T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoa Biển: NỤ HÔN ĐẦU

clip_image002

Giữa tháng 7/1972, vào những ngày oi bức của mùa hè đó là thời điểm đáng ghi nhớ nhất trong đời đối với những chàng trai ở độ tuổi đôi mươi – mùa hè đỏ lửa và lệnh đôn quân đã ban hành. Không khí chiến tranh đã lan về thành phố khi mọi nỗ lực tiếp vận, bổ sung nhân lực, cứu thương, đều ưu tiên cung ứng cho những chiến trường khốc liệt nhất như An Lộc, Kontum, Quảng Trị . Người ta thấy những đoàn xe GMC nườm nượp qua lại trên đường phố..

Lớn lên vào thời chiến, sách vở, trường lớp nào có yên ổn đâu khi hằng đêm tiếng súng vọng về và ngày ngày chứng kiến nhiều cảnh tang thương của biết bao hi sinh từ những người dấn thân vào cuộc chiến. Từ biến cố Mậu Thân 1968, khắp nơi trên xứ Huế hầu như được phủ bằng một màu xám thương đau bởi cuộc thảm sát hơn năm ngàn nạn nhân bị Cộng Sản chôn sống. Những lớp cỏ xanh được mọc lên từ các bờ ruộng ở quận Phú Thứ như Xuân Ổ, Xuân Đợi, Hà Trung, Hà Trữ và ở khe Đá Mài quận Nam Hòa, hay Bãi Dâu cạnh thành phố Huế _ là nơi oan ồn tử sĩ bị lấp vùi khi đang còn sống, hay bị trói chặt liền nhau bằng những sợi dây điện thoại. Sau biến cố, thân nhân người mất tích, ngày ngày vác cuốc đi tìm dấu vết ở những đám cỏ xanh tươi tốt nhờ xác người này. Người dân Huế nhờm tởm và kinh hoàng về thứ chủ nghĩa Cộng Sản ngoại lai vô thần đó như một thảm họa lớn nhất của đời người. Chiến tranh tiếp tục leo thang, đêm đêm Việt Cộng pháo kích vào thành phố để lấy tiếng vang trước dư luận quốc tế về sự hiện diện của họ tại miền Nam. Những kẻ vô thần này vẫn không buông tha những người dân vô tội:  Máu, nước mắt, những vành khăn tang sau những trận pháo vẫn song hành với vô số những chiếc hòm gỗ cài hoa từ chiến trận đưa về, và tất cả làm dân Huế mang nặng nhiều ưu tư, lo lắng cho một ngày mai sẽ đến…

Mùa xuân năm 1969, học sinh được lệnh nghỉ học nhiều lần để đến dự đám tang những nạn nhân chết oan khiên ở những mồ chôn tập thể. Ai từng lớn lên ở Huế có quên chăng bao tiếng kêu gào thảm thiết của người vợ khóc chồng, con khóc cha, anh khóc em, mẹ già khóc con cái ở trường La San, Phú Vang, trường TH Cộng Đồng Nam Ngọc, trường Trung học Gia Hội, quận Nam Hòa là nơi hàng ngàn hài cốt được phơi bày lên để thân nhân nhận diện trước khi cải táng tập thể ở nghĩa trang Ba Đồn. Như một thảm nạn của thế kỷ, về sau, cứ mỗi lần nghe đến Cộng Sản, người dân Huế chạy trước nơi mà toàn quốc hướng về Huế như một quốc tang vào  mỗi độ xuân về… Chuyện học hành như được đặt trên một lò lửa khi truyền hình đưa tin nhiều chiến trận khốc liệt như Cổ thành Đinh Công Tráng Quảng Trị, Lam Sơn 719 ở Hạ Lào – Tchépone, và hẳn nhiên có bao sự hy sinh của những người trai thời chiến! Đất nước đang hồi nguy biến và những người trai trẻ vừa xong ngưỡng cửa trung học được lệnh lên đường nhập ngũ theo lệnh đôn quân.

Tháng 7 năm 1972 …    Những chiếc xe GMC chở đầy người từ từ rời cổng Quân vụ thị trấn Sài Gòn Gia Định ở đường Lê Văn Duyệt và hướng về ngả tư Bảy Hiền, trực chỉ Trung tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Cả một khu phố chạy dài đến hàng cây số đều như đứng sửng lại mọi sinh hoạt để nhìn đoàn xe đang rộn rã đi qua. Nhìn đoàn người trên những chiếc xe nhà binh người ta thấy được không khí chiến tranh đã đến với những người dân thủ đô. Cư dân từ già đến trẻ chăm chú đứng nhìn. Hẳn trong tâm tư họ đang miên man về một cái gì thân quen trên đường phố, trong quán cà phê, nơi giảng đường Đại Học, bên những công viên… Một sự im lặng đau đớn trong ánh mắt họ khi nhìn đoàn xe đang hút mờ trong lớp bụi mù cuối đường. Nhịp sống sinh động giảm dần trên thành phố! Tuổi trẻ và thiên đường hoa mộng của đời người đang trả lại dĩ vãng cảnh dập dìu sánh đôi chiều chiều trên bến Bạch Đằng gió lộng, sau những giờ tan học khi tình yêu vừa chớm nở ở tuổi mộng mơ. Giã từ Sài Gòn đầy sức sống, đầy đắm say của bao lứa đôi ngọt ngào tình yêu. Sài Gòn, viên ngọc quí miền Nam, vùng đất trù phú, rộn ràng và sinh động. Công viên, Thánh đường, khu phố Bona, bến cảng Bạch Đằng… cả một thiên đường trải rộng như vô tận từ ngả tư Bảy Hiền đến đầu cầu xa lộ, từ xa cảng miền Tây đến Hàng Xanh, qua đến Thanh Đa, về ngang Khánh Hội. Những người trai trẻ trên xe lặng nhìn bên dưới với đầy những cánh tay vẫy vẫy tiễn đưa, họ đang nhạt nhòa nước mắt và thổn thức cho nhau vì những kỷ niệm ngọt đắng nơi thiên đường của xứ sở miền Nam một thời thịnh trị: Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông! Và họ, những người trai trẻ giờ đây đang lên đường, sẵn sàng ra chiến trường, bảo vệ miền nam tự do, bảo vệ Sài Gòn…

Tôi trong đoàn người ra đi, cố tâm không muốn nhìn kỹ ai đang ủy mị gạt nước mắt cho nhau ở những phút biệt ly này… Từ nhỏ đến lớn, biết Sài Gòn qua sách vở ở trường học, gần đây, khi trọ học ở thành phố Huế, có những lúc rảnh rỗi thường hay mê mải xem ké chương trình TV của người hàng xóm, từ đó biết Sài Gòn với nhiều nét văn minh thời đại, thâm tâm vẫn chưa nghĩ sẽ có một ngày nào đó dừng chân trên bến Sài Gòn, để được tận mắt nhìn nét đẹp hoa gấm sơn hà. Khi lệnh đôn quân ban hành, tôi nhập đoàn người trai trẻ đó để ra đi. Vì ước mơ làm cánh chim trời để tung mây lướt gió, tôi len lỏi đi nộp đơn không quân từ Đà Nẵng, Nha Trang và sau cùng đi tới Sài Gòn mà vẫn không thể nào chen chân vào hàng ngũ những người mơ ôm bầu trời làm thế giới Tổ Quốc Không Gian này để cuối cùng vui vẻ chấp nhận vào trường sĩ quan Bộ Binh Thủ Đức nay mai thôi!

Đoàn xe dừng hẳn vào sân trại nhập ngũ. Một đời sống mới bắt đầu với những lệnh lạc được ban ra để đưa vào sinh hoạt đi đứng, ăn ngủ, giải trí… Tác phong chậm chạp và mái tóc dài kiểu học trò vẫn còn, chưa lột được tính chất lề mề của đa số anh em. Những thủ tục lãnh quân dụng như bi đông, dây nịt, giày bố, áo quần, mũ nón, cà mèn được áp dụng ngay. Không soi gương, nhưng nhìn qua những người bạn đồng hành, thầm nghĩ chắc mình “ngố” lắm trong bộ đồ lính rộng thùng thình và chiếc mũ lưỡi trai rộng chụp tới lỗ tai.

Ngày đầu tiên vào lính, tâm lý bồn chồn với biết bao hình ảnh giao thoa loạn xạ trong đầu. Rời quê nhà, bỏ sách vở, thầy bạn, một mình dấn thân vào một noi xa lạ đầy ngỡ ngàng này, trong lòng vẫn chưa cảm thấy cô đơn vì trái tim chưa có gì trói buộc, chỉ thấy hơi lạc lõng. Tôi tư lự nhét vào đầu những hình ảnh trước mắt: Một rừng người đứng, nằm, ngồi khắp mọi nơi, trong sân trại, đang thờ ơ với khay cơm quân trường màu vàng, đậm mùi vitamin, trên có hai con cá mối kho khô và vài cọng rau muống luộc với một chút nước tương. Nhiều người cầm muỗng mà không muốn nuốt, có lẽ vì nhớ những bữa cơm gia đình đầm ấm đầy hương vị nhờ bàn tay săn sóc của các bà mẹ… Nỗi nhớ nhà, thương cha nhớ mẹ, vắng người yêu bắt đầu từ đó và hiểu dần thế nào là kiếp sống xa nhà. Tôi cất nỗi nhớ thương cha mẹ và anh em trong tâm và rảo bước quanh sân, gặp những gương mặt thẫn thờ vì chia tay, cũng có những người bạn trẻ bông  đùa, bởn cợt để tìm quên, cố không để dư âm ngày đầu nhập ngũ làm giảm nhuệ khí tuổi đôi mươi mới xa nhà lần đầu… Một đêm đầu đời lính đi qua, trăn trở và chờ sáng từng giờ phút. Đêm rồi một buổi lửa trại tự khởi đã hình thành trước đống củi nơi sân trại, ngọn lửa ấm bùng lên, vài tiếng ca vang bắt đầu ngợi ca tuổi trẻ, kỷ niệm học trò, khung trời kỷ niệm. Mọi người dừng hẳn và quay quần tụ tập một cách ngoan ngoãn để lắng nghe, ai cũng xúc động vì tiếng hát mặc dù không chuyên nghiệp nhưng thấu nỗi vô trùng kỷ niệm yêu dấu, một thời hoa niên đầy kỷ niệm tình ái tuổi đôi mươi đang dệt nhiều ước mơ vào đời: Trả Lại Em Yêu, Mộng Dưới Hoa, Duyên Thề, Em  Tan Trường Về, Chuyện Tình Buồn, Hoài Cảm, Hương Xưa, Còn Chút Gì Để Nhớ Để Thương… Một chiếc đàn ghi-ta, một tiếng hát say mê bên ngọn lửa hồng và cứ thế tiếp nối mãi… Người nghe và người hát cùng quyện mình trong cùng tâm trạng, cùng rung động và thưởng thức một cách trung thực. Một đêm thật tuyệt vời, soi rõ đọc thấu bao tâm tư chất chứa… Và như thế, một cuộc tỏ tình thời đại nơi mọi người được giải bày, được trần tình những lý lẽ sâu kín của con tim trước cuộc đời vì thời cuộc.

Ngày hôm sau,  thủ tục chụp hình, lăn tay, phân loại máu và ghi số quân hoàn tất nhanh chóng. Mọi người thích thú với chiếc thẻ bài trên có khắc tên họ, số quân và loại máu (rất cần về sau trên chiến trường để tiếp máu). Ai cũng mân mê với sợi dây định mệnh này. Bất ngờ những người nhập ngũ cùng đợt được xuất trại chờ nhập khóa tại trường Bộ Binh Thủ Đức để nhường chỗ cho người mới đến  làm thủ tục. Tôi hí hửng cầm tờ giấy xuất trại, bước ra với tâm hồn thư thái, vui vẻ. Tự do hai tiếng ngọt ngào trông thú vị làm sao, tôi lên xe đò về Sài Gòn, ở nhà người bà con, tận hưởng những ngày phép đầu đời.

Khóa 4/71 Trừ Bị Thủ Đức ra trường đúng vào thời điểm này. Tôi gặp lại rất nhiều bạn bè thân cũ từ lớp 12 trường Quốc Học Huế đang nghỉ phép hoặc chờ phương tiện di chuyển vào trình diện các trường chuyên môn như pháo binh, thiết giáp, quân y, truyền tin… Cũng không hẹn mà gặp lại bạn bè cùng lớp như Cưong, Phước, Mạnh, Hùng, Hưng và nhiều nữa. Nhìn những người bạn mình oai phong trong quân phục với chiếc lon chuẩn úy trên ve áo, màu da sạm nắng thao trường, tóc tai gọn gàng và đi đứng chửng chạc, tôi cảm thấy nôn nao chi lạ. Nhìn họ, tôi âm thầm đọc thấy những thay đổi lớn trong tác phong chỉ huy vừa được đào tạo và thầm mơ ước ngày sau mình cũng sẽ như vậy. Lê Sét, bạn cùng học, khóa 4/71, nhưng không có trong đám bạn đang nghỉ phép này. Sét chọn nhảy dù, không có phép mãn khóa do nhu cầu cấp bách của chiến trường và trình diện đơn vị ngay. Anh lên đường ra Quảng Trị bằng chuyến tiếp tế C-123 mặc dù chưa kịp học khóa căn bản nhảy dù. Vỏn vẹn chỉ một tuần sau đã được tản thương về bệnh viện sư đoàn nhảy dù Đỗ Vinh với ngực và cánh tay băng bó. Anh trở lại quân trường Thủ Đức thăm lại khóa đàn em và kể chuyện chiến trường vùng giới tuyến. Thấy tôi đeo dây thẻ bài với số quân, anh khuyên tôi nên chơi cho đã mấy ngày phép kẻo sau này hối tiếc…

Người trung sĩ Quân cảnh trả lại giấy tờ tùy thân của tôi và chúc tôi vui vẻ mấy ngày phép. Đây là cửa ngõ vào Sài Gòn, trạm kiểm soát cầu Tân Cảng. Tất cả hành khách, bộ hành, xe gắn máy đều bước xuống và đi hàng một để trình giấy. Thành phố phải được bảo vệ nghiêm ngặt như thế do nhu cầu an ninh phòng thủ thủ đô. Tại đây, tôi bất ngờ gặp lại một người làng là Dung lúc đang xuống xe Honda và đi bộ vào lối kiểm soát. Quá đỗi ngạc nhiên, cả hai chúng tôi đều lạ lùng tại sao lại có thể gặp nhau ở nơi đất Sài Gòn xa lạ này.

Đưa Dung ra khỏi trạm kiểm soát hỗn hợp , hỏi ra thì cô cho biết sau biến cố Quảng Trị vào đầu 1972, người dân Huế quá kinh hãi Cộng Sản qua biến cố Mậu Thân, ào ào di tản vào phía Nam, Dung theo gia đình vào Đà Nẵng và nay vào luôn Sài Gòn vì theo chân người anh ruột là trung tá Bùi Th., chỉ huy trưởng Sở Công Tác vùng I đang học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại đây.

Tôi lắp bắp vì xúc động, cắt nghĩa cho Dung về sự hiện diện của tôi tại nơi này. Hai đứa tôi khác tôn giáo, tôi Phật giáo và Dung là Công giáo, tôi lại lớn hơn vài ba tuổi, chuyện trai gái vì thế mà tách biệt rõ rệt, không có chuyện người có đạo lấy người lương. Mỗi buổi chiều, cô theo cha mẹ đi cầu kinh ở nhà thờ, vô tư trong chiếc áo dài trắng, nhiều lúc Dung  đeo đuổi một con bướm trắng hay mộ con chuồng chuồng ngay đường xóm nhà tôi một cách mê mải mà không hề biết đôi mắt tôi liếc nhìn trộm. Dung có chiếc mũi tẹt nhưng gương mặt trái soan và mái tóc chấm bờ vai trên một thân hình cân đối thế mà hút hồn tôi từ lúc nào không biết. Thầm kín một cách khó hiểu, chưa bao giờ nói chuyện quá một câu vì chiếc lưỡi tôi thường líu lại và mặt tôi tía đỏ rân lên mỗi khi giáp mặt. Thâm tâm, chắc cô ta chỉ biết anh chàng này chỉ là gã mọt sách, chẳng biết gì ráo. Ở quê tôi, con đường về làng khá xa nếu đi bằng đường bộ. Từ Huế phải đi ngang qua làng Dương Nỗ, Mậu Tài, băng qua làng Sình, Vĩnh Lại và cuối cùng là Hòa An mới tới nhà. Thanh niên mấy làng này hung hăng lắm. Có lúc tôi thầm mơ ước mình làm hiệp sĩ, mỗi khi thấy Dung bị ăn hiếp hay chọc ghẹo là ra tay. Nghĩ thế, tôi ghi tên học võ Karate tại võ đường Ngô Dồng nằm cạnh giảng đường đại học sư phạm Huế. Ngày ngày tôi gò mình trên chiếc xe đạp đi và về đều đặn, siêng năng tôi luyện. Nhiều lúc, tôi không biết bên trong cô nàng có nghĩ gì về tôi không? Thơ, văn thì tôi chịu thua, không biết – và biết đến kiếp nào mới trần tình được nỗi khổ này! Dung thì cứ nhởn nhơ sáng chiều đi lễ nhà thờ, đơn sơ, không kiêu kỳ mà gương mặt cô mỗi lần vô tình nhìn tôi cũng làm tôi bâng khuâng đến vài ngày mới lai tỉnh. Dịp lễ Giáng Sinh của một năm nào, Dung đóng vai thiên thần Gabriel, loan tin mừng đến nhân thế là chúa cứu thế sắp ra đời trong hang lừa máng cỏ. Trong hoạt cảnh Giáng Sinh này, Dung đẹp như một tiên nữ với làn da trắng hồng, mái tóc quăn dài buông lõng. Mỗi lần cô cất tiếng hát, đôi gò má lấp ló hai núm đồng tiền. Dưới ánh đèn màu, tôi mê mải như đang ở một giấc mơ tuyệt vời ở chốn thiên thai nào. Tôi nghĩ không riêng tôi mà chắc ai cũng một tâm tư như tôi đang có.

Dung xúc động khi biết tôi sắp vào lính, cô cúi đầu trầm tư và nói:

-Lúc này mới thấy anh lớn! Mới ra khỏi làng quê mà đã thấy khác.

Tôi lí nhí, giọng hơi run:

-Tôi khổ vi em lâu rồi! Dung chắc đâu biết?

Dung nhìn tôi, thoáng xúc động nên đôi má ửng hồng, cô gở chiếc nón xuống cầm nơi tay vân vê, giây lát cô nói:

-Anh của Dung toàn là lính cả, từ anh Thiện, anh Lý, anh Phong, anh Hóa, anh Thanh, ai cũng có cuộc đời binh nghiệp đầy thử thách cả. Xa nhà và theo đơn vị lâu ngày, ai cũng mơ ước đơn sơ một tình thương để an ủi cuộc sống xa nhà và vỗ về con tim vì hiểm nguy rình rập. Dung thương và hiểu những người làm lính là vậy đó. Thôi, vui vẻ lên đường đi nhé!

Cô ta cười hóm hỉnh:

-Em xin làm em gái hậu phương của lính, được chưa?

Bất ngờ Dung cười nói tiếp :

-Bây giờ mình đi chơi với nhau nhé! Em dùng hết thì giờ chiều nay làm quà tiễn anh đi lính đó, anh vui không?

Lặng điếng người, tôi nghe trong lòng chan chứa một niềm hạnh phúc tuyệt vời. Con gái đời này ai mà biết, một núi lửa sắp phun, chắc cũng âm ĩ lâu ngày rồi cũng nên… can đảm, tôi phán liền một câu thật «nam nhi chi chí»:

-Anh đai nâu Karate, một ông chuẩn úy tương lai và là một người quen từ muôn kiếp. Hôm nay dẫn em đi dạo phố. Quê hương mình ở một nơi thật là xa, nhưng có em đây, anh thấy thật là gần. Có em, anh thấy người yêu xóm đạo, con bướm nhỏ và tà áo trắng học trò đơn sơ, hình ảnh anh cất giữ trong lòng từ lâu rồi, được chưa?

Đưa Dung đi chơi, tôi mơ mình trở thành người hùng, quyền uy, trên áo rực chiến công, xem thường nguy hiểm và đi bên Dung như một hiệp sĩ. Dung ngoan ngoãn như một người đã trót trao trái tim từ dạo nào…

Bên trong rạp chiếu bóng Eden, gần hội trường Diên Hồng, tôi ngồi cạnh Dung. Bóng tối và những cảnh tình tự chung quanh làm tôi bạo dạn hơn. Tôi vòng dài cánh tay ôm người con gái trong nhịp tim đập thật rộn ràng. Nghiêng đầu, Dung tâm sự:

-Anh có người tình chưa?

-Chưa! Và không biết lúc nào mới có.

Dung nhẹ nhàng đùa vui, nói:

-Thì em làm người tình của anh đây. Dù mai này hoàn cảnh đổi thay, cuộc sống của anh gắn liền chinh chiến, biết ra sao ngày sau. Hoặc sau này binh nghiệp của anh sáng chói, quyền uy lẫm liệt, cũng sẽ không biết ngày sau em ra sao. Trước mắt và hiện tại mình đang có nhau…

Tôi im lặng nghe và tận hưởng hương vị ngọt ngào, đắm say, tôi trở nên khờ khạo. Giây lát, Dung nghiêng đầu lần nữa, hỏi:

-Anh chưa biết hôn?

-Chưa lần nào! Sợ lắm! Không biết sợ cái gì mà run quá…

Dung nũng nịu sà mái đầu vào vai tôi. Hương tóc làm tôi ngất ngây đến ngạt thở. Tôi hôn Dung một hơi dài lên má, lên môi và đê mê đến nỗi chẳng biết gì chung quanh đó cả.

Nụ hôn đã đưa tôi vào cuộc đời, cho tôi làm người lớn, không mặc cả, không toan tính, của tận đáy tâm hồn. Nụ hôn tiễn chân làm tôi trở nên can cường ở một cái gì đó không đổi chác và so sánh. Từ chỗ bơ vơ vùng tuối dại, tôi quí mến phút giây niềm dâng hiến đã đưa tôi vào chốn ngút ngàn vô tận của một sức mạnh vô hình…

Dung ngửa cố âu yếm :

-Ở một hoàn cảnh nào đó, anh sẽ nhớ em bằng cả trái tim về phút giây này, em tin là anh sẽ có nhiều sức mạnh để vượt thắng được mọi hoàn cảnh.

Tôi xa Dung từ đó. Mộng binh nghiệp đã đưa tôi đi từ Thủ Đức và xa hơn.Khi đang thụ huấn giữa khóa học thì trúng tuyển vào  khóa 4 SVSQCTCTĐL. Tôi mãi rong ruổi chí hướng với mong ước một ngày nối gót đàn anh và tiến thân vào nơi trận mạc. Trên thao trường, ra ngoài chiến dịch, dấu vết nụ hôn vội vàng của một tâm tình dâng hiến đã tăng thêm nhiều sức mạnh vô hình. Tôi thấy ánh mắt và dư vị nụ hôn ngày nào bám víu bước chân tôi như niềm trợ lực, như một thứ hành trang đã cho tôi mãi mãi chân cứng đá mềm.

Đây khúc ca vang nơi quân trường đầy hào hùng

Vai sánh vai ta thi tài trong tình quân ngũ

Đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm

Anh em ơi, ta quyết thề đem mồ hôi xóa gội căm hờn

Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu

Cố lên, dù nhọc nhằn, đem mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh…

Khi di tản khỏi Đà Lạt để về Sài Gòn, khóa 4 CTCTHD do nhu cầu cấp bách của chiến trường đã được làm lễ mãn khóa vào ngày 22 tháng 4 năm 1975 tại Biên Hòa và mang cấp bậc thiếu úy. Chiều ngày 28 tháng tư năm 1975  đơn vị đóng quân tại trận Long Thành, nơi đây áp lực Cộng quân rất mạnh quanh trường Thiết Giáp và trường Bộ Binh Long Thành. Tiểu đoàn 1/TQLC án ngữ mặt tiền và hông trái của vòng đai ngã ba Thái Lan, ngay cổng chính đi vào quân trường mới mẻ này. Hai chiếc M48 nằm song hành với đơn vị, đang dùng họng súng đại bác 100 ly hất ngã nhẹ nhàng những hàng cây cao su để bung rộng xạ trường và sẵn sàng bắn trực xạ với nhau vì tăng T54 của địch đã xuất hiện phía đối diện. Tiếng pháo và tiếng đạn nổ như bắp rang và tất cả được phủ kín một màn khói mờ của hơi thuốc súng.

Phía đông hướng ra Vũng Tàu là vòng đai của tiểu đoàn 8/TQLC, bảo vệ trục giao thông nối từng đoàn người chen chúc ngược xuôi lánh nạn và chận bước tiến của Cộng quân từ Bình Tuy tiến về Sài Gòn. Trinh sát pháo của Cộng quân đã len vào trong đoàn người này để điều chỉnh mục tiêu, pháo của địch đang xích lại càng lúc càng gần vòng đai của quân ta. Từng giờ từng phút lịch sử chầm chậm đi qua. Trên radio, đài phát thanh Sài Gòn đang trực tiếp truyền thanh lễ nhậm chức tổng thống từ cụ Trần Văn Hương trao quyền cho đại tướng Dương Văn Minh. Binh sĩ nghiêm ngặt trong vị trí của mình và chỉ biết giặc thù trước mặt, họ ngồi dưới hầm cá nhân và chờ đợi…

Trên bầu trời, những đoàn trực thăng trực chỉ biển khơi để di tản những nhân vật quan trọng của miền Nam, nhân viên làm việc cho Mỹ từ Sài Gòn. Mặc ai đi, ai ở, những người lính phút giây này vẫn còn đem sinh mạng mình ra chống đỡ, kềm chân địch từng tấc đất để bảo vệ an toàn cho những người ra đi cùng thân nhân và của cải của họ, và cả những người ở lại. Lựu đạn, M72 chống tăng, M16 đều mở chốt an toàn, bên trong tâm hồn họ không còn đủ suy nghĩ để nhớ thương gia đình, vợ con, biên giới tử sinh không có lằn ranh nữa.

Phía cánh B hành quân, đại úy tiểu đoàn phó Buì Bồn, nhân vật rất nổi tiếng trong binh chủng TQLC nhờ gan lì và đẹp tình đồng đội, ước tính cần thu gọn chiến trường để giành thế chủ động, ông lập kế hoạch để chuyển hướng trận đồ và cho tấp pi cổng chính trường Bộ Binh Long Thành, nơi hai chiếc T54 của Bắc quân đang trấn thủ ở một vị thế rất thách thức, nằm sát bên cạnh lô cốt chất đầy bao cát ở lối chính đi vào trường. Đại úy Bùi Bồn muốn tiến chiếm vị trí này để làm tuyến xuất phát rồi thọc sâu vào và lấy lại ưu thế chiến trường. Ông bàn bạc với đại đội trưởng của tôi là trung úy Lê Châu Khai, sau đó, tôi được gọi lên gặp để nắm tình hình và nhận chỉ thị. Trung úy Khai ra lệnh:

-Hồng Hà, đây là cơ hội tốt cho anh. Anh mới ra trường nên anh  được thể hiện tài năng chiến đấu để lập công trạng ngay từ bây giờ. Anh lấy cho tôi mười hai người trẻ tuổi và chưa vợ, bỏ ba lô xuống, anh chỉ huy và khi hỏa lục đại đội khai hỏa đồng loạt vừa xong, anh ra lệnh xung phong tiến lên diệt chốt, bắt hai con cua trước mắt! Đơn vị sẽ yểm trợ anh tối đa, nghe rõ? Cố gắng lập chiến công!

Hai bàn chân tôi nhẹ hều, tựa như không đứng vững, mồ hôi toát ra như tắm, đầu óc chợt khựng ra, bàng hoàng. Phải nói là tôi run thật sự: phía địch ở thế thủ có xe tăng và bộ binh đang hướng về mình – mình thế công chỉ có súng trường và lựu đạn chạy và xung phong về phía họ! Bài toán dễ hiểu và ước tính thắng bại dễ dàng quá!

Cố gắng lắm tôi mới để lưỡi không líu lại và hai hàm răng đánh lập cập. Tôi nhủ thầm trong bụng, năm sau nhớ lấy ngày! Mà không biết ai nhớ cho mình đây!

Như một cái máy, tôi đáp, giọng hơi lạc đi:

-Trình trung úy, Hồng Hà nhận rõ và thi hành!

Quay sang thượng sĩ trẻ, trung đội phó , tôi bảo:

-Anh và tôi, lấy thêm mười người nữa, ưu tiên chưa vợ và sẵn sàng!

Anh thượng sĩ  người trẻ tuối và cấp bậc hoàn toàn do đặc cách chiến trường, toát mồ hôi hột, bảo tôi:

-Thiếu úy mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, làm sao xông lên bắt tăng được?

Nghiêm sắc mặt, tôi nói:

-Đây là lệnh, anh cứ việc thi hành, chuẩn bị đội hình, tôi chạy sau các anh, cùng xung phong! Cùng sống hoặc cùng chết với nhau, rõ chưa?

Mơ mơ màng màng tôi nghĩ nếu không chết, mình sẽ bắt được hai chiếc xe tăng này về trưng bày trước dinh Độc Lập, bên trên có in rõ chiến tích của đơn vị và trên ngực áo mình sẽ rực rỡ chiến công. Tự nhiên tôi nhớ đến Dung và nụ hôn đầu đời tiễn chân vào đời lính, em đã bảo binh nghiệp nhiều thử thách lắm. Nụ hôn đã tạo cho tôi một sức mạnh, một nghị lực phi thường để vượt thắng. Nụ hôn của một đặc ân cho một lần tiễn biệt, có thể là cho kẻ đi không về, cho một lần rồi nghìn trùng xa cách, cho những ngọt ngào của bao nỗi đắng cay, hay một thoáng hương nồng vào chốn chiến trường mịt mù sâu thẳm. Nụ hôn đã tạo cho tôi sự can cường vào vùng thâm sâu của chết chóc, đã cho tôi sự nhẹ nhàng an ủi trước bước phiêu lãng giang hồ. Và nếu tôi có chết đi thì cố nhếch đôi môi cười tiễn biệt cuộc đời, đôi môi một lần hôn em với niềm tận hiến, vì em thương có những người trai ra đi vào cuộc chiến!

Chập choạng tối 28 tháng 4 năm 1975, tôi bị thương vào ngực. Miễng đạn trúng vào hạt nút áo, hất tung hai miếng thẻ bài ghi rõ tên tuổi, số quân và loại máu, ăn sâu vào phía phổi trái. Tôi khó thở đến độ muốn tắt hơi, và cứ mỗi lần ráng sức thở thì máu cứ tuôn tràn. Tần số liên lạc của tiểu đoàn vang giọng nói của đại úy tiểu đoàn phó Bùi Bồn sẽ tiếp cứu ngay vì tôi là sĩ quan cuối cùng ở tuyến đầu vừa bị thương. Như rắn mất đầu, binh sĩ tự kìm mình lại thủ thế dưới hầm cá nhân trong khi quanh đó chiến xa hai bên quần thảo nhau tơi bời. Đạn đại bác 100 ly trên xe tăng nổ lớn như xé cả màn đêm. Trời tối dần, sau cơn đau tột cùng đã làm tôi lăn qua trở lại trong chiếc áo trận ướt nhẹp máu và thầm nghĩ, số mình tới đây là hết! Tôi cố nằm ngửa nhìn lên bầu trời trong vắt, nhìn những vì sao đang mông lung, có những vì sao chợt đi chợt đến. Tôi cố tìm cho mình một vì sao chiếu mệnh để định vị khi mãn nguyện ân tình nước non.

Vị cứu tinh của đơn vị tuyến đầu đã đến. Đại úy tiểu đoàn phó đã vượt xuyên màn đêm giữa bom đạn tơi bời. Ông điều động anh em binh sĩ giữ tuyến và cho dìu tôi về chiếc xe Jeep duy nhất còn lại của tiểu đoàn để làm phương tiện tải thương. Quanh chúng tôi, những tiếng rít của hỏa tiển tầm nhiệt AT3 của Cộng quân rú lên những tiếng hú đến rợn người.Một luồng đạn chợt rít ngang đầu , cả đại úy Bùi Bồn và hai người lính vực tôi hãi hùng quá, buông tôi ra và nằm chuồi xuống mặt đất. Tôi bị rơi xuống, vết thương đập vào mặt đất, máu lại tràn ra và vừa đau vừa ngột đến tột cùng.

Hơn ba mươi năm rồi, nhiều vật đổi sao dời, những anh em từng ở tuyến đầu đó, ai còn ai mất? Ai còn đây để ôn lại kỷ niệm xưa và góc chiến trường cũ? Tóc đã phủ sương trên đầu ông thiếu úy sữa năm xưa! Vết đạn thù trong trận Long Thành chưa giải phẫu kịp thì mất nước nên vẫn còn nằm kín trong lồng ngực. Vết thương cứ nhức nhối từng cơn khi trái gió trở trời không biết cho đến bao giờ mới thôi. Cơn đau như nhắc nhở thù xưa chiến trường cũ và đau đủ bốn mùa xuân hạ thu đông để như nhắc nhở không quên niềm tủi hận mất nước… Mỗi lần thấy lại màu áo trận, tâm tư tôi sao khỏi những suy tư về sự dở dang của chí trai chưa tròn ước nguyện với tổ quốc và nhất là nhớ thương và xót xa cho những đồng  đội đã ngã xuống vì cuộc chiến đấu bảo vệ nền tự do cho miền Nam… Cùng ngày trình diện đơn vị năm xưa đó, phía bên tiểu đoàn 8/TQLC, có người bạn trẻ K29VB, khi đang ở vị thế hành quân, bị ngay một mảnh đạn pháo ghim vào phía dưới bụng, máu chảy lai láng, cơn đau làm anh ta quằn quại kinh hồn, ai nhìn cũng xót xa. Thế mà anh vẫn gan lì chịu đựng, không rên rỉ, anh rướn mắt xin một điếu thuốc hút để quên bớt đau đớn  chờ tải thương. Trong hầm chỉ huy cạnh đó, vị đại đội trưởng chỉ định một anh K28VB đang nằm dự bị nhảy lên tuyến đầu thế chân. Anh thiếu úy trẻ này đưa vội chiếc máy cassette mà anh giữ như một báu vật từ ngày ở quân trường Dalat cho thiếu úy Minh, người sĩ quan DH/CTCT/DL cũng mới ra trường và đang nằm dự bị trong hầm và bảo:

-Anh đem về cho mẹ tôi ở quận Bình Thạnh theo địa chỉ này và kể rõ gặp tôi ở phút giây này như vậy…

Rồi anh hiên ngang tiến ra trận, thay thế anh bạn khóa đàn em vừa bị thương. Chừng mười phút sau một tiếng nổ B40 vang lên và ghi nhận anh ta vừa ngã xuống, một mảnh đạn đã xuyên vào cổ họng anh.

(*) Theo sự tiết lộ của Thiếu Úy Trần Lượng K29 thuộc TĐ16/TQLC thì 2 thiếu úy bị thương này là Hoàng Minh Sinh K29 và Trần Hữu Thành K28 và sau đó thì cả hai đã hy sinh !

Vào những giờ phút miền Nam hấp hối, có những người trai trẻ vẫn hiên ngang tiến ra phía trước, hăng say và đầy nhuệ khí như bao giờ. Một phóng viên người Pháp tham dự lễ ra trường của các khóa các quân trường VBQGĐL và DH/CTCT/ĐL cuối tháng 4 năm 1975 tại Biên Hòa sau khi đã di tản khỏi Đà Lạt đã hỏi các tân sĩ quan vừa được gắn lon ra trường trước thời gian thụ huấn «Các anh ra vào lúc này có biết là sẽ chết không?» nhưng các thiếu úy trẻ và kiêu hùng của QL/VNCH đều đồng loạt trả lời «Dù có chết chúng tôi vẫn không sợ vì chúng tôi không thể nào chấp nhận được Công Sản được». Cám ơn quân trường Mẹ đã đào tạo lý tưởng và hun đúc truyền thống để những đàn con hiên ngang xông pha vào trận mạc. Cám ơn tình yêu, những người em gái năm xưa đã ngưỡng mộ và trót trao trái tim, nụ hôn và như cả cuộc đời mình cho người vào cuộc chiến mặc dù chưa biết ngày mai như thế nào. Những sức mạnh tinh thần mãnh liệt đó đã một lần hun đúc chí trai, quyết đem mồ hôi và máu mình để viết lên sử xanh của nước Việt.

Sacramento tháng 11 năm 2012
Hoa Biển

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search