T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Tự : Lão Dương _ Dê Húc Càn và tôi – nơi chốn ngục tù (Kỳ 3)

 clip_image002_thumb.jpg

Ảnh : https://hoanghaithuy.wordpress.com

Kỳ 1     Kỳ 2   

Việc liên lạc gửi bài vở đi và nhận quà cáp giúp đỡ từ anh Trần Tam Tiệp của anh em chúng tôi và mấy người nữa như các anh Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy, Khuất Duy Trác, thêm Lý Thụy Ý cùng với cô Nguyễn Thị Nhạn, bị nhà cầm quyền Cộng sản khám phá ra (không biết là do đâu và từ đâu) rồi làm to chuyện, dẫn đến việc tất cả cùng bị bắt giam vào Phan Đăng Lưu ngay trong một đêm đầu tháng 5/1984. Cũng có những người khác nhận được quà cáp giúp đỡ của anh Trần Tam Tiệp, nhưng công an cộng sản không biết hay không chú ý đến sao đó nên đã thoát khỏi việc bị bắt bớ giam cầm.

Trong thời gian bị giam giữ ở đây, không bao giờ tôi nhìn thấy anh Dương Hùng Cường và các anh kia vì mỗi người một nơi, mà chỗ nào thì cũng kín bưng những bức tường ngăn cách, nhất là biệt giam khu B bên tôi nằm khuất mãi tận cùng phía đằng sau. Đôi khi chỉ nhắn hỏi tin tức của nhau qua mấy người tù làm lao động bên ngoài.

Khi thẩm vấn tôi, các viên cán bộ an ninh hỏi cung đều căn vặn liên tục về thời gian cùng sự tương giao giữa tôi và anh Dương Hùng Cường với anh Trần Tam Tiệp. Họ cũng truy vấn nguồn mối liên lạc cùng các bài vở đã gửi đi qua cô Nguyễn Thị Nhạn, thêm nữa là mọi thứ quà cáp giúp đỡ đã được nhận. Họ cũng tra hỏi về các thân hữu cũ ở văn phòng Chiến tranh Chính trị, các anh em cầu thủ đội banh Không quân và một số tên tuổi người này người nọ còn ở lại Sàigòn sau ngày 30 tháng Tư. Xem ra họ rất đặt nặng cách viết về chế độ của anh Dương Hùng Cường trong bài Nếu chàng Trương Chi đẹp trai. Tuy vậy, anh Dương Hùng Cường và các anh khác đều được ra phòng tập thể chỉ sau hơn ba tháng biệt giam, có nghĩa là đã kết cung xong xuôi.

Nhưng riêng phần tôi, vẫn phải ở biệt giam và còn tiếp tục bị thẩm cung chưa dừng. Họ thay đổi hai ba người khác nhau để hỏi cung. Khi đó, tôi cũng không hiểu tại sao các viên cán bộ điều tra lại có vẻ như chú tâm nhiều vào tôi như thế nên đã tự suy đoán về một vài điều. Cho dù tôi đã nhận là tác giả của mấy bài đăng trên tờ Nhất Việt (bài thơ Buổi chiều đi qua Hànội, Khúc quân ca mới, tạp văn Những tiếng hát như một nhân chứng) mà họ có trong tay và truy tìm người viết từng bài, cũng như đã nói rõ về mối thân giao giữa tôi và anh Dương Hùng Cường với anh Trần Tam Tiệp mà chẳng có gì phải dấu diếm. Có lẽ việc anh Trần Tam Tiệp, một người từng một thời là sĩ quan ngành an ninh, hẳn rằng không nằm ngoài sự nghi ngờ đặc biệt nào đó nơi đám cán bộ an ninh cộng sản. Lại nữa, thời gian tôi làm thư ký tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không quân, tuy chỉ vào giai đoạn cuối hơn một năm trước ngày ba mươi tháng Tư năm 1975 ghi trong lý lịch, cũng là một khía cạnh khác để họ thêm hướng điều tra vào tôi chăng. Tôi nhớ dạo tháng Ba năm 1975, những tưởng đã bị kẹt lại tại phi trường Phan Rang trong tháng ngày chiến sự căng thẳng ấy không về Sài gòn được. Tôi đang ở đó để thực hiện phóng sự quanh đợt di tản của các đơn vị Không quân từ miền Trung chuyển vào, và rồi khó khăn chật vật lắm mới tìm được một chỗ trên chuyến máy bay gần như cuối cùng ngoài phi đạo. Tôi lẩm cẩm khi nghĩ rằng nếu hồi đó mà kẹt lại Phan Rang thì chắc rằng cuộc đời có thể ở vào một khúc quanh nào khác chăng.

Cũng trong mấy tháng cung từ này, tôi đã đoán ra rằng trong số tang vật bị thu giữ, phần chắc là có các thư từ và những tờ báo hải ngoại mà anh Trần Tam Tiệp gửi về, nhưng cô Nhạn chưa tiêu hủy đi. Rồi khi nghiên cứu tìm hiểu, chắc hẳn họ phải thấy tên tôi cùng vài điều chuyện được nhắc kể trong các thư đó, vì đôi lần Nhạn đã nói lại cho tôi biết, dù gửi riêng cho cô. Cũng như họ đọc được bài của anh Trần Tam Tiệp ở một kỳ báo Nhân Chứng ấn hành bên Hoa Kỳ, viết về một vài kỷ niệm thời Tân Sơn Nhất, mà có đoạn anh ân cần nhắc đến tôi cùng với anh Đào Vũ Anh Hùng cùng vài bạn hữu khác. Và còn quan trọng hơn nữa, nơi vài tờ báo như Kháng chiến, Nhất Việt, Nhân Bản…nằm trong số tang vật ấy, đã có đăng các bài viết về Mặt trận Thống nhất của các anh Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ tấn Khoa… bên Pháp và Mặt trận Hoàng Cơ Minh tại Hoa Kỳ, nên sau khi đọc xong rồi đối chiếu với tình hình, họ liên tưởng và thử dò tìm nơi tôi xem có chút manh mối nào chăng.

Hoạt động xâm nhập lực lượng vũ trang vào Việt Nam của hai Mặt trận này đều bị bại lộ và chính quyền Cộng sản đã làm rình rang khi đưa ra tòa xét xử vào cuối năm 1984 và 1987.

Dạo trước đó, khi đọc được những trang báo này từ năm 1981, cùng với những tờ thư anh Trần Tam Tiệp luôn nói tới một ngày hẹn về không xa, tôi đã lặng người đi và vô cùng phấn khích biết mấy. Cũng may là tôi không dính dáng gì, dù có lần từng nghe anh Trần Tam Tiệp loáng thoáng xa gần ý định muốn giới thiệu với tôi một sự liên lạc nào đấy, nhưng chưa thực hiện được.

Về sau này, khi mọi chuyện đã kết thúc, tôi mới vỡ lẽ ra thêm một chi tiết liên quan đến tôi. Thoạt đầu anh Trần Tam Tiệp chỉ có ý muốn tìm kiếm tin tức về một mình tôi mà anh biết còn ở lại Việt Nam. Đây có thể là lý do mà cơ quan an ninh cộng sản cho rằng tôi là đầu mối mọi chuyện. Anh Trần Tam Tiệp đã nhờ qua Trịnh Công Trí, một trong số các cầu thủ đội banh Không quân mà anh từng giúp đỡ trước đây và liên lạc lại được sớm. Anh tin chắc rằng Trí cũng như các anh em khác trong đội banh vẫn còn nhớ tôi, để biết đâu vào một lúc nào đấy, có thể chúng tôi nhìn thấy nhau ở sân banh chẳng hạn. Trịnh Công Trí không biết tình trạng của tôi như thế nào, nhưng một lần đã bất ngờ nhận ra anh Dương Hùng Cường là người cùng ở văn phòng Chiến Tranh Chính Trị Không quân qua chuyện trò gặp gỡ nơi quán nhậu, nên nói về điều này và đưa địa chỉ của anh Tiệp bên Paris để nhờ chuyển lại cho tôi khi nào gặp được. Anh Dương Hùng Cường đã liên lạc với anh Trần Tam Tiệp từ trước khi tôi ra khỏi trại tù cải tạo và lúc gặp lại nhau, không lần nào nói với tôi chi tiết đầu tiên ấy liên quan đến Trịnh Công Trí. Từ việc bắt đầu nhờ tìm tôi này, cùng với sinh hoạt báo chí và văn bút Việt Nam hải ngoại của anh Trần Tam Tiệp, đã đưa đến các việc tiếp theo sau đó, dễ dàng khiến cơ quan an ninh cộng sản hướng sự chú ý vào tôi. Thật may, tự nhiên tôi không nhớ ra tên của anh Trí khi bị hỏi cung, cũng như chưa bao giờ gặp Trí khi về lại thành phố, cho nên dù có bị bắt, Trí đã được thả ra sau vài tháng bị giam giữ, chứ nếu không thì với mấy ông Cộng sản đa nghi hơn Tào Tháo, mọi việc đâu có dễ dàng cho một người tù, dù chẳng có dính dáng gì đến chuyện văn chương chữ nghĩa như anh Trịnh Công Trí, chỉ biết trái banh và sân cỏ.

Tôi đã vượt qua được thời gian đầy thử thách cũng khá căng thẳng ấy và nhiều lúc tưởng như muốn đuối sức trong việc đối phó. Sau hơn hai ba tháng bị thẩm cung dồn dập và bằng sự tự tổng hợp từ những điều bị tra hỏi, tôi lờ mờ đoán ra có một hướng điều tra nào đó với tôi, khi từng nghe một viên sĩ quan an ninh nói rằng họ đánh giá chính tôi mới là thành phần nguy hiểm chứ không phải các người khác trong vụ án. Họ nói hành tung của tôi rất bí ẩn, ít ai biết và thật khó lòng truy tìm các chứng cứ có liên quan vì đã bị xóa hết mọi dấu tích. Thật tình thì cũng chỉ mình anh Dương Hùng Cường, thân quen biết rõ về tôi và tôi không gặp gỡ, quen biết gì nhiều với các anh khác trong vụ án. Trước 1975, tôi cũng chỉ phất phơ tí chút văn chương báo chí trong phạm vi Không quân, và một hai tạp chí bên ngoài, chẳng nổi trội đình đám gì nhiều. Và thời gian trước ngày bị bắt cả nửa tháng, ngay khi nhận ra việc có người theo dõi mình, tôi đã linh tính điều không hay sẽ đến nên kịp thời đốt bỏ hết tất cả mọi thứ bản thảo và thư từ, giấy tờ… liên quan đến việc liên lạc với anh Trần Tam Tiệp cũng như các địa chỉ bạn bè, người thân quen, cả trong nước lẫn hải ngoại.

Rồi qua những câu hỏi riêng tư vặn vẹo soi mói về sự lui tới giữa tôi và Nhạn, chừng như họ còn muốn qui kết thêm rằng tôi đã dùng tình cảm để lung lạc và chi phối cô Nguyễn Thị Nhạn trong việc làm trung gian liên lạc với anh Trần Tam Tiệp. Điều này nếu đúng, có thể sẽ làm giảm nhẹ phần nào tình tiết tội trạng cho cô Nhạn nhưng sự thật không phải như thế, và vì sự thuần khiết của Nhạn, tôi đã thẳng thắn phủ nhận. Tôi nói với viên cán bộ hỏi cung rằng tôi thừa khả năng để làm chuyện đó rất dễ dàng nếu muốn, nhưng tôi không phải là thứ đốn mạt lương tâm để lợi dụng hoàn cảnh rồi xúc phạm một người con gái mới lớn như Nhạn.

Khi đã mãn hạn tù, nghe gia đình kể lại tôi mới thấy giật mình và thở phào nhẹ nhõm vì biết rằng đã thoát thêm được một điều nào đó khác nữa mà chính quyền Cộng sản muốn nhằm vào tôi bên cạnh việc liên lạc bài vở với anh Trần Tam Tiệp cũng như nhận quà cáp giúp đỡ, nơi những lần thẩm cung. Và nếu điều đó xẩy ra, ngày mãn hạn tù của tôi chắc hẳn sẽ còn phải kéo dài thêm một thời gian nào nữa chưa biết được.

Trong thời gian tôi bị giam ở Phan Đăng Lưu và bị dồn dập hỏi cung, ngoài việc không cho gia đình thăm nuôi tiếp tế, nhiều buổi tối có một viên sĩ quan an ninh Cộng sản cao cấp thuộc sở Công an thành phố còn cho gọi bà xã tôi ra trụ sở Công an Phường để khủng bố tinh thần hầu mong khai thác các tin tức về tôi. Có thể do khai thác được vài chi tiết nào từ đâu đó và từ cô Nhạn, họ đã cố ý bịa dựng để nói với bà xã tôi về cuộc tình lén lút vụng trộm giữa tôi và cô Nguyễn Thị Nhạn, đã kéo dài nhiều ngày tháng cùng với những lần hẹn hò vui chơi tình tứ đây đó (xin lỗi Út Nhạn khi nhắc đến chi tiết này) mà họ bảo có đầy đủ rất nhiều hình ảnh tang chứng. Thật ra cũng có vài lần chúng tôi đi chung với nhau đây đó để dễ bề ngụy trang việc bấm máy, hầu thực hiện một phóng sự bằng hình ảnh, qua mấy cuộn phim về một thành phố thiểu não buồn thảm và vô cùng mệt mỏi. Hoặc nữa, mỗi khi cần nói điều gì đó cần thiết với anh Tiệp, tôi gặp Nhạn để nhờ chuyển đi được nhanh sớm hơn vì cô ấy có xử dụng điện thoại quốc tế, loại phương tiện còn hạn hẹp và chưa phổ biến nơi thời gian ấy. Sau này, trong quyển truyện vụ án “Những tên biệt kích cầm bút” ấn hành năm 1986, khung cảnh của câu chuyện bịa tạo này cũng được thêm thắt đưa vào nơi nhiều trang đoạn để bêu xấu và bôi đen tôi qua một nhân vật được đặt trại tên khác đi một chút. Họ cũng không quên dựng đứng thêm rằng anh Dương Hùng Cường dù biết rõ tất cả từ lâu, nhưng lại ra sức che dấu nên không hề hé lộ chút gì về điều đó cho gia đình tôi. Họ tưởng rằng khơi gợi sự ghen tương nơi người vợ, từ một chuyện tình bịa dựng như thế, sẽ dễ bề khích động nỗi giận hờn để moi tìm được các nguồn tin tức tố giác nào khác chăng về người chồng phụ bạc, nhưng cuối cùng chỉ thất bại mà thôi. Họ đã vô cùng sai lầm khi đánh giá tình nghĩa vợ chồng tôi, bao giờ cũng vẫn là một tình yêu trung trinh tuyệt vời, chưa hề bị chao đảo trong bất cứ trường hợp nào.

Cũng thời gian ấy, nơi các tờ Tuổi Trẻ ở Sàigòn hay Tuần Tin tức của Hànội do gia đình gửi vào ở những lần tiếp tế khi đã bị chuyển sang Chí Hòa, tôi có đọc những loạt bài nói về vụ án qua tiêu đề “Trận đánh không tiếng súng” rồi “Mặt trận không tiếng súng” mà phần nói về tôi bao giờ cũng là một khuôn mặt nổi cộm, bị bôi bẩn với đủ mọi ngôn ngữ cạnh khóe. Hồi còn bên Phan Đăng Lưu, khi tôi ra phòng tập thể, một người hàng xóm đi vượt biên không thoát, bị di lý từ tỉnh về ở chung phòng, cho biết thêm rằng vào thời điểm tôi bị bắt, không hiểu do đâu mà xóm ngõ đã rộ lên tin đồn là lúc khám xét, công an đã tịch thu được ở nhà tôi nhiều truyền đơn, có súng đạn và cả máy truyền tin nữa…

*

Tôi vẫn nhớ nơi những ngày tháng cung từ cuối cùng ở trại giam Phan Đăng Lưu, trong bài viết tay dài mấy trang giấy như bản kiểm điểm theo yêu cầu của cơ quan an ninh Cộng sản, tôi không phủ nhận việc liên lạc thư từ với anh Trần Tam Tiệp và viết bài gửi ra hải ngoại cũng như nhận quà cáp giúp đỡ. Tôi nói rằng tôi đã viết với tất cả suy nghĩ rất thật về nỗi thất vọng nơi đời sống mới. Những tưởng đã có nhiều đổi thay tốt đẹp, nhưng sau mấy năm tù cải tạo trở về, tình trạng xã hội như càng thêm tồi tệ trong mọi vấn đề, không thấy có một dấu hiệu chuyển biến tích cực nào. Tôi phải chứng kiến biết bao điều đau lòng chung quanh mình, như nỗi khó khăn thiếu thốn của gia đình và sự bất lực của bản thân. Những trang chữ tôi viết ra như một giải tỏa cho những dồn nén riêng tư. Dĩ nhiên, tôi đâu thể nào gửi bài viết với nội dung như vậy cho báo chí ở thành phố. Và việc nhận quà cáp từ anh Trần Tam Tiệp, chỉ đơn thuần là việc giúp đỡ anh em huynh đệ thân thiết một thời trong lúc khó khăn về đời sống, chứ một vài bài viết cũng chỉ bình thường của tôi đâu có giá trị lớn lao gì, dẫu sao nếu gọi là trả tiền nhuận bút thì vẫn không thể tới mức nhiều như vậy.

Nơi phần kết thúc, tôi đã liên tưởng và học theo cách nói của nhân vật trong quyển Tầng đầu địa ngục (The First Circle_ tác giả Alexander Solzhenitsyn, bản dịch của anh Hoàng Hải Thủy) để trình bầy đại ý rằng tôi đã đi đến chỗ cùng đường. Cả thời tuổi trẻ tôi bị cuốn hút vào chiến tranh, rồi lúc cuộc chiến kết thúc là đằng đẵng gần sáu năm lao tù qua các trại theo suốt chiều dài đất nước, từ đất liền ra đảo Phú Quốc rồi hết Long Giao tới Phong Quang Lào Cai, miền đất biên giới Việt – Trung và sau cùng là Vĩnh Phú. Bây giờ đối diện với vụ án này nữa, mà có vẻ cơ quan an ninh muốn làm lớn chuyện, thì tương lai phía trước thật mù mịt chưa biết sẽ ra sao. Như thế tôi là đứa con bất hiếu vì chẳng lo toan được gì cho cha mẹ lúc tuổi già sức yếu. Trong tình nghĩa vợ chồng, tôi là kẻ bội bạc vì đã để cho người một đời yêu thương mình luôn phải đơn độc vò võ cùng bao nỗi khổ hạnh lao nhọc vất vả suốt thời thanh xuân. Với các con thì tôi là một ông bố vô trách nhiệm vì đã có được chút nào chăm sóc dậy bảo đâu. Và như vậy, thôi thì cũng đành phải buông xuôi vì tôi đã mất hết tất cả, đâu còn lại được gì, từ bản thân cho đến gia đình. Tôi  cảm thấy chẳng bị ràng buộc với bất cứ điều nào nữa. Một khi không còn cảm thấy bị một ràng buộc nào, tôi thấy mình thật nhẹ nhõm và trở thành con người tự do hoàn toàn, thây kệ mọi việc muốn đến đâu thì đến. Tôi xin chịu trách nhiệm những gì có liên quan trực tiếp tới riêng tôi mà cơ quan công an muốn kết tội, không quanh co chạy chối và sẵn sàng nhận tất cả những gì chế độ muốn dành cho tôi.

Tôi nói như thế vì nhớ được một ít kiến thức về Hình sự tố tụng của chế độ Cộng sản, quy định rằng tội phạm sẽ nặng hơn khi đã hình thành một tổ chức và có sự bàn bạc, trao đổi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người trong tổ chức đó. Việc liên lạc, viết bài gửi đi rồi nhận quà cáp giúp đỡ từ anh Trần Tam Tiệp của anh em chúng tôi, không có bằng chứng nào liên quan đến các yếu tố đó, mà chỉ là từng trường hợp riêng lẻ cá nhân, chẳng thể hiện một điều gì thuộc về tổ chức có người cầm đầu như họ muốn qui kết.

Hơn tuần sau của bản kiểm điểm này, Tư Trà cho gọi tôi ra văn phòng để trấn an. Ông ta là Phó phòng PA 16, một cơ quan điều tra xét hỏi của Công an thành phố và phụ trách trại giam Phan Đăng Lưu. Tiếp tôi bằng một thái độ hòa nhã nhẹ nhàng, ông ta nói tôi không nên suy nghĩ quá bi quan nặng nề như vậy, đâu còn có đó. Cơ quan an ninh điều tra đã đối xử đàng hoàng với tôi (chắc là không kể đến những lần đập bàn quát tháo hay cho tôi ngồi một mình, chờ hàng giờ đồng hồ trong căn phòng tối om không một ánh điện để áp đảo tinh thần) và sẽ minh xét rõ ràng tội trạng từng người trong vụ án. Bằng thứ lý luận rẻ tiền quen thuộc như thường thấy trên báo chí, ông ta ra sức giải thích, phân trần về tình trạng của đất nước vừa ra khỏi chiến tranh và đang trên con đường xây dựng với những khó khăn chồng chất. Cạnh đó còn luôn luôn có sự chống phá liên tục của các thế lực thù địch bên ngoài nữa. Tôi cũng chẳng hiểu ông ta muốn nói những điều đó với tôi để làm gì.

Tôi không biết sự cảm nhận của ông ta ra sao về bài thơ Buổi chiều đi qua Hànội (ký tên Trần Vĩnh Quang, đăng trên tờ Nhất Việt) của tôi, khi cao giọng lên án tôi đã xúc phạm đến cái gọi là “thủ đô phẩm giá”, “trái tim của cả nước”… Tôi chỉ còn nhớ mang máng được vài câu đầu và cuối của bài thơ đã gửi đi từ mấy năm trước, được hình thành ngay hôm giã từ những tháng năm tù đầy, vào cuối tháng Giêng năm 1981, ngồi trên xe di chuyển từ trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phú) đi ngang qua thành phố lúc chiều tối để ra ga Hàng Cỏ lên xe lửa xuôi Nam, kịp đủ thời gian để nhận ra một Hànội như tôi từng nhớ biết qua hình ảnh và văn chương ngày tháng nào, giờ chỉ còn trong hoài niệm bâng khuâng. Vài câu thơ còn nhớ được như sau :

khi tôi đi qua thành phố

             buổi chiều

             những ngã tư đường xa lạ

             không có một kỷ niệm nào ở nơi đây

             người con gái đạp xe mini ngúng nguẩy hất đầu rất điệu

             chạy ngang qua ánh đèn vàng vọt của đêm

             chưa kịp xóa hết nỗi mỏi mệt của một ngày dài vừa tắt nắng

             ……………………………………………………………….

             …………………………………………………………….

             có ai đó đã vừa dựng tượng đá thành phố

             giữa công viên hồn tôi chiều nay

             cái cột mốc ký ức ấy ở đâu

             tôi gọi nhỏ rất thầm

             hànội. hànội.

Tiếp theo, Tư Trà nói về tạp văn Những tiếng hát như một nhân chứng cũng trong tờ Nhất Việt mà tôi ký tên Hải Văn (mỗi một bài gửi đi lại ký một cái tên khác nhau). Bài này tôi viết về thực trạng xã hội dạo đó, lấy bối cảnh là những bản nhạc thịnh hành của nhiều tác giả, được nghe hàng ngày trên sóng đài phát thanh hay trong những buổi trình diễn văn nghệ quần chúng, mà nội dung ca ngợi đời sống mới với những hình ảnh tươi vui đẹp đẽ đầy nét lạc quan, từ trường học cho đến nhà máy công trường, ở thành phố hay làng quê…Thế nhưng đối chiếu với thực tế cuộc sống diễn ra hàng ngày cũng ở những nơi chỗ đó, lại hoàn toàn khác hẳn. Biết bao cơ cực vất vả vô cùng khó khăn thiếu thốn trăm bề của mọi tầng lớp dân chúng. Bên cạnh đó là tình trạng cán bộ nhà nước tha hóa, moi móc kiếm chác bằng mọi cách và ăn chơi hưởng thụ phè phỡn lộ liễu ngày ngày trên mồ hôi nước mắt khổ nhọc của người dân. Như vậy, những điều mà các bài hát ấy nói đến đều không có thật mà chỉ là những ước mơ hằng mơ ước sẽ đạt được. Và mỗi khi cất tiếng hát lên, mỗi một người hát đã như là một nhân chứng.

Tư Trà thừa nhận rằng những điều tôi nói về thực trạng xã hội và tình trạng cán bộ nhà nước hư hỏng không sai, nhưng trách tôi một cách giáo điều ngây thơ rằng tại sao không gửi một bài như vậy cho báo Tuổi Trẻ hay Sàigòn Giải Phóng ở thành phố, mà lại gửi ra ngoại quốc để ngoài đó lợi dụng rồi thêm thắt nhằm nói xấu chế độ. Tư Trà có nhắc đến bài Nếu chàng Trương Chi đẹp trai của anh Dương Hùng Cường với một giọng điệu và thái độ rất hằn học.

Tôi ngồi lặng thinh nghe ông ta nói, thỉnh thoảng chỉ ậm ừ đôi chút, và sau cùng  chỉ bình thản nói lại điều mà tôi đã viết trong tờ kiểm điểm, là tôi sẵn sàng nhận chịu tât cả những gì chế độ muốn dành cho tôi.

Khoảng thời gian những ngày tiếp theo, khi sắp đến lễ Giáng Sinh 1984, họ tôi ra phòng tập thể sau gần tám tháng biệt giam bên Khu B, khu trại giam dành cho nữ giới. Những tháng ngày ở nơi đây đã để lại trong tôi biết bao điều thật nhớ.

Anh Dương Hùng Cường nhờ qua người tù làm lao động bên ngoài nhắn với tôi rằng hẹn ngày về gặp lại nhau ở Thương nhớ mười hai. Nhưng rồi lời hẹn này đã mãi mãi trở thành lỗi hẹn và không bao giờ thực hiện được nữa.

Ngọc Tự

(Còn Tiếp)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

Bài Mới Nhất
Search