T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Mày ủng hộ đội nào?


Giải World Cup bóng tròn Nữ đang tới hồi chung cuộc. Đội bóng hai lần đọat giải vô địch thế giới là Mỹ sẽ thi đấu trận tranh chức vô địch World Cup 2011 với đội Nhật Bản vào trưa ngày chủ nhật 17 tháng 7 năm 2011 tại thành phố Frankfurt, Đức.Tuy trình độ kỹ thuật bóng tròn và mức độ ưa chuộng trên thế giới của giải World Cup Nữ vẫn chưa thể sánh được với giải World Cup Nam, nhưng dù sao cũng vẫn là cuộc tranh tài ở đẳng cấp quốc tế, và vì thế, cảm thức quốc gia và truyền thống cũng vẫn giữ một vai trò quan trọng không kém so với giải Nam.

Đội bóng tròn nữ nước Mỹ đã hai lần đọat danh hiệu vô địch. Và họ tràn trề hy vọng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mang danh hiệu 3 lần vô địch ở môn thể thao vua này, nhưng bóng tròn lại giữ vai trò khiêm tốn trong thứ bậc các môn thể thao được ưa chuộng tại Mỹ.

Lần cuối cùng họ bước lên bục nhận huy chương vàng là năm 1999, tại sân vận động Rose Bowl của thành phố Pasadena, tiểu bang California, trước hơn 90 ngàn khán giả. Đội Mỹ đã thắng đội Trung quốc trong lọat đá Shootout sau 120 phút thi đấu không phân thắng bại.

12 năm đã trôi qua. Trong số những khán giả nữ Mỹ ham mê môn bóng tròn ở lứa tuổi 11 hoặc 12 năm 1999, đã có bao nhiêu những cô bé nhìn hình ảnh đăng quang của những Mia Hamm, Michelle Akers, Julie Foudy, Brandi Chastain . . . mà mơ ước một ngày nào đó sẽ tới phiên mình đứng ở cùng vị trí. Đó là giá trị của truyền thống. Và sự nung nấu của cảm thức dân tộc, quốc gia. Người đi trước, tạo cảm hứng, gieo cấy ý chí cho người đi sau. Mấy ai không rưng rưng nước mắt khi nhìn lá cờ đất nước, cùng với điệu nhạc bài quốc ca quen thuộc phấp phới tung bay giữa bầu trời thế giới với hàng tỉ người chứng kiến, nhất là khi biết rằng chính mình đã góp một phần công sức vinh danh lá cờ tổ quốc. Đó cũng là giây phút đất nước mở rộng vòng tay ôm lấy những đứa con đã cùng nhau đưa lá cờ lên cao, và cũng kể từ giây phút đó, những người đem vinh quang về cho đất nước, đã cùng với đất nước trở nên Một, mãi mãi trong lịch sử. Gía trị cao nhất của những cuộc thi đấu thể thao quốc tế chính là giá trị của sự thúc đẩy lòng yêu nước và lòng yêu đồng bào dân tộc mình.

Hôm trận đấu lọai quyết định đội nào sẽ vào tranh chức vô địch giữa đội Mỹ và Pháp, gia đình tôi cùng với hai cháu gái ngồi chăm chú ở phòng khách theo dõi trận đấu. Cùng lúc đó, do có hẹn từ trước, một người đại diện của hãng xây dựng sửa chữa nhà cửa đến gặp tôi để bàn về chi phí sửa mái nhà, chữa dột trên trần nhà và những thiệt hại khác gây ra bởi trận bão hồi cuối tháng 6. Thấy cả gia đình quây quần, say mê xem trận đấu, ông ta hỏi chúng tôi ủng hộ đội nào. Tôi trả lời ngay không một chút đắn đo tất nhiên là đội Mỹ rồi. Ông ta nửa đùa nửa thật nhấn mạnh chữ “tất nhiên” với một ý muốn tôi xác định lại lần nữa. Tất nhiên là tôi lại nói chữ tất nhiên một lần nữa. Cùng lúc đó cầu thủ con cưng của đội Mỹ Abby Wambach, – người gây hứng khởi cho tòan đội, người là hình ảnh tương lai của hàng triệu bé gái Mỹ 11, 12 tuổi ở năm 2011 này – tung lưới đội Pháp, ghi bàn thứ hai cho đội Mỹ, nghiêng tỉ số 2-1 làm cả nước Mỹ nổ bùng lên vì sung sướng. Hai đứa con gái của tôi nhẩy cẫng lên hò hét. Tôi cũng bỏ mặc anh chàng Mỹ đại diện công ty sửa chữa bên cạnh, la hét sôi nổi không kém. Đến lúc đó thì anh chàng Mỹ hóm hỉnh kia chắc hẳn đã nhận thấy giá trị đích thực của 3 chữ “tất nhiên rồi!” trong câu trả lời của tôi.


Cú đội đầu bá cháy của Abby Wambach trong trận USA-Pháp

Thủ môn Hope Solo xinh đẹp của đội Mỹ trong pha phá bóng tuyệt vời một cú đá 11m của cầu thủ đội Brasil

Thành thực mà nói, tôi vốn có cảm tình với đội Pháp, vì nét đá đầy ngẫu hứng và sáng tạo của họ. Mặt khác, các cô gái Pháp phần lớn đều trông rất bắt mắt. Tuy là cầu thủ thể thao, nhưng họ vẫn giữ được nét người xinh xắn của con gái và có khuôn mặt khá dễ thương. Ngược lại, các cầu thủ Mỹ phần lớn đều có vẻ “bặm trợn”, hoặc vai u thịt bắp hoặc khô cứng, ngọai trừ cô thủ môn Hope Solo còn giữ được nét thanh tú trên khuôn mặt cương quyết và thông minh. Còn cô cầu thủ ngôi sao sáng chói nhất là Abby Wambach thì khỏi nói. Tóc cắt ngắn như con trai, tướng đi xăng xái, mạnh bạo. Dù sao, đội Mỹ vẫn là đội “nhà”. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.


Trung vệ Louisa Necib của đội tuyển Pháp, một trong những cầu thủ đẹp nhất World Cup 2011

Khi trận đấu kết thúc, nhìn các cầu thủ Pháp xinh đẹp lau nước mắt trên những khuôn mặt buồn hiu, tôi có hơi chạnh lòng thương cảm, nhưng niềm vui chiến thắng và họat cảnh ăn mừng náo nhiệt của đội Mỹ đã nhanh chóng lôi tôi ra khỏi cái bi lụy “không cần thiết” đó.

Pha bóng đáng nhớ nhất của World Cup 2011. Wambach ( USA) đội đầu vào lưới Brasil ở phút thứ 122 của trận đấu.


Marta Vieira da Silva của đội Brasil, người 5 lần đọat danh hiệu cầu thủ nữ xuất sắc nhất thế giới của FIFA.

Ôi cái cảm thức dân tộc quốc gia của giây phút thắng và thua trong một cuộc tranh tài thể thao quốc tế. Nó quả thật mãnh liệt hơn rất nhiều sự diễn đạt của ngôn ngữ. Cả nước Mỹ vẫn còn bàng hòang, rồi hãnh diện về pha ghi bàn đầy kịch tính của cầu thủ Wambach trong trận sống mái giữa đội Mỹ và đội bóng nữ lừng danh Brasil ở phút thứ 122 của trận đấu, trận đưa đội Mỹ vào gặp đội Pháp và buộc đội Brasil khăn gói về nước. Đó là pha ghi bàn quyết định, vừa đẹp mắt, vừa chứng tỏ một ý chí quyết thắng và làm thay đổi cục diện của giải. Pha ghi bàn ấy đã khiến cho cầu thủ giỏi nhất thế giới trong 5 năm liên tiếp của đội Brasil là Martha phải rơi nước mắt. Cả nước Brasil chìm trong buồn bã vì pha ghi bàn muộn nhất lịch sử bóng tròn thế giới ấy. Quan trọng hơn, một nước Mỹ vốn chưa mặn mà lắm với môn thể thao vua này, đã chòang thức dậy, ngơ ngác rồi òa lên mừng rỡ như chưa bao giờ biết đến mùi vị của chiến thắng. Tất cả đều là kết quả của một cú đội đầu bởi Wambach và cú chuyền bóng chuẩn xác đến lạnh người của cô gái có mái tóc bạck kim của Kim Novak mang tên Megan Rapinoe (tôi mê nữ tài tử Kim Novak có mái tóc bạck kim óng ánh như tơ lụa, nay tôi mê thêm cầu thủ bóng tròn người Mỹ Megan Rapinoe vì mái tóc trắng của cô và cũng vì những cú đá phạt và chuyền bóng không thể chê được của cô gái này).

Megan Rapinoe và Wambach của đội tuyển Mỹ

Ở trận đấu chung kết giải vô địch World Cup nữ diễn ra ở nước Đức vào chủ nhật này, cả nước Mỹ sẽ chứng kiến cuộc “hội ngộ” thật kỳ thú của hai thế hệ cầu thủ đem danh dự về cho nước Mỹ. Các cô gái Huy Chương Vàng 1999 Foudy, Chastain, Hamm, Scurry, Lilly và cựu HLV DiCicco đều là những bình luận viên của đài truyền hình chuyên về thể thao ESPN, họ sẽ có mặt tại thành phố Frankfurt của Đức và sẽ có cơ hội vinh danh đàn em của mình cho cả thế giới cùng nghe. Những Wambach, Solo, Rapinoe, Cheney . . . chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để chiếm một chỗ trong lịch sử trước một đối thủ không đáng sợ lắm là Nhật Bản. Và không thể quên những cô gái 11 tuổi, 12 tuổi mê đá bóng hôm nay đang chăm chú theo dõi trận đấu ở bất cứ nơi đâu với niềm hy vọng đang nhen nhúm trong lòng: 8 năm nữa, 12 năm nữa họ sẽ là những người góp sức đưa lá cờ tổ quốc tung bay giữa bầu trời thế giới.

Đó là một kịch bản vui, có hậu, làm sung sướng lòng người. Thắng hay thua của đội Mỹ vào ngày chủ nhật này, thì nước Mỹ cũng đã hưởng được những khỏanh khắc không bao giờ họ quên được mỗi khi ngồi xem giải World Cup trong tương lai. Tất nhiên – lại tất nhiên – trong đó có tôi, một người Việt Nam bỏ nước ra đi tị nạn chính trị và đã chọn nước Mỹ làm quê hương thứ hai.

Trong lúc vẫn còn gậm nhấm niềm vui quý báu của kịch bản thứ nhất, có thật và tuyệt vời, thì cái đầu óc già nua mụ mẫm của tôi lại hình dung ra một kịch bản thứ hai, một kịch bản tưởng tượng.

Kịch bản tưởng tượng này diễn ra như thế nào?

Bởi vì đội sẽ vào đá trận tranh chức vô địch với nước Mỹ sẽ là đội Nhật Bản, một dân tộc châu Á như người Việt mình, có thể hình và thể lực thường được xem là thua kém so với người phương Tây, trong đó có người Mỹ. Nhưng ở trận quyết liệt với đội Thụy Điển vừa rồi, họ đã chứng tỏ rằng thể lực thể hình châu Á không hề là một sự bất lợi. Thêm nữa,với sự thông minh và kỹ thuật khống chế bóng, họ có thể bù đắp cho sự thua kém bẩm sinh ấy, nếu quả thật đó là sự thua kém. Chiến thắng 3-1 của đội Nhật Bản trước đội bóng sừng sỏ Thụy Điển chứa đựng lý lẽ thật hùng hồn cho nhận định ấy.

Kịch bản tưởng tượng trong đầu tôi đã thay thế đội Nhật Bản bằng đội bóng nữ . . . Việt Nam.

Nếu đội Nhật Bản có một trình độ đá bóng tầm cỡ như vậy, thì ngày nào đó trong tương lai, các quốc gia châu Á khác cũng có thể đạt tới trình độ ấy. Sao lại không? Đội bóng nữ Trung quốc chẳng đã từng vào đá chung kết với đội Mỹ từ năm 1999 đó sao?

Việt Nam mình lúc nào cũng tự hào là cần cù, thông minh, chẳng lẽ cứ lép vế hòai so với người Nhật, người Tàu sao! Hy vọng rồi cũng sẽ có ngày nở mày nở mặt ấy!

Trí tưởng tượng thì không có giới hạn, thế nên, dù cái ngày người Việt mình có những cầu thủ mang đẳng cấp thế giới vẫn chưa đến, nhưng tôi vẫn không thể ngăn nổi mình không . . . tưởng tượng đội bóng nữ Việt Nam sẽ thi đấu với đội bóng nữ Mỹ vào ngày chủ nhật 17 tháng 7 tới đây tại Frankfurt, Đức.

Bi kịch bắt đầu từ đây. Chẳng phải với những cầu thủ trên sân, mà là đối với tôi – với tư cách người xem – và những người cùng cảnh ngộ như tôi.

Hãy lại dùng một cảnh nhỏ trong kịch bản có thật ở trên. Cả nhà quây quần xem trận thi đấu giữa Mỹ và Việt, và cũng có sự hiện diện của anh chàng Mỹ đại diện hãng sửa nhà nói trên.

Anh chàng Mỹ hẳn sẽ lại có cùng câu hỏi: Mày ủng hộ đội nào?

Nhưng câu trả lời sẽ không dễ dàng chút nào, nhất là với tôi. Với hai đứa con gái của tôi, vốn sinh ra tại Mỹ, sinh sống cả cuộc đời ở Mỹ, quen thuộc với lá cờ Mỹ, quốc ca quốc thiều Mỹ, nên câu trả lời có thể dễ dàng hơn chút đỉnh. Tôi nói rằng “có thể dễ dàng hơn chút đỉnh” là so với cảnh ngộ của tôi thôi, chứ với chúng nó, câu trả lời chưa chắc đã dễ dàng, vì chúng cũng đã từng được dậy dỗ chúng là người Việt Nam trước khi là người Mỹ, đã từng leo lên trước cửa nhà treo lên hai lá cờ Việt (Cờ vàng ba sọc đỏ) và Mỹ mỗi dịp lễ lậy lớn (dù là lễ của Mỹ), đã từng về thăm căn nhà tổ tiên ở Việt Nam, đã từng sờ, cảm, nghe, thấy Việt Nam, đã từng khoanh tay cúi đầu chào Nội chào Ngọai, chào cô chào chú, chào dì chào mợ , đã từng biết để dành tiền giúp đỡ những anh chị em họ nghèo khổ của mình v…v..

Và vì chỉ là kịch bản tưởng tượng, nên tôi tha cho mình (và cả các con của tôi) cái hình phạt phải động não tìm cho ra câu trả lời dứt khóat: Mày ủng hộ đội nào?

Nhưng trí tưởng tượng của tôi , nếu chỉ dừng lại ở đó thôi, thì cũng chưa có gì đáng . . . phàn nàn.

Trước mỗi trận đấu, luôn luôn có những người trong ban tổ chức trương lá cờ thật to của hai nước thi đấu đi trước dàn cầu thủ của hai đội. Rồi tới nghi thức thượng cờ và quốc thiều trổi lên.

Ngày 17 tháng 7 năm 2011, trận đấu chung kết giải vô địch bóng tròn thế giới nữ giữa hai đội bóng Mỹ và . . . Việt Nam đã đặt bao con người Việt (sinh sống ở hải ngọai) vào một tình huống mà chắc chắn chưa hề có ai đã từng trải qua.

Tôi nhắm mắt lại, không dám tưởng tượng tiếp. Nhưng như một cuốn phim, những tình tiết phải thứ tự xẩy ra như nó đã xẩy ra. Tôi thấy lá cờ Việt Nam . . . “trong nước” đi trước. Rồi những nữ cầu thủ xinh đẹp theo sau. Tuổi của họ còn rất trẻ, từ 20 đến 30, cái lứa tuổi sung sức nhất của môn thể thao đòi hỏi thể lực bền bỉ này. Khi cuộc chiến tranh chấm dứt vào tháng 4 năm 1975, chưa có ai trong số họ được sinh ra. Cha mẹ của họ có thể là người thuộc miền Nam hay miền Bắc, có thể đã từng là bộ đội hoặc quân nhân quân đội VNCH. Khuôn mặt người nào cũng căng thẳng, vì họ biết mình đang đối đầu với nhiệm vụ to lớn mà cả nước trông vào: bảo vệ màu cờ sắc áo Việt Nam trên bầu trời thế giới. Rồi khi lá cờ và quốc thiều (tất nhiên là trong nước – lại tất nhiên) trổi lên, tất cả để tay trên ngực, miệng lẩm nhẩm hát theo, mắt hướng về lá quốc kỳ phấp phới, với sự thành khẩn thiêng liêng như những cầu thủ của bất cứ quốc gia nào trong tình huống tương tự. Giữa mớ bòng bong trong cái đầu chật ních quá khứ của mình, tôi vẫn còn nhận ra được rằng, không như tôi, không như các con tôi, những người trẻ tuổi Việt Nam xinh đẹp này chỉ biết có một lá cờ mà họ gọi là lá cờ tổ quốc. Và họ đã từng nhiều lần tự hào được đứng dưới lá cờ đó, được thi đấu tranh tài để bảo vệ danh dự lá cờ đó, và biết bao lần sau những chiến thắng, họ đã quấn quanh người lá cờ đó chạy vòng quanh vận động trường để chào khán giả. Với những người trẻ sinh sống ở Việt Nam, rất đơn giản , lá cờ hiện nay biểu trưng cho tổ quốc, cho đất nước, chứ nó không hề biểu trưng cho một chế độ độc tài, khát máu, phạm tội ác với nhân dân nào, dù thực sự, chế độ cộng sản hiện nay ở trong nước là chế độ đang bị chính người dân trong nước lên án.

Theo tôi biết, nhiều người Việt chống cộng ở hải ngọai không chia sẻ cách nhìn đó với lá cờ trong nước hiện nay.

Trước mặt tôi, những cầu thủ người Việt Nam, nhỏ thể hình, nhỏ thể lực như tôi, nhưng bên trong hình hài ấy vẫn là dòng máu Việt quen thuộc, mà do nguồn gốc tổ tiên từ mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng nở trăm con tạo nên nòi giống Việt nên chúng ta gọi nhau là đồng bào. Liệu có thể chỉ vì họ đứng nghiêm trang chào kính lá cờ – mà tôi ghét bỏ ấy – nên tôi không còn coi họ là đồng bào, nên tôi không vỗ tay reo hò cổ võ mỗi khi họ chuyền xuống những đường bóng thật đẹp gây nguy hiểm cho khung thành đối phương, nên tôi sảng khóai hết lòng cổ vũ cho đội Mỹ là đội đại diện cho quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi sinh con đẻ cái và tạo nên một mái gia đình của riêng mình?

Quả là một bi kịch . . . đáng sợ.

Đã từ bao giờ mà người ta cứ nhập nhằng giữa một nhúm người của chế độ cầm quyền và đại đa số nhân dân? giữa cái nhất thời, tạm bợ của những chế độ cầm quyền (cộng sản và quốc gia), đến rồi đi, đi rồi đến với sự vĩnh bền trường cửu của nhân dân, của giống nòi, của dân tộc?

Cũng may đó chỉ là sự tưởng tượng, nên tôi lại quên ngay cái . . . bi kịch tưởng tượng này và háo hức mong cho ngày chủ nhật đến nhanh, để được xem cuộc thư hùng giữa những người đẹp Mỹ và Nhật Bản.

Tháng 7 xứ Wichita của tôi nắng nóng điên người. Hơn hai tuần lễ nay, ngày nào cũng từ 104 độ F đến 110 độ F, phá kỷ lục . . . nóng từ trước tới nay. Nóng như thế thì ngồi trong phòng lạnh, uống beer lạnh, cùng với mấy người bạn ghiền bóng tròn cùng xem trận chung kết World Cup thì còn gì hơn nữa.

Được như vậy, cũng là nhờ nước Mỹ mở rộng cửa đón tôi vào. Vậy thì ủng hộ đội bóng Mỹ không còn là chuyện sở thích, mà là chuyện phải quấy, chuyện công đạo.

Tưởng tượng với động não làm gì cho thêm rách việc!

T.Vấn15 tháng 7 năm 2011

T.Vấn©2011

Bài Mới Nhất
Search