T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê: Đọc tập thơ tình của Đặng Kim Côn

clip_image001

Tủ sách Tiếng Quê Hương
P.O. Box 4653
Falls Church – VA 22044

Nguồn : Damau.org

Không có giới thiệu của nhà thơ Viên Linh, người thư ký tòa soạn Khởi Hành năm xưa, tôi không tin là Đặng Kim Côn đã làm thơ từ thuở thư sinh; với tư cách một nhà thơ đã đóng góp nhiều bài thơ cho tòa soạn mà chính Viên Linh khi có dịp qua dòng sông Ba đất Tuy Hòa (quê Đặng Kim Côn) đã phải ‘ngẫm văn chàng Uy, nghiền thơ cậu Côn’.

Ra hải ngoại tôi chỉ mới đọc Đặng Kim Côn gần chục năm trở lại đây, giữa một rừng thơ mà chú ý đến một tác giả nào đó, tôi có thói quen xem ông/bà đó có thơ đăng trên các tạp chí/trang mạng văn học chưa. Mà tôi thì cứ dò tìm Da Màu, Tiền Vệ, Litviet, Sáng Tạo và vài tờ văn học in ở ngay quận Cam, thì bảo đảm thế nào cũng có những nhà thơ cao thủ, bất kể cũ mới và bắt gặp những bài thơ hay, thật hay.

Thơ hay thì không ở nơi này cũng ở nơi kia, mà đã hay thì trang văn học uy tín nào tác giả của nó cũng có chỗ đứng. Lại trùng lặp lý thú là trang nào cũng ưu ái chọn đăng, vì các chủ biên hữu hạng đều có khẩu vị thẩm định giống nhau.

Đặng Kim Côn là một trong những tác giả thân quen, được nhiều độc giả mến mộ, trong đó có tôi một người yêu thơ bẩm sinh.

Cho đến một hôm, vui thay không hẹn mà gặp, không gặp mà được, tác giả gửi tặng tôi hai cuốn, một thơ một văn, mà cứ theo năm tháng được kể là mới nhất. Tập thơ lần này theo Viên Linh là tập ‘thơ tình’ đúng nghĩa, còn tập văn là thu nhặt những truyện ngắn ưng ý mà Đặng Kim Côn mấy lúc sau này hay viết văn xuôi.

Vì yêu mến tác giả, lại vốn biết anh sở trường về thơ, tôi vồ vập cuốn thơ và thấy cái tên khá là lạ, Là Những Sáng Tinh Mơ, một tập thơ mới xuất bản năm 2013 qua Tủ sách Tiếng Quê Hương (một địa chỉ phát hành uy tín tại hải ngoại do Uyên Thao chủ trương).

Về hình thức, trình bày trang nhã, với tranh bìa của RỪNG, và các phụ bản của những họa sĩ tên tuổi Đinh Cường, Duy Thanh, Đằng Giao… càng độc đáo khi có Vĩnh Điện và Trần Quang Lộc đem nhạc vào thơ qua hai bài các ông tâm đắc.

Lời Tựa do chính Viên Linh chấp bút, lời Bạt do Trần Văn Nam mà khi nhận viết, nhà phê bình văn học và ‘phân định thi ca hải ngoại’ này thú nhận ‘những bài thơ gắn bó như không thể trích ra của Đặng Kim Côn’.

Tất nhiên người hiểu Đặng Kim Côn không ai bằng Viên Linh, người ưu ái anh đến độ ‘bởi đất nước lại có Tuy Hòa, mà Tuy Hòa lại có… Đặng Kim Côn’, cho nên qua lời Tựa, tôi tâm đắc phần nhận xét, mà khi trích dẫn tình cờ có chỗ trùng lặp với người biên tập,

“Mà văn (của) Côn không phải những đoạn hỉ lạc tiền đường, tung hô hậu cảnh; thơ (của) Côn không phải những phần bi lụy bên gối, ướt nhão những dòng lã chã phấn son, thậm chí nhăn nheo vài câu nâng hoa thưởng nguyệt.

Văn thơ anh khác lắm cuộc đời, nó ở mỏm núi cao, ở dòng suối khuất, nó chan hòa nắng, thắm đẫm sương, nó biết khóc, biết cười một mình, nó biết sống, biết chết từ trong tự thân, không cần ai và chẳng quên ai.”

Nhắc đến Tuy Hòa, mảnh đất hiền hòa cả người lẫn cảnh vật, núi một bên biển một bên, đèo cả đèo con, những hàng dừa xanh, những dòng sông nhỏ, những sân ga buồn, những thị trấn tĩnh lặng, những cô gái Sông Cầu, nhiều món ăn chân quê đặc sản… đã đọng lại trong tôi những ký ức khó quên từ đầu thập niên ’60 để rồi vào những ngày tàn cuộc chiến, con lộ 7 từ Pleiku đổ về trở thành tử lộ, ai đến được Tuy Hòa mới thấy được hồi sinh.

Đặng Kim Côn đã sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, bảo sao anh không thừa hưởng những nét đẹp và nỗi buồn vốn dĩ là đặc thù của trời mây non nước phơi bầy trên quê hương anh, từ đây thấm đậm vào tâm thức rồi tự nó thể hiện qua thơ, cho nên thơ của Đặng Kim Côn không cầu kỳ, không làm dáng, chẳng cách tân, mà gần như chỉ muốn đối thoại, thổ lộ chân tình với độc giả về những gì anh muốn bày tỏ trong thơ. Chính vậy mà thơ của Đặng Kim Côn dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm, dễ để lại ấn tượng gần như vừa rạo rực lẫn bâng khuâng. Nói như Nguyễn Hưng Quốc khi cho ‘thơ là cảm xúc đi tìm sự đồng cảm’ thì mặc nhiên Đặng Kim Côn đủ tiêu chuẩn và thành công khi lấy thơ làm cảm xúc để giành sự đồng cảm của những người yêu thơ.

Cứ nghĩ như vậy mà ở tuổi tôi, khi nhớ lại sân ga Sông Cầu thấy lòng như trĩu nặng để rồi trong số 98 bài thơ tác giả trình làng, tôi đã đọc đi đọc lại cả chục lần ‘Sân Ga Ta Đến Lại Về’

Từ đó em cho ta nỗi nhớ,
Đi miên man không theo kịp đoàn tàu.
Không thấy sân ga, không hàng ghế đợi…
Tìm hôm qua không thấy tháng ngày đâu.

Em bỏ lại cho ta chiếc bóng,
Ta thành một nửa của hôm qua,
Nửa mỗi lúc tàu về, lại nhớ,
Một nửa kia đâu đó trên ga.

Bài thơ chỉ có ba đoạn mà trích dẫn lấy hai vẫn chưa đủ, phải nói thơ Đặng Kim Côn gắn bó đến độ không thể ‘trích’ mà phải thưởng thức nguyên bài (như lời Bạt thố lộ).

Còn nếu trích lại phải nhờ… Viên Linh, cây bút bậc thầy khi viết lời Tựa, cho nên tốt hơn kẻ viết bài này xin độc giả tìm nguyên bản và thưởng thức trọn vẹn những dòng thơ của Đặng Kim Côn khi anh viết ‘thơ tình không kể tuổi’ bằng chính tim óc và trải nghiệm (46 năm) của mình.

Đỗ Xuân Tê

Bài Mới Nhất
Search