T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (92) – NHẠC PHIM – Thiên Ngôn Vạn Ngữ (Mùa Thu Lá Bay), Cổ Nguyệt & Nhĩ Anh

Tiếp tục phần Nhạc Phim, bài này chúng tôi viết về ca khúc Hoa ngữ Thiên Ngôn Vạn Ngữ của hai tác giả Cổ Nguyệt & Nhĩ Anh, được Nam Lộc đặt lời Việt với tựa Mùa Thu Lá Bay.

Ca khúc này được Đặng Lệ Quân hát trong cuốn phim Thái Vân Phi, lấy cốt truyện từ một cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của nữ văn sĩ Quỳnh Dao.

Với người ái mộ Đặng Lệ Quân trên thế giới nói chung, Thiên Ngôn Vạn Ngữ không nằm trong danh sách 10 ca khúc được yêu chuộng nhất của “Nữ hoàng ca nhạc Á châu”; và với khán giả điện ảnh khắp năm châu, Thái Vân Phi cũng không phải là một trong những cuốn phim hay nhất phóng tác từ truyện của Quỳnh Dao.

Nhưng ở miền Nam VN trước năm 1975, Thái Vân Phi, được Liêu Quốc Nhĩ dịch sang tiếng Việt với tựa đề Mùa Thu Lá Bay, lại là một trong hai cuốn truyện Quỳnh Dao bán chạy nhất, giúp cuốn phim Mùa Thu Lá Bay trở thành một trong những cuốn phim Tàu ăn khách nhất tại miền Nam VN, cùng với ca khúc Thiên Ngôn Vạn Ngữ được nhạc sĩ Nam Lộc đặt lời Việt với tựa Mùa Thu Lá Bay.

Vì thế, khi viết về cuốn truyện và bộ phim Thái Vân Phi – Mùa Thu Lá Bay, chúng tôi muốn xem đây là một hiện tượng giải trí dưới mắt một nhà quan sát hơn là một hiện tượng văn học với tư cách một nhà phê bình.

Trước hết, xin có đôi dòng về thân thế và sự nghiệp của Quỳnh Dao.

Quỳnh Dao là một nữ văn sĩ Đài Loan chuyên sáng tác tiểu thuyết tình cảm lãng mạn nhắm vào đối tượng độc giả chính là phái nữ, chủ yếu là nữ sinh, nữ sinh viên. Ngoài ra, sau khi đã nổi tiếng bà còn là một nhà sản xuất phim với những bộ phim truyền hình dựa theo nội dung các cuốn tiểu thuyết của bà, trong đó, bộ phim tập “Hải Âu Phi Xứ – Mùa Thu Lá Bay” đã trở thành bộ phim ăn khách nhất xưa nay trên màn ảnh nhỏ.

Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, trong một gia đình trí thức, cha là một giáo sư sử trên đại học, mẹ là một giáo viên.

Tuổi thơ của Quỳnh Dao là chiến tranh, loạn lạc, hết Đệ nhị Thế chiến tới Quốc – Cộng phân tranh. Sau khi cộng sản chiếm Hoa Lục năm 1949, Quỳnh Dao theo cha mẹ chạy sang Ðài Loan.

Ở bậc trung học, Quỳnh Dao dành hết tâm trí vào môn văn chương và lơ là đối với tất cả các môn học khác. Đó là nguyên nhân chính khiến cô thi trượt trong cả hai lần thi tuyển vào đại học, trong khi người em gái thì thi đâu đậu đó!

Theo một số tác giả, đây là một vết thương lòng trong đời Quỳnh Dao, nhưng cũng chính nhờ đó mà mà cô chuyên tâm vào việc sáng tác để chứng minh sự hiện hữu của mình. Truyện ngắn đầu tay của cô, Hạnh Vân Thảo, ra đời trong tâm trạng ấy.

Năm 1959, Quỳnh Dao kết hôn, hai năm sau sinh hạ một con trai. Nhưng vì tính tình xung khắc, hai vợ chồng đã chia tay sau 5 năm chung sống. Sau này Quỳnh Dao nhìn nhận đây là thất bại chua xót nhất trong đời mình.

Cũng trong khoảng thời gian kết hôn, Quỳnh Dao bắt đầu viết và xuất bản những cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn đầu tiên của mình, trong đó có Song Ngoại và Thố Ty Hoa.

Vì sau này (khi Quỳnh Dao đã nổi tiếng) xảy ra tình trạng đám “lái buôn văn nghệ” ở Hương Cảng, và cả Chợ Lớn, cho xuất bản tác phẩm của những Quỳnh Dao “giả”, cho nên hiện nay khó lòng biết đích xác số lượng tác phẩm của Quỳnh Dao “thật”. Chẳng hạn trong khi trang mạng Wikipedia viết “Đến nay bà đã sáng tác gần 60 bộ tiểu thuyết, trong đó 17 bộ dựng thành phim truyền hình và điện ảnh”, thì một số tài liệu cho biết Quỳnh Dao chỉ viết 20 truyện dài và khoảng trên 100 truyện ngắn.

Trong bài này, chúng tôi căn cứ vào danh sách của nhà xuất bản Hoàng Quan, Ðài Bắc, nơi xuất bản tất cả mọi cuốn tiểu thuyết (truyện dài) của Quỳnh Dao “thật”, theo đó tính tới năm 1972, bà đã viết 18 cuốn truyện dài, khởi đầu với Song Ngoại và kết thúc với Hải Âu Phi Xứ.

Như vậy, nếu tính cả hai cuốn xuất bản sau này – Băng Nhi (1985), Tuyết Kha (1990) – tổng số tiểu thuyết (truyện dài) của Quỳnh Dao là 20 cuốn. Tất cả đều là những bestseller, trong số đó Thố Ty Hoa tái bản (tại Đài Bắc) 15 lần, Lục Cá Mộng 12 lần, Kỷ Ðộ Tịch Dương Hồng 15 lần…

Trong số 18 cuốn tính tới năm 1972, đã có 16 cuốn được dịch sang tiếng Việt. Trong số 16 cuốn ấy, 13 cuốn do Liêu Quốc Nhĩ dịch, 2 cuốn do Bành Dũng Tôn và Hồng Phong dịch, 1 cuốn do Hoàng Diễm Khanh dịch.

Đồng thời trong số 13 cuốn được Liêu Quốc Nhĩ dịch, có 2 cuốn còn được các tác giả khác dịch, là Thuyền và Hải Âu Phi Xứ.

Để giúp những độc giả thích (hoặc sẽ thích), hoặc muốn đọc thử truyện của Quỳnh Dao, sau đây chúng tôi ghi ra danh sách 16 cuốn truyện dài nói trên cùng với tựa tiếng Việt và tên dịch giả, được “bảo đảm” là truyện của Quỳnh Dao “thật” chứ không phải Quỳnh Dao “giả”.

– SONG NGOẠI: Song Ngoại, Liêu Quốc Nhĩ

– YÊN VŨ MÔNG MÔNG: Dòng Sông Ly Biệt, Liêu Quốc Nhĩ
– THỐ TY HOA: Cánh Hoa Chùm Gửi, Liêu Quốc Nhĩ
– KỶ ÐỘ TỊCH DƯƠNG HỒNG: Tình Buồn, Bành Dũng Tôn & Hồng Phong
– NGUYỆT MÃN TÂY LÂU: Vườn Thúy, Hoàng Diễm Khanh
– THUYỀN: Trôi Theo Dòng Ðời, Liêu Quốc Nhĩ
– THUYỀN: Thuyền, Phương Quế
– TIỄN TIỄN PHONG: Cơn Gió Thoảng, Liêu Quốc Nhĩ
– TINH HÀ: Khói Lam Cuộc Tình, Liêu Quốc Nhĩ
– HÀN YÊN THÚY: Bên Bờ Quạnh Hiu, Liêu Quốc Nhĩ

– TỬ BỐI XÁC: Buổi Sáng Bóng Tối Cô Ðơn, Liêu Quốc Nhĩ
– ÐÌNH VIỆN THÂM THÂM: Một Sáng Mùa Hè, Bành Dũng Tôn & Hồng Phong
– THÁI VÂN PHI: Mùa Thu Lá Bay, Liêu Quốc Nhĩ
– HẢI ÂU PHI XỨ: Hải Âu Phi Xứ, Liêu Quốc Nhĩ
– HẢI ÂU PHI XỨ: Ðừng Ðùa Với Ái Tình, Ðặng Bỉnh Chương & Từ Bội Ngọc
– HẢI ÂU PHI XỨ: Ðường Về Chim Biển, Thôi Tiêu Nhiên

 

* * *

Truyện Quỳnh Dao được được độc giả miền Nam VN ngày ấy đón tiếp một cách khá muộn màng.

Trong tiểu luận Hiện tượng Quỳnh Dao (Khai Hóa, 1973), nhà văn Đào Trường Phúc viết: ”Quỳnh Dao đến với độc giả Việt Nam lần đầu tiên qua tạp chí Văn, số 68, ra ngày 15 tháng 10 năm 1966. Trong số báo này, qua bản dịch của Vi Huyền Ðắc, người ta thưởng thức một bài giới thiệu Quỳnh Dao do Sơn Phượng viết, cùng với bốn truyện ngắn của Quỳnh Dao: Mộng, Cái Nốt Ruồi, Ghét, Chiếc Lọ Cổ. Một thời gian ngắn sau, lại thấy một truyện dài của Quỳnh Dao, Song Ngoại, được dịch và được nhà Hàn Thuyên xuất bản. Dịch phẩm này gần như không được mấy ai chú ý tới. Lại bẵng đi một thời gian. Rồi bỗng nhiên, vào một lúc nào đó, sau khi nhà Khai Hóa xuất bản hai tác phẩm khác: Tiễn Tiễn Phong, Thố Ty Hoa, cuốn Song Ngoại được in lại…

Thế là nhảy từ việc theo dõi bản dịch Thố Ty Hoa, dưới hình thức feuilleton trên tuần báo Ðời, độc giả Việt Nam đổ xô nhau đi mua sách của Quỳnh Dao. Ðánh hơi được cái thị hiếu bất ngờ này, những nhà xuất bản khác cũng lập tức thi nhau cho ra đời một loạt những cuốn tiểu thuyết mang tên Quỳnh Dao. Ít nhất đã có chừng sáu bảy nhà xuất bản làm công việc đó: Trí Ðăng, Ðất Lành, Vàng Son, Chiêu Dương, Quỳnh Dao, v.v…

Tiểu thuyết của Quỳnh Dao được đọc với mục đích tiêu khiển những thời giờ nhàn rỗi, khi người ta tự tách mình ra khỏi cơn lốc mệt mỏi của cuộc sống xô bồ, hỗn độn. Và có lẽ hiểu ngược lại, tiểu thuyết Quỳnh Dao cũng đã được viết với mục đích đáp ứng cái nhu cầu thưởng ngoạn giản dị, bình thường nói trên. Quỳnh Dao không quá dễ dãi, cẩu thả trong công việc sáng tác. Bà say mê với cái công việc ấy, và bà tỏ ra đã luôn luôn duy trì một thái độ làm việc cẩn trọng, ý thức được trách nhiệm của mình đối với nội dung tác phẩm. Nhưng nếu tìm hiểu quan niệm trứ tác của bà phản ánh qua toàn bộ tiểu thuyết cũng như qua những lời phát biểu được ghi nhận, thì người ta sẽ nhận thấy bà không hề có ý định sử dụng tác phẩm để khai phá những chiều hướng mới mẻ, hay để diễn đạt một vũ trụ quan hay nhân sinh quan khác thường…

Nhận định trên đây có lẽ đã tiêu biểu phần nào cho một trong những khía cạnh của vấn đề đang được đề cập tới. Nếu tiểu thuyết Quỳnh Dao được quan niệm như món ăn tinh thần của những độc giả muốn tìm thú tiêu khiển bằng cách lánh xa thực tại phiền toái và đắm mình trong những giấc mơ êm đềm, thì quả thật vai trò ấy đã được làm tròn. Nhưng nếu người ta cố tình đi xa hơn nữa để đòi hỏi ở tiểu thuyết gia những cố gắng quan trọng hơn, sâu rộng hơn, chẳng hạn công việc khai phá một thế giới tác phẩm mới lạ, hay công việc đào xới tỉ mỉ những góc cạnh thầm kín của một xã hội được phản ánh qua văn chương, hoặc của một vũ trụ tâm hồn được thâu hình bởi ống kính của ngôn ngữ…; vâng, nếu người ta cố tình đòi hỏi những điều kiện khắt khe như thế, thì chắc chắn rằng người ta không thể thỏa mãn với tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Có lẽ trong trường hợp này, thay vì đọc Quỳnh Dao, người ta sẽ phải tìm đọc những nữ văn sĩ mà việc sáng tác tuy được đặt trong những điều kiện tưởng chừng tương tự với Quỳnh Dao, nhưng lại lệ thuộc các chiều hướng hoàn toàn dị biệt, chẳng hạn như Pearl Buck, hay Hàn Tú Anh. Sự dị biệt căn bản ấy sẽ cho người ta thấy rằng, so sánh Quỳnh Dao với những Pearl Buck, Hàn Tú Anh, hay xa hơn nữa, với những Katherine Mansfield, Virginia Woolf, Katherine Anne Porter…, là một việc làm bất công, nếu không muốn nói là một việc làm vô lý, lố bịch. Và như thế, có lẽ người ta nên trở lại vấn đề để đi đến một kết luận dung hòa. Có lẽ người ta chỉ nên gọi Quỳnh Dao là một người tình của văn chương, thay vì coi bà như một hiện tượng văn học thời đại…” (ngưng trích)

Một cách chung chung, nội dung các tác phẩm của Quỳnh Dao thường “có nhiều nước mắt”. Dịch giả Lưu Quốc Nhĩ nhận xét vào năm 1973:

“…Theo tôi, cô ta có lối viết ‘mềm’, dễ gây xúc động cho người đọc. Cô luôn cho tràn ngập trong truyện của cô tình thương giữa người với người… Tôi thấy cần phải nói ngay rằng, chúng ta không đòi hỏi hay chờ đợi giá trị văn chương cao trong truyện Quỳnh Dao. Là một dịch giả dịch nhiều nhất truyện Quỳnh Dao qua tiếng Việt, tôi có thể khẳng định, tiểu thuyết của cô không có điều đó…

“Cá nhân tôi, tôi thấy có một nhà văn nữ VN rất gần gũi với Quỳnh Dao. Ðó là nhà văn Lệ Hằng. Truyện của Lệ Hằng cũng rườm rà, éo le, gay cấn…”

* * *

Về phần chúng tôi, trong khi hoàn toàn đồng ý với nhà văn Đào Trường Phúc không nên coi Quỳnh Dao “như một hiện tượng văn học thời đại”, cho rằng, ít nhất cũng tại miền Nam VN ngày ấy, truyện và  phim của Quỳnh Dao phải được xem là một “hiện tượng trong lĩnh vực  giải trí”.

Từ lâu, người Việt đã đọc truyện Tàu, xem phim Tàu nhưng kể cả truyện kiếm hiệp của Kim Dung, phim võ thuật của Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Địch Long… dù có tạo ra những cơn sốt thì cũng có thể lý giải, trong khi truyện của Quỳnh Dao thì vô phương… giải thích. Bởi nếu viết rằng tiểu thuyết của Quỳnh Dao thu hút vì nội dung có tình tiết, diễn tiến thích hợp với cảm quan của người Á đông trong đó có người Việt, thì truyện của bà lẽ ra phải được đón nhận tại miền Nam VN vào giữa thập niên 1960 chứ không đợi tới những năm đầu thập niên 1970.

“Hiện tượng giải trí” ấy được tạo thành bởi hai yếu tố mà nhà văn Đào Trường Phúc đã nêu ra: (1) các nhà xuất bản thi nhau cho ra đời những cuốn tiểu thuyết mang tên Quỳnh Dao để đáp ứng thị hiếu bất ngờ của quần chúng, (2) người ta tìm đọc tiểu thuyết của Quỳnh Dao với mục đích tiêu khiển những thời giờ nhàn rỗi, để tự tách mình ra khỏi cơn lốc mệt mỏi của cuộc sống xô bồ, hỗn độn.

Tuy nhiên, người ta cũng chỉ có thể giải thích về hiện tượng Quỳnh Dao một cách chung chung chứ không thể trả lời câu hỏi: tại sao Thái Vân Phi (Mùa Thu Lá Bay), một cuốn truyện không được đánh giá cao cho lắm của Quỳnh Dao lại ăn khách tại VN đến thế?

Dịch giả Lưu Quốc Nhĩ nói về cuốn truyện dịch bán chạy nhất của ông:

“Ðó là cuốn Mùa Thu Lá Bay của Quỳnh Dao. Tôi dịch xong, giao cho nhà xuất bản Lá Bối của thầy Từ Mẫn. Sách in ra, chỉ trong vòng 1 tuần thôi, thị trường đã ‘hút’ 7,000 ngàn cuốn. Tôi lập lại, bảy ngàn cuốn bán hết vèo trong vòng một tuần. Chính thầy Từ Mẫn của nhà Lá Bối cũng phải kinh ngạc!”

Chưa hết, vào những năm đầu thập niên 1970, cơn sốt do cuốn truyện, cuốn phim Mùa Thu Lá Bay còn  lan sang cả sân khấu, đĩa hát, truyền hình qua “hóa thân” của Bạch Tuyết & Minh Phụng (trên sân khấu cải lương và trong băng đĩa), Mộng Tuyền & Thành Được  (trên đài truyền hình Sài Gòn)…

Thế nhưng với các nhà phê bình thì Thái Vân Phi (Mùa Thu Lá Bay) là cuốn tiểu thuyết có kết thúc “gượng ép” nhất của Quỳnh Dao!

Xin được sơ lược cốt truyện:

Chàng trẻ tuổi Mẫn Vân Lâu được cha mẹ gởi lên Đài Bắc học đại học và ở trọ trong gia đình ông bà Dương, một người bạn vong niên của cha mẹ Vân Lâu. Ông bà Dương có một người con gái nuôi là Hàn Ni; vì không có con và cưu mang cô từ thuở lọt lòng, ông bà Dương thương yêu Hàn Ni như con ruột.

Hàn Ni bị bệnh tim từ nhỏ, sinh mạng như ngọn đèn trước gió cho nên cha mẹ tránh cho cô tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, vì thế cô chỉ làm bạn với âm nhạc và cây dương cầm.

Tiếng đàn dương cầm thánh thót của Hàn Ni đã làm rung động trái tim của Mẫn Vân Lâu. Về phần Hàn Ni, từ ngày có người đồng cảm, cô cảm thấy bớt hiu quạnh, nội tâm bừng lên một sức sống mới, và tình yêu đã đến với cô.

Những thay đổi nội tâm của Hàn Ni và tình cảm cô dành cho Vân Lâu đã không thể dấu được ánh mắt của ông bà Dương. Lo sợ những xúc động tình cảm có thể sẽ cướp đi sinh mạng cô con gái yêu, ông bà đã cho Vân Lâu biết rõ sự tình, và yêu cầu anh xa lánh Hàn Ni để tránh cho cô những cảm xúc bất thường, có thể nguy hiểm tới sinh mạng của cô.

Tuyệt vọng trước ước mơ yêu đương tan biến, một ngày nọ Hàn Ni  lên cơn đau tim, từ giã cõi đời, để lại đau khổ, dằn vặt cho những người thân yêu.

Đau khổ, xót xa trước cái chết của Hàn Ni, Vân Lâu tìm quên qua men rượu…

Nhưng Quỳnh Dao không để Vân Lâu phải đau khổ mãi; và kết quả là một “happy ending” đầy gượng ép:

Một năm sau, Vân Lâu gặp Tiểu My, một cô ca sĩ phòng trà giống Hàn Ni như hai giọt nước. Rồi hai người yêu nhau; Tiểu My yêu Vân Lâu vì chàng là một gã si tình… đáng yêu, chỉ tới mỗi khi có Tiểu My hát và ra về ngay sau khi nàng rời quán, còn Vân Lâu yêu Tiểu My chỉ vì nàng giống Hàn Ni.

Thời đó, người ta vẫn còn quan niệm “xướng ca vô loài”, vì yêu Tiểu My, Vân Lâu bị cha mẹ từ. Trong khi đó ông bà Dương, người đã xem Hàn Ni như con đẻ của mình, thì ngay trong lần đầu tiên gặp Tiểu My đã khám phá ra Tiểu My chính là em song sinh của Hàn Ni!

Nguyên Hàn Ni và Tiểu My là con một nhạc sĩ nghèo, bà mẹ mất ngay sau khi sinh con, ông bà Dương không con cái nên xin Hàn Ni về nuôi để có niềm an ủi, đồng thời chia bớt gánh nặng cho người nhạc sĩ nghèo đơn độc.

Câu chuyện kết thúc khi Tiểu My sinh một bé trai kháu khỉnh, cha mẹ Vân Lâu xum hợp với con trai, nhìn nhận con dâu và cháu nội; về phần ông bà Dương thì nhận Tiểu My làm con thay thế người chị song sinh vắn số…

* * *

Với thành phần độc giả phái yếu “mau nước mắt” thì đoạn kết của Thái Vân Phi thật vẹn toàn, nhưng nhận xét một cách chung chung thì đoạn kết ấy quá bất ngờ – không phải một sự bất ngờ thích thú mà đầy gượng ép!

Thái Vân Phi được chuyển thể thành phim điện ảnh, trình chiếu năm 1973, có tựa tiếng Anh là The Young Ones.

Như chúng tôi đã viết ở đoạn đầu, với khán giả điện ảnh khắp năm châu nói chung, Thái Vân Phi cũng không phải là một trong những cuốn phim hay nhất phóng tác từ truyện của Quỳnh Dao. Về sau, nếu người ta có còn nhớ tới Thái Vân Phi thì chủ yếu cũng vì cuốn phim này đã có công lăng-xê cặp Đặng Quang Vinh (vai Mẫn Vân Lâu) và Chân Trân (vai Hàn Ni).

Đặng Lệ Quân

Với người ái mộ tiếng hát Đặng Lệ Quân trên thế giới nói chung, ca khúc Thiên Ngôn Vạn Ngữ  cô hát trong cuốn phim Thái Vân Phi cũng không nằm trong danh sách những ca được yêu chuộng nhất của cô.

Đặng cô nương chỉ thực sự nổi tiếng quốc tế sau khi đầu quân cho hãng đĩa Polydor Japan vào năm 1973 (sau khi hát bảnThiên Ngôn Vạn Ngữ  trong phim Thái Vân Phi) để rồi tới cuối năm đó đoạt giải “Ngôi sao ca hát mới nổi xuất sắc nhất” (Best New Singing Star) với ca khúc Nhật Kuko (The Airport).

VIDEO:

Kuukou (Airport) – Teresa Teng

Về ca khúc lời Hoa thì phải đợi tới năm 1977, sau khi thu đĩa Nguyệt lượng đại biểu ngã đích tâm (Ánh Trăng Nói Hộ Lòng Tôi, The Moon Represents My Heart), Đặng Lệ Quân mới thực sự đạt tới đỉnh cao của một ca sĩ gốc Hoa nổi tiếng quốc tế.

Phụ Lục 1: Ánh Trăng Nói Hộ Lòng Tôi, Đặng Lệ Quân

Còn ca khúc Thiên Ngôn Vạn Ngữ  (Ngàn lời nói, vạn cậu thề) ngày ấy chỉ là một trong chín ca khúc được hát trong cuốn phim Thái Vân Phi, và sau này không nằm trong bất cứ danh sách Top 5 nào của Đặng Lệ Quân (trừ ở miền Nam VN).

Chín ca khúc trong phim Thái Vân Phi do Cổ Nguyệt (Koo Yue) soạn nhạc, được bốn tác giả khác nhau soạn ca từ. Trong chín ca khúc ấy, bốn bản do nam ca sĩ Wan Sha-lang (?) trình bày, ba bản do Đặng Lệ Quân, và hai bản do nữ ca sĩ Vưu Nhã (You Ya).

Trong ba bản do Đặng Lệ Quân hát có Thiên Ngôn Vạn Ngữ  do Nhĩ Anh (Er Ying) đặt lời.

Các ca khúc nói trên cùng với một nhạc khúc không lời được hãng Life Records (Hương Cảng) phát hành qua album Nhạc phim Thái Vân Phi (The Young Ones Soundtrack). Riêng ba ca khúc do Đặng Lệ Quân hát sau đó đã được Lee Fung Records, một hãng đĩa nhỏ ở Hương Cảng, phát hành dưới dạng đĩa 45 vòng.

Sau này vào năm 1977, khi Đặng Lệ Quân đã nổi tiếng quốc tế, Thiên Ngôn Vạn Ngữ  mới được hãng đĩa Polydor Records (Hương Cảng) đưa vào một album của cô.

Phụ Lục 2: Thiên Ngôn Vạn Ngữ , Đặng Lệ Quân

VIDEO:

Đặng Lệ Quân (邓 丽 君) – Mùa Thu Lá Bay / Thiên Ngôn Vạn Ngữ (千言万语)

Về sau, Thiên Ngôn Vạn Ngữ đã được Vương Phi (Faye Wong, sinh năm 1969) hát lại vào năm 1995 trong album gồm những ca khúc tiêu biểu của Đặng Lệ Quân để bày tỏ sự ngưỡng mộ thần tượng thời niên thiếu của mình. Rất tiếc, album này chưa kịp phát hành thì Đặng Lệ Quân đã đột ngột qua đời vào tháng 5 năm đó.

VIDEO:

Vietsub + pinyin】千言万语 / Thiên ngôn vạn ngữ – Vương Phi Faye Wong 王菲

 

Tới đây, chúng tôi viết về ca khúc Mùa Thu Lá Bay, tức phiên bản lời Việt của Thiên Ngôn Vạn Ngữ.

Hiện nay, mọi người đều đã biết tác giả lời Việt của Mùa Thu Lá Bay là nhạc sĩ Nam Lộc, nhưng trước năm 1975 chỉ có mấy người trong cuộc biết mà thôi.

Nguyên sau khi cuốn tiểu thuyết Thái Vân Phi được Liêu Quốc Nhĩ dịch sang tiếng Việt với tựa đề Mùa Thu Lá Bay, cuốn phim Thái Vân Phi (Mùa Thu Lá Bay) được nhập vào Việt Nam và chiếu tại rạp Lệ Thanh, Quận 5 Sài Gòn (rạp này cũng là nơi Đặng Lệ Quân trình diễn khi tới Việt Nam lần thứ nhất vào năm 1971), đã xuất hiện phiên bản tiếng Việt của ca khúc Thiên Ngôn Vạn Ngữ có tựa đề Mùa Thu Lá Bay của tác giả “Lệ Thanh”, một tên tuổi hoàn toàn xa lạ trong làng ca nhạc miền Nam lúc bấy giờ.

[Hơn 10 năm trước đó, Sài Gòn có một nữ danh ca với nghệ danh “Lệ Thanh” nhưng sau khi lên xe hoa đã vĩnh viễn giã từ nghiệp cầm ca, khoảng giữa thập niên 1960]

Chỉ tới sau khi ra hải ngoại, mới có người “bật mí” tác giả “Lệ Thanh” chính là nhạc sĩ Nam Lộc. Chuyện này khá dài dòng (và rắc rối), thiết nghĩ không gì bằng phổ biến nguyên văn đoạn chính trong email mới nhất của Nam Lộc (tháng 9/2019) gửi cho chúng tôi và một số anh chị em văn nghệ sĩ thân quen về việc này.

* * *

Thưa hai anh Hoài Nam, Hoàng Xuân Sơn, quý anh chị và các bạn,

…Bài “Mùa Thu Lá Bay” hoàn toàn do tôi “phóng tác” lời Việt theo “đơn đặt hàng” của ông bà nhạc sĩ Ngọc Chánh, là giám đốc nhà xuất bản Khai Sáng ở VN thời bấy giờ (ông bà hiện đang cư ngụ tại Orange County, California và cũng được cc: email này).

Sở dĩ tôi dùng chữ “phóng tác” cho nhạc phẩm này vì tôi không thích xem phim Tầu, mặc dù ông bà Ngọc Chánh mua 3 lần vé, muốn tôi đi xem cuốn phim “Mùa Thu Lá Bay” được chiếu tại rạp Lệ Thanh để viết lời cho gần với nội dung của câu chuyện tình bi đát này. Nhưng cả 3 lần tôi đều nhờ các cô em gái đi xem và về kể lại cho tôi để soạn lời cho bản nhạc phim nổi tiếng nói trên chứ tôi không dự.

Lý do phải 3 lần mới xong là do phải thay đổi khuynh hướng sáng tác, từ những ý tưởng với lời lẽ trừu tượng và “lãng đãng” mà tôi hay dùng trong ngôn ngữ âm nhạc của mình, thì nay nhà sản xuất muốn tôi viết lời một cách rất chân thật và giản dị. Ông bà Ngọc Chánh đã kiên nhẫn thuyết phục tôi đến lần thứ ba thì tôi mới hoàn tất phần soạn lời cho bài hát này. Nhà xuất bản càng vui bao nhiêu, thì tác giả càng “ấm ức” bấy nhiêu, vì không được viết theo ý mình. Cuối cùng, cả hai bên đồng ý là không để tên Nam Lộc mà thay tên tác giả bằng “Lệ Thanh” (không có chữ Nguyễn Thị) khi phổ biến nhạc phẩm “Mùa Thu Lá Bay”!

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho thi sĩ Du Tử Lê được phổ biến trên tờ Người Việt tại Hoa Kỳ vào tháng 6, 2018, Ông Ngọc Chánh đã chia sẻ một số chi tiết, được ghi lại như sau (trích):

“Nhạc sĩ Ngọc Chánh, con chim đầu đàn của ban nhạc, kiêm chủ nhân trung tâm băng nhạc Shotguns, cũng nhắc lại chuyện ông chính là người đầu tiên mời ca sĩ Hương Lan, nổi tiếng ở lãnh vực cải lương, làm người đầu tiên thâu âm ca khúc “Mùa Thu Lá Bay” (nhạc Trung Hoa) cho băng Shotguns số 36?  Ca khúc “Mùa Thu Lá Bay” sau biến cố Tháng Tư, 1975, lại nổi đình đám thêm một lần nữa, ở hải ngoại với tiếng hát Kim Anh.

Về nguồn gốc của ca khúc này, nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết, bài hát đó vốn là nhạc phim của một cuốn phim Trung Hoa, chiếu ở Sài Gòn. Tình cờ nghe được, thấy hay, ông đã nhờ nhạc sĩ Nam Lộc đặt lời Việt. Ông còn cẩn thận đưa tiền trước cho nhạc sĩ Nam Lộc mua vé đi xem phim… Ông nói: “Tôi không biết có phải Nam Lộc thấy bài ca thuộc loại thấp hay không, mà Nam Lộc tuy vẫn đặt lời Việt cho bài hát, nhưng không ký tên Nam Lộc, mà dùng tên một phụ nữ, bạn của Nam Lộc (?)….”

(https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/ngoc-chanh-mot-tai-nang-va-nhan-cach-dang-quy/)

Thưa quý anh chị và các bạn, những chi tiết kể trên có rất ít người biết và được giữ kín cho đến khi ra hải ngoại. Nữ ca sĩ Kim Anh là người đã liên tục trình bầy cả hai lời Việt và Trung Hoa của bản “Mùa Thu Lá Bay” và được nhiều người yêu thích. Trong một cuộc phỏng vấn Kim Anh, nhạc sĩ Trường Kỳ đã bật mí chi tiết về tác giả, từ đó Kim Anh rất lịch sự và đi đâu cô cũng đều giới thiệu tên tôi mỗi khi hát bài này trên sân khấu, và đặc biệt qua các DVD cùng những đĩa nhạc của Trung tâm Asia và nhiều hãng sản xuất khác. Tôi hãnh diện đón nhận những “diễn biến” này và cảm thấy mình “ngây ngô” với cái “tự ái vặt” của thời tuổi trẻ. Xin anh chị Ngọc Chánh và quý vị khán thính giả tha lỗi cho!

Nam Lộc

California “mùa thu lá (chưa) bay”, 2019)

* * *

Trước khi giới thiệu phiên bản lời Việt Mùa Thu Lá Bay của Nam Lộc, chúng tôi cũng xin ghi ra bản dịch (khuyết danh) lời hát trong nguyên tác Thiên Ngôn Vạn Ngữ như sau:

Em không biết tại vì sao

Nỗi phiền muộn cứ vây quanh lấy em

Mỗi ngày em đều cầu nguyện

Để sự cô đơn lạnh lẽo của tình yêu qua nhanh đi

Anh đã từng nói với em

Sẽ mãi mãi chỉ yêu mình em

Ngàn lời nói, vạn câu thề giờ chỉ như mây thoáng qua

Em không biết tại vì sao

Nỗi phiền muộn cứ vây quanh lấy em

Mỗi ngày em đều cầu nguyện

Để sự cô đơn lạnh lẽo của tình yêu qua nhanh đi

Em không biết tại vì sao

Nỗi phiền muộn cứ vây quanh lấy em

Mỗi ngày em đều cầu nguyện

Để sự cô đơn lạnh lẽo của tình yêu qua nhanh đi

Anh đã từng nói với em

Sẽ mãi mãi chỉ yêu mình em

Ngàn lời nói, vạn câu thề giờ chỉ như mây thoáng qua

Em không biết tại vì sao

Nỗi phiền muộn cứ vây quanh lấy em

Mỗi ngày em đều cầu nguyện

Để sự cô đơn lạnh lẽo của tình yêu qua nhanh đi.

 

Mùa Thu Lá Bay (LV: Nam Lộc)

Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời
Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm
Lạy trời được yêu mãi nhau người ơi
Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi

Thế gian ơi sao nhiều cay đắng
Tình vẫn đắm say người cũng xa ta rồi
Ngồi ôm vết thương lòng đớn đau
Nghe tình rên xiết trong tim sầu

Mùa thu lá bay anh đã đi rồi
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau

Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời
Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm
Lạy trời được yêu mãi nhau người ơi
Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi

Thế gian ơi sao nhiều cay đắng
Tình vẫn đắm say người cũng xa ta rồi
Ngồi ôm vết thương lòng đớn đau
Nghe tình rên xiết trong tim sầu

Mùa thu lá bay anh đã đi rồi
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau.

 

Trước năm 1975 tại miền Nam VN, Hương Lan, con gái nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, là ca sĩ đầu tiên thu âm bản Mùa Thu Lá Bay, kế tiếp là Sơn Ca…

Phụ lục 3: Mùa Thu Lá Bay – Hương Lan

Sau này tại hải ngoại, Mùa Thu Lá Bay đã đi liền với tiếng hát của nữ ca sĩ Kim Anh (sinh năm 1953), nguyên là một nữ sinh người Việt gốc Hoa, quê Đồng Tháp, được du học từ năm 1969.

Kim Anh bắt đầu ca hát từ năm 1977 tại một nhà hàng của người Hoa ở Nữu Ước, nhưng chỉ trình diễn nhạc ngoại quốc và nhạc Hoa, trong đó có hai ca khúc Thiên Ngôn Vạn NgữMáu Nhuộm Bến Thượng Hải lời tiếng Hoa.

Mãi tới năm 1982, Kim Anh mới hát bản Mùa Thu Lá Bay lời Việt trong băng cassette đầu tiên của cô, và từ đó cái tên Kim Anh đã gắn liền với ca khúc này.

Phụ lục 4: Mùa Thu Lá Bay, Kim Anh

VIDEO:

Mùa Thu Lá Bay Kim Anh; Doanh Doanh

Từ đó, Mùa Thu Lá Bay đã được nhiều ca sĩ, đa số là nữ, ở hải ngoại cũng như trong nước, như Phi Nhung, Như Quỳnh, Ngọc Lan, Cẩm Ly, Mai Lệ Quyên… thu âm.

Phụ lục 5: Mùa Thu Lá Bay , Như Quỳnh

Sau hết, chúng tôi xin giới thiệu một phiên bản lời Việt khác của Thiên Ngôn Vạn Ngữ cũng với tựa đề Mùa Thu Lá Bay, được phổ biến trên YouTube với ghi chú “Trích từ DVD Thế Giới Nhạc Trẻ 1, gồm 18 bài hát thu âm trước 30/4/1975”. Trang mạng ca nhạc chiasenhac.com cho biết tác giả là Kỳ Phát.

Mùa Thu Lá Bay (LV: Kỳ Phát)

Lòng buồn xót xa duyên kiếp bẽ bàng
Nói yêu thương cho lòng xót xa
Còn gì cho nhau phút giây gần nhau
Hỏi ai biết chăng cho lòng đớn đau.

Trách ai kia sao vội quên mau
Lời đã ghi còn nhớ mãi trong lòng?
Dù xa cách nhưng lòng khó quên
Dù thời gian có phai nhạt nhoà.

Rồi tình cũng bay theo lá thu vàng
Trách cho duyên mang tình trái ngang
Tình đầu giờ đây đã theo làn mây
Còn bao xót xa theo tình dở dang.

Lòng này muốn quên đi những ưu phiền
Cố quên đau thương tình đã xa
Ngồi nhìn thu sang lá khô nhẹ rơi
Hỏi ai thấu cho duyên tình xót xa.


Khó quên đi kỷ niệm thu xưa
Nhìn lá rơi lòng bỗng u buồn
Tình đã hết, sao lòng khó quên?
Còn gì đâu phút giây ban đầu.

Rồi tình cũng bay theo lá thu vàng
Trách cho duyên mang tình trái ngang
Tình đầu giờ đây đã bay thật xa
Sầu thương xót xa theo tình dở dang.

 

VIDEO:

DVD Thế Giới Nhạc Trẻ – Mùa Thu Lá Bay – Lệ Thu ca

 

* * *

 

VIẾT THÊM:

Trong email của nhạc sĩ Nam Lộc gửi chúng tôi có hai đoạn đáng lưu ý:

(1) Lời thuật của Nam Lộc: Cuối cùng, cả hai bên đồng ý là không để tên Nam Lộc mà thay tên tác giả bằng “Lệ Thanh” (không có chữ Nguyễn Thị) khi phổ biến nhạc phẩm “Mùa Thu Lá Bay”!

(2) Ngọc Chánh nói với Du Tử Lê: “Tôi không biết có phải Nam Lộc thấy bài ca thuộc loại thấp hay không, mà Nam Lộc tuy vẫn đặt lời Việt cho bài hát, nhưng không ký tên Nam Lộc, mà dùng tên một phụ nữ, bạn của Nam Lộc (?)….”

Như Nam Lộc đã cho chúng ta biết, bút hiệu “Lệ Thanh” anh sử dụng cho bản Mùa Thu Lá Bay chẳng qua chỉ là tên rạp hát Lệ Thanh ở quận 5, Sài Gòn, nơi đang chiếu cuốn phim Mùa Thu Lá Bay. Chẳng lẽ nhạc sĩ Ngọc Chánh lại không để ý tới sự liên hệ này; cũng có thể ông biết nhưng vẫn cố tình nói với Du Tử Lê “không ký tên Nam Lộc, mà dùng tên một phụ nữ, bạn của Nam Lộc (?)….” để tạo thêm một giai thoại trong làng ca nhạc chăng?!

Cũng rất có thể chính Nam Lộc đã cố tình… “vờ vĩnh” để Ngọc Chánh hiểu “Lệ Thanh” là phương danh của bạn gái của mình?!

Chỉ biết một điều chắc chắn, tới năm 1974, khi soạn ca từ lời Việt cho ca khúc “Tell Laura I Love Her” với một nội dung hết sức diễm tình qua một tựa đề cực kỳ thơ mộng “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, Nam Lộc đã ghi tên tác giả là “Nam Lộc – Nguyễn Thị Lệ Thanh”, đưa tới việc không ít người đồ đoán Nam Lộc đang say mê một tà áo trắng Trưng Vương phương danh “Nguyễn Thị Lệ Thanh”, nên ghi thêm tên nàng vào tác phẩm của mình… thay cho lời tỏ tình. Rất tiếc, mối tình đẹp ấy (nếu có thật) đã bị dang dở, cho nên sau này tại ngoại, bên dưới tựa đề “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” chỉ còn một mình tên “Nam Lộc” đứng lẻ loi mà thôi.

“Huyền thoại Nguyễn Thị Lệ Thanh” tới đây coi như chấm dứt.

HOÀI NAM

 

THAM KHẢO:

– Hiện tượng Quỳnh Dao, Đào Trường Phúc (Khai Hóa, 1973)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search