T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày 21 tháng 10 năm 2009

Chúng ta đi mang theo quê hương. Câu văn quen thuộc với những người xa xứ lúc nào đọc lên cũng nghe âm vang một nỗi xúc động cũng quen thuộc không kém. Bởi vì quê hương là tất cả những tài sản mà người đi xa còn giữ được, đã không bị tước đọat, và sẽ không bao giờ bất cứ ai, bất cứ chế độ độc tài nào có thể tước đọat được, dù đó là chế độ cộng sản kiểu Kim Chính Nhật.

Nhà văn người Đức gốc Romania Herta Mueller vừa được trao giải thưởng Nobel văn chương cũng mang cùng tâm trạng như những người Việt Nam xa xứ, hay đúng hơn, cũng giống như bất cứ một người bị truất vãng nào. Tác phẩm mới nhất của bà là tiểu thuyết “Tôi mang theo tất cả những gì tôi sở hữu” xuất bản năm 2009. Đó là câu chuyện kể về một thanh niên trẻ tuổi người Đức sống ở Romania, năm 1945 bị bắt rồi bị đày đi quần đảo Gulags. “Nước Romania thời kỳ gần cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Phần lãnh thổ mà người Romania nói tiếng Đức sinh sống thường xuyên bị đặt trong tình trạng căng thẳng sợ hãi liên tục. Đó là ngày 15 tháng 1 năm 1945, lúc 3 giờ sáng, bọn cảnh vệ đến tìm tôi. Ngòai trời nhiệt độ lạnh dưới 15 độ không và vẫn tiếp tục xuống thấp hơn nữa. Đó cũng là khởi đầu cho câu chuyện đời anh thanh niên trẻ tuổi. Câu nói cuối cùng mà người bà của anh thanh niên nhắn với theo là “bà biết chắc rồi con sẽ trở về” .

Chiếc xe tải đưa anh đến trại tập trung để từ đó, anh khởi sự cuộc hành trình vào Liên Xô. Câu nói tiên tri của người bà đã giúp anh sống sót qua bao gian nan khổ cực của cả thể xác lẫn tinh thần trong những năm tháng ở trong trại tù Gulags. Cuối cùng, anh đã trở về. Vì vậy, anh tin rằng, chính câu nói của người bà đã là vị thần bảo mệnh cho mình.

Tác phẩm mới nhất của Herta Mueller: “Tôi mang theo tất cả những gì tôi sở hữu ”

Thựa ra, Herta Mueller viết cuốn tiểu thuyết này sau cuộc phỏng vấn với nhà thơ đồng hương Oskar Pastior, người bị cầm tù ở Gulags từ 1945 cho đến 1949, và một số tù nhân Gulags còn sống sót khác.

“bà biết chắc rồi con sẽ trở về” chính là sự xác tín của con người đứng trước sự áp bức của những chế độ độc tài. Sự sống sót trở về của đứa cháu là một xác tín khác về lẽ tất thắng của những khái niệm nhân bản.

Nhà thơ Oskar Pastior, kẻ trở về từ quần đảo Gulags

Chúng ta đi mang theo quê hương là sự xác tín của những kẻ bị truất vãng nhất quyết không chịu từ bỏ nguồn cội của mình. Chế độ nào cũng chỉ là nhất thời, chỉ có quê hương dân tộc là trường cửu. Và quê hương dân tộc thuộc về nhân dân, thứ tài sản không thể bị tước đọat của họ.

Những người Việt Nam sống lưu vong có vị đại diện là nhà thơ Ngục sĩ Nguyễn chí Thiện. Thơ của ông đã bay khắp thế giới, tố cáo sự phi nhân của một chế độ độc tài. Rồi đây, chế độ độc tài ấy sẽ vĩnh viễn nằm trong đống rác lịch sử, nhưng thơ của ông sẽ mãi mãi trường tồn cùng với non xanh nước biếc của mảnh đất u uẩn quê hương bên kia bờ Thái bình Dương. Sống sót sau 27 năm trong các trại Gulags Việt Nam, nhà thơ là một chứng nhân sống cho lòng xác tín “bà biết chắc rồi cháu sẽ trở về“.

Thơ của tôi

(Nguyễn chí Thiện)

Thơ của tôi không phải là thơ
Mà là tiếng cuộc đời nức nở
Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở
Tiếng khò khè hai lá phổi hoang sơ
Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ
Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ
Tiếng răng lạnh đập vào nhau khổ sở
Tiếng dạ dầy đói lả bóp bâng quơ
Tiếng tim buồn thoi thóp đập bơ vơ
Tiếng bất lực trước muôn ngàn sụp lở
Toàn tiếng của cuộc đời sống dở
Và chết thời cũng dở, phải đâu thơ!
(1970)

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search