T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam: Xuân Điềm, Xuân Lạ, và cây đàn Tô-bia

Người tù và cây đàn – Tranh: Trần Thanh Châu

 

Tôi và hai anh em nhạc sĩ Xuân Điềm & Xuân Lạ không thân nhau lắm, nhưng những kỷ niệm với hai anh từ hơn 40 năm về trước, tôi vẫn khắc ghi.

Nhân dịp T.Vấn & Bạn Hữu giới thiệu một số “tù khúc” của nhạc sĩ Xuân Điềm, tôi xin phép ghi lại những kỷ niệm ấy, không phải để ca tụng, tô son điểm phấn cho nhau, mà chỉ để hoài niệm hai quãng đời – một hoa mộng, một khổ đau – của bản thân, trong đó không thể không nhắc tới Xuân Điềm và Xuân Lạ.

Một thời hoa mộng

Tôi biết anh Xuân Điềm – tên đầy đủ là Lê Xuân Điềm – vào khoảng năm 1964, 1965. Thời gian này, anh là nhạc sĩ chơi đàn mandoline trong Ban đại hòa tấu Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, thường tới Trường Mù La-san ở đường Nguyễn Thông để hướng dẫn các em trong ban nhạc của trường, mà đàn mandoline là nhạc khí chính.

Viết rằng tôi chỉ “biết” Xuân Điềm, bởi ngày ấy tôi tới Trường Mù La-san với mục đích chính là ngắm các “người đẹp”, chứ không phải để giao kết với anh.

Nguyên T, một người cậu họ cùng lứa tuổi với tôi là bạn thân của anh Xuân Điềm. T khoe với tôi rằng khi tới Trường Mù La-san, T thường gặp các “em” mầm non trong Ban Việt Nhi và lò đào tạo ca sĩ Nguyễn Đức, tới tập dợt chung với ban nhạc của trường. Thế là tôi đi theo T tới Trường Mù La-san.

Tại đây, ngoài anh Xuân Điềm, tôi còn được hân hạnh gặp gỡ một trong những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Lê Thương, người đã tận tụy công sức hướng dẫn học sinh của trường.

Nhưng như đã viết, “mục tiêu” chính của tôi là các mầm non ca sĩ trong lò Nguyễn Đức. Các mầm non vừa từ giã tuổi ô mai để bước vào tuổi dậy thì. Giờ này, gần một nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ mái tóc và những nét cao sang dung dị của Phương Hoài Tâm, nhan sắc mặn mà và những đường cong trước tuổi của Phương Hồng Hạnh, cái mũi hếch đáng yêu của Phương Hồng Quế…

Nhưng vào cái thời hoa mộng xa xưa ấy, bọn con trai chúng tôi chỉ thập thò chiêm ngưỡng chứ chẳng tay nào có can đảm tới gần để làm quen. Bởi vì các em luôn luôn được mẹ đưa đón, và canh phòng cẩn mật!

* * *

Lẽ dĩ nhiên, khi các mầm non ấy thành danh và thành người lớn, tôi cũng không còn đủ hứng thú để lui tới Trường Mù La-san nữa. Đường đời muôn lối, lẽ ra tôi đã quên hẳn Lê Xuân Điềm nếu như không gặp Lê Xuân Lạ, em trai kế của anh.

Nguyên sau khi nhập ngũ, về phục trong ngành Chiến Tranh Chính Trị của quân chủng Không Quân, tới năm 1970, tôi ra Đà Lạt theo học Khóa 8 Căn Bản tại Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Cùng trong nhóm sĩ quan Không Quân, còn có hai người bạn thân của tôi là nhà thơ Phan Lạc Giang Đông và nhà thơ/nhà báo Trần Ngọc Tự, bạn cùng xóm từ nhỏ.

(Lẽ ra còn có cả đàn anh nhà văn Dương Hùng Cường, tức nhà báo Dê Húc Càn, nhưng vào giờ chót anh xin “hoãn” để ở nhà tập tành làm tài tử xi-nê – phim Người Tình Không Chân Dung)

Ba anh em chúng tôi đều tham gia Ban Báo Chí và Ban Văn Nghệ của khóa học. Qua sinh hoạt trong Ban Văn Nghệ, chúng tôi quen biết Thiếu-úy Lê Xuân Lạ, Sĩ quan CTCT thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh; từ đó tôi mới biết Xuân Lạ là em trai của Xuân Điềm.

Tuy là hai anh em ruột, nhưng hai người khác nhau hoàn toàn, về cả ngoại hình, diện mạo lẫn tính tình. Xuân Điềm người tầm thước, vạm vỡ, trông giống như một “võ sĩ” Tây Sơn, Bình Định (quê quán của hai anh em) hơn là một “nhạc sĩ” trong Ban đại hòa tấu Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Xuân Lạ trái lại dáng dấp thư sinh, cao ráo, và… đẹp trai hơn (xin lỗi anh Xuân Điềm nhé!)

Về tính tình, trong khi Xuân Điềm vui vẻ, hay đùa, dễ hòa đồng thì tính Xuân Lạ hơi… lạ. Cùng ở cái tuổi chưa “tam thập nhi lập”, trong khi đám sĩ quan trẻ độc thân chúng tôi đùa nghịch, ồn ào, quậy phá khắp nơi thì Xuân Lạ cứ như một vị thầy tu trẻ, nét mặt luôn đăm chiêu như suy tư điều gì, khi cần phải mở miệng thì ăn nói nhỏ nhẹ như con gái. Với bạn bè cùng lứa tuổi, Xuân Lạ xưng hô “mình” và “bạn”, nghe càng thiếu chí khí nam nhi.

Đặc biệt khi ra phố Đà Lạt, Xuân Lạ chưa bao giờ nhập băng với chúng tôi trong mục cặp kè dung dăng dung dẻ.

Như người Đà Lạt, hoặc chỉ cần tới sống ở Đà Lạt trong một thời gian đủ dài cho một mối tình văn nghệ vẫn còn nhớ, ở thành phố hoa anh đào ngày ấy hầu như không có ai, nhất là giới sinh viên đại học, các sĩ quan khóa sinh, và sinh viên sĩ quan của các quân trường “chiều một mình qua phố” cả, mà phải quen cho bằng được một “em gái má đỏ môi hồng” để cho có đôi.

Vẫn biết đa số chỉ mang tính cách văn nghệ, tốn tiền ngồi cà-phê Tùng, Mékong, Thủy Tạ…, mỏi chân leo Đồi Cù, mòn gót cuốc bộ ven hồ Xuân Hương…, mà tới lúc rời Đà Lạt có khi cũng chưa hề được nắm “năm ngón thiên thần” của nàng xem nó mềm mại hay chai cứng, người ta cũng cứ dung dăng dung dẻ!

Cùng lắm, Xuân Lạ chỉ vào quán cà-phê Tình Nhớ , gần dốc Nhà thờ Tin Lành, nơi anh em chúng tôi thường tụ tập trước khi trở về Trường.

“Nghề” của Xuân Lạ trong Ban Văn Nghệ là vĩ cầm. Một buổi tối nọ, tập dợt xong, khi chỉ còn một vài anh em ở lại hội trường, Xuân Lạ nổi hứng hát bản Mùa Thu Chết của Phạm Duy phổ thơ Apollinaire – bài hát thịnh hành nhất thời bấy giờ. Nghe Xuân Lạ hát, tôi từ ngạc nhiên tới sững sờ: không chuyên nghiệp, không uốn nắn nhưng thu hút lạ thường!

Gần cuối khóa học, anh em phối hợp với Cơ Sở Nhân Văn Đà Lạt tổ chức một buổi thơ nhạc tại Trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Phan Lạc Giang Đông và Trần Ngọc Tự ngâm thơ, anh Hậu (tôi không nhớ đầy đủ tên họ) hát du ca, tôi đứng sau cánh gà để… cổ vũ tinh thần. Xuân Lạ xuất hiện gần cuối chương trình, dĩ nhiên để độc tấu vĩ cầm. Anh vừa đàn xong, chúng tôi đứng phía trong xúi anh hát bản Mùa Thu Chết. Anh ngập ngừng một chút rồi hát với tất cả say mê, với hết tâm hồn.

Không ngờ tiết mục ngoài chương trình ấy lại được hoan hô nhiều nhất, mà đại đa số khán giả ái mộ là các nữ sinh. Lúc ấy, tôi ước gì mình là Xuân Lạ!

Sau khi mãn khóa và trước khi trở về đơn vị ở tận Pleiku, tôi chỉ gặp lại Xuân Lạ một lần duy nhất ở quán cà-phê không tên cuối đường Pasteur, nơi tụ hội quen thuộc của anh em báo chí, văn nghệ. Tôi nhớ hôm đó có cả anh Lê Đình Điểu, một đàn anh bị gọi nhập ngũ chung khóa Thủ Đức với tôi và Trần Ngọc Tự. (Lê Đình Điểu “làm lớn” ở Tổng Thống Phủ, anh cũng là người mà theo tôi, ngâm bài thơ Hồ Trường hay nhất trong giới “tài tử”. Sang Hoa Kỳ, anh làm Tổng Thư Ký báo Người Việt và qua đời cách đây hơn 10 năm).

Cuối năm 1971, tôi đi phép về Sài Gòn, tới cà-phê Pasteur, thì được anh em cho biết Xuân Lạ (khi ấy mang cấp bậc Trung-úy) đã đền nợ nước tại chiến trường Snoul ở tận bên kia biên giới Việt – Miên. Anh em ai cũng ngậm ngùi tiếc thương một người bạn trẻ tài hoa mệnh yểu.

Trần Ngọc Tự nói:

“Nét mặt hắn lúc nào cũng đăm chiêu, buồn buồn thế nào ấy, đúng là tướng chết yểu!”

Tôi tính cãi lại “tại hắn chết rồi nên cậu mới nói vậy, chẳng khác nào đợi đảo chánh xong mới đem Sấm Trạng Trình ra để diễn giải”, nhưng rồi thôi. Bởi chính tôi, tuy cùng niềm tin với Xuân Lạ “mọi sự do Thượng Đế an bài”, cũng hoang mang tự hỏi không hiểu trong trường hợp này, nét mặt con người có liên quan gì tới số mạng hay không?

Cây đàn “Tobia”

Năm 1975, sau khi miền Nam đổi chủ, anh em sĩ quan cấp Trung-úy ở quận Phú Nhuận phải “trình diện học tập cải tạo” tại Đại Học Văn Khoa, từ đó được đưa lên Thành Ông Năm ở Hốc Môn, trước kia là một doanh trại của Công Binh VNCH. Tại đây, sau năm lần bảy lượt di chuyển từ T (tiểu đoàn) này sang T khác, tới khi được “định cư” trong dẫy nhà trước kia là Khu Gia Binh, tôi bỗng thấy mình ở cùng Đội với anh Lê Xuân Điềm.

Tuy khác Tổ (10 người), trên nguyên tắc không được qua lại nhưng vì thời gian này cán bộ quản giáo ngoài Bắc vào chưa có bao nhiêu, đa số “cai tù” còn là dân “giải phóng” cho nên không khí cũng tương đối dễ thở.

Sống gần gũi Xuân Điềm trong cảnh cá chậu chim lồng, tôi càng thêm cảm phục; anh luôn lạc quan (có lẽ vì Đức Tin của anh mạnh), thân thiện, hay giúp đỡ mọi người, khéo tay hơn người, kể cả mục “cải thiện”, tức kiếm rau cỏ chế biến thành thức ăn.

Chỉ có điều lúc đó ai cũng phải “thủ” nên tôi và anh Xuân Điềm ít khi nhắc lại chuyện xưa, nhất là các sáng tác mang màu sắc quốc gia của anh – chẳng hạn bản “Việt Nam Không Quân ca” anh viết chung với Xuân Lạ năm 1967. Những ca khúc anh ghi ra để anh em đàn chỉ là phần nhạc không lời trong mấy bản nhạc tình, hoặc tình tự quê hương viết chung với Đắc Đăng, một người bạn trong nhóm La-san ngày trước.

* * *

Tới đây nói về cây đàn ghi-ta và cây đàn banjo chúng tôi đóng ở Thành Ông Năm, nếu không phải hai cây đàn đầu tiên thì cũng nằm trong số những cây đàn đầu tiên được đóng trong trại cải tạo.

Cây banjo do anh Xuân Điềm thực hiện một mình, nhưng cây ghi-ta thì cần tới một toán “văn nghệ sĩ kiêm handyman” hùng hậu.

Trước hết, nói về nhân tài trong tổ của tôi và Trần Ngọc Tự (hai thằng luôn “nắm áo nhau để khỏi lạc” từ ngày đi học Thủ Đức).

Người thứ nhất là Trung-úy Khương Hữu Thành, cháu của Hải Quân Phó Đề Đốc Khương Hữu Bá, một tay “bách nghệ tinh”, vừa chơi ghi-ta classique vừa bốc thuốc Nam, kiêm hội viên Thông Thiên Học. Chính Thành đã truyền thụ cho tôi cách sử dụng “quả lắc cảm xạ học” để biết trước “tọa độ”, tức phương hướng và xa gần, của trại cải tạo sắp bị đưa tới; và sau khi cả hai được thả, Thành đã chỉ tôi cách làm xà-bông bột sao cho có nhiều bọt để gạ bán cho các bà ngoài chợ trời.

Người thứ hai là Trung-úy Nguyễn Văn Chúc (mới qua đời tại Hoa Kỳ vào tháng 2/2011, mà T.Vấn đã thương tiếc qua bài “Tiễn Người đi”).

Chúc cũng chơi ghi-ta classique, cùng trạc tuổi và cùng ở khu ngã tư Trương Minh Ký & Nguyễn Huỳnh Đức với tôi và Trần Ngọc Tự. Trước năm 1975, ông cụ thân sinh của Chúc là chủ nhân Tiệm sắt Thăng Long ở gần Cổng xe lửa số 6. Làm business nhưng cung cách của Cụ giống như một nhà giáo, lại hiền lành, tốt bụng, nên ai cũng quý trọng. Nhưng không mấy người biết trưởng nam của cụ là Đại-tá Nguyễn Văn Toán, Khóa 1 Nam Định (cùng khóa với các tướng Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Quốc Thuần…), từng làm Tư lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh.

Riêng tôi và Chúc chỉ biết nhau qua việc người anh kế của Chúc chơi thân với một người cậu của tôi (cả hai sau này đều đền nợ nước). Năm 1970, chúng tôi gặp lại nhau tại Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, nơi tôi và Trần Ngọc Tự học Khóa 8 Căn Bản còn Chúc học Khóa 2 Sinh Viên Sĩ Quan, giữ chức Nhạc trưởng.

Tổ kế bên thì có Hiếu (tôi không nhớ họ), một tay đàn ghi–ta chuyên nghiệp, chơi cho các vũ trường ở Sài Gòn, và Phạm Khắc Khiêm, một “handyman” siêu đẳng, trước kia phục vụ tại Hải Quân Công Xưởng.

Bằng đó “nghệ sĩ” và “nhân tài” đã đủ để đi tới quyết định đóng một cây đàn ghi-ta. Đàn đóng bằng ván ép, thùng đàn có hình thù giống như cái quan tài nho nhỏ của người tây phương, cần đàn và “bộ khóa” lên dây đàn đẽo bằng gỗ, ngăn phím làm bằng lõi đồng của dây điện, dây đàn làm bằng các sợi thép lấy trong ruột dây điện thoại: dây “mí” thì một sợi, dây “si” hai sợi xoắn lại, dây “sol” ba sợi, v.v…

Cùng thời gian, anh Xuân Điềm thực hiện cây banjo. Tôi không còn nhớ rõ cấu tạo của nó, chỉ biết mặt thùng đàn là một cái đĩa nhôm “chôm” từ nhà bếp!

Ngày ấy, đầu mùa cải tạo, chưa có ai sáng tác “tù ca”, nhưng ít ra hai cây đàn dã chiến ấy cũng trở thành niềm vui không nhỏ cho anh em chúng tôi trong những tháng ngày căng thẳng đợi chờ số phận.

Cây banjo do anh Xuân Điềm độc quyền sử dụng, bởi chúng tôi mù tịt, còn cây ghi-ta thì cho cả nhóm. Hiếu là người đàn nhiều nhất và được “ái mộ” nhất, bởi hắn có khả năng đàn từ nhạc thời trang tới nhạc jazz, nhạc rock… Kế tới là Khương Hữu Thành, còn Chúc rất ít đàn, phần vì bản tính trầm lặng, phần vì hắn khó tính, chê đàn “dổm”!

Những lần hiếm hoi được nghe Chúc đàn, tôi nhận ra hai bản classique quen thuộc: Fur Elise Amour Interdits. Một buổi tối nọ, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe Chúc đàn một đoạn trong Kinh Hòa Bình, một bản thánh ca nổi tiếng của người Công Giáo Việt Nam, nguyên là lời kinh do Thánh Phan-xi-cô (St Francis of Assissi) đặt, được Linh mục Kim Long dịch sang lời Việt và phổ nhạc.

Tôi ngạc nhiên vì biết gia đình Chúc theo đạo Phật. Sau này, Chúc giải thích với tôi: từ trước năm 1975, anh đã luôn luôn xúc động trước lời hát, và rung động trước nét nhạc của bản thánh ca đầy vị tha, tình người, và hy vọng này, nhất là khi được được trình bày dưới hình thức đại hợp xướng. Tới đây thì tôi hiểu, bởi Chúc đã từng điều khiển ban hợp xướng của Đại Học Chiến Tranh Chính Trị ngày nào.

Ở cùng Đội với tôi và Chúc, còn có một số Trung-úy cũng xuất thân Khóa 2 ĐH/CTCT, thường lui tới tán chuyện, nhắc nhớ những kỷ niệm xưa, trong đó có Đỗ Nguyên Thiện và Hoàng Văn Toán, hai người mà T.Vấn cho biết hiện nay đang sống ở Hoa Kỳ.

* * *

Đầu năm 1976, gần tới Tết ta, tôi còn nhớ rõ là ngày tiễn Ông Táo về trời (23 tháng Chạp), xảy ra cuộc chuyển trại quy mô đầu tiên, và tôi là người duy nhất trong tổ bị gọi tên.

Mặc dù ngày ấy không ai biết người đi sẽ đi về phương trời nào, và số phận kẻ ở lại sẽ ra sao, nhưng theo tâm lý thông thường, kẻ ở lại bao giờ cũng lo âu, ái ngại cho người ra đi.

Vì thế, mặc dù chẳng góp được bao công sức trong việc đóng đàn và tài đàn cũng chẳng bằng ai, khi tôi đòi đem theo cây ghi-ta, anh em ở lại không ai phản đối.

Sau ba ngày đêm lênh đênh trên biển Đông, chiếc hải vận hạm HQ-405 (lúc này đã mang cờ Cộng Sản VN) chở chúng tôi cập đảo Phú Quốc vào tối khuya. Trước cổng trại giam – trước kia là Trại Tù Phiến Cộng, chúng tôi xếp hàng một, từng người lần lượt bước vào trước ánh đèn pha và những cặp mắt đầy hận thù của cán bộ và vệ binh từ miền Bắc vào. Khi tôi đi ngang, thấy cây đàn trên vai, một tay cán bộ cười nhạt, nói:

– Mang theo cả đàn nữa cơ à! Gớm, còn yêu đời thế nhỉ!

Nghe gã nói, tôi lạnh người, biết tương lai của mình chắc chắn không phải màu hồng. Cũng may, thời gian bị đọa đày, đói khổ, và có thể chết hay cụt chân vì mìn khi đi lao động ở Phú Quốc chỉ kéo dài sáu tháng. Nguyên nhân là cuộc xung đột giữa hai anh em CSVN và CS Căm-bốt (Khmer Đỏ). Sau khi Khmer Đỏ đánh phá đảo Thổ Châu ở gần đó, sợ tù cải tạo nhân lúc rối loạn có thể trốn trại hay nổi loạn, nhà cầm quyền CSVN đã cấp tốc đưa tù về đất liền. Cây đàn ghi-ta lại theo tôi, lần này là trên chiếc dương vận hạm HQ-503; cuối cùng về tới Trảng Lớn, Tây Ninh.

[Xin mở ngoặc để viết về trường hợp “tái ông thất mã” của tôi, một trong những sĩ quan CTCT cấp Trung-úy hiếm hoi không bị đưa ra miền Bắc. Nguyên khi diễn ra cuộc “tuyển người” để đưa ra Bắc đợt thứ nhất, thì tôi đã ra Phú Quốc; từ Phú Quốc trở về đất liền, thay vì bị đưa tới Long Giao, nơi sẽ “tuyển người” để đưa ra Bắc đợt hai, tôi lại được đưa về Trảng Lớn. Bù lại, trong thời gian 6 năm tù cải tạo, tôi đã bị chuyển trại tổng cộng 9 lần và ở 7 trại khác nhau, tức là có những trại ở hai lần!]

Nếu không kể các trại cải tạo do địa phương quản trị mà chỉ tính các trại của trung ương, thì phải nói Trảng Lớn là “thiên đường cải tạo”.

Bởi tuy cùng một “chính sách” nhưng khi thi hành thì mỗi trại mỗi khác, tùy thuộc mức độ hận thù và nhân tính còn lại nơi viên thủ trưởng, tay chính trị viên, đám cán bộ quản giáo, vệ binh…

Bên cạnh đó, diện tích khu vực Trảng Lớn chẳng có là bao, lại không ở gần núi rừng hay đồng hoang cỏ cháy, cho nên tù cải tạo không có nhiều cơ hội, phương tiện để thực thi khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”.

Ngày hai buổi tà tà học tập trong hội trường hoặc thơ thẩn ngoài vườn chăm sóc mấy luống rau, ăn uống đầy đủ (cho dù chỉ là ăn độn), nếu may mắn gặp cán bộ “tài vụ” dễ dãi còn có thể gửi tiền (cộng thêm chút thù lao) nhờ họ mua giúp thứ này thứ khác…

Thành thử so sánh về cả mặt tinh thần lẫn thể xác, giữa đám tù cải tạo tiều tụy vừa từ “địa ngục” Phú Quốc về và các đồng đội may mắn được ở lại Trảng Lớn từ đầu mùa cải tạo, có một sự tương phản tới mức đau lòng, phi lý!

Người đã vậy, đàn cũng thế thôi. Vào thời điểm tôi về Trảng Lớn, anh em tù cải tạo ở đây đã có thời giờ và phương tiện để đóng những cây đàn ghi-ta y như đàn thiệt, tức là thùng

đàn cũng có eo hình số 8, mặt đàn bằng ván ép đánh vẹc-ni bóng láng, bộ khóa lên dây đàn bằng kim loại và dây đàn “origin” do thân nhân gửi vào…

Vì thế, họ đặt cho cây đàn thô lậu, hình dạng như cái quan tài của tôi một cái tên vừa mỉa mai vừa khôi hài nhưng khá chính xác: cây đàn Tô-bia. “Tobia” nguyên là tên một nhà hòm nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Nhưng dứt khoát không vì sự miệt thị ấy mà tôi rẻ rúng boặc bỏ rơi cây đàn.

Sau này tôi đem nó lần lượt về Đồng Ban (cũng thuộc Tây Ninh), Phước Long, Bù Đăng (Sông Bé), và Suối Máu (Biên Hòa).

Tại Suối Máu, sau khi tù cải tạo được Quân Đội Nhân Dân bàn giao cho Công An Nhân Dân (cai tù chuyên nghiệp thuộc Cục Trại Giam), tiếp thep là vụ “nổi loạn” đêm Giáng Sinh 1979, không biết số phận mình sẽ ra sao, đợi tới khi có thăm nuôi, tôi đưa cây đàn cho vợ mang về nhà.

Cuối năm 1981, ít lâu sau khi được thả về từ trại Tống Lê Chân (Bình Long), tôi cùng gia đình vượt biên. Vì đội lốt “ngư phủ” trên một cái ghe giả dạng làm “ghe cào”, để tránh bị lộ tẩy khi công an hoặc hải quan lục soát, tôi bắt buộc phải để lại Sài Gòn hai thứ duy nhất có liên quan tới thời gian học tập cải tạo, là cái Giấy Ra Trại và cây đàn Tô-bia, trên có khắc ghi 7 địa danh tôi đã sống qua trong quãng đời tù tội.

Ba mươi năm sau…

 

Khoảng năm 2005, tức 30 năm sau ngày chia tay anh Xuân Điềm ở Thành Ông Năm, và an cư lạc nghiệp ở Úc được hơn 20 năm, tôi mới biết tin tức về anh. Nguyên sau khi định cư tại Hoa Kỳ, Xuân Điềm đã thực hiện và phát hành CD Tưởng Niệm Chiến Sĩ Tự Do, trong đó có bản “Việt Nam Không Quân ca”, được phổ biến trên website “Cánh Thép”. Sau khi được Liên Hội Không Quân ở Úc liên lạc, anh đã gửi tặng CD này cùng với tập nhạc Dấn Thân. Ngày ấy tôi đã có đôi hàng giới thiệu bản “Việt Nam Không Quân ca” và hai tác giả trên đặc san Lý Tưởng của Không Quân ở Úc Châu.

Nay đọc bài viết của T.Vấn, mới biết thêm một chi tiết thú vị: năm 1976, Xuân Điềm cũng “may mắn” được đưa ra Phú Quốc, rồi về Trảng Lớn, sau này lên Đồng Ban như tôi, nhưng ở khác T nên anh em không gặp nhau. Nhìn hình anh (trên T.Vấn & Bạn Hữu ) với cây đàn banjo đầy kỷ niệm, tôi thấy hình như anh không già đi chút nào so với ngày còn ở Thành Ông Năm hơn 30 năm về trước (có lẽ vì anh luôn sống lạc quan), chưa kể có phần còn… đẹp trai hơn!

Hôm nay, một lần nữa, nhân dịpT.Vấn & Bạn Hữu giới thiệu một số tù khúc của Xuân Điềm, tôi xin được gửi tới anh và người bạn đời – chị Thanh Liễu – những lời cầu chúc chân tình.

Riêng với người bạn trẻ đã khuất, xin dành cho anh một lời cầu nguyện. Vẫn biết Xuân Lạ sống ngay lành, chết xứng đáng, có lẽ đã tìm thấy bóng thiên đường cuối trời từ lâu lắm rồi. Nhưng tôi vẫn nguyện cầu. Bởi trong trường hợp này, còn lời nào khác hơn để tưởng nhớ!

Hoài Nam

Melbourne, Úc-đại-lợi, tháng 7/2012

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search