T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê: Những Người đàn bà qua tranh Đinh Cường

thieu_nu_trong_thanh_noi-dinh_cuong
Thiếu nữ trong thành nội
dinhcuong

(Nguồn : Sangtao.org)

Đã từ lâu tôi muốn viết về Đinh Cường, dù tôi có duyên viết về chân dung tác giả, kể cả chân dung những ông tướng thời Cộng hòa. Nhưng tự thấy không đủ sức và không đủ thân để viết về Đinh Cường, một khuôn mặt lớn trong sinh hoạt nghệ thuật của miền Nam và hải ngoại khởi đi từ Sài gòn-Huế nửa thế kỷ trước qua miền Đông Hoa kỳ miệt Virginia những năm tháng gần đây.

Đinh Cường là một con người tài hoa, tài hoa trong nét vẽ, tài hoa trong thơ văn, một tài hoa bẩm sinh, nhưng rõ nét vẫn là tài hoa trong tranh.

Chính từ tranh mà nhiều người như chúng tôi yêu Đinh Cường và mến mộ anh từ thuở thư sinh đến tuổi về chiều. Rất tiếc yêu chưa phải là hiểu, mến mộ chưa hẳn là biết nhiều về những tác phẩm của anh, mà khối lượng đồ sộ và giá trị sáng tác của nó đòi hỏi phải có sự phân tích đánh giá của những con mắt nhà nghề sở trường về phê bình lý luận nghệ thuật.
Nhân đọc lại Người họa sĩ ở đường Natick, một bài viết của Phạm Cao Hoàng, người gần gũi với Đinh Cường khi viết về thói quen sinh hoạt của người nghệ sĩ bạn anh, tôi nảy ra ý định cũng muốn biểu lộ vài suy nghĩ khiêm tốn.

dinh_cuong_trong_phong_ve
Họa sĩ Đinh Cường trong phòng vẽ ở đường Natick
(Photo by PCH 2013)

Nếu như âm nhạc có các fan thì các bộ môn nghệ thuật khác cũng có người hâm mộ, chỉ khác khi xem tranh hoặc khi đọc một bài thơ, muốn bày tỏ nỗi niềm trân trọng và yêu mến tác giả những fan như chúng tôi không có dịp…vỗ tay.

Dù không được vỗ tay nhưng thời buổi này khi internet đã vào cuộc, các độc giả có quyền biểu lộ tâm tư cảm xúc của mình qua các comments. Bài viết này không dám đi xa mà chỉ xin được coi như một lời bình về những gì cảm nhận được qua một khía cạnh khá độc đáo trong tranh của Đinh Cường gần như biểu hiện bàng bạc trong nhiều tác phẩm dù có chủ đề khác nhau, qua không gian và thời gian khác nhau nhưng vẫn thấy bóng dáng của người đàn bà ‘made by D.C.’ không bao giờ nhàm chán dù vừa được vẽ từ một cảnh thu về trong garage ngôi nhà của tác giả ở đường Natick mới đây hay ngôi thánh đường cạnh đồi cù ở Đà lạt mấy chục năm xưa trên thành phố sương mù.

mua_thu-dinh_cuong
Mùa thu
dinhcuong

Tôi nhớ có lần viết bài Nhân Đinh Cường nhớ bạn, người viết Diễm Xưa dịp 13 năm ngày giỗ của TCS tôi có gởi cho Bắc Phong kèm theo e-mail xin anh chuyển dùm cho Đinh Cường, trong đó có nhắc đến cái ý này.

“Có dịp nào liên lạc với Đinh Cường xin Anh cho tôi gởi lời chào thăm tới một nghệ sĩ mà dấu ấn của ‘người thiếu nữ huyền thoại trong tranh phảng phất trong nhiều tác phẩm cả nửa thế kỷ xem hoài không chán.”

Chủ biên Sáng Tạo đã mau mắn chuyển tiếp nguyên văn và cũng không chậm trễ khi hồi báo lại tôi lời nhắn của Đinh Cường cám ơn những dòng chữ của anh ĐXT thật an ủi và ấm lòng.

Thế mới biết trong tình nghệ sĩ sự quen thân diễn ra rất nhanh trong quan hệ tác giả và fan hâm mộ, dù một lần chưa có dịp gặp gỡ nhau.

Tôi vốn yêu Huế đã có lần bầy tỏ qua đoản văn Mười năm biết Huế, tình cờ khi xem được bức tranh minh họa trên Sáng Tạo, mang tên Theo em về Huế với hình ảnh một cô gái Huế bóng dáng thon thả, khuôn mặt kiêu sa, mái tóc buông thả, một hình tượng rất chung lại rất riêng của Đinh Cường khi phác thảo bóng dáng phụ nữ cho từng bức tranh, dù được vẽ từ bất cứ chất liệu nào, sơn dầu hay mầu nước, trên bố hay trên giấy, người xem tranh vẫn nhận ra người đẹp của ĐC, nhìn tổng thể tưởng như trùng lặp nhưng ngắm kỹ và liên hệ với chủ đề tác giả muốn gửi gấm ta sẽ thấy thích thú với cảm giác vừa tươi mát vừa bâng khuâng mỗi lần gặp lại ‘cố nhân’.

Vẫn chiếc áo dài truyền thống décolleté, vẫn mái tóc nửa thề nửa thõng, it khi cắt ngắn, vẫn đôi mắt hơi ướt đượm buồn, dù đứng, dù ngồi, dù nằm, dù tựa dù dựa vào nhau, trong quán cà phê hay ngoài công viên, bên bờ sông Hương hay trên sườn đồi Dran, giữa cảnh thu về miền Virginia hay cảnh tuyết rơi bên hồ vùng Đông Bắc, những phụ nữ trong từng tác phẩm vẫn thể hiện được những nét riêng mà tài tình ở chỗ qua ánh mắt, khóe miệng, vầng trán, ngần cổ, vòng tay, bàn tay, ngón tay, bộ ngực, vòng vai tưởng chừng như cùng khuôn đúc nhưng vẫn tráng lên những nước men lạ làm cho người đàn bà trong tranh của Đinh Cường mang dấu ấn của một phụ nữ huyền thoại có thể là chỉ sáng tạo cho riêng anh mà sau này lại là của chung cho giới hâm mộ, nhưng độc đáo ở chỗ không ai có thể bắt chước trong sáng tác và cũng không thể lập lại hoàn toàn bắng chính tác giả trong những tác phẩm sau.

Vóc dáng của người đẹp Theo em về Huế làm tôi liên tưởng đến mấy câu thơ của Phùng Quán, một nhà thơ gốc Huế,

Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vầng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương
(Trăng hoàng cung)

Tất nhiên nói đến Huế phải gợi nhớ dòng sông Hương, cầu Trường Tiền, những con đò, những bến đợi, Đinh Cường không quên các tình tiết thơ mộng này nhưng anh cũng chỉ dành cho một không gian nhỏ mang tính biểu tượng, cái chính vẫn là mảng màu và đường nét của người đẹp cố đô, bóng dáng muôn thuở khiến bao thi nhân thời tiền chiến đến các người lính thời cộng hòa khi qua quốc lộ 1 cây số 17, đều như bị bỏ bùa rồi dò dấu chân em ‘theo em về Huế.’ Chẳng vậy mà có ai đó đã nói, nếu chọn người làm vợ xin lấy một cô gái Bắc, nếu có một người bạn để tâm tình xin chọn cô em gái miền Nam, và muốn có một người tình không gì bằng phải lòng cô gái Huế. Đọc xong cái ý này có lần đùa với bạn, tôi cho người hạnh phúc nhất trần gian khi có diễm phúc được cả ba điều ước.

theo_em_ve_hue-dinh_cuong
Theo em về Huế
dinhcuong

Cũng từ bức tranh này ngẫu hứng khi xem xong, người làm thơ ở mức trung bình như tôi cũng viết được một bài thơ mang cùng đề tựa và quả là một hạnh phúc trong thú viết lách khi bài thơ được đưa lên Sáng Tạo, một sân chơi lẽ ra chỉ dành cho những nhà thơ đã thành danh và những người yêu thơ bốn phương.

Nói đến tranh và người đẹp của Đinh Cường không thể không nói đến nơi chốn, Huế và cao nguyên Lang Biang (Dran, Đàlạt) như là những điểm tựa gợi hứng cho sáng tác mà ‘thơ mộng & lãng mạn’ vốn dĩ là hai nét đặc thù khi ĐC lấy hội họa để làm thơ thể hiện bằng ‘sắc màu & đường nét’ qua tranh của anh (theo cách nhìn của VOA).

Những người đàn bà luôn đeo đuổi chân anh, không kể hai thời kỳ vàng son trước 75 và sau khi ra hải ngoại, anh đã cầm cọ vẽ lại vào ba năm 83,84,85 của thời kỳ khó khăn khi nghệ sĩ không chịu vẽ cho mục tiêu tuyên truyền là một cái tội, thế mà tình cờ tôi tìm được trong một Gallery trên mạng, thích thú khi thấy ba người đàn bà được phác họa từ những địa danh quen thuộc khi ĐC thăm lại chốn xưa, anh vẫn giữ được phong độ trong cung cách thể hiện, tuy đường cọ có mạnh và sắc hơn nhưng vẫn thăng hoa được cái vóc dáng huyền thoại trong ba tác phẩm ít người chú ý này.

Dù tò mò cách mấy người ta vẫn không biết tên của người phụ nữ trong tranh của Đinh Cường. Chân dung thì có, giai thoại thì không. Đinh Cường muốn giữ cho riêng mình, chúng tôi xin tôn trọng người nghệ sĩ và không đi xa hơn.

Chân dung Tuyết Nhung
Chân dung Tuyết Nhung
dinhcuong

Có một tác phẩm duy nhất anh vẽ chân dung và trang trọng đặt tên ‘Chân dung Tuyết Nhung’. Tuyết Nhung là ai, thế là đủ cho những người gần gũi và ái mộ tác giả.

Đỗ Xuân Tê
Cali, Buồn tàn thu 2014

Bài Mới Nhất
Search