T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: New Orleans: Một năm sau cơn bão Katrina

clip_image002(Ảnh: www.tampabays10.com)

I know what it means to miss New Orleans.

(Frank Greene – 63 tuổi – cư dân New Orleans)

1.

Đã một năm, kể từ ngày trận bão Katrina tàn phá một cách không thương tiếc hai tiểu bang Louisiana và Mississippi, mà nơi thiệt hại nặng nhất là thành phố du lịch lừng danh New Orleans. Những ngày ấy, dù giữa trăm ngàn lời ai điếu khóc thương cho thành phố nhiệt đới đang chìm dần dưới làn nước bạc, vẫn có niềm hy vọng về viễn ảnh một ngày mai tái tạo những di tích nóng bỏng và ướt đẫm hơi thở các cô gái ngực trần đến từ khắp nơi trên thế giới nhân ngày lễ hội Mardi Gras, khu French Quarter với những quán xá, những nhà hàng, những ngọn đèn đường vàng vọt vì tiếng kèn buồn thảm của người nhạc sĩ đứng cô đơn ở một góc phố và con đường Bourbon tràn ngập người say rượu, các cô gái mặc áo hở lưng và những rác rưởi vất ra từ những cửa hàng. Những ngày ấy, hòa điệu cùng với những người mà New Orleans vốn là một phần máu thịt khiến họ không thể nghĩ đến một ngày mất New Orleans (như tôi đã từng không nghĩ đến một ngày sẽ mất thành phố Sài Gòn), giữa lúc New Orleans còn chìm trong biển nước, tôi đã tin tưởng rằng sau khi nước rút đi, sẽ trơ ra một New Orleans đầy ắp rác rưởi, xác người xác thú, một New Orleans nồng nặc sự rữa nát của quá khứ. Cũng chẳng sao, người ta sẽ dọn dẹp sạch sẽ thành phố. Người ta sẽ dựng nên những căn nhà đẹp đẽ hơn, đồ sộ hơn, ngăn nắp hơn. Những con đường sẽ thẳng tắp hơn, bằng phẳng hơn, rộng rãi hơn. Chuyện đó chẳng có gì khó với nước Mỹ.

Ngày ấy, tôi cũng đã từng tự hỏi mình: Nhưng có thật là New Orleans vẫn còn sống với những người từng mê đắm New Orleans như tôi không? Dù chỉ một lần gặp gỡ? Dù chỉ một lần đập bước chân trên những hè phố khuya thơm mùi nước hoa của những cô gái và men bourbon của những khách lãng du? Dù lần gặp gỡ duy nhất ấy chỉ xảy ra khi trên mái tóc thưa thớt của tôi đã hai màu sương muối? Lần ấy – đâu đã xa xôi gì cho lắm đâu, mới mùa hè năm trước đây thôi – ngất ngây giữa tiếng kèn nghèn nghẹn, giữa tiếng hát mơ hồ của người ca sĩ đang gập mình trên bàn phím dương cầm ở một quán nhạc bên kia đường, tôi đã hẹn với lòng nhất quyết sẽ trở lại nơi này một lần, nhiều lần nữa.

Đúng một năm sau ngày tự đặt cho mình câu hỏi ấy, tôi đã có câu trả lời. Một câu trả lời buồn bã và mệt mỏi. Như giọng nói uể ỏai của người bạn tôi bên kia đầu dây điện thọai, một cư dân của New Orleans cương quyết bám trụ từ ngày ấy đến nay. Căn nhà của anh bị ngập gần lên tới mái vẫn chưa sửa chữa được gì. Mùi ẩm mốc của tấm thảm lót nhà vẫn gợi một thứ ký ức chỉ muốn quên. Các công ty bảo hiểm viện dẫn đủ lý lẽ luật lệ để tìm cách chạy làng. Chính phủ thì không cung cấp đủ ngân sách (như đã hứa) cho việc tái thiết (1). Nhiều khu vực vẫn chỉ mới được dọn dẹp sơ sài. Hầu như phần lớn trong tổng số khỏang 78,000 căn nhà và chung cư bị hư hại nặng nề vì bão Katrina vẫn ở tình trạng như căn nhà người bạn tôi. Họ chờ đợi khỏan tiền bồi thường từ các hãng bảo hiểm, trợ cấp tái thiết từ chính phủ Liên bang, hay sự xét duyệt chấp thuận cho vay từ các ngân hàng. Không ít người trong số đó, đang phân vân không biết nên sửa chữa lại hay bỏ quách đó rồi dọn đi xứ khác làm ăn.

Đó cũng là tâm trạng người bạn của tôi, một người đã từng kinh qua rất nhiều cuộc tản cư chạy lọan, đã hơn một lần nhìn tài sản một đời chắt chiu của mình chìm trong biển lửa, và gần đây nhất (năm ngóai) lại nhìn căn nhà và chiếc xe không kịp lấy đi chìm dưới biển nước.

Tình hình các thành phố nằm dọc theo bờ Mississippi từ vịnh St.Louis cho đến Biloxi cũng không khá gì hơn. Một năm sau, mới chỉ có 5% số nhà cửa bị thiệt hại được xây dựng lại.

2.

Sự hồi sinh của một thành phố không chỉ là việc dọn dẹp những đổ nát, xây dựng lại nhà cửa, phố xá mà còn là sự trở về của những cư dân đã bỏ đi để tránh mưa bão lụt lội. Như đàn chim vỡ tổ bay đi lánh nạn, khi không còn hiểm nguy nữa thì lại rủ nhau quay về tổ ấm cũ.

clip_image004

(Ảnh: www.tampabays10.com)

Cả ở khía cạnh này, thành phố New Orleans vẫn chưa được hồi sinh, có thể, sẽ không bao giờ hồi sinh.

Căn cứ theo số người ghi tên sử dụng gas, điện, nước hiện nay của thành phố New Orleans, thì trong tổng số 455,000 dân số thời kỳ tiền Katrina, mới chỉ có chưa tới một nửa cư dân trở về lại mái nhà xưa. Nhiều khu chung cư vẫn trống huếch trống hóac. Không có tiếng trẻ con chơi đùa, không có các cụ gìa ngồi phì phèo thuốc lá trước hàng hiên. Nhiều con đường hai bên cỏ dại mọc đầy, vì thiếu bước chân người qua lại. Những khu vực lân cận New Orleans còn tệ hơn nữa. Thí dụ như St. Bernard parish, dân số hiện nay chỉ vào khỏang 20,000 so với 65,000 thời kỳ trước Katrina.

Tiền bạc (để tái thiết nhà cửa và bắt đầu lại cuộc sống) mới chỉ là một mặt của vấn đề. Cư dân lâu đời của những thành phố như New Orleans, sau cơn bão Katrina, như con chim bị tên một lần, mang tâm trạng sợ hãi mỗi khi mùa bão đến, lo lắng cho sự tái diễn một thảm họa. Không ít người quyết định dời đi nơi khác để bắt đầu lại cuộc sống, dù thành phố mình bỏ đi đã từng là mảnh đất dung chứa nhiều thế hệ của gia đình. Ít nhất, họ cũng rũ bỏ được cái ám ảnh về một thảm họa thiên nhiên mỗi khi nhìn trên tờ lịch thấy tháng 8 trở về.

Từ hậu quả dân số ngày càng ít ỏi, là một nền kinh tế không có máu. Dù ít người, nhân công không nhiều, nhưng công việc cũng không vì thế mà dễ kiếm. Nhiều hãng xưởng tìm cách dọn đi nơi khác. Các ngành phục vụ công cộng suy thoái, vì số du khách đã không còn đông đảo như xưa. Riêng ở New Orleans, số công việc đã giảm đi hơn 30% so với thời kỳ trước Katrina. Triển vọng ảm đạm của một nền kinh tế như thế hẳn không thể là lý do để kéo những người bỏ đi trở về. Vì thế, trong số hơn 100,000 nạn nhân Katrina hiện đang lánh nạn ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, một năm sau, con số 100,000 ngàn vẫn không có dấu hiệu thay đổi.

Mặt khác, còn vấn đề các phúc lợi công cộng. Ít dân, ngân sách sẽ thuyên giảm, các dịch vụ như an ninh đường phố, cứu hỏa, cũng sẽ kém hữu hiệu. Sống giữa một khu phố vắng vẻ, tâm trạng bất an khiến người ta khó sống khi mường tượng ra sự thiếu thốn an ninh của gia đình.

Như vậy, những cư dân làm nên nét đặc thù một thành phố (như New Orleans) đã không trở về, đã không muốn trở về. Có người, bấy lâu cương quyết bám trụ, bất chấp cơn cuồng nộ của trời đất, nay nhìn quanh quất, thấy chẳng còn ai, lại phân vân không biết nên ở hay bỏ đi .

Như người bạn của tôi. Một năm sau, anh không còn sự cương quyết đã khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Căn nhà chưa được sửa chữa, công việc bấp bênh đã đành, nhưng còn những con người đã từng một thời làm náo nhiệt những khu phố đỏm dáng thì sao vẫn chưa thấy quay về. Qua ống nghe điện thọai, tôi nhận được âm thanh của tiếng thở dài.

3.

Nhưng tình hình không phải là tuyệt vọng ở khắp mọi nơi mà cơn bão Katrina đã thổi qua. Ít nhất, sự hồi sinh đã xảy ra ở một cộng đồng Việt Nam sinh sống ở Versailles, một ngôi làng nằm về hướng Đông New Orleans, cách trung tâm thành phố khỏang 13 dặm. Ngôi làng tuy nhỏ, nhưng ngay từ đầu năm nay (tháng 1/2006) đã có hơn 1,000 người trở về, dựng lại hàng trăm căn nhà. Ngay lối vào khu vực, 24 cơ sở kinh doanh đã mở cửa trở lại, gồm các tiệm ăn, tiệm tạp hóa và ngay cả một văn phòng nha khoa. Trẻ em đã trở về, ghi danh đi học tại các trường công và tư lập. Ngòai ra, các công ty ở New Orleans thường đến cộng đồng Versailles để tuyển mộ nhân viên mà họ đang cần ngay một cách rất dễ dàng.

Nguyên nhân nào đã khiến một cộng đồng nhỏ bé, như cộng đồng Việt Nam ở Versailles, hồi sinh nhanh chóng, trong khi những khu vực chung quanh vẫn im lìm như một bãi tha ma?

Ký gỉa Lance Hill (2) đã viết trong Louisiana Weekly như sau:

“Sự hồi sinh của Versailles phần lớn là nhờ vào Giáo Xứ Nữ Vương Maria, với vị chánh xứ là linh mục Nguyễn Thế Viễn. Trước Katrina, giáo xứ này là trung tâm sinh họat tôn gíao và xã hội của hơn 4,000 người Việt Nam sinh sống trong khỏang 950 căn nhà chung quanh phạm vi một dặm của ngôi nhà thờ. Theo cha Viễn, có khỏang 1,000 người hiện sinh sống ở Versailles, cộng thêm với cũng khỏang 1,000 người nữa đang lục tục trở về vùng xung quanh New Orleans và đã sẵn sàng để xây dựng lại nhà cửa.

. . . Ngay từ những ngày đầu di tản, cộng đồng Versailles đã chuẩn bị một kế họach cùng nhau quay về và tái thiết ngôi làng. Chính quyết định cùng nhau trở về đã là một yếu tố quan trọng nhất giúp cư dân vượt qua được nỗi lo ngại rằng sự tái đầu tư của họ vào xây dựng lại ngôi làng có thể thất bại vì sau đó, ngôi làng đã không thể hồi sinh. Họ tin tưởng rằng, nếu họ mau chóng quay về và bắt đầu lại cuộc sống, chính quyền thành phố và các công ty điện nước sẽ cung cấp cho họ những nhu cầu cần thiết.

. . . Cộng đồng người Việt nam đã hồi sinh bất chấp mối đe dọa về lũ lụt có thể xảy ra trong tương lai, bất chấp những tốn kém rất lớn một khi cơ quan FEMA đòi hỏi họ phải nâng cao nền nhà họ đang ở để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra bởi các công ty bảo hiểm trước khi họ bằng lòng bán ra các hợp đồng bảo hiểm lũ lụt. Tất cả những khó khăn đó dường như chẳng mảy may suy xuyển quyết tâm của cộng đồng người Việt Nam. Họ đã không chờ cho các cơ quan chính quyền bảo họ nên về hay không và khi nào thì nên quay về. . . .” (3)

Sau khi ghi nhận những sự kiện, Lance Hill tự đặt câu hỏi:

“. . . Liệu chúng ta học được gì từ phép lạ vừa xảy ra ở làng Versailles (Versailles miracle)? Cộng đồng nhỏ bé người Việt có nhiều tính chất đặc thù giúp họ thành công trong việc tái dựng lại cuộc sống, mà một số tính chất ấy có thể đem áp dụng ở các cộng đồng khác. Trước hết, đó là tính chất một nền văn hóa đặt quyền lợi tập thể trên quyền lợi cá nhân, và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng đó là phải giúp đỡ mọi người mỗi khi gặp khó khăn. Điều đó bắt nguồn từ ý thức rằng sự tồn tại của một cá nhân luôn luôn lệ thuộc vào sự tồn tại của cộng đồng mà cá nhân đó thuộc về.

. . . Có lẽ, yếu tố quan trọng nhất đưa đến phép lạ Versailles là cộng đồng người Việt đã không chỉ trông chờ vào sự cứu giúp của chính quyền. Trước hết, họ dựa vào chính mình . . . “(4)

Lance Hill hỏi một cư dân của Versailles rằng liệu ông có lo ngại rồi đây sẽ lại còn lũ lụt nữa và thế là bao công khó của ông sẽ lại trôi đi theo làn nước bạc, tác gỉa nhận được câu trả lời rất “Việt Nam”: ” Đấy, như ông biết! chúng tôi đã vượt thóat khỏi Việt Nam. Chúng tôi đã vượt thóat khỏi New Orleans. Giờ đây, chúng tôi đã quay trở về. Trở về để tiếp tục sinh sống nơi đây. “(5) Anh nhà báo người Mỹ lại hỏi tiếp, nếu chính quyền thành phố mang xe hủ lô (Bulldozer) đến ủi sập làng thì sao? Người Việt Nam ấy cười to, trả lời bằng cách hỏi ngược lại: “Liệu họ có dám ủi sập những căn nhà có người sinh sống ở trong đó hay không?”(6)

Nghe thế, Lance Hill kết luận – Ông ta nói có lý !(7)

4.

Một năm sau cơn bão thế kỷ Katrina. Một năm đủ dài để xóa tan mọi ảo vọng, đủ dài để bắt mọi người phải mở to mắt nhìn vào thực tại (trong đó có tôi). Bài học từ Versailles, xét cho cùng, dù New Orleans có học được, dù Biloxi có học được, cũng chỉ mang về những cư dân với trái tim héo úa và nụ cười ảm đạm như những đám mây giông trên bầu trời New Orleans hay Biloxi trong mùa bão. Theo tôi, người ta còn cần một thứ khác hơn nữa để làm sống lại New Orleans. Một thứ gì đó thật trừu tượng mà con số 110 tỉ Mỹ Kim Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn cho việc tái thiết hậu Katrina cũng không thể đem nó về được. Gần nửa thế kỷ trước, Louis Amrstrong (Nhạc sĩ Jazz huyền thọai đã gắn liền tên tuổi của mình với New Orleans) đã hỏi: “Do you know what it means to miss New Orleans?”. Những ngày cuối tháng 8 năm 2006 có một cư dân 63 tuổi sinh ra, lớn lên ở New Orleans và vẫn còn tiếp tục bám trụ đã đưa ra câu trả lời. I know what it means to miss New Orlean. Đôi mắt ông gìa 63 tuổi thật xa vắng. Ông bảo cái hồn thành phố đã vĩnh viễn ra đi, còn lại chỉ là mảnh đất xơ xác không một chút sinh lực. Vậy mà vẫn có người cứ mơ mộng rằng rồi đây New Orleans sẽ hồi sinh. Với tôi, New orleans đã chết rồi. Chết thật rồi.

Biết rằng New Orleans đã chết rồi, vậy mà ông gìa vẫn cương quyết bám trụ. Tôi lại nhớ đến người bạn tội nghiệp của mình. Tuy không sinh ra ở mảnh đất này, nhưng anh cũng hết lòng với nó không thua gì ông già “New-Orleansian” chính gốc nói trên. Liệu đây có đáng là một bài học cho những người khác noi theo không?

Hay họ cũng chỉ là những ông gìa gàn dở lẩm cẩm chỉ sống bằng chút vang bóng của những ngày xưa cũ?

T.Vấn

(Mùa bão 2006)

(1) Thực ra, ngay sau khi con bão Katrina tạm nguôi cơn thịnh nộ, chính phủ Liên Bang đã chi 25 tỉ đô la cho việc cứu trợ, trong đó, chỉ có 117 triệu đến được tay các nạn nhân ở New Orleans và các cuộc điều tra sau đó cho thấy, đã có ít nhất 2 tỉ bị lãng phí trong các công việc cứu trợ không thực sự liên quan đến người cần giúp đỡ. Tính đến nay (tháng 8/2006), số tiền được phê chuẩn cho việc tái thiết cho những khu vực bị hư hại là 110 tỉ, nhưng mới chỉ có 44 tỉ được sử dụng. Cơ quan FEMA (Federal Emergency Management Agency) đã dùng 6 tỉ trong số tiền 44 tỉ này để cung cấp trực tiếp đến gần 950,000 nạn nhân những chi phí về chỗ ở tạm thời. Đây là con số trợ cấp cao nhất cho nạn nhân những thảm họa thiên nhiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

(2 ) Lance Hill, gốc gác từ Belleville, Kansas, hiện là gíao sư phụ giảng môn lịch sử ở đại học Tulane, New Orleans. Ông còn phụ trách mục bình luận trên tờ Louisiana Weekly phát hành ở New Orleans.

(3)(4)(5)(6)(7) Trích dịch từ: The Miracle of Versailles: New Orleans Vietnamese Community Rebuilds của Lance Hill. Louisiana Weekly. 23-1-2006

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search