T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tạquanghoàng: GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CÁC ‘TÙ KHÚC’ (I)

Lời Giới thiệu: Chuyên Mục Tù Khúc nhận được bài viết dưới đây từ anh Tạ Quang Hòang, tác giả quyển “Chuyện tù kể từ trại Nam Hà” xuất bản năm 2008. Cũng như bài “Chiến sĩ Tù Ca” của anh Hồ Hòang Hạ, bài viết này được viết từ năm 2008 và phổ biến trên nguyệt san KBC Hải Ngọai nhằm, có cùng một mục đích như anh Hồ Hòang Hạ, kêu gọi anh em cựu tù hợp lực cùng làm một cuộc tập họp càng đầy đủ càng hay, tất cả những chiến hữu nào đã từng tham dự trong các sinh hoạt Tù Ca trong tù (sáng tác, đàn hoặc chỉ đơn thuần là hát). Các bài Tù Ca này phải được trình bày (chứ không phải biễu diễn) lại, phải được in ấn, thu CD hay DVD nếu điều kiện cho phép. Công việc này cần được tiến hành càng sớm càng tốt trước khi quá muộn . . .”, vì, theo anh Hồ Hòang Hạ “Tù Ca rất cần thiết được nhận diện, đặt tên và lưu trữ nó trong bảo tàng lịch sử văn hóa của người Việt nói chung, và trên những trang sử Chuyện Tù Cải Tạo CS, nói riêng”.

Đó cũng là ý hướng của nhóm anh em thực hiện chuyên mục Tù Khúc trên trang T.Vấn & Bạn Hữu. Chỉ khác một điều, nhóm anh em chúng tôi đã có cơ hội lợi dụng khả năng vô tận của Internet để thực hiện “cuộc tập họp” này một cách dễ dàng hơn, đơn giản hơn mà hiệu quả có thể lớn hơn, rộng hơn, lâu dài hơn.

Chúng tôi giới thiệu lại bài viết của anh Tạ Quang Hòang ở đây, vừa có tính cách lưu trữ một cái nhìn đúng đắn về Tù Khúc, vừa là một ghi nhận những nỗ lực mà nhiều anh em đã cố gắng để sưu tập, giới thiệu và lưu trữ di sản Tù Khúc cho các thế hệ mai sau.

T.Vấn & Bạn Hữu

Tháng 10 năm 2012

 

 

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CÁC ‘TÙ KHÚC’ (I)

Tạquanghoàng

Trong KBC/HN số ra Tháng 6.2008, Chiến hữu Hồ Hoàng Hạ (CH.HHH) có viết bài ‘Chiến Sĩ Tù Ca’, nói về những tù khúc anh em ‘Tù cải tạo’ đã sáng tác và phổ biến trong những năm tháng còn bị giam cầm trong các trại tù của cộng sản từ sau Tháng Tư 1975. CH.HHH đã phân tích và trình bày vấn đề rõ ràng và khá đầy đủ, cũng như đã trân trọng nêu lên việc ‘nhận diện, đặt tên, và lưu trử nó trong bảo tàng lịch sử văn hóa của người Việt nói chung, và trên những trang sử Chuyện Tù Cải Tạo CS nói riêng.’ Đề nghị đặt ‘Tù Ca’ một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Quê Hương của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn cận đại của CH.HHH thật đáng được những Nhà viết sử về Việt Nam quan tâm, và . . . thực hiện. Đúng như CH.HHH đã viết, những ‘Tù Ca’ này tuy chỉ ‘xuất hiện trong khoảng một thời gian ngắn cố định, nhưng nó đã để lại một dấu ấn đầy tính văn hóa, rất riêng, và sẽ không bao giờ có chuyện “tái bản” lại.’ Chính vì cái bản sắc ‘rất riêng’ và ‘không bao giờ có chuyện tái bản lại’ này, những ‘Tù Ca’ sẽ là những dữ liệu vô cùng quý giá để sau này giúp lịch sử phán xét chế độ cộng sản Hà Nội.

Bản thân người viết tuy không thông hiểu nhiều về nhạc lý, song trong những năm tháng lưu đày khổ sai trên đất Bắc, cùng chia sẽ những đắng cay, tủi hận của những người ‘tù không tội’, nên khi có những tù khúc được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại Trại Nam Hà[i] – đặc biệt là tại Phân Trại A, nơi tôi đang bị giam giữ – vào dịp Tết Canh Thân đầu năm 1980, tôi đã không tránh khỏi bị cuốn hút vào. Lúc đầu các tù khúc được lưu hành qua phương cách rỉ tai và thu hẹp trong từng nhóm bạn bè thâm giao, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, việc ca hát các tù khúc hầu như công khai sau khi cổng trại giam được khóa lại. Tại buồng giam nào vào buổi tối hay dịp nghỉ cuối tuần, cũng có thể nghe được những lời ca tiếng nhạc của những tù khúc quen thuộc, và hầu như mỗi bạn tù, cho dù không mấy hiểu biết về nhạc lý, cũng cảm thấy hứng khởi và rồi tham dự vào một cách tự nguyện. Chỉ vì những lời ca đó, được chuyển đạt qua những âm điệu đó, mỗi anh em bạn tù chúng tôi đều cảm thấy nỗi lòng mình như được giải tỏa, được xoa dịu, và rồi tự mình cũng nhẩm ca theo, và có khi toàn thân như bị co cứng lại và nổi da gà [ii].

Khi nói về ‘Tù Ca’, CH.HHH, chẳng những đã tỏ ra là một người thông hiểu nhiều về nhạc lý, mà còn có lòng quan tâm đến việc sưu tầm, phân loại, và hệ thống hoá các ‘Tù Ca’ theo 4 chủ đề sau: Tình cảm (thương nhớ người thân, người yêu); Tù tội (nói lên bản chất dã man, tàn độc của CS trong cách ‘trả thù’ những người đã từng phục vụ trong chính quyền cũ); Tôn giáo/Đức tin (cầu xin sự che chở của các Đấng Thần linh); và Động viên tinh thần (hào hùng, bi tráng).

Sự phân tích như trên rất rõ ràng và chính xác. Riêng về chủ đề ‘Tình cảm’, tuy có thể dẫn tới một sự ngộ nhận là tại sao trong hoàn cảnh tù đày, hằng ngày đối diện với sự đói khát, lao động khổ sai, tinh thần căng thẳng, . . . mà vẫn còn có thể viết và soạn ra được những vần thơ ý nhạc tràn đầy tình cảm dành cho những người thân yêu trong gia đình, cho người yêu?. – Nhưng đây chính là một đặc tính làm rõ lên sự khác biệt giữa người Quốc gia và CS vô thần, không có tính người. Dù đang ở vào một giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời, những người ‘tù cải tạo’(sic!) vẫn không bao giờ để mất bản chất nhân bản của con người Quốc gia (yêu Gia đình, yêu Dân tộc, yêu Tổ quốc). Chính nhờ nuôi dưỡng được tình yêu thương dành cho những người thân này, các anh em bạn tù đã có thêm sức mạnh để tự khắc chế những tư tưởng tiêu cực của bản thân, vượt qua những khổ ải, những buồn tủi trong cuộc sống tù ngục, hầu tiếp tục tồn tại, đứng vững, chờ đợi ngày trở về với gia đình, với những người yêu thương, cho dù ngày ấy xa vời vợi và rất mơ hồ.

Anh em bạn tù hiểu rất rõ rằng, những khổ cực họ đang trải qua trong các trại tù khổ sai của CS, chỉ bản thân họ gánh chịu, và không thấm vào đâu so với những khó khăn, những hù dọa, những căng thẳng, mà những người thân yêu còn ở quê nhà ngày ngày phải đối diện, đối phó với bọn CS địa phương, với cuộc sống ‘đổi đời’, để có thể thay thế họ nuôi dưỡng con cái, cha mẹ, và còn phải chắt chiu để khi có dịp lại đi ‘thăm nuôi’ chồng, con. Cũng cần phải hiểu thêm rằng tất cả những điều đó người vợ, người thân, đã phải thay chồng, cha, anh chị, để gánh vác một mình – và với một số chị em, còn là lần đầu tiên bước chân vào đời – trong một bối cảnh xã hội đầy hận thù của người CS đối với gia đình Dân-Quân-Cán-Chính từng phục vụ cho chính phủ VNCH, của những năm tiếp sau Tháng Tư 1975.

Về chủ đề thứ tư trong cách phân loại trên của CH.HHH (‘Động viên tinh thần’), tôi muốn làm sáng tỏ thêm khi đối chiếu với nội dung những tù khúc lưu hành tại Trại Nam Hà hồi năm 1980 và những năm tiếp theo sau đó. Có những tù khúc tại Trại Nam Hà, chẳng những làm sáng lên tính kiên cường, bất khuất của anh em bạn tù, chấp nhận mọi hình thức trả thù, kể cả chịu chết, chứ không chấp nhận khuất phục, đầu hàng kẻ thù. Và hơn thế nữa, dù đang ở vào thời điểm đen bạc nhất của cuộc đời, vẫn giữ được tấm lòng sắt son với lý tưởng Quốc gia, và niềm tin tuyệt đối vào một tương lai tươi sáng của một nước Việt Nam có Tự Do, Dân Chủ, Hạnh Phúc, với Tình Yêu Thương.(Sẽ trình bày rõ hơn trong một dịp khác nói về các tù khúc Nam Hà.)

Có một đề nghị của CH.HHH trong bài viết của anh rất đáng được những người có quan tâm nên suy nghĩ, đóng góp thêm ý kiến, và từng bước thực hiện. Đề nghị của CH.HHH rất khiêm tốn: Các anh em bạn tù đã có một thời tham dự sinh hoạt ‘Tù Ca’ trong các trại tù CS (sáng tác, phổ biến, ca hát,. . .) hãy tập hợp lại – ở một nơi nào đó, vào một thời điểm nào đó – để cùng nhau đàn hát cho nhau nghe những bản tù khúc cũ, rồi in ấn, thu CD, DVD nếu có điều kiện, hầu lưu giữ lại cho các thế hệ về sau. Đây là một ý kiến rất có ý nghĩa, và cần được tiến hành càng sớm càng tốt trước khi ‘Thế hệ HO’ trở về với cát bụi.

Tuy nhiên, đề nghị trên trong thực tế xem ra không dễ tiến hành. Những ai sẽ là người cựu tù nhân chính trị có đủ uy tín đứng ra kêu gọi các chiến hữu từng tham gia trong các sinh hoạt ‘Tù Ca’ tụ hội lại?. Vấn đề tài chánh tài trợ cho chương trình cũng cần được đặt ra. Và có thể còn nhiều vấn đề khác nữa khiến cho việc thực hiện gặp trở ngại. Thực ra, một cá nhân, một nhóm thân hữu, hay một hội cựu tù nhân từng sống cùng trại tù, cũng có thể thực hiện được, và trong thực tế điều này đã có. Nhưng để có một chương trình ‘Tù Ca’ có chất lượng, quy tụ được nhiều (ngàn) anh em cựu tù tham dự, và có nhiều tù khúc được trình diễn – để cho nhau nghe, và rồi thu vào CD, DVD -, điều kiện cần có để chương trình thành công là được một hội đoàn, một trung tâm văn hóa, ca nhạc, đứng ra bảo trợ và thực hiện.

Vào thượng tuần tháng 7 năm 2008, trong dịp giới thiệu một cuốn sách nói về trại tù Nam Hà [iii], tôi có cơ hội thảo luận với một vài anh ‘có thẩm quyền’ trong lãnh vực ‘Tù Ca’ như các nhà văn, nhà báo Huy Phương, Nguyên Huy, nhạc sĩ Xuân Điềm, ký giả Nguyên Dzuy,. . . Các anh đều đồng ý đây là một công việc rất có ý nghĩa về văn hóa, về lịch sử, cần được thực hiện để giúp cho các thế hệ trưởng thành sau Tháng Tư 1975 hiểu biết thêm về những gì thế hệ cha ông của họ đã trải qua trong một thời gian đen tối nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam. Các anh Nguyên Huy và Xuân Điềm còn cho biết cũng đã nêu vấn đề ngay trên KBC/HN, và kêu gọi các bạn cựu tù nhân chính trị đã sáng tác hoặc có lưu giữ những ‘tù khúc’ khi còn ở trong các trại tù CS hãy gởi về KBC/HN, qua một Mục riêng do anh Nguyên Huy đảm trách. Các anh hy vọng qua đó sẽ có thêm chất liệu cho việc thực hiện những CD, DVD ‘Tù Ca’ có giá trị, có thể lưu giữ lâu dài, dùng làm tài liệu cho lịch sử sau này phán xét chế độ CS. Tuy nhiên những nổ lực trên của các anh cho đến nay chưa thành công vì chưa được sự hưởng ứng rộng rãi.

‘Đại Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị’ diễn ra tại Dallas, Texas, vào đầu tháng 10.2008 vừa qua là một dịp may hiếm hoi, vô cùng quý giá cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề ‘Tù Ca’. Không có nơi nào, thời điểm nào, thành phần tham dự nào, mà lại đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng như lần Đại Hội này để trình diễn lại những tù khúc đã từng một thời lưu truyền – tuy rất kín đáo – trong cái gọi là ‘Trại cải tạo’ từ Bắc đến Nam kể từ sau ngày CS cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam Tháng Tư 1975.

Những ‘Tù Ca’ được giới thiệu trong một bối cảnh hội ngộ giữa hằng nhiều ngàn anh chị em cựu tù đầy cảm động như trên, chẳng những là hát cho nhau nghe, mà còn có một tác động vô cùng mạnh mẽ và sâu sắc đến các thế hệ Việt Nam trẻ, giúp họ hiểu rõ hơn bản chất dã man, xảo quyệt, vô nhân bản của CS; đồng thời cảm nhận được tâm tình của các bậc cha ông để từ đó kính trọng, hãnh diện, và yêu thương hơn các bậc trưởng thượng của mình.

Điều đáng tiếc là trong thực tế tại Đại Hội Dallas, chỉ có một số rất ít những ‘Tù Ca’ cũ được trình diễn trong những buổi văn nghệ, do Ban Tù Ca Xuân Điềm, hay do một vài bạn cựu tù vì quá xúc cảm đã tự đứng ra hát. Nếu các tù khúc cũ thời còn trong tù CS được sưu tập đủ (rất nhiều) – được hòa âm lại càng tốt – để đưa vào các chương trình văn nghệ của Đại Hội, thì chắc chắn những kỷ niệm về Đại Hội sẽ theo mãi những cựu tù nhân chính trị đến cuối đời. Chẳng những thế, những DVD thu hình về Đại Hội sẽ là những tài liệu lịch sử vô cùng quý giá dùng để phán xét chế độ CS mai sau.

Qua kinh nghiệm trên, chúng ta thấy có lẽ những người có quan tâm đến việc sưu tầm các ‘Tù Ca’ để thực hiện các CD, DVD cung cấp cho kho tàng lịch sử Việt Nam về sau, đã chưa có những nổ lực đủ, đặc biệt là trong việc phối hợp làm việc chung, để đạt được mục đích. Hiển nhiên, nổ lực chính vẫn là do các anh em cựu tù nhân chính trị tự lo với nhau, nhưng nếu tập thể kêu gọi được một trung tâm văn hóa, văn nghệ, đứng ra bảo trợ và thực hiện một ‘Chương trình Tù Ca’ quy mô và có ý nghĩa không phải là không nên, và điều này cũng không phải là không được.

DVD ‘Lá Thư Từ Chiến Trường’ đã được Trung tâm Asia thực hiện không lâu trước đây để vinh danh những người lính VNCH được, thì một ‘Chương trình Tù Ca’ để giới thiệu tính kiên cường bất khuất, luôn giữ niềm tin sắc son vào lý tưởng Quốc gia, và tình yêu gia đình, được chuyển tải qua những tù khúc do chính những người đã từng một thời trải qua những năm tháng dài đầy đau thương, tủi hận, trong các ngục tù khổ sai của CS, cũng nên lắm chứ? Dĩ nhiên, cho dù là làm một công tác văn hoá mang tính chất lịch sử, vấn đề lợi nhuận của trung tâm thực hiện cũng phải được đặt ra. Điều này có thể đáp ứng được.

Chắc chắn ngay sau khi một chương trình mang chủ đề như trên được phổ biến, hằng nhiều ngàn anh chị em cựu tù nhân chính trị sẽ sẳn sàng mua vé. Các bạn trẻ cũng sẽ tham dự để tìm hiểu thêm về một giai đoạn mà các bậc trưởng thượng của họ một thời đã trải qua, mà trước đó họ chỉ mới được nghe kể lại hoặc đọc qua các hồi ký. Ngoài ra, các CD, DVD, do các trung tâm văn hóa, văn nghệ này phổ biến tiếp theo sau, chắc chắn cũng sẽ được tiêu thụ nhanh chóng với số lượng lớn vì có hằng nhiều trăm ngàn cựu tù nhân chính trị sống rải rác khắp nơi, không thể trực tiếp đi xem ‘Chương trình Tù Ca’.

Vấn đề còn lại là: Làm sao có đủ ‘tù khúc’ để phủ đầy cho chương trình. Điều này có được hay không, tùy thuộc sự hưởng ứng của các anh chị em cựu tù nhân chính trị đã từng tham dự trong các sinh hoạt ‘Tù Ca’ khi còn ở trong các trại tù CS (Các tù khúc chuyển về trung tâm cần ghi rõ tên tác giả, bối cảnh, tâm tình dẫn tới sự hình thành tác phẩm, v.v. . .). Dĩ nhiên, trung tâm có toàn quyền trong việc chọn lọc, soạn hòa âm, nhạc cảnh, hoạt cảnh, v.v. . . cho những tù khúc được chọn. Theo sự hiểu biết của bản thân, có từ 100 – 150 ‘Trại cải tạo’ do chính quyền Hà Nội thiết lập khắp hai miền Nam-Bắc sau Tháng Tư 1975, và hầu như mỗi trại đều có những tù khúc mang sắc thái riêng của trại mình.

Trên đây chỉ là một vài ý kiến đóng góp thêm vào những gì CH.HHH đã nêu lên trong bài viết ‘Chiến sĩ Tù Ca’. Rất có thể còn nhiều anh chị em bạn tù cũ sẽ đóng góp thêm những ý kiến hữu ích khác nữa. Chúng ta phải hiểu rằng những tù khúc này là những dữ liệu lịch sử, là những bằng chứng rất tốt cho việc phán xét chế độ CS Hà Nội mai sau. Những tù khúc này có một bản sắc ‘rất riêng’ và ‘sẽ không bao giờ tái bản lại’. Đây là những chứng tích lịch sử về những người ‘Tù cải tạo’, và thân nhân của họ, đặc biệt là những người vợ. Chính vì bản sắc ‘rất riêng’ của những tù khúc, nó không còn là tài sản riêng của cá nhân mà là của chung của Dân tộc Việt Nam, cần được sưu tầm lại và lưu giữ một cách cẩn trọng.

Từ suy nghĩ trên, để có được những CD, DVD hoàn chỉnh, tiện lợi cho việc lưu trữ, chúng ta rất mong có một trung tâm văn hóa, văn nghệ nào đó có cùng quan tâm, đứng ra bảo trợ và thực hiện một ‘Chương trình Tù Ca’ (tương tự như Chương trình ‘Lá Thư Từ Chiến Trường’ của Trung tâm Asia.) Một chương trình như vậy, chẳng những sẽ giúp có được những DVD giá trị ghi lại những chứng tích lịch sử về những người ‘Tù cải tạo’, mà còn để vinh danh những thân nhân của những người ‘tù không tội’ này, đặc biệt là những người vợ của họ.

Đúng vậy, như đã phân tích ở trên, những người thân, người vợ ‘Tù cải tạo’ ở nhà phải đối diện và đối phó với muôn vàn khó khăn do hoàn cảnh xã hội đổi thay, và nhất là sự hù dọa của bọn CS địa phương, để thay chồng, cha, anh,. . . nuôi dưỡng gia đình, và nuôi chồng, cha, anh trong tù. Chưa hết, sau khi được phóng thích và đi định cư tại một quốc gia thứ ba, những người vợ cũng là những người trước tiên lăn vào cuộc sống mới nơi đất lạ quê người để tạo dựng lại cuộc sống mới cho gia đình. Những người đàn bà này rất đáng được vinh danh. Những CD, DVD này còn giúp cho các thế hệ trưởng thành sau Tháng Tư 1975 hiểu thêm về sự dã man, vô nhân bản của chế độ CS, cũng như hiểu được những gì mà cha mẹ, ông bà họ đã trải qua trước đây, để từ đó biết kính yêu và hãnh diện về các bậc trưởng thượng của mình.

Ngoài ra, chúng ta đang sống trên những đất nước Tự Do và có đủ điều kiện về tiền bạc, kỹ thuật, và tri thức. Những CD, DVD với nội dung như trên rất nên được thực hiện, vì đó sẽ là một đóng góp hữu ích trong nổ lực chung của cộng đồng Việt Nam hải ngoại trong công tác văn hóa, để chống lại những tài liệu văn hóa cố tình bóp méo lịch sử do chế độ CS Hà Nội soạn thảo và phổ biến rộng khắp, hầu giúp cho các thế hệ Việt Nam trẻ về sau, ở ngoại quốc cũng như trong nước, có những hiểu biết đúng đắn hơn về lịch sử cận đại của Dân tộc Việt Nam.

Để thay lời kết, việc tập trung những tù khúc do anh em cựu tù nhân chính trị đã một thời ca hát trong những nhà tù CS của những năm sau Tháng Tư 1975, là một điều cần thiết và cấp bách, trước khi thế hệ chúng ta trở về với cát bụi. Đây là những dữ liệu văn hóa vô cùng quý giá để sau này lịch sử phán xét chế độ CS, cũng như để giúp cho những thế hệ về sau hiểu được tâm tình của các bậc trưởng thượng của mình trong một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Dân tộc Việt Nam cận đại. Mong tất cả những người có cùng quan tâm đến vấn đề hãy chung tay góp sức.

(Trong một dịp khác tôi sẽ lược giải một số tù khúc tiêu biểu của Trại Nam Hà vào đầu năm 1980 và những năm tiếp sau như ‘Tù khúc Thăm Nuôi’ của Nguyễn Văn Tấn, ‘Đôi Giày Dũng Sĩ’ của Nguyễn Văn Hồng, v.v. . .)

Nam California, Tháng 10.2008

Taquanghoang


[i] Trại Nam Hà (còn có tên là ‘Ba Sao’ hay ‘Hà Nam Ninh’) nằm trong một khu thung lũng rộng lớn, có núi vây bọc chung quanh, nằm cách Thị xã Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam Ninh khoảng 20 cây số, và cách Hà Nội khoảng 80 cây số về hướng Đông-Nam. Trại bắt đầu giam giữ tù chính trị từ miền Nam chuyển ra từ Tháng 8. 1976. Vào cuối năm 1979, có khoảng 5.000 tù chính trị bị giam tại đây.

[ii] Hằng năm, trại viên Trại Nam Hà (hình sự lẫn chính trị) được nghỉ Tết 2 tuần lễ từ 23 Tết (ngày đưa ‘Ông Táo’ về Trời) đến Mồng 6 Tết. Riêng Tết Canh Thân đầu năm 1980, không hiểu vì lý do gì, trại viên được nghỉ từ 20 Tết, sớm hơn 3 ngày. Sự kiểm soát của BGT cũng dễ dãi hơn, không mấy khi đi tuần tra, từ khi mở cửa buồng giam khoảng 7 giờ sáng, đến 6 giờ chiều. Lợi dụng sự nới lỏng kiểm soát này, trong suốt 17 ngày nghỉ Tết, hầu như ngày nào cũng có những ‘tụ điểm’ để ca hát ‘nhạc vàng’ và ‘tù khúc’, đặc biệt là tại các buồng giam ở xa cổng ra vào Trại. Có một điều cần nói thêm là ngay sau dịp Tết này, đã có nhiều biến cố lớn xảy ra tại đây trong đó có vụ tập thể cùng đứng lên chống đối BGT, dẫn đến việc một số anh em bị biệt giam, tra tấn cho đến chết (trong đó có anh Nguyễn Văn Hồng, tác giả tù khúc nổi tiếng ‘Đôi Giày Dũng Sĩ’), hoặc bị đưa đến trại giam ‘Cổng Trời’ ở Hà Giang.

[iii] Ngày 12.7.2008, tôi có tổ chức ra mắt sách ‘Chuyện tù kể từ TRẠI NAM HÀ’ tại Nam California. Trong sách này tôi có dành một Chương để trình bày về các tù khúc đã được sáng tác và phổ biến tại Trại này vào dịp đầu năm 1980 và tiếp theo sau đó .

 

Tạquanghoàng

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search