T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ông Mạr(quez) Ông Bùi(Giáng)

Gabriel Garcia Marquez bây giờ đã là một triệu phú. Ông sở hữu 7 căn nhà nguy nga tráng lệ ở 5 quốc gia khác nhau. Từ hơn 10 năm trở lại đây, muốn phỏng vấn ông, các tạp chí, các tờ báo phải sẵn sàng chi trả 50 ngàn đô la hoặc hơn cho 30 phút nói chuyện. Các bài viết của ông cũng vậy. Báo chí thế giới săn đón để được đăng tải chúng với những khỏan nhuận bút không nhỏ.

Giàu có. Nhưng chưa hết. Marquez còn là một nhân vật nổi tiếng mà các giới danh giá đều muốn làm quen. Những nhà văn danh tiếng thuộc đủ mọi quốc tịch. Những nhà họat động xã hội (đừng quên, Marquez là một người cánh tả và có mối quan hệ mật thiết với Fidel Castro. Và mối quan hệ này đã từng và vẫn còn là đề tài gây bàn cãi về Marquez. Nhà văn Khuất Đẩu, tác giả bài viết “Yêu ở tuổi chín mươi” nói về tác phẩm “Hồi ức của cô gái điếm buồn của tôi” của Marquez cũng tỏ ý tiếc cho Marquez khi biết được mối quan hệ này dù ông rất “mê” Marquez); Những khuôn mặt nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo thế giới. Tác phẩm “Tin tức về một vụ bắt cóc” (News of a kidnapping ), cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã được Marquez cho xem trước khi tác phẩm vẫn còn ở dạng bản thảo, và ông này đã vui mừng, hãnh diện viết cho nhà văn “Tối qua, tôi đã đọc quyển sách của ngài một mạch từ đầu đến cuối “. Tháng Giêng năm 1998, khi đón tiếp Giáo Hòang Pope John Paul đệ nhị đến thăm Cuba, Fidel Castro đã nài nỉ cho được nhà văn Marquez ngồi bên cạnh mình trong cuộc viếng thăm lịch sử ấy của nhà lãnh đạo tinh thần Thiên Chúa giáo thế giới dành cho một nước cộng sản. Với quần chúng mộ điệu ở những quốc gia châu Mỹ latinh, nếu danh thủ bóng tròn Edison “Edson” Arantes do Nascimento được mọi người âu yếm gọi là Pele thì Gabriel Garcia Marquez cũng có biệt danh là Gabo.

Làm nhà văn mà được như thế thì cũng đáng để làm nhà văn lắm chứ!

Trên trang chính của T.Vấn & Bạn Hữu, bên cạnh Marquez, chúng ta thấy Bùi Giáng. Cũng là những bậc thiên tài như nhau, cũng sinh cùng một thời, cũng là người dân thuộc về một quốc gia không mấy gì gọi là “cường quốc văn chương” như nhau. Columbia so với Việt nam cũng chẳng danh giá gì hơn, thậm chí còn thua về khỏan “lạm phát những anh hùng”.

Cả hai, Marquez và Bùi, đều là ngôi sao bắc đẩu nơi xứ sở mình. Ông Bùi còn có phần nhỉnh hơn vì tài năng đa dạng. Nếu ông Marquez là cha đẻ cho trường phái hiện thực kỳ ảo lãng đãng khói sương thì ông Bùi cũng là cha đẻ của những vần thơ mà tính cách lãng đãng khói sương còn có phần hơn về kỳ ảo hiện thực. Xin hãy đọc lại thơ ông Bùi trong chuyên mục Bùi Giáng của Ngộ Không, nhất là bài viết của ông Bùi về nhà thơ Tuệ Sĩ. Ông Bùi còn dịch sách từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, dịch truyện kiếm hiệp từ tiếng Tầu, viết tiểu luận triết học v..v.  Trong khi đó, văn nghiệp của Marquez tuy đồ sộ thật, nhưng đâu có đa dạng như văn nghiệp ông Bùi. Ngòai ra, như Đỗ Xuân Tê đã nhắc đến trong bài “Bùi Giáng – Ông già ngủ chợ”, sự kiện nhà văn Phạm Thị Hòai, chủ biên trang mạng Talawas lừng danh một thời, đã đề xuớng một giải thưởng văn học mang tên ông Bùi, vì theo bà Phạm thị Hòai “. . . càng đọc Bùi Giáng tôi càng thấy bất chấp mọi kì tích, ông không siêu phàm, thần thoại, trên mọi hạng mục và ngoài mọi luật lệ. Chẳng hề là giải pháp, là phép mầu, ông chỉ sống đến cùng những mảnh đời mà chúng ta không dám sống, chỉ thâu tất cả những mâu thuẫn, bất hạnh, bất lực, mặc cảm, khát khao và thành tựu của không ai khác ngoài chính chúng ta vào một tụ điểm, những thứ không giới hạn ở một Miền Nam trước 75, chúng còn nguyên bây giờ, năm năm sau ngày ông mất. Không một số phận văn chương nào của cả thế kỷ vừa qua, từ vị thế bên lề mà thâu tóm những vấn đề điển hình của văn học và xã hội Việt nam hơn số phận Bùi Giáng… và khó tìm được một tên tuổi nào thanh thoát hơn để làm một biểu tượng chung cho  văn học Việt Nam đương đại” .

Danh giá đến thế mà sao số phận ông Bùi, so với ông Marquez, xem ra thật ngậm ngùi.

Một người thì tiếng tăm lẫy lừng thế giới, có 7 căn biệt thự sang trọng ở 5 quốc gia khác nhau. Một người thì tuy tiếng tăm chưa vượt ra được biên giới xứ sở, nhưng chẳng thua kém ai trong nước mình, lại không có đến một căn chòi để ở, phải ngủ bờ ngủ bụi, ăn mặc rách rưới, đến chết vẫn là người độc thân, vẫn không là sở hữu chủ bất cứ thứ gì vật chất trên đời, ngòai những mối tình si dại. Ông Marquez tuy có vợ, nhưng bà Mercedes vợ ông cũng thường thường bậc trung. Trong khi ông Bùi có tới 3 người tình trong mộng, người nào cũng danh giá chẳng kém ai: Kim Cương Nương Tử có khả năng làm rơi nước mắt bao con người; Hà Thanh Cố Nương tiếng hát tiêu biểu một thời của xứ Thần kinh; Mẫu thân Phùng Khánh (tức ni cô Trí Hải) dịch gỉa tài hoa của bao tác phẩm từng là sách gối đầu giường của nhiều người.

So sánh thì so sánh như vậy, nhưng tôi thực sự không có chút hứng khởi đi tìm nguyên nhân của những khác biệt nêu trên giữa hai ông nhà văn một Columbia, một Việt Nam. Nội sự so sánh, có thể đã bị cho là khập khiễng. Chẳng qua nhân câu chuyện về ông Marquez, về sự giàu có và danh tiếng của ông mà tủi phận nhìn lại người đồng hương phận bạc của mình, rồi liên tưởng đến số phận của những nhà văn “viết chui” khác ở trong nước, chỉ cần nhìn thấy đứa con tinh thần của mình bằng hình thức này hay hình thức khác đến được với độc gỉa là đã đủ vui rồi, dù chưa bao giờ, không bao giờ, nhận được đồng tiền nhuận bút .

Tôi xa quê hương đã nhiều năm. Đã được đọc những tác phẩm của ông Marquez mà không cần phải qua trung gian những dịch giả chuyển ngữ sang tiếng Việt như dạo còn sinh sống trong nước. Mấy lúc sau này, do nhu cầu nghiên cứu, tìm kiếm đó đây mới biết rằng ở trong nước bây giờ, người ta hầu như đã dịch gần hết những tác phẩm của ông Marquez. Không hiểu ông Marquez có được thêm thu nhập nào không vào số lợi tức kếch xù hiện nay của mình do việc tác phẩm của ông được phổ biến tràn lan ở nước Việt Nam, nhưng chắc chắn tiếng tăm của ông trong lòng độc gỉa người Việt hẳn không thua gì ông Bùi .

Năm ngóai, cũng vào tháng 9, tháng của những thành tựu của người Hispanic trên mảnh đất hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, khi ghi chép đôi điều về ông Marquez, tôi đã có nhận xét rằng “làm nhà văn, tức chấp nhận cô đơn”. “Một trăm năm cô đơn” đã đem đến cho ông Marquez đủ mọi thứ mà ai cũng mơ ước có được: tiền tài, danh vọng, tình yêu (ông Marquez cũng đã thú nhận có nhiều cô gái mê ổng với bà Mercedes). Bây giờ, sau “một trăm năm cô đơn” ấy, liệu ông Marquez có còn cần phải “chấp nhận cô đơn” hay không, khi chung quanh ông, bao nhiêu là lạc thú trần gian vây phủ? Nếu đem mệnh đề “làm nhà văn, tức chấp nhận cô đơn” mà nói về ông Bùi, nhà thơ tội nghiệp của chúng ta, thì chắc chắn là “make sense” hơn với ông Marquez.

Càng “make sense” hơn nữa, khi dùng mệnh đề ấy để nói về những nhà văn “chui” ở trong nước hiện nay.

T.Vấn

15 tháng 9 năm 2011

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search