T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Trở về từ cõi chết

Những người thợ mỏ Chi Lê đã bắt đầu nếm mùi “danh vọng” của những vị anh hùng sau 69 ngày đêm bị giam hãm dưới độ sâu 2 ngàn bộ Anh. Giây phút sung sướng nhất cuộc đời khi được gặp lại người thân tưởng như sẽ không bao giờ gặp được nữa đã qua.

Bây giờ là thực tại với không biết điều gì sẽ chờ đón. Đầu tiên là cảm giác mình được cả thế giới săn đón.

Những ngày này, những người từ cõi chết trở về là những khuôn mặt được thế giới chú ý đến nhiều nhất. 22 giờ cuối cùng của cuộc giải cứu dài 69 ngày đã là những giờ phút mà rồi đây Holywood sẽ tái hiện lại đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Giọt nước mắt đón người thân vừa từ cõi chết trở về

Cánh cổng bệnh viện, nơi 33 vị anh hùng bất đắc dĩ đang được chăm sóc một cách hết sức chu đáo theo lệnh của chính vị Tổng thống Chi Lê, vẫn chưa mở ra để trả họ về với gia đình và cuộc sống thường ngày, nhưng đã có biết bao người đang đứng chờ họ. Những nhà sản xuất Show truyền hình. Những nhà biên sọan kịch bản chuyên nghiệp. Cả những đội bóng tròn nổi tiếng của Châu Âu, của Nam Mỹ cũng mong được chia một phần nhỏ câu chuyện của họ.

Cuộc sống thật nhộn nhịp chào đón những người về từ cõi chết, hay đúng hơn, những câu chuyện của họ.

33 người thợ mỏ may mắn

Một công ty hầm mỏ ở Hy lạp muốn mời họ đến nghỉ một tuần ở hòn đảo Aegean nắng ấm để cạnh tranh với một văn phòng du lịch Chi Lê muốn những nhà anh hùng phải là khách danh dự của mình ở khu vực quần đảo Chiloe tuy mưa quanh năm nhưng lại rất thơ mộng.

Các đội bóng lẫy lừng châu Âu như (Real) Madrid, Manchester và cả Buenos Aires của Á Căn Đình muốn được vinh dự đón họ ngồi trên hàng ghế danh dự của vận động trường để xem những trận đấu đầy tính nghệ thuật.

Tống thống xứ Bolivia trân trọng mời họ đến dự tiệc ở dinh Tổng thống.

Người điều khiển Show truyền hình nổi tiếng “Sabado Gigante” ở Miami tên là Don Francisco chính thức mời họ xuất hiện trên Show diễn của mình.

Nghe nói rằng một trong số 33 thợ mỏ có tên Edison Pena, trong suốt thời gian bị kẹt dưới đáy mỏ, ngày nào anh ta cũng chạy bộ ngay dưới vùng đá sập, thành phố New York của Mỹ muốn mời anh tham dự vào cuộc thi chạy Marathon sẽ được tổ chức vào tháng tới.

Edison Pena , chạy bộ cả khi ở dưới đáy hầm

Còn gì nữa?

Những vị anh hùng của chúng ta đã lập kỷ lục thế giới về thời gian 69 ngày sụp hầm và sống sót. Hiển nhiên họ sẽ được Tập Ghi Chép kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận. Đội giải cứu đã đề nghị Guinness ghi tên cả 33 người , thay vì chỉ ghi tên Luis Urzua, người đội trưởng và là người cuối cùng được giải cứu. Phát ngôn viên của Guinness tuyên bố họ hứa sẽ xem xét đề nghị này.

Luis Urzua, người cuối cùng được giải cứu

Ngòai ra, có một người đã viết nhật ký trong 69 ngày bị kẹt dưới đáy địa ngục. Đó là người thợ điện 48 tuổi Victor Segovia, người thứ 15 được giải cứu. Ông ghi chép tường tận từng chi tiết về những ngày thử thách này. Đã có lúc, ông yêu cầu gởi xuống cho ông giấy và bút chì để ông làm việc. Chắc chắn là thế giới sẽ được biết nhiều chi tiết đáng chú ý nhờ vào tập nhật ký của Segovia.

Trong khi đó, gia đình của 33 người thợ mỏ cũng đang ráo riết chuẩn bị những bữa tiệc đòan tụ, tiếp đón người thân và cả những tiệc cưới đã bị trì hõan lâu nay vì nhiều lý do, nay nhân dịp này họ quyết định tổ chức, vì tin rằng sẽ không còn cơ hội nào thuận tiện hơn.

Chính phủ Chi Lê hứa sẽ chi trả 6 tháng trị bệnh tâm lý cho họ cũng như những nhu cầu về sức khỏe khác, đồng thời hướng dẫn họ cách thức đối phó với giới truyền thông đang ráo riết săn đón.

Tổng thống Chi Lê cùng với 33 người thợ mỏ may mắn

Tuy còn quá sớm để bàn luận, nhưng vấn đề liệu những người sống sót sau tai nạn sụt hầm khủng khiếp này có quay trở lại làm việc ở đó nữa không đã được đặt ra. Gia đình của họ chắc chắn là sẽ không tán thành việc họ quay lại tiếp tục làm việc ở mỏ với những lý do rất chính đáng: Không ai muốn phải trải qua những ngày đau xót như thế này một lần nữa. Nhưng nếu như vì sinh kế gia đình, và vì không thể kiếm một công việc nào khác, thì việc những người thóat chết này quay trở lại nơi súyt chút nữa là mồ chôn của mình cũng không có gì khó hiểu.

33 người thợ mỏ này quả là may mắn.

Biết bao nhiêu người khác, đã từng trải qua những địa ngục trần gian khủng khiếp hơn, với thời gian lâu dài hơn, khi thóat ra khỏi những nơi đó, đã không được nhiều người biết đến¸không được đón tiếp như những anh hùng.

Thí dụ như những người lính Mỹ của cuộc chiến tranh Việt Nam. Với họ, cuộc chiến tranh ấy là địa ngục. Tuân theo mệnh lệnh của đất nước, họ lên đường đi vào chiến tranh, đi vào cõi chết. Bỏ qua một bên những cái đúng cái sai của cuộc chiến, mà cho dù có sai đi nữa thì cái sai ấy không thuộc về những người lính đối diện với cái chết hàng giờ, hàng phút, những người lính ấy xứng đáng được đón tiếp như những anh hùng nếu họ may mắn sống sót trở về. Mặc cảm chiến tranh Việt Nam của nước Mỹ đã tước đi của họ cái cảm thức kiêu hãnh lẽ ra họ phải có.

Giọt nước mắt cho đồng đội đã nằm xuống nơi mảnh đất xa lạ

Hoặc những người lính miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khỏang thời gian kinh qua địa ngục trần gian trong những trại cải tạo chắc chắn là kinh hòang hơn 69 ngày sống dưới hầm sụp ở Chi Lê rất nhiều.

Những kẻ chiến bại trong ngày hòa bình thứ nhất

Hay gần đây nhất, những ngư dân Việt Nam ở ngòai khơi biển Đông bị nhà cầm quyền Trung quốc bắt giữ. Trí tưởng tượng nghèo nàn nhất cũng có thể hình dung ra cảnh khổ của họ như thế nào. Rồi khi được phía Trung quốc thả ra, cũng chẳng ai biết, cũng không có sự đón tiếp của chính phủ nước mình, nói gì đến quan tâm giúp đỡ để tái lập lại cuộc sống bình thường.

Ngư dân Việt nam bị Trung quốc bắt giữ

Càng so sánh, càng thấy 33 người thợ mỏ Chi Lê quả là thật may mắn.

T.Vấn

15 tháng 10 năm 2010

Bài Mới Nhất
Search