T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bích Huyền: Hâm nóng tình yêu

(Bấm vào đây để nghe phần âm thanh)

Những buổi chiều thanh thản dạo mát, có lẽ ai trong chúng ta cũng có lần gặp những ông bà tóc đã ngả màu, hay tóc bạc phơ, đi bên nhau chậm rãi, có khi người chồng hoặc người vợ còn đẩy xe lăn… Ánh mắt họ âu yếm nhìn nhau với vẻ đồng cảm như những cặp tình nhân trẻ tuổi.
Thật là đẹp quá!
Trong chương trình Thơ nhạc hôm nay, Bích Huyền xin gửi đến quý vị và các bạn một vài hình ảnh đẹp ấy…
Vâng, không ít những cặp vợ chồng đã hứa hẹn với nhau giống như câu thơ của Hoàng Cầm “Anh đàn em hát níu xuân xanh”. Lứa đôi trong bài hát ấy, đã hứa hẹn kiếp sau lại sống bên nhau.
Hình ảnh hai ông bà, mái tóc bạc trắng như mây, đi dạo bên nhau trong công viên, trên vỉa hè mà chúng ta thường bắt gặp, mới quý làm sao! Nhất là vào thời buổi ngày nay, khi hôn nhân càng ngày càng có dấu hiệu kém bền vững. Cho nên cái hình ảnh hai cụ bước từng bước chậm bên nhau ngoài phố quả là hiếm hoi và đẹp đẽ, đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ. Cái tình cảm lâu bền và thắm thiết ấy khiến cho người ta ngạc nhiên và chú ý trong niềm thích thú lẫn kính trọng đặc biệt.
Có lẽ quý vị và các bạn cũng giống như Bích Huyền, sẽ có câu hỏi rằng: Bằng cách nào họ đã sánh bước thành công trong đường đời, trên con đường dài như thế? Họ có một bí quyết nào chăng?
“Thật ra chẳng có một công thức kỳ diệu nào hay một phương thuốc kỳ nhiệm màu nào áp dụng cho tất cả mọi người để đôi vợ chồng có thể vượt qua trong mọi tình huống khi chung sống.” Thưa, đó là câu trả lời của hai cụ Pierre và Denise, một cặp vợ chồng mà mọi người chung quanh nhìn thấy và hằng nhắc nhở như một tấm gương của sự hòa hợp sống chung trong một mái nhà.
Cuộc sống của họ êm đềm và vô cùng đẹp đẽ, hạnh phúc. Họ đã sống cùng nhau, chia sẻ một tình yêu nồng ấm từ 50 năm nay…
Theo hai cụ Pierre, Denise thì… cuộc sống yêu thương thành công là một tác phẩm được xây dựng từ ngày này sang ngày khác. Phải biết đối thoại, lắng nghe nhau, phải nhẫn nại, có óc tưởng tượng để chống lại những lề thói cũ nhàm chán, và có sự tương đồng trong ước vọng.
Niềm tin phải đặt lên vị trí hàng đầu. Vâng, phải tin tưởng nhau. Nếu không có niềm tin thì làm sao tình yêu của vợ chồng có thể nồng thắm được, làm sao hạnh phúc gia đình có thể bền vững được
Một khi đã mất niềm tin thì cũng đồng nghĩa như hai vợ chồng mất tất cả những gì hai người đã gìn giữ nâng niu từ bấy lâu nay..
Theo như đoạn trích từ trong cuốn Tình yêu chung thủy, hai cụ Pierre-Denise cho rằng: “Tình yêu như ngọn lửa, nó phát sinh giữa hai người như một tia lửa lóe lên. Nhưng cũng như lửa, nếu không được nuôi dưỡng, ngọn lửa đó sẽ tắt. Và nếu người ta không mở các cánh cửa cho thoáng khí, căn phòng sẽ bị ngột ngạt”. Cho nên lúc nào cũng phải chăm chút tình yêu, tình chồng vợ bởi vì đó là mối tình đáng yêu vô cùng, lãng mạn thơ mộng vô cùng…
Vâng, thật thế. Phải hâm nóng tình yêu, nói như người đời thường nói, để tránh sự xơ cứng và buồn chán trong cuộc sống hôn nhân. Nhiều đôi vợ chồng đã tìm đủ mọi cách để làm cho không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm, làm cho tình cảm vợ chồng không phai nhạt.
Chẳng hạn lâu lâu đi chơi xa một vài ngày với nhau.
Có ông một ông chồng kể lại rằng: “Tôi thường viết những bức thư ngắn với những lời âu yếm cho vợ tôi. Những từ ngữ ấy, những ý tưởng ấy khi viết dễ hơn là nói. Và hơn nữa, chữ viết sẽ còn lưu lại…”
Em là tình yêu của anh từ muôn kiếp trước
Của kiếp này và luôn cả kiếp sau

Có một bà vợ thì nói: “Từ 10 năm nay, chúng tôi cứ hẹn nhau sau giờ làm việc thì đến rạp hát, hiệu ăn nào đó, hoặc một nơi hò hẹn ngày xưa. Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi đến riêng lẻ, người này chờ đợi người kia. Rồi cũng mong chờ nhau, nhìn đồng hồ liên tục. Rồi cũng trách móc nhau: Sao mà đến trễ thế? Rất là tình tứ và thú vị.
Ở đây cho phép Bích Huyền xin dừng lại một chút để kể lại cho qúy vị và các bạn nghe một câu chuyện vui. Vâng, cũng là chuyện hẹn hò như thế của hai vợ chồng cụ ông cụ bà khác. Hai cụ cũng hẹn nhau giờ đó chỗ đó. Cụ ông đến trước ngồi đợi mãi mà chẳng thấy cụ bà yêu dấu tới. Cụ tức quá, trở về nhà, thấy cụ bà thản nhiên ngồi xem TV nơi phòng ăn. Cụ quát lên “Sao bà hẹn tôi mà bà không tới?” Cụ bà nhẹ nhàng phân giải: Em đã sửa soạn xong rồi, định đi dến nơi hẹn với anh nhưng… nhưng… mẹ em không cho đi!”
Chao ôi, rất dễ thương!
Có nhiều cách thực hiện được những giờ phút vợ chồng gần bên nhau. Ngồi uống với nhau một ly trà, cùng nghe với nhau một bản nhạc… chẳng hạn.
Hay là tổ chức lễ kỷ niệm những ngày gặp gỡ, đáng ghi nhớ trong đời như ngày gặp đầu tiên, ngày đính hôn, ngày cưới..v…v… Hay là cùng nhau đến một nơi cũ mà ngày xưa đã có những giây phút hẹn hò. Hoặc thỉnh thoảng mang cuốn album kỷ niệm, lá thư tình trao đổi ngày xưa, hoặc xem lại một phim ngày xưa hai người đã từng cùng xem, hoặc ôn lại những chuyện xưa buồn vui vẫn chia sẻ với nhau. Hay là cùng nhau đến một nơi cũ mà ngày xưa đã có những giây phút hẹn hò. Cùng nghe một bài hát cũ trong kỷ niệm.
Thời gian như gió thoảng qua
Tình yêu là cánh đồng hoa giữa trời
Tay ta nắm lấy tay người
Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua
(Xuân Quỳnh)

Trữ tình và lãng mạn hơn, vẫn có người còn tiếp tục làm những bài thơ tình cho vợ. Điều mà ngày xưa khi mới quen nhau, khi còn đang trong thời kỳ theo đuổi, cho đến lúc yêu nhau vẫn làm thơ tặng nàng. Bây giờ tặng thơ cho vợ, những cảm xúc trong thơ vẫn còn nguyên vẹn, có khi còn tràn đầy hơn nữa.
Ước mong rằng, cho dù đời sống gia đình có bị xáo trộn, tình cảm đôi khi thay đổi, có khi làm căng thẳng không khí gia đình, nhưng tình vợ chồng thì không hề đổi thay, cứ mãi mãi bền chặt và đằm thắm sau những lúc khủng hoảng, khó khăn như câu thơ của Xuân Quỳnh:
Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa bão tố
Tình ta như dòng sông
Đã qua mùa thác lũ…

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search