T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Chó, Chuột, Chim, Cá

Bến Bình Yên – Tranh: Mai Tâm

 

Chó           

Nghỉ lễ mùa thu, gia đình Bê lên miền bắc Đức chơi với gia đình Bờm. Chiều chiều, Bê, Bờm dẫn Daisy đi dạo. Daisy là con chó nhỏ thuộc giống yorkshire terrier, lông màu vàng ngà ngà. Daisy ban đầu là “con cháu” của nhà cô Bé, chị cô Hoà ở tầng dưới. Daisy ưa chạy lên tầng trên chơi với Bờm. Cô Hoà, cậu Lam tiếp đón Daisy rất nồng hậu. Dần dà, Daisy từ vai khách trở thành một thành viên mới của gia đình Bờm, “thường trú” luôn trong nhà Bờm. Lâu lâu tạt qua nhà cũ, nhà cô Bé, gặp Xụt, Daisy sủa vu vơ vài tiếng, rồi leo nhanh mấy bậc cầu thang lên nhà Bờm. Daisy có tên và nhan sắc của con chó thường xuất hiện chung với một nhà thiết kế thời trang ở Đức, ông Moshamer. Bờm ưa giả đò làm Moshamer, ôm Daisy vào lòng, vuốt vuốt tóc tai Daisy rồi ồ ề, “Ach, Du bist so suess” (Ô, em dễ thương quá!). Cậu Duẩn nghe ba chớp, ba nhoáng, đang cái tên Daisy sang trọng vậy, cậu lại gọi là con Đen- Xì, mặc dầu lông Daisy chẳng có tí tẹo nào màu đen cả.

Mới đi chút xíu, Bê, Bờm lại về. Mẹ Bê hỏi:

– Sao tụi con không đi dạo thêm chút xíu nữa?

-Tụi con muốn đi mà Daisy quay đầu chạy về đó. Bê trả lời.

Bờm nói tiếp theo:

– Hồi trước Daisy siêng hơn bây giờ. Nó đi dạo với Ba con cả tiếng đồng hồ. Mà chừ nó làm biếng quá.

Mẹ Bê thắc mắc:

-Chắc Bê với Bờm ham nói chuyện với nhau. Bỏ lơ Daisy, nên Daisy hờn, đòi về chớ gì.

Bờm trấn an:

-Chút nữa Me con về, Me con khám bệnh cho Daisy. Coi thử nó có bệnh không, mà lừ đừ như vậy.

Bê và Bờm để cho Daisy yên. Daisy nằm ngủ mơ màng ngoài hành lang. Hai đứa vô trong phòng computer chơi đua xe. Mấy ngày ở chơi với Bờm, vui, mà qua mau quá trời. Hôm đưa Bê ra phi trường, Bờm rủ Daisy đi theo, Me Bờm nói:

-Để em Daisy ở nhà. Chắc nó không được khoẻ, nên uể oải.

Bê về München được mấy ngày. Buổi tối, cậu Lam gọi điện thoại, nói chuyện với Mẹ. Gác điện thoại, Mẹ vội vàng:

-Bê ơi, cậu Lam kể, Daisy mới đẻ mấy em bé.

-Cậu Lam giỡn chơi phải không?

-Không! Thiệt đó.

-Đâu có được. Mới bữa trước, con với Bờm dắt Daisy đi chơi. Tụi con bắt nó chạy, leo cầu thang te tua.

Mẹ nghiêm mặt:

-Thiệt mà. Cậu Lam hỏi mình có thích không, cậu cho mình một con chó con.

Bê vui vui:

-Con cũng thích Daisy. Nếu có một em bé của Daisy chắc vui lắm.

Nhưng Ba lắc đầu nguầy nguậy:

-Không được. Nhà mình đâu còn chỗ cho con chó.

Mẹ gật đầu:

-Ừ, Mẹ thấy cũng khó. Cả ngày Ba Mẹ đi làm, Bê đi học, con chó ở nhà làm gì. Để Mẹ nói cho cậu Lam biết nghe.

Nghe đâu mấy em bé của Daisy đắt hàng lắm. Vài tuần sau, bầy chó con đã tìm ra được nơi ăn chốn ở mới. Chỉ còn mình Daisy ở lại nhà Bờm thôi. Đề tài nuôi chó trong nhà Bê nhanh chóng chấm dứt. Nhưng Mẹ và Bê vẫn thích nuôi thú trong nhà.

 

Chuột

Ô Mai long trọng báo tin:

–  Anh Bê ơi, Ô Mai đã được giấy phép nuôi Haustiere (thú trong nhà) của Bố Mẹ rồi.

Bê vui lắm, trông mau mau về thăm ông bà Ngoại, để Ô Mai “ra mắt” hai em Hamster của Ô Mai.

Ô Mai giới thiệu:

– Con tí đen là Zorro. Thấy tướng nó ngầu chưa. Con tí nâu là Ruffy.

Zorro lí lắc, nhanh nhẹn hơn Ruffy nhiều. Zorro leo song sắt của chuồng thoăn thoắt như khỉ. Zorro chơi quay vòng bánh xe, đôi khi cả tiếng đồng hồ. Ô Mai nhẩm tính:

– Nếu Zorro to như anh Bê, nó phải chạy bộ cả vài trăm cây số một ngày. Ghê chưa!

Ruffy coi ra có vẻ yểu điệu giống con gái. Nhưng ông bán hàng bảo đảm với Bố Mẹ Ô Mai, đó là hai thằng Hamster đực rựa. Bố Ô Mai đã hỏi đi, hỏi lại mấy lần cho chắc ăn. Mẹ Ô Mai nhất định chỉ cho “đăng ký hộ khẩu” hai miệng ăn thôi. Vậy là nể nang lắm rồi, Ô Mai phải năn nỉ, ỉ ôi quá trời.

Chuyện Ô Mai nuôi Hamster ban đầu chỉ rộn ràng giữa mấy anh em dì cậu của Ô Mai. Nhưng thành “chuyện lớn”, khi dì Hiền báo tin đã lên chức… bà ngoại. Em Zorro của Ô Mai vừa sinh một bầy em bé. Bê không thể nào tin được:

– Chắc dì Hiền nói giỡn để chọc Mẹ đó. Zorro và Ruffy là hai đứa con trai mà.

– Hồi đầu Mẹ cũng nghĩ như con. Nhưng dì Hiền nói thiệt đó.

Bê gọi cho Ô Mai, Ô Mai xác nhận:

– Zorro đẻ 7 con Hamster em bé lận đó anh Bê.

Ô Mai gọi điện thoại tứ tung báo tin vui. Bạn bè, đứa nào cũng o bế Ô Mai. Rộn ràng chờ cho mấy em bé biết mở mắt, sẽ xin về nhà. Ô Mai ra giá, mỗi con tương đương với một hộp đồ ăn cho Hamster, để Ô Mai tẩm bổ cho bà mẹ trẻ Zorro. Zorro phải có đủ sữa cho bầy em bé chứ.

Ô Mai vẫn lên mạng trao đổi thông tin với Bê, tường thuật những sự việc quanh mái nhà Hamster. Ô Mai kể, hôm qua biến đâu mất chỉ còn 6 con. Hôm nay, chỉ còn 5 con. Ban đầu, Ô Mai nghi cho Ruffy. Sau đó, Ô Mai “nghiên cứu”, tạo hoá cũng sắp xếp cho giống chuột này. Nếu con nào yếu ớt, không sống nổi, sẽ bị những con khỏe mạnh ăn thịt, là một cách để tự vệ. Bởi vì, nếu không ăn thịt con yếu, nó chết, sẽ ra sinh những vi trùng, gây bệnh dịch cho chúng. Đợt đầu, chẳng con nào sống sót. Ô Mai buồn hiu.

Một tháng sau, dì Hiền thấy Zorro không chạy bánh xe như thường lệ. Chuồng Hamster im ắng. Dì Hiền cúi xuống nhìn gần vào ổ rơm, thấy Zorro đang nằm với bầy chuột con. Lần này, Ô Mai dè dặt hơn, chỉ rỉ tai trong vòng thân mật như anh Bê, Bờm. Bê xin Ba Mẹ tiền đi Tierparadies, chợ bán thú nuôi trong nhà và các nhu yếu phẩm cho thú, tìm mua món quà “thôi nôi” cho mấy em bé của Zorro. Bê thật hài lòng với món quà. Đó một cái bình nước uống, loại to, đủ cho gia đình đông con của Zorro. Mùa hè, Ô Mai “dắt” Zorro, Ruffy và hai con em bé lên nhà cậu Lam chơi, ở tận Wedel, miền bắc Đức. Bê bắt đầu có cảm tình nhiều với mấy con tí. Bê kể với Mẹ, bây giờ Bê thân với Ô Mai lắm. Bởi, Ô Mai và Bê có nhiều đề tài chung để nói. Nhất là về gia đình Zorro & Ruffy.

Sau nhiều lần bàn bạc, tính toán với Ô Mai, Bê hỏi ý Mẹ, cho Bê xin hai con Hamster về nuôi. Ban đầu, Mẹ hơi do dự, khi thấy Ô Mai bận rộn lăng xăng với mấy con tí. Bê nói, Bê sẽ lo hết cho Hamster. Ba Mẹ không phải lo gì hết. Bê nói thêm, Bê có tìm hiểu rồi. Tuổi thọ của Hamster độ khoảng hai năm. Lúc đó, Bê cũng vừa xong trung học, Bê sẽ có nhiều sinh hoạt khác. Cuối cùng, Mẹ gật đầu, nhưng nói, còn phải có ý kiến của Ba nữa.

Ba nói:

-Nhà mình không còn chỗ, mà sợ chuột hôi.

Bê tìm cách thuyết phục Ba:

-Ba ơi, lần tới khi về nhà ông bà Ngoại, Ba thử đến gần chuồng chuột. Sạch trơn hà.

Bê chờ Ô mai vừa thay xong mạt cưa trong chuồng, tổng vệ sinh nhà chuột, Bê dẫn Ba “tham quan” nhà. Bê lấy lòng Ba:

-Ba thấy không, đâu có mùi gì đâu. Ba coi kìa, mấy con chuột chạy lui, chạy tới coi vui lắm.

Bê bế con chuột con lên:

-Ba coi, nó dễ thương chưa. Lông nó mịn quá trời.

Cuối cùng Ba đồng ý, dầu hơi miễn cưỡng một tí. Hai mẹ con bận rộn với hai con chuột. Thật ra, Bê bận hơn Mẹ nhiều. Bê lo đi chợ mua chuồng, mua mạt cưa bỏ vào chuồng, mua các loại hạt đậu thực phẩm cho chuột. Bê còn bấm bụng mua cái bánh xe cho chuột chạy. Bê lựa loại sang, bằng kim loại. Bê hì hục cả buổi, dùng mấy ống lõi của cuộn giấy bếp, “chế tạo” mấy cầu tuột cho hai con chuột. Bê nhường cho Mẹ đặt tên cho hai con chuột. Mẹ nói:

-Con này lông trắng tinh, mình gọi nó là Bông. Con này lông nâu xám là Nâu.

Hai mẹ con tập cho con Bông, con Nâu ăn nhiều món Việt. Hai đứa rất thích ăn cọng bún. Mỗi lần con Bông con Nâu dành nhau cọng bún, hai mẹ con vừa quan sát, vừa cười ngặt nghẽo. Hai đứa nhào vào bánh xe, cố sức quay vòng bánh, ngược chiều nhau. Khi chụp được cọng bún, hai đứa vội vàng nuốt trộng, trông tức cười quá chừng. Mẹ có ít hột dưa, từ hồi tết, ăn không vừa miệng, Mẹ thử đem ra mời. Nâu và Bông thích mê tơi. Bê cho hai đứa vô chạy trong thùng styrofoamlớn, thảy ít hột dưa vào. Nâu và Bông như hai cái máy hút, chạy qua là mất tiêu mấy hột dưa.

Buổi tối, Mẹ thấy con Bông cứ ngậm vòi nước, Mẹ cười:

-Con Bông ham uống nước dữ.

Lát sau Mẹ nhìn vô chuồng:

-Ủa, Bông vẫn còn ngậm cứng vòi nước.

Mẹ nhìn kỹ mới phát giác ra bình nước hết trơn. Bê lật đật chạy đi thay nước. Nhìn con Bông mừng rỡ uống nước chép chép, Bê vuốt nhè nhẹ lưng Bông:

-Xin lỗi, xin lỗi nghe. Anh Bê kỳ quá, để hết nước, bắt Bông phải khát nước quá trời.

Buổi trưa Bê gọi điện thoại Mẹ, giọng lo lắng:

-Hôm nay, trước khi đi làm Ba Mẹ mở cửa lâu không?

-Mẹ không mở. Mẹ nghĩ Ba cũng không mở. Có chi không Bê?

-Con Nâu nó chạy ra khỏi chuồng. Chắc nó đi đâu mất rồi. Con tìm khắp nhà cả buổi mà không thấy nó đâu cả.

Mẹ trấn an Bê:

-Con tìm sau mấy cái loa, hoặc máy hát. Ở đó ấm, nó thích trốn vào đó.

-Chỗ nào con cũng đã tìm mà vẫn không thấy. Giọng Bê như muốn bắt đền Ba Mẹ.

-Con thử coi nó có để dấu vết đâu không.

Bê vừa cầm điện thoại vừa đi khắp nhà. Chợt Bê reo lên, mừng rỡ:

-Hên quá, con thấy trong phòng tắm có mấy cục đen đen. Chắc nó đâu đây. Con cúp điện thoại để đi tìm nó.

-Ừ, hồi nào tìm ra nhớ nói cho Mẹ mừng.

Mẹ ngồi làm việc mà vẫn cứ lo ra. Không biết Bê có tìm được con chuột không. Mẹ cứ chăm chăm nhìn điện thoại.

Bê gọi đến:

-Mẹ, con tìm được con Nâu rồi. Mà nó chết rồi.

Mẹ giật mình:

-Thôi, đừng có nói bậy.

-Con nói giỡn chơi một chút con tìm được nó rồi.

-Bê làm Mẹ hết cả hồn.

Tiếng Mẹ như còn run run. Bê tội Mẹ quá:

-Con xin lỗi Mẹ. Lần sau con không giỡn như vậy nữa đâu.

Khi chơi với Bông, Nâu, Mẹ nhận xét:

-Con Bông siêng hoạt động, hay ăn, hay uống. Con Nâu tầm ngầm vậy chớ lanh lắm.

Nâu ít lắt xắt chạy bánh xe như Bông, nhưng xem ra hay nghịch ngầm. Nâu ưa leo trèo vào ban đêm. Có sáng sớm, Mẹ dậy chuẩn bị đi làm, bật đèn, thấy cục lông nâu nâu chạy lăng quăng. Mẹ tức cười, lượm con Nâu bỏ vào chuồng. Hôm sau, cho chắc ăn, Mẹ bỏ chuồng chuột trong một thùng styrofoam lớn hơn. Nâu leo thoăn thoắt như khỉ, nhảy ra khỏi chuồng, rồi leo tiếp trên thành thùng thẳng đứng, và nhảy ra ngoài như stuntman. Có lần, Nâu chạy trốn dưới máy giặt, Bê dùng đèn pin soi rọi một hồi, chèo kéo cách gì Nâu vẫn không chịu ra. Tới giờ Bê phải đi học. Ba Mẹ cùng nhau tìm cách dẫn Nâu về nhà. Ba Mẹ đem ra nào là hột dưa, đậu phụng, hột bí. Lục đục cả buổi, mới dụ Nâu đủng đỉnh bò ra. Hôm đó Ba Mẹ phải đi làm trễ cả tiếng đồng hồ. Bông vậy mà ngoan. Chưa đi chơi rông bao giờ. Mỗi khi cho ăn, Bông vội vàng leo lên bánh xe quay lòng vòng. Có lúc Nâu cùng quay, hai đứa quay ngược chiều nhau, nên bánh xe đứng yên một chỗ. Hai đứa quýnh quíu, chân cẳng đạp loạn cả lên. Nhiều khi Bông xớn xác, Bê hoặc Mẹ đút cho ăn còn cắn trúng tay, làm hai Mẹ con phải lấy thuốc cạo râu sát trùng chỗ vết cắn.

Chiều thứ bảy, trời trở gió. Phòng ăn mở hé cửa nên mát lạnh. Có lẽ Bông bị cảm, vì Bông ưa chạy bánh xe ở ngoài phòng. Nâu suốt ngày lười biếng, chui vào phòng ngủ gà, ngủ gật, cho nên không hề hấn gì. Buổi tối Mẹ đem cơm để vào máng thức ăn. Chỉ có Nâu mừng rỡ chụp vội những hạt cơm. Bông nằm yên, nhắm nghiền mắt. Mẹ đưa hột cơm đến gần, nhử nhử Bông. Bông như không thấy. Sang đến chủ nhật, Bông nằm vùi giữa ụ rơm. Bê bế Bông, nói Mẹ đưa nước cho Bông uống. Bê xé giấy mềm, làm nệm cho Bông nằm. Bê bưng chuồng để gần lò sưởi cho ấm. Buổi sáng thứ hai, Bê dậy sớm. Chạy ngay đến chuồng, bế Bông lên lòng bàn tay. Bông nhắm tịt mắt, thở thoi thóp, mới hai bữa không ăn, Bông ốm trơ xương. Bê vuốt nhè nhẹ lưng Bông:

-Bông ráng ăn uống một chút, rồi Bông khoẻ lại nhe.

Mẹ lo lắng:

-Con chuẩn bị đi học nghe. Để cho nó nghỉ. Mà sao thấy nó yếu quá, Mẹ sợ nó không qua nổi.

Bê bất bình:

-Mẹ đừng nói tào lao. Nó sẽ hết bịnh.

Mẹ đóng cả cửa sổ cho khỏi gió luồn. Mẹ đi làm mà cứ lo lo. Mẹ kể cho đồng nghiệp nghe chuyện con Bông. Cô đồng nghiệp bảo Mẹ đưa con Bông đi bác sĩ thú y. Trưa, khoảng giờ Bê về đến nhà sau khi tan học, Mẹ gọi điện thoại nhiều lần. Không ai trả lời. Mẹ gọi vào điện thoại di động của Bê. Cũng không ai trả lời. Mẹ tiếp tục gọi về nhà. Cuối cùng Bê nhấc máy. Mẹ cảm thấy có điều bất ổn trong giọng nói của Bê:

-Bê hôm nay về trễ hả con?

-Con về bình thường.

-Con ăn cơm chưa?

-Con không muốn ăn cơm. Giọng Bê ướt rượt như đang khóc.

-Con phải ăn một chút, không thôi đói bụng. Mẹ ngập ngừng- Con Bông nó ra sao rồi?

-Nó, nó chết rồi. Bê khóc nấc lên, rồi cúp máy.

Sau đó, Mẹ gọi nhiều lần Bê chẳng nhấc máy. Mẹ lo quá, vội vàng gọi cho Ba. Nói Ba về sớm với Bê. Mẹ ngồi trong hãng, nóng ruột quá trời.

Buồi tối, Bê nguôi ngoai bớt. Mẹ vô nói chuyện với Bê. Mẹ tránh không nhắc đến con Bông. Vậy mà Bê vẫn nhắc đến, rồi khóc nức nở. Mẹ ngồi với Bê một hồi. Bê nói, để Bê cho Nâu ăn một chút. Khi Bê ngồi trong phòng khách, chuồng chuột để trong lòng. Bê lại khóc thút thít:

-Mấy bữa trước hai con chuột chơi với nhau dễ thương quá trời. Bây giờ chỉ còn mình con Nâu.

Nhiều ngày, Mẹ không dám nhắc đến con Bông. Thỉnh thoảng khi chơi với con Nâu, Mẹ gọi nhầm tên Bông. Gọi xong Mẹ lo lắng nhìn Bê, sợ khơi lại vết thương lòng của Bê. Dần dà, Bê cũng nguôi ngoai. Bê bàn với Mẹ, mình xin Ô Mai thêm một con. Bê gọi xuống Ô Mai, chưa kịp hỏi, thì được biết Ô Mai đã tặng hết bầy hamster con đi rồi.  Bê đành chịu, nhưng vẫn không lơ là con Nâu. Một hôm, hai mẹ con đang chơi với con Nâu, Bê ngập ngừng:

-Mẹ, Mẹ có nghĩ, là mình tìm cho con Nâu một đứa bạn không Mẹ.

Mẹ đồng ý ngay. Bê nhắc có thấy một cửa tiệm gần chợ Real. Đến đó thấy cửa hiệu quảng cáo hấp dẫn Zoo Discount, Alles für Tiere fast geschenkt (Sở thú bình dân. Tất cả món hàng trong cửa tiệm rẻ như cho). Tiệm có nhiều loại thú nhỏ như chuột bạch, chuột núi, thỏ lùn… Nhưng chỉ có mỗi một con Hamster. Trông con Hamster cũng dễ thương, chạy lăng xăng trong chuồng. Bê thấy là “chịu” liền. Cô bán hàng rất thành thật:

-Tôi không biết chắc con này là đực hay cái. Nếu trai gái gặp nhau, ít có vấn đề. Chứ hai tên đực rựa gặp nhau, là xông vào nhau ẩu đả ngay.

Bê gật gù:

-Mình phải chấp nhận may rủi thôi Mẹ

Về đến nhà, vừa mới nhứ nhứ con lính mới, Nâu phóng tới. Lính mới xù lông kêu khịt khịt. Bê hết hồn, bèn tách hai con ra. Trước mắt, Bê phải xây hai nhà riêng cho hai con chuột. Tiếp theo đến màn đặt tên. Mẹ đề nghị tên Tơ, vì nó có bộ lông mịn màng. Bê nói, sao nghe chữ tơ, Bê cứ nghĩ đến tông-đơ hớt tóc. Rồi lại nghĩ đến mấy cọng tóc chỉa của Bê. Bê nói tên Tơ cũng đường được thôi, chứ Bê chưa hài lòng. Lính mới tạm thời tên Tơ mấy ngày. Một bữa, Mẹ nghĩ ra tên Chít, khi nghe Tơ chít chít, gầm gừ với con Nâu….

Bê bỏ hai con chuột vào thùng styrofoam lớn, dùng tấm kiếng ngăn đôi. Vậy mà, xuyên qua tấm kiếng, hai con vẫn cứ hục hặc nhau. Đêm đầu, Mẹ đang ngủ, choàng tỉnh, vì nghe tiếng chít chít. Mẹ chạy ra, thấy con Chít đã leo qua tường kiếng, bất hợp pháp xâm nhập gia cư của Nâu. Nâu mặt mày sừng sỏ, coi bộ bực bội lắm. Sợ có ẩu đả, Mẹ túm cổ Chít, trả về “nguyên quán”. Đêm nào, Chít cũng “vượt biên”. Mẹ đành để mặc. Hai đứa xem ra đã bớt kèn cựa nhau. Một sáng, Mẹ thấy Nâu và Chít nằm rù rì trong nhà của Nâu. Mẹ mừng rỡ, kêu Bê ơi ới. Hai Mẹ con chăm chú quan sát, rộn ràng bàn chuyện. Nâu coi bộ hơi lấn lướt Chít. Người Nâu mập tròn, nằm ngoài, chắn gần hết cửa. Mẹ đưa đồ ăn dụ Chít. Chít mới mon men ra, bị Nâu cự, sợ quá, chui lại vô nhà…

Sáng chủ nhật, Bê hay nướng đến trưa. Vậy mà thức dậy, mắt nhắm, mắt mở, Bê đã chạy ra ngắm hai con Hamster:

-Mẹ ơi, coi nè. Hai con chuột làm bạn với nhau rồi. Hai đứa đang nằm trong nhà kuscheln kìa.

Mẹ đoán non, đoán già, con Nâu chắc là một tí cô nương. Mấy lâu nay, tí cô nương đã quen độc thân vui tính. Cho nên đâm ra khó chịu, khi tí đực rựa xuất hiện, xáo trộn đời sống riêng. Vậy mà, lâu ngày, đâm ra rủ lòng thương thằng nhóc lóc chóc này. Xem ra ngó bộ giống Tiểu Long Nữ và Dương Quá. Bê dẹp bức tường kính. Nâu Chít bây giờ vui vẻ với nhau rồi. Mẹ chê Chít giống nông dân, không dám ăn món lạ. Mẹ cho nó cơm, bún, là những món khoái khẩu của con Nâu, Chít hửi hửi rồi bỏ đi, không dám thử. Mẹ nhận xét:

-Con Nâu ù quá rồi. Tròn quay hà.

Hôm mồng một tết nguyên đán, ngày đầu năm, nhà Bê um sùm vì con Nâu. Tối giao thừa, Ba Mẹ Bê thức khuya, khai bút đầu xuân. Hôm sau mồng một, khỏi phải dậy sớm. Bê thức dậy hơi trễ, trước khi đi đánh răng, Bê ưa đi ngang chuồng hamster, chọc ghẹo hai con tí một chút. Chỉ thấy con Chít nhẩn nha chạy bánh xe. Bê cúi vô nhìn trong phòng, trống trơn. Rồi, con Nâu lại chạy đi đâu rồi. Chắc lại trốn dưới mấy hộc tủ chớ gì. Bê nghĩ, ăn sáng xong rồi mình đi tìm nó. Bê tìm có hệ thống. Bê biết tỏng những chỗ con Nâu ưa núp. Bê tìm cả nhà, kỹ càng từng góc không thấy tăm hơi của Nâu. Cửa nẻo mình đóng kỹ càng, nó đâu có ra khỏi nhà được. Bê bắt đầu lo lắng. Bê dắt con Chít đứng trước mấy kẹt tủ. Hy vọng, con Chít sẽ dùng “lời ăn tiếng nói”, khuyên nhủ con Nâu rời bỏ chỗ ẩn nấp. Tới chiều tối, vẫn chưa tìm ra con Nâu. Bê tội nghiệp nó quá. Chắc nó đói và khát lắm. Con Chít coi bộ vắng con Nâu cũng buồn buồn. Tự nhiên Ba nghe có tiếng động khe khẽ trong cái subwoofer. Ba nói với Bê. Hai cha con bưng subwoofer lên lắc lắc. Chắc là con Nâu trong đó rồi. Ba rọi đèn pin vào cái lỗ, thấy con Nâu đang sợ hãi co rúm người. Ba và Bê hì hục tìm cách mở cái subwoofer. Cuối cùng mở nắp được, Bê mừng quá trời, lật đật ẵm con Nâu, đem vô nhà nó. Con Nâu rúc vào bình nước uống ực ực. Bê nói tội nghiệp nó. Cả ngày nay, chắc nó điếc tai, vì Ba mở nhạc Thúy Nga, Asia.

Bê phải nhắc nhỏ:

-Nghe chưa Nâu. Phải bớt ăn, cho ốm bớt nghe.

Bê thấy mình bận rộn ghê. Lo đồ ăn, thay rơm nhà cho Nâu, Chít.

Sinh nhật Bê, Ô Mai tặng cho Nâu, Chít một hộp đồ ăn loại cao lương mỹ vị, dành cho dân sành ăn. Mỗi lần đi chơi cuối tuần, Bê chuẩn bị hành trang lễ mễ cho Nâu, Chít. Mùa hè còn dễ sắp xếp. Mùa đông lạnh cóng, Bê phải xin Mẹ cái khăn to, bọc kín cái chuồng của hai đứa. Lên lớp 12, Bê bận rộn với bài vở, nên không còn nhiều thì giờ chơi với Nâu Chít. Con Ruffy và Zorro của Ô Mai không còn nữa. Cái “biệt thự” hai tầng của Hamster đã đem cho người khác. Ô Mai sắm con ếch nho nhỏ thả gần hồ cá ngoài sân.

Một cuối tuần, Ba Mẹ Bê về nhà sau mấy ngày đi vắng. Hai con chuột nằm chết trong chuồng. Bê cũng buồn, nhưng không khóc lóc như lần trước. Vả lại, hồi đó Bê cũng đã “thỏa thuận” với Mẹ, chỉ nuôi chuột cho đến khi xong trung học mà thôi. Bây giờ Bê đang túi bụi học hành chuẩn bị thi cử, để trở thành cậu tú như lời Mẹ nói nữa chứ.

 

Chim

Lần Mẹ sang thăm cô Nisha ở Pháp, Mẹ có dịp “gặp” đôi chim hoàng yến nhà cô Nisha. Cô hoàng yến tên Mén, cậu hoàng yến tên Đực. Cô Nisha giới thiệu vậy, chứ trong mắt Mẹ, hai con chim màu sắc đẹp như nhau. Mặc dầu, Mẹ nghe nói, chim trống lông sặc sỡ đẹp hơn chim mái. Buổi sáng cô Nisha dậy sớm xuống nhà dưới. Mẹ còn ngủ nướng ở lầu trên. Đang chập chờn, Mẹ nghe tiếng cô Nisha chả chớt:

-Sê- ri, Sê-ri bữa nay khỏe không?

Mẹ tỉnh giấc, nhủ thầm, chà, chàng nàng nhà này tình tứ dữ ha! Ủa, mà nhớ là tối qua, chồng cô Nisha đã gởi lời chào, ảnh phải đi làm xa, nên rời nhà rất sớm. Hay là cô Nisha đang tập nói, để chiều tối về nói với chồng nghe cho ngọt ngào. Chỉ nghe cô Nisha độc thoại, không nghe ai trả lời gì cả. Lát sau, Mẹ lò dò đi xuống tầng dưới, bỗng nghe giọng cô Nisha ngọt xớt:

-Sê-ri uống nước trà nghe.

Mẹ đang bước, cảm động muốn hụt chân. Ngỡ là cô Nisha nghe tiếng Mẹ dậy, hỏi han Mẹ. Tới khi Mẹ vào phòng khách, Mẹ hỡi ôi. Cô Nisha đang chăm bẳm bên chuồng chim. Âu yếm săn sóc cô Mén, cậu Đực. Cô Nisha nói, cô cậu Mén Đực ăn uống sao đó, bị Tào Tháo rượt. Cô Nisha phải làm đốc-tờ, nấu trà thuốc, chữa bệnh cho cô cậu.

Mẹ kể, thiệt ra Mẹ đã có thời kỳ “sở hữu” con vật có cánh trong nhà. Số là hồi ở Sài Gòn, khoảng cuối thập niên 70, mấy dì mua một con gà con nuôi trong nhà. Dù là gà, nó giống như chó con. Các dì ưa nghịch giỡn với nó, rượt nó chạy lúp xúp trong nhà. Hoặc các dì đi trước, nó líu quíu chạy theo sau. Bình thường, con gà ngụ trong phòng tắm. Nếu thích chơi với con gà, cứ vào phòng tắm “dắt” nó ra. Đôi khi, có người tắm, mà quên “thông báo” cho con gà tản cư. Con gà khép nép một góc, vẫn bị những ca nước ào ào tưới xuống. Kết quả là nó ướt như chuột lột. Những trưa nóng nực, Mẹ nằm ngủ trên sàn gạch hoa, cho con gà chíp chíp đi chơi loanh quanh. Cũng dễ thương. Có điều, cả nhà hồi đó thi nhau vọc con gà con, nó đẹt lét, lớn không nổi, nuôi mấy tháng mà nó vẫn bé tí tẹo như gà mới nở.

Mỗi khi lên chơi nhà cậu Duẩn, Mẹ thơ thẩn ra ban công, ngắm nghía mấy con se sẻ liến thoắng nhảy nhót, hoặc nghiêng đầu nghe mấy con chim hoàng yến hót líu lo. Mẹ cười thích thú, quan sát mấy con cút bé tí chạy lẹt đẹt trong chuồng. Mẹ nói, ban công nhà mình cũng lớn, có đủ chỗ đặt lồng chim. Nhưng chỉ ngại mùa đông ở miền nam nước Đức dài khủng khiếp, lạnh kinh hồn. Biết Mẹ thích, cậu Duẩn có ý tìm con chim ngồ ngộ tặng Mẹ. Không biết cậu Duẩn tìm đâu được con chim chào mào. Nhân khi về thăm ông bà ngoại, cậu Duẩn đem con chim chào mào gởi nuôi ở chuồng chim trong sân nhà ở Bad-Nauheim. Cậu dặn Mẹ, bây giờ đã vào thu. Mẹ chờ khi nào trời ấm, mới đem con chim về München. Nhưng con chim chào mào vẫn không qua được mùa đông ở miền trung Đức. Ô Mai báo tin, buổi sáng khi Ô Mai liếc sơ qua chuồng chim, coi đồ ăn còn đầy đủ không, thấy con chào mào đã nằm chết cóng tự hồi nào. Mẹ buồn buồn. Mấy cậu đề nghị, mua ít con chim nhựa nuôi cho chắc ăn. Vậy là giấc mộng nuôi chim ngoài ban- công đã tàn.

Khoảng giữa tháng ba 2006, trời bắt đầu bớt lạnh, một buổi sáng ra ban- công lấy chai nước, Mẹ khám phá có tổ chim trong rổ nhựa đựng các đồ nghề làm vườn. Trong tổ chim có hai cái trứng màu xanh. Mẹ mừng rỡ, rối rít kêu Ba, kêu Bê ra coi. Lúc đó, chim ba, chim mẹ đi ăn trở về. Cả nhà Bê lật đật rút vô nhà, vì sợ đôi chim không đồng ý có “người lạ” lảng vảng gần nhà của chim. Ba Mẹ quan sát đôi chim rồi thì thầm bàn tán. Chim này họ nhà sáo đó. Mẹ tự nhiên nhớ đến truyện Con Sáo Của Em Tôi của Duyên Anh. Mấy ngày sau đó, gia đình Bê không dám lại gần “nhà” chim. Mẹ chỉ lấp ló đứng ở phòng ăn quan sát đôi chim. Vừa thấy đôi chim bay đi kiếm ăn, Mẹ hối hả lấy máy hình ra, cấp tốc bấm lia lịa mấy tấm. Mẹ phát giác ra bây giờ tổ chim có 4 trứng lận. Mẹ hớn hở “tung” lên mạng mấy tấm hình của tổ chim. Dì Tâm, dì Thành bảo, chắc là điềm tốt, đất lành chim đậu. Tuần sau đó, Mẹ phải đi làm bên châu Phi. Mẹ gọi về thăm hai cha con, cũng hỏi thăm tình hình gia đình chim. Khi bầy chim con chiếp chiếp chờ chim ba, chim mẹ đem mồi về, trời đã vào xuân ấm áp. Gia đình Bê vẫn lấp ló quan sát. Góc ban-công coi như gia đình chim toàn quyền sử dụng. Mẹ ráng chụp mấy tấm hình, mà xa quá nên mờ câm không thấy gì cả. Buổi sáng, Mẹ trông ra ban-công, chỗ nhà của gia đình chim, trống trơn, im ru. Mẹ lại gần, tổ chim còn đó, sạch bóng. Trước khi dọn đi, chắc vợ chồng chim đã dọn dẹp đàng hoàng. Mẹ thấy buồn buồn, nói, cứ để tổ chim trống trơn ở đó. Biết đâu có cặp chim khác đến “thuê” ở tiếp, khỏi phải làm nhà. Chờ hoài, nhà chim vẫn ế nhệ.

Mới hồi đầu tháng 6, 2014, Ba đứng dọn dẹp ngoài ban-công, thấy đất vung vãi trên bệ cửa sổ cạnh bồn hoa. Ba nghĩ thầm, chắc là Mẹ, vun trồng cây cỏ, mà không chịu dọn dẹp. Ba quét đất, tính đổ lại vào bồn hoa. Bỗng nhiên Ba thấy dưới gốc cây hoa dã yên thảo có tổ chim, trong có cái trứng bé tí. Chiều đó, Ba Mẹ hí hửng ngồi sau cửa kính, nhìn cái trứng trong tổ. Lần này không phải sáo, mà là se sẻ. Hai con chim nho nhỏ, lông màu nâu, ngực có vạt lông màu cam. Sau đó, mỗi ngày thêm một trứng. Bây giờ, chim mẹ nằm ấp, chứ không bỏ đi tìm mồi nữa. Lần này, vị trí “căn hộ” của đôi chim khá thuận lợi cho Ba Mẹ quan sát. Bồn hoa nằm trên bệ ngoài của cửa sổ phòng khách. Cho nên Ba Mẹ cứ việc đứng sau cửa kính, tha hồ quan sát gia đình chim. Khi bầy chim nở, Ba đếm được năm con chim, chen chúc trong cái tổ chật ních. Ba chắc lưỡi, vợ chồng chim này tính hơi trật rồi. Đông con, mà mướn cái “nhà” bé tí. Mẹ say sưa quan sát tổ ấm chim. Một chú chim con, miệng vừa há to chờ mồi, vừa phóng uế ở “cửa sau”. Lập tức, chim mẹ thả mồi xuống cho bầy chim, phóng tới chụp ngay “đống rác” còn nóng hổi và bay đi vất rác xa xa. À, thì ra chim mẹ phải liên tục làm vệ sinh nhà cửa. Chứ không, chim con cứ ăn đâu, ị đó, tổ chim sẽ rất dơ bẩn, dễ gây bịnh cho tụi chim non.

Chiều cuối tuần, Mẹ định dọn dẹp nhà cửa tí tí, rồi ra ngắm tổ chim. Chợt nghe Ba kêu:

-Thôi rồi! Bầy chim bay đi mất tiêu.

Mẹ chạy lại bên cửa kính. Tổ chim trống trơn, sạch bóng. Thì lại chờ lần tới. Nhà ở München chắc là đất lành, thể nào ít bữa sẽ có chim đến đậu lại.

Ít năm nữa, khi Ba Mẹ nghỉ đi làm, dọn về Bad-Nauheim, Mẹ tha hồ vui với chim chóc. Mẹ đã nhắm nhé góc vườn Hoàng Gia Thảo Điền rồi. Sẽ có vài con chim hoàng oanh, hoàng yến hót líu lo. Buổi sáng sẽ có chú gà trống gáy ò ó o báo hiệu ngày mới. Tưởng tượng chừng đó, Mẹ trông cho mau mau về hưu, để về quê vui thú điền viên.

 

Cậu Duẩn tặng Mẹ cái hồ kính nuôi cá, cả nhà rân ran bàn tán. Mỗi người góp một ý, xem thử để hồ cá ở đâu. Mẹ công nhận, nhà mình nhỏ như cái lỗ mũi. Không được cái mũi lân của ông tài tử người tây Depardieu hay ông hề Đức Mike Krueger, mà là cái mũi tẹt, rất Việt Nam của Mẹ. Cậu Lam đề nghị treo trên trần nhà. Nhưng bất tiện, mỗi lần ngắm cá phải bắc thang leo lên. Cậu Thạch có sáng kiến, dùng hồ cá làm thùng nước toilette. Mấy cậu, mấy dì cười khặc khặc với hình ảnh tưởng tượng mấy con cá vàng uốn éo yểu điệu tung tăng trên toilette. Mẹ xụ mặt, ờ, nhà ta chật nhưng lòng ta rộng. Thể nào ta cũng tìm cho được chỗ để hồ cá. Mẹ đo đo đạc đạc. Nhà bếp và phòng khách là coi như không hy vọng chi. Để trong phòng ngủ lại càng không ổn. Cuối cùng, sau khi dời lui tới mấy chậu cây, Mẹ tìm được chỗ sát cửa trong phòng ăn. Hên quá, vừa sít, chỗ này lại không nắng, đỡ lo hồ bị rêu. Thiệt ra, Mẹ, Bê đã có kinh nghiệm nuôi cá lúc Bê còn ở mẫu giáo Bad- Nauheim. Mẹ, Bê lăng xăng trải sỏi, xếp đặt mấy cái vỏ sò hai mẹ con sưu tầm ở bãi biển những lần nghỉ hè. Hai mẹ con đạp xe ra bờ sông Isar, tìm lượm những hòn sỏi trắng, tròn trịa để trang trí hồ cá. Ban đầu, hồ xôn xao với bầy cá neon, bơi lượn lờ giữa mấy lùm cây coi thiệt dễ thương. Coi vậy, giống cá này yếu xìu. Hồ vắng dần. Mẹ chuyển qua cá bảy màu guppy. Nghe đâu cá này sinh sôi nảy nở nhanh lắm. Bầy cá bảy màu chẳng thấy nhiều thêm, mà ngược lại, càng ít đi, loe ngoe vài con. Ba ghẹo Mẹ và Bê:

-Chắc ăn nhứt là nuôi cá chép, cá rô. Cá chiên, ăn mắm gừng ngon “hết xẩy”.

Mẹ Bê bàn nhau, “đầu tư” qua cá hồng kiếm, hắc kiếm. Mấy con cá này không yểu điệu, đẹp mắt bằng mấy loại kia. Nhưng được cái, tụi nó “lì đòn” và háu ăn. Thỉnh thoảng, Bê thảy cho tụi nó hột cơm, cọng bún, tụi nó phóng như bay, dành nhau ăn coi tức cười lắm.

Hai mẹ con không phải chờ lâu. Mấy con cá kiếm đẻ con. Mẹ sắm liền cái lồng “hộ sinh”. Thấy con cá nào bụng tròn tròn, Mẹ vớt bỏ vào lồng. Lồng lưới có hai tầng, tầng trên cá mẹ ở, khi cá con ra đời, tụi nó rớt xuống tầng dưới. Tụi cá con phải ở riêng trong lồng lưới một thời gian. Hơi lớn lớn mới được ra bơi chung hồ. Chớ không, cá con ra sớm, còn li ti như mấy hột gạo, nhiều khi bị mấy con cá lớn đớp mất tiêu.

Hôm sinh nhật Ba, Mẹ và Bê ra tiệm cá, mua một cái lâu đài, từa tựa như lâu đài Neuschwanstein, rất nguy ngay tráng lệ, loại để trang trí hồ cá, tặng Ba. Ba đặt lâu đài vào hồ. Ba Mẹ Bê cùng ngắm mấy con cá rượt nhau qua cổng vòm của lâu đài, thiệt là vui!

Mấy con cá đâu có ngu. Tụi nó vừa nghe Bê lịch kịch ở ngăn tủ dưới hồ, là bu lại một nùi, chờ ăn. Có khi Mẹ cho tụi nó ăn rồi, Bê không biết, phát thêm đồ ăn, tụi nó vẫn xúm xít dành nhau đớp mồi. Thời kỳ Mẹ làm xa nhà, mỗi lần trước chuyến đi, Mẹ lên lịch thức ăn cho Ba và Bê, mà quên bẵng bầy cá. Phần Bê cũng bận rộn với nhóm bạn chơi bóng rổ, nhóm bạn chơi thẻ Digimon. Cho nên, bầy cá có khi ăn no phình bụng bơi không nổi. Cũng có lúc đói rã ruột, phải uống… nước trừ cơm. Hồ cá ngày càng xìu, lèo tèo hai ba con cá kiếm. Mẹ và Bê cũng lười thay nước hồ. Đáy hồ lợn cợn phân cá. Mấy hòn sỏi tuyển lựa từ sông Isar về không còn màu sắc tươi tắn mà hơi xỉn xỉn.

Cô bạn của Mẹ có hồ cá. Tự nhiên, ông thầy bói nào đó nói, cổ không nên nuôi cá. Vì số cổ là mạng hỏa, không hợp với nước, phải dẹp hồ cá đi. Hồ cá dẹp thì được. Nhưng mấy con cá vất bậy bạ, cô sợ mang tội. Vậy là cô năn nỉ Mẹ, đem vài con cá của cổ về nuôi giúp. Mấy con cá màu đen xám, xấu hoắc, giống mấy con cá rô, tướng tá hung dữ. Mẹ vừa cho tụi nó vô hồ, tụi nó rượt mấy con cá kiếm chạy có cờ. Ngày hôm sau, hồ chẳng còn con cá kiếm nào nữa. Mẹ sùng quá, bắt mấy con cá dữ nhịn đói. Lâu lâu Mẹ kêu Ba í ới. Nhờ Ba vớt giúp con cá vừa nổi phình lên mặt nước. Sau vài tuần, hồ bây giờ không gọi là hồ cá, mà chỉ là hồ nước.

Kể từ khi Bê đi học xa, Mẹ không còn “chăn nuôi” gì ở München nữa.

Hai năm nay, từ khi có Hoàng Gia Thảo Điền, mỗi lần về nhà ông Ngoại, Mẹ lăng xăng ngoài vườn. Mẹ vớt cỏ, vớt lá trong hồ cá. Mẹ thắc mắc, sao hồ bây giờ không nhiều cá như xưa. Cô Hồng kể, mấy con ếch, tụi nó “xực” cá con, nên bây giờ hồ chỉ còn cá bự thôi. Ếch tăng dân số lẹ lắm. Mấy đêm mưa, tụi ếch ồm ộp, òam oạp um sùm. Mẹ và cô Hồng vớt đám nòng nọc ra khỏi hồ. Chớ đám đó thành ếch, chén hết bầy cá vàng chứ chẳng chơi.

Mẹ nói, hồi đó, khi mới thấy ngôi nhà này lần đầu, vườn rộng với hồ cá. Mẹ mê mẩn, cứ mơ ước hoài. Chừ thì Mẹ thỏa nguyện.

Mẹ hỏi Ba:

– Mẹ và Bê thích con này, con kia. Sao Ba không thích con gì hết trơn vậy?

Ba cười:

– Có chớ sao không! Ba thích con này đặc biệt lắm.

Bê tò mò:

– Con gì vậy Ba?

Ba làm ra vẻ bí mật:

– Con này “chiến” lắm!

Bê sốt ruột:

– Ba làm con hồi hộp quá.

Ba nghiêm mặt:

– Đó là con… vợ!

 

Hoàng Quân

(Trích: Đứng Ngẩn Trông Vời)

Ghi thêm:

Anh TháiNC, một người bạn văn rất dễ thương, đọc xong truyện, đã cười vang (trong email):

“Hahaha! Đọc đến dòng cuối mới thấy tác giả kỳ thị, không cho lên list… con thứ năm này! Đề nghị chị sửa lại là: Chó, Chuột, Chim, Cá, Chủ (nhà).”

Ồ, anh TháiNC nói cũng có lý. Hay là mình lên danh sách đủ năm con cho thành ngũ long… công chúa. Đồng thời, người kể chuyện khỏi mang tiếng kỳ thị.

 

Hoàng Quân

Tháng Ba 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search