T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Tự : Lão Dương _ Dê Húc Càn và tôi – ở một đoạn đời (Kỳ 2)

clip_image001

Nhà văn Dương Hùng Cường (Ảnh : newvietart.com)

Kỳ 1 

Khoảng hơn hai tháng sau lần gặp đầu tiên, anh Dương Hùng Cường tìm tôi và nhắc về việc gửi thư cho anh Trần Tam Tiệp. Anh đang nóng lòng mong tin thư vì biết tôi đã được về. Rất thật lòng, tôi vẫn do dự và ngần ngừ mãi trong việc thư từ ra ngoại quốc, dù rằng cho một người thân quen như anh Trần Tam Tiệp, kể cả với anh chị em trong gia đình. Đây là điều tự nhiên dễ hiểu đối với một người vừa rời khỏi trại tù cải tạo, vì sợ rằng sẽ tạo cho người nhận một ý nghĩ gợi nhắc xa gần đến sự giúp đỡ gì đó.

Nhưng rồi qua cô bạn trẻ Nguyễn Thị Nhạn ở Phòng Ngoại dịch Bưu điện thành phố lúc đó, do anh Trần Tam Tiệp giới thiệu (hiện Nhạn đã định cư ở New York được vài năm nay), tuổi mới ngoài hai mươi nhưng rất lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết, thật khôn ngoan trong việc xử dụng tiền bạc vật chất để làm mờ mắt đám cán bộ chung quanh mình, khéo léo ẩn dấu việc thư đi tin lại trong những gói bưu kiện gửi đi và nhận về_tôi bắt đầu có được sự liên lạc thuận tiện với anh Trần Tam Tiệp. Kể từ đó, tôi đã gửi sang anh một số bài vở của tôi cũng như của vài thân hữu (anh Lữ T. Nguyễn Công L._hiện bên San Jose, nhạc sĩ Th. Tr., người bạn tù ở Long Giao, cũng bên Cali…và mấy người khác đang còn trong nước. Trong việc khai báo cung từ khi bị bắt sau này, tôi đã hết sức cố gắng tránh né và đã không để một ai có liên quan đến tôi phải bị liên lụy).

Và cứ cách một vài tháng, tôi nhận được gói quà 2 pounds thuốc tây mà tôi biết là có được ở khoản bớt ra từ lương tháng của anh, đã giúp tôi giải quyết được phần nào khó khăn cuộc sống cho gia đình khi ấy.

Thỉnh thoảng tôi còn được đọc vài loại báo chí hải ngoại do anh gửi về qua cô Nguyễn Thị Nhạn (tờ Kháng chiến, Nhân chứng_ở Hoa Kỳ, Nhất Việt, Nhân Bản_ở Pháp…). Tôi cũng giúp anh trong việc liên lạc với một hai nhân vật tại Sàigòn như Linh mục Thanh Lãng. Lúc ấy Cha đang bị mấy thứ bệnh và cư ngụ tại căn nhà nhỏ trong khu xóm đạo phía bên trong đường Nguyễn Văn Thoại cũ, gần với nhà thờ Chí Hòa. Một người cháu là sinh viên còn đi học sống cùng nhà với Cha và ban ngày thì có người đến giúp việc bếp núc cũng như dọn dẹp nhà cửa. Năm học đệ Tam thời trung học, tôi là học trò của Cha ở trường Lê bảo Tịnh và khi mới lên đại học cũng có dự những giờ của thầy Thanh Lãng trong thời gian ghi danh học thêm một chứng chỉ bên Văn Khoa. Tôi mang đến mấy loại thuốc về tiểu đường và đau khớp mà anh Trần Tam Tiệp gửi về biếu Cha. Hình ảnh ông Chủ tịch Văn bút lẫy lừng một thời, cùng vóc dáng một Linh mục nhà giáo cao to đĩnh đạc, có thêm chút chải chuốt điệu đàng ở trường Văn Khoa ngày nào đã đi đâu mất tiêu. Trước mặt tôi lúc đó là một người đàn ông hom hem khắc khổ và chỉ có đôi mắt còn lại vẻ tinh anh trong thứ ánh sáng nhờ nhờ của căn phòng, ở quanh vách tường là các kệ gỗ chất đầy sách. Trong chuyện trò thân tình, Cha hỏi tôi có mối liên hệ thân thuộc nào không giữa anh Trần Tam Tiệp và Linh mục Trần Tam Tỉnh, cũng đang sống bên Pháp. Cha say sưa khoe kể về mấy công trình biên khảo văn học đã thực hiện thêm sau này và việc biên soạn bộ từ điển Việt-Bồ-La đang tiến hành. Rồi bằng giọng trầm buồn, Cha cũng nói về tâm trạng day dứt khôn nguôi và nỗi ân hận dầy vò qua việc đã tham dự vào diễn tiến yêu cầu Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận phải đi khỏi Tổng Giáo phận Sài gòn dạo tháng 5/1975, chỉ sau ngày Ba mươi tháng Tư được đâu hơn tuần lễ, khi mà tháng trước đó Ngài vừa mới có bài sai về làm Tổng Giám mục phó với quyền kế vị. Nghe Cha nói, tôi nhớ lại hành động xu thời nông nổi cách quá đáng này của một số các Linh mục và mấy ông trí thức Công giáo tả khuynh nơi thời gian ấy (Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thanh Lãng, Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Quang Lãm, Đinh Bình Định, Vương Đình Bích…Ông Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Lý Chánh Trung…).

Cha Thanh Lãng từ trần vào năm 1990, và tôi được biết Cha có để lại Bản tạ lỗi cùng lời ăn năn sám hối với Chúa, với Hội thánh Công giáo và Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận, cũng như thành tâm cúi xin Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận tha thứ cho lỗi lầm của mình.

Tôi và Nhạn còn thực hiện được một phóng sự bằng hình ảnh trong mấy cuộn phim đi săn chụp về một thành phố buồn hiu và lặng lẽ nơi tháng ngày quá sức tệ hại nhếch nhác ấy, có bóng dáng những con người thinh lặng lầm lũi qua các sinh hoạt đường phố. Cũng có cả khung cảnh hoang lạnh tiêu điều ở nghĩa trang quân đội Gò Vấp và Biên Hòa, chỉ mới sau mấy năm trời bị tan tác. Anh Trần Tam Tiệp cho biết đã chọn ra một số để phóng to và giới thiệu rộng rãi bên Pháp.

Thế rồi mọi việc cũng kết thúc cho đến khi chúng tôi bị bắt rồi quy tội trong vụ án “Tuyên truyền phản cách mạng” mà báo chí nhà nước Cộng sản đã gọi anh em chúng tôi là “Những tên biệt kích cầm bút” như sau này…

Trong suốt thời gian mấy năm, từ khi ra tù cải tạo tháng Giêng năm 1981 cho đến ngày cùng bị bắt trong vụ án đó vào đầu tháng Năm 1984, anh Dương Hùng Cường và tôi gặp nhau rất thường, nhất là sau lúc tôi đã liên lạc lại với anh Trần Tam Tiệp, có lâu lắm cũng chỉ cách tuần. Thỉnh thoảng chúng tôi bàn luận, trao đổi thoáng qua về bài vở gửi sang cho anh Trần Tam Tiệp cùng vài tin tức của những thân hữu đây đó. Tôi đưa anh đọc mấy bài thơ của tôi như Buổi chiều đi qua Hà nội, Khúc quân ca mới…hay tạp văn Những tiếng hát như một nhân chứng. Phụ họa với bài Nếu chàng Trương Chi đẹp trai của anh và do anh gợi ý, tôi có viết Khi chàng Trương Chi phải ra đi nhưng anh đọc xong nói nhẹ quá, phải cho cái thằng khốn nạn ấy thật bầm dập ê chề lúc ra khỏi cuộc đời Mỵ Nương chứ không thể nhẹ nhàng và êm thắm như tôi đã viết (nội dung bài tôi giả định những chi tiết dựa vào lời nói tiên báo của cụ Ngô Hùng Diễn trước 1975, đại ý cộng sản sẽ vào đến Sàigòn và khi vào dễ dàng thế nào thì khi ra cũng sẽ dễ dàng y như vậy).

Có nhiều hôm hai anh em đạp xe lang thang qua từng con phố, rồi tạt vào cái hẻm nhỏ khu ngã ba ông Tạ hay ngã tư Bẩy Hiền và ngồi bệt nơi thềm dẫy nhà đang xây cất dở dang lấy thuốc lá ra hút cùng với những mẩu chuyện vu vơ. Tôi biết anh có nhiều suy tư về hoàn cảnh cuộc sống của gia đình. Những buổi sáng anh vẫn đều đặn ghé đến mấy chỗ quen biết có làm vài ba loại ô mai, bánh kẹo (bên Phú Nhuận hay dưới nhà ông Lâm Tuyền) để lấy về một ít cho chị đem vào bán trong căng tin trường học, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.Thỉnh thoảng tôi cũng ngồi với anh tại một góc quán cà phê bên đường hay cái quán cóc bình dân xập xệ, chỉ có xị rượu thuốc và đĩa đậu phụng rang, đủ cho hết một hoàng hôn của hai anh em. Nhưng nhiều hơn là vào những buổi chiều tại Thương nhớ mười hai.

Anh Dương Hùng Cường gọi chỗ này theo tên một tác phẩm của bác Vũ Bằng, vì ngẫu nhiên trùng hợp với số nhà của nơi mà bác cũng là một trong những người thường hay ghé đến. Thương nhớ mười hai thực ra chỉ là căn phố mang số 12 đường Trương Minh Ký Phú Nhuận, chỗ giáp ranh với đường Trương Minh Giảng quận Ba (thời gian đầu sau ba mươi tháng Tư, cả hai con đường này đều gộp chung một tên là Nguyễn Văn Trỗi, rồi mới đổi thành Lê Văn Sỹ, và anh Dương Hùng Cường nói cái thằng cha Chổi từng quét mất hai ông Trương), cách cổng xe lửa số 6 khoảng chừng hai trăm thước. Đây là nhà ông Lý Hoàng Phong, một nhà văn kỳ cựu và cũng là người chủ trương tạp chí Văn Nghệ những năm 1961-1962 ở Sàigòn_ một căn nhà trệt cũ kỹ với hàng cánh cửa gỗ lùa, có lẽ xây cất từ dạo mới di cư năm 1954 và chưa lần nào chỉnh trang. Bên trong nhà, có một tiệm sửa chữa radio và TV nhỏ. Phía trước cửa là cái quán cóc của chị Tâm, người phụ nữ độ tuổi ngoài bốn mươi và có một hoàn cảnh riêng tư sao đó nên sống một mình, không thấy vướng bận gia đình con cái gì cả. Khoảng lề đường rất rộng tráng xi măng bầy được bốn năm bộ bàn ghế thấp dưới tàn cây bã đậu. Quán chỉ có tủ thuốc lá lẻ, bầy trên mặt bàn vài loại nước ngọt chai và quầy dừa tươi nơi góc chân bàn, thêm nữa duy nhất loại cà phê vợt. Thế nhưng nơi đây lại là chỗ gặp gỡ của nhiều giới, như các nghệ sĩ và mấy ông nhà văn nhà báo thân quen với anh Dương Hùng Cường và các bà chị dân chợ trời tụ họp đông vui, sau những lúc ngược xuôi quanh khu chợ thuốc tây từ Nguyễn Thông cho đến Tân Định.

Tôi cũng không rõ độ thân thiết của anh Dương Hùng Cường với bà chị quán chủ như thế nào và từ bao giờ, nhưng chỉ biết là anh và tôi được đối xử cách đặc biệt mỗi khi ghé đến đây, như việc không bao giờ phải trả tiền cà phê thuốc lá. Những năm tháng sau này, khi anh chị Dương Hùng Cường đều đã quá vãng lâu rồi, thỉnh thoảng nhìn thấy tôi chạy xe về ngang qua chỗ Thương nhớ mười hai này, chị Tâm vẫn vẫy gọi tôi ghé vào để ân cần thăm hỏi về các con của anh Dương Hùng Cường rất trìu mến.

Thường khi mỗi lần anh Dương Hùng Cường và tôi vừa đến ngồi xuông ghế là chị Tâm như đã hiểu ý và bước ngay sang khu bán đồ ăn bên kia đường đem về một đĩa đồ mồi nào đó, không thì cũng một tô bò viên tả pí lù nghi ngút khói. Dĩ nhiên không thể thiếu từng xị rượu thuốc của cái quầy bầy lủ khủ hàng chục loại bình rượu thuốc ngâm đủ thứ tắc kè, bìm bịp, rắn rết các loại ngay cạnh bên.

Tôi luôn giữ một khoảng cách với những thân hữu của anh vẫn lui tới nơi đây và thỉnh thoảng chỉ chuyện trò, gần gũi bác Vũ Bằng mà tôi biết là một trong số những người anh Dương Hùng Cường đã giới thiệu với anh Trần Tam Tiệp. Bác thật xuề xòa bình dân và dễ tính. Thỉnh thoảng bác Vũ Bằng hay rủ anh Dương Hùng Cường và tôi đi ăn chỗ này chỗ nọ, như tại cái quán cháo cá ở chợ cũ, một tô phở xe trong xóm nhỏ xứ đạo An Lạc…mỗi lần rủng rỉnh tí tiền sau khi nhận được món quà thuốc tây của anh Trần Tam Tiệp bên Pháp gửi về. Một hôm, chợt nhớ đến Miếng ngon Hànội Miếng lạ miền Nam, tôi hỏi bác về việc cảm nhận sự ngon trong ăn uống thì bác cười và nói văn chương chữ nghĩa chỉ luận tả hoa lá cành cho vui thôi, thực ra phải vào cơn thiếu đói trong cảnh tù đầy như bọn tôi thì mới cảm nghiệm được hết ý nghĩa của từng miếng ăn thức uống.

Bác Vũ Bằng từ trần vào khoảng đầu tháng Tư năm 1984, đúng vào thời điểm bọn an ninh đã bắt đầu theo dõi rồi liên tục bám sát tôi từng ngày, nên dù có biết tin mà vẫn không dám đến viếng bác cũng như dự tang lễ. Nơi vuông cáo phó nhỏ ở trang cuối một tờ báo tại thành phố khi đó, chỉ thấy ghi sơ sài vắn tắt vài dòng về năm sinh và ngày mất của bác vậy thôi. Trong bản cáo trạng ở một lần chuẩn bị đưa vụ án “Tuyên truyền phản cách mạng” của mấy anh em chúng tôi ra Tòa rồi sau đó đình xử, chính quyền Cộng sản thật lố bịch khi vẫn để tên bác Vũ Bằng trong danh sách các bị cáo, nhưng trơ trẽn và nhân nghĩa giả dối nói rằng đã cho bác được cải tạo tại địa phương vì tuổi già sức yếu.

Một nhà văn nhà báo lẫy lừng từ thời 1930-1940, với nhiều tác phẩm ghi đậm dấu cho từng thời kỳ văn học và trường phái văn chươngViệt Nam, lúc chết thật cô đơn âm thầm lặng lẽ quá.

Sau này khi ra tù tôi có sang tìm nhà bác ở bên kia bờ sông Sàigòn, trên đoạn đường Trình Minh Thế cũ, gần đến cầu Tân Thuận, để thắp một nén tâm hương, nhưng vì không còn nhớ chính xác được địa chỉ và dọc con đường này đã chỉnh trang sửa chữa làm thay đổi hết tất cả, chẳng còn nhận ra các dấu vết cũ nên đành tạ lỗi với vong linh bác Vũ Bằng…

*

Vào những buổi chiều anh em tôi đang ngồi tại Thương nhớ mười hai mà bất chợt có đông đảo các bà chị chợ trời cùng lúc rộn rã về tụ họp với đủ thứ ngôn ngữ văng mạng bốc giời bất cần đời, như thể để giải tỏa bớt những căng thẳng dồn nén ẩn ức chất chứa trong đầu suốt một ngày qua, thì ngay lúc đó anh Dương Hùng Cường nhắc tôi đứng dậy ra về. Có ai đó tỏ vẻ ngạc nhiên và lên tiếng phản đối thì anh nói rằng sợ các bà chị ngổ ngáo này sẽ làm hư hỏng thằng em của anh. Tôi cũng hiểu là đến lúc phải để cho anh được thoải mái hoàn toàn trong khung cảnh này và cũng chẳng có gì để bận tâm. Và cuộc rượu tiếp theo sau đó của anh không biết được kết thúc ra sao vào lúc nào.

Thế nhưng nhiều lần tôi vẫn phải chịu tiếng oan về phần mình. Sau các buổi tửu sự của anh như thế, khi tôi ghé sang nhà thì đều được nghe chị Vũ Hoàng Oanh nhẹ nhàng trách rằng sao tôi lại để cho anh uống nhiều quá đến vậy. Nhìn anh thì cũng lại một nụ cười kèm theo cái nháy mắt quen thuộc. Hình như mỗi khi về nhà trong ngả nghiêng túy lúy là anh lại khai thêm tên tôi ra như một kẻ tửu đồ tòng phạm để sẽ có sự giảm nhẹ tội trạng đi thì phải.

Tổng kết qua mấy mùa đầy vơi chai nọ xị kia, thành tích của anh là làm mất tất cả ba chiếc xe đạp, một của anh vẫn sử dụng hàng ngày và hai chiếc kia mượn của các cháu. Chỉ vì sau khi đã xong chầu chén chú chén anh, rồi trên đường về ngất ngưởng qua các ngõ khuya vắng vẻ, ông anh tôi dừng xe bên bờ rào để… hay dựa lưng ngồi nghỉ một nơi chỗ nào đó, và mấy tên giang hồ vặt đã luôn có mặt đúng lúc để nẫng nhẹ chiếc xe đạp thật dễ dàng, mà chẳng gặp phản ứng gì từ khổ chủ còn đang đờ đẫn vì thần men nhập vào mất rồi. May là anh còn khật khà khật khưỡng lội bộ về được đến nhà an lành.

Cũng vì những mê mải tửu cuồng mà trong năm 1983, có lần anh phải nằm bẹp ở nhà hàng tháng trời. Chắc là ảnh hưởng do gan nên khắp người anh nổi mẩn mụn chốc lở, kèm theo từng cơn nóng lạnh bất chợt. Chị và các cháu rất lo lắng. Tôi chạy về cầu cứu anh Trần Đỗ Cẩm và không bao lâu cơn bệnh của anh đã được chữa trị khỏi. Anh Trần Đỗ Cẩm là sĩ quan bên Không lưu Khí tượng (em của Trung tá Không quân Trần Đỗ Cung, không phải Thiếu tá Trần Đỗ Cẩm trùng tên thuộc quân chủng Hải quân, tác giả các bài viết về biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa ở hải ngoại sau này) và cũng có biết anh Dương Hùng Cường từ trước vì cùng ngành. Hồi ở trong căn cứ Tân Sơn Nhất, tôi cũng thân quen lui tới với anh qua chuyện văn chương chữ nghĩa. Thời gian đi tù cải tạo sau 1975, anh Trần Đỗ Cẩm có cơ duyên học được Châm cứu và thuốc Nam từ những người bạn tù giỏi về đông y và các loại cây lá thuốc. Khi về anh đã tìm hiểu nghiên cứu thêm, rồi phụ trách một phòng khám & chữa bệnh từ thiện về chuyên môn này, ở gần khu ông Tạ. Khi tôi đến báo tin và kể về bệnh tình anh Dương Hùng Cường, thật ân cần và sốt sắng, anh đã sang ngay để bắt mạch rồi bốc liền mấy thang thuốc, cũng như tận tình châm cứu, theo dõi chữa trị bệnh trạng của anh Dương Hùng Cường suốt hơn một tháng cho đến khi khỏe mạnh trở lại.

Sau cơn đau bệnh đó, anh Dương Hùng Cường chừng mực và điều độ hơn trong việc thù tạc nơi này chỗ nọ. Anh dành nhiều thời gian ở nhà chăm sóc các cháu, nhất là cháu út Dương Phượng Hoàng, cậu con trai cưng duy nhất, lúc ấy mới chừng bốn năm tuổi. Tôi bắt đầu đưa anh uống loại rượu mà tôi pha chế và vẫn thường uống với bạn hữu (Nguyễn Mai là một trong những ông bạn tôi rất ư là mê khoái thứ biệt tửu này). Đây là sự đong trộn theo tỉ lệ ba xị rượu Bách nhật và một xị rượu đậu nành Cái Bè. Mẹ một người bạn thân ở gần nhà tôi có cách nấu rượu Bách nhật gia truyền rất đặc biệt. Sau khi đã xong giai đoạn ủ rượu rồi lọc trong, bà còn cho thêm vào vài vị thuốc Bắc cùng với một ít táo tầu và cam thảo, khiến cho mầu rượu thành phẩm ánh lên sắc hổ phách thật dịu dàng. Tôi là một khách hàng quanh năm của bà và mỗi lần lấy rượu về, lại còn thêm vào phần rượu đậu nành chính hiệu Cái Bè nguyên chất, chỉ duy nhất có bán ở đường Công Lý, chỗ gần chùa Vĩnh Nghiêm, để thêm hương vị và nồng độ. Loại rượu này uống không thể đủ say nhưng có lẽ cũng tạm đủ để lãng quên sầu đời, miễn là nỗi sầu đừng quá lớn như mối sầu vạn cổ chẳng hạn. Uống mới hết một chai, anh Dương Hùng Cường cảm thấy khoái khẩu ngay nên đã đặt tên là Sàigòn mỹ tửu và gọi tôi là một gã tửu sinh tại điền của Tiêu dao đạo phái.

Ngọc Tự

(Còn Tiếp)

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search