T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Chuyện Cái Bật Lửa

Miền Nam Việt Nam sụp đổ một cách nhanh chóng, dễ dàng, và bất ngờ ngay cả đối với quân xâm lược miền Bắc, kéo théo bao hệ lụy kinh hoàng cho toàn thể nhân dân miền Nam. Chính sách đánh Tư sản Mại bản, đổi tiền, đi vùng Kinh Tế Mới, tập trung học tập quân cán chính tại các trại Cải tạo ở miền Nam và miền Bắc, và những cuộc vượt biên, vượt biển làm chết biết bao sinh mạng trên rừng và ngoài biển cả.

Nhớ lại ngày 30 tháng tư 75, lúc 11 giờ sáng, TT Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, gia đình chúng tôi gồm vợ chồng và hai đứa con lên tạm trú tại nhà người bà con ở Chợ Lớn. Lúc này các toán lính bộ đội cộng sản bắt đầu kéo vào các con phố thuộc Quận 10. Tôi và cô con gái, Thu Trang, 15 tuổi, đứng bên lề đường quan sát tình hình. Một Trung đội lính mang cờ “giải phóng” từ xa đang tiến dần về phía chúng tôi. Vài ba chiến sĩ nhảy dù mủ đỏ với M16 còn trên tay đã không hành động gì và rút đi sau đó (có lẽ họ đã biết có lệnh đầu hàng). Toán quân “giải phóng” đang tiến lại gần, dân chúng đứng hai bên đường, phần đông là người Hoa, vổ tay hoan hô… Họ đâu ngờ sự chào đón quân “giải phóng” của họ đồng nghĩa với những oan nghiệt mà họ phải gánh chịu sau này dưới gọng kềm của Cộng sản. Trong lúc đó, tôi liếc nhìn cô con gái đứng bên cạnh, thấy hai hàng lệ chảy dài trên hai gò má ngây thơ của tuổi học trò mà lòng quặn thắt. Tuy còn nhỏ nhưng có lẽ cháu đã cảm nhận được cái đau khổ nhục của cha mình là một kẻ thua trận, và thấy được cái tương lai mờ mịt đen tối của chính bản thân mình và gia đình, cũng như quê hương xứ sở…

Một tháng sau đó chúng tôi được lệnh trình diện học tập. Lúc đầu vào trại Long Giao, sau 3 tháng được chuyển về trại Tam Hiệp, Biên Hòa, ở đây ba tháng thì được đưa ra miền Bắc. Một đêm nọ được lệnh di chuyển, chúng tôi từng trung đội ngồi chen nhau trên những chiếc xe GMC bịt bùng có lính bộ đội theo canh giữ. Nữa đêm đoàn xe đến Tân Cảng, Saigon, chúng tôi xuống tàu thủy đi Vinh. Sau ba ngày lênh đênh trên biển thì đến Vinh. Từ đây chúng tôi đi tàu lửa mất hai ngày mới đến ga Yên Bái. Từ đây phải đi bộ mất hai giờ để đến trại tù Yên Bái. Trong thời gian sáu tháng đối mặt với cộng sản, hai Sĩ quan đã hy sinh mạng sống mình, một Trung úy bị xử bắn ở trại Tam Hiệp, Biên Hòa vì lý do trốn trại, một Trung Tá bị chết ngộp trong toa xe lửa (dùng để chở hàng hóa hay súc vật) vì thiếu dưởng khí trong chuyến tàu xuôi Bắc. Hai biến cố bi thảm nầy như báo hiệu một cuộc hành trình cải tạo khốn khổ phiêu lưu vô hạn định nơi xứ lạ quê người!

Trại Yên Bái dựng cạnh một con suối quanh năm nước đục ngầu vì nằm ở vùng có mỏ khoán sản. Đây là một trại tù cũ của người Pháp để lại trước kia dùng làm nơi giam giữ những ngưới Việt chống Pháp cứu nước. Doanh trại đã hư hỏng nhiều nên bọn tù chúng tôi phải lên núi kiếm cây và đi bức tranh về để tu bổ lại. Nó nằm gọn dưới thung lũng vây quanh bốn bề toàn là núi non. Tối đến tiếng chim kêu vượn hú vọng về nghe thật lạnh lùng ai oán. Trong vòng hai tuần lễ đầu, hai người bạn tù đã dùng lưỡi dao lam cất đứt mạch máu tự tử chết. Năm tù nhân trốn trại đồng lượt bị dân chúng bắt và giao lại cho cán bộ trại xữ lý. Họ bị đánh đập tàn nhẩn và bị biệt giam. Ở đây được ba tháng thì trại dời về vùng Hoàng Liên Sơn. Anh em tù nhân lại gánh gồng, cuốc bộ từ sáng sớm đến chiều tối mới đến Trại 8 Hoàng Liên Sơn. Trại gồm nhiều láng, mỗi láng chứa được 30 tù nhân. Tổng số khoảng 300 người.

Những ngày đầu ở trại Yên Bái, tôi được biên chế ở chung láng với anh Nguyễn Văn S, Trung Tá Thiết Giáp, khoảng 45 tuổi) ngưới cao lớn khoẻ mạnh, đẹp trai, tánh tình dễ thương, hay giúp đỡ bạn bè. Khi dời về trại Hoàng Liên Sơn , tôi được biên chế ở cùng láng với anh Nguyễn Văn T, Đại úy Bô Binh, người đồng quê Quảng Trị. Từ đó chúng tôi quen nhau và thường chia sẻ cho nhau niềm vui nỗi buồn của kiếp tù biệt xứ. Mỗi đứa một nhiệm vụ lao động: Anh S được cắt cử đi kiểm soát, canh chừng các khu trồng mì (sắn) để khỏi bị trâu bò phá hoại hay dân làng đánh cắp. Anh T được phân công lên núi chặt cây đốn củi, đi cày, đi cấy, hoặc đi thu hoạch hoa mầu khi mùa vụ đến. Tôi thì được cắt cử đi chăn dê, phụ với anh Trần Huyên, Thiếu Tá Bộ Binh, chăn một đàn dê khoảng 50 con đực cái, lớn nhỏ. Tôi không ngờ lại được trao nhiệm vụ này, một công việc nhẹ nhàng, thoải mái mà còn hưởng được chút “bổng lộc” là uống lén sửa dê và cải thiện cái nhau khi dê cái sinh nở! Ngoài ra tôi còn được cái cơ hội hái ớt, khế ngọt đem về trại chia xẽ với anh em.

Số là tôi nằm trong đội rau xanh, chuyên trồng rau cải, và thu hoạch gánh về cho nhà bếp nấu ăn cho tù và cán bộ. Một hôm nọ, tôi bị đau trĩ ra máu quá nhiều, nên sợ lao động nặng nhọc lâu dài không chịu nổi. Tôi bèn đến báo cáo với viên Trung úy cán bộ đại đội là sau gần ba năm học tập cải tạo sức khỏe tôi ngày càng yếu kém, sợ không còn đủ sức lao động như anh em. Tôi không xin làm việc gì khác nhẹ hơn, nhưng mục đích là để cho viên cán bộ thấy rằng nếu mình làm chậm hay không đạt chỉ tiêu, anh ta cũng không la rầy khó dễ gì mình. Chỉ thế thôi. Báo cáo xong là tôi đi. Anh ta cũng không có một lời nào vặn hỏi tôi.

Sáng sớm hôm sau, đại đội tập họp để đi lao động. Tôi được gọi tên ra khỏi hàng và viên Trung úy ra lệnh: “Kể từ hôm nay anh Sinh được cắt cử đi chăn dê phụ với anh Huyên”. Tôi đáp: “Xin tuân lệnh”. Thú thật cả đời có bao giờ đi chăn trâu, chăn dê đâu. Nhớ lại hồi còn ê a học Tiểu học, cứ nghêu ngao câu : “Ai bảo chăn trân trâu là khổ, Chăn trâu sướng lắm chứ !”. Sau này lớn lên mới nhận thức được rằng chăn trâu đâu có sướng sung gì cho cam. Giang nắng cả ngày ngoài đồng, tay chân lem luốc lấm bùn đất, đỉa cắn cùng mình, đời sống thôn quê khó khăn, lại bị thất học. Nhưng ngược lại, bây giờ được đi chăn dê thì còn sung sướng nào bằng!

Sáng ra anh Huyên và tôi đến mở cửa chuồn cho dê ra đồng ăn cỏ. Anh Huyên giao tôi nhiệm vụ khi lùa đàn dê về chuồn xong là phải túm đầu con dê đực cột vào cột nhà. Nếu không, nó “quậy” cả đàn dê kia không chịu nổi với nó. Sáng sớm tôi vừa giải thoát nó ra khỏi chuồn là nó đứng ngay cửa, chực hể con dê cái nào đi ra là nó “phất” hết! Chưa vừa, đi từ cổng trại ra đồng, nó vẫn tiếp tục “quậy” nữa làm chậm trể sự di chuyển cả đàn. Có lần tôi dùng roi quất nó, nó ủi hai cái sừng vào “dế” tôi suýt chút nữa là tôi tiêu mạng! Người đời bảo, “Ba Mươi Lăm Dê Xồm” quả thật không ngoa! Cả đoàn dê chỉ có một con đầu đàn là con dê đực. Nó cao lớn lực lưỡng hơn người, râu ria xồm xoàm rậm rạp, hai cái sừng dài cong nhọn trông thấy khiếp. Ra đến bãi cỏ chúng tôi dùng nước muối rải lên, thế là đàn dê bu vào gặm. Chúng tôi ngồi chơi xơi nước, khỏe re! Ấy thế mà cũng có lúc phải vất vả với con dê đực xếp chúa. Nó ăn ba miếng xong là nó bắt đầu “quậy”. Mấy “em tin” (teen) làm sao chịu nổi nó. Nó rượt theo một hồi là thấy bá thở rồi, đến khi xong việc nó bỏ đi tìm em khác thì em này đã nằm ngả lăn ra cỏ xỉu luôn. May mà nó tỉnh lại, nếu không, anh Huyên và tôi sẽ mang họa với nó vì để cho dê chết không có “lý do chính đáng!”.

Nghe người ta nói, “35 dê xồm” (con số 35 do đánh số đề mà ra), thực sự bây giờ mới hiểu được cặn kẻ thế nào là “35 dê xồm”. Khả năng  tình dục của nó bất tận, nó cũng biết xài đủ ngón nghề điệu nghệ như con người từ thuở hồng hoang có ông A-Dong và bà E-Và. Đọc trên Net gần đây có một bà lão 73 tuổi, trang bị súng ngắn, núp trong bụi rậm chờ có thanh niên nào đẹp trai, vạm vở đi ngang mà bà ta thích, là xông ra dùng súng uy hiếp dẫn vào rừng “hảm hiếp”; bà ta mần ăn cũng được mấy chục trự “A-đơn” (adult) ngon lành. Bà già 35 này khác Cụ dê 35 là bà đã bị Cảnh sát phục kích tóm cổ cho vào tù vì tội dùng súng bắt cóc và hảm hiếp!

Chăn dê là một công việc nhẹ nhàng mà còn được huởng cái “lộc” uống sữa dê và ăn cái nhau để bồi dưỡng khi dê đẻ con. Những chú dê con dễ thương nhảy múa tung tăng trên các mỏm đá trông thật thích thú, vui mắt. Và còn có được cái kinh nghiệm khi quan sát dê mẹ sanh con mới thấy sự mầu nhiệm của Thượng Đế. Sau khi sanh, dê mẹ cắn rốn cho dê con, nó liếm mình dê con sạch sẽ, dê con tự mình đứng dậy và công việc lao động đầu tiên của nó là tìm ngay vú mẹ bú để sinh tồn. Và cũng bởi cái vụ đóng vai Tô Vũ chăn dê này mà sinh ra câu chuyện dài dòng về “cái bật lửa”.

Một hôm trại có lệnh kiểm tra đồ đạc, áo quần của tù nhân, mục đích đề tịch thu những thứ trại cấm, như vũ khí, dao nhọn, vật kim loại nhọn, bật lửa, tiền bạc dùng để trốn trại. Ai có thể dấu được gì thì cứ dấu để có khi cần dùng. Anh T. ở cùng láng với tôi đã chôn dấu cái bật lửa hiệu Zippo tại một gốc cây vầu ngoài bải cỏ gần trại. Vì hàng ngày tôi đi chăn dê, nên anh T. nhờ tôi đến ngay chổ anh dấu để lấy lại đem về cho anh. Anh vẽ vị trí nơi chôn dấu cái bật lửa, nhưng lần đầu tôi tìm không thấy. Lần thứ hai, tôi đào đúng chổ và lấy được cái bật lửa.

Tối hôm đó, tôi tìm gặp S để bàn thảo việc xữ lý cái bật lửa này. Nghĩ xa nghĩ gần, tôi bàn với S. là nên đem cái bật lửa này ra ngoài dân làng đổi lấy một ít thực phẩm để cải thiện trong lúc thức ăn của trại không cung cấp đầy đũ cho tù. Anh S đồng ý trên nguyên tắc là chia cho anh T một nữa, hai chúng tôi một nữa. Dĩ nhiên tôi không có bàn thảo chuyện này với anh T, sợ anh ấy sẽ không đồng ý. Sở dĩ tôi mạnh dạn đơn phương quyết định lấy việc nầy là vì tôi nghĩ rằng nếu đưa trả lại cái bật lửa cho anh T anh sẽ giữ mãi trong mình cái “của nợ” này rồi có ngày sẽ bị tai họa! Tôi tin là tôi sẽ thuyết phục được anh ấy.

Thế rồi một buổi chiều đẹp trời nọ, tôi được gọi lên làm việc với cán bộ sĩ quan đại đội trưởng, người đã cắt cử tôi đi chăn dê tháng trước. Nơi làm việc là cái nhà lục giác nằm ngay giữa sân trại, có đặt một cái bàn nhỏ và một chiếc ghế dựa bằng gổ. Đúng 6 gìờ chiều tôi đến thì đã thấy viên Trung úy ngồi vào bàn rồi. Tôi lịch sự đứng thẳng người, xưng tên họ và chào cán bộ. Ông ta vào đề ngay: “Anh có biết tuần rồi anh có làm điều gì sai trái không ? Tôi bình tĩnh trả lời là tôi vẫn lao động tốt, không có làm điều gì sai trái cả. Ông ta vẫn nhỏ nhẹ hỏi tôi,” “Anh không làm gì sai trái cả ư ?”. Tôi vẫn đáp là không. Ông ta bình thản, không nóng nãy, lặp lại câu hỏi trên: “Thật sự anh không có làm điều gì sai phạm cả, phải không? “. Câu trả lời của tôi vẫn là không. Đến đây linh tính báo cho tôi biết việc này chắc có liên quan đến cái bật lửa, nhưng tôi vẫn một mực tìm cách bảo vệ mình là không nhận bất cứ lỗi lầm nào. Suy nghĩ một lát, ông ta thọc tay vào túi quần lấy ra một vật nhỏ đặt trên bàn. Tôi liếc nhìn thấy đó là cái bật lửa Zippo. Ông ta vẫn một giọng ôn tồn, nói : “Bây giờ thì anh biết anh đã làm điều gì sai trái rồi chứ ?”. Đến nước này, bằng chứng đã rành rành thì buộc tôi phải nhìn nhận thôi. Tôi bình tĩnh trình bày sự thật đây là cái bật lửa của anh T cùng láng chôn dấu ở gốc cây khi cán bộ khám xét đồ đạc, anh ấy nhờ tôi đào lên đem về cho anh. Nhưng tôi nghĩ nếu đem trả lại cho anh, rồi sau này cán bộ lại kiểm soát nữa, rồi anh lại phải cất giấu lần nữa đâm ra lôi thôi, mà lỡ cán bộ bắt gặp thì anh ấy sẽ bị kỷ luật. Tôi mới nhờ anh S. đi làm ngoài đồng đem quy thành thức ăn về chia nhau để cải thiện trong lúc thiếu thốn. Nghe tôi báo cáo đến đây, viên Trung Úy thản nhiên đứng dậy và bảo: “Thôi, anh đi về đi”. Tôi cứ tưởng chuyện cái bật lửa đến đây là xong.

Nhưng không.

Câu chuyện nó dây dưa ra cũng bởi cái ông bạn S của tôi. Anh ta đã đồng ý là quy cái bật lửa thành thức ăn để ba đứa cùng cải thiện, nhưng anh ta đã không giữ đúng lời hứa. Anh đem cái bật lửa Zippo biếu cho viên Trung úy cán bộ đại đội của anh để “lấy điểm”. Ông này vô tình đem khoe cái bật lửa với ông Cán bộ đại đội tôi, nên câu chuyện mới vở lẽ ra như vậy, thành ra nạn nhân của cái bật lửa không phải là anh S hay tôi, mà là anh T, chủ nhân của nó.

Dù sao tôi vẫn là người chịu trách nhiệm chủ động biến cố này. Anh T bị viên Trung úy cán bộ đại đội bắt làm kiểm điểm. Đây là lần đầu tiên anh bị làm kiểm điểm nên anh ta sợ lắm; sợ bị tù lâu bởi không học tập tốt. Bởi thế tối nào anh ấy cũng cằng nhằng tại vì tôi mà anh bị làm kiểm điểm, sẽ ở tù mút mùa lệ thủy, biết ngày nào mới được về với vợ con. Tôi phải giải thích mãi để anh ấy hiểu là cái tờ giấy kiểm điểm nó không có giá trị gì liên quan đến thời gian tù tội của anh cả. Kiểm diểm cũng giống như con chiên đi xưng tội với vị linh mục, là mình ăn năn đã sai phạm và hứa sẽ không tái phạm nữa, thế thôi. Nhưng anh ta vẫn không chịu tin, cứ buồn và cằn nhằn tôi mãi. Cuôi cùng, tôi phải bảo anh S năn nỉ với viên sĩ quan cán bộ của anh nói với viên sĩ quan cán bộ của T miễn cho anh làm kiểm điểm, anh mới thôi

Chuyện cái bật lửa đến đây chưa chấm dưt.

Năm 1979. Trung Cộng bắt đầu tấn công mấy tỉnh cực Bắc. Trại tù Hoàng Liên Sơn được di chuyển về miền Trung du, Vĩnh Phú. Tôi và một số bạn tù được chuyển về Trại B Vĩnh Phú; anh S và anh T thì đi các trại khác, về sau không được tin tức gì về hai anh này nữa. Về Vĩnh Phú lại được quen biết với những bạn tù vừa cũ vừa mới. Trại tù ở đây không còn phóng khoáng tự do như ở Trại 8 Hoàng Liên Sơn. Phòng giam được xây bằng gạch lợp mái tôn, cửa đóng then cài, chứa được một đại đội tù khoảng 60 người. Mỗi người được dành cho 50 phân tây để ngủ trên sạp bằng xi-măng có trải chiếu. Chế độ tù ở đây khắc nghiệt do Công an quản lý: ăn ít mà lao động nhiều. Tối đến vào chuồng là khóa trái cửa lại, không đi đâu được, không như ở trại Hoàng Liên Sơn, các láng có thể tự do liên hệ với nhau. Sáng sớm lót dạ vài lát khoai hay sắn rồi chia nhau từng đội đi lao động, như khai phá các ngọn đồi để trồng mì (sắn). Lên rừng chặt tre về đóng những chiếc thuyền con để chở gạo, hay sắn tiếp tế cho trại, có đội phụ trách trồng rau xanh, trồng mía ép lấy mật làm đường. Tù lao động vất vả, ăn ít làm nhiều, nên chỉ một tháng sau là người nào người nấy mặt xanh như tàu lá chuối, nước da xám xịt. Ngang qua con suối, cởi áo lội xuống tắm, tù nhìn nhau mà ngậm ngùi bởi hình hài chỉ còn da bọc xương!

Trong láng tôi có một anh bạn tù cũng từ Trại HLS chuyển về đây. Anh là cựu Trung Tá, tên Nguyễn K . Được biết gia đình vợ con đã vượt biên qua Mỹ hết nên anh rất chịu khó học tiếng Anh mục đích khi ra khỏi trại sẽ kiếm cách đoàn tụ với gia đình với một số vốn Anh văn đũ để sinh hoạt kiếm sống. Anh học anh văn qua cuốn Tự điển nhỏ bằng bàn tay. Tối đến khi mọi người giăng mùng đi ngủ, anh K. thắp một ngọn đèn dầu ngồi trong mùng, học một hai giờ mới thôi. Phải công nhận anh ấy có chí, chịu khó, kiên nhẩn đeo đuổi mục đích của mình. Tôi thầm phục sức chịu đựng của anh, bởi lẻ lao động cả ngày mệt nhọc, đêm đến cần nghĩ ngơi lấy lại sức để ngày mai còn đi lao động tiếp. Vã lại, ngọn đèn dầu le lói đâu đủ sức thắp sáng cho anh nhìn thấy chữ để đọc; tôi thầm nghĩ đến khi ra khỏi trại thì đôi mắt của anh có thể trở thành mờ! Thật tình, tôi không có đủ can đảm để làm một công việc mạo hiểm khác thường như vậy.

Chuyện cái bật lửa giữa anh S anh T và tôi ở Trại Hoàng Liên Sơn các bạn tù đều biết, nhờ các láng được tự do liên hệ với nhau. Do đó một số ít anh em bạn tù đã mang chuyện “cái bật lửa” năm xưa từ Trại HLS về đây, trong đó có anh K để… hành hạ tôi. Anh em cho rằng S và tôi đã làm “ăng-ten” cho cán bộ lấy điểm và báo cáo anh em chuyện này chuyện nọ. Thật sự, anh S được cán bộ ưu đãi cho lao động nhẹ, chỉ có việc đi ra đồng canh giữ và kiểm soát các khu trồng trọt. Nhờ tự do ra ngoài như vậy nên anh liên hệ được với dân để kiếm thức ăn, như chuối chín, gạo, nếp, thuốc lá… Do đó mà anh em cho là S làm ăng-ten báo cáo cán bộ anh em bạn mình cải thiện.

Mỗi sáng đại đội kéo hàng dọc ra khỏi trại hướng về các ngọn đồi hay đồng ruộng để lao động. Ra khỏi cổng trại là đã trông thấy hai hàng cây so đũa đổ bóng xuống đường khi mặt trời vừa lên báo hiệu một ngày lao động dưới ánh nắng chói chang thiêu đốt của mùa hè. Đoàn tù nối tiếp nhau thầm lặng rảo bước. Bổng phía sau lưng tôi có tiếng thì thầm. Quay đầu lại thì thấy anh K như muốn nói chuyện gì với tôi. Anh K liền theo sát tôi và nói rằng S và tôi đã phản bội anh em khi làm ăng-ten cho Cộng sản. Tôi hỏi lại là chúng tôi đã làm gì để phản bội anh em. Anh K bèn nhắc lại chuyện cái bật lửa. Tôi nói chuyện này đã đi vào quá khứ rồi, anh nhắc lại làm gì để phiền người anh em. Anh K không phải nhắc chuyện này một lần mà lặp đi lặp lại hai ba lần mỗi khi đại đội ra khỏi trại để đi lao động, làm tôi hết sức bực mình. Tôi thẳng thắng nói với anh K rằng câu chuyện cái bật lửa không dính dáng gì đến anh, anh không phải là người trong cuộc nên không rõ thực hư thế nào, anh không nên nhắc lại chuyện này nữa. Nếu anh cứ lải nhải mãi, buộc tôi phải trình cán bộ trại. Từ đó anh K không còn theo phá rầy tôi nữa. Tôi nghĩ anh K là người có tinh thần chống cộng muốn bảo vệ anh em bạn tù khi anh tỏ thái độ oán ghét chúng tôi; nhưng hành động của anh không hợp thời, hợp cảnh, và cũng không hợp tình hợp lý; có chăng chỉ là để thỏa mãn cá tính của mình, đó là cái tính ưa quan tâm quá đáng vào công việc của người khác.

Câu chuyện cái bật lửa đến đây chưa kết thúc.

Năm 1983.

Từ Trại Xuân Lộc tôi được thả ra về với gia đình ở tại khu Chợ Rạch Ông, Quận 8, Saigon. Sau vài tuần lễ làm quen với nếp sống mới của gia đình, tôi thả bộ lên thăm những con đường, khu phố quen thuộc của thành phố Saigon thân yêu năm nào mà tôi đã xa cách tám năm nay. Chợ Bến Thành, con phố Nguyễn Huệ vẫn tấp nập người qua lại, kẻ bán người mua xôn xao rộn rịp…Trong dòng người tất bật với cuộc sống, tình cờ tôi gặp lại anh Nguyễn Văn T ngay trên đường Nguyễn Huệ. Chúng tôi nhận ra nhau ngay. Tay bắt mặt mừng…! Câu nói đầu tiên của anh đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi: “Anh Sinh ạ, tôi không buồn anh đâu, anh em hồi ở trại Hoàng Liên Sơn đều thương mến anh, và thông cảm hoàn cảnh của anh”. Nghe vậy, lòng tôi xúc động quá, một sự bất ngờ vụt đến với tôi như tia sáng hạnh phúc bất chợt vừa nắm bắt được mà chính mình không bao giờ mong đợi! Tôi cám ơn anh T với niềm xúc cảm vô biên.

Anh T và tôi kéo nhau vào một tiệm ăn bên đường Nguyễn Huệ, ngồi nhâm nhi chút hương thơm và vị đắng tách cà-phê đen, nhắc lại chuyện cũ trong trại tù, những chuyện vui buồn, khổ cực từng chia sẻ cho nhau. Tuyệt nhiên, tôi không nhắc gì đến chuyện anh bạn tù Nguyễn K ở trại Vĩnh Phú với anh T cả. Tôi không rõ anh S và anh K hiện nay đang ở đâu trên đất Mỹ. Mong rằng hai anh có dịp đọc được câu chuyện này.

Xin cám ơn Cái Bật Lửa đã đem lại ánh sáng yêu thương và hy vọng cho Người!

Lê Quang Sinh

Dallas, 4/2011

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search