuất đối như trên, xuất vế đối như vậy đâu có dễ chút nào!

Xuất đối đã không “dị”, thì … đối đối trong “vụ” này còn “nan” tới đâu!

Dù   còn  sách  đó  hết  tương  hồi!

Cũng là tình hình “cập nhật” của gánh phở, đồng thời kể lại chuyên một đôi lứa bị đổ vỡ vì lý do gì đó, bây giờ dù vẫn còn phương sách hàn gắn che mắt người đời được, nhưng chén nước tình cảm đã đổ rồi thì không thể nào múc lên cho đầy để cùng quay lại với nhau được.”

Cuối cùng, khi phần tổng kết câu đối vui về Phở tưởng tạm xong, chúng tôi nhận được ý kiến thêm của độc gỉa Lão Chim như sau:

Thật ra theo thiển ý vế xướng không được ….HAY .

Lý do: Nội dung không chỉnh.

Khi vừa đọc vế xướng người đọc đã nhận ra sự “tréo cẳng” của câu đó nhưng như một sự đùa chơi cho vui nên chúng tôi cũng đã đối lại góp vui. Chữ “gân” có thể nói luôn hàm ý “cục gân” của qúi ông chứ các bà làm sao có cục gân được.

Khi người ta đọc câu “đã hết gân rồi” là nghĩ ngay tới việc nói về một người đàn ông đã cạn bình chứ ít ai nghĩ tới ý nghĩa nói về một phụ nữ đã không còn sung nữa. Vì vậy chữ “gân” mà đi với tái giá là sai bét .

Thí dụ khi viết “người đó còn gân quá mà sao chẳng tục huyền” là biết ngay nói về một người đàn ông còn sung sức chứ chả ai nghĩ  “người đó còn gân quá sao không …. tái giá” là nói về một bà còn sung mãn trong chuyện phòng the.

Bởi vậy nếu hiểu câu đó “Đã hết gân rồi còn tái giá” là để nói về một người đàn bà e rằng quá Gượng Ép .

Tuy nhiên cũng vẫn với cùng một ý tưởng góp vui .Tôi sửa vài chữ trong vế đối như sau:

Đã hết gân rồi còn tái giá

Đừng thêm pín nữa bớt hành trần*

Hai chữ “hành trần” cũng mang một ý nghĩa vể sex thú vị lắm chứ chả chơi đâu.

Này nhé, thì dụ khi các bà đã có tuổi mà còn bị các ông đòi tòm tem sẽ lườm nguýt chồng mắng yêu “gớm thôi đừng có hành nữa, già rồi …..”. Chữ hành trong thể động từ này rõ ràng hàm ý của sự “làm tình”. Như vậy thì đi với tái giá cũng hay lắm chứ vì tái giá cũng chỉ hàm ý tìm tí ái tình. Tuy nhiên cái hỏng của chữ hành trần không chỉnh với tái giá là ở vị thế danh tự cũng như tĩnh tự.

1- Tái là tĩnh tự mà hành là danh tự nên không chỉnh

2- Tái gía = tái (tĩnh tự) + giá (danh tự)

mà hành trần thì lại đảo ngược nên không chỉnh là vậy.

Nhưng nếu du di cho đó là một danh tự kép thì tái giá và hành trần có thể tạm chấp nhận được . . .”

Trang T.Vấn & Bạn Hữu và nhà văn Khuất Đẩu xin chân thành cảm tạ sự tham gia nhiệt tình của quý độc gỉa. Chúng tôi xin được đóng sổ phần câu đố vui về Phở ở đây. Mong rằng chúng ta sẽ còn những dịp vui mới trong tương lai.

Trân Trọng,

T.Vấn & Bạn Hữu

*Chú thích: Theo sự lưu ý của một độc gỉa, thì “hành trần, tái trần” phải viết là “hành chần, tái chần”. Chúng tôi đã tra lại Tự Điển Khai Trí Tiến Đức thì Chần có nghĩa là luộc sơ bằng nước sôi. Như vậy, chúng tôi tin rằng, “hành chần, tái chần” trong nội dung nói về Phở thì chính xác hơn. TV&BH.

**Lại Chú Thích: Dù “câu đối Phở” đã tổng kết, chúng tôi vẫn nhận được thư của độc gỉa Hiền Viên không đồng ý với sự giải thích của người đưa ra vế xuất là nhà văn Khuất Đẩu liên quan đến vế đáp của Hiền Viên: “ Đặc biệt tái xơi lại hành trần “ (chữ Trần viết TR ).

Theo độc gỉa Hiền Viên “nhà văn Khuất Đẩu đã không hiểu hết được ý nghĩa câu đối cuả tôi nên “phán là chỉ có nghĩa đen mà thiếu phần nghiã bóng”. Xin được giải thích: Nghiã bóng có vẻ hơi tục: Khi người đàn ông xơi tái một người  đàn bà mà lại còn ở trần ra để hành lạc. Ý nghĩa bóng là như vậy”.

Ngòai ra, độc gỉa Hiền Viên còn đề nghị sửa lại vế xuất làHết nước rồi còn đòi tái giá. (Như vậy hợp với chữ tái giá chỉ người đàn bà đã hết dâm thuỷ. Nghiã bóng). Nghiã đen là hết nước phở rồi còn đòi thêm tái và giá”.

Nhà văn Khuất Đẩu, tái thẩm định như sau “Tôi xin rút lại lời “phán” (chữ của cô Hiền Viên ), rằng câu đối “đặc biệt tái xơi lại hành trần” chẳng những không thiếu nghĩa bóng mà còn có một cái bóng dài thướt tha như cái dư ảnh của Kiều sau khi gặp Kim Trọng của cụ Nguyễn Du (bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha). Tôi vừa sững sờ vừa bái phục khi được cô  giải thích rằng, đó là cảnh một người đàn ông “xơi tái” một người con gái mà lại ở trần trong khi hành lạc. Thú vị ở chữ “trần” (chứ không phải “chần”)”.

Cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Cuộc vui câu đố Phở dừng lại ở đây hẳn phải là rất trọn vẹn .

T.Vấn

03-10-2011

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search