T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Viên Linh: Tròn 40 năm (1973-2013) một tác phẩm tiên tri

clip_image001

Một ngày trên đường phố Montréal, Viên Linh và Nguyễn Ðông Ngạc. (Hình: Việt Thường)

Nguồn: Người Việt

Vào đầu năm 1974, nhà xuất bản Sóng của nhà văn Nguyễn Ðông Ngạc (1939, Phúc Yên – 1996, Montréal), xuất bản một bộ sách anh gọi là “tác phẩm một đời” để lại: Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (1954-1973), trong có 45 truyện ngắn của 45 nhà văn, ngay trên bìa sách, và trong lời mở đầu, là những dòng chữ sau này anh em gọi là “tiên tri:” Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 54-73. Cuốn sách dày 800 trang cộng với 48 trang giấy trắng mịn in chân dung 45 nhà văn chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất lúc bấy giờ: Trần Cao Lĩnh.

Càng về sau, cho tới giờ là đúng 40 năm từ khi bộ sách hiện diện, người ta càng thấy Nguyễn Ðông Ngạc có tầm nhìn xa, nghĩ rộng, khi anh bắt tay vào việc. Anh mất ít nhất là sáu tháng để đi gặp từng nhà văn anh đã chọn lựa, khi đi một mình, khi đi với nhiếp ảnh gia, vừa chụp ảnh nhà văn, vừa xin nhà văn có mặt một chữ ký, và 3 câu hỏi chính, trong đó câu chót rất thiết thực: “Về truyện ngắn hay nhất và thích nhất (anh hay chị) chọn lựa để (in trong bộ sách), xin quí anh chị nói thêm ít lời để soi sáng thêm (ý nghĩa trong truyện, hay vì sao thích nhất chuyện đó).”
Bộ sách chính là di sản của nhà xuất bản, và đạt tầm mức anh đã định trước, như trong “Lời Nhà Xuất Bản:” “Ðây là một trong những đóng góp một đời còn lại dành cho quê hương trong cuộc chiến hơn một phần tư thế kỷ hầu như đã phá vỡ gần hết tất cả gia tài nổi chìm của chúng ta. Sự đóng góp vào cái gia sản tinh thần bất diệt của tổ tiên của những người làm việc trong lặng lẽ giữa tiếng ồn ào của đạn bom này, đã nói lên hùng hồn ý nghĩa của tranh đấu cho tự do và những giá trị nhân bản. Những người của phần đất bên này dòng Bến Hải.”
Mục đích thật rõ ràng. Những ai vào tuổi 33 đã quan niệm rõ ràng hơn Nguyễn Ðông Ngạc về cuộc tranh đấu cho tự do và các giá trị nhân bản, hơn Nguyễn Ðông Ngạc, giữa những gì đang xảy ra lúc đó? Trong hỗn loạn của những cuộc biểu tình bị xúi giục, của một sinh hoạt truyền thông bị đánh lạc hướng, nhiễm độc bởi các âm mưu lật đổ, phá hoại? Có một câu nữa khẳng định hơn về bộ sách: “Trong cuốn sách này bạn đọc sẽ có thể sống lại trọn vẹn cuộc sống ‘đã mất’ (in nghiêng trong sách) hay ‘sắp đến’ của chính mình, và của cả dân tộc. Tất cả. Vằng vặc.” Sao anh lại có thể cả quyết đến thế nếu anh không nhìn thấy trước, trong tâm tưởng? Thực tế bùng vỡ chỉ hơn một năm sau, Miền Nam mất, những cuộc sống cũ đã mất, và những cuộc sống sắp đến đã đến.
Bốn mươi năm đã qua từ năm chót của cuốn sách (1973), 45 nhà văn góp mặt, theo thứ tự ABC, nay đã ra đi rất nhiều. Chúng ta hãy kiểm điểm những người lúc góp truyện còn sống cả, nay ghi dấu bằng một chữ thập, nếu họ đã không còn: Bình-Nguyên Lộc (+), Cung Tích Biền, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Duy Lam, Duyên Anh (+), Dương Nghiễm Mậu, Ðịnh Nguyên (+), Hồ Hữu Tường (+), Huỳnh Phan Anh, Lê Tất Ðiều, Mai Thảo (+), Mặc Ðỗ, Nguyễn Ðình Toàn, Nguyễn Ðông Ngạc (+), Nguyễn Ðức Sơn, Nguyễn Mạnh Côn (+), Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Sỹ Tế (+), Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thụy Long (+), Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Xuân Hoàng, Nhã Ca, Nhất Hạnh, Nhật Tiến, Sơn Nam (+), Thái Lãng, Thanh Nam (+), Thanh Tâm Tuyền (+), Thảo Trường (+), Thế Phong, Thế Uyên (+), Tô Thùy Yên, Trần Thị Ngh, Trần Tuấn Kiệt, Trùng Dương, Túy Hồng, Viên Linh, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Vũ Khắc Khoan (+).Ðúng một phần ba trong số 45 đã không còn nữa.
Nhưng không ai ngờ tới sự ra đi của Ngạc, cũng như không ai ngờ tới sự ra đi của Ng., vợ trước của Ngạc ở Sài gòn. Còn nhớ một buổi tôi tới nhà thăm bạn, chị còn nằm trên võng. Lúc tôi qua Montréal thăm bạn khoảng ba bốn năm trước khi anh mất là lúc Ngạc đang sống với bà vợ trẻ sau này, chị hát rất nhà nghề, cái tên nghe ra cũng là một cái tên văn nghệ, Nguyên Ngọc. Chị hát hay. Hai vợ chồng trông như tài tử, Ngạc thì nhất định là một tài tử, mà là một tài tử phong lưu, tóc hơi ngả vàng, có lẽ vì bị hun mỗi ngày bởi khói thơm bốc lên từ cái ống vố không bao giờ thấy rời khỏi miệng, trên một khuôn mặt cởi mở, thanh thoáng, hai mắt long lanh. Tôi vốn không có ngưỡng mộ nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, nhưng vì đi chơi với Ngạc (vợ anh là cháu Nhất Linh), nên ngồi xe anh tới chợ An Ðông, leo lên lầu thăm ông một bữa đi ăn cơm gà Siu Siu ở cái quán bên đường rầy xe lửa. Ðôi chút kỷ niệm song gặp nhau đâu cũng vui, vì con người ấy văn nghệ thực sự, và văn nghệ khoan dung, nhất là những ngày gặp nhau tại nhà in Phúc Hưng tại số 51/51B đường Nguyễn Trãi. Nhà in này vốn trước đó là của nhóm bạn Ngạc, bỏ trống vì không có khách. Lần nào anh tới cũng thấy tôi bận bịu túi bụi, mà vẫn rủ tôi ra quán Tầu Tân Lạc Viên ở ngã tư ăn nhậu. Thường là buổi trưa. Chính Ngạc dẫn nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh tới nhà in, đề nghị chụp cái ảnh ngồi trước mấy hộc chữ chì của nhà in. Cái ảnh này in trong bộ Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta.
Nghe kể hai vợ chồng vừa đi ăn về, Ngạc vào bếp chỗ có cái điện thoại, vợ ở phòng khác, chợt nghe tiếng người ngã đổ ầm xuống sàn nhà. Ðưa vào bệnh viện Jean Talon mới biết anh bị đứt mạch máu não. Anh không bao giờ tỉnh lại, ra đi vĩnh viễn vào Tết Bính Tý (18, 19.2.1996). Anh qua Giao thừa trong hôn mê sau bữa tiệc tất niên cùng bạn hữu trước đêm 30 Tết. Chủ nhà xuất bản Sóng ra đời ngày 10 tháng 9, 1939 tại Phúc Yên, một tỉnh phía Bắc Hà Nội, vào Nam 1954 và học Chu Văn An. Anh sinh sống bằng nghề dạy học, thỉnh thoảng gửi bài cho các tạp chí. Chúng tôi cộng tác với nhau một thời gian ngắn trong nhật báo Tranh Ðấu thời Phật giáo vận động.
Mộng của Nguyễn Ðông Ngạc là phải dịch toàn bộ 45 truyện ngắn trong tác phẩm để đời của anh, như một nhà xuất bản có chủ trương văn hóa và khai phóng, vì theo anh đây là “những truyện ngắn tiêu biểu của văn học Miền Nam,” và anh “tin rằng về thơ và truyện ngắn chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.” Người viết bài này chia sẻ niềm tin ấy nơi người bạn ra đi quá sớm lúc mộng còn dở dang. Bộ sách anh làm xứng danh nhất trong mấy chục năm nay là bộ sách giá trị nhất về phần chọn lọc bài vở, tác giả, trình bày, và những công trình biên tập khiến “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, Hai Mươi Năm Văn học Miền Nam 54-75” là một bộ sách 40 năm qua chưa có đối thủ.
(Tháng 11, 2013)

Bài Mới Nhất
Search