T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chén hồ trường rót về đâu . . .

clip_image002

Bắt đầu từ hôm nay, T.Vấn & Bạn Hữu khởi đi lọat bài 13 kỳ nói về rượu của anh bạn lão Ngoan Đồng, một cây bút có cái tên tuy “mới” nhưng thâm niên trong nghề (uống rượu) thì đã . . . cũ.

Văn chương thơ phú vốn từ rượu mà nên hình, nên thể, nên tiếng, nên thanh. Tôi còn nhớ nhiều năm trước, giữa một buổi họp mặt nhân . . . Những ngày đầu năm, nhân kỳ nghỉ Đông còn kéo dài qua đến cuối tuần, mấy người bạn già chúng tôi lại khề khà rủ nhau ngồi quanh bàn rượu nhạt. Gọi là rượu nhạt vì những sợi tóc bạc trên đầu và những viên thuốc cao máu, giảm mỡ, trợ tim uống đều đặn hàng ngày đã không cho phép chúng tôi chạm môi vào cái thứ chất lỏng quyến rũ sóng sánh màu hổ phách trong những chai rượu mạnh mà nhãn hiệu của chúng cho biết xuất xứ ở mãi tận bên trời tây. Tuy rượu nhạt, nhưng uống nhiều thì môi vẫn cứ mềm, và đêm vẫn cứ trắng, dù biết sáng hôm sau, khi thức dậy sẽ là cảm giác uể oải theo suốt cho đến cuối ngày. Tháng Giêng, điểm mốc mới cho cuộc hành trình cũ về phía mặt trời lặn. Như chén Hồ trường phẫn uất rót về Đông Phương hay rót về Tây phương. Giữa tâm thức lâng lâng nửa tỉnh nửa say, trong đầu tôi hiện ra mồn một những hàng tùy bút rất đẹp của Mai Thảo “. . . có Jack Daniels khai vị buổi chiều, có Hennessy đậm đà buổi tối, có Hồ trường thắm thiết phẫn uất rót về Đông phương, rót về Tây phương, và từ giọt lệ lăn ra nơi câu thơ bôn tẩu thất quốc, đến cái tăm rượu họp bạn sủi lên trên một nền trời lữ thứ . . .”.(T.Vấn:Về một cõi người)

Chính những hàng tùy bút đẹp như “thứ chất lỏng quyến rũ sóng sánh màu hổ phách” ấy khiến tôi tin rằng, một ngàn năm trước, một ngàn năm sau, rượu và văn chương sẽ vẫn là những kẻ đồng hành không thể tách rời. Người ta chỉ có thể cảm được trọn vẹn câu thơ Hồ Trường khi tâm hồn đã lâng lâng vì chút men chuyếnh chóang. Cũng thế, dòng tùy bút ướt đẫm chất men diệu kỳ của Mai Thảo sẽ khiến người đọc càng thêm cảm khái nếu lúc ấy, trên tay là chén rượu thơm lừng, sản phẩm độc đáo của nhân lọai.

Và thế là nhiều năm về sau, cái hình ảnh “tăm rượu họp bạn nổi lên trên một nền trời lữ thứ” của nhà văn Mai Thảo lại được sống lại, tất nhiên, với con người khác và nơi chốn khác, nhưng chao ôi! Cái hồn “phẫn uất rót về Đông Phương, rót về Tây phương của Hồ trường” sao mà giống nhau đến thế!

Nhạc sĩ Phú Quang viết “nếu không có người, mặt đất quá hoang vu”. Hãy dùng cùng một sự so sánh ấy để nói về văn chương từ cổ chí kim nếu không có bóng dáng của Mỹ Tửu. Hẳn cũng “hoang vu” không kém!

Ngày xưa, có khúc hát Lương Châu: Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi (Rượu Bồ đào rót chén lưu ly) làm bi tráng thêm hình ảnh cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Và chén Hồ Trường:

Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?

Ngày nay, những cái tên . . . rượu nghe quen thuộc: Jack Daniels, Hennessy, Remy Martin, hay Hòang Hoa Tửu. Những cái tên rượu, chỉ nghe thôi mà hồn đã muốn say khướt.

Có lẽ, bấy nhiêu cũng đủ biện bạch cho sự xuất hiện của lọat bài nói về rượu của lão Ngoan Đồng.

Tại sao lại là lão ngoan đồng?

Lão Ngoan Đồng là biệt hiệu của Châu bá Thông, một nhân vật lừng danh trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Cũng như tôi, cũng như nhiều người bạn cùng một lứa bên trời lận đận, LN Đồng mê tiểu thuyết Kim Dung, mê những nhân vật của ông: Kiều Phong, Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, Châu Bá Thông.

Biệt danh Lão Ngoan Đồng của Châu bá Thông nói lên hết tính cách của nhân vật: già đầu, là bậc tiền bối võ lâm, nhưng ông chỉ muốn làm trẻ nít, suốt ngày đùa giỡn, không hám danh màng lợi, coi mọi chuyện lớn lao trong thiên hạ như gió thỏang mây trôi, sợ hãi mỹ nhân, nhưng không chê mỹ tửu.

Anh bạn LN Đồng chọn cái tên lão Ngoan Đồng như một cách thế bày tỏ những ước vọng thầm kín của mình. Có lẽ chúng ta cũng chỉ có thể/nên biết đến thế. Nhưng những kiến thức về rượu của anh thật thú vị. Chúng giúp cho men rượu trở nên nồng hơn, hương rượu quyến rũ hơn, vị rượu đậm đà hơn, câu chuyện bên bàn rượu hào hứng hơn.

Biết đâu, nhờ vậy mà những trang văn chương sẽ được mùa hơn.

T.Vấn

25 tháng 9 năm 2011

*Chú thích: Nhân đây cũng nên đọc lại bài thơ Hồ Trường (Bản in trong trang 327, quyển Việt Nam Văn Học Sử Giản Tân Biên (Nxb Anh Phương, Sài Gòn năm 1965) của giáo sư Phạm Thế Ngũ. Trích từ: http://macdinhchireunion.net ).

Nghe Tôn Nữ Lệ Ba ngâm bài thơ Hồ Trường. (xin bấm vào đây)

Hồ trường

Nguyễn Bá Trác

Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương.
Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một màu sương.
Học chẳng thành công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng loạn.
Rót về Tây phương, mưa Tây
sơn rơi từng trận chứa chạn
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh nào ai say.
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nào ai tỉnh, nào ai say.
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ th
, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

Và một hình ảnh “tăm rượu họp bạn nổi lên trên một nền trời lữ thứ”, bài thơ dưới đây trích từ http://poem.tkaraoke.com :

Mời Nhau Chén Rượu Hồ Trường

Yên Sơn

(*)
Mới đó… chừng đã 30 năm
Kể từ ngày “một-chín-bảy-lăm”
Thời gian lướt đi thật nhanh
Nhìn lại một thời xuân xanh
Mà tưởng như giấc mơ hoa đêm mùa hạ!
Soi bóng mình trong gương thấy lạ
Tóc đã bạc màu, má hóp, da nhăn
Lòng chợt dấy lên nhiều nỗi băn khoăn
Khi bóng dáng quê hương chập chờn trước mắt
Ruột gan co thắt
Nước mắt chực trào
Thương quá chừng hai tiếng “mày tao”
Thương nghiệp dĩ một thời làm lính chiến
Nay tất cả đã trở thành miên viễn
Riêng tao phương này vẫn nhớ đến tụi bay
Nhất là lần tưởng niệm năm nay
Cái mốc thời gian – 30 năm nghiệt ngã
Vẫn nhớ như in, từng cánh chim vội vã
Lìa bỏ quê hương, bỏ cả gia đình
Tao thương thân tao
Thương lũ chúng mình
Nhưng không tiếc đã sanh lầm thế kỷ
Tao bây giờ sống không bình yên trên đất Mỹ
Nhìn bóng chiều tà tiếc một đời trai!
Bằng hữu ơi!
Đêm nay…
Tao lại nhớ đến chúng mày
Những thằng bạn, đã một thời, cùng vào sanh ra tử
Tao cố bậm gan sống đời lữ thứ
Nhưng khô cạn dần mỗi độ tháng tư
Đêm nay rượu bỗng thừa dư
Bên ngoài trời tối đen như mực
Đã khuya lắm tao vẫn ngồi canh thức
Uống rượu khan, ngâm bản Hồ Trường
Cầm chai rượu trong tay đưa tám hướng bốn phương
Vẫn “không biết rót về đâu
Đâu người tri kỷ” (*)
30 năm!
Sống tha hương tao nghiệm ra chân lý
“Mỗi một con người chỉ có một quê hương”
Lũ chúng mình:
Đứa vùi sâu trong lòng đất lạnh
Đứa bỏ xác đại dương
Dăm ba đứa khắp chân trời góc bể
Dù cuộc sống ra sao cũng không bao giờ và không thể
Quên bỏ được phần đất tổ quê cha
Đôi lúc có người nói “chúng mình đã già”
Nên tao cố gọi chúng mày bằng tiếng “anh” trang trọng
Nhưng nghe chính tiếng mình vẫn tưởng đâu thằng nào nói ngọng
Ha hả cười… gào hai tiếng “mày tao”
Rượu Hồ Trường, có còn nghĩ đến nhau
Xin nâng chén dù chúng mình ở Đông Tây Nam Bắc
Chúng mình dù như ngọn đèn dầu heo hắt
Xin được một phút huy hoàng trước lúc xuôi tay (**)
———————–

(*) Bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác
(**) Trong bài thơ “Giục Giã” của Xuân Diệu
:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search