T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chỉ một chút tình

clip_image002

Kẻo mai này …

Tôi biết ông từ những năm 70s. Lúc ấy chúng tôi đang ở trại cải tạo Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú, vùng trung du nổi tiếng với những đồi trà bát ngát và dãy núi Tam đảo. Ông ở đội 14 Nông nghiệp gồm phần lớn các sĩ quan cấp tá. Tôi ở đội 8 Nông nghiệp kiêm Văn nghệ gồm phần lớn sĩ quan cấp uý. Năm ấy, ông ở vào khoảng tuổi “tri thiên mệnh“. Nay ông đã “thất thập cổ lai hy“. Năm ấy, tôi vẫn còn “nhi lập“, mà nay đã là “tri thiên mệnh“. Thời gian như bóng câu. Thấm thoát đã hơn 20 năm. Dài hơn cả quãng đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Thế mà đã 20 năm rồi ư? Tôi ngậm ngùi tự hỏi khi cầm tập thơ “Chuyện ngày xưa” ông gởi tặng. Tôi có một thói quen. Khi cầm một quyển sách hoặc tờ tạp chí, tôi chỉ thoáng lướt qua tờ bìa hoặc trang nhất, rồi lật ngay qua bìa sau hoặc trang cuối. Đoạn trích bài tựa in ở bìa sau tập thơ làm tôi bùi ngùi: “Cuộc đời phù du dâu bể, vật chất phù vân sớm về tối đi, phải chăng chỉ còn lại chút tình cho người, cho ta. . .“. Tôi nhắm mắt lại. Thoáng trong trí tôi một câu văn đọc đâu đó. Đại ý về những ngày xa xưa thật xưa. Người viết muốn được ai đó cầm bút ghi lại. Kẻo mai này … trí nhớ tiêu hao.

Kẻo mai này trí nhớ tiêu hao. Ôi kiếp người còm cõi. Suốt đời là một kiếp tha hương. Bao nhiêu năm lưu đầy quê nhà và còn bao nhiêu năm nữa lưu đầy quê người. Có vui chăng chỉ là một chút tình cho người … cho ta … để:

Mơ thấy dáng em tuổi dậy thì

Gío xuân tha thướt tà áo Việt

E lòng còn nặng cánh chia ly.”

( Tết Ca Li – Như Hoa )

E lòng còn nặng cánh chia ly

Tháng 5 năm 1982, phần lớn tù cải tạo trại Vĩnh Quang được chuyển vào Xuân Lộc, Long Khánh. Tại trại Z30A Xuân Lộc, tôi may mắn được biên chế ở cùng phòng, cùng đội và nằm cách ông một người tù già khác. Dù đã biết ông từ khi còn ở ngoài Bắc, nhưng chỉ đến lúc này, tôi mới biết rõ hơn về ông. Bên dưới dáng người mỏng tanh, miệng như lúc nào cũng sẵn nụ cười, chân bước thấp bước cao (dạo ấy ông bị bệnh thần kinh tọa) là một trái tim rất văn nghệ. Mỗi đêm thứ bảy, sau khi buồng giam đã tắt đèn và mọi người đã vào nằm trong mùng, tôi đều đàn và hát cho đến rất khuya. Sợ làm khó chịu các anh em không thích nghe nhạc hoặc chê tôi hát dở, tôi đàn rất nhẹ và hát rất khẽ. Nhưng giữa đêm khuya của rừng núi, tiếng đàn hát dù nhỏ và nhẹ cách mấy, cũng đều nghe rõ mồn một, (và dù có dở cách mấy), cũng đều gây một cảm giác ngậm ngùi. Nhất là với những người tù không biết ngày về như anh em chúng tôi. Dần dà, đã thành một thói quen. Tối thứ bảy, tôi thức khuya đàn hát. Các anh em cùng phòng thức để nghe (hôm sau chủ nhật, mọi người được nghỉ lao động). Những bài hát về thân phận con người. Về những mối tình tan vỡ. Về một kiếp lưu đầy. Người cuối cùng thức với tôi mỗi tối thứ bảy là ông. Sở dĩ tôi biết được là vì tiếng ông đằng hắng. Rất nhẹ và mong manh. Rồi từ từ, một cách rất khiêm tốn, ông cũng tham gia hát. Những bài hát Mỹ của thập niên 50s. Qua ông, tôi được biết bài Tennessy Waltz bất hủ. Sau này, tôi đã viết lời Việt cho bài hát và dùng để tán người sẽ là mẹ của các con tôi. Giọng hát ông, cũng như thơ ông, cũng như con người ông, nhẹ nhàng chứa chan tình cảm. Thứ tình cảm không sôi nổi nhưng rất dịu dàng. Ông kể cho tôi nghe về những ngày ông du học tại Mỹ. Về bài thơ “Gĩa từ Monterey“, với cuộc chia tay người tình bản xứ không biết bao giờ gặp lại. Cuộc chia tay ấy hẳn phải là u uất nặng nề lắm. Nhưng không, những câu thơ thật nhẹ, thật mong manh:

Hè Monterey

tôi từ biệt nàng

Cuối đường Fremont chạy dài ra bể.

Nàng hỏi, chiến tranh khi nào dứt?

Tôi đáp, không nói được tương lai

Tôi hỏi, tình ta khi nào thôi?

Nàng nhìn tôi

Đôi mắt xanh biếc

Chẳng nói

(Gĩa từ Monterey – Như Hoa)

Ông viết bài thơ này vào tháng 4 năm 1974 tại Monterey. Ông không biết rằng, chỉ đúng một năm sau thôi, là chiến tranh sẽ chấm dứt (một cách tức tưởi). Và ông sẽ bị ném vào trại cải tạo. Và chân ông sẽ bước thấp bước cao, không phải ở “cuối đường Fremont chạy dài ra bể “, mà là trên khắp các nẻo đường quê hương, với:

Mùa đông gío rít lạnh

Nắng hè cháy thịt da

Đất cày lên sỏi đá

Khoai sắn chẳng no lòng”

(Mảnh đất tình quê – Như Hoa)

Tôi chợt nhớ những đồi trà mênh mông dưới chân rặng Tam Đảo. Tôi chợt nhớ những đồi khoai mì bát ngát bao bọc lấy khu trại Vĩnh Quang. Những buổi chiều cuốc đất trên đồi vời trông về một miền cố hương xa tít. Thèm một bữa ăn no. Thèm một chén trà nóng. Thèm một đôi bàn tay mềm mại. Chỉ cầm thôi để nghe mềm nhũn cả châu thân. Trời cuối tháng mười se se lạnh. Thỉnh thoảng những cơn mưa nhẹ chỉ đủ làm ướt áo. Tấm áo vá của muôn ngàn nỗi đau. Ôi mùa thu đất Bắc. Đẹp biết bao trong văn thơ hoài cổ nhưng cũng ảm đạm biết bao cho những thân phận lưu đầy. Nhưng ở ông, những điều tưởng chừng như sẽ để lại vết hằn rất sâu trong tâm hồn nhậy cảm của ông, lại được hóa giải một cách rất nhẹ nhàng, như nụ cười ông, như giọng nói ông:

” Vận nước nổi trôi

Chí trai không tròn

Tôi đi tù

Mẹ gìa không nơi nương tựa. “

(Mẹ tôi – Như Hoa)

Thời gian tôi gần gủi ông cũng vài năm. Nhưng trong trí nhớ còm cõi của tôi, tôi không moi ra được cái hình dung về khuôn mặt ông lúc giận dữ. Dù rằng, tôi biết ông có nhiều điều để giận dữ. Tôi chỉ còn nhớ được nụ cười hiền và nét đăm chiêu.

Tuy ông là người lúc nào cũng cười, dù trong những năm tháng đáng khóc nhất, nhưng ông lại ngạc nhiên khi thấy người con gái yêu của mình lúc nào cũng … cười:

“Đói khổ và bất hạnh

Cớ sao cô lại cười

Nào ai trả lời đặng

Riêng chỉ nàng biết thôi.”

(Nụ cười – Như Hoa)

Một chút tình …

Cuộc đời phù du dâu bể, vật chất phù vân sớm về tối đi … ” Hay nói một cách khác, cuộc đời vốn bấp bênh. Mới đó mà đã mất tăm. Mới đó mà đã biền biệt. Còn chút tình nào cho nhau, xin hãy cho ngay hôm nay. Đừng nấn ná chờ đợi. Kẻo đến một lúc nào đó … qúa muộn. Tuổi ông đang mấp mé bên bờ tử biệt. Mà hình như tôi cũng vậy. Nào ai biết được, khi buổi sáng thức dậy không còn biết trước hiên nhà có vuông nắng ngọt ngào, nhìn thấy mà thèm sống đến muốn … chết được. Hay một buổi sáng không còn thức dậy được nữa. Mà đã lặng lẽ một mình về cõi quạnh hiu. Cái bến bờ hiu quạnh ấy ai cũng sẽ một lần qua, nhưng bởi không biết bao gìờ nên cuộc đời này vẫn còn được chút niềm vui.

Đã gần 10 năm nay, kể từ khi qua Mỹ định cư, tôi không gặp lại ông. Sự liên lạc giũa chúng tôi chỉ là những trang thư (mà phần lớn là ông viết. Nét chữ viết tay phóng khoáng bay bay giữa nền giấy trắng như mây). Và tất nhiên, những cuộc điện đàm viễn liên. Giọng ông vẫn nhẹ. Ân cần và chăm sóc. Dù đối với một người đã hơn một lần phụ lòng ông. Trước đó, khi còn ở Sài Gòn, tôi thỉnh thoảng vẫn gặp ông. Đôi khi, tình cờ gặp nhau ở một chỗ bán sách cũ. Hoặc trên đường cả hai đang còng lưng đạp vội đến một địa điểm bán chữ nào đó. Chúng tôi chỉ đủ thì giờ mời nhau điếu thuốc, trao đổi nhau vài “kinh nghiệm … kiếm cơm” rồi thôi. Ai cũng bát nhào với miếng cơm manh áo. Những câu chuyện văn nghệ biến mất hẳn giữa những xuôi ngược ngược xuôi của dòng sống. Một đôi khi, ông có nhẹ nhàng hỏi tôi dạo này có viết lách ca hát gì không. Tôi chỉ cười không trả lời. Ông hiểu. Nhưng tôi biết, ông vẫn có những nhóm bạn bè tụ tập đọc thơ ca hát hàng tuần. Lúc ấy, tôi hình dung ông như viên công chức già. Sáng sáng, đủng đỉnh ra quán cà phê Tàu đầu hẻm, gọi một ly bạc xỉu (sữa pha chút cà phê), rồi từ tốn nhấp từng ngụm, nhìn dòng người hỗn độn những xích lô máy, những xe lam, những xe thồ túa ra khắp các nẻo đường bụi bặm. Ly sữa cạn, ông đứng dậy, đủng đỉnh hòa vào dòng người tất tả. Nói cách khác, ông không quay lưng lại cuộc sống. Nhưng ông bước vào cuộc sống với phong cách riêng của ông. Chẳng thế mà, Trần Kiêm Đoàn, trong bài Cảm Nghĩ in ở đầu tập “Chuyện ngày xưa” đã nhận xét: “Thơ Như Hoa rất thật. Hầu hết bài thơ nào cũng hướng về một đối tượng cụ thể nào đó. Khung trời thơ Như Hoa là thế giới của con người chung quanh Anh…” Đôi lúc tôi thèm được cái ung dung tự tại của ông. Cái ung dung tự tại của một người thường kiềm chế được cảm xúc của mình. Tôi nói “thường” có nghĩa là có đôi khi ông cũng “hơi buông thả“.Tôi tâm đắc với nhận xét của Cao Thanh Tâm “Nếu người đọc muốn tìm trong thơ của Như Hoa Lê Quang Sinh những rung động đam mê của tình yêu thì có lẽ hơi khó, hoạ hoằn lắm mới tìm ra một bài thơ tình hiếm hoi trong tập thơ của anh như bài Đường Trăng.

Có những buổi tinh cầu nhòa một nửa

ôm con buồn- ngơ ngác trộm nhìn em”

( Đường Trăng – Như Hoa )

Ôm con buồn- ngơ ngác trộm nhìn em. Thế thì buông thả lắm. Trong cái bất chợt của trời đất lúc giao mùa, ông đã không còn là ông. Nhưng tôi lại yêu ông hơn khi biết ông có những điểm … giống tôi. Chỉ khác là kẻ ồn ào sôi nổi, người lặng lẽ âm thầm. Nhưng khi những đợt sóng ngầm thúc đẩy ông đi xa hơn nữa, thì ông không chỉ “trộm nhìn em” mà còn “dám” ngỏ lời:

“Qua lối trúc em nỡ nào chẳng ngó

Anh đỉnh hồn treo lủng lẳng trái băn khoăn

Em gánh nước hay gánh tình ai đó

Để anh buồn quay quắt cả đường trăng”

(Đường Trăng – Như Hoa)

Giờ đây tôi mới biết ông bạn gìa của tôi cũng có những lúc buồn quay quắt (cả đường trăng).

Lại … một chút tình

Một chút tình của ông cho tôi và của tôi cho ông ngày xưa (nghe như từ tiền kiếp nào), không biết bây giờ có bớt đi chút nào không. Người Mỹ có câu: out of sight, out of mind. Xa mặt cách lòng. Giờ đây chúng tôi ở xa nhau. Rất xa. Khoảng cách không gian tính bằng đơn vị dặm ngàn. Khoảng cách thời gian là kẻ “tri thiên mệnh“, người “cổ lai hy“. Nhưng dường như ông vẫn còn đồng cảm được với tôi. Như ông đã đồng cảm với bao người bạn khác. Và tôi, vẫn còn giữ được ở ông một chút tình. Ông ở chốn xa xôi đô hội ấy, dẫu tuổi gìa sức yếu, vẫn hòa được vào dòng sống tha hương bằng phong cách riêng của mình. Từ tốn, chậm rãi, nhưng bền bỉ. Và ông đã tìm được ý nghĩa cuộc sống. Tôi nghĩ vậy. Còn tôi, vẫn mải mê mê mải – không phải trong dòng sống mình hằng mơ ước – mà là “sự hội nhập” (một khái niệm chua xót). Ông- người ung dung tự tại dưới con mắt tôi – vẫn tìm được cho mình những giây phút “buồn quay quắt cả đường trăng“. Còn tôi, mười năm đốt đuốc soi rừng đi tìm một khuôn mặt mình xa lạ. Không có được một giây phút cô đơn của riêng mình. Ngày xưa, tôi thèm được cái ung dung tự tại của ông. Ngày nay, tôi lại thèm được cái “buồn quay quắt” của ông. Đời tôi là một cuộc rượt đuổi, có lẽ. Hay là một bi kịch điển hình của lớp tuổi năm mươi đang lênh đênh trên biển đời xứ lạ? Tôi không biết. Nhưng tôi biết là tôi muốn viết về ông, như để thanh thản một chút tình. Nhưng hình như là tôi đang viết về thơ ông, như để tìm trong đó chút đồng cảm. Loay hoay mãi giữa mớ hỗn độn của chữ nghĩa, tôi lại hình như đang viết về tôi, như để tìm lại cái tôi đã đi lạc giữa xứ người từ 10 năm nay. Dẫu sao, ông sẽ mỉm cười độ lượng. Như ông đã từng độ lượng. Xin gởi đến ông một lần nữa mấy câu thẩn. Như những lời đồng cảm:

Thi sĩ già

Ngồi nặn thơ bên bờ sông lạnh

Mặc đời trôi dặm đường cô quạnh

Khóc oa oa.

©T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search