T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 12 Năm 2008

Ngày 23 tháng 12 năm 2008

Lại năm cùng tháng tận. Lại những hối hả thu xếp cho xong mọi việc của năm cũ, cất tất cả vào ngăn kéo (thời gian), nghe âm thanh quen thuộc của chiếc chìa khóa xoay trong ổ khóa (có cảm tưởng như tiếng búa nện đinh trên nắp quan tài), với tay tắt ngọn đèn bàn, đứng dậy khoác chiếc áo dầy cộm vào người, uể oải nghĩ đến lúc phải lui cui giữa trời mùa đông lạnh buốt mà ra sức cạo lớp băng đóng cứng vào cửa sổ xe. Và con đường về nhà vắng vẻ, trơn trợt. Những bài hát Giáng sinh ngân nga từ chiếc máy phát thanh của xe. Lại sực nhớ những món quà chưa kịp mua, những chiếc thiệp chưa kịp gởi (và có lẽ cả những ân tình chưa kịp nói lời cám ơn, những món nợ chưa kịp trả).

Năm cùng tháng tận. Bão tuyết. Gió lạnh. Những sân ga, những phi trường, những bến xe kẹt cứng người hăm hở trở về nhà. I’ll be home for Christmas. If only in my dreams. Lời bài hát cũ mà năm nào nghe cũng vẫn nỗi xúc động ấy.

Năm cùng tháng tận. Đó là khoảnh khắc của quê hương, của mái nhà, của những người thân yêu. Đó là khoảnh khắc những vai kịch hạ xuống, những phấn son được lau chùi.

Năm cùng tháng tận. Khúc nhạc xưa come back to soriento. Chiều nay gởi tới quê xưa. Biết là bao thương nhớ cho vừa.

Năm cùng tháng tận. Bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương. Ngọn nến cũ thắp lại. Lời cầu nguyện được lập lại. Để những hình bóng xưa sống lại, dẫu chỉ trong khoảnh khắc giao mùa.

Một đời người được bao lần đứng ở chỗ tận cùng của năm tháng mà cất tiếng kêu lên ôi năm cùng tháng tận.

Ngày 14 tháng 12 năm 2008

Mỗi năm, cứ vào mùa Giáng Sinh, tôi lại gởi đi những tấm thiệp đến gia đình, đến bạn bè, với lời cầu chúc không thay đổi: Sự Bình An và No Đủ. Tôi hiểu rằng, nhân loại đang sống ở một kỷ nguyên mà sự không bình an, không no đủ ở một góc nhỏ bé nào đó của địa cầu cũng sẽ có một tác động lớn hoặc nhỏ đến những nơi khác, – dù nơi đó có sự bình an và no đủ – , nhờ vào mạng lưới thông tin tinh vi vượt quá sức tưởng tượng của con người trong mọi thời đại. Trẻ con, với trực giác thật trong lành của chúng, có thể nhận ra những điều mà người lớn chúng ta phải học qua chiều dài thời gian của nhiều thế hệ. Đứa con gái 12 tuổi của tôi, trong lá thư gởi Ông Già Nô-en, qua trung gian của nhân viên Bưu Điện là tôi (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), có một đoạn tôi tạm dịch như sau: “. . .Năm nay, con chỉ có một điều ước gởi đến Santa. Con muốn rằng tất cả trẻ em trên toàn thế giới đều sẽ nhận được quà của Santa, nhất là những trẻ thiếu thốn hơn con…”.

Điều ước của con tôi có lẽ quá khó để thực hiện. Dù người đó là Santa, một vị Thánh. Con tôi không biết rằng, có rất nhiều trẻ em trên thế giới, ngay cả một cuộc sống bình thường cũng không có, nói gì đến những món quà Giáng Sinh. Những ngày gần cuối năm này, tôi đã nhìn thấy – trên màn ảnh Truyền Hình – những khuôn mặt trẻ thơ. Hốc hác vì thiếu ăn, vì chạy loạn. Đôi mắt thất thần vì sợ hãi, vì âu lo. Trên những đường phố vốn đã xơ xác vì nhiều năm chiến tranh, bom đạn xâu xé, bây giờ lại thêm đỏ nát tiêu điều. Và hẳn nhiên là tôi lại nghe những tiếng khóc. Kêu đòi sự bình an. Tôi muốn nguyền rủa trí nhớ tôi, vì hình ảnh những em bé Việt Nam chạy loạn trên những Quốc Lộ 13 Chơn Thành, Đại Lộ Hoàng Hôn Quảng Trị lại hiện ra trước mắt tôi lồ lộ. Đã đành là chiến tranh. Và bom đạn vốn vô tình. Nhưng lòng người cũng vô tình không kém. Mùa Đông sắp tới đây, mùa của Chúa Hài Đồng xuống thế cứu chuộc nhân loại, sẽ cướp đi thêm mạng sống của rất nhiều trẻ em trong vùng chiến tranh. Chỉ vì đói và rét. Nếu chiến tranh vẫn còn tiếp tục, sẽ là không biết bao nhiêu “xác trẻ trôi sông“ nữa. Trong khi đó, các lãnh tụ lớn và nhỏ của các phe tranh chấp vẫn tiếp tục cãi nhau về việc chia chác quyền lực tại những khách sạn lộng lẫy, những phòng họp ấm áp đấy đủ tiện nghi. Và tôi lại nhớ đến những lãnh tụ lớn nhỏ của nước tôi, của cả hai bên, ngày ấy. Mới chỉ như hôm qua thôi nên nỗi đau còn đó.

Dường như nếu không có chiến tranh, sẽ không có lịch sử nhân loại. Và những người hùng tiếp tục đi viết lịch sử bằng máu của đồng loại và sự hủy diệt. Vì thế, sẽ còn mãi những cuộc chiến tranh. Vì thế, sự bình an dưới thế chỉ là niềm mơ ước, cho những người thiện tâm.

Bình An dưới thế

Trong ánh sáng lấp lánh của những chùm đèn mầu treo chung quanh nhà và vẻ hào nhoáng của những sợi kim tuyến quấn chung quanh cây Nô-en và trong sự tưng bừng của tháng 12 lễ hội, nhờ bức thư gởi Santa rất ngây thơ của con tôi, tôi đã nhìn ra cội nguồn của nỗi bất an trong lòng mình. Đúng ra, đó chỉ là một sự gợi nhớ. Lắm lúc, tôi nghĩ mình là kẻ giả danh đóng vai tội đồ lương tâm. Dẫu một cách thành thực và đầy thiện ý. Nhưng từ lăng kính của một người đang được hưởng hạnh phúc. Và tôi, đã có cảm giác bất an trong sự bình an của gia đình mình. Có gì không ổn trong đó không? Tôi vốn sợ những triết lý vụn. Vì chúng chỉ làm rối rắm thêm cuộc đời vốn chẳng đơn giản gì. Vậy mà hình như tôi đang triết lý vụn. Có lẽ nhờ triết lý vụn mà lòng tôi nhẹ nhàng hơn chăng. Hai ngàn lẻ tám năm về trước, khi Đấng Toàn năng quyết định cho con mình xuống thế chịu chết để cứu chuộc nhân loại, Ngài đã biết rằng, đứa con thân yêu rồi sẽ có ngày sống lại đời đời về với cõi trời. Và ba mươi ba năm sau, phút lâm chung trên cây thập giá, con của Ngài đã an tâm nhắm mát, vì biết rằng người cha nhân từ và đầy quyền năng sẽ không bao giờ từ bỏ con mình.

Hy vọng rằng, trong cái bất an của hôm nay đã có mầm cho sự bình an ngày mai như trong ẩn dụ của Giáng sinh. Sự bình an dưới trần thế cho người thiện tâm. Theo tôi, cho cả những kẻ không thiện tâm. Vì nếu không, những người thiện tâm làm sao sống yên ổn được trong sự an bình.

Ngày 4 tháng 12 năm 2008

Ước vọng loài người: Bình An và No Đủ

Chỉ khi người ta đói, đói thường trực, đói triền miên từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, người ta mới nhận chân ra giá trị thực sự của miếng cơm, dù là miếng cơm hẩm. Hẳn nhiều người Việt Nam đã có cái kinh nghiệm đắt gía này. Tương tự như vậy người ta chỉ thực sự thèm sống, thèm được sống, khi phải đương đầu với cái chết rình rập từng ngày, từng giờ. Hẳn cả dân tộc Việt Nam đã có cái kinh nghiệm đau đớn này với cuộc chiến tranh ba mươi năm. Và cũng tương tự như vậy, người ta chỉ thực sự hiểu hết được giá trị của sự Bình An khi người ta phải sống trong sự Bất An Thường Trực. Bất an ngoài trời, Bất an trong lòng. Những ngày tháng cuối cùng của một năm này đang vận hành theo đúng chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên và con người . Những ngày tháng lễ hội thiêng liêng cho tất cả mọi người. Ky Tô giáo hay không Ky Tô giáo.  ý nghĩa của Giáng sinh không chỉ gói gọn trong sự Cứu Chuộc theo đức tin của người Ky Tô giáo. Mà còn là sự Cứu Chuộc cho những gía trị con người nói chung. Sự Bình An và No Đủ. Bình An ngoài trời, Bình An trong lòng. No Đủ thể xác, No Đủ tâm hồn. Hẳn những người Vô thần cũng phải gật đầu đồng ý, dù vẫn còn tranh luận về thế nào là sự cứu chuộc.

(Trích: Bình an ngoài trời, bình an trong lòng)

Bài Mới Nhất
Search