T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày ấy. Bây giờ


1.

Tháng 1 năm 2010, được tin nhà văn người Mỹ, J.D. Salinger, từ trần, tôi có những dòng ghi chép như sau:

Trong mỗi người gìa đều có hình ảnh một đứa trẻ của qúa khứ.

Đứa trẻ ấy nay không còn trẻ nữa, nhưng những hồi ức về cái thời tuổi trẻ ấy vẫn mãi mãi còn đó. Và chắc chắn, nó luôn luôn làm nặng trĩu trái tim của người gìa, kẻ mà đứa trẻ ấy sau nhiều năm sống trong đời sống đã trở thành. Người gìa và đứa trẻ, hai hình ảnh của một cuộc đời. Ngày ấy và bây giờ.

Nay, đứa trẻ ấy đã ngã xuống giữa đồng cỏ xanh tuổi thơ, trong dáng dấp một người gìa. J.D. Salinger, tác gỉa “bắt trẻ đồng xanh” (The Catcher in the Rye), đã chết, ở tuổi 91. Nhân vật lừng danh của ông, Holden Caulfield, trong ” bắt trẻ đồng xanh “, 17 tuổi, đã được cả thế giới biết đến. Ở Việt Nam, những năm 1965, tôi đã làm bạn với đứa trẻ Holden một cách nhiệt thành, vì thấy bóng dáng mình trong anh chàng bướng bỉnh, quấy phá, nghịch ngợm ấy. Phải cám ơn dịch gỉa Phùng Khánh qua bản dịch tiếng Việt của The Catcher in the Rye. Thời chúng tôi ở Sài Gòn những năm ấy (60s, 70s), có những bản chuyển ngữ tiếng Việt từ những tác phẩm ngọai quốc đã làm vinh danh cho tác gỉa, kể cả đối với những độc gỉa mà trình độ ngọai ngữ đủ giỏi để đọc tác phẩm ấy từ nguyên tác. Đó là trường hợp của “Câu chuyện dòng sông” của Herman Hess qua bản chuyển ngữ sâu sắc của Phùng Khánh, Phùng Thăng, hoặc “Bố Gìa” của Mario Puzo qua bản chuyển ngữ tuyệt vời của Ngọc Thứ Lang. Và đó cũng là trường hợp “Bắt trẻ đồng xanh” của Phùng Khánh.

The Catcher in the Reye là tác phẩm đầu tay của Salinger xuất bản năm 1951. Vừa ra đời, quyển sách lập tức gây được sự chú ý của công chúng. Từ 60 năm nay, The Catcher in the Rye vẫn còn là đầu đề bàn luận của nhiều giới, từ văn học cho đến các tác giả thuộc khoa học xã hội. Ở Việt Nam, mới đây, tác phẩm đã được nhà xuất bản Văn học tái bản dựa trên bản dịch của Phùng Khánh (với một số sửa chữa).

Đứa trẻ lội ngược dòng nước năm xưa đã thành danh, đã nổi tiếng khắp thế giới, đã trở nên giàu có, nhưng cuối cùng, khi trở thành người già, đã phải chịu thúc thủ và cam chịu đời sống ấn dật.

Đồng xanh vẫn cứ xanh. Bao nhiêu Holden Caulfield tiếp tục vào đời và tiếp tục ngã xuống giữa đồng xanh.

Dầu vậy, đồng xanh vẫn cứ xanh.


Gần 40 năm kể từ ngày làm quen với cậu bé nghịch ngợm Holden, tôi đã kết bạn với cậu ta trong tiềm thức. Cũng giống như Holden, trả tiền thuê cô gái điếm nằm với mình chỉ để nói chuyện, tôi cũng đã mạo hiểm đến khu bến xe Petrus Ký (đường Petrus Ký cũ, nay là Lê Hồng Phong. Khu này, trước đây là bến xe đò miền Tây và là xóm bình khang nổi tiếng nhất Sài Gòn những năm 1960s), chọn một cô gái điếm trông có vẻ gìa dặn, chỉ để chuyện vãn về cuộc đời, về thân phận gái điếm, thân phận con trai nghèo, xấu nên không tìm được bạn gái. Cô gái điếm thông cảm, sẵn lòng nằm nghe. Cô còn tử tế miễn cho tôi khỏan lệ phí phải trả, vì theo lời cô, tôi đã không thò tay chạm vào người cô, hành động mà cô cho rằng khách làng chơi phải sòng phẳng trả tiền. Trong “Bắt trẻ đồng xanh” của Salinger, tuy anh bạn Holden không làm tình với cô gái điếm, nhưng theo trí nhớ của tôi, anh bạn trẻ quả đã có chạm với người cô gái điếm (phần trên hay phần dưới tôi không quả quyết), nên sau đó, bị bọn ma cô đánh sưng mặt vì trả không đủ tiền. Cô gái điếm của tôi, quả có tử tế hơn trong “Bắt trẻ đồng xanh“. Cô vui lòng trút bỏ xiêm y để cho tôi được lần đầu tiên chiêm ngưỡng một thân thể đàn bà. Cảm giác ấy đến nay tôi vẫn còn nhớ. Cái cảm giác lên cơn sốt kỳ quái, nhưng ở một nghĩa nào đó, cũng thật linh thiêng. Trước mặt tôi, lúc ấy cô gái điếm không còn là cô gái điếm, mà là một người nữ từ lâu tôi hằng khao khát, cái khao khát rất thanh cao, rất platonic. Cái thanh cao được hỗ trợ bởi sự ngu dốt (hay đúng hơn là ngây thơ), của anh con trai tự ti mặc cảm nghèo, xấu. Tôi không biết mình phải làm gì để chứng tỏ mình là người đàn ông trước người nữ ấy. Cô gái điếm ôm đầu tôi ép vào ngực cô, ve vuốt, và giúp tôi cởi bỏ quần áo. Tôi run rẩy nép vào người cô như nép vào ngực một người mẹ. Nhưng khi rời khỏi căn phòng nóng bức, chật chội, nhơ nhớp, tôi vẫn còn là trai tân. Dù cô gái điếm hết sức nhã nhặn từ chối, tôi vẫn nhét được vào tay cô đồng tiền dành dụm từ nhiều ngày cho buổi mạo hiểm này. Có lẽ đó là hành động đàn ông duy nhất tôi chứng tỏ được với người nữ lần đầu tiên cho tôi nhìn rõ thân thể mình.

Từ bấy đến nay, đời (tôi) đã nhiều nỗi thăng trầm. Cảm giác đầu tiên nhìn một người nữ lõa thể vẫn lẩn khuất đâu đó, chứ không biến mất. Từ bấy đến nay, Holden vẫn là Holden, cậu bé phá phách nghịch ngợm. Còn tôi đã không còn là tôi nữa. Từ bấy đến nay, cánh đồng xanh tuổi thơ vẫn cứ xanh cho những tuổi thơ, cho những Holden Caufield. Riêng Salinger, cha đẻ của Holden, càng nổi tiếng càng muốn lui dần vào bóng tối, vì ông sợ chính ngay sự nổi tiếng .

2.

Ngày 27 tháng Giêng năm 2011 này là ngày giỗ đầu của nhà văn Mỹ J.D. Salinger.

Nghĩ cũng lạ, nhiều khi tôi không nhớ nổi ngày giỗ của những bậc trưởng thượng gần gủi nhất trong gia đình, vậy mà tôi lại đi nhớ ngày giỗ của một ông nhà văn lạ chủng.

Việc gì cũng có nguyên ủy của nó.

Chẳng phải vì ông nhà văn Mỹ Salinger này, tác giả “Bắt trẻ đồng xanh” lừng danh cả thế giới, đã từng một thời cho tôi nhân vật Holden làm người bạn vô hình, lúc nào cũng chập chờn ẩn hiện trong tiềm thức, nhất là những khi tôi cô đơn. Chẳng qua là, cách đây một năm, lúc ông Salinger qua đời ở tuổi 91, tôi có một đọan ghi chép nói đến ở trên.

Một người bạn trẻ, đọc được những dòng này, đã hỏi tôi rằng câu chuyện đó có thực không, vì khó tin quá. Một anh con trai mới lớn, nằm trần truồng không một mảnh vải che thân, cùng với một người nữ cũng tênh hênh như thế, mà không có gì xẩy ra, dù chỉ một động tác rờ rẫm, thì quả là lạ. Hoặc là anh ta là một người mất (hay không có) khả năng làm đàn ông, hoặc là anh ta là hậu thân của Liễu Hạ Huệ bên Tàu *. Theo lời người bạn trẻ đó, tôi vẫn có khả năng làm đàn ông (bằng cớ là tôi đã có gia đình và có con cái như ai). Còn câu chuyện cái anh Liễu Hạ Huệ bên Tàu thì cũng chỉ là huyền thuyết đọc cho vui chứ cũng đáng ngờ lắm.

Câu chuyện nhỏ, của một anh con trai xấu trai, nhà nghèo, đầy mặc cảm bỗng quay trở lại ám ảnh tôi y như anh chàng Holden của nhà văn Salinger mấy chục năm trước đã ám ảnh tôi. Nhờ vậy, tôi nhớ ngày giỗ của cha đẻ nhân vật Holden tiêu biểu cho thanh niên một thời đại ngày nào.

Để trả lời cho người bạn trẻ, tôi đã phải lao tâm khổ tứ không ít. Cái khó tin của câu chuyện đối với những người trẻ bây giờ là vì câu chuyện xác thịt chung đụng giữa nam và nữ ngày nay dễ dàng và trong tầm tay hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Vì dễ, vì có thể muốn là có, không bị nhiều ức chế bởi luân lý xã hội, giáo dục gia đình, nên chuyện sờ tay chạm chân là chuyện quá bình thường. Câu hỏi của anh bạn trẻ xóay mạnh vào một tình huống rất “hiển nhiên” của câu chuyện: hai người nam nữ ở trong phòng riêng, không có gì ngăn cản họ làm công việc đương nhiên của nam và nữ vẫn làm, cô gái là người hành nghề cho mượn thân xác trong một khỏang thời gian nào đó, anh con trai đường hòang đóng vai kẻ ăn bánh trả tiền, thì có gì khác để gọi là trở ngại trong việc thỏa mãn điều tôi gọi là “cơn sốt kỳ quái “.

Những người trẻ bây giờ làm sao hiểu được mấy chục năm trước cha anh mình “cả quỷnh” ** như thế nào trong những chuyện mà ngày nay coi như những “chuyện thường ngày ở huyện”. Cầm bàn tay một cô gái mà mình mơ ước được làm quen từ lâu nó gây cảm giác ngây ngất cuồng điên như thể thế giới này chỉ còn một mình ta và nàng. Và hơi ấm từ bàn tay của nàng, hương thơm từ mùi tóc của nàng sẽ còn theo ta đến nhiều ngày về sau, trong lúc thức, khi nằm ngủ, chập chờn trên những trang vở bài thi tú tài, mà nếu thi rớt, cuộc chiến tranh khủng khiếp đang lan tràn trên khắp miền đất nước sẽ như con quái vật mở ngóac miệng ra nuốt trửng ngay anh con trai tội nghiệp. Tôi là một trong những anh con trai cả quỷnh đó, cùng với cảm giác lạ lùng từ bàn tay cô gái láng giềng, là cái cánh gà Trung sĩ ám ảnh tôi mỗi ngày, mỗi đêm của mùa thi tú tài năm nào.

Sau mùa thi, tôi may mắn có tên trong danh sách những thí sinh thi đậu. Có nghĩa là tôi còn được tiếp tục học tiếp lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài 2, chứ không phải khăn gói vào trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ chuẩn bị cho giai đọan đầu 9 tuần thụ huấn căn bản quân sự trước khi đi ra Nha Trang vào trường Hạ sĩ quan Đồng Đế với triển vọng chắc chắn là cái cánh gà như một số bạn đồng lứa của tôi ngày ấy (chữ V – hình như cái cánh gà – gắn trên cánh tay, biểu tượng cho cấp bậc Trung sĩ trong quân đội VNCH ngày ấy. Đậu Tú Tài 1 là đủ tiêu chuẩn đi học lớp sĩ quan trừ bị, ra trường với cấp bậc Chuẩn úy. 18 tháng sau, nếu còn sống, anh Chuẩn úy sẽ đương nhiên thăng cấp Thiếu úy, đeo bông mai vàng chóe trên cổ áo. Ngày ấy có câu đồng dao thời thượng: Thà chết trên cành mai còn hơn sống trên vai anh cánh gà trung sĩ. Câu đồng dao ám chỉ việc các cô gái thích lấy chồng sĩ quan hơn là hạ sĩ quan (Trung sĩ).

Chỉ với một sự đụng chạm giữa hai bàn tay mà đã “ám ảnh” đến như thế, nói gì đến những cử chỉ gần gủi mà ngày nay những người trẻ thản nhiên biểu diễn chúng có khi ở ngay nơi công cộng. Nhớ lại năm xưa, nhờ “cả quỷnh” như thế, nên tôi vẫn còn tập trung được đầu óc để vượt qua được 2 kỳ thi sinh tử cho những người con trai sống trong thời ly lọan. Và, có lẽ, nhờ vậy mà sống còn cho tới bây giờ.

3.

Kể câu chuyện mới chỉ xẩy ra mấy chục năm nay mà tôi tưởng mình đang kể chuyện cổ tích. Những chàng trai bặm trợn ngày nay nào biết rằng tiền nhân của mình mấy chục năm trước nhiều người chết đi trên trận địa mà thân xác vẫn trắng trong chưa hề nhuốm “bụi trần”. Nhiều người chưa hề được thấy “hình thù của người nữ” nó tròn méo như thế nào, dù chỉ là qua hình ảnh. Nói chi đến những gần gủi ” ãng mạn, mê đắm” dễ dàng như móc đồ trong túi như ngày nay. Thế cho nên, cũng chẳng lạ gì chuyện anh con trai cả quỷnh, thi đậu tú tài 1 xong thì cô gái láng giềng cũng vâng lời bố mẹ mà quên đi thằng con trai nghèo khó gần nhà, nên đến xóm bình khang chỉ để tìm một người nữ sẵn lòng nghe anh ta tâm sự cùn. Nỗi sầu muôn thuở của ngày mới lớn ấy, cùng với thằng bạn vô hình mang tên Holden của nhà văn Mỹ Salinger, đã là chứng nhân cho họat cảnh ngộ nghĩnh trong câu chuyện của tôi với cô gái điếm đã khiến một người bạn trẻ thắc mắc.

Ngày ấy, bây giờ. Câu nói ngắn, nhưng khỏang cách thời gian thì thật khủng khiếp.

Nếu cho tôi được đẩy lùi bánh xe thời gian và được chọn nội dung của đời sống, thì tôi sẽ chọn “ngày ấy” hay ” bây giờ”?

Quả là một câu hỏi khó, nhưng hình như câu trả lời đã có sẵn. Vì đứa trẻ ngày xưa chưa bao giờ biến mất trong tâm tư ông lão già nua bây giờ.

Ngày ấy.

T.Vấn

25 tháng 1 năm 2011.

T.Vấn©2011

Chú thích :

*Liễu Hạ Huệ tên thật là Triển Cầm, tự là Quý , người đất Liễu Hạ nước Lỗ, thời Xuân Thu, nổi tiếng là một chính nhân quân tử.

Liễu Hạ Huệ một hôm dừng chân nghỉ qua đêm trước cổng thành, có một phụ nữ cũng đến trú chân. Trời lạnh người phụ nữ này bị cảm lạnh rét cóng, Liễu Hạ Huệ liền cởi áo mình ra khoác lên người cô ta rồi ôm vào lòng để cô ta hết lạnh, mà trong lòng không hề có một chút tà tâm.

Lại có lần Liễu Hạ Huệ ngồi xe ngựa với đàn bà, đi cả quãng đường dài mà mắt ông chỉ nhìn thẳng chứ không hề liếc ngang lần nào.

**Cả Quỷnh có nghĩa là sự ngờ nghệch, chưa từng trải việc đời (và việc . . . tình), chứ không hàm nghĩa đần độn hay ngu dốt.

Bài Mới Nhất
Search