T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Doanh: Vùng Tối (4)

vung-toi

Kỳ Bốn

(Tiếp Theo)

Phần 8

Ngay cả trong một đô thị chật chội, đông đúc như Saigon, sáng chủ nhật vẫn có một không khí khác, mọi người có vẻ thong thả hơn, các lớp dân Công Giáo đi lễ ăn mặc chỉnh tề hơn, làn sóng đi học đi làm ít hơn mọi ngày nhiều. Sự náo nhiệt thường nhật chỉ bắt đầu từ 10, 11 giờ trở đi. Nhà Hương Tảo trong một xóm đạo nên buổi sáng sớm đã có chuông nhà thờ đổ thay cho tiếng gà báo thức ở thôn quệ Hương Tảo đi đến nhà thờ sớm hơn gia đình vì nàng có trong Ca Đoàn Phục Sinh.

Từ ngày có nàng gia nhập, Ca Đoàn có sắc thái mới, anh Trưởng Đoàn mang vào nhiều bái hát có giọng đơn ca hơn trước; Mỗi lúc đến chỗ đơn ca, tiếng hát Hương Tảo lại vút lên, vang dội trong vòm nhà thờ lắng sâu vào tâm hồn người đi lễ. Cha xứ cũng chìm đắm trong giọng hát trong vắt, ngọt ngào với những bài ca đằm thắm tình thương của Chúa. Và có lẽ từ đó số người đi lễ có tăng, chật cả nhà thờ. Có lần ai đó đem nhét vào tập nhạc của nàng một bài thơ, mà đến nay Hương Tảo vẫn chưa biết tác giả, lời thơ êm ái nhẹ nhàng:

Em!
Người con gái của Ca Đoàn
Áo trắng hiền như Mẹ La Vang
Giọng hát dâng niềm tin đến Chúa
Lời ca mang ân sủng trên ngàn
Quỳ trên bục gỗ sau hàng cuối
Trộm nét em cười thật rất ngoan
Chợt nghĩ
(cho dù là có tội)
Có em tôi chịu mất Thiên Đàng.

Cha xứ đã có lần khen tặng nàng và cám ơn bố mẹ nàng đã bằng lòng cho Tảo hát trong Ca Đoàn. Bố nàng cũng vì thế mà bớt gắt gao trong chuyện nàng hát.

Nhưng hôm nay, sau khi tan lễ, Hương Tảo thấy bố mẹ nói chuyện gì với bác Hồng bên ngoài nhà thờ chứ không về ngay như mọi lần. Bác Hồng cầm tờ báo chỉ cho bố Hương Tảo, mặt mũi có vẻ tức giận. Bác Hồng ngày trước là Đại Úy quân đội miền Nam. Khi miền Nam mất vào năm 1975, bác bị đi học tập từ lúc Hương Tảo còn nhỏ cả mười năm sau mới về. Vợ bác mang hai đứa con vượt biên, nghe nói sang bên Mỹ lấy chồng khác ngay, chẳng ngó ngàng để mặc bác trong trại học tập đói khổ. Tảo chỉ nhớ một ngày mưa dầm đang ngồi bên cửa sổ trông mưa thì từ đầu ngõ một người đàn ông tiều tụy đi về hướng nhà, Tảo ngỡ người ăn mày nào, sao lại không lo trú mưa mà đi giữa trời coi rất tội nghiệp. Đến trước cửa nhà gặp bố đang lo chặn nước mưa, lúc đầu bố không nhận ra, rồi mang vào nhà mừng mừng tủi tủi. Hương Tảo và chị chỉ đứng lấp ló nhìn ra. Bác Hồng trở về với thương tật trong người, tứ cố vô thân, phải làm nghề quét dọn trong nhà thờ, suốt ngày say sưa và chửi chế độ. Có lần Công An đã nhốt vài bữa, sau rồi thấy bác già yếu và ma men nên mặc kệ.

Tảo về nhà dược một lúc thì ba người cùng vào nhà. Bố Tảo quát lên:

– Tảo, ra đây bố bảo.

Tảo sợ quá khép nép bước ra, bác Hồng nhìn Tảo một cách hằn học làm Tảo không hiểu chuyện gì.

– Thưa bố gọi con.
– Hôm qua mày hát ở ngoài Công Viên Văn Hóa phải không?

Tảo tái mặt đi, ấp úng

– Dạ… dạ… con…
– Thôi bố không cần hỏi nữa, báo đăng hình mày nắm tay cái thằng hôm nọ, hát trên sân khấu này.

Bố Tảo dằn mạnh tờ báo xuống bàn, tách nước trà đổ vào làm loang bức hình, Tảo chỉ nhìn thấy trên giấy hình hai đứa nằm tay nhau. Lẽ ra mà ai đưa cho Tảo tờ báo có hình nàng hát chắc Tảo đã ôm lấy mà coi mà đọc. Nhưng thấy vẻ phẫn nộ của bác và bố, ruột gan Tảo chìm xuống, không dám cầm tờ báo, chỉ liếc vào để tiếc vì tấm hình bị nưóc đổ vào.

– Không những mày đi hát ngoài đường, hát cho tụi Cộng Sản nghe mà lại còn hát nhạc Việt Cộng nữa. Ai dạy mày như thế.

Bác Hồng mặt đỏ tía tai:

– Hôm qua tôi ở đó, đứng xa sân khấu nên không nhìn ra con Tảo. Mà vừa xa lại vừa nó phấn son lòe loẹt chứ. Tôi nghe nó hát hai bài mà ngạc nhiên vì thời buổi này, nhạc Vàng được hát công khai mà có đứa lại chọn hai bài nhạc đỏ. Tôi cứ tưởng nó là con cán bộ cao cấp. Thằng Thành Ủy lại còn vỗ tay không ngớt và lên ôm nó trên sân khấu. Đến lúc nó ra ngoài ngồi bàn chung với thằng thổi kèn tôi mới nhận ra là con Tảo nhà chú. Hôm nay thì có cả hình trên báo – Bác Hồng mỉa mai tiếp – Vây là chú có phúc lắm.
– Anh cứ để cho tôi dạy con. Tảo, thật là quá sức rồi. Thi thì rớt lên rớt xuống chỉ vì hát hỏng. Bây giờ còn lên sân khấu nữa.
Bố cũng không biết phải xử trí mày ra sao. Tạm thời đi ra ngoài phải có mẹ hay chị Tần đi theo, nghe chưa! Thôi vào nhà đi!

Mẹ Tảo chỉ thở dài lắc đầu mà không nói gì. Tảo rưng rưng nước mắt lui vào bên trong khóc thút thít, phía phòng khách vẫn vẳng tiếng giận dữ của bác Hồng một lúc lâu.

Cả hai tuần Tảo không được ra khỏi nhà một mình, đi đâu cũng phải đi chung với mẹ hay chị Tần. Muốn gặp Phương mà không biết làm sao. Suốt ngày ngồi trong nhà cho nhớ thương dằn vặt. Hôm chủ nhật sau đi lễ, anh Trưởng Ca Đoàn đón nàng từ ngoài nhà thờ

– Hương Tảo vào gặp Cha Xứ đi; Cha bảo hôm nay Tảo nghỉ hát một bữa.
– Ồ sao vậy anh Cảnh ?
– Em cứ vào gặp Cha, Cha đợi đấy! mau lên không thôi trễ giờ lễ của Cha.

Trong lòng Tảo thấy có điều gì không ổn, ngập ngừng gõ cánh cửa phòng làm việc Cha Xứ.

– Tảo đấy hả, ngồi xuống đây đi con.
– Xin phép Cha.

Cha Xứ tóc trắng phau, mặt mũi tuy hiền lành nhưng khi nghiêm khắc thì dễ làm nao động các con chiên. Cha nổi tiếng là người dám đương đầu với Công An để bảo vệ con chiên mình và để giữ vững Giáo Xứ, nhất là trong những năm đầu sau giải phóng. Cha ngày trước không làm Tuyên Úy nên thoát khỏi chuyện đi cải tạo nhưng như mọi nơi khác, giáo xứ bị hạn chế việc sinh hoạt rất nhiều. Lễ trong tuần không được cử hành, chỉ cho hai lễ vào thứ bảy và chủ nhật. Riêng Cha bị gọi lên Phường đều đặn để “làm việc” với công an. Đáng lẽ với cái tuổi 75 Cha phải được về nghỉ ngơi nhưng cả mười lăm năm nay việc đào tạo linh mục bị giới hạn tối đa nên chưa có người thay thế.
Cha đặt một tờ báo lên bàn, cũng là tờ mà bác Hồng đưa cho bố Tảo. Tảo nhìn trân trối vào hình mình và Phương, nửa xúc động nửa ngại ngùng.

– Có phải là con không?

Tảo im lặng cúi đầu. Cha Xứ thở dài nói

– Cha nghĩ con trẻ người non dạ, bị người ta dụ dỗ nên mới hát nhạc Đỏ như thế. Dạo này vừa xảy ra chuyện Nhà Thờ Vinh Sơn bị đàn áp, giáo dân đang bất mãn mà con lại hành động như là a dua, xưng tụng bạo quyền. Theo như sự tuyên truyền trong tờ báo thì con là tiêu biểu cho thế hệ thanh niên mới, không dính dáng với chế độ cũ và có tinh thần cách mạng. Bài báo gây căm phẫn trong Ca Đoàn. Cha không kết tội con, nhưng Ca Đoàn không thích con hát chung nữa, con tạm thời nghỉ một thời gian đi.

Những hạt nước từ nãy kết tụ dần theo từng lời nói của Cha đọng đầy mi mắt, giờ tràn ra hai bên cùng với tiếng bật khóc của Hương Tảo.

– Xin Cha tha tội cho con.
– Con về nghĩ chín chắn về chuyện này rồi khi nào muốn xưng tội thì đến đây sau. Bây giờ Cha chuẩn bị làm lễ đây.

Tảo loạng choạng bước ra ngoài, đi ngược chiều với người đi lễ, cố không nhìn ai, nhưng cảm thấy bao nhiêu con mắt nhìn mình. Nàng cúi đầu, rảo bước về nhà, bỏ cả buỗi lễ.
Về được đến nhà , Tảo nằm sấp trên giường mà òa lên khóc. Trong nhà không có ai càng làm cho Tảo không cần nhịn, khóc nức nở, ướt đẫm cả bao gối.

Bố mẹ nàng đi lễ không thấy con gái hát, nhìn chung quanh trong nhà thờ cũng không thấy Tảo đâu, lấy làm lo ngại, một là sợ có chuyện gì; hai là lo Tảo bỏ lễ để đi ra ngoài một mình. Tan lễ họ tìm anh Trưởng Ca Đoàn, rồi vào gặp Cha Xứ. Bố mẹ Tảo về nhà trong bao nỗi muộn phiền. Không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề. May là mẹ và chị vẫn để ý trông chừng Tảo, thỉnh thoảng lại an ủi vài câu; chứ còn bố hầu như không muốn thấy Tảo. Mẹ cũng nói, Tảo không nên gặp bố trong lúc này. Giờ cơm chia làm hai lần, mẹ dọn cho bố ăn xong rồi ngồi chung với Tảo. Chị Tần đi làm xong có khi lên nhà chồng tương lai nên nhà càng im lặng.

Tảo có gửi cho thư Phương mà không thấy trả lời càng buồn phiền vô hạn. Tảo không biết là có lần Phương đến tìm nàng trong lúc nàng đưa mẹ đi công việc. Bố Tảo gặp và đã yêu cầu Phương đừng đến nhà ông nữa.
Sau hai tuần không chịu nổi, Tảo lén ra khỏi nhà, không có xe vì bố đã khóa lại bằng khóa khác. Nàng gọi xích lô lên nhà Phương. Đến nơi bấm chuông mà không nghe gì cả, có lẽ nhằm lúc cúp điện, Tảo gõ cửa nhưng cánh cửa sắt dầy lại đặc nên nàng gõ đau cả ngón tay mà chẳng thấy Phương ra. Nhìn qua khe cửa vẫn thấy xe Phương trong sân, Tảo vòng ra phía hẻm sau để gọi qua lối vườn sau phía phòng ngủ.

Vừa đến gần cổng sau thì thấy Phương mở cổng cho cô gái hôm nọ đi ra, cô ta còn đang nhét áo vào quần khi bước ra ngoài ngõ. Cả khung trời như tối sầm lại trước mặt Hương Tảo trong giữa ban trưa nắng chói. Tảo thấy tim thắt lại, phải dựa vào một bức tường để khỏi ngã xuống đất. Khi Phương đóng cửa nhìn ra chợt thấy nàng, Phương gọi:

– Ồ Tảo! Em đấy à…

Tảo không nghe hết câu, ôm mặt chạy thốc ra đường, ngồi lên một xe Honda ôm, bảo tài xế chạy thẳng. Phương ngơ ngác chạy vào nhà lúc mang được xe ra đường thì đã muộn. Phương lái xe đến nhà Tảo, gọi cửa mà không có ai trả lời, đợi cả giờ, cuối cùng đành đi về trong nỗi hoang mang cấu xé.

Phần 9

Từ lúc chạy ra khỏi nhà Phương, Tảo ngồi sau lưng người lái xe ôm như người mất hồn. Khung cảnh phố xá xe cộ chung quanh vùn vụt vút qua mặt Tảo mà không để lại một ghi nhận nào trong tâm thức nàng. Trời Saigon rực lửa, cái nóng cháy da cháy thịt; hơi nắng từ đường nhựa bốc lên cùng bụi bặm và nhất là từng luồng khói đen đặc như than xả ra từ các xe vận tải cổ lổ xỉ, chạy bằng dầu diesel càng làm người ta khó thở. Các cô gái, các tiểu thơ lái xe gắn máy trang bị từ đầu tới chân để chống nắng. Đầu đội mũ, đeo kính đen, miệng bịt khẩu trang, tay đeo găng lên gần bả vai. Người đẹp xấu hay mặt mũi như thế nào chẳng ai biết được; may ra thì nhận dược dáng dấp có thanh tao hay cục mịch thôi.

Chiếc xe chở Hương Tảo đi bao nhiêu lâu nàng cũng không rõ, cho đến khi xe bị vấp ổ gà tưng lên làm Tảo giật mình thoát ra khỏi tình trạng bán mê. Tảo nhìn quanh thấy mình đang ở trên một con đường vắng, hai bên thưa thớt nhà cửa như vùng ngoại ô, nàng giật mình, đập vai người lái:

– Ngừng xe, ngừng xe đi ông ơi!

Chiếc xe thắng lại làm Tảo chúi nhủi, mặt đập vào lưng người lái, mùi áo dính bụi bặm dầu xe cùng cảm giác chao động làm nàng suýt nôn.

Tảo đứng xuống đường, ngơ ngác nhìn quanh, chưa nhận ra chỗ nào cả:

– Chỗ này là chỗ nàỏ
– Khu này là quá Bình Thạnh một chút đó cô
– Sao ông lại chở tôi đến noi này?
– Tôi hỏi 2,3 lần, cô nói cứ chạy thẳng, đâu cũng duợc mà.

Anh chàng lái xe vừa nói vừa cười nhăn nhở. Bây giờ Tảo mới nhìn kỹ mặt anh ta, hàm răng cãi mả và hô cùng với khuôn mặt xương xẩu nhất là ánh mắt giảo hoạt làm Tảo thấy lo ngại. Tảo nói

– Ông cho tôi về lại chỗ lúc nãy đi.
– Tại cô nói đi đâu cũng được thì tôi tiện đường chạy về nhà tôi. Cũng gần đây thôi, hay cô vào nhà nghỉ cho bớt mệt rồi tôi đưa về sau.
– Thôi cám ơn ông, tôi muốn về lại ngay.

Gã đàn ông bước xuống, dựng xe lên, cầm lấy tay Tảo

– Em cứ về anh đi đã nào.

Tảo giật tay lại, lùi hai bước trong khi gã tiến sát vào

– Không, đừng đụng vào tôi, tôi la lên bây giờ.
– Tôi có làm gì mà cô đòi la. Tôi chỉ đòi tiền xe!
– Thế tiền xe bao nhiêu ?
– Một trăm ngàn!
– Trời đất, sao nhiều thế, tôi không có đủ.
– Vậy mà nhiều à, chở cô chạy hơn một tiếng bằng 10 cuốc thường của tôi. Bây giờ cô có chịu trả hay không?
– Chở tôi về nhà tôi lấy tiền trả.
– Không chỏ đi đâu cả, trả ngay lập tức, nghe chưạ

Gã đàn ông hung hãn xấn lại, Tảo sợ quá bất giác quay lưng nhưng gã đã ôm lấy eo nàng

– Chạy hả, quỵt tiền xe hả, không có tiền thì tao lột quần áo trừ.

Gã bịt miệng Hương Tảo, lôi nàng xềnh xệch vào sau một bụi cây , đè Tảo xuống mặt cỏ, một tay cởi áo nàng. Mấy cái khuy chật quá làm gã cởi hoài không ra, sụ thèm khát thú tính làm hắn điên cuồng, xé toạc áo Tảo. Vừa chuyện xảy ra ỏ nhà Phương lại vừa trúng nắng cả giờ làm Tảo không còn sức để dãy dụa và lại còn bị bịt miệng, bịt mũi, nghẹt thở, chỉ thấy cảnh vật như mờ đi.

Chợt một cánh tay choàng qua cổ tên lái xe, kéo ngược về, lôi hắn đứng dậy. Bây giờ thì đến phiên hắn như con thú trong rọ, càng cố gắng vùng vẫy bao nhiêu thì cánh tay cứng như sắt, xâm hình con rồng chạy dài từ vai xuống càng xiết chặt. Người ra tay lại cao lớn, khiến gã xe ôm gần như chân lìa mặt đất, mặt đã tím lại, khọt khẹt không ra lời. Hương Tảo lồm cồm bò dậy, cố lấy vạt áo bị xé đứt ra che lấy ngực.

Người đàn ông đến cứu nàng, thấy Hương Tảo ngồi dậy được bèn lơi cánh tay ra. Gã xe ôm rơi xuống đất trên hai đầu gối, hai tay vừa chống xuống mặt cỏ thì một cái đá vút vào bụng hắn làm hắn tung lên rồi vập xuống như bao gạo, rồi lại thêm một cái vào mặt hộc cả máu ra. Gã lái xe quằn quại, kêu la thảm thiết. Người đàn ông định đá nhồi thêm thì Tảo la lên

– Thôi ông, đừng đánh người ta nữa, đủ rồi.
– Nó định hiếp cô mà, phải đánh cho nó chết.
– Thôi ông tha cho nó đi.

Người đàn ông dựng cổ gã lái xe ôm lên, dằn vào gốc cây

– Hên cho mày là cổ xin tha đó, xin lỗi mau lên!

Gã lái xe ôm lên quy. xuống, thều thào

– Xin lỗi cô, cám ơn cô tha cho.

Rồi lảo đảo chùi vệt máu trên mép, nhịn đau lấy xe chạy mất.

Lúc người đàn ông quay lại, Hương Tảo ngước lên, bất giác rùng mình khi thấy một vết sẹo chạy dài từ mang tai xuống cằm làm nát nửa bên trái cùng với các hình xâm trên cánh tay và trên ngực hở áo.

– Cô ở đâu, tôi đưa cô về.

Hương Tảo nhìn xuống thấy phía trước mình không đủ vải che, hai tay khoanh lại, thu người sát vào mà không dám nhìn lên bộ mắt cô hồn đó. Nét mặt sắt máu lúc nãy khi ra tay với gã lái xe không chút thương xót nhưng khi ánh mắt chạm khuôn mặt Hương Tảo lại dịu đi như một thiếu niên 15, 16; nhưng Hương Tảo không nhận thấy sự thay đổi này.

Hương Tảo ngước lên, vẫn đầy nét sợ hãi. Người đàn ông bước ra lề đường, ngoắc một tên đàn em từ nãy vẫn chờ trên chiếc xe Honda 750 phân khối lớn, to gần gấp đôi xe 50cc, nói nhỏ vài câu. Tên đàn em cởi áo ngoài chỉ còn lại áo thun ba lổ đưa cho đàn anh rồi phóng xe đi. Người đàn ông cầm áo vào

– Cô mặc đỡ áo này đi. Taxi đến ngay bây giờ.

Hương Tảo cầm áo, mặc nhanh vào, vừa vặn có tiếng còi xe hơi ngoài đường. Người đàn ông dìu Hương Tảo ra xe, đưa cho tài xế Taxi vài tờ giấy bạc lớn.

– Cho cô này về nhà nghe chú, có xe thằng em theo hộ tống đó nghe. Có chuyện gì là coi chừng chú đó.

Anh tài xế thấy món tiền lớn, lại nhìn thằng em trên xe mô tô mặt mũi âm thầm nên vội nói

– Dạ, tôi chở cổ về liền.

Chiếc Taxi lăn bánh chạy đi cùng lúc với tiếng rồ máy của chiếc Honda 750cc kèm theo. Người dân anh chị cúi xuống nhặt lấy một tấm danh thiếp Hương Tảo làm rớt ra lúc dằng co chống cự, lẩm bẩm đọc

“Âu Thế Phương
235/12 đường XYZ
Quận 1
TP Hồ Chí Minh

Khuôn mặt đen đủi, lầm lì, sắt đá tương phản với ánh mắt thần ra ngước nhìn theo làn bụi từ hai chiếc xe nhỏ dần.

Taxi chở Hương Tảo về đến nhà, tên đàn em chờ cho nàng vào hẳn, ghi lại số nhà rồi phóng xe như một mũi tên vọt đi, tiếng máy nổ vang rền cả khu xóm.
Hương Tảo vào được đến nhà, may là chưa có ai về, cố gượng hết sức thay được cái áo, vất áo rách và cả áo mượn vào thùng rác, nằm vật xuống giường, chỉ thấy không gian quay cuồng rồi đổ xụp xuống đầu nàng trong một màu đen rất đen.
Lúc Hương Tảo tỉnh dậy là lúc mẹ nàng đang cuống quýt dật tóc mai, mài tóc gáy bằng củ gừng.

– Khiếp con làm mẹ sợ quá đi, may là mẹ về sớm. Ở nhà làm sao lại ngất đi thế.

Hương Tảo gượng nắm tay mẹ, gọi nhỏ:

– Mẹ ơi, con yếu quá.

Rồi nàng lại thiếp đi trong cơn sốt bừng bừng. Những cơn sốt tiếp tục hành hạ nàng trong mấy ngày sau. Trong cơn mê sảng có lúc thấy khuôn mặt sẹo, anh ta thật dữ tợn, cặp mắt khi đánh tên lái xe ôm hằn lên những tia máu đỏ, nhưng khi nhìn nàng thì ánh mắt lại khờ dại như trẻ thơ, như tín đồ trước tuợng Mẹ Maria.
Có lần Hương Tảo lại mơ thấy mình cùng Thế Phương làm phép cưới trong nhà thờ trước bàn rước lễ với những bình hoa hồng rực rỡ và tượng Chúa nhân hòa. Tảo nắm lấy tay Phương, đọc lời giao hứa mà nàng chưa hề học đến:

“Em Cecilia Hương Tảo xin nhận anh Mathieu Thế Phương làm chồng và hứa chung thủy với anh, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc khỏe mạnh cũng như lúc bệnh hoạn, để tôn trọng và yêu thương anh trong suốt mọi ngày đời em”.

Hai người còn đang chờ nghe lời Cha Xứ tuyên bố câu:

“Việc gì Thiên Chúa đã kết hợp thì con người không được phân ly”,

thì bỗng trời đất tối xầm, cát chạy dá bay mù mịt. Khi mở mắt ra được thì chỉ còn mình nàng trên quảng đồng không mông quạnh. Chiếc áo cưới màu trắng trinh nguyên lấm bùn bê bết. Hương Tảo kinh hoàng thét lên “Phương ơi, Phương ơi, đừng bỏ em!”

Bà mẹ giật mình chạy vào nắm lấy tay Tảo, lấy khăn lau những giọt mồ hôi tươm ra trên mặt. Thấy chồng cũng vừa vào, bà chép miệng nói:

– Thật tội nghiệp nó, nửa tỉnh nửa mê cả tuần rồi. Hay cho nó vào nhà thương đi ông.
– Bác sĩ đến chăm sóc nó mỗi ngày, khám bịnh và chích thuốc mà bà. Tôi cũng có hỏi ông ta về nhà thương. Ông ta nói vào nhà thương cũng không tốt hơn, ở nhà còn có người trông nom thường xuyên. Hơn nữa vào nhà thương lại càng dễ bị truyền nhiễm theo như Bác sĩ nói.

– Tôi nghĩ nó một phần là ốm tương tư đấy ông. Cứ gọi tên thằng Phương nào mãi.
– Là cái thằng rủ rê nó hát trên sân khấu ở Công Viên Văn Hóa hôm nọ chứ gì. Hôm qua nó lại đến, tôi có cho nó vào nhà đâu.
– Chết chửa, sao ông không để nó gặp con Tảo. May ra con mình khỏe lại thì sao.
– Ốm thì có thầy, có thuốc.
– Con mình cũng lớn rồi, nó thương ai thì trong nhờ đục chịu. Hôm qua nó đầy 20 tuổi mà thiêm thiếp trên giường, tôi xót quá.
– Bà cho là tôi không xót con à. Nhưng cái thằng đó, vừa là nghề đàn hát, vừa là dân Huế thì tôi không chấp nhận đâu.
– Người Huế cũng là người, chốn nào cũng có người này người nọ chứ.
– Vẫn biết thế nhưng đặc biệt ở Huế lại nhiều người này hơn người nọ bà ơi. Nếu không lại chẳng thành câu
“Sơn bất cao, thủy bất thâm
Nam đa trá, nữ đa dâm”
– Khiếp ông nói quá đáng.
– Đó chẳng phải tôi nói, là do các cụ truyền lại.

Bà thấy ông có thành kiến quá cực đoan với người Huế nên chỉ chép miệng thở dài mà không bàn tiếp. Nhưng hôm sau, chờ chồng đi làm, bà bảo chị Tần đi gọi Phương đến. Phương nghe tin Tảo ốm nặng, lên xe mà lòng thiêu đốt. Trong ba ngày liên tiếp Phương trực bên giường Tảo vào buổi sáng đến trưa thì đi, trước khi bố Tảo về nhà ăn cơm trưa. Thỉnh thoảng Tảo mở mắt được, thấy Phương bên cạnh, nghe loáng thoáng tiếng Phương dỗ dành, gương mặt có thoáng nét vui rồi lại thiếp đi.

Hôm nay Tảo có vẻ khỏe hơn, đã ăn được cháo với thịt bò xoay nhuyễn của mẹ nấu. Phương đút cho Tảo ăn nửa bát, bà mẹ rất vui, cho là mình nghĩ đúng nguyên nhân ốm của con. Mấy ngày gặp gỡ chuyện trò với Phương bà cũng thấy Phương là người tử tế, chỉ sợ chồng mình vẫn cố chấp thì khổ cho con. Bà chép miệng, nói thầm

“Cứ mong cho nó khỏi đã, chuyện khác tính sau”.

Một tuần nữa trôi qua, Hương Tảo đã gần khỏi hẳn, đã đứng dậy ra khỏi giường đi từng bước ngắn với sự nâng đỡ của Phương. Ông bố thấy con bình phục cũng mừng nên dù biết Phương đến nhà mà không nói gì chỉ nhắc khéo vợ khi nào ông về để khỏi chạm mặt Phương.
Những thành kiến cố định một khi đã ăn sâu vào đầu óc con người thì khó trong một sớm một chiều mà phá được dù người có thành kiến biết mình vô lý, nhưng thành kiến là cảm nhận chủ quan không lấy lý lẽ mà giải được.

Hương Tảo tuy vui vì có Phương chăm sóc cả 10 ngày nay nhưng mỗi lần nghĩ đến hình ảnh Phương đưa cô gái ra cửa sau, cô ta vừa bước qua thềm cửa vừa nhét áo lại vô quần thì lại thấy quặn đau. Có khi nằm quay mặt vào tường không nói với Phương cả nửa giờ. Sáng nay Phương dìu Tảo ra ngoài bàn ngoài ăn sáng. Chị Tần pha cafe sữa và nấu bánh đúc sốt cho ăn rồi đi làm. Món này chị học của một cô bạn người Thanh Hóa và là một đặc sản mà người ngoài Thanh Hóa hầu như không biết đến. Bánh đúc quậy bằng bột gạo và vôi, ít vôi thôi không thì bánh sẽ đặc như bánh đúc thường. Bột sền sệt lấy thìa múc được, khi nấu cho nhiều nước cốt lá dứa nên bánh có màu xanh như cẩm thạch. Múc vào bát ăn khi còn nóng nên gọi là bánh đúc sốt. Nhưng ăn không thì chưa đúng kiểu, phải có đậu xanh đãi vỏ nấu nhừ rồi xay hay giã nhuyễn xong nắm thành cục tròn như để làm nhân bánh chưng. Lúc ăn bóp vỡ cho lên trên mặt bát, màu hướng dương của đậu nằm trên màu cẩm thạch của bột trông rất đẹp mắt. Người sành điệu khi ăn không trộn nháo nhào lên mà múc cho khéo có cả bột bánh và đậu, thỉnh thoảng lại trúng một miếng tóp mỡ rán đập nhỏ. Hương vị vừa thật bùi vừa thật thanh, ai đã thử một lần sẽ nhớ mãi.

Còn lại hai người trong nhà, Tảo đã ăn được một mình. Gặp món mà nàng vẫn thích nên ăn rất ngon miệng

– Anh xem chi Tần nấu bánh đúc sốt khéo không ?
– Ngon lắm em, anh chưa ăn bao giờ cả.
– Chị Tần học của bạn, chị Hạnh đấy. Chị Hạnh khéo bếp núc lắm lại có giọng nói dễ thương, “chử” nào “củng” nói thành dấu hỏi cả. – Tảo cố tình đọc sai các dấu ngã.
– Vậy là người Thanh Hóa.
– Anh cũng biết người Thanh Hóa nói vậy à ?
– Đúng ra là người Thanh Hóa ở các làng thôi, còn trong thị xã, thành phố Thanh Hóa thì họ nói đúng hơn. Ở Huế cũng thế, dân quê Huế nói nặng hơn dân nội thành ngoại thành.

Chuyện trò một lúc chợt Hương Tảo lại xịu mặt cúi đầu. Phương hiểu tại sao nên cầm tay Tảo:

– Tảo ơi! Hôm trước em đến rồi đi, anh biết là em giận anh. Anh chạy theo để giải thích mà không kịp, rồi em ốm luôn tới hôm nay. Tảo ơi, đừng giận anh mà, không phải như em nghĩ đâu. Hôm nào em đến anh, anh sẽ nói cho em biết tất cả.

Hương Tảo vẫn cúi đầu không nói; Phương quỳ một gối xuống cạnh Tảo, thấp hơn Tảo ngồi để nhìn được khuôn mặt Tảo từ dưới lên. Trên mí mắt đã long lanh hai hạt lệ, Phương xoay Tảo lại phía mình, đưa mặt lên vừa vặn đón giọt nuớc mắt Tảo rơi xuống trên môi. Không dừng được Phương hôn lên cả hai mắt, uống hết những giọt lệ ứa ra từ đôi mắt nhắm lại của Tảo, rồi là môi chạm môi, rồi là hôn nhau say đắm trong nức nở, trong ngọt ngào của tình yêu có lại, của niềm tin tìm thấy.

Một lúc sau, Tảo nói khẽ:

– Cô ấy là gì của anh ?
– Không là gì cả, em tin anh nhé.
– Nhưng tại sao….
– Mai anh đưa em đến anh nhé, em sẽ biết hết.
– Sao anh không nói bây giờ.
– Anh muốn em tin anh trước.
….
Một thoáng yên lặng như muốn chen vào giữa hai người.

– Em.. tin… anh

Hôm sau Hương Tảo dậy sớm, sửa soạn để chờ Phương đến đón mình và bố mẹ đã cho phép. Hơn hai tuần rồi Tảo chưa rời khỏi nhà, nhìn trong gương không khỏi muộn phiền vì nét xanh xao chưa hết của cơn bệnh. Nhưng phần khác lại vui vì được đi ra ngoài, nhất là đi với Phương.

Tiếng chuông gọi cửa chỉ reng lên một tiếng là Hương Tảo đã đến ngoài. Trời chủ nhật nắng vàng rất đẹp, chiều hôm qua Tảo đã đi lễ bù cho ngày hôm nay. Còn việc hát trong Ca Đoàn đối với nàng không thành vấn đề nữa. Có lúc Tảo định đi xưng tội nhưng nghĩ lại, lại thấy việc mình hát hai bài ấy cũng không phải là tội lớn.

Phương đưa nàng vào nhà, có sẵn bình hoa hồng ở trên bàn, là loại hoa mà Hương Tảo ưa thích. Vẫn chưa hoàn toàn bình phục, nên chỉ ngồi xe một quãng từ nhà đến đây mà Tảo đã thấy mệt phải ngồi xuống ghế nghỉ ngơi. Phương mang kèn ra thổi cho Tảo nghe. Tiếng kèn thật tha thiết và tràn đầy đam mê.

– Em thích nghe anh thổi kèn lắm.
– Anh lại thích nghe em hát.
– Em ốm một trận, sợ mất giọng quá
– Không sao đâu em, vài tuần nữa lại hết đó mà.
-….
-….
– Anh…!
– Gì hở Tảo ?
– Anh định nói gì với em ở đây?

Phương cất kèn, cầm tay Tảo dắt vào phòng vẽ, bật hết mọi ngọn đèn. Lúc này Tảo mới thấy rõ những bức tranh Phương đã vẽ, chưa có bức nào có khung cả. Ngoài một vài bức tranh tĩnh vật, quang cảnh còn hai bức tranh chân dung đàn bà vẽ theo lối trừu tượng. Tuy vậy bức chân dung cũng có thoáng nét của người con gái Tảo gặp hai lần.

Phương đến trước giá vẽ, trên giá vẽ có một khung vải lớn, che phủ với một tấm khăn trải giường. Nét mặt Phương chợt xa xôi, một tay đặt lên viền khăn. Tảo đến theo, lòng hiếu kỳ bị khích động vì tâm tư đó. Phương thở dài một tiếng rất nhẹ rồi kéo khăn che ra; Trên khung vải là một bức tranh đang vẽ dở nửa chừng, vẽ người con gái ngồi xoay lưng xếp hai chân như đáng người cá, Người con gái hoàn toàn khỏa thân, chỉ thấy ¼ mặt nhưng rõ là cô gái ấy.

Phương nói:

– Cô ta không là gì của anh cả, chỉ là người mẫu anh thuê để vẽ thôi em ạ. Bức tranh này anh bắt đầu trước khi gặp em lâu, nhưng anh đã ngưng lại rồi.

Tảo tuy không hiểu nhiều về hội họa nhưng thấy bức tranh thật đẹp cũng ngây người ra ngắm, quên cả chuyện ghen. Người con gái kia dung mạo bên ngoài cũng trung bình thôi mà dưới nét phác họa tài hoa của Phương dù chưa xong vẫn mang đầy nét thanh thoát. Dáng ngồi uyển chuyển vừa trong sáng lại vừa gợi tình, khuôn mặt, một nửa vai và bối cảnh xung quanh chưa xong.

– Anh không vẽ tiếp à ?
– Không, anh đã nói với cô ấy là đừng đến nữa sau khi em đến đây lần cuối đó.

Thoạt nhiên Phương cầm một lưỡi lam rạch hai đường dài làm bức tranh toạt ra. Hương Tảo hốt hoảng kêu lên

– Ô kìa anh làm gì thế ?
– Anh không muốn giữ nó. Vì nó mà anh suýt nữa mất em.

Hương Tảo cảm động ôm lấy Phương

– Em xin lỗi anh. Em không biết nên nghi cô ấy và anh…
– Em không cần xin lỗi. Anh có lại em là có lại hạnh phúc mà.

Một lúc sau Tảo vào phòng tắm rửa mặt.
“Anh ấy yêu mình nên hy sinh tác phẩm, hy sinh nghệ thuật. Sao mình lại hẹp hòi thế? ” Tảo suy nghĩ mông lung. Lúc lau mặt nàng chợt thấy một chiếc áo như áo kimono treo trên vách, Tảo nói thầm
“Chắc là áo cô người mẫu mặc khi nghỉ giữa chừng đây”

Tay vân vê làn tơ mỏng, tự nhiên một ý nghĩ thoáng qua trong đầu làm gò má Tảo thoáng ửng hồng. Như một quyết định dứt khoát, Tảo cởi hết quần áo ra, ngắm mình trong gương một lần nữa, lại càng đỏ mặt nhưng thu hết can đảm, mặc chiếc kimono vào người, mở cửa phòng tắm đi ra.

Phương vừa dẹp xong bức tranh bị rạch vào góc tường thì thấy hai bàn tay nhỏ nhắn bịt lấy mắt mình và tiếng thì thào của Tảo

– Anh quay lại, nhưng đừng mở mắt nhé!
– Ừ, có gì thế em
– Anh hứa là không mở mắt cho đến khi em nói đi!
– Anh hứa đó.

Phương quay lại vẫn nhắm mắt theo lời hứa, rồi cảm thấy bờ môi Tảo hôn nhẹ lên môi mình.

– Em yêu anh
– Anh cũng yêu em vô cùng. Anh mở mắt được chưa bé ?
– Được rồi anh!

Phương mở mắt ra thấy Tảo đứng xoay lưng lại mình, mặc Kimono ngắn đến đầu gối. Mặt Tảo đỏ bừng vì mắc cở, nhắm mắt lại, thả buông chiếc áo tuột ra trên mình xuống đất, thì thào

– Chỉ cho em cách đứng cách ngồi đi anh, em muốn làm người mẫu của anh. Em không muốn anh vẽ và ngắm người khác.

(Còn Tiếp)

Phạm Doanh

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search