T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Về New Orleans

Hôm nay, 29 tháng 8 năm 2009, đúng 4 năm ngày cơn bão Katrina tàn phá New Orleans và vùng Gulf Coast. Tôi lại nhớ và trở về thăm New Orleans (bằng thế giới ảo), thành phố tôi chỉ ghé qua một lần mà hình như định mệnh đã buộc tôi không thể quên cả đời.

4 năm trước, khi trận bão thế kỷ xảy ra, nhìn New Orleans chìm trong biển nước, tôi đã gởi đến thành phố ấy “Lời tình buồn gởi New Orleans“:

tôi cũng đã được đọc những bài ai điếu cho New Orleans, từ những người mà New Orleans  vốn là một phần máu thịt khiến họ không thể nghĩ đến một ngày mất New Orleans, như tôi đã từng không nghĩ đến một ngày sẽ mất thành phố Sài Gòn. Sau khi nước rút đi, sẽ trơ ra một New Orleans đầy ắp rác rưởi, xác người xác thú, một New Orleans  nồng nặc sự rữa nát của quá khứ. Cũng chẳng sao, người ta sẽ dọn dẹp sạch sẽ thành phố. Người ta sẽ dựng nên những căn nhà đẹp đẽ hơn, đồ sộ hơn,  ngăn nắp hơn.  Những con đường sẽ thẳng tắp hơn, bằng phẳng hơn, rộng rãi hơn. Chuyện đó chẳng có gì khó với nước Mỹ. (Lời tình buồn gởi New Orleans– Tháng 8 năm 2005).

 


3 năm trước, 1 năm sau ngày New Orleans tàn tạ, tôi lại viết ” New Orleans: Một năm sau cơn bão katrina“:

Một năm sau cơn bão thế kỷ Katrina. Một năm đủ dài để xóa tan mọi ảo vọng, đủ dài để bắt mọi người phải mở to mắt nhìn vào thực tại (trong đó có tôi). Bài học từ Versailles, xét cho cùng, dù New Orleans có học được, dù Biloxi có học được, cũng chỉ mang về những cư dân với trái tim héo úa và nụ cười ảm đạm như những đám mây giông trên bầu trời New Orleans hay Biloxi trong mùa bão. Theo tôi, người ta còn cần một thứ khác hơn nữa để làm sống lại New Orleans. Một thứ gì đó thật trừu tượng mà con số 110 tỉ Mỹ Kim Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn cho việc tái thiết hậu Katrina cũng không thể đem nó về được. Gần nửa thế kỷ trước, Louis Amrstrong (Nhạc sĩ Jazz huyền thọai đã gắn liền tên tuổi của mình với New Orleans) đã hỏi: “Do you know what it means to miss New Orleans?” . Những ngày cuối tháng 8 năm 2006 có một cư dân 63 tuổi sinh ra, lớn lên ở New Orleans và vẫn còn tiếp tục bám trụ đã đưa ra câu trả lời: I know what it means to miss New Orlean. Đôi mắt ông gìa 63 tuổi thật xa vắng. Ông bảo cái hồn thành phố đã vĩnh viễn ra đi, còn lại chỉ là mảnh đất xơ xác không một chút sinh lực. Vậy mà vẫn có người cứ mơ mộng rằng rồi đây New Orleans sẽ hồi sinh. Với tôi, New orleans đã chết rồi. Chết thật rồi. (New Orleans: Một năm sau cơn bão katrina – Tháng 8 năm 2006 ).

 


2 năm trước, tôi lại có: “New Orleans: Gởi thêm một chút tình buồn “:

“Thế là quá đủ cho một trận thiên tai. Không có cái hồn của người Sài Gòn thì Sài Gòn cũng chỉ là một thành phố hãnh tiến như bao thành phố khác ở Châu Á. Không có cái hồn của người New Orleans thì New Orleans cũng chỉ là một thành phố ồn ào như bao thành phố khác của nước Mỹ.

Tôi thầm cám ơn người bạn gìa bên ấy, đã can ngăn không cho tôi đi gặp lại New Orleans. Nếu không nghe lời anh, chắc là tôi thất vọng lắm. Dù sao, tôi vẫn muốn gởi thêm chút lời tình buồn nữa đến với New Orleans, để mai đây, khi tình cờ có gặp lại được New Orleans một lần nữa, mà nếu tôi và “nàng” có nhìn nhau như hai kẻ lạ mặt thì chắc “ai kia” cũng chẳng nỡ trách tôi là kẻ bội bạc.” (New Orleans: Gởi thêm một chút tình buồn – Tháng 8 năm 2007 )

Năm ngóai, tôi “Nhớ New Orleans“:

Không được đến tận nơi để ngồi xuống một góc của Café Du Monde nhấm nháp ly cà phê thơm phức và ngắm người qua kẻ lại thì tôi tìm mọi cách (tưởng tượng) khác để tìm về New Orleans cho đỡ nhớ. Cái cảm giác nhớ nhung một thành phố nó quay quắt không khác gì khi người ta nhớ nhà. Những con đường, những góc phố, những quán xá tưởng như vô tri vô giác nhưng chỉ khi xa rồi, người ta mới nhận ra chúng cũng có một tâm hồn như người, cũng sôi nổi, cũng đam mê, cũng háo hức , cũng mong đợi người đi xa trở về với lòng chung thủy không lay chuyển. Nếu không thế, kỷ niệm của những kẻ yêu nhau sẽ rất nghèo nàn và đơn điệu. (Nhớ New Orleans – Tháng 8 năm 2008 )

Thế đấy! Tôi nghĩ đến New Orleans như nghĩ đến một người tình cũ mà tôi đã rất mực yêu thương, nhưng định mệnh đã đẩy chúng tôi đi về hai phía khác nhau của đường đời.

Và, trên đường tìm về New Orleans qua thế giới . . . ảo, tôi đã nhận diện được thành phố ấy bằng ghi nhân của một người . . . không quen (4 năm sau cơn bão Katrina – Aristotle -Ngày 28 tháng 8 năm 2009 )

Thành phố hiện vẫn thu hút được một lượng du khách khá lớn và đây là nguồn thu nhập chính của thành phố (từ tax revenue, đặc biệt từ kinh doanh khách sạn). New Orleans là một thành phố của lễ hội với khu French Quarter nổi tiếng với các quán bar, nhà hàng, và là chốn ăn chơi thâu đêm. Tính đến tháng 4 năm 2009, số khách vận chuyển tại sân bay New Orleans là 700,000 – đã bằng mức của năm 2005, trước khi bảo xảy ra. Trước bão, thành phố có 39 bệnh viện lớn nhỏ hoạt động, con số này hiện nay là 27. Trước bão, thành phố có 190 ngàn địa chỉ nhận thư, hiện nay con số này là 155 ngàn.

Ước tính có 15 ngàn người Việt sinh sống ở khu vực New Orleans (metropolitan area) – dân số của cả khu này khoảng 1 triệu rưỡi (thuộc quận Orleans và Jefferson). Người Việt sống thành 2 khu chính. Bên bờ Tây của sông Mississippi, người Việt sống rải rác, hòa nhập vào văn hoa Mỹ tốt hơn, giàu hơn – khu này cũng may mắn thoát cảnh lụt lội. Người Việt bên bờ Đông sống tập trung giống như một cái làng với đầy đủ trung tâm kinh tế, nhà thờ, chùa và trường học. Khu này có nhiều người làm nghế đánh cá, nghèo hơn và kém hiện đại hơn dân Việt bờ Tây; và vì nẳm ở vùng thấp nên bị ngập khá nặng. Tuy nhiên, sau bão, khu này trở thành một biểu tượng của việc khôi phục lại với tỉ lệ trở về vào khoảng 90%. Đây cũng là một trong những cộng đồng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều học giả nhằm trả lời cho câu hỏi: những yếu tố nào tạo cho người Việt có một sức sống mãnh liệt, có khả năng hồi phục nhanh chóng, ngay cả khi không có trợ giúp từ chính phủ, và có tỉ lệ các tổn thương tâm thần liên quan đến Katrina ở mức thấp kinh ngạc. ” (Trích từ : 4 năm sau cơn bão Katrina – Aristotle – www.Vulung.com).


Bài Mới Nhất
Search