T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Lũ lụt miền Trung và ngàn năm Thăng Long

Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm . . . Bài hát của cố nhạc sĩ Phạm đình Chương mấy chục năm nay cứ văng vẳng như lời nguyền đến hẹn lại lên ở quê hương xứ dân gầy miền Trung đất cầy lên sỏi đá. Năm nào trời cũng mưa cũng bão. Năm nào đất cũng lũ cũng lụt.

Những ngày này, tâm hồn tôi vô cùng xao động, khiến không thể tập trung vào được một điều gì. Hình ảnh những căn nhà đổ nát, những xác người trôi lập lờ trên sông, tuy xa cách cả một đại dương mà lại vô cùng quen thuộc.

Tôi cũng đã từng trải qua một tuổi thơ thường xuyên chống chọi với mưa bão, với lụt lội, với lo sợ, với đói rét, với nỗi đau mất mát.

Đây là những hình ảnh tôi mượn từ trang Blog Nguyễn quang Lập ở Việt Nam.

 

Lũ lụt ở Miền Trung


Theo tin từ báo chí trong đợt mưa lũ từ ngày 1/10 cho đến 6 giờ chiều hôm nay 4/10 giờ Việt Nam, đã làm cho 12 người chết và 2 người mất tích tại miền Trung Việt Nam. Tại Quảng Bình, đã có 16 000 ngôi nhà chìm trong biển nước ; mực nước tại nhiều con sông ở Hà Tĩnh, Quảng Trị dâng cao.

Mưa lớn tập trung ở vùng Hà Tĩnh. Theo tin chúng tôi vừa nhận được, một đập thủy điện tại đây có thể bị vỡ, làm cho gần 20 ngàn dân phải sơ tán.

Do mưa lớn, thuỷ điện Hố Hô nằm trên địa bàn xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, giáp ranh với huyện Hương Khê, tình Hà Tỉnh có nhiều nguy cơ bị vỡ, vì hồ này bị tích đầy nước nhưng cửa xả bị sự cố không mở được. Trên 40 triệu mét khối nước có nguy cơ đổ xuống hạ lưu, do vậy chính quyền đã do sơ tán khoảng 20 ngàn dân trong khu vực. (Theo RFI). Một người bạn của bọ ở Thị xã Quảng Trị chết đã ba ngày, vẫn phải quàn trong nhà, chưa thể đem đi an táng. Quê Thuận Bài ven sông Gianh bị ngập tràn, anh gọi điện về nhà không liên lạc được. Ba Đồn chỉ bị ngập cục bộ nhưng đã biến thành ốc đảo, bốn xung quanh lũ tràn. Theo Mục Đồng, phóng viên của Quê choa thường trú tại Đồng Hới, thì mưa lũ vẫn chưa ngớt, Đồng Hới đang bị nước lũ cô lập từng bộ phận

Hàng ngàn hộ dân trong tình trạng nguy hiểm, hàng trăm ngôi nhà ngập tới nóc, đã có hơn 10 người chết và mất tích. Những hình ảnh kinh hoàng về mưa lũ tại khúc ruột miền Trung được VietNamNet tổng hợp từ nhiều nguồn.

Các cồn nổi giữa sông Gianh (Quảng Bình), nơi có hàng ngàn người dân sinh sống đang dần bị lũ “nuốt chửng” –Ảnh: DT


Gần 20.000 hộ dân đang đối mặt với trận lũ lịch sử trên sông Gianh – Ảnh: DT

Nước đã vượt xa mức báo động 3 nhưng mưa vẫn xối xả – Ảnh: DT
Hình ảnh tại Quảng Bình – Ảnh: NNVN




Những  hình ảnh lũ lụt ở Sông Gianh- ảnh của DT và CAND

Nước lũ vẫn đang hung hãn trút về ở Hà Tĩnh- Ảnh: LĐ

Đập thuỷ điện Hố Hô (Quảng Bình) đang cố gắng xả tràn giải nguy cho thân đập – Ảnh: Bee.net.vn


Mục Đồng cung cấp ảnh: Di dời dân ra khỏi vùng lũ.- Ảnh  của Đặng Hà và Ngọc Hà.

Miền Trung đang kêu cứu- Ảnh báo Tuổi trẻ

 

Miền Trung đất nước thì đang phải đối phó với lũ lụt, với người chết, với gia sản một đời tiêu tan từ hơn tuần lễ nay thì ở miền Bắc, nơi thành phố thủ đô là trái tim của cả nước thì sao ? người ta vẫn tưng bừng tiếp tục cuộc vui ngàn năm mới có một của lễ hội Thăng Long với chi phí lên đến hơn 4 tỉ đồng đô la¸một số tiền khổng lồ.

Trái tim của cả nước mà vô cảm vậy sao ?

Cũng từ trang Blog Nguyễn Quang Lập¸tôi đọc được lá thư dưới đây của nhà văn Trần Nhương gởi đến cơ quan công quyền thành phố Hà Nội:

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Kính gửi: Ông Chủ tịch thành phố Hà Nội.

Tôi là Trần Nhương, Nhà văn, công dân thủ đô. Tôi viết thư này xin đề nghị mấy điểm sau đây:


– Cắt giảm 19 điểm bắn pháo hoa (thay vì 29 điểm) và các tiết mục khác không cần thiết để tiết kiệm tiền giúp đỡ bà con lũ lụt miền Trung. Nhân dân chúng tôi sẵn sàng xem pháo hoa qua TV cũng không sao. Hà Nội tổ chức kỉ niệm ngàn năm kéo dài tới 10 ngày liệu có quá lãng phí, phô trương không ? Một nước nghèo vào nhóm cuối của thế giới mà lễ hội quá linh đình liệu có nên không ?

– Sau đại lễ Hà Nội nên công khai cho dân biết số kinh phí chi cho đại lễ là bao nhiêu. Đây là tiền của dân, dân phải biết. Hà Nội nên làm gương về việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Kính thư


Trần Nhương

(Nguồn: Website Trần Nhương)

Tôi cũng đọc được đọan ý kiến này của một người dân bứt rứt về cảnh xa hoa lãng phí ở một nơi và cảnh lũ lụt tàn phá ở một nơi :

Lũ và Lễ

Đất trời thật không công bằng khi lũ lụt tàn phá khủng khiếp, gây bao khốc hại, tang thương cho người dân miền Trung đúng vào những ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long (ĐLNNTL) đang hồi cao trào và rộn ràng.

Tính đến chiều ngày 6 tháng 10, miền Trung có 44 người chết, 23 người mất tích, hàng nghìn người bị cô lập và hàng trăm nghìn ngôi nhà vẫn ngập chìm trong lũ. Không ít người dân nơi đây trong cảnh “màn trời chiếu đất”, thậm chí một số người vô vọng bấu víu vào nóc nhà bị cô lập giữa đói khát, mưa lạnh và biển nước mênh mông.

ĐLNNTL đang diễn ra đúng kế hoạch, nhưng có cảm giác niềm vui của nhiều người không trọn vẹn lắm vì có lẽ bị phân tâm. Giữa không khí náo nhiệt của lễ hội, vẫn bắt gặp không ít tâm trạng “vui là vui gượng kẻo mà”. Trong những ngày này, hầu hết mọi người lòng trĩu nặng, đau đáu hướng miền Trung vốn dằng dặc khó nghèo lại đang phải gồng mình trong mưa lũ.

Cả nước đang hướng về miền Trung, sẻ chia nỗi đau mất mát với truyền thống lá lành đùm lá rách. Nhà nhà, người người, ai ai cũng tích cực tham gia quyên góp, cứu trợ với ước mong nhỏ nhoi là làm dịu đi một phần nỗi đau mất người thân, mất sản nghiệp của đồng bào miền Trung. Nhìn bác đạp xe ba gác, bàn tay đen đúa chai sần cầm mấy đồng bạc lẻ nhàu nhĩ trân trọng đặt lên bàn cứu trợ ở Chợ An Đông, quận 5 TP.HCM, ai cũng thấy lòng mình chùng lại, sống mũi cay cay. Lòng nhân ái luôn là sợi dây tâm linh gắn kết cộng đồng và góp phần trường tồn dân tộc này.

Giá như trong ĐLNNTL đang tưng bừng diễn ra, chúng ta lược bỏ đi một số chương trình rườm rà, một số “hội mà không lễ” cũng như những sinh hoạt văn hóa ít mang chủ đề Đại lễ … thì sẽ dành được một khoản tiền đáng kể có thể làm bớt khó khăn cho miền Trung. Giá như, thay vì kéo dài mười ngày, Đại lễ có thể làm gọn lại và kết thúc sớm hơn dự kiến, thì cả nước có thời gian và nguồn lực để tập trung cho miền Trung vốn đang chồng chất khó khăn và cần sự trợ giúp hơn bao giờ hết lúc này.

Có thể sẽ có ý kiến phản đối rằng ĐLNNTL là chương trình quốc gia trọng đại được “lập trình” mấy năm nay rồi, không thể cắt giảm và dừng được, làm vậy sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của Đại lễ và sụt giảm khách du lịch v.v… Xin thưa, thảm họa thiên tai là bất khả kháng và liệu hôm nay có ai trên đất nước này có thể vô tư tham dự những sinh hoạt Đại lễ khi mà hàng triệu đồng bào Miền trung đang rên xiết trong lũ lụt trắng trời? Và lũ lụt gây chết hàng chục người, hàng nghìn hecta lúa mùa đang thu hoạch bị cuốn tả tơi theo lũ, bao người mất nhà cửa… chẳng phải là “sự kiện trọng đại quốc gia” cần phải cấp bách xử lý hơn tất cả mọi thứ lúc này đó sao?

Nếu thu gọn quy mô và rút ngắn thời gian ĐLNNTL, nếu có thể được thì dừng lại, thì nghĩa cử này sẽ được lòng dân, được bạn bè quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Thiết nghĩ, đây cũng là cách thiết thực nhất, ý nghĩa và nhân văn nhất để kỷ niệm ĐLNNTL – biểu tượng của lòng nhân ái chung đúc trong hồn, cốt để dân tộc Việt bất tử trên thế gian này.

(Ngọc Dũng)

http://tamnhin.net/Diemnhin/4797/Lu-va-Le.html

Thêm những nhân xét :

1. Lũ lớn khắp miền Trung thương đau, người mất, nhà tan, ruộng vườn xơ xác, … một gói mì tôm nhai ngấu nghiến sao mà chua sót, năm nào cũng vậy nghèo đói lại thiên tai, ngóc đầu mãi không được miền Trung ơi! nước Việt ơi!
2. Mới tính sơ qua Đại lễ ngàn năm thăng long hà nội 94.000 tỷ, một ngôi trường cấp 2/3 vùng sâu để được kiên cố hoá cần gần 1 tỷ 94 ngôi trường cứu dân, cứu cái nghèo mạt kiếp, cứu cái nền giáo dục xập xệ, cứu … có đáng nói không nhỉ?
3. 8 năm lôi cuốn bao nhiêu nguồn lực và vật lực của Nhân dân của Đất nước chỉ để mua lấy sự đồng bóng, sự phỉ báng thánh thần và sự lăng mạ lịch sử.
4. 10 ngày ăn chơi nhảy múa hội hè, 10 ngày xả rác, 10 ngày lãnh phí vô hình không biết bao nhiêu mà kể.
5. Sau đại lễ là cái gì? là các dự án đưwjc chi tiền vô tội vạ, là sự xả thải ô nhiễm môi trường, là nỗi xác sơ lòng người tử tế, là niềm tin bị mất nhiều đến mức không thể mất thêm được nữa.
6. Sau đại lễ là những đồng tiền được chia chác, được tổng kết được hỉ hả cho nhau, kẻ bất lương cơ hội thì giàu sụ và được hưởng quyền cao chức trọng, …
7. Sau đại lễ lòng SĨ PHU tan nát, Đất nước này về đâu?
Than ôi! Sao Trời lại phạt đám dân đen, họ có tội tình chi hả Trời?

(HL)

Và so sánh :

Vâng – tất cả,tất cả những ai có lương tâm và lo lắng cho đồng bào Miền Trung đều trông chờ ….
Đồng bào Miền Trung không phải chờ tiền cứu trợ,hảo tâm hay một ngày lương được trích của những ai đó,khi chỉ một lễ hội mà nhà nước tiêu tốn đến 4 tỷ đô la.Nước Nhật khi xẩy ra động đất năm 1995 tại Kobe thiệt hại về người và của rất lớn,song họ từ chối lòng hảo tâm đầy thiện ý của các quốc gia để tự khắc phục hậu quả với lòng tự hào dân tộc cao.Vậy mà trong lịch sử nước Nhật chưa khi nào một lễ hội họ phung phí tới 4 tỷ đô kể cả khi họ tổ chức Thế vận hội 1964 hay giải WC 2002.

Hãy dừng mọi nghi lễ (bắn pháo hoa,diễu binh,diễu hành,các trò vui chơi giải trí khác) vừa tiết kiệm vừa thể hiện lòng trắc ẩn đây lương tâm để dành tất cả cho bà con vùng lũ mà không cần kêu gọi hay động viên sự đóng góp như mọi khi.

( Mèo Hen )

Rồi lại so sánh :

Xin gửi mọi người đoạn tin trên Vietnamnet năm 2008 để biêt khi thiên tai xảy ra đúng dịp có sự kiện quan trọng họ hành xử ra sao:

Đảng Cộng hòa Mỹ đã quyết định thay đổi kế hoạch tổ chức đại hội toàn quốc của đảng này dự kiến diễn ra từ 1-4/9 vì cơn bão Gustav, ứng viên Cộng hòa John McCain cho biết.
“Đây là lúc chúng tôi tạm dừng chuyện chính trị của đảng và phải hành động như mọi người Mỹ khác. Chúng tôi cần gia nhập đội quân gồm 300 triệu người Mỹ nhân danh các công dân của chúng tôi. Đây là thời gian để hành động. Vì thế, chúng tôi quyết định dừng các hoạt động của mình trong ngày mai vì đây là việc hoàn toàn cần thiết”, Thượng nghị sĩ McCain tuyên bố từ St. Louis, Missouri.
…….ông McCain nhấn mạnh, sẽ không thích hợp để tổ chức một sự kiện chính trị rình rang khi đất nước phải đối phó với cơn bão lớn.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ George W. Bush và phó Tổng thống Dick Cheney sẽ không tham dự đại hội. Ông Bush sẽ có bài phát biểu ở phiên họp của đảng Cộng hòa hôm nay thông qua vệ tinh.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ đã ban bố lệnh khẩn cấp toàn bang ở Mississippi, tiếp theo quyết định tương tự tại Louisiana và Texas. Ông Bush cũng yêu cầu liên bang hỗ trợ thêm cho địa phương khu vực dự báo có bão Gustav đi qua.
Đấy là ở Mỹ, còn ở ta tại sao mọi người có thể vui vẻ thưởng thức lễ hội khi đồng bào mình đang trong cảnh thiên tai, mất mát, chết người. Chúng ta có phải là người cùng một nước không?

( Lê Việt )

Xin mời đọc một bài thơ :

KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG ĐÓN MỪNG ĐẠI LỄ

Đón Đại lễ một ngàn năm Thăng Long
Lũ lụt lại đến thăm khúc ruột miền Trung nghèo đói
Mẹ nghèo, con thơ cùng bao dân vùng lụt lội
Gồng mình chèo chống con thuyền cùng gói mì tôm

Đại lễ nắng vàng, điện đèn sáng choang
Dòng người ào ào về vui cùng lễ hội
Ai biết được rằng mạ xóm nghèo vẫn ra đồng lặn lội
Bắt con tôm con tép nấu với ruột bầu non

Đại lễ vàng Thánh Gióng hiện về lung linh
Hỏi rằng nơi mô là người dân mình khổ nhất
Dạ thưa có một nơi nghèo nhưng ân tình sâu nặng
Là những con người của dải đất miền Trung

Rứa mới biết tình người xứ sở nơi đây
Gió Lào thổi bay đôi quang gánh khỏi mảnh vai gầy của Mạ
Mùa lũ lụt tràn về Mạ lại chao nghiêng mình che chở
Những đứa con thơ dại trên con đò định mệnh lên non

Đại lễ ơi ! Ngàn năm mới có một ngày
Mừng lắm lắm nhưng tủi buồn cũng lắm lắm
Nỏ dám trách chi nhưng hãy chung tay chia sẻ với bà con vùng lũ
Dù chỉ một chút hảo tâm thôi nhưng là cả tấm lòng vàng

( Phó Thường Dân )

T.Vấn

7 tháng 10 năm 2010

Bài Mới Nhất
Search