T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Tất Điều: Tranh luận về Einstein

Thuyết Tương Đối Đặc Biệt (TĐĐB), còn gọi là Tương Đối Hẹp của Albert Einstein được hầu hết khoa học gia nhiều thế hệ tôn thờ, nhân loại học tập suốt hơn trăm năm, nay dám bảo nó sai thì tất nhiên “lãnh đủ”. Cả thế giới khoa học xúm lại đánh ngay.

Hơn mười năm tranh luận với khoa học gia khắp thế giới, chuyện buồn vui khá nhiều, nhưng vui lạ nhất, nhiều bất ngờ nhất, lại là những dịp, rất hiếm hoi, phải “trao đổi” với học giả, khoa học gia Việt Nam, trong và ngoài nước.

Ngoài nước thì có cụ Huỳnh Kim Giám.

Nghe nói cụ là một học giả danh tiếng, đã từng giữ những chức vụ cao cấp trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. “Văn kỳ thanh” đã thế mà lúc “kiến kỳ hình”, thấy tận mắt kho kiến thức mênh mông thể hiện trong bài viết, văn phong đặc biệt của cụ thì càng thêm kính nể. Cụ Giám tinh thông cả Hán học lẫn Tây học.

Sau khi đọc bài tôi viết về phương trình hoán chuyển vật chất thành năng lượng của Einstein, cụ mở đầu cuộc tấn công, chĩa mũi dùi vào hai chữ “ma sát”. Cụ chê tôi viết sai chính tả và nhân tiện công bố niềm tin sắt đá của cụ: nhà văn, nhà thơ, nhà báo… gốc Hà Đông thường viết sai chính tả. (Trình cụ là tôi viết hai chữ “ma sát” theo tự điển thì cụ nhất quyết tự điển bây giờ phần lớn do Việt Cộng biên soạn nên chắc chắn là sai).

Sợ chỉ nói chuyện văn chương chữ nghĩa thì chưa đủ biểu lộ hết sự uyên bác của mình, cụ Giám dạy tôi về phương cách nghiên cứu khoa học, nhắc tôi tránh một điều tối kỵ. Cụ viết: “… dùng vật lý sơ đẳng thời trung học để giải thích thuyết tương đối là việc … vô bổ!”

Tôi tá hỏa tam tinh. Lâu nay, cứ đinh ninh rằng những bài học về vật lý, toán học, hóa học, lịch sử, địa dư, v.v… được giảng dạy ở bậc tiểu học, trung học, bất cứ bậc nào… đều là những kiến thức quý giá trong túi khôn của loài người. Chúng là những viên gạch, viên đá làm nền, trên đó các thế hệ sau xây dựng tòa nhà kiến thức chung, càng ngày càng cao, càng rộng. Nhưng dù cao rộng đến đâu, vẫn phải đứng trên nền.

Nay cụ Giám cấm dùng kiến thức học được từ trung học để nghiên cứu thì mình chỉ có cách giải nghệ luôn chứ còn lấy gì để làm vốn tiếp tục đây!

Lo nghĩ đến nỗi gặp ác mộng.

Đêm ấy, nằm mơ thấy cụ Einstein hiện về, mặt hầm hầm. Cụ chỉ mặt tôi, mắng tới tấp:

“Sao nhà ngươi tối dạ thế. Tên này viết vậy là nó muốn chửi xéo ta đấy. Khi lập thuyết TĐĐB ta dùng một phương trình dạy ở bậc tiểu học, đó là: Đường dài bằng vận tốc nhân với thời gian. Dùng tới ba lần. Một để tính đoạn đường con tàu đã vượt được: L = v × t. Một để tính chiều dài đoạn AB – L’ = c × t’. Một nữa để tính đoạn AC: L” = c × t”. Coi như làm chuyện “vô bổ” tới ba lần lận. Ngoài ra, khi tính toán, lập thuyết, ta cũng giống như tất cả các khoa học gia trên thế gian, đều dùng bốn phép tính cộng trừ nhân chia là kiến thức toán học mà những em bé sáng dạ thường được cô giáo dạy từ lớp mẫu giáo… “vô bổ” kinh hoàng, khiếp đảm hơn nhiều. Nhà ngươi viết lách cái gì mà làm ta bị chửi lây như vậy?

Chưa kịp phân trần thì choàng tỉnh dậy!

Sau khi chửi xéo Einstein (ám chỉ cụ phạm tội dám dùng toán tiểu học để lập thuyết tương đối), không nghe ai hó hé phản đối gì, cụ Giám thừa thắng xông lên, hào khí ngất trời, tấn công tôi tới tấp. Bài tôi vừa đăng lên là có ngay Email của cụ gửi đi khắp vũ trụ, thường mở đầu bằng câu: “LTĐ cương ẩu” hoặc “LTĐ lại cương ẩu”.

 

Ngộ nghĩnh nhất là, có lẽ vì tuổi già sức yếu, bài nào cụ cũng chỉ đọc được mươi dòng đã mỏi mắt quá trời. Sau khi đem mớ kiến thức học lóm được về khoa học để chứng minh xong một chuyện “cương ẩu” của LTĐ, cụ hết hơi, mệt đứ đừ. Cụ phán tỉnh bơ: “Tôi chỉ mới đọc tới đây thôi…” rồi cụ “buông bút” – rời bàn phím – chắc là sau đó nằm khượt ra cho nó sớm hồi sức.

Thành ra, bài tôi viết dài cách mấy, LTĐ có “cương ẩu” thêm năm bảy quả nữa, vẫn được cụ rộng lượng tha Tào.

Vì nhu cầu chê trách tôi, cụ học giả uyên bác ở hải ngoại cứ đè Einstein ra để mắng về cái tội nghiên cứu bằng phương pháp “vô bổ”.

Trong nước, cũng vì nhu cầu phản biện một bài viết của tôi, một nhà thông thái trẻ còn sỉ vả Einstein thậm tệ hơn nhiều.

Trong bài “Mơ giấc mộng dài”, tôi nêu ra những khó khăn, phi lý khi áp dụng phương trình L = v x t – Đường dài bằng vận tốc nhân với thời gian – trong thế giới có thời gian giãn nở được của Einstein.

Một vị giáo sư khoa học, là một nhà nghiên cứu về Vật lý lý thuyết có tên tuổi, từng làm việc ở những trường đại học và trung tâm nghiên cứu lớn của Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ… sau khi đọc bài ấy, gửi cho tôi những nhận xét này:

“Anh Lê Tất Điều không nhận ra là khái niệm Thời Gian giãn nở của Einstein khác lạ xa với Thời Gian tuyệt đối bất biến của Newton, tóm tắt trong hai phương trình khác nhau, như sau đây:

Theo thuyết TĐĐB (Special Relativity) x = ct và x’ = ct’, do đó x và t không riêng biệt mà phải gắn bó với nhau theo phép hoán chuyển Lorentz:

x’ = gamma (x- vt) và 

t’ = gamma (t – xv/ c^2) 

với gamma = 1/ square (1 – v^2/ c^2).

 Còn trong Cơ học cổ điển (Classical Mechanics) thì x’ = x – vt, t’ = t.

Hai phép hoán chuyển trên rất khác nhau và chúng chỉ xấp xỉ tiệm tiến gần bằng nhau khi nào v << c hay khi gamma gần bằng 1.

Nếu w là vận tốc đo trên tàu của bất kỳ một vật A nào và v là vật tốc của tàu đó so với bến đứng yên, thì theo Cơ học cổ điển, vật A đo trên bến phải là w + v; trái lại Einstein tìm ra công thức này chỉ gần đúng thôi mà chính xác ra nó phải thay thế bằng (w+v)/ (1 + wv/c^2).”…

Còn một đoạn nữa, nhưng đến đây đã có quá nhiều chuyện phải bàn.

Câu đầu tiên đã gây kinh ngạc:

“Anh Lê Tất Điều không nhận ra là khái niệm Thời Gian giãn nở của Einstein khác lạ xa với Thời Gian tuyệt đối bất biến của Newton…”

Nghiên cứu về Einstein hơn một thập niên, luận án chính, dài nhất, có nhan đề là “Những sai lầm trong thuyết thời gian giãn nở của Einstein”, nay thình lình bị ông giáo sư vừa mở miệng đã chê ngay: “… không nhận ra khái niệm thời gian giãn nở…” thì vừa hãi hùng vừa buồn cười quá!

Căn cứ vào chỗ nào trong bài viết của tôi để ông giáo sư hùng hồn kết luận như vậy? Ông trả lời ngay:

“Theo thuyết TĐĐB (Special Relativity) x = ct và x’ = ct’, do đó x và t không riêng biệt mà phải gắn bó với nhau theo phép hoán chuyển Lorentz:

x’ = gamma (x- vt) và 

t’ = gamma (t – xv/ c^2) 

với gamma = 1/ square (1 – v^2/ c^2).”

Thì ra: viết về thuyết của Einstein mà lại chỉ nói về những bài toán của chính Einstein thôi, không đề cập tới những phép tính của Lorentz, là thiếu sót, sai nặng!

Thiếu sót như thế chứng tỏ “không nhận ra khái niệm thời gian giãn nở”.

Lời trách còn hàm ý nêu ra hai lỗi khác nữa:

– Không biết phép hoán chuyển của Lorentz là dốt.

– Biết mà không dùng để chữa toán cho Einstein là ngu.

Tôi là người nghiên cứu thực thà và nhút nhát. Thấy Einstein dùng những bài toán, những lý luận nào để lập thuyết thì chỉ căn cứ vào đấy mà phân tích, luận bàn. Vì dốt mà không biết lợi ích của phép hoán chuyển Lorentz hay biết mà vì ngu hèn không dám đem toán Lorentz ra sửa, hay thay thế luôn cách tính toán của Einstein thì cũng là chuyện bình thường, rất nhiều người sai phạm như thế. Bị ông giáo sư chê trách cũng không xấu hổ nhiều.

Chính tác giả của những bài toán ấy mới khốn khổ, mới bị ông giáo sư “chê xéo” rất nặng.

Cụ Einstein, chả hiểu vì dốt hay ngu, không biết đem thay thế những phương trình toán của mình bằng phép hoán chuyển Lorentz. Cụ khiến cho tất cả những ai tin vào tài tính toán của cụ, như tôi, và chính cụ nữa theo lập luận của ông giáo sư –đã “không nhận ra khái niệm thời gian giãn nở” trong lý thuyết của… Einstein!

Thoạt tiên, tưởng giáo sư, giống như cụ Giám, vì muốn “đánh” LTĐ mà lỡ tay đấm luôn vào mặt Einstein, chứ thực tâm, không dám chê Einstein.

Hóa ra không phải, ông giáo sư chê Einstein thật. Ông viết: “Einstein tìm ra công thức này chỉ gần đúng thôi mà chính xác ra nó phải thay thế bằng (w+v)/ (1 + wv/c^2)”.

Thành ra, vì dốt (không biết tới phép hoán chuyển của Lorentz) hoặc vì ngu (biết mà không thay thế cho những bài toán của mình), Einstein phạm nhiều lỗi khó tha thứ: Lập ra thuyết thời gian giãn nở mà làm những bài toán chứng tỏ mình không nhận ra là khái niệm Thời Gian giãn nở của mình khác lạ xa với Thời Gian tuyệt đối bất biến của Newton.

Rồi còn làm toán sai, “chỉ gần đúng thôi”!

Câu đầu của đoạn cuối, ông viết: “Nếu anh Lê Tất Điều muốn tìm hiểu thêm xin mời anh đọc hai bản sau đây:” (và ông kể tên những bài báo, cuốn sách giúp tôi tìm hiểu thêm).

Vừa hạ bút ông đã biểu lộ niềm tin sắt đá là “Anh LTĐ” dốt, chẳng  biết gì về phép hoán chuyển của Lorentz, cũng không có khái niệm về thời gian giãn nở, nên ông viết ra rõ ràng đầy đủ các phương trình của Lorentz cho tôi sáng mắt ra. Cuối bài, lại sợ tôi lúng túng trong việc tìm hiểu thêm, ông cẩn thận viết lời hướng dẫn.

Được ông giáo sư lo lắng cho phần trí tuệ của mình chu đáo đến thế thì vừa cảm động vừa bùi ngùi thương cho thân phận cụ Einstein.

Einstein chẳng may mất sớm (1955). Nếu còn sống đến bây giờ thì cụ chỉ việc chích đủ ba mũi ngừa Covid, về Việt Nam chịu cách ly vài tuần, rồi tìm ông giáo sư, xin học về phép hoán chuyển Lorentz. Học xong, thay hết những bài toán, phương trình lập thuyết của mình bằng phương trình của Lorentz. Thế là xong, sẽ được một nhà thông thái của Việt Nam đóng dấu chứng nhận là từ nay Einstein đã thực sự có khái niệm về thời gian giãn nở của Einstein!

Lại còn biết cách làm toán đúng, chứ không “chỉ gần đúng” thôi!

Có thực Einstein thiếu kiến thức nên không biết, hoặc kém thông minh nên không dùng những phương trình của Lorentz trong tiến trình lập thuyết TĐĐB?

Hendrik A. Lorentz, vật lý gia người Hòa Lan, đoạt giải Nobel 1902, sinh trước Einstein một thế hệ. Từ 1887, các khoa học gia Woldemar Voigt, George FitzGerald, Joseph Larmor, và Hendrik Lorentz đã thảo luận chuyện áp dụng các phương trình toán của Lorentz vào vật lý. Nhưng đến năm 1905, những phương trình của phép hoán chuyển mới hoàn chỉnh và chính thức được công bố, chỉ trước ngày công bố thuyết tương đối của Einstein mấy tháng. Einstein không thể không biết.

Không những biết mà Einstein còn đóng góp vào việc hoàn chỉnh nó. Trong lời cảm ơn Poincaré, Lorentz nhắc đến Einstein là một trong ba người có công: “Indeed, for some of the physical quantities which enter the formulas, I did not indicate the transformation which suits best. That was done by Poincaré and then by Mr. Einstein and Minkowski. I did not succeed in obtaining the exact invariance of the equations. Poincaré, on the contrary, obtained a perfect invariance of the equations…

Biết rõ, lại còn góp sức hoàn chỉnh phép hoán chuyển Lorentz, nhưng Einstein không dùng nó trong bài toán lập thuyết TĐĐB vì phép hoán chuyển này, khởi thủy, để chứng minh thuyết về tốc độ ánh sáng của Maxwell (tốc độ ánh sáng không thay đổi dù người quan sát đứng ở bất cứ vị trí nào).

Áp dụng vào thuyết tương đối, nó khai triển thêm phần toán học, giúp ta tính được sự biến đổi không gian, thời gian khi những vị trí quan sát có liên hệ với nhau di động – khiến những hệ quy chiếu biến đổi. “Lorentz transformation is the relationship between two different coordinate frames that move at a constant velocity and are relative to each other”. Thế thôi. Người quan sát trong thuyết của Einstein bất động, không chạy theo tàu, cụ Einstein tự mình tính toán được, không phải nhờ cụ Lorentz.

Phép hoán chuyển Lorentz không thay thế được những phương trình trong phần toán lập thuyết của Einstein. (Nếu thay được mà Einstein quên không thay, các cụ Lorentz, Minkowski, Poincaré… đã xúm lại nhắc nhở cho chàng sáng mắt ra từ hơn trăm năm trước rồi, đâu có tha.)

Vì thế mà không dùng, chứ không vì ngu dốt hay vì “không nhận ra là khái niệm Thời Gian giãn nở khác với Thời Gian tuyệt đối bất biến”.

Cụ Giám ở hải ngoại, ông giáo sư ở trong nước. Không gian cách biệt hàng ngàn dặm. Một già một trẻ có tác phong, cách suy nghĩ, lập luận giống hệt nhau. Vị nào cũng đọc sách, báo, lượm lặt được một dúm kiến thức, đã tưởng mình vô cùng uyên bác, thấu đáo vấn đề. Vừa mở miệng đã thở ra cái giọng nồng nặc mùi kiêu căng, tự phụ, khinh người, hồn nhiên cho rằng người đối diện vừa dốt vừa ngu, cần được mình dạy dỗ, hướng dẫn.

Giống nhau trong tác phong, nhân cách, lại còn hợp nhau trong lý luận. Cả hai đều ngớ ngẩn đến độ tấn công LTĐ mà cứ đè cụ Einstein ra đấm đá túi bụi.

Hiện tượng giống nhau ấy, các cụ ta gọi là “chí lớn gặp nhau”.

Tò mò, muốn tìm hiểu thêm: Hai chí lớn này gặp nhau ở chỗ nào đây?

Năm xưa, bên thắng cuộc, trong lúc say men chiến thắng, hào hứng quá, có tự bình bầu cho dân Việt ta là “đỉnh cao trí tuệ loài người”.

Từ ngày đó, không thấy có dân tộc nào đòi giành ngôi báu, nên chắc đỉnh cao trí tuệ vẫn còn là đặc sản của dân Việt ta. Nhưng, như các dân tộc khác, dân số càng ngày càng đông, khiến đỉnh cao chật cứng. Nhiều người, vì kiêu căng, múa may quay cuồng, huênh hoang, bắng nhắng quá mà trượt chân, rớt ra ngoài.

Thành ra, hai chí lớn này có thể đã gặp nhau trên đỉnh cao trí tuệ của một loài nào khác, không phải loài người.

Lê Tất Điều

(25/11/2021)

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search