T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 5 Năm 2008

Ngày 18 tháng 5 năm 2008

Tháng Năm. Tháng của những con bão hung dữ miền trung tây nước Mỹ. Tháng của những cuộc chia tay đột ngột giữa sống và chết, giữa dựng xây và hủy họai. Với tôi, cũng là tháng vừa vượt qua cơn bão dữ tháng Tư. Tháng Tư là tháng độc ác nhất (April is the cruellest month . . . T.S. Eliot, The Wasteland). Tháng của kẻ thù hành hạ kẻ thù và bạn bè hành hạ bạn bè. Tháng của những người chết đội mồ sống dậy và những nỗi đau vùi lấp từ lâu được đào lên để chúng đua nhau gào khóc. Tháng của những ngộ nhận và những lời chửi rủa của những anh em đã từng một thời đứng chung với nhau một chiến tuyến. Tôi đọc đâu đó có người viết rằng tháng Tư, cho dù khắc nghiệt, đã đi qua. Nhưng chiến tranh thì chưa. Và kèm theo câu văn “ác nghiệt“ ấy, là mấy câu thơ của một cô gái thế hệ một rưỡi (1.5):

áp thân vào lòng đất và im lặng lắng nghe
những âm thanh rung động từ chiến tranh sẽ khởi đầu
những di khúc của những trái tim sắp vỡ
những hủy diệt và những tàn tro
tôi áp mình lắng nghe và ghi nhớ
khi người ta quá sẵn sàng quên lãng những cuộc chiến của quá khứ
để bắt đầu những cuộc chiến của tương lai.

( Đỗ Lê Anh Đào – Những điều khác biệt )

Ngày 16 tháng 5 năm 2008

Hơn 50 ngàn người chết vì trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung quốc. 50 ngàn so với con số 1 tỉ 3 trăm triệu người Trung quốc, chỉ là một hạt cát nhỏ trong sa mạc. Nhưng con người vẫn là con người. 50 ngàn người hay 1 tỉ người thì gía trị về phương diện một con người, không khác gì nhau. Và nỗi đau vì mất mát người thân, vì mất mát tài sản một đời chiu chắt, vẫn phải được tôn trọng như nhau. Cơn thịnh nộ của đất trời đã không chừa một chỗ nào. Người ta đang hỏi nhau: đâu là chỗ bình yên trên mặt đất lòai người? đâu là chỗ người ta có thể ẩn náu khỏi những sự trừng phạt của thiên nhiên?

Ngày 10 tháng 5 năm 2008

Chế độ tòan trị là một chế độ chỉ quan tâm đến chính sự tồn tại của chế độ, chứ không phải là đất nước và những người dân sống dưới sự tòan trị của chế độ ấy. Trận bão dữ vừa xẩy ra ở Miến Điện và cách thức giải quyết việc cứu trợ cho người dân bị nạn của nhà cầm quyền Miến Điện – một nhà cầm quyền tòan trị – đã cho thấy thật rõ ràng bản chất vị kỷ của chế độ tòan trị. Gần 100 ngàn người chết và mất tích, hơn 1 triệu rưỡi người không có nhà ở, không có các nhu cầu tối thiểu nhất là nước uống, thực phẩm, thuốc men. Vậy mà giới cầm quyền vẫn không cho các tổ chức từ thiện quốc tế nhập cảnh để đem các thứ nhu yếu phẩm tối cần ấy cho người bị nạn, đồng thời cùng những kinh nghiệm đối phó với những trường hợp thiên tai tương tự (như thảm họa sóng thần cuối năm 2005 ở ngòai khơi vùng biển Nam Á). Giới cầm quyền sợ rằng đi kèm theo với thực phẩm thuốc men cứu trợ sẽ là những luồng gió dân chủ tự do thổi vào mảnh đất nghèo nhất thế giới với hơn 50 triệu con người bấy lâu nay bị bưng bít trong bóng tối của kềm kẹp, đầy đọa. Và vì thế, Tổ chức cứu trợ Liên Hiệp Quốc, Hồng thập Tự quốc tế, chỉ biết đứng ngòai mà nhìn những người dân Miến Điện, nạn nhân của hai thứ cùng một lúc: thiên tai và sự độc ác của con người, dù con người ấy vốn là người cùng xứ sở với họ. Thiên tai vốn độc ác, nhưng là thứ độc ác không cố ý. Còn sự độc ác của con người đồng lọai, là sự độc ác của những kẻ chỉ biết đến an nguy, tồn tại của chính mình, mặc cho bao con người khác chết dần mòn vì thiếu ăn, thiếu uống, thiếu thuốc men, mặc dù có bao con người sẵn sàng đến cứu giúp vô vụ lợi. Thảm họa thiên nhiên giết con người, nhưng số thiệt hại do thảm họa thiên nhiên chỉ là một số nhỏ so với con số thiệt hại do hậu quả từ cách đối phó với thảm họa của những người trách nhiệm. Chế độ tòan trị ở Miến Điện đã chứng tỏ một cách không thể tha thứ được cho thảm kịch ấy. Một trăm ngàn người chết vì bão, nhưng hơn một triệu rưỡi người đang chờ đợi một cái chết lần mòn còn ác độc hơn cả sự ác độc của thiên nhiên.

Bài Mới Nhất
Search