T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Yoani Sánchez: Những bài blog tiêu biểu (1)

Lời Giới Thiệu: Trước đây, trang T.Vấn & Bạn Hữu đã giới thiệu Yoani Sánchez trong bài Người phụ nữ Cuba và trang Blog làm rung chuyển chế độ”. Như đã hứa, chúng tôi sẽ lần lượt chuyển ngữ sang tiếng Việt và đăng tải những bài Blog tiêu biểu của bà khiến nhà cầm quyền cộng sản Cuba phải kiêng dè và cả thế giới lên tiếng cổ vũ cho người viết Blog can đảm này. TV&BH.

Đói

Như bao đứa trẻ Cuba khác sinh cùng thời, vừa mở mắt chào đời chúng tôi đã nhận được tấm thẻ quy định khẩu phần thực phẩm. Đến khi lớn lên, tập tễnh làm người trưởng thành thì đụng ngay phải “thời kỳ đặc biệt”, nên đầu óc tôi lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái ăn, cái uống. Tôi cố gắng lắm mới có thể kềm chế được mình không để cho nỗi thèm khát ngự trị hoặc biểu lộ một cách trần truồng như tôi đã từng thấy trên những khuôn mặt bạn bè.

Tôi nhìn thấy những phụ nữ xách giỏ đi chợ, thường thì họ quay về với những cái túi rỗng y như lúc họ bước vào chợ. Tôi cũng vậy, cũng có những cái túi xách bằng nhựa, nhưng tôi cuộn chúng lại và bỏ vào trong túi áo. Nhờ vậy, tôi không trông giống như những con người bị cái guồng máy xếp hàng ngấu nghiến, lúc nào cũng băn khoăn tìm mua thực phẩm hay tán gẫu nhau những câu chuyện đại lọai như liệu hôm nay quầy hàng có thịt gà không v.v..

Thành thực mà nói, như những người phụ nữ khác, tôi cũng bị cái ăn dằn vặt, hành hạ, nhưng tôi tìm cách che dấu nỗi ám ảnh ấy càng nhiều càng tốt.

Biểu trưng của giai cấp mới

Nhà tôi cách hai ngôi chợ bán rau trái với cùng một khỏang cách như nhau. Ở chợ thứ nhất, mấy người bán hàng thường là nông dân hoặc những xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Còn cái chợ thứ hai thì được điều hành bởi đòan thanh niên Lao động. Ở chợ thứ nhất, luôn luôn có rau trái và những thứ thực phẩm khác, đôi khi có cả thịt heo. Ở chợ thứ hai, ngôi chợ do nhà nước quản lý, hiếm khi có những thứ khác hơn ngòai khoai lang, ớt, hành, đu đủ xanh. Mỗi khi chợ này có thịt, thì cái đuôi xếp hàng dài như vô tận. Nhưng sự khác biệt cơ bản giữa hai chợ không phải là tính đa dạng của hàng hóa mà là giá cả, đến độ xóm tôi họ gọi ngôi chợ của nông dân là “chợ dành cho những người giầu” và ngôi chợ do nhà nước quản lý là “chợ dành cho người nghèo”.

Thực ra, để có một bữa ăn tương đối cân bằng người ta phải đi cả hai chợ. Trước hết, người ta phải ghé qua chợ của người giàu, xem xét những quầy hàng đầy ắp đủ mọi thứ ở đó. Kế đến, kỹ lưỡng cân nhắc giá cả thường rất thất thường và chất lượng rất đáng ngờ của những món hàng bày bán ở chợ người nghèo.

Thỉnh thỏang, không cưỡng lại được sự thèm khát, tôi mua một trái khóm ở chợ của người giàu. Nhưng tôi luôn cẩn thận để nó vào cái túi bằng vải kín đáo, tránh những cặp mắt ghen tị nhìn thấy tôi đã mua được một thứ trái cây quý hiếm, biểu tượng ghê gớm của một trật tự xã hội mới.

Những đứa trẻ của sự chờ đợi

Mấy hôm trước, đọc báo Granma, tôi biết được rằng dân số Cuba đang trên đà suy giảm, rằng trong năm 2006, số cư dân đảo đã ít đi 4,300 người so với năm 2005. Cái tin chẳng làm tôi ngạc nhiên chút nào. Từ lâu, tôi đã đóan rằng, sỉ số học sinh trong những lớp tiểu học nhỏ hơn trước là do bởi sự phân bổ địa lý chứ không phải nhờ phương pháp giảng dậy mới.

Tuy nhiên, trong đám bạn bè của tôi, số trẻ con ra đời và số còn trong bụng mẹ lại nở rộ. Những đứa trẻ vừa ra đời vốn là kết quả của một sự trì hõan lâu nay, do thiếu hụt nhà cửa, phòng ốc, do cha mẹ chúng đang chờ đợi được đi sinh sống ở nước ngòai, do hòan cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng những cặp vợ chồng bị buộc phải hõan việc sinh con đẻ cái nay đã quá 30 tuổi. Họ cảm thấy không thể chờ đợi thêm được nữa.

Các bạn tôi tưởng tượng sự ra đời của những đứa con của mình theo một cách khác hẳn nhau. Họ đều đã mơ ước đến việc có thể giải quyết chuyện nhà cửa ăn ở trước khi đẻ chúng ra. Có người tưởng tượng con mình sẽ ăn sung mặc sướng, được đi học tử tế và nói được hai thứ tiếng. Trong khi đó, một số khiêm tốn hơn thì tưởng tượng khi đẻ con sẽ về sống ở thôn quê, nơi vật giá cho phép họ sống tương đối thỏai mái với đồng lương ít ỏi và đủ dư ra để mua tã lót, sữa hộp, quà cáp cho con.

Đời sống thường là một sự mỉa mai với những gì người ta mong ước. Hãy trông những người bạn phụ nữ của tôi. Có người đang mang bầu sắp đến ngày sinh nở. Có người đang ngồi lắc võng ru con. Trong khi đó, những người cha trẻ tuổi đang chết ngạt trong những căn hộ chật chội, cố gắng chia nhỏ hơn nữa căn phòng được cha mẹ cho ở nhờ, cùng một lúc phải vắt óc ra tính tóan làm sao thỏa mãn mọi nhu cầu cho gia đình với đồng lương eo hẹp của mình.

Vậy mà họ vẫn còn có thể mơ tới một chiếc xe trượt tuyết cho con chơi.

Khi tôi xem truyền hình . . .

Tuần này, gia đình tôi bắt đầu tập bớt xem truyền hình. Khởi đi từ từ mỗi ngày bớt một chút, đến hôm nay thì chúng tôi mở máy TV, nhưng lại để âm thanh ở mức thấp nhất, hầu như không nghe gì cả. Đây mới là sáng kiến thú vị. Trước mắt chúng tôi, trên màn ảnh xuất hiện những cảnh quan quen thuộc đến độ chúng tôi có thể tưởng tượng ra lời nói và âm thanh phù hợp. Nếu có một cánh đồng trồng trọt, trong đầu tôi đã nghe ra ngay lời bình luận viên ca tụng một vụ mùa vượt kế họach chỉ tiêu về sản xuất. Nếu trên màn hình xuất hiện những người mặc áo chòang trắng, ngay lập tức vang vang bên tai tôi bài diễn văn nói về những bác sĩ người Cuba tình nguyện đi giúp đỡ nước láng giềng Bolivia và Venezuela.

Tuy nhiên, khi xem TV không tiếng, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được trong đầu mình những gì tương tự với những lời đối thọai mà tôi được nghe hàng ngày trên đường phố. Màn ảnh truyền hình chỉ cho chúng tôi thấy “những điều lẽ ra phải xẩy ra như thế” hay tệ hơn nữa “những gì chúng tôi phải tin chắc là như thế”. Vì thế, giọng nói người bình luận ẩn bên trong tất cả chúng tôi không bao giờ nói “Vật giá đang leo lên tới trời”, “Trong bệnh viện đa khoa của tôi chỉ có 17 bác sĩ vì số còn lại đã phải đi công tác nước ngòai”, “Nếu bạn không ăn cắp ở nơi làm việc thì bạn không thể sống được”, hoặc “Mấy củ khoai tây chết bằm kia chẳng bao giờ thấy mặt chúng cả!”.

Những gì tôi thấy trên truyền hình khác biệt hẳn với đời sống hàng ngày của tôi đến độ tôi nghĩ rằng đời sống của mình không bao giờ có thật, rằng những khuôn mặt buồn thảm trên đường phố Havana xứng đáng là những diễn viên đọat giải thưởng Oscar, rằng hàng trăm những vấn đề tôi gặp gỡ hàng ngày về vấn đề thực phẩm, về việc chuyển vận đi lại, đơn giản chỉ hiện hữu trong những bản thảo tiểu thuyết, rằng sự thật, quá rõ ràng phải là những gì chiếu trên TV mỗi ngày, những gì người ta nói trong những cuộc hội luận trên radio.

Khả năng tàng hình

Từ lâu nay tôi vẫn khoe khoang rằng mình có khả năng “tàng hình”. Bởi vì, bất cứ lúc nào, tôi cũng đều có thể biến mất mà không ai tìm thấy được tôi, nhất là trong những trường hợp phức tạp. Dưới lớp vỏ tàng hình này, tôi thóat khỏi việc phải gia nhập đòan Thanh Niên Cộng Sản Cuba. Đây là một kỳ công của tôi, nếu bạn nhớ lại không khí cực đoan của những năm 1980s. Đơn giản là vì chẳng ma nào buồn mời tôi gia nhập.

Tôi cũng trở nên “vô hình” đối với những cương vị trách nhiệm đòi hỏi một bản lý lịch không có tì vết. Do vậy, cho đến nay, tôi vẫn không phải thi hành nghĩa vụ bắt buộc là phải gia nhập Hội Liên hiệp phụ nữ Cuba. Rất đơn giản, tôi sử dụng cái mánh cũ kỹ như trái đất. Thẻ căn cước của tôi ghi địa chỉ cư trú một nơi, trong khi đó tôi lại sinh sống ở một nơi khác. Tôi cũng thóat không phải gia nhập Công đòan. Thậm chí tôi còn qua mặt được cả những người trong Ban tuyển chọn sinh viên đại học, để được thu nhận vào học phân khoa văn chương, nơi vốn chỉ dành cho những “phần tử cách mạng”. Cũng may, thời gian đó là thời gian các viên chức chính quyền phải tạm thời nới lỏng quy định ở nhiều nơi vì tình trạng quá bi đát của “thời kỳ đặc biệt”.

Tuy nhiên, cái mánh “tàng hình” đã không còn có hiệu quả. Vì thế, tôi phải “tự tố cáo mình” bằng một hành động phô bầy hết sức hiển nhiên: Thực hiện trang Blog này. Một người bạn của tôi mách cho tôi một quy luật vàng mà anh ta học được qua một cuộc đối thọai với “mấy chú nhóc của cơ chế”. Anh ta bảo “Bạn có thể ký tên dưới bất cứ điều gì bạn viết và nghĩ, nhưng bạn không bao giờ được phép công bố những thứ ấy, nhất là khi bạn đã ký tên mình ở đó”.

Vì thế, được gợi ý từ câu chuyện của người bạn, tôi lại muốn phiêu lưu thêm một chút bằng cách đưa hình mình lên trang Blog này. Nhiều người bạn đã khuyên tôi nên dùng một bút danh và không nên đưa hình mình ra công khai lộ liễu như thế. Nhưng, dù rất biết ơn sự quan tâm của bè bạn, tôi phải thú thực rằng, chỉ bằng cách chường mặt ra như thế, tôi mới có thể chữa được căn bệnh “tàng hình” chiếm hữu tôi bấy lâu nay.

Ẩn dụ, vĩnh cửu và quyền lực

Tôi cố tránh dùng những từ như “bất diệt”, “luôn luôn” và “không bao giờ”. Ý nghĩa của chúng làm tôi sợ và bốc mùi. Khi tôi nghe có người đọc một bài diễn văn chính trị ca ngợi “ngọn lửa của nó sẽ đời đời bất diệt như Cách mạng”, nhằm ám chỉ ngọn lửa mong manh của cây đuốc, tôi vội mở Tự Điển ra tra nghĩa để tự trấn tĩnh mình với định nghĩa rõ ràng của những chữ như “phù du”, “dễ vỡ”, “tạm bợ”.

Ý nghĩa thực sự của “bất diệt” không chỉ là nó sẽ tồn tại tại mãi mãi trong một tương lai vô tận, mà còn hàm nghĩa nó không có sự khởi đầu, bởi vì nó hằng hữu. Không ai nghi ngờ sự hiện hữu mang tính trần tục của ngọn lửa ở Nghĩa trang Santa Ifigenia. Rõ ràng là trước đây nó chưa từng hiện hữu, chỉ đến bây giờ nó mới có mặt. Vậy thì tại sao lại có lối so sánh vô lý, dùng ẩn dụ sai lạc để so sánh hai cái tạm bợ – Ngọn lửa và cuộc cách mạng – cho rằng chúng đã chứa ngay trong chúng hạt giống của sự bất tử?

Đã có lúc, những mệnh đề của sự vĩnh cửu có một tầm ảnh hưởng mạnh đến độ tôi phải tự hình dung ra hình ảnh của tương lai. Tôi thấy mình là một bà già đang kể chuyện cho con cháu nghe về những điều mà ngày nay chúng ta tin rằng chúng sẽ bất diệt. Lũ trẻ vui vẻ đáp lại tôi rằng: “Thôi bà ơi, bà đừng kể những chuyện cũ kỹ ấy nữa. Chẳng ai còn nhớ đến chúng đã từng hiện hữu. Bà lúc nào cũng cứ một câu chuyện ấy kể hòai”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì biết rằng tất cả mọi sự trên cõi đời này đều chỉ có một sự sống giới hạn.

Và ly sữa của tôi?

Sau khi Raúl Castro đọc bài diễn văn trên TV ngày 26 tháng 7 năm 2007, tôi gặp trên đường những người bạn họ nói với tôi cùng một câu chuyện. Tất cả đều bóng gió đến “ly sữa” mà Castro hứa hẹn với tòan dân trước ống kính. Trong nội dung bài tán tụng dài gần 60 phút, đây là lời hứa duy nhất của Castro mà mọi người đều nhớ, điều mà ông ta hãnh diện công bố như một thành quả vĩ đại – “Mỗi một công dân Cuba đều sẽ có thể uống một ly sữa quý báu bất cứ lúc nào muốn uống”.

Với tôi, một kẻ lớn lên chỉ biết đến trà pha vỏ cam, thì cái lời hứa ấy xem ra khó mà tin được. Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đưa người lên mặt trăng, chiếm hạng nhất trong cuộc tranh tài Olympics tòan thế giới sắp tới, hoặc khám phá ra thuốc chữa bệnh AIDS ngay cả trước khi chúng ta có thể đặt lên bàn ăn sáng ly cà phê sữa bị quên lãng từ lâu trong tầm tay của mỗi một người dân của hòn đảo này. Tôi biết mình có tính đa nghi. Nhưng những người có trách nhiệm biên tập bài diễn văn của Raúl Castro trước khi cho đăng tải trên tờ báo quốc doanh Granma hẳn cũng có tính đa nghi giống tôi. Bởi vì trên cả hai ấn bản – báo giấy và điện tử – người ta có tìm đỏ mắt cũng không đọc được lời hứa ấy. Nó đã bị kiểm duyệt cắt bỏ.

Vẫn không chịu thua, ngày 27 tháng 7 tôi ngồi suốt buổi trước máy truyền hình để xem phát lại bài diễn văn, chờ được nghe lần nữa về cuộc chinh phục vĩ đại mà chúng ta có bổn phận phải hòan thành. Sự ngạc nhiên của tôi nhân đôi khi chính xác vào giây phút mà câu nói bị bỏ quên ấy, tôi chỉ nhìn thấy một biển cờ và những tiếng reo hò che lấp.

Đến lúc ấy thì tôi không biết – trong cơn mê sảng vì thèm ăn của mình – tôi đã mơ tưởng đến “ly sữa của tôi”, hay thực sự, lời hứa ấy đã từng được thốt ra từ cửa miệng Raúl Castro?

(T.Vấn chuyển ngữ)

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search