T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 11 Năm 2008

Ngày 21 tháng 11 năm 2008

Nhận được tin buồn cựu Giáo Sư Petrus Ký Vũ Ký đã mệnh chung vào ngày 14 tháng 11, 2008 lúc 4:10 PM tại Bĩ Quốc. Hưởng thọ 88 tuổi.

Tang lễ đã được cử hành ngày Thứ Sáu 21/11/2008 lúc 11giờ, tại

Thánh đường Notre-Dame-des-Grâces,

2 Avenue Chant d’Oiseau 1150 Woluwe-Saint-Pierre

Bruxelles, Belgique.

Xin kính gởi lời chia buồn muộn màng đến gia đình thầy Vũ Ký.

Nhóm cựu học sinh P.Ký NK 63-70

Mấy chục năm qua, nhiều lần tôi cũng nhớ lại các thầy cô, thắc mắc về tình cảnh của các vị  …

“Những người muôn năm cũ,

Hồn ở đâu bây giờ ?” [VĐL]

Giờ được tin thầy Vũ Ký, là tin thầy qua đời !

Cuộc đời vô thường và ai sớm muộn cũng đi qua đường này.

Nhưng hôm nay, xin dành những giây phút tưởng nhớ vị thầy khả ái.

Các bạn học Thầy chắc chắn ai cũng có ít nhiều kỷ niệm.  Riêng tôi còn nhớ hình ảnh Thầy cầm cuốn sách luyện văn chương lớp 11, do chính Thầy soạn, tuyên bố (với giọng miền Trung đặc biệt của Thầy):  “Tui đố..a bộ..a [Giáo Dục] cho thi ro..a khỏi cuốn nì.”

Thằng Chấn cẳng cò Utah và Châu Điên chắc còn ghi nhớ những buổi, trên căn gác xép nóng bức nhà tao, tụi mình đọc luyện thi những bài Việt văn trong sách của Thầy (?)

Năm đó (1969) tôi nhớ “trúng tủ” bài thi Việt văn Tú Tài I, đúng như Thầy đã hứa hẹn.   Dù với năm tháng qua, bây giờ tôi đã quên mất đề bài thi rồi.

Cao Manh Chinh Pky 1963-1970

Nhân cái chết của thầy Tạ Ký, đọc lại một bài thơ Thiền của thiền giả (chữ giả ở đây có hai nghĩa, xin tùy người đối diện dùng nghĩa phù hợp với nhận xét của mình) Phạm Doanh, một học trò cưng của thầy Vũ Ký :

Ngồi đây hát,
ngồi đây hát,
vỗ mạn thuyền
vỗ mạn thuyền

Bóng trăng hư ảo, một miền tiêu dao
Mái chèo khuấy động ánh sao
Vỡ tan,
vỡ tan rồi lại tụ vào lung linh
Sá gì một kiếp phù sinh
Đáng gì là những mối tình lãng du

Mặc thuyền trôi,
Mặc thuyền trôi,
hướng trung lưu
hướng trung lưu

Nào tâm bất định, nào ưu tư cùng
Lụy phiền một túi cho chung
Thả theo dòng nước đến vùng giác minh
Dù không câu kệ lời kinh
Huệ tâm cảm nhận thể hình vô biên

Thoát thân tục,
nhập chân thiền
Con đường là đạo tự nhiên bất cầu
Chẳng mong về đến nơi đâu …

Phạm Doanh P. Ký 1963-1970

Ngày 18 tháng 11 năm 2008

Người ta không thể chỉ sống bằng những hòai niệm, dù người ta ấy là những thân phận lưu vong, những cái cây bị trốc gốc, đi quẩn đi quanh cũng lại chạm phải bốn bức tường của trí nhớ. Nhưng khi thời tiết trở mùa, khi những chiếc lá vàng đang thi nhau rơi rụng báo hiệu thu sắp tàn và ngọn gió đã mang theo với nó cái hơi lạnh đến rùng mình thì những hoài niệm lại có lý do chính đáng để chiếm hữu những khoảnh khắc cô tịch của đêm khuya, làm đắng thêm vị chát của cốc rượu trăn trở mỗi khi nhìn những mùa của đất trời chuyền tay nhau quyền thống trị vạn vật muôn loài, như những viên cai ngục lạnh lùng trao và nhận đủ số lũ tù nhân có mặt trong những lần họp giao ca.
Những ngày cuối cùng của tháng Mười Một. Cũng là khi chiếc lá cuối cùng lìa khỏi cành. Thành phố ướt nhẹp vì những cơn mưa thu lún phún. Lạ lùng thay, trong cái ảm đạm buồn hiu của thời tiết tháng Mười Một, thứ thời tiết mà những người trẻ cứ ghét cay ghét đắng, tôi lại thấy mình thèm sống như chưa bao giờ được sống. Dù có lúc, nửa đêm ngồi mắt nhắm mắt mở bên bàn phím, đưa tay vuốt ve mái tóc nửa bạc nửa nâu xỉn mà tự hỏi: Ta đã làm gì đời ta từ bấy lâu? Hay có lẽ vì hình ảnh tấm thân gầy đét chỉ có xương và da của một người thân nằm chờ chết trên giường bệnh khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến chính mình, đến giây phút mình cũng sẽ nằm như thế. Bất lực, tuyệt vọng, sợ hãi. Càng đi gần hết con đường (đời ), càng mong cho nó dài thêm ra. Âu cũng là cái lẽ thường tình của con người. Ham sống, sợ chết. Dù có lúc muốn bỏ quách cả trần gian mà đi. . . .

Ngày 11 tháng 11 năm 2008

Bất kể mọi bài học đẫm máu của lịch sử, chiến tranh vẫn cứ xảy ra trên mặt đất loài người. Bất kể những tính toán thiếu chính xác về cuộc chiến tranh Việt Nam hơn 30 năm trước , dẫn đến con số 58 ngàn quân nhân Mỹ hy sinh cho mảnh đất châu Á xa xăm, ngày nay người Mỹ lại có mặt ở mảnh đất đầy hận thù Iraq, tốn bao nhiêu tiền của, hy sinh hàng ngàn người lính trẻ, cũng chỉ để rước lấy nhiều cay đắng từ phía những người được họ đến cứu giúp. Dầu vậy, những người bạn cựu chiến binh của tôi, vốn mang trong người tinh thần kỷ luật của người lính, vẫn chỉ có mối quan tâm lớn nhất đến những người lính trẻ của họ còn đang xông pha giữa lằn tên mũi đạn nơi hực lửa hận thù ấy. Họ không một lời oán trách những người có trách nhiệm đã gây ra cuộc chiến tranh. Và tôi, người lính cũ của cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến đã gây cay đắng cho người Mỹ còn nặng nề hơn cuộc chiến Iraq hiện nay, phải nghiêng mình ngưỡng mộ tấm ân tình huynh đệ chi binh nơi những người lính già. Hơn ai hết, họ hiểu được nỗi cô đơn của người lính trở về từ một cuộc chiến đã khiến người dân nước họ ngao ngán. 30 năm trước, với tư cách những cựu binh của chiến tranh Việt Nam, họ đã không có cái vinh dự mà những cựu binh của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai được hưởng. Khi mà người dân ngao ngán vì gánh nặng và sự thiệt hại của một cuộc chiến tranh mà họ cho rằng sự tham dự của nước họ vào cuộc chiến tranh ấy là một sự tính toán sai lầm của chính phủ, người lính trở về từ cuộc chiến ấy thường không tránh khỏi sự lãnh đạm, dù rằng nỗi nhọc nhằn gian khổ của người lính trong bất cứ cuộc chiến tranh nào đều giống nhau.

Mộ chí ai, còn đâu khói hương
Đất cũ cày lên, nỗi óan hờn
Túy ngọa sa trường hay nuốt lệ
Một đời chinh chiến cũng tang thương
(Ngọc Phi – Tạ núi sông)
Với tư cách là một cựu binh Việt Nam, tôi đã nhiều năm sát cánh với những cựu binh Mỹ trong việc tổ chức ngày Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ (11 tháng 11 – Veteran Day) trong phạm vi nhỏ hẹp của công ty nơi chúng tôi cùng làm việc. Mỗi lần đứng nghiêm chào tay trước lá quốc Kỳ Mỹ và truy điệu những tử sĩ của ba trăm năm lập quốc Hoa Kỳ, tôi lại chạnh nghĩ đến ngày lễ cựu chiến binh của quân lực VNCH, đến những tử sĩ Việt nam đã chết cho tổ quốc, đến những người lính còn sống đã không có mảnh đất riêng để cắm lá quân kỳ mà một thời chúng tôi đã không quản ngại xương máu giữ cho lá quân kỳ ấy hiên ngang phấp phới giữa hàng quân. Cái cảm gíac ấy thật ngậm ngùi. Ngậm ngùi hơn khi nghĩ đến những hồn tử sĩ đang vất vưởng đâu đó giữa cõi hỗn mang gió thổi ù ù, không biết khi nào là giờ linh thiêng và nẻo đường nào là lối dẫn về Kỳ Đài năm xưa, nơi những hàng quân được tập họp, có tiếng hô nghiêm dõng dạc và sự im lặng rợn người.

Và những thế hệ Việt Nam ngày mai, ai là người còn nhớ đến số phận nghiệt ngã của tiền nhân sinh sống ở miền Nam nửa cuối thế kỷ 20?

(Trích: Từ bức tường đá đen)

Ngày 3 tháng 11 năm 2008

Thơ là sự thăng hoa của đời sống. Tranh là hình ảnh của đời sống không thể thấy bằng đôi mắt thường. Nhạc là sự tìm lại những âm thanh mà người ta hằng khao khát nhưng đời sống đã nhiều lúc nhẫn tâm thẳng tay chối bỏ .

Nhờ nghệ thuật, con người vượt lên trên được những ăn sổi ở thì mà cuộc sống hà tiện ban phát. Con người đến với đời, rồi bỏ đời mà đi. Nhưng nghệ thuật vẫn ở lại. Ba trăm năm sau người đời vẫn đọc Kiều, vẫn thương khóc Nguyễn Du. Đã vậy, những Từ Hải, những Mã Giám Sinh, những Kim Trọng vẫn cứ lần từ trang sách bước trở lại đời sống. Những Thúy Kiều, những Hoạn Thư vẫn cứ tìm lối đoạn trường mà đi.

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Chúng tôi vẫn khóc cụ, thưa cụ Tố Như! Nhưng có khóc đến chảy máu mắt thì cụ cũng chẳng thể trở lại trần gian.

Con người thì hữu hạn, nhưng nghệ thuật, tuy chỉ là sản phẩm của con người, lại vô hạn.

Ngày 1 tháng 11 năm 2008

Nhà văn Thảo Nguyên tái bản tập sử thi “Qua đồi trinh nữ” 

Với những người lính già của cuộc chiến tranh Việt Nam, thì tháng Mười Một và lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ còn là dịp đọc lại những trang sử cũ, đọc lại những tác phẩm viết về chiến tranh. Có người (lính cũ) cũng đã cầm bút viết lại những trang sử thi rất thật về những ngày tháng ấy. Và nhờ vậy, ngày hôm nay trang sử những người lính già có thêm nhiều sự đóng góp cần thiết và quý báu. Đâu đó, có người nhận xét rằng, khi người lính cầm bút viết về cuộc chiến mà mình tham dự là chỉ viết có một nửa sự thực. Chiến tuyến làm tầm nhìn bị giới hạn bởi chỗ đứng của người viết – trong và sau cuộc chiến -. Nhận xét ấy không phải là không có sở cứ xác đáng, nhưng ở tầm vóc bi tráng có một không hai trong lịch sử của cuộc chiến ba mươi năm vừa qua, khi người trong cuộc viết về cuộc chiến mà mình tham dự, giá trị đích thực của tác phẩm nằm ở những điều mà nếu không phải là người trong cuộc, thì không một nhà văn nào có thể diễn đạt được thực tại ấy một cách chân thực nhất. Những thực tại ấy, đôi khi vượt lên trên mọi giới hạn của chiến tuyến, của tầm nhìn.

(trích: Nhân đọc một người lính viết về chiến tranh)

Bài Mới Nhất
Search